hiếc đồng hồ đờn trên tường thong thả gõ mười hai tiếng đều đặn. Dãy phòng ngủ của học sinh đã im phăng phắc từ lâu. Đèn điện tắt tối om. Các học sinh đã ngủ. Lâu lâu, một viên giám thị, với chiếc đèn ló trong tay lẻn ào từng phòng một xem xét một hồi mới trở về phòng.Trần Đức im lặng trên giường nhưng nó chưa ngủ. Bài học ban sáng đã cho nó thấy rõ số phận của nó. Từ trưa đến giờ nó đã suy nghĩ rất nhiều. Nó không thể kéo dài sự sống ở giữa nơi mà mọi người đều khinh bỉ và hành hạ nó. Nó là đứa con không cha mẹ, sống nhờ một kẻ vô danh.Trần Đức nhất quyết tìm cho ra tên và địa chỉ của kẻ đã bỏ tiền nuôi nó ăn học. Biết đâu kẻ đó chẳng phải là cha hoặc mẹ nó. Ít ra nó cũng phải biết rõ người mà nó chịu ơn nặng. Tại sao người ta lại giấu? Có một điều gì bí ẩn trong vụ này? Và điều bí ẩn này nó phải khám phá ra. Nếu không tâm hồn non nớt của nó chẳng bao giờ được yên ổn. Con người nào cũng phải có cha mẹ. Tại sao nó lại không có? Cha mẹ nó đã chết hết nên mới bỏ rơi nó, hay còn một lý do khác nữa?Trần Đức trằn trọc không sao ngủ được. Nó cố chợp mắt nhưng cảnh tượng ban sáng cứ hiện lên trong đầu óc nó, bắt nó phải suy nghĩ mãi. Một đứa con không cha mẹ. Một thằng bé không biết rõ nguồn gốc của mình, phải chăng ai cũng có quyền khinh rẻ?- Cha ta là ai? Mẹ ta là ai?Tự dưng hai giọt lệ nóng hổi trào ra khoé mắt Trần Đức và chảy xuống miệng. Đứa bé mồ côi thè lưỡi liếm thứ nước mặn và nuốt vào bụng, cũng như đã nuốt tất cả mọi niềm tủi nhục.Trần Đức khóc. Từ nhỏ tới giờ nó đã khóc nhiều lần rồi nhưng chưa lần nào nó đau đớn cảm thấy thấm thía hơn lần này. Nó chợt nhận ra cái đau đớn của linh hồn, đau đớn gấp ngàn lần cái đau đớn của thể xác.Tuổi nhục! Mới tí tuổi đầu Trần Đức đã biết thế nào là tủi nhục.Căn phòng ngủ yên lặng như tờ. Chỉ có tiếng đồng hồ tíc tắc, tiếng ngáy đều đều của các bạn và thỉnh thoảng tiếng thằn lằn tặc lưỡi tiếc rẻ một cái gì. Cái yên lặng nặng nề cả đêm trường đè lên Trần Đức. Nó cảm thấy như nghẹt thở. Niềm uất hận dâng tận cổ, nó muốn hét to lên hoặc vung tay đạp phá một cái gì nhưng nó vẫn không dám vì viên giám thị hay lởn vởn gần đấy chẳng khác nào một con mèo rình chuột. Mà viên giám thị thì chẳng ưa gì nó, mặc dù nó là một đứa trẻ học giỏi nhất lớp và cũng được hạnh kiểm nhất lớp. Ông ta chỉ ưa những đứa trẻ mặc sang trọng có nhiều tiền ăn quà vặt và chúa nhật hay ngày lẽ có cha mẹ mang xe hơi vào rước về nhà. Bộ óc chưa đến thời kỳ nảy nở của Trần Đức lại một lần nữa nhận thấy: tiền bạc mới có giá trị thực sự.“Tại sao ta lại hiểu biết nhiều chuyện, những chuyện mà cái tuổi thơ của ta chưa thể hiểu biết nổi?”. Nhiều lúc Trần Đức tức bực hỏi lấy mình.Một ý tưởng bỗng nảy lên trong óc Trần Đức. Nó lẩm bẩm:- Ta phải liều một phen mới được. Ta không thể giam hãm thân ta ở một nơi mà mọi người đều khinh bỉ, coi ta như một con chó hoang.Trần Đức lóng tai nghe ngóng. Hoàn toàn yên tịnh. Chẳng có tiếng dép cao su kéo lệch xệch ngoài hàng ba. Viên giám thị có lẽ đã về phòng nghỉ.Giở gối lấy cây đèn bấm nhỏ, Trần Đức tuột khỏi giường. Nó để chân không rón rén bước từng bước một, tuy không dám bấm đèn nhưng nó đi không đụng vật chi vì mắt nó vẫn quen với bóng tối.Đi hết dãy giường sắt dài, Trần Đức leo ra ngoài hàng ba. Nơi đây có nhiều bóng đèn điện rọi sáng. Rảo mắt nhìn chung quanh một lượt, Trần Đức nhanh nhẹn đi thẳng đến văn phòng giám đốc.Lần đầu tiên cả gan làm một việc như thế, Trần Đức hồi hộp lo sợ. Tuy thế nó vẫn tiến bước.Cửa phòng của viên giám thị đã đóng kín. Trần Đức cẩn thận ghé mắt nhìn suốt qua cửa lỗ khóa. Đèn tối om trong phòng chứng tỏ viên giám thị đã yên giấc. Yên trí, Trần Đức tiến bước đến trước phòng giám đốc. May mắn cho nó, cánh cửa chỉ khép kín chớ không khóa.Trần Đức đẩy nhẹ cửa, bước vào phòng. Chẳng dám vặn đèn điện, nó dùng đèn bấm lần mò đến bàn viết của viên giám đốc.Nhanh nhẹn nhưng cẩn thận, Trần Đức tay cầm đèn, tay lật từng tờ giấy, từng bức thơ xem xét kỹ càng.Sau một hồi tìm kiếm, Trần Đức bắt gặp bức thơ mới nhất của vị ân nhân bí mật của nó đã gởi đến nhà trường hằng tháng cùng với tấm bưu phiếu. Nó vội vàng ghi địa chỉ người đó vào cuốn sổ tay:Ô. NĂM HƯƠNGQuản lý xí nghiệp “Triệu Phú”Làng Thới Bình - Quận Cà MauBẠC LIÊUNhét quyển sổ và bút chì vào túi áo, Trần Đức sắp lại ngay ngắn mọi thứ giấy tờ, sổ sách ở trong hộc tủ. Nó vừa định trở ra thì đèn điện ở trong phòng vụt cháy sáng. Viên giám thị đứng sừng sững ở ngưỡng cửa... Ông ta vừa dụi lia lịa đôi mắt, vừa nhìn Trần Đức.Trần Đức tái mặt, đứng dừng lại vì không thể trốn thoát.Quen với ánh đèn viên giám thị nói gằn:- À lại cái thằng đầu đường xó chợ!Ông chậm rãi bước đến trước mặt Trần Đức và nghiêm giọng:- Mầy đến đây vào giờ này làm gì? Định ăn trộm vật chi đấy?Trước tình thế này, Trần Đức thấy không cần phải chối cãi, vì chối cãi càng nguy hiểm. Viên giám thị sẽ dám vu cáo nó là kẻ trộm.Trần Đức lễ phép hỏi:- Thưa thầy, tôi đến đây tìm địa chỉ của người đã gởi tiền nuôi tôi ăn học hằng tháng. Ngoài ra, tôi chẳng có ý định gì khác.Viên giám thị hách dịch:- Mầy hỏi thẳng ông giám đốc chẳng được sao?Trần Đức đáp ngay:- Tôi đã hỏi nhiều lần nhưng ổng giấu chẳng cho tôi biết vì có lời dặn của vị ân nhân tôi. Nhưng tôi, tôi cần phải biết tên họ và địa chỉ của người mà tôi đã mang ơn nặng. Thành thử tôi phải đợi đến giờ này để lần vào văn phòng ông giám đốc.Viên giám thị gắt gỏng:- Nhưng mầy không được làm như vậy! Đây là một chuyện ám muội. Mầy có biết mầy đã phạm vào luật của nhà trường?Trần Đức cúi mặt:- Thưa thầy, tôi biết, thầy tha tội cho tôi.Viên giám thị ngắt ngang:- Tha tội cho mầy hả? Hừ! Dễ dàng quá! Kỷ luật nhà trường vất bỏ xó hết à? Phải trừng trị thẳng tay cho cái hạng người như mầy mới được.Câu chửi rủa của viên giám thị chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào mặt Trần Đức. Nếu ở vào lúc khác Trần Đức lẳng lặng bỏ qua, nhưng lúc này nó không dằn được, nó liền vênh mặt hỏi:- Hạng người như tôi là hạng người thế nào?Thấy thằng bé bướng bỉnh, viên giám thị nổi giận:- Hạng người như mầy là hạng người mà người ta đã nhặt được ở đầu đường xó chợ!Trần Đức không còn kiêng nể viên giám thị nữa, nó cười lạt:- Cái hạng người đó không bằng cái hạng người suốt đời theo nịnh bợ bọn nhà giàu sang để liếm láp chút đỉnh.Bị thằng học trò nghèo nhục mạ ngay mặt, viên giám thị giận đỏ mặt. Để cho Trần Đức nói dứt câu, viên giám thị rất muốn túm lấy đầu nó đánh một hồi cho đã tay, nhưng sợ nó làm ầm ĩ lên nên ông nén giận bịt miệng nó. Lôi xệch nó ra khỏi phòng đoạn trỏ mặt hăm dọa:- Mầy hành động trái phép sao còn vô lễ với tao, sáng mai tao nói với ông giám đốc tống cổ mầy ra khỏi trường cho biết. Cái số mầy là cái số đi ăn mày hoặc ăn trộm chớ học hành cái thá gì.Trần Đức vùng khỏi tay viên giám thị:- Thầy khỏi cần nói viên giám đốc đuổi tôi vô ích. Sáng mai tôi sẽ rời ngôi trường xú uế này, tôi đếch cần học hỏi với những ông giáo sư nịnh của trường này. Tôi ra ngoài làm mướn còn sướng thân hơn.Dứt lời, Trần Đức trở về phòng ngủ, bỏ mặc viên giám thị đứng một mình lăm nhăm nguyền rủa anh học trò hỗn xược. Đèn điện rọi hàng ba vẫn chiếu sáng như để che lấp những điều bất công ức hiếp lẩn lút dưới mái học đường.