17.

Suốt một đêm qua, Thế Vỹ say xỉn, đập phá lung tung đồ đạc trong phòng. Ông Hà Phát không biết phải làm gì để ngăn cản con trai. Ông lên xuống mấy lượt ở cầu thang, đứng lặng lẽ ngoài cửa phòng Thế Vỹ rồi lại quay trở xuống phòng mình, lặng người với nghĩ suy.
Ngôi nhà này mấy tháng qua như bị một cơn bão đổ ập xuống và tàn phá. Muốn vui vẻ, thoải mái cũng khó mà tìm được nữa rồi. Thế Vỹ gần như "hư thân" đi vì rượu. Đó là cách duy nhất để nó giải sầu, ông không có cách nào can thiệp được.
Có những điều chua cay mãi mãi không nói được. Ông Phát bề ngoài trông có vẻ an ổn vô sự, nhưng thật ra ông đang càng lúc càng suy sụp tinh thần một cách thảm hại. Gần đây ông lại sinh chứng mất ngủ, có những đêm thức trắng. Không thể nào chợp mắt. Đêm qua, cũng là một trong những đêm thức trắng của ông.
Đêm đã qua, những vệt sáng đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời. Căn phòng của ông Hà Phát đèn vẫn mở sáng choang cửa sổ trông ra vườn cũng không buồn đóng lại.
Gió sớm hôm qua cửa sổ thổi vào phòng thật lạnh. Ông Hà Phát nằm trên giường, đầu tóc rối bù, mắt tiều tụy, hốc hác. hai mắt ông mở to ráo hoảnh, trắng vờ. Cơn lạnh của gió khiến ông quơ vội tấm mền kéo đến tận ngực.
Không khí buổi sáng thật trong lành, nhưng cả người ông ta một khối nặng nề u ám. Ông cứ nằm như vậy không nhúc nhích, mắt giương to nghĩ ngợi. Vầng trán thỉnh thoảng lộ rõ những nếp nhăn.
Chợt nhiên ông cắn răng như đang phẫn nộ. một cánh tay ông lần sâu xuống gối lôi lên một xấp giấy dày cộm. Ông muốn bóp nát và quẳng ngay xấp giấy vào thùng rác, nhưng không làm được. Ông lướt qua từng trang từng trang một rồi nhăn nhó gào lên: (91)
- Đủ rồi! Đủ rồi! Khả Nhu, bà mướn ai làm nên điều này để hành hạ tôi tới chết có phải không? Tôi có lỗi nên đã gục đầu nghe bà chửi rủa mà bà vẫn chưa vừa lòng sao? Bà cho tôi là một kẻ lưu manh, tôi vẫn im lặng. Bà mắng tôi là một thứ thú rừng không có tình cảm đạo đức, tôi vẫn nín lặng... Tôi để coh bà hả cơn tức giận. Nhưng không ngờ bà vẫn giở đủ phương cách để trừng phạt tôi. Bà muốn tôi tức tối vỡ tim ra mà chết à? Không đơn giản thế đâu. Bà thật ích kỷ và không độ lượng tí nào.
Buông rơi những mảnh thơ xuống mặt giường, ông Hà Phát ôm đầu nhắm nghiền mắt, cõi lòng xáo trộn, rối mù.
"Cộc... cộc!"
Có tiếng gõ cửa. Ông Hà Phát bật dậy gom những lá thư giấu vội xuống gối. Bên ngoài bầu trời đã bừng sáng rõ rệt không đoán được là ai ở bên ngoài, ông Hà Phát lên tiếng hỏi:
- Ai đó?
- Thưa cha, con đây!
- Ồ! Cha sẽ mở cửa ngay.
Vuốt lại mái tóc, giấu ngay vẻ sầu muộn vào trong tâm, ông Hà Phát mở cửa phòng cho Thế Vỹ, miệng tươi cười:
- Con đã khỏe rồi à? Nếu đập phát mà con vơi đi nỗi buồn thì cha không có tiếc con đâu. Ngồi xuống đi!
Thế Vỹ bước đến ghế ngồi xuống. Ông Hà Phát mở tủ lạnh lấy một lon trái cây để trước mặt con trai:
- Uống cho mát. Con tìm cha có gì cần nói thì hãy nói. Hôm nay là chúa nhật, chúng ta đều rảnh rang để tâm sự... có phải vậy không?
Thế Vỹ đưa mắt nhìn cha thoáng lên ý nghĩ "Cha lúc nào cũng bình tĩnh lạc quan. Trong lòng của cha thật sự không có chất chứa gì sao?"
Ông Hà Phát chau mày nhìn con trai:
- Con đang nghĩ gì đó?
- Không có gì!
Đón lấy lon nước trái cây ướp lạnh, Thế Vỹ khui ra rồi đưa lên miệng uống. Nước mát xua đi cái nóng trong cơ thể chàng ít nhiều. Day day cái lon trên tay. Thế Vỹ mở lời:
- Hôm qua, ở công ty con nhận được một lá thơ... của ai đó gởi cho cha, bên ngoài không có địa chỉ và tên của người gởi. Xem kỹ lại thì đó là một lá thư nặc danh.
Ông Hà Phát nghe Thế Vỹ nói vậy liền cảm thấy không yên chút nào. Sợ Thế Vỹ nghi ngờ, ông cười giả lả:
- Lá thư à? Nếu đó là của cha thì con hãy trao cho cha đi. Có lẽ, có một vài người bạn đùa cho vui đó thôi mà.
- Ban đầu thì con cũng nghĩ vậy, nhưng những người phụ cận với ba nói cho con biết rằng: cha đã nhận liên tiếp rất nhiều lá thư như vậy. Con muốn biết lắm đó... Chẳng lẽ với con cha cũng giấu hay sao?
Ông Hà Phát bối rối ra mặt:
- Không có gì Thế Vỹ à, đưa lá thư cho cha đi... vài công chuyện làm ăn mới thôi mà. Cha hy vọng rằng lá thư vẫn còn nguyên vẹn...?
Thế Vỹ phì cười:
- Cha sợ con đọc à? Chưa có lệnh cha con không dám đâu, vẫn còn nguyên vẹn đây nè.
Thế Vỹ móc từ túi áo ngủ ra một lá thư nhưng không đưa cho ông Phát. Chàng xoay tới trở lui rồi nói:
- Con muốn đọc lá thư này cho cha nghe.
- Cần thiết như vậy sao... Thế Vỹ?
Nhìn cha bằng ánh mắt sáng quắc, Thế Vỹ nói quyết liệt:
- Con nhận thấy rằng cha đã có vấn đề rồi. Con càng muốn biết bên trong lá thư này có những gì?
Ông Hà Phát bối rối van xin:
- Thế Vỹ à... cha... phải nói với con như thế nào đây? Đó là chuyện riêng của cha, con hãy bỏ mặt cha đi, lo cho tấm thân đã bắt đầu tàn tạ của con kìa.
Thế Vỹ lặng câm không nói, chàng do dự một lúc rồi xé toạc bì thư lôi lá thư được xếp gọn gàng ở bên trong ra. Ông Hà Phát không kềm chế được sự run rẩy, bao chuyện ông cố tình giấu giếm nay sẽ bị vỡ lỡ. Lao đến giật lá thư lại trên tay của Thế Vỹ, ông dư sức làm được. Nhưng rồi, Thế Vỹ sẽ nghi ngờ và sẽ không tin ông nữa. Còn để cho nó biết, kể tất cả cho nó nghe... Có lẽ nó sẽ đau khổ dữ lắm. Nó sẽ tuyệt vọng vì người cha của nó lắm. "Chỉ bấy nhiêu đó thôi đủ quật ngã ta rồi!" Ông Hà Phát bóp chặt hai bàn tay vào nhau mà nghe toàn thân lạnh buốt. Đối diện với ông, mặt Thế Vỹ đang từ từ biến sắc. một lúc sau chàng trợn mắt:
- Cha, nói cho con nghe đi... là của ai? Lá thư này là của ai?
Ông Hà Phát mềm nhũn người bất lực:
- Cha không biết, hoàn toàn không biết.
Thế Vỹ gầm lên:
- Cha dối con, cha dối con! Không có lý nào, không có lý nào cha không biết được.
- Thế Vỹ! Hãy nghe cha nói đây. Đừng làm ồn ào kinh động nữa. Cha đã mệt mỏi, thật sự mệt mỏi quá rồi. Ông Hà Phát chống tay lên trán lộ rõ vẻ chán chường mệt nhọc.
Thế Vỹ lắc nhẹ đầy nhìn vào trang giấy, lẩm nhẩm:
- Dòng chữ này rất là quen thuộc với con. Chính là nét chữ của Vũ Dung... Nhưng tại sao? Tại sao nàng lại nặng lời với cha như vậy? Chẳng lẽ... còn có một chuyện sâu xa nào đó mà con chưa hiểu được?
Ông Hà Phát nhướng mắt thờ thẩn:
- Đọc đi, đọc cho cha nghe đi... rồi cha sẽ nói để con tường tận. Vũ Dung? Vũ Dung? Thật không ngờ!
Thế Vỹ nhìn cha đăm đăm mà không thể nào hiểu nổi? Chàng thở hắt ra rồi cất tiếng đọc thư:
"Ông Hà Phát kính mến!
Lá thư này là lá thư thứ hai mươi và cũng là lá thư sau cùng mà tôi gởi cho ông. Lời lẽ nặng nề của tôi đến đây cũng nên dừng lại. Bấy nhiêu lời vừa qua cũng đủ để ông nghiền ngẫm và khó chịu rồi phải thế không? Nhưng ông Hà Phát à, bấy nhiêu đó so với những gì ông đã gieo thì cũng còn nhẹ lắm phải không?
Trong lòng của tôi, ông mãi mãi không có chỗ đáng kính. Đừng nghĩ rằng tôi gọi ông là "Ông Hà Phát kính mến" mà vội mừng. Thật ra tôi mỉa mai ông đó. Rất tiếc, tôi không phải là một con người có nhiều thủ đoạn. Nếu không, ông sẽ còn đau khổ hơn nhiều lắm.
Ông giám đốc!
Có bao giờ ông nghĩ rằng: sự nghiệp mà ông đã dày công tạo lập nên trong phút chốc bỗng sập đổ tan tành không? Thử tưởng tượng xem, lúc đó ông sẽ là một người thế nào? Dở cười dở khóc hay dở sống dở chết?
Mấy mươi năm trước ông vì cái gì mà quẳng đi đạo đức làm người của mình? Ông bất kể người đàn bà đáng thương sống chết ra sao? Ông không có một chút trách nhiệm, ông sống vị kỷ, độc ác. Ông vì bản thân mình mà sẵn sàng đang tay đẩy một người thân yêu cận kề xuống vực sâu cho rảnh nợ. Thật đốn mạt, bỉ ổi... ông đúng là hạng người như thế. Tóm lại, bà Khả Nhu khắc khoải đau khổ trong tâm hồn và mất đi đôi mắt quý giá đều là do ông tạo nên cả - Do ông tạo nên cả!
Ông có thể sống nhưng là một cuộc sống không bao giờ yên ổn nữa. Tự ông, ông sẽ bị dằn vặt, cấu xé khổ sở cho đến cuối cuộc đời của mình. Cho đến khi ông trút linh hồn, tội lỗi mà ông dã làm vẫn sẽ đeo đẳng bên ông... và lúc ấy... ông có biết không, ông sẽ rơi vào tầng địa ngục.
Tôi ghét ông!"
Thế Vỹ giận dữ vò nát bức thư quẳng xuống đất lồng lộn lên.
- Vũ Dung! Em thật là hỗn láo. Em dám mắng và dám nguyền rủa cha anh, tại sao vậy? Cha ơi, con không hiểu, không hiểu gì cả... Cha hãy nói, hãy nói nhanh đi... Con không còn bình tĩnh được nữa. Tại sao Vũ Dung viết những lá thư này. Hai mươi lá, đủ hai mươi lá đều chửi rủa nặng nề như thế sao cha?
Ông Hà Phát ôm đầu rên rỉ:
- Bởi vì cha là một người như vậy!
- Sao?
Thế Vỹ bật khỏi ghế lùi lại:
- Cha đã làm gì? Cha có ân oán gì với họ?
Thế Vỹ trợn trừng mắt, lảm nhảm những gì không rõ, rồi cúi nhặt những mảnh thư đưa lên tìm kiếm... để rồi chàng run run lập lại:
- "Bà Khả Nhu.. nỗi đau khổ... đôi mắt mù lòa... Đều do ông!" Đều do cha cả sao? Không! Con không tin! Vũ Dung chắc chắn đã lầm rồi, đã làm oan ức cho cha rồi. Cha rất tốt, cha không giống những người xấu xa. Bằng chứng là đây con, con là con trai của cha... Con không có gì xấu xa bởi vì cha là một người tốt. Tất cả đã lầm, Vũ Dung đã lầm, bà Khả Nhu đã lầm.
Nhưng ông Phát đã hét lên chận lời Thế Vỹ:
- Họ không lầm! Họ chẳng lầm! Thế Vỹ, giấu mãi cũng có ngày lòi ra. Ta không tiếp tục giấu con được nữa. Hãy nghe ta kể... Kể ngay chính tội lỗi mà ta đã làm.
Thế Vỹ lần đến ghế ngồi phịch xuống như trái mít rụng. Chàng bưng mặt im lìm trong khi ông Hà Phát quay ngược về dĩ vãng.
Ông kể cho con trai nghe tất cả không thiếu một chi tiết nhỏ nào. Buổi sáng mát mẻ mà mồ hôi trên người ông vã ra như tắm. Thế Vỹ thật sự bàng hoàng khi nghe và hiểu những lời của cha. Bây giờ thì chàng đã rõ... chàng và Vũ Dung phải đột ngột chia cách là bởi vì đâu rồi?
Thế Vỹ gục mặt lên thành ghế. Giữa hai cha con, một sự im lặng bao trùm đến nặng nề khó thở. Ông Hà Phát kể xong chỉ còn biết thở dài... Còn Thế Vỹ, chàng không biết nói gì hơn. Lời nói lúc này thật là dư thừa. Tốt nhất là hãy lặng im.
Vũ Dung vì mẹ, còn chàng, chàng phải vì ai đây? Oán hận, những điều này đã cũ kỹ quá rồi. Thời gian đã qua rồi, sao không để nó qua, không để nó chôn vùi mà còn xới tung lên để làm gì nữa?
Vũ Dung! Em có đáng để anh trách không? Em đã tiếp tay với mẹ em làm nên mưa bão trong gia đình anh. Làm cho cha con anh phải lao đao khổ sở.
Tất cả những điều đó có đáng vậy không vậy? Em không giúp anh hàn gắn lại mối hận giữa họ, mà còn nung thêm hận oán. Em làm cho anh suy nghĩ... có lẽ... em không thích có một lễ cưới cùng anh, không thích cùng anh sống trong ngôi nhà này. Em hơi quá đáng rồi Vũ Dung ơi. Em muốn đoạn tình thật hay sao?
Nhức buốt con tim, Thế Vỹ vỗ vỗ nhẹ bên ngực trái cho đỡ cơn đau, rồi đứng ủ rũ, không còn vẻ giận dữ nữa.
- Cha! Con về phòng.
Ông Phát trông thiểu não rất tội. Ông nhìn con trai bằng đôi mắt ươn ướt đau lòng: (105)
- Con ghét cha phải không? Con thất vọng vì cha quá xấu xa phải không? Cha không phải là quân tử, cha xử sự quá tồi chỉ vì cha có nồi khổ riêng... Con hãy nán lại nghe cha nói một chút.
Thế Vỹ không nỡ làm cha tuyệt vọng nên lui lại ngồi lên thành ghế:
- Cha nói đi!
Nụ cười thoáng hiện trên đôi môi khô khan của ông Phát, ông nghẹn ngào:
- Thuở thiếu thời cha sống trong một gia đình nghèo không thể tưởng tượng. Thấy chúng bạn giàu sang, cha cũng mong ước thế nhưng không có cách nào để được lên. Một lần nọ gây gổ với ông nội, cha đã bị ông tống ra khỏi nhà. Lang thang mãi cuối cùng cha trôi xuống nhà một người nhà con ở Mỹ Tho. Hiếm con cho nên bà cũng thương cha lắm. Ngày ngày cha theo họ đi làm những việc vặt kiếm sống. Ở đó cha nảy sinh mối tình với