1.

Vũng Tàu. Sáng hôm nay, lúc cái khối tròn đỏ rực như quả cầu lửa còn chưa nhô ra khỏi lòng biển thì du khách đã đổ về Vũng Tàu.
Nắng dần lên cao nhuộm cả không gian một màu vàng rực - nước biển xanh trong biêng biếc. Gió từ ngoài khơi lồng lộng thổi vào. Sóng biển nô đùa, ca hát. Sóng lớn, sóng nhỏ, sóng sau dồn sóng trước cuồn cuộn vỗ vào bờ làm bọt trắng văng tung tóe.
Những con đường tráng nhựa phủ bởi một lớp cát mỏng ướt đẫn sương đêm cũng bắt đầu khô ráo. Rừng dương xanh thẳm lại rì rào chuyện trò với gió.
Trong một cánh rừng dương những chiếc cửa sổ của ngôi biệt thự đứng đơn độc đã được mở bung ra. Cánh cửa ra vào cũng từ từ he hé và mở rộng. Từ bên trong, một cô gái còn rất trẻ bước ra ngoài, bộ đồ thun ngủ màu tím ôm lấy thân thể chắc nịch của cô.
Cô bước thẳng ra sân, ngẩng đầu - nheo nheo mắt nhìn ánh mặt trời rồi quay lại làm vài động tác thể dục. Xong xuôi, cô chạy quanh vài vòng sân rồi dừng lại trước một khóm hồng nhung mới nở tuyệt đẹp. Cô quan sát cành hồng một cách tỉ mỉ rồi phụng phịu nói nhỏ sau khi đừa tay rung nhẹ cành hồng cho những giọt sương sớm còn đọng trên càng hoa rơi xuống:
- Những hạt sương này, hãy rơi xuống mau đi. Các ngươi không xứng đáng bám mãi ở đây.
Nhìn những hạt sương rơi xuống đất, cô gái hài lòng mỉm cười:
- Có thế chứ!
Đột nhiên có tiếng còi xe bóp inh ỏi. Cô gái rời khỏi khóm hoa quay phắt lại. Trên con đường dẫn vào biệt thự, chiếc xe du lịch quen thuộc hiện ra, cô gái nhảy tưng reo lên:
- Ô! Vũ Dung đã về. Phải báo cho dì hay mới được.
Cô gái quay vào, chưa đến cửa thì bên trong phòng khách, người đàn bà tóc điểm hoa râm vẻ mặt lạnh lùng quí phái bước ra. Đôi mắt bà mở to vô hồn. Trên tay bà là cây gậy bằng gỗ đỏ cứ quờ quạng liên tục. Bà chính là chủ nhân của ngôi biệt thự - Bà Khả Nhu.
Bước đi thành thạo, bà Khả Nhu qua khỏi ngưỡng cửa tiếp tục lần cây gậy về phía trước. Trông thấy dì, cô gái chạy đến đỡ lấy tay bà reo lên:
- Dì ơi! Vũ Dung... Vũ Dung đã về.
Ánh mắt không hồn như mở to hơn, bà Khả Nhu dừng bước mấp máy:
- Tâm Đan, con vừa nói gì?
Tâm Đan cười tươi, mắt hướng nhìn ra cổng.
- Dì quên rồi sao? Hôm nay là chúa nhật. Trên gương mặt lạnh lùng thoáng động đậy nụ cười. Bà Khả Nhu gật đầu:
- Phải rồi. Chúa nhật nào Vũ Dung cũng về với ta. Nó đã đến chưa?
Tâm Đan vội đáp:
- Đến rồi! Đến rồi!
Một hồi còi vang lên. Từ phía sau vụt lên một bóng người nữa chạy thẳng ra cổng. Tâm Đan giải bày:
- Chị Lựu đã ra mở cổng rồi, chị Vũ Dung sẽ vào với Dì ngay.
Bà Khả Nhu hơi xúc động. Bà nắm tay Tâm Đan lay mạnh:
- Hãy đưa Dì ra sân. Dì muốn đón Vũ Dung.
Tâm Đan vâng lời dìu bà Nhu xuống bậc tam cấp. Từng bước chân của bà nhẹ bỗng, nhẹ bỗng như đang lướt gió.
Cánh cổng mở rộng, chiếc xe du lịch tiến vào thật chậm rồi đỗ hẳn lại.
Tiếng của bà Khả Nhu vang lên thanh tao, bà gọi tên con gái thật êm ái.
- Vũ Dung! Vũ Dung!
Từ trong xe, một cô gái cao dong dỏng thon thả bước xuống. Gương mặt của cô đẹp sắc sảo, rực rỡ. Cô ăn mặc rất mode. Nhìn cô giống như một minh tinh màn bạc, không hề có nét gì của một cô sinh viên y khoa năm cuối.
Trông thấy mẹ, Vũ Dung lao đến:
- Mẹ! Mẹ...! Con đã về nè xin lỗi mẹ! Tuần rồi con không về thăm mẹ, chắc mẹ trông và buồn lắm hả.
Trong vòng tay con gái, bà Khả Nhu mỉm cười, tròng mắt rưng rưng:
- Không sao! Không sao! Con đã về tới là được rồi! À! Chú Thạch, chú Thạch đâu?
Người tài xế thân tín và lâu năm của gia đình nghe chủ gọi liền chạy đến.
- Thưa bà! Tôi đây!
- Phiền chú quá nhiều rồi! Mấy năm nay tuần nào chú cũng vào Sài Gòn rước nó vậy mà chẳng bao giờ than mệt nhọc. Tôi...!
Chú Thạch cười hiền hậu:
- Bà chủ. Xin bà đừng bận tâm tôi mang ơn ông bà đã nhiều mà chưa có đền đáp được gì. Tôi và Lựu có một đời sống hạnh phúc là cũng do ông bà kết hợp, đùm bọc. Chúng tôi nguyện không rời khỏi nơi này.
Chị Lựu đứng cạnh chồng lên tiếng:
- Chuyện đâu có gì bà lo lắng chi nhiều. Bà nên vui với Vũ Dung đi. Vũ Dung nhìn vợ chồng chú Thạch trìu mến quay sang Tâm Đan.
- Em mang hành lý vào giùm chị. Để chị tự tay dìu mẹ. Mẹ! chúng ta vào nhà nha.
Mím môi cười, bà Khả Nhu đưa tay sờ khắp mặt con. Đôi mắt của bà dù không thấy gì nhưng vẫn nhìn con đăm đăm, yên lặng một chút bà mở lời:
- Vũ Dung! Nói cho mẹ nghe xem. Hôm nay con mặc đồ gì nào? Vũ Dung cười đôn hậu, nàng ông lấy mặt mẹ hôn thật kêu trên trán bà rồi mới trả lời:
- Mẹ à, con đang mặc trên người chiếc quần "Jin" màu xanh và chiếc áo thun sọc xanh dương - Kẹp tóc của con là một cái nơ to màu xanh dương có chấm trắng. Mẹ thấy có hợp không?
Bà Khả Nhu có vẻ nghĩ ngợi, bà chau mày.
- Con có trang điểm không?
- Dạ có! Rất nhẹ.
- Vậy hãy nói màu mắt và màu son.
Vũ Dung không còn lạ gì với thói quen này của bà. Trước mặt mẹ là bóng đen nhưng không vì thế mà bà mất đi ánh sáng trong đầu. Chỉ cần vài câu hỏi và Vũ Dung trả lời thì bà sẽ đưa ra những nhận xét rất tinh tế và loại trang phục mà Vũ Dung đang mặc hoặc là màu sắc trang điểm trên mặt của cô rất hợp hay không hợp. Thuở xưa bà là một người phụ nữ rất đẹp, Vũ Dung chỉ biết có thế - Còn cuộc đời, những phiền muộn sầu lắng trong lòng bà và đôi mắt mù lòa kia thì Vũ Dung chưa bao giờ nghe mẹ nói hay kể lại cho nàng hiểu. Bà đã cố giấu, cố che lấp và Vũ Dung hiểu rằng nàng không có quyền đụng chạm đến đời tư của mẹ.
Mải lo suy nghĩ Vũ Dung quên mất mình phải trả lời mẹ, sực tỉnh, nàng vội vã nói:
- Màu tô mắt của con hôm nay là màu tím. Son môi màu hồng cánh sen.
- Như vậy thì, con gái của mẹ hôm nay từ đầu đến chân đều rất là trang nhã... Nếu mẹ nhìn thấy con... chắc không ngăn được sự hãnh diện.
Vũ Dung ôm chầm lấy mẹ rồi dìu bà bước nhẹ nhàng:
- Chúng ta vào nhà nha mẹ, mặt trời lên cao, nắng gay gắt rồi.
Bà Khả Nhu gật đầu bước theo con gái. Đã mấy năm nay, từ lúc Vũ Dung vào đại học thì ngày chúa nhật là ngày vui nhất của bà.
Vũ Dung vừa đưa mẹ vào đến thì Tâm Đan xuất hiện với khay nước trên tay, miệng cười toe toét. Vũ Dung dìu mẹ ngồi xuống ghế đọan nhìn Tân Đan hỏi:
- Tâm Đan có gì vui vậy?
- Vui cái gì bây giờ? Ngôi nhà này chỉ rộn rã vào ngày chúa nhật, khi chị về đến. Em không vui vì chị thì vui vì ai đây? Vũ Dung, sao tuần rồi chị không về?
- Bận vài công tác xã hội. Đám sinh viên của chị đang góp gió thành bão đây.
Tâm Đan để khay nước xuống rồi thận trọng bưng trao tận tay dì Nhu tách trà sâm. Dì Nhu đón lấy tách trà, lên tiếng:
- Tâm Đan! Có làm nước cam vắt cho Vũ Dung không vậy?
- Dạ có, con làm cho tất cả kể cả vợ chồng Thạch Lựu. Mọi người đều uống nước cam, chỉ có Dì là trà sâm thôi.
Hớp một ngụm, trà sâm, bà Nhu khe khẽ gật đầu. Tâm Đan trao ly nước cam cho Vũ Dung rồi lấy phần mình - ngồi xuống ghế. Vũ Dung im lặng uống nước. Vài giây trôi qua chất nước chua chua ngọt ngọt làm cho Vũ Dung khỏe khoắn. Nàng nhích đến gần mẹ đón lấy tách trà của bà để xuống bàn rồi nói:
- Mẹ à, con có chuyện muốn nói.
- Chuyện gì thế?
Bàn tay bà Khả Nhu lần đến mái đầu con gái. Bà vuốt nhẹ lên chiếc nơ rồi nhẹ nhàng vuốt tóc con gái, chờ đợi. Vũ Dung nhìn mẹ chăm chăm, mở lời:
- Con sẽ ở lại đây hai ngày nữa rồi mới trở lại trường. Ngày mai con có thể mượn ngôi nhà này để tiếp đón các bạn của con được không hở mẹ?
Vầng trán của bà Nhu thoáng nhăn. Bà vỗ nhẹ lên đầu Vũ Dung, hờn trách.
- Con ngỡ mẹ là một bà già khó tánh hay sao hả. Ngôi nhà này của con đó... Con muốn gì thì cứ tự nhiên. Mẹ rất vui lòng.
Tâm Đan trợn mắt xen vào:
- Ở đây vốn dĩ vắng lặng, lâu lâu có dịp vui vẻ là một điều hay. Vũ Dung à, các bạn của chị cắm trại hả?
Vũ Dung lắc đầu:
- Không phải! Có lẽ phải nói cho mẹ và Tâm Đan cùng hiểu mới được. Nhà nước ta hiện đang có chủ trương "xóa đói giảm nghèo". Đám sinh viên chúng con tham dự đến mức tối đa vẫn thấy còn chưa đủ. Sau khi bàn bạc với các bạn, chúng con quyết hợp lực đứng ra lập một tổ chức lạc quyên có tên là "Bàn Tay Nhân Ái". Mức độ lạc quyên tùy ở mỗi người nhưng không biệt lập trong giới sinh viên mà còn lan rộng ra ngoài, thu hút nhiều nhà hảo tâm thích làm việc từ thiện.
Bà Khả Nhu nôn nóng hỏi:
- Việc rất tốt, nhưng các con làm bằng cách nào?
Vũ Dung cảm kích ôm lấy cách tay mẹ, đưa đầu vào đó rồi nói tiếp:
- Tất nhiên là có cách thưa mẹ. Tụi con đăng báo chương trình vận động rồi thuê một cái hòm thư bảo đảm sự cẩn mật tại bưu điện lớn để quyên góp. Kết quả hai tháng qua số tiền đã lên đến con số hàng chục triệu.
Tâm Đan cười rạng rỡ, reo lên:
- Ui cha! Nhiều dữ vậy à? Rồi số tiền đó sẽ làm gì?
Vũ Dung tươi cười:
- Tất nhiên là dùng để góp một phần nho nhỏ vào việc "xóa đói giảm nghèo".
Vũ Dung quay sang mẹ:
- Mẹ có biết không, tụi con không ngờ số tiền bạc quyên lại lên cao như vậy... Mẹ thấy chúng con có giỏi không?
Bà Khả Nhu gật đầu, ánh mắt linh động:
- Giỏi, giỏi lắm! Nhưng mà, con lại quên mất bà già này. Sao không vận động mẹ hả?
Vũ Dung tròn mắt:
- Thật vậy hả mẹ?
- A! Con bé này... con xem mẹ là gì nhỉ? Một bà già chỉ thích sống biệt lập hay sao? Không biết đến công việc từ thiện à.
Tâm Đan hết nhìn Vũ Dung lại nhìn dì Nhu. Nàng cười khe khẽ.
- Dì à, nếu dì thích làm việc từ thiện thì ngay bây giờ đâu có muộn.
Vũ Dung lên tiếng:
- Đúng như vậy đó mẹ! Lúc nào cũng được, bao nhiêu cũng được mà.
- Vậy thì... Ta sẽ đóng góp hai triệu, bao giờ con đi ta sẽ đưa cho.
Vũ Dung bá lấy cổ mẹ hôn chùn chụt lên trán bà:
- Mẹ của con tuyệt vời quá!
Bà Khả Nhu hôn trở lại con gái rồi nói:
- Con của mẹ càng tuyệt vời hơn.
Tâm Đan đang vui vẻ cùng mọi người chợt dừng lại ấp úng:
- Chị chưa nói cho em hiểu... Các bạn của chị... ra đây... để...?
Vũ Dung nhìn điệu bộ của Tâm Đan không nhịn được cười, con bé này bao giờ cũng hồn nhiên và vô tư quá đỗi. Từ ngày mẹ bị mù đôi mắt cho đến nay Tâm Đan đã hết nước mắt xin với cha mẹ ruột cho đi theo hầu hạ dì Nhu. Ngày qua ngày, cô bé sống an phận bên mẹ nàng. Tự nguyện thay thế đôi mắt cho bà - Nhờ vậy mà Vũ Dung mới yên tâm vào đại học và mẹ nàng đỡ vất vả, cô quạnh. Bà Nhu xem Tâm Đan như con gái ruột, còn tình cảm của Vũ Dung thì càng lúc càng khăng khít thương yêu hơn cả chị em ruột. Vũ Dung nghĩ ngợi, trìu mến nhìn Tâm Đan:
- Em thật muốn biết lắm sao?
Tâm Đan cười cười:
- Em còn muốn biết các bạn của chị ở lâu hay mau nữa kià... ít ra em và dì cũng được vài ngày vui lây.
Vũ Dung hùng hồn tuyên bố:
- Thật ra, cũng không phải rảnh rang mà đi du lịch như vậy. Lúc phát động mọi người tham gia "Bàn tay nhân ái " tụi chị có dành một phần thưởng cho những ai có số tiền quyên góp cao. Cuối cùng chọn ra được mười người. Họ đều là những nhà hảo tâm. Cùng góp một ít tiền, tụi chị tổ chức một chuyến tham quan Vũng Tàu và gởi thiệp mời họ. Chị về đây trước để chuẩn bị, sáng mai các bạn chị sẽ cùng họ ra tới. Chiều nay chị phải ra Bãi Sau thuê phòng của nhà nghỉ Tháng Mười cho họ lưu trú, ăn uống.
Tâm Đan nhăn nhó:
- Vậy là họ không đến đây sao?
- Đến chứ! Mẹ! Con định tối mai tổ chức một buổi tiệc khoản đãi họ ở nhà mình cho đỡ tốn kém. Mẹ thấy sao?
Bà Khả Nhu quờ đặt tay lên vai Vũ Dung, mỉm cười:
- Mẹ rất đồng ý với sự tính toán của con. Buổi tiệc tối mai mẹ sẽ chiêu đãi, các con khỏi lo lắng tiền bạc nữa.
- Nếu như vậy các bạn của con sẽ mừng lắm đó. Cảm ơn mẹ!
Bà Khả Nhu vui vẻ nựng má Vũ Dung.
- Làm được cho con điều gì mẹ cũng làm cả. Gia đình này đơn chiếc lắm. Nếu có vui thì cũng vui với nhau.
Tâm Đan nhanh chóng nhận ra vẻ buồn buồn trong lời nói của dì Nhu nên chau mày kêu lên:
- Dì lại buồn nữa rồi à... Đang vui sao dì không vui, giọng nói của dì chùng xuống mà còn lạc đi nữa.
Bà Khả Nhu thoáng sững sờ thầm hỏi mình:"Tự bao giờ thế? Tự bao giờ con bé đáng yêu quí nó đọc được, biết được những thay đổi nội tâm của ta? Lời nói của ta chỉ có một chút biến đổi mà nó cũng nhận ra được. Ta quên rằng năm nay nó đã hai mươi tuổi rồi. Không hiểu hình dáng của nó ra sao? Đẹp hay xấu? Nếu xấu thì thật là tội nghiệp và ông trời hơi bất công đó ". Bà Khả Nhu trầm tư một lúc rồi gọi Tâm Đan bằng giọng thật ngọt ngào:
- Tâm Đan! Bây giờ thì con nghĩ xem ta còn buồn nữa không?
Tâm Đan hồn hiên trả lời sau khi quan sát kỹ lưỡng gương mặt dì Nhu:
- Dì đã thư giãn rất nhiều rồi. Nếu khi nãy Dì suy nghĩ đến một điều nào đó chợt phát cơn phiền muộn. Thì bây giờ mười phần chỉ còn lại hai thôi.
Thấy mẹ mỉm cười Vũ Dung buộc miệng:
- Tâm Đan! Bộ mẹ chị hay buồn phiền vu vơ lắm hả?
Sợ con gái lo lắng, bà Nhu xua tay:
- Nào có như vậy! Có chăng là những lúc mẹ nhớ ba của con và tiếc đôi mắt. Nhưng riết rồi quen... Vả lại có Tâm Đan, mẹ không còn phải lo nghĩ gì nữa.
Vũ Dung thở nhẹ ra:
- Con nghĩ, đôi mắt đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ nhiều quá rồi và mẹ cũng đã khổ sở nhiều thì đừng nên nghĩ đến những chuyện xa xưa dĩ vãng mà lấy làm buồn nữa. Con khuyên mẹ như vậy bởi vì buồn không có lợi. Hết năm nay thì con quay về với mẹ rồi... Lúc ấy nhà này chắc sẽ vui lắm. Rồi sau này Tâm Đan sẽ có chồng, sẽ sinh con. Mẹ có cháu bồng sẽ vui hơn nữa.
Tâm Đan trợn mắt kêu to:
- Chị khôn quá vậy! Chị lớn hơn em thì tất nhiên phải có gia đình trước chứ sao lại gán cho em trước vậy.
Vũ Dung nháy mắt:
- Có thiệt thòi gì đâu nào.
Tâm Đan cố cãi:
- Không thiệt thòi thì "chị trước đi em sau ".
Bà Khả Nhu cười thật tươi, can gián:
- Đừng có tranh cãi nữa. Trước sau gì thì cũng phải có chồng mà.
Vũ Dung cười ré lên:
- Đúng rồi... nhưng mà... Tâm Đan sẽ có chồng trước con. Để mẹ xem!
Tâm Đan bật hẳn người lên:
- Chị nói xấu em hà.
Vũ Dung vẫn cười:
- Em định làm gì vậy hả?
- Thọt lét chị để trả thù chứ làm gì.
Vũ Dung la lên rồi nhanh chân chạy ra ngoài, đưa hai tay lên:
- Không giỡn nữa nha, để chị đi thay đồ tắm rửa. Mệt lắm rồi! Con lên phòng nghe mẹ.
Bà Khả Nhu gật đầu:
- Ờ! Đi thay đồ cho mát mẻ đi.
Vũ Dung chạy vụt đi. Nàng đến nửa thanh lầu thì dưng lại nói to:
- Tâm Đan! Ngày mai hãy cố chọn trong đám bạn của chị một vị hoàng tử nha.
Tâm Đan vừa thu dọn ly tách để vào khay vừa hét lên:
- Em cóc thèm! Chọn các bạn của chị để em chọn "thằng gù nhà thờ Đức Bà" còn hay hơn nhiều.
Có tiếng cười của Vũ Dung và tiếng mất hút của bước chân nàng. Tâm Đan bưng khay nước ra sau nhà. Còn lại một mình Khả Nhu lần gậy đứng lên mỉm cười nói:
- Đúng là một ngày vui!