gày 13-9-1993, Yassir Arafat, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine và Yitzhak Rabin, Thủ tướng Israel, bắt tay nhau trên sân cỏ Nhà Trắng niêm ấn hiệp ước biểu tượng cho một bước tiến lịch sử trên con đường đi đến hoà bình ở Trung Đông. Một năm sau cả người Palestine và người Do Thái được trao giải thưởng Nobel hoà bình. Trong những năm trước khi xảy ra sự kiện nức lòng này, mối liên hệ với Arafat hoặc tổ chức của ông bị kết án tức khắc là kẻ a dua hoặc ngay cả là kẻ đỡ đầu cho khủng bố quốc tế. Gần hai năm sau, vào ngày 4-11-1995, Rabin đã phải trả mạng sống của mình vì bàn tay của những kẻ khủng bố Do Thái. Đây là những miả mai của lịch sử.Mọi người đều nói các sử gia trong tương lai sẽ coi nước Cộng hoà Dân chủ Đức là một trong những nước ủng hộ tích cực phong trào khủng bố. Tôi và công trình của tôi bị gạt phăng trong những vụ tố cáo, và lời tố cáo nặng nề nhất đến từ phía người Hoa Kỳ. Hình như họ đã quên chính công việc lâu nay của họ là đã ủng hộ những tên độc tài tàn bạo và tấn cống các chính quyền hợp pháp, một cách công khai và một cách ngấm ngầm, từ việc lật đổ Mossadegh tại Iran, Arbenz Guzman ở Guatemala, và Allende ở Chili để hỗ trợ cho nhóm độc tài gia đình trị Somoza ở Nicaragua và rất nhiều kẻ khác giống như họ trên khắp thế giới.Những mối liên kết xấu xa này của cả hai bên là hệ quả bi thảm của Chiến tranh Lạnh. Việc công khai hoá những hồ sơ của Bộ Công an không hề cho thấy ngành tình báo hải ngoại chúng tôi, cơ quan HVA, có ít nhiều cộng tác với những tổ chức như là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Cộng hoà Dân chủ Đức hỗ trợ cho một vài nhóm có liên can đến phong trào chính trị khủng bố.Bởi vì tôi là giám đốc của ngành cơ quan tình báo của bộ, cho nên không ai lấy làm ngạc nhiên là tôi phải biết tất cả về những mối liên hệ của chính quyền của tôi với nhóm khủng bố. Trên thực tế tôi biết Đông Đức có mối liên hệ với các tổ chức mà phương Tây cho rằng họ là khủng bố. Nhưng, như tôi giải thích sau đây, tôi không được biết những chi tiết công tác quan trọng. Trách nhiệm hàng đầu của tôi là tình báo: thu thập tin tức, nhất là tin mật. Đó là điệp báo chứ không phải là khủng bố. Cá nhân tôi chưa hề can dự trong việc lập kế hoạch hoặc thực hiện những hành động khủng bố.Để hiểu nghịch lý của một anh trùm gián điệp không hề biết những mối quan hệ chằng chịt của ngoại giao, tôi cần phải viết hai điều: thứ nhất, những cuộc đấu tranh giải phóng của Thế giới thứ ba đã vướng mắc như thế nào vào trong Chiến tranh Lạnh; và thứ hai như thế nào nguyên tắc phân ly cứng rắn của Bộ Công an đã tạo nên sự tôn thờ tuyệt đối đầu óc mưu đồ và che giấu bí mật.Những giải thích trên không phải là để tìm cách bào chữa cho những gì đã xảy ra và tôi muốn mọi người thấy rõ mục đích của tôi không phải là để chạy tội. Thức tế là nước Cộng hoà Dân chủ Đức và các cơ quan tình báo hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho những tổ chức mà chúng tôi xem là chính đáng, và một vài tổ chức đi vào con đường khủng bố giết hại thường dân trong chính sách của họ. Nước này cũng bảo vệ những kẻ khủng bố trốn chạy Liên bang Đức. Tôi không tham gia vào việc này, những người khác đều nhúng tay. Họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi. Có lẽ may mắn cho tôi là Mielke, bộ trưởng Bộ Công an, không muốn cho tôi biết, bởi vì điều này sẽ làm tôi sao lãng không tập trung công tác thu thập những bí mật ở hải ngoại.Có quá nhiều trách nhiệm cần được chia sẻ và quá nhiều hối tiếc cần phải bày tỏ. Tôi phải nhấn mạnh tất cả những sai trái chúng tôi đã làm không thể nào bào chữa được với những gì phương Tây đã làm dưới chính ngọn cờ của họ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản, đã khiến cho Việt Nam và một vài nước ở Trung Mỹ và châu Phi phải điều tàn sau khi cuộc chiến địa lý chính trí đã kết thúc. Đây là phương cách cuộc chiến đã diễn ra trên một vài chiến tuyến; tôi không tiếp tay cho kẻ khủng bố theo đường hướng này, nhưng chúng tôi chắc chắn đã huấn luyện và đào tạo những con người theo những phương pháp mà sau này họ lạm dụng.Điều này nghe có vẻ phi đạo lý, xuất phát từ một người sống trong một đất nước đã từng bị những báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích trong cách đối xử với những người bị bỏ tù vì tội chống lại nhà nước. Tôi không dám nói là việc thẩm vấn và tiến trình gửi trả về trại giam trong nước chúng tôi không có gì để chê trách, cũng không dám nói là tôi đã lên tiếng đủ để chống lại sự hà khắc của họ vào lúc đó. Nhưng tôi vẫn phân biệt rõ rệt giữa những chế độ trong đó phẩm cách và tự do của con người bị tước đoạt vì chính sách quá tích cực của công an nhà nước - đó là hệ quả của việc đàn áp tại Đông Đức - và việc tra tấn có phương pháp để trừng trị những người đối lập chính trị. Lằn ranh giữa phong cách quá tích cực và sự tàn bạo đã bị vượt qua tại Thế giới thứ ba, và cho dù không cố ý, chúng tôi và các đối thủ phương Tây giúp họ bước qua lằn ranh này. Thử hỏi chúng tôi có ý thức được những gì chúng tôi cung cấp có thể được dùng theo những đường hướng mà chúng tôi không đồng ý? Lẽ cố nhiên, nhưng tôi không tin rằng Honecker và ngay cả Mielke tìm cách chế tài những hành vị khủng bố hoặc vũ lực đối với dân thường. Với tư cách là một giám đốc của một cơ quan tình báo hải ngoại, tôi chấp nhận trách nhiệm về những lạm dụng này - nhưng không phải là nhận tội. Đây là một phân biệt về đạo đức mà tôi hy vọng độc giả chấp nhận để chấm dứt những thái quá của thời buổi đó.Cuộc tranh luận về những định nghĩa khác nhau của “phạm tội” và “trách nhiệm” đã trở nên mỗi lúc một sôi động hơn trong những năm gần đây. Để đem những danh từ này trở về khung cảnh lịch sử của nó, chỉ có một thiểu số dân Đức có tội vì đã phạm những tội ác dưới thời Quốc Xã, nhưng tất cả những Đức sống thuận theo chế độ Quốc Xã có trách nhiệm về những hành vi này. Đây không phải là một sự phân biệt có tính cách hàn lâm. Tội ác thuộc phạm vi xét xử của luật pháp, trách nhiệm thuộc pham vị của lương tâm. Nếu chiếu theo pháp luật, chỉ cần nói tất cả những hồ sơ lưu trữ được đội ngũ cần mẫn của những uỷ viên công tố của Liên bang Đức xem xét, họ không đưa ra được chứng cớ nào, chưa nói đến tang chứng, về sự đồng loã của tôi trong những hành động bạo lực. Tôi cũng đệ ba đơn kiện những tờ báo nói rằng tôi biết Cộng hoà Dân chủ Đức chứa chấp những kẻ khủng bố Tây Đức khi Bộ Công an làm việc này; tôi không hề biết. Hơn thế nữa, tôi bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán viện cớ là tôi đã có lần thương thảo với bọn khủng bố. Tôi không thấy họ trưng bày chứng cớ để hỗ trợ cho những lời kết án này. (Cũng nên chú ý là CIA không hề thắc mắc khi họ mời tôi sang Hoa Kỳ năm 1990, mặc dù là Bộ Ngoại giao hầu như không biết chuyện này khi họ ngăn cấm tôi sáu năm sau).Như câu chuyện của tôi sẽ làm sáng tỏ, các bộ trong cùng một chính quyền, ngay cả những ngành có liên lạc mật thiết với nhau như cục đối ngoại và cục tình báo hải ngoại, không nhất thiết phải biết cục kia làm gì - cho dù cục này nằm ở tại Langley, Virginia, chi nhánh lớn của Washington, D.C, có biệt danh là Foggy Bottom (Cái đáy mờ ảo), hoặc là ở tại Đông Berlin khi nó vẫn còn là thủ đô của Cộng hoà Dân chủ Đức. Tôi sẽ đề cập ở đây những gì tôi biết và tôi để độc giả xem xét tội phạm của tôi, mà tôi từ khước, đối nghịch lại với trách nhiệm tinh thần của tôi, mà tôi chấp nhận.
Hậu quả độc hại của việc này là lâu lâu có những sĩ quan tình báo bịa chuyện hoàn toàn để chứng tỏ với bộ Tổng tham mưu họ đang phản công kể thù trong khi họ chẳng làm gì hết. Người ta được biết các sĩ quan tình báo Moscow cư trú tại các sứ quan ở ngoại quốc lâu lâu gửi báo cáo về đã gặp gỡ các điệp viên và các nguồn tin ma, để xuất hiện trước mắt cấp trên của mình như một người chăm chỉ làm việc.Loại phong cách này không thể che giấu được lâu trong tình báo hải ngoại, bởi vì tất cả thông tin do điệp viên và nguồn tin thâu lượm được đều được các sĩ quan nghiên cứu kỹ lưỡng không chậm trễ, do đó những mánh khóe và những trò quái gở sẽ bị phát giác nhanh chóng một khi thông tin nguyên thuỷ được đem ra đối chiếu. Tuy nhiên, nguy cơ có những hành động như vậy rất dễ xảy ra trong cơ quan phản gián. Nơi đây, Mielke tạo nên một không khí nhà kính bằng cách ép buộc các sĩ quan thực hiện những việc không thực tế để chứng tỏ với nhóm Xô viết và cấp lãnh đạo của chúng tôi chỉ có nhân viên của ông mới đánh bật được gián điệp của phương Tây ra khỏi nước CHDC Đức. Năm 1979 phong cách này cuối cùng dẫn đến sự việc đáng tiếc của ASA.Đôi lúc các kẻ đào thoát từ Quân đội nhân dân sang Tây Đức và cảm thấy cuộc sống ở đây không quyến rũ và dễ dàng như họ thấy trên màn ảnh truyền hình, xin trở về Đông Đức. Vị thế của những kẻ đào ngũ như vậy luôn luôn bấp bênh. Họ được phép như vậy vì sự trở về của họ là một phương tiện tuyên truyền tốt và ngăn cản rất hưu hiệu những ý đồ đào thoát sau này. Cùng lúc đó, kẻ đào thoát trở về không được chính quyền tin tưởng. Để có một căn nhà ở hoặc việc làm tươm tất, họ phải chứng minh trước những câu hỏi dồn dập và chẳng nhã nhặn tí nào là lần này họ phải trung thành với nhà nước xã hội chủ nghĩa. Không cần phải là tâm lý gia Freud, mọi người đều biết ở thời điểm này về tâm lý họ rất dễ uốn nắn.Một trong những mục đích của cuộc thẩm vấn là khám phá xem kẻ trở về có bị tình báo Tây Đức kết nạp không, và nếu có, phương pháp nào đã được áp dụng. Khốn thay, văn phòng Tổng Cục 9 của Bộ Công an tại vùng Suhl (Tổng Cục 9 phụ trách về thẩm vấn) không gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực này. Ít ai trong số những người bị thẩm vấn có cơ hội gặp gỡ các cán bộ tình báo phương Tây để được kết nạp, hoặc nếu có, chỉ ở mức độ tổng cục trưởng không xem là quan trọng để gây ấn tượng với bộ Tổng tham mưu ở Đông Berlin.Một hôm, hai sĩ quan trung cấp báo cáo là họ đã chấm dứt việc thẩm vấn một lính đào ngũ trở về thú nhận đã nhận tiền của người Mỹ. Đây là một khám phá hay ho hơn là một người làm việc cho Tây Đức. Các sĩ quan báo cáo người này đã được sĩ quan Hoa Kỳ huấn luyện kỹ thuật khuynh đảo bạo động tại những căn cứ tái định cư cho những người Đông Đức đào thoát. Những năm tháng tuyên truyền về những kế hoạch của phương Tây nhằm phát động một cuộc chiến ngấm ngầm tại Đông Âu đang đem lại kết quả. Người này nói rằng Hoa Kỳ đặt tên cho mỗi một người Đông Đức là một “điệp viên công tác hạ tầng cơ sở đặc biệt” hoặc là ASA, viết tắt từ danh từ Đức Agent mit spieller Auftragstruktur.Điều này lý ra phải gây báo động. Khởi sự, đây là một cụm từ có âm hưởng Đức, không có âm hưởng Hoa Kỳ - đặc biệt hơn nữa, đây là tiếng Đông Đức bình dân có tính cách khoe khoang. Một sự pha trộn giữa những lời mớm của sĩ quan thẩm vấn và cảm nghĩ của kẻ đào ngũ trở về cho rằng câu chuyện hoang đường của mình càng màu mè chừng nào càng được chính quyền chiếu cố chừng ấy đã khiến cho mọi người thi nhau nhận mình là ASA. Bộ Tổng tham mưu của Tổng Cục 9 ở Berlin cũng nhúng tay vào, và các quận khác cũng tham dự; Rostock trên vùng biển Baltic cũng đóng góp một câu chuyện, do lời khai báo của một ASA, về một chiếc tàu ngầm bí mật.Mielke vui mừng nghe những tin này, vì chúng xác quyết những tiên đoán báo động về mức độ xâm nhập của phương Tây vào Đông Âu và nhu cầu giám sát kỹ lưỡng quần chúng. Trong một cuộc họp với Andropov tôi có mặt, ông khoe khoang ông có những tin tức xác thực về hiểm hoạ của một cuộc chiến tiềm tàng. Ông trao cho Andropov một tài liệu tối mật vạch rõ những nơi chốn của chiếc tàu ngầm tí hon và, liếc nhìn tôi một cách đắc thắng, giải thích dông dài đây là kết quả của công trình phản gián của ông chứ không phải là của cơ quan Tình báo hải ngoại HVA do tôi lãnh đạo.Không ai dám hỏi người Xô viết đã làm gì với những tài liệu này, vì không bao lâu sau đó, một đồng nghiệp trong quân báo của Bộ Quốc phòng báo cho biết một vụ xì-căng-đan đang âm ỉ. Những chuyên gia hàng hải và chiến lược của họ tuyên bố, khi phân tích những dữ kiện này, về mặt vật lý Hoa Kỳ hoặc bất kỳ ai không thể nào đặt một chiếc tầu ngầm dưới biển nơi điệp viên công tác hạ tầng cơ sở đặc biệt nói trên đã thấy nó. Lần nữa, những lời khai của điệp viên ASA tan theo mây khói. Việc khám phá những lời khai này hoàn toàn bịa đặt là do luật sư nổi tiếng Wolfgang Vogel chứ không do những cuộc điều tra trong nội bộ cơ quan. Ông Vogel được mời gọi bào chữa cho những ASA kém may mắn này (những kẻ đào ngũ mặc dù thú nhận đã tham gia trong công tác ASA để được nhẹ tội vẫn bị truy tố về tội đào ngũ). Một cách khôn ngoan, Vogel điều tra tỉ mỉ những câu chuyện của họ và khám phá phần lớn là do các thẩm vấn viên trong Tổng Cục 9 tự gài đặt vào. Tệ hơn nữa, xem ra các vị sĩ quan cao cấp trong ngành điều tra không hề tin những lời khai của những ASA, nhưng vì họ bị tràn ngập với những lời khai lý thú này và sự thèm khát những câu chuyện như vậy trong ngành phản gián tại Đông Berlin, họ không thể hoặc không muốn ngăn chặn cái trò này để nó không tự khai triển động năng của nó.Mielke phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ. Ông cách chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục 9 và ra lệnh điều tra. Ông cho một bài lên lớp nghiêm chỉnh về nhu cầu các cơ quan an ninh phải tôn trọng pháp luật. Ông kêu gọi kiểm soát kỹ lưỡng hơn các thẩm vấn viên và luôn tôn trong quyền người công dân. Ông quát tháo: “Một lời thú tội không thay thế cho nhu cầu triển khai sự thật một cách độc lập. Phương châm thà bắt nhiều hơn bắt ít không thể chấp nhận được”. Chúng tôi tự hỏi đây có phải là một Mielke mới không? Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm khi ông kết thúc bài giảng với lời khích động: “Các đồng chí, kẻ thù phải được đối xử như kẻ thù - không nhân nhượng!”. Cuối cùng chúng tôi thấy ông đã trở lại bình thường.Tôi không biết ông có tự thú nhận cái trò ASA là do bầu không khí lồng kính hâm nóng ông đã tạo nên. Toàn bộ sĩ quan cao cấp trong Tổng Cục 9 tại Suhl đã được âm thâm thay đổi, tuy nhiên không một người trách nhiệm nào bị trừng phạt. Rõ ràng ông bộ trưởng nghĩ rằng sự kín đáo là một lối hành xử khôn ngoan.