hi Nga bày bàn, sắp chén đũa và nhìn đồng hồ. Sắp đến giờ tan học rồi. Các món đồ chín tất cả chỉ chờ Dũng về là hai vợ chồng ngồi vào bàn. Dũng xấu đói lắm, về đến nhà chỉ kịp rửa mặt và hai tay xong là kéo ghế ngồi vào bàn ăn. Phi Nga mơ màng nhớ lại những ngày đã qua. Một đám cưới giản dị đầy thân mật, không có chuyện đi hưởng tuần trăng mật. Sau ngày cưới nàng bắt tay vào việc nội trợ, không có người giúp việc mà Dũng cũng chỉ nghỉ được có ba ngày. Nàng về với Dũng đến nay đã đúng một tuần. Một tuần hạnh phúc vô biên vì cả hai đều yêu thương nhau và hiểu nhau. Dũng trẻ ra và yêu đời hơn trước. Chàng không còn thấy mệt nhọc, uể oải sau giờ dạy vì bây giờ ở trường về nhà, chỉ cách một quãng đường rất ngắn, chàng thấy ngay nét mặt vui vẻ, xinh đẹp của Phi Nga. Nàng đứng đón Dũng ở tận cửa ngoài. Từ bỏ cái không khí ồn ào của lớp học, Dũng bước ngay vào thế giới của tình yêu và tuổi trẻ. Những nụ hôn nồng cháy, những nụ cười âu yếm, những câu nói tình tứ, những cái nhìn trìu mến... làm cả hai như sống ở một thế giới riêng biệt. Ngồi bên nhau, họ không cần biết những gì đang xảy ra bên ngoài, xung quanh họ. Chưa bao giờ Dũng được ăn những bữa cơm ngon lành như từ lúc về với Phi Nga. Dũng chưa bao giờ được ai săn sóc như lúc này. Có hôm Dũng cầm lấy đôi tay của Phi Nga hôn say sưa: - Đưa anh xem đôi tay của em ra sao mà em đã mang lại cho anh bao nhiêu hạnh phúc? Cái gì do bàn tay của em làm ra cũng đều đem lại cho anh niềm yên vui cả. Đôi tay của em là đôi tay của nàng tiên xinh đẹp. Phi Nga cũng nhận thấy Dũng yêu nàng tha thiết, chân thành, nên nàng cố tạo cho nếp sống của hai người tất cả những gì êm đềm, hòa thuận. Nàng lo cho Dũng từng li từng tí, làm lụng suốt ngày, hết nấu nướng đến thêu may, dọn dẹp, nhờ vậy mà những bữa cơm được ngon lành, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Tối đến, sau bữa cơm, Phi Nga còn giúp Dũng chấm bài, hay Dũng đọc sách với Phi Nga ngồi vẽ bên chàng. Tuy bận rộn như thế nhưng Phi Nga vẫn thấy chưa tận dụng hết sức hoạt động của mình. Lo cho Dũng chưa đủ, Phi Nga cần phải làm một cái gì khác. Lúc còn ở với cha mẹ, Phi Nga có một căn phòng riêng biệt dùng làm “xưởng vẽ”. Thỉnh thoảng nàng vào đó mở tung cửa sổ, chống tay vào thành cửa nhìn ra ngoài vườn. Một con bướm lượn qua, một hàng tre nghiêng ngã bên lối đi, một đôi chim rỉa cánh trên cành lựu, một đóa hồng tươi đẹp vừa nở đêm qua... đều có thể là đề tài cho Phi Nga. Nàng hứng lên là ngồi vào ghế và vẽ say mê quên cả ăn uống. Từ ngày nhận lời làm vợ Dũng, bận rộn với chuyện dọn nhà, lo đám cưới, Phi Nga quên mất thú vui tô vẽ của mình. Nàng cần một căn phòng riêng biệt hay một xó xỉnh nào đó, miễn sao đừng có những cặp mắt tò mò soi vào để nàng có thể làm việc tự do. Những lúc ấy, nàng dường như sống trong một thế giới riêng biệt. Nàng không muốn ai lọt vào đó, dù là Dũng, người thân yêu nhất của nàng hiện giờ. Lúc còn ở nhà với cha mẹ, nàng cũng cảm thấy cần có những lúc sống một mình như thế. Khi ngồi một mình trước bức họa và làm việc say mê, nàng không bao giờ thấy mình cô độc. Trái lại, có lúc nàng ngồi bên hai em hoặc giữa đám đông mà lại thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Sống những ngày hạnh phúc nhất của người con gái mới bước chân về nhà chồng, Phi Nga quên bẵng đi thú tiêu khiển trước đây của mình, nhưng giờ đây trong lúc bày bàn ăn chờ Dũng về, Phi Nga bỗng nhớ ra và tự nghĩ: - Thảo nào mà mình có cảm giác như chưa dùng hết sức hoạt động của mình. Dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng may vá, những việc ấy Phi Nga đã làm như một cái máy... Những chuyện ấy không đòi hỏi ở Phi Nga một chút nhọc mệt nào của đầu óc. Với Phi Nga, làm việc mà đầu óc không mệt nhọc là chưa phải làm hết sức mình... Đầu óc đang bận rộn về chuyện chưa dùng hết thì giờ, nên khi Dũng bước vào cửa, sau cái hôn thường lệ, Phi Nga nói ngay: - Em phải tìm một góc nào đó để tạo một chỗ làm việc riêng cho em mới được. Dũng tươi cười hôn lại vợ: - Cái nhà bếp không đủ cho em múa máy tay chân sao? Anh thấy em bận rộn suốt ngày. - Em muốn nói cái xưởng vẽ của em đấy chứ... Dũng lo lắng nhìn Phi Nga: - Lại nghĩ đến chuyện sáng tác rồi à? Thì hãy sáng tác cho anh một đứa con đã. Phi Nga choàng hai tay qua cổ Dũng, ghì đầu chàng xuống: - Ừ nhỉ, phải lo sáng tác chuyện ấy trước đã. Thích quá nhỉ! Một đứa con... Còn bức tranh nào đẹp bằng bức tranh ấy... Một đứa con... Những tiếng cười nói của nó sẽ là những bản nhạc làm rộn rịp ngôi nhà này... Thế là Phi Nga bỏ dở ngay chuyện tìm một chỗ để đặt cái giá vẽ của mình. Dũng đi thay quần áo, rửa mặt rồi trở ra kéo ghế ngồi trước bàn ăn. Phi Nga cũng vừa bưng tô canh cá nóng hổi lên, khói nghi ngút. Những miếng cà chua màu đỏ, những cánh hành ngò màu xanh, cùng với những miếng thịt cá trắng nõn nằm trong cái bát sành màu tím nhạt đặt giữa một cái đĩa cùng màu có vẽ hoa làm Dũng thấy nôn nao đói... Không kịp đợi vợ cùng ngồi vào mâm, Dũng cầm muỗng múc canh vào chén, miệng khen: - Em có món canh này ngon tuyệt... Nhưng khi Phi Nga đặt thêm đĩa xà lách lên bàn thì Dũng kêu lên: - Một bát canh, hay một đĩa thức ăn của em soạn là một bức tranh đầy đủ màu sắc hòa hợp đẹp mắt. Ăn một bữa cơm mà thị giác, khứu giác, vị giác đều được thỏa mãn thì em thật là một người nội trợ hoàn toàn. Mẹ anh không bao giờ biết trộn xà lách như thế này... Mát miệng đã đành mà còn mát cả mắt nữa... Phi Nga đã dẹp chuyện vẽ tranh lại rồi, nhưng không ngờ Dũng lại bươi ra bằng cách khen về hình thức những món ăn của nàng, vì thế Phi Nga buộc lòng phải nói: - Trong khi em chưa tạo ra được một xưởng vẽ thì em tạm lấy cái nhà bếp làm nơi sản xuất những bức tranh với màu sắc đẹp mắt, ngon miệng anh. Dũng gật đầu: - Nhưng chính những bức tranh này mới cần cho anh, cho hạnh phúc của đôi ta. Nghe Dũng nói thế, đôi mắt của Phi Nga bỗng đăm chiêu và trong giây phút ấy, Dũng cảm thấy Phi Nga dường như xa cách hẳn mình, dù vẫn ngồi sờ sờ bên chàng. Dũng hỏi: - Em nghĩ gì mà thừ người ra như vậy? Phi Nga giật mình: - Em đang nghĩ đến hạnh phúc của đôi ta. Lúc nãy anh nói đến chuyện sáng tác một đứa con, một sáng tác đầu tiên của chúng ta, khiến em đã dẹp lại trong cái ngăn kéo tận cùng của đầu óc em chuyện tạo ra một nơi yên tĩnh làm xưởng vẽ. Sao bây giờ anh cứ nhắc đi nhắc lại hoài nào là bức họa, nào là màu sắc, khiến cái ngăn kéo đó bị lôi ra lại, và em lại bị lôi cuốn vào chuyện tranh, chuyện vẽ. Có phải là đáng lo không? Dũng ngơ ngẩn nhìn Phi Nga. Gương mặt nàng sáng ngời lên nhứ lòng đang bị nung đốt bởi ngọn lửa nào đó, chắc chắn không phải là ngọn lửa do tình yêu tạo nên. Cũng có nhiều lúc nét mặt của Phi Nga sáng ngời lên như thế nhưng cái sáng ngời ấy do tình yêu nung đốt nên Dũng liền nhận được ở đôi môi nàng những cái hôn nồng nàn tha thiết... Nhưng lần này thì lòng Phi Nga đang bị thần nghệ thuật hành hạ và làm xao lãng trong giây lát sự yêu chồng... Chỉ là xao lãng trong giây lát, nhưng Dũng thấy dài vô tận... Vốn yếu đuối nên luôn thiếu tự tin, ngày nay mặc dù đã nắm trong tay tình yêu và hạnh phúc do Phi Nga tạo cho, Dũng vẫn lo lắng những vật quý báu ấy sẽ không còn ở với chàng nếu chàng cứ để Phi Nga cảm thấy thiếu thốn một cái gì hay ngăn trở Phi Nga đeo đuổi ham thích của nàng. Dũng liền nói: - Nếu em cần thấy có một nơi yên tĩnh để vẽ những lúc anh đi vắng thì em cứ ngăn bớt căn phòng ngủ... Phi Nga không để Dũng nói hết lời: - Phòng ngủ như vậy là chật quá rồi... Ngôi nhà này chỉ gồm có một phòng trước dùng làm chỗ tiếp khách và đặt bàn ăn, một phòng ngủ và một nhà bếp. Muốn mở xưởng vẽ phải làm thêm cái gác ở trên bếp, hay phải che thêm cái chái. Em sẽ nghĩ lại, nhưng cũng không cần gấp đâu anh. Chúng ta còn chán thì giờ. - Chỉ sợ lúc em có con thì em không còn ngày giờ nữa chứ. Có nên lợi dụng lúc em chưa bận rộn con cái không? Phi Nga hỏi như để hỏi chính mình: - Những đứa con có là trở ngại đáng kể cho sự nghiệp của người đàn bà không, nếu họ có sự nghiệp, hay nếu họ thật sự muốn tạo cho họ một sự nghiệp? Hỏi xong câu đó, Phi Nga ngồi trầm ngâm trước mâm cơm, quên cả ăn. Dũng nói, từng tiếng của chàng rơi ra nặng nề trong bầu không khí im lặng lúc bấy giờ: - Theo ý anh, sự nghiệp đáng kể cúa người đàn bà là chồng con. Phi Nga không cãi lại, nàng chỉ nói: - Sang năm chúng ta sẽ có một đứa con, anh đồng ý chớ? Dũng bỗng lo lắng: - Đợi vài năm nữa hãy có con. Có con sớm em sẽ khổ, kéo dài thời kỳ trăng mật lâu chừng nào thì chúng ta được hưởng hạnh phúc lứa đôi nhiều chừng ấy. - Nhưng đứa con có làm giảm mất hạnh phúc lứa đôi của chúng ta không? - Em cứ nhìn gia đình chị Loan thì rõ. Chị ấy có chồng mới ba năm, đã hai lần làm mẹ. Suốt ngày chị ấy đầu bù tóc rối, anh Phẩm chồng chị, không còn chút hứng thú mỗi khi về nhà. Nào tiếng khóc của con, tiếng than của vợ, rồi thì nhà cửa bừa bãi, bếp núc dơ bẩn. Còn đâu cái cảnh thuở ban đầu... - Lỗi tại chị Loan! Em mà có được hai đứa con như chị Loan thì anh sẽ thấy em săn sóc chúng nó như thế nào. - Hãy nghe lời anh đi, khoan nghĩ đến chuyện có con đã. Phi Nga nhún vai vẻ bất bình: - Anh thật dễ thay đổi ý kiến. Lúc nãy bảo em hãy nghĩ đến chuyện sáng tác một đứa con, bây giờ bảo em hãy đợi vài năm nữa. Bực mình chưa? Anh nên nhớ em mà muốn thì không ai cản nổi đâu nhé. Dũng liền nói: - Thì tùy em vậy. Anh chỉ sợ em mệt, em khổ vì con cái nheo nhóc. Em không thấy chuyện có con là mệt thì tùy em vậy, sau này đừng đổ lỗi cho anh. Phi Nga trớ lại vui vẻ và lườm Dũng: - Từ nay không nên do dự như vậy. Đàn ông phải cương quyết mới làm nên việc. Dũng nhận lỗi: - Anh hay do dự quá. Tánh anh từ trước đến giờ như thế, biết làm sao bây giờ. Phi Nga đợi Dũng ăn xong, dẹp bàn và đem chén đĩa xuống bếp. Dũng nói: - Để anh phụ em dọn dẹp. Anh cứ nằm dài như các cụ đồ nho ngày trước, lỗi thời lắm! Đời này chồng vợ phải đâu lưng sát cánh bất cứ trong công việc gì. Trong khi vợ làm lụng mà mình nằm dài đọc báo, đọc sách để chờ thức ăn tiêu hóa thì vô lý lắm. Vừa nói Dũng vừa lấy giẻ lau bàn, dọn ghế và mang chén đĩa xuống bếp. Phi Nga nói: - Anh giúp em thì công việc mau rồi, em rảnh tay sẽ lên ngồi bên anh. Chúng ta có nhiều thì giờ bên nhau, có phải là vui hơn không? Phi Nga vừa sắp chén dĩa xong thì bên ngoài có tiếng giầy đi vào sân. Phi Nga nhìn qua cánh cửa sổ nhà bếp thì thấy Loan và Phẩm khoác tay nhau đi lên thềm. Phi Nga vội vàng rửa tay rồi chạy lên nhà trên. Lúc ấy Dũng đã đứng dậy ra đón bạn: - Anh chị đến chơi, mà tụi này không biết trước. Loan hỏi: - Biết trước để lo đãi đằng phải không? Phi Nga cười: - Vậy mới phải chớ... Phẩm nói: - Từ hôm đưa cô dâu về đây, chúng tôi chưa có dip đến thăm anh chị. Thế nào, hạnh phúc lắm phải không? Phi Nga chỉ nói mấy tiếng cảm ơn thường lệ trong khi Dũng vui vẻ nói: - Phi Nga thay đổi hẳn tôi, anh chị ạ... Loan nói: - Chị giỏi thật. Nhưng rồi đây có con, anh sẽ biết. Anh Phẩm cứ than như bộng. Con nít thì hay khóc, vậy mà anh ấy bảo không chịu được. Suốt ngày tôi lo cho hai con, anh về đến, cơm có trễ, canh có nguội là anh càu nhàu muốn điên lên được. Phẩm nghe vợ đem chuyện nhà ra nói liền lườm vợ: - Đến nhà vợ chồng mới cưới mà than thở như vậy là kém xã giao nghe chưa bồ? Bị chồng cảnh cáo, Loan quay qua nói chuyện khác: - Ông hiệu trưởng buồn cười thật! Từ hôm đi dự đám cưới anh chị, ông ấy dường như tiếc rẻ là đã để cho anh chị ở ngôi nhà này... Dũng hỏi: - Tiếc rẻ cái gì vậy chị? - Tiếc rẻ vì thấy chị Nga trang hoàng ngôi nhà này đẹp quá. Coi bộ ông ta muốn lấy lại. - Có lấy lại cũng đợi hết niên khóa đã chớ. Loan nói: - Tội gì trả lại? Anh cứ vận động lấy lại chức hiệu trưởng đi. Anh muốn không? Tôi giúp cho. - Chị quen với ai hả chị Loan? Quen với ông trưởng ty hả? Hay ông quận trưởng? - Quen với ai miễn là lấy lại chức hiệu trưởng cho anh được thôi. Phẩm nói: - Cái ông ấy coi vậy mà nhỏ nhen quá, đã có nhà của cha vợ rồi mà còn tham lam. Người ta đã nhường chức hiệu trưởng cho mà không biết cám ơn... Anh Dũng à, anh không vận động làm hiệu trưởng thì năm tới anh sẽ mất ngôi nhà này cho mà xem. Loan nói thêm: - Ngôi nhà này lúc bỏ trống không ra gì nên ông ấy chê, bây giờ chị Nga đã trang hoàng đẹp đẽ nên nó ăn đứt những biệt thự nửa quê nửa tỉnh ở đây. Chị Nga à, chị phải thúc anh ấy đi vận động làm hiệu trưởng. Bao giờ anh chị vận động không được, tôi sẽ nói giúp cho. Phi Nga nói: - Cái đó tùy ở anh Dũng. Trước đây anh không chịu làm hiệu trưởng, bây giờ sau khi cưới vợ lại đòi làm, người ta sẽ nghĩ là tôi xúi xử và thế nào họ cũng bảo là cái tụi đàn bà thích làm lớn, ham chức vị quyền thế và bất cứ ở đâu có đàn bà là có chuyện lôi thôi xía vô chuyện của chồng. Loan nói: - Ăn thua gì cái chuyện làm hiệu trưởng đã cực khổ mà lương hướng cũng chẳng lên được là bao. Địa vị quyền thế gì một ông hiệu trưởng ở một trường quận, có làm lớn thì cũng chỉ làm lớn được với mấy đứa học trò, bắt nạt được ai? Nhưng mình cần giữ cái nhà này để ở, chị Nga ạ. Tôi tiếc cái công chị trang hoàng lắm. Rồi Loan quay qua Dũng: - Anh nghĩ sao hả anh Dũng? Không dám làm hiệu trưởng hả? Anh lười thật đấy. Việc đời đâu phải dễ như anh nghĩ, phải tranh đấu mới được. Anh cứ buông xuôi thì hỏng tất cả. Phi Nga nhìn Dũng và nghĩ: - Chị Loan nói vậy mà đúng. Ngay như chuyện hôn nhân, nếu ta không đề nghị với anh ấy trước thì chắc anh cũng để buông xuôi rồi. Dũng thấy vợ nhìn liền nói: - Bây giờ đến nghỉ hè còn ba tháng nữa. Để xem ông ấy tỏ thái độ thế nào đã. Bây giờ thì ông ta vẫn tử tế với tôi, tôi không nghe ông ta nói gì về chuyện nhà cửa hết. Phi Nga thấy chuyện nhà cửa không làm Dũng vui, liền nói với Loan: - Anh chị dùng bánh ngọt nhé. Tôi đi pha trà. - Uống trà giờ này làm sao ngủ được? Thôi, chị cứ ngồi đây nói chuyện, đừng đi pha trà làm gì. Chúng tôi cũng vừa ăn xong. - Thì để tôi làm nước cam hay nước chanh vậy. Loan vẫn ngăn bạn: - Chúng tôi không khát. Rồi kéo tay Phi Nga ngồi xuống. Loan hỏi: - Chị đi thăm ai chưa? Bà hiệu trưởng, các cô giáo bạn của anh Dũng? Những bà trong quận này? Phi Nga lắc đầu: - Tôi chưa và có lẽ cũng không đi thăm ai hết. Ở đây tôi chỉ quen chị. Những người kia gặp thì chào hỏi, còn không thì thôi. Phẩm cười: - Tôi biết mà. Lúc này chị chỉ thích làm quen với anh Dũng. Phi Nga tỉnh bơ: - Đúng vậy. Loan cũng cười: - Chúng tôi thật không ngờ anh chị lập gia đình với nhau. Bạn bè quen thân rồi thường không muốn sống chung nữa. Phi Nga hỏi: - Tại sao vậy? Quen nhiều thì hiểu nhau chớ có sao đâu. Hiểu nhau mới ở đời với nhau được chứ. Loan lắc đầu: - Tôi không nghĩ như chị, quen quá hóa lờn thì còn đâu là sự kính nể nữa, lại nữa quen nhau quá, còn gì lạ với nhau nữa đâu... Phẩm nhìn vợ cười: - Vì nghĩ thế mà mình đã chọn tôi, vì tôi với mình không quen nhau từ trước? Loan lườm chồng: - Đừng nói chuyện mình, nhàm tai anh chị Dũng... Phi Nga muốn xoay câu chuyện qua một chiều khác liền hỏi: - Sao anh chị không đem hai cháu đến đây chơi? Loan nói: - Đi đâu mà mang trẻ con theo thì khổ lắm, lại nữa chúng nó có để yên cho mình nói chuyện đâu. Chị Phi Nga chắc chưa muốn có con lúc này... Dũng nghĩ Loan và Phẩm đã có nhiều kinh nghiệm về chuyện con cái nên hỏi: - Vợ chồng đến lúc nào thì nên có con hả anh chị? Phẩm giành trả lời trước: - Ba năm sau ngày cưới. Có con sớm mất vui... Dũng nhìn vợ: - Em nghe chưa? Phi Nga hỏi Loan: - Còn ý kiến chị thế nào? - Chuyện ấy đâu phải muốn là được. Mình có con thì mình cực, đàn ông họ cực cái gì mà than? Đẻ con ra cho họ thương yêu, lại ban cho họ cái chức làm cha vậy mà họ không muốn, thật ích kỷ hết chỗ nói. Phẩm cãi: - Ban cho chức làm cha rồi ngồi khoanh tay mà hưởng sao? Không đặt lên đầu, lên vai người ta bao nhiêu là bổn phận mới sao? Rồi thì vợ đẻ con bịnh, không chạy tiền hụt hơi sao? Các bà đâu thấy những chuyện phiền ấy, các bà cứ thấy chuyện mang nặng đẻ đau, nuôi con nuôi chồng mà không thấy cái khổ tâm của chồng trong trường hợp ấy... Loan nói: - Thôi đi, ai mà cãi lại cái miệng của anh. Anh và anh Tuấn khác nhau một trời một vực. Dũng hỏi: - Anh Tuấn nào? - Anh Tuấn làm ở Tòa hành chánh tỉnh này. Chị Tuấn sợ có con lắm, chị mới sanh có hai đứa con là tìm cách ngừa không cho có con nữa. Anh Tuấn thì ham con lắm, vì thế gặp ai anh cũng nói: đàn bà sao kỳ quá, đẻ con đẹp đẽ, dễ thương như vậy mà lại không thích, cứ kêu rên là khổ là bịnh hoài. Theo tôi thấy, người đàn bà cao quí và được đời kính trọng, nể nang là nhờ đẻ con đẻ cái để nhân loại khỏi diệt vong. Tôi mà có tiền thì tôi mở một viện dục anh tại nhà tôi, để hằng ngày được nhìn những đứa trẻ đùa nghịch, chạy nhảy. Mỗi đứa trẻ là một nguồn sống, hàng ngày mà được nhìn những mầm sống ấy thích quá. Phẩm nói đùa: - Hay để anh ấy đẻ thế cho vợ? Phi Nga nói: - Phải chi được thì chắc anh Tuấn cũng sẵn sàng. Phẩm hỏi: - Thế anh chị có thích con nít không? Phi Nga cười: - Ái tình phải đi đến hôn nhân và con cái là nguồn bảo đảm cho hạnh phúc gia đình. Phẩm nhìn Dũng lắc đầu: - Đàn bà khó hiểu lắm phải không anh Dũng? Loan nói: - Chính các anh mới là khó hiểu. Phi Nga nói: - Thôi cãi làm gì. Hãy nói chung con người thật khó hiểu. Như vậy không ai tranh chấp làm gì. Phẩm cười: - Như thế là huề cả làng. Nói thì nói vậy chớ tôi cũng chúc anh chị đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái. Dũng hỏi: - Để theo kịp anh chị và cũng để nếm mùi con khóc, con la chứ gì? Phẩm cười lớn: - Đúng vậy! Có vậy mới là tri kỷ, chớ bây giờ tôi có nói gì, anh cũng không tin. Phi Nga trở nên lặng lẽ, không góp câu nào về câu chuyện chung nữa. Đôi mắt của Phi Nga trở nên xa vắng, Dũng nhìn nàng và trên nét mặt của chàng thoáng ngay một nỗi lo lắng. Câu chuyện từ đó trở nên lạt lẽo. Phẩm liền nói: - Đến thăm anh chị một chút, bây giờ chúng tôi về để anh chị nghỉ. Phi Nga đứng lên ngay trong khi khách vẫn còn ngồi: - Hôm nào chúng tôi sẽ đến thăm anh chị và các cháu. Cử chỉ đuổi khách của Phi Nga khiến Phẩm khó chịu. Chàng liền kéo vợ đứng lên: - Chúng ta về kẻo các con đợi... Phi Nga và Dũng tiễn hai người ra tận ngoài đường. Khi quay vào, Dũng nói: - Em đang vui bỗng trở nên đăm chiêu khiến anh Phẩm khó chịu bỏ ra về. Em làm như là muốn đuổi khách vậy. Phi Nga bực bội: - Để anh Phẩm nói nhảm nhí mất cả ngày giờ của mình... Và Phi Nga trở vào ngồi lại chỗ cũ, đôi mắt vẫn xa xăm như lúc nãy. Dũng lấy báo ra đọc, để yên cho nàng với những ý nghĩ riêng. Chính Dũng cũng không sao hiểu được nàng đang nghĩ gì... Phi Nga ngồi như thế một lúc lâu mới đứng lên: - Thôi mình đi ngủ đi, để ngày mai anh còn đi dạy. Dũng hỏi: - Anh Phẩm nói gì mà em không được vui vậy? - Có gì đâu. Em thường có tánh hay nghĩ vơ vẩn. Một lời nói không đâu vậy mà đôi khi làm em nghĩ liên miên cả ngày. Anh đừng lấy chuyện đó làm điều... Dũng hỏi: - Em không thích bạn bè đến chơi? - Anh hiểu em nhiều, tại sao lại hỏi vậy? Từ trước đến giờ em đâu có nhiều bạn. Em quen chị Loan vì chị ấy là bạn học, mà chị Loan cũng là bạn của anh nữa. Từ ngày có gia đình chị thay đổi nhiều lắm, không khác gì những người đàn bà khác, gặp nhau là đem chuyện thiên hạ ra nói, còn không thì đem chuyện nhà ra than thở, nào con đau, nào chồng khó, nào túng thiếu, nào nhọc nhằn... Nhưng nghĩ kỹ lại thì cũng tại chị Loan không biết hướng cuộc sống của mình theo một chiều vui tươi đẹp đẽ hơn. Em không quan niệm như họ, có chồng là mất tự do, là khổ cực, có con là mất thì giờ, là vất vả. Có chồng có con đối với em là trách nhiệm mà người đàn bà nào cũng phải nhận lãnh. Lo cho chồng, săn sóc con không phải là cực hình mà là công việc có ý nghĩa, tự mình mình thích làm, vì yêu chồng yêu con, chớ đâu có ai bắt buộc mình. - Chị Loan tánh vốn nông nổi, em cũng biết rồi. Mình đâu ngờ chị ấy kết hôn với anh Phẩm. Ai cũng tưởng chị Loan yêu anh Phúc. Em có còn nhớ anh Phúc không? Anh ấy bây giờ là một chiến sĩ. - Người ta bảo anh Phúc sở dĩ nhập ngũ là vì Loan đó. Anh Phúc đinh ninh là chị Loan lập gia đình với anh. - Lúc nãy chị ấy nói em không nghe sao? Quen nhiều thì còn lạ gì nhau nữa. Nhưng thật ra chị ấy không hiểu gì hết. Quen thì quen vậy chớ làm sao hiểu nhau hết được. Ngay như chúng ta, chúng ta có thể tự hào là hiểu nhau, vậy mà anh làm sao hiểu được em đang nghĩ gì khi em ngồi thừ người ra như lúc này. Phi Nga khen: - Anh bao giờ cũng có một lối kết luận tài tình. Anh muốn biết em nghĩ gì à? Dũng phân trần, vẻ mặt kém vui: - Làm chồng mà không hiểu vợ mình nghĩ gì khi ngồi đối diện với mình thì vô lý lắm, hay là kém thông minh thôi, ở bên Châu Âu, mỗi khi chồng hay vợ nói đến người bạn đời thường bảo một phân nửa của tôi, như thế có nghĩa là chồng vợ xem nhau như một, có hiểu nhau mới xem nhau như một phải không em? - Anh muốn chúng ta là mấy bây giờ nếu không là một? Sao lại thắc mắc những chuyện không đâu như vậy? Em đang nghĩ liệu chúng ta có thể sống riêng biệt không cần bạn bè không? - Sao em lại có ý nghĩ lạ lùng như vậy. Con người ta phải có bạn bè, sống riêng biệt thì làm sao thành xã hội được? Đâu phải ai cũng như anh Phẩm, chị Loan. Nhưng anh thấy cặp vợ chồng ấy cũng dễ chịu, tử tế với mình đó chứ. Em thích sống một mình à? Thảo nào nhiều đêm đang ngủ anh giựt mình thức dậy thấy em cứ nhìn lên trần nhà. Những lúc ấy nếu anh có một ngai vàng hay một đế quốc, chắc anh sẵn sàng đổi cho người nào có thể nói cho anh biết em đang nghĩ gì. Phi Nga khó chịu: - Nếu vậy từ nay em không nghĩ như vậy nữa. - Anh có cấm em đâu. - Anh sợ em bất bình anh về chuyện gì sao? - Không, anh không nghĩ hẹp hòi như vậy... Phi Nga nói sau một lúc suy nghĩ: - Nhiều lúc em ngồi nhìn căn phòng rồi nghĩ đến nếu em có tiền thì em sẽ trang hoàng lại như thế nào cho đẹp hơn. Hoặc em nghĩ nếu có thì giờ thì em sẽ vẽ một bức tranh về ngôi nhà của mình như thế nào. Cũng có lúc em nghĩ về bố cục của một quyển sách mà em vừa đọc, hay nghĩ đến cuộc sống của một người nào đó mà em mới gặp... Những chuyện em nghĩ viễn vông lắm, mênh mông lắm, không liên quan đến đời sống tình cảm của chúng ta. Dũng nói, không hiểu là khen hay chê: - Em giàu tưởng tượng quá! Phi Nga chấm dứt câu chuyện: - Thôi, đi ngủ là vừa. Nhưng khi nằm vào giường, Phi Nga lại vớ ngay một quyển sách. Dũng hỏi: - Lại định đọc sách để nửa đêm thức nghĩ vẩn vơ à? Mặc dù đã được may mắn làm chồng Phi Nga, nhưng Dũng vẫn cảm thấy chàng không thể nắm hết được tinh thần của Phi Nga. Một phần nào đó trong cơ thể Phi Nga đã vuột ra khỏi tầm tay, tầm mắt của Dũng. Nhưng Dũng tự an ủi là Phi Nga đã yêu chàng và lo cho chàng một cách chu đáo. So sánh Phi Nga với những người đàn bà khác mà Dũng đã từng quen biết thì không ai hơn được Phi Nga về mặt nội trợ, về tài điều khiển một gia đình êm thấm, ngăn nắp. Phi Nga đang làm bếp thì Phi Anh đẩy cổng bước vào sân. Phi Nga ra đón em: - Phi Yến đâu? Chỉ một mình em đến thăm chị à? Phi Anh ngạc nhiên nhìn chị: - Trông chị mập ra, lạ thật. Phi Nga hỏi: - Có phải bây giờ trông chị nhà quê lắm không? - Trông hồng hào và có da có thịt hơn. Mẹ bảo em đến thăm chừng chị có vui vẻ không? Chưa vào nhà, đi đằng xa nghe tiếng chị hát, em biết ngay là chị có hạnh phúc. Phi Nga cười: - Mẹ sợ chị khổ? - Vì chị phải lo việc nội trợ. Có một cái nhà là cực nhọc lắm. Huống chi ngôi nhà này rộng quá. - Đâu có rộng gì. Chị không biết tìm đâu ra chỗ để làm xưởng vẽ của chị. Phi Anh đi xem qua khắp nơi rồi thừ người ngồi xuống ghế. Nàng không ngờ chị mình đã tạo được một tổ ấm đẹp đẽ như thế. Phi Nga hỏi: - Em nghĩ gì mà ngồi im như vậy? Có gì làm em không vừa lòng chăng? - Chị có căn nhà đẹp quá. Vợ chồng mới cưới mà có một mái nhà như thế này thì hạnh phúc quá. Vậy mà em cứ lo không ai rửa chén cho chị, chị không thích xuống bếp. Phi Nga cười: - Việc nhà thì phải lo, có chồng thì phải đảm đang. Lúc ở nhà chị muốn dọn dẹp thì mẹ lại bảo chị làm sai ý mẹ. Em uống nước chanh nhé, chị đi pha. À, em quên nói cho chị biết, Phi Yến đâu mà không đi với em? - Phi Yến đến chơi nhà bạn. Mẹ đi chợ về bỗng nhớ đến chị, sai em lên đây thăm chị. Anh Dũng đi dạy chưa về à? Chị đang nấu cái gì đó? - Chị chiên thịt. Chúng ta xuống bếp nói chuyện nhé. Chị trông chừng chảo thịt. Phi Anh đi theo chị: - Chị làm bếp mệt không? Ai đi chợ cho chị? - Chị chớ ai. À, trưa nay em ở đây ăn cơm với chị nhé. - Em phải về để nói cho mẹ biết. Em ở đây chỉ làm phiền anh chị chớ ích gì... - Em có nhớ chị không? Phi Anh thành thật: - Vắng chị cũng buồn, nhưng có chị ở nhà tụi em cảm thấy bất tài lắm. Phi Nga cười: - Thế chị đi lấy chồng, các em thấy mình có tài gì chưa? - Em đang học đàn với chị Xuân. - Chị Xuân biết gì về âm nhạc mà học? Em đàn được bản nào chưa? Phi Anh tự phụ nói: - Em đàn được từ trước, nhưng bây giờ học thêm cho vui. Phi Nga nhớ lại những bản nhạc mà Phi Anh đàn sai và mỗi lần Phi Nga sửa thì Phi Anh không bằng lòng, liền nói: - Em phải chú ý đến nhạc lý để khỏi đàn sai... Phi Anh nghe thế không được vui: - Lúc nào chị cũng nghĩ là em đàn sai! Phi Nga liền hỏi sang việc khác: - Cha mẹ độ rày có hay đi chơi không? - Từ hôm chị đi lấy chồng, cha trở lại làm thơ. Phi Nga mừng rỡ: - Thế à? Em thấy cha làm được mấy bài rồi? - Em nghe cha ngâm nga mãi, không biết mấy bài. À, chút nữa thì em quên chuyện này... Bà Quỳnh, người mua hai bức tranh của chị, vừa xuống đây nghỉ mát tại nhà ông hội đồng Tích. Bà ta cho người đến mời chị và khi nghe mẹ nói chị có chồng hiện ở trên quận thì bà ao ước làm sao gặp được chị. Bà bảo có việc nhờ đến chị. Phi Nga hỏi, đôi mắt trở nên vui vẻ lạ thường: - Thế à? Mẹ có chỉ chỗ chị ở không? - Không, mẹ dặn chị nay mai nếu rảnh thì về để gặp bà Quỳnh, chắc bà ấy muốn nhờ chị vẽ tranh nữa đó. Chị về được không? - Được chứ, chị về thì anh Dũng ăn cơm trưa ngoài quán, còn không chị nấu sẵn thức ăn anh ấy mua bánh mì về ăn cũng được... Nhưng vợ chồng mới cưới mà bỏ anh ăn cơm quán thì cũng tội. - Ai có chồng rồi cũng mất tự do. Chị Huệ từ ngày có chồng không dám tiếp bạn trai nữa. Chị ấy không dám đi đâu một mình sợ anh Viễn ghen. Chán thật đấy. Nhưng công việc làm ăn của chị mà chị cùng đi với anh Dũng thì người ta đâu thích. Em sẽ trả lời với bà Quỳnh như thế nào? - Được, ngày mốt chị sẽ về. Em nói trước cho bà Quỳnh biết. Phi Anh vui vẻ: - Có vậy chớ. Chẳng lẽ con gái có chồng rồi, mỗi lần về thăm cha mẹ phải đi với chồng? Phi Nga nghĩ: - Dũng không cấm ta đi đây đi đó, nhưng ta cũng không thích đi đâu cả... Phi Anh hỏi: - Chị vẽ thêm được gì chưa? - Chị chưa vẽ vì chưa có phòng vẽ. - Ngồi đâu mà vẽ không được, chuyện gì phải có phòng riêng. Những lúc anh Dũng đi vắng, chị cứ bày giá vẽ ngay trong phòng chị, hay ở dưới bếp cũng được, vừa vẽ vừa trông chừng nồi cơm. Phi Nga cười lớn: - Làm việc kiểu đó thì mất thú. Chị mà làm việc thì trời đất phải thu hẹp lại trong cây cọ, trên tờ giấy, mắt chị không còn thấy gì khác hơn là cái giá vẽ, đầu óc chị không nghĩ gì khác hơn là cái đề tài mà chị đang vẽ. Phi Anh bỗng hỏi: - Anh Dũng dễ chịu không chị? - Dễ chịu lắm... - Các em đều chê anh Dũng... Nhưng bây giờ anh chị đã sống với nhau rồi, em chỉ còn cách khen thôi. Phi Nga khen: - Biết điều đấy! Miễn chị thấy có hạnh phúc thì thôi... Phi Anh nói bằng một giọng hoài nghi: - Mới có ba tháng, lấy gì làm chắc. Phi Anh ra về trước khi Dũng ở trường ra. Phi Nga cho Dũng biết có Phi Anh đến chơi thì Dũng hỏi: - Sao cô ấy không ở lại dùng cơm? - Mẹ kêu Phi Anh đến xem thử em và anh có vui vẻ không. Dũng cười: - Ai cũng lo cho mình cả. Có lắm người sợ chúng ta không có hạnh phúc. - Ai nữa? - Anh Phẩm và chị Loan chớ ai. Họ nghĩ là mình quen nhau quá nên lờn... Phi Anh không ở lại chơi à? - Nó bảo mẹ đợi. Không biết mẹ nóng ruột hay thấy chiêm bao thế nào mà bỗng lo lắng như vậy. À, đến thứ sáu em về thăm mẹ rồi chủ nhật chúng ta về thăm cha mẹ bên nhà anh, anh Dũng nhá? - Tùy em, nhưng em nhớ chiều về, đừng ở lại đêm. - Độ ba giờ chiều là có mặt em ở đây rồi. Em làm sẵn thức ăn để anh ăn trưa với bánh mì được không, anh không phiền chớ? - Được mà, lâu lâu em mới đi vắng một hôm. Mọi ngày em lo đầy đủ cho anh quá, anh đâu đến nỗi ích kỷ quá như vậy. Phi Nga không kể Dũng nghe chuyện bà Quỳnh muốn gặp mình vì nàng chưa biết công việc ra sao, nhưng Dũng dường như đã đoán ra: - Có phải mẹ kêu Phi Anh gọi em về không? - Không, mẹ chỉ kêu Phi Anh đi thăm, nhưng em sợ mẹ không yên lòng, nên em phải về. Với lại cũng còn một số tranh dở dang còn bỏ ở nhà, em phải về lấy. Ngày hôm sau Phi Nga làm thức ăn và dọn dẹp đâu vào đó rồi nói với Dũng: - Sáng mai chúng ta ăn sáng rồi anh đến trường, em về nhà cha mẹ... Trưa anh về ăn cơm có nồi thịt em kho sẵn, có ngủ thì nhớ khóa cửa nhé. Dũng cười: - Em đi vắng có một buổi mà làm như đi đâu xa lắm, dặn dò đủ chuyện. - Không dặn sao được, anh hay quên lắm. Dũng nhún vai: - Anh đâu có đãng trí. Ở đây dân tình hiền lành lắm, ít có chuyện trộm cắp. - Mấy bà vợ của các đồng nghiệp anh tò mò quá. Ngày nào cũng lân la đến đây tìm cách hỏi chuyện em, họ muốn em mời họ vào nhà nhưng em chỉ đứng trong cửa nói ra, họ cụt hứng phải ra về. - Sao em không mời họ vào nhà chơi? - Chi vậy? Em sợ chuyện ngồi lê đôi mách lắm. Năm ba bà ngồi lại với nhau, không khoe khoang chuyện giàu sang thì cũng đem chuyện nhà người khác ra nói. Mình không nói cũng phải nghe, mà nghe là bực mình rồi. Anh còn nhớ lúc đi học, em không thân với một cô bạn nào mà chỉ thích làm quen với các anh. Các anh bao giờ cũng thành thật muốn gì thì nói, không úp mở, không giận hờn, không ganh ghét. - Và các cô bạn đã cười em là mê con trai. - Lúc đầu họ nói xấu em, nhưng rồi họ thấy em thẳng thắn, dám nói ngay vào mặt các anh nếu các anh không đúng đắn nên họ cũng phải kiêng nể em. - Đúng vậy. Mà những bà ấy đã hỏi gì em? - Họ hỏi đủ thứ. Và cũng như chị Loan, họ bảo ông hiệu trưởng muốn đòi lại ngôi nhà này. - Nếu vậy chắc mình phải lo tìm nhà khác thôi. - Chúng ta lo kiếm tiền mà cất nhà cho rồi... Dũng sững sờ: - Bộ cất nhà rẻ lắm hay sao? Tiền đâu mà cất? - Không tiền thì làm cho ra tiền... - Em lại nghĩ đến chuyện bán tranh chứ gì? Ở xứ mình chớ phải ở các nước mà một họa sĩ có thể làm giàu với nghề vẽ tranh... Anh ra dạy trên một năm nay, để dành được bao nhiêu thì làm đám cưới hết rồi. - Nếu chưa có thì phải làm theo chị Loan đã nói, vận động làm hiệu trưởng... - Được, để anh nghĩ lại. Còn không thì mình xin đổi lên tỉnh... Ở tỉnh có nhà cho các giáo viên ở... - Lên tỉnh cũng tiện, em dễ sống hơn... - Em không cần tiếp xúc với ai thì sống ở đâu không được? - Nhưng em thích nơi này hơn vì ở đây yên tịnh, thích hợp với con người hay nghĩ ngợi như em. - Nếu vậy anh phải vận động làm hiệu trưởng để mình có thể ở lại ngôi nhà này. Chưa có tiền làm nhà khác thì sao tính chuyện bỏ ngôi nhà này được. Huống chi em đã tạo cho anh một tổ ấm như thế này, dại gì để cho người khác đến ở. Nơi đây chúng ta đã có bao nhiêu là kỷ niệm. - Ít lắm chúng ta cũng phải ở đây ba năm, lúc ấy chúng ta mới có tiền tạo được ngôi nhà riêng của chúng ta. - Bà Châu đến đây lần nào chưa? - Bà vợ ông hiệu trưởng phải không? Có đến hôm đám cưới. - Chỉ một lần đó? - Có nhiều hôm em thấy bà Châu đi qua đây nhưng em giả vờ không hay biết hoặc núp trong bếp. Không thấy ai, bà không vào. Dũng lắc đầu: - Em lạ thật! Giá ai khác mà có ngôi nhà như thế này thì gặp người nào họ cũng mời vào để khoe. - Em không phải là thiên hạ. Lúc em còn nhỏ, cha đã bảo em không giống ai hết và như thế ra đời dễ bị người ghét. Vì thế em chỉ cần một mình anh yêu em là đủ rồi... Ở đời có một tình yêu rồi thì lo gì không tìm được một lẽ sống... Dũng lặp lại: - Ở đời có được một tình yêu rồi thì lo gì không tìm được một lẽ sống... Em nói hay thật, một câu triết lý đầy ý nghĩa... - Có triết lý gì đâu. Em chỉ nói những gì em nghĩ. Dũng không bao giờ nghĩ ngợi việc gì quá mười lăm phút, các bạn của Dũng thường bảo Dũng cạn và hẹp. Có lẽ nhờ vậy mà Dũng không bao giờ oán trách bà mẹ kế vì bà đã đối xử không tốt với chàng, Dũng cũng không bao giờ nghĩ nếu Phi Nga không nhận lời yêu chàng, lập gia đình với chàng thì chàng sẽ khổ sở, hay phải có một phản ứng như thế nào, hành động ra sao để chiếm cho kỳ được cảm tình của Phi Nga. Dũng cứ để việc gì đến là đến, chàng không cần tranh đấu, không cần chống lại những trở ngại trong tưởng tượng. Con người của chàng dường như vô tư, nhưng lại yếu đuối, dễ thất vọng... Thấy Dũng có vẻ nghĩ ngợi, Phi Nga nói tiếp: - Tình yêu mà em nói đây nghĩa của nó bao la lắm chớ không chỉ là thứ tình của thanh niên nam nữ yêu nhau. Tình yêu Tổ quốc, tình yêu bạn bè, tình yêu nhân loại, tình mẫu tử, phụ tử... Tình yêu mầu nhiệm lắm, biết yêu thương tức là biết sống... - Em nói cũng có phần đúng. Phi Nga cười và sửa lại: - Em nói đúng, anh nên công nhận như thế. Nhà bác học nung nấu bởi tình yêu nhân loại đã vùi đầu vào trong các phòng thí nghiệm, dám đổi sinh mạng, sức khỏe của mình để tìm thuốc trị một chứng bịnh nan y, hay để đem lại cho loài người một cuộc sống vui tươi hơn, tránh bệnh tật, khổ đau. Người chiến sĩ vì tình yêu Tổ quốc sẵn sàng hy sinh xương máu để cứu vớt đồng bào khỏi cảnh nô lệ tàn khốc, người chiến sĩ cũng như bác học cũng đều nhờ tình yêu mà tìm một lẽ sống cao cả. Người mẹ vì tình mẫu tử mà không quản công lao khó nhọc lo cho con, săn sóc cho con từ tấm bé đến khi khôn lớn, người mẹ ấy cũng đã tìm được cho mình một lẽ sống. Dũng hỏi: - Thôi học rồi chắc em đọc nhiều sách lắm nhỉ? - Em đọc nhiều sách nhưng chưa “lắm”, nghĩa là mới đọc vừa vừa thôi, ở đây làm gì có sách nhiều mà đọc, thỉnh thoảng cha đi tỉnh mua về quyển nào là em đọc quyển đó. Nhưng đọc xong, em hay có tánh suy nghĩ. Với anh, em nói những ý nghĩ của em, với ai khác thì em giữ lấy cho riêng em, không nói đâu. Nhưng dường như anh không thích nghe em lý luận bất cứ vấn đề nào không liên quan đến cuộc sống của chúng ta. - Sao lại không thích nghe? - Em thấy anh có vẻ mệt mỏi, chán nản khi nghe em nói. Một nhà phân tâm học ở Pháp có nói một câu như thế này: một người đàn bà mà để cho người ta thấy mình cũng có đầu óc, cũng thông thái như ai là dại. Những người đàn bà ù ù cạc cạc có lẽ là những người sung sướng nhất trong gia đình. Dũng cười: - Ù ù cạc cạc có nghĩa là không biết gì hết ngoài việc lo cho chồng, dạy dỗ con cái? Chớ còn ù ù cạc cạc là khờ dại dốt nát thì họ làm sao tạo được gia đình hạnh phúc? Người đàn bà dốt nát, ngu xuẩn thì làm sao mà giúp chồng, dạy con? Và để Phi Nga khỏi thắc mắc nhiều, Dũng nói sang chuyện khác.