10.Những biến tấu của chiếc áo dài

    
o dài tự nó đã là một biến tấu. Thời Pháp thuộc, một nhà tạo mốt tên là Cát Tường đã lấy cảm hứng từ chiếc áo dài truyền thống của các cụ đồ nho ngày xưa để biến tấu ra chiếc áo dài tân thời. Vì thế chiếc áo dài được mang tên ông. Nhưng vì “Tường” tiếng Pháp gọi là “Le Mur” nên chiếc áo dài được giới chuộng thời trang thời ấy gọi là áo Le Mur.
Nhìn lại những bức ảnh cũ của các người mẫu trong tranh lụa của họa sĩ Tú Duyên ta thấy áo Le Mur không khác với áo dài ngày nay là mấy. Cổ áo thấp, vạt áo ngắn, tà ôm ngay dưới đầu gối, chỉ khác áo dài raglan cái ”tay ráp”. Tuy vậy áo dài của các cô gái Hà Nội và Sài Gòn thời ấy cũng là một kiệt tác nhờ vẻ dáng thanh lịch với hai tà áo tha thướt, vòng eo ôm sát cái lưng ong yểu điệu của giai nhân. Các cô mặc áo dài thường đeo kiềng vàng.
Về sau, với các nghệ sĩ như Phùng Há, Năm Phỉ, Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc… cổ áo được nâng cao lên sát quai hàm. Ðó là một mốt mới, biến tấu của chiếc Le Mur.
Có người nói phụ nữ thời ấy chuộng cái cổ cao vì họ chưa có nhu cầu nhìn ngang liếc dọc. Ra đường, chị em thường nhìn thẳng ra dáng con nhà lành, cành vàng lá ngọc. Cũng có thể thời ấy mỹ phẩm chưa nhiều, da dẻ của các chị chưa thật mịn màng trắng trẻo nên chiếc áo cổ cao đóng vai trò che chắn bớt những nhược điểm đó chăng?
Về sau này đời sống khá hơn nên trong văn thơ xuất hiện những cụm từ như “chiếc cổ trắng ngần“, “gáy nàng thơm như sữa”… do đó cổ áo dài thấp xuống còn hai phân để phô bày cái phần da thịt thơm tho mát mẻ đó.
Cũng có thể vì đời sống khá hơn, phố xá đẹp hơn, nam thanh nữ tú nhiều hơn nên xe gắn máy kè kè tán tỉnh dồn dập, các nàng có nhu cầu nhìn sang phải ngó sang trái và… đàng sau quay! Vì thế mà cái cổ cao trở nên bất tiện.
Cổ áo thấp quả thật có ưu điểm là làm tôn vẻ đẹp của cổ, đồng thời giúp cho cái cổ ngắn tạo được cảm giác “dài“ ra thêm chút đỉnh.
Nhưng phải đợi đến thời ma-đam Ngô Ðình Nhu thì chiếc áo dài xinh đẹp của chúng ta mới bị đem ra pháp trường xử trảm. Và có lẽ vì đao phủ hơi mạnh tay nên vết chém khoét sâu xuống ngực để ló hai cái xương đòn gánh. Tất nhiên không phải ai cũng lòi xương đòn gánh như bà cố vấn. Có người cũng nhờ áo dài mô-đen hở ngực này mà khoe được tí của. Nhưng kiểu áo dài nửa Tây nửa ta ấy cũng không mấy ai ưa chuộng nên cổ áo lại dần dần nhú lên, nhân tiện rụng mất hai tay, thay vào đó là hai tay ráp mà giới sành điệu gọi là ”áo dài raglan”. Mốt ấy tồn tại cho đến bây giờ. Nó tồn tại vì nó có ưu điểm là làm cho ngực áo thẳng, nách và hai tay không nhăn nheo như kiểu Le Mur, tạo được cảm giác tròn lẳn cho vùng ngực và thon thả cho hai cánh tay.
Nhưng nãy giờ chúng ta mới sơ lược lịch sử của cái cổ mà chưa nói đến nỗi thăng trầm của hai tà áo và vòng eo.
Cổ áo và tà áo quả thật là có mối quan hệ với nhau như thủy triều quan hệ với mặt trăng. Thời Le Mur cổ hạ thấp thì hai tà áo cũng chỉ quá gối. Sang thời Thái Thanh, Khánh Ngọc cổ mọc cao lên thì hai tà áo cũng dài ra thêm cho đến chấm gót. Tà áo dài quá làm cho dáng trở nên lùng bùng vướng víu và nếu ai có cặp đùi đẹp thì chẳng có cơ hội để mà khoe khoang tí chút. Vạt áo dài chấm gót làm cho dáng người trở nên lùn. Chính vì thế mà về sau khi cổ áo hạ xuống thì hai vạt áo cũng ngắn lại chỉ lửng lơ dưới đầu gối độ vài tấc.
Tà áo ngắn tạo ấn tượng tươi trẻ, linh hoạt. Khi bóng hồng lướt đi, làn gió nhẹ thoảng qua, nâng tà áo lên, tạo ra dáng vẻ lãng mạn như cánh chim bay.
Tuy nhiên cũng có kẻ tưởng lầm áo dài là cái mini-jupe nên cắt hai tà áo lên thật ngắn, trên đầu gối. Chiếc áo của chúng ta dở khóc dở cười bởi vì nó vừa giống áo bà ba mà lại không phải áo bà ba. Còn nếu gọi nó là áo dài thì mắc cỡ vì thật ra nó quá… ngắn.
Âu đó cũng là cố gắng của các nhà tạo mốt.
Cái vòng eo cũng thế. Ðể cho nó thật ôm sát vào người, các vị thợ may cho ”chít banh“ bốn hướng đông tây nam bắc.
Áo thì có eo thật nhưng góc cạnh quá. Cái lưng ong thon thả của giai nhân bỗng biến thành cái hộp gỗ cứng đờ. Nhiều người thấy nhược điểm ấy liền bỏ kỹ thuật “chít banh“ đi và lưỡi kéo của nhà tạo mốt lượn một đường lả lướt cho lưng áo được tự nhiên, tạo vẻ mềm mại uyển chuyển của đường nét từ lưng xuống vùng mông phía sau, và từ bụng lượn xuống vùng đùi gợi cảm phía trước. Sự thả lỏng cố ý và đầy nghệ thuật ấy đã tôn vinh và thánh hóa ”những đường cong tuyệt mỹ” mà thượng đế đã phú cho người nữ.
Có nhà tạo mốt còn tiến xa hơn với mốt áo dài không eo, nghĩa là suôn đuộc từ trên xuống dưới. Bạn đừng cười và cho họ là điên rồ nhé. Môđen ấy trước kia đã một thời được giới nữ sinh trung học hâm mộ. Người ta gọi đó là ”mốt nữ sinh”. Không cầu kỳ, không làm điệu.
Có lẽ một ngày nào đó, nhà tạo mốt đi lang thang trên con đường có nhiều tu viện chợt bắt gặp một nữ tu với chiếc áo dòng rộng thùng thình đi lẻ loi giữa hàng cây cao. Nhà tạo mốt chợt nhìn thấy vẻ thánh thiện toát ra từ kiểu áo rộng thùng thình ấy và đã biến tấu thành mốt nữ sinh một thời nổi tiếng.
Chẳng biết ngày nay có em nữ sinh nào còn giữ được cái mốt ấy hay không?
Ðã lâu rồi tôi giã từ bục giảng, tôi không có dịp gần gũi các em, nhưng tôi vẫn nhớ.