iệc phản bội không hẳn hiếm như chúng ta tưởng. Trong đời sống thường ngày bạn bè và người thân bỏ rơi chúng ta, và trong công việc làm, các cộng sự viên gần gũi với chúng ta quay lưng lại chúng ta hoặc âm mưu đáng gục chúng ta để đi lên. Điều này đáng ghét nhưng đó là một phần có thể tiên liệu được trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên phản bội đất nước của mình được số đông xem là một vị phạm trầm trọng của người công dân, bất luận quan điểm chính trị về hệ thống trong đó mình đang sống. Tôi biết rất nhiều thành phần phản bội và họ hành động do những động cơ cao cả và thấp hèn, và trong đó có những người đàn ông và đàn bà tôi đã đề cập đến, sẵn sàng tiết lộ bí mật cho một thế lực ngoại bang vì ý thức hệ, vì tiền bạc, vì chính trị, hoặc vì những lý do hoàn toàn cá nhân.
Nhưng có một hạng phản bội khiến cho người ta kinh hoàng nhưng đồng thời cuốn hút con người một cách vô cùng mãnh liệt và cần được đặc biệt phân tích: kẻ phản bội nằm trong một cơ quan tình báo tự bán mình và bán hiểu biết bí mật của mình cho kẻ khác. Một vài người nghĩ rằng ý muốn phản trác các đồng nghiệp có thể khiến cho những ai làm việc trong môi trường điệp báo được miễn nhiễm không bị ngỡ ngàng khi việc phản bội xảy ra ngay trong hàng ngũ của mình. Điều này sai. Phản bội là một độc tố của tất cả mọi cơ quan tình báo, thuốc ngừa chủng mà chúng tôi có chỉ có hiệu quả giới hạn.
Văn hoá tâm lý của cơ quan tình báo giống như văn hoá của một nhóm hoặc của một bộ tộc, trong đó cá nhân gắn bó với nhau vì một lý tưởng cao đẹp và chia sẻ với nhau cùng một bản sắc, cùng một tư tưởng hoặc một điều gì đó. Khi hệ thống này bị mở toang, nọc độc bất tín sẽ xâm nhập hệ thống. Các điệp viên trên chiến trận, ngay cả khi việc làm của họ không dính líu gì đến khu vực bị phản bội, cảm thấy lạnh gáy và dễ bị thương tổn khi họ đến gần hộp thư chết lần sau (một nơi bí mật mà điệp viên nhận và gửi một lá thư, một thông điệp, vi phim và vân vân) hoặc bắt đài để nhận lệnh đã được mã hoá từ bộ tham mưu. Ai cũng đều biết là thu nạp những điệp viên mới sau một lần đào thoát ngoạn mục rất là khó khăn.
Đối với cán bộ điều khiển điều này cũng gây nên những hậu quả khôn lường. Một cơ quan tình báo đột nhiên trở thành đối tượng được các chính trị gia chú ý đến khi lòi ra có điều gì không ổn đã xảy ra. Thí dụ, quý vị thử nhìn xem cơn động đất đã làm cho CIA hầu như tê liệt sau khi họ khám phá sự phản bội của Aldrich Ames. Kẻ phản bội nằm trong lòng của cơ quan tình báo phản bội bội phần các con số những điệp viên nam nữ mà y đã tiết lộ. Y phản bội sự toàn vẹn của cơ quan mình.
Lẽ cố nhiện có phương thức để giảm thiểu những rủi ro này. Một là tạo nên một cảm tình đoàn kết mãnh liệt, tinh thần đồng đội trong đó mỗi một người chăm sóc cho sự an nguy và an sinh của người khác trên phương diện cá nhân và nghề nghiệp. Một cách khác là xây dựng trên những cơ cấu trung thành đã có sẵn - ý thức hệ, chính trị và địa lý - bắt đầu từ thưở thơ ấu, bảo đảm mỗi một sĩ quan có ý nghĩ muốn trở thành kẻ phản bội có cảm nhận là mình làm như vậy mình phản bội chính bản thân của mình. Sự thống ngự của nhóm WASP (lời người dịch: White Anglo-Saxon Protestants = Người Da Trắng Anglô Saxon theo đạo Tin Lành), nhóm East Coast (Người Mỹ vùng Biển Tây) trong CIA, mạng lưới Oxford và Cambridge trong nội bộ cơ quan tình báo Anh, và những triều đại dòng tộc trong nội bộ tình báo Xô viết tất cả là những cơ chế bảo về phòng chống phản bội.
Việc bội phản có những hậu quả quá đỗi trầm trọng cho nên ngay cả một mối nghi ngờ nhỏ cũng phải được xem trọng. Tôi không bao giờ làm việc với ảo tưởng là các sĩ quan của tôi không bị cám dỗ, mặc dù tôi biết trong các cơ quan khác của khối Đông Âu, các giám đốc tình báo khó mà chấp nhận việc chứa chấp một nhân viên đặc tình phá hoại trong hàng ngũ của họ.
Trong tất cả các mối liên hệ giữa các cơ quan tình báo Đông Âu, liên hệ của nước Cộng hoà Dân chủ Đức với người Ba Lan là đáng sợ nhất. Cho dù đảng viên cộng sản có trung thành đến mấy với Moscow và đồng minh, lịch sử châu Âu đã ghi dấu ấn những hiềm khích về quyền lực của cả hai nước Đức và nước Nga đã để lại những vết thương. Những công tác phối hợp của chúng tôi đòi hỏi rất nhiều khéo léo trong vấn đề ngoại giao cũng như tình báo.
Một lần tôi nhận được thông tin của một điệp viên nằm vùng trong cơ quan tình báo Tây Đức báo cho biết có một nhân viên cao cấp của Bộ Nội vụ Ba Lan sẵn sàng làm gián điệp cho Tây Đức qua trung gian một viên chức làm việc trong ban giải mã của Toà đại sứ Bonn tại Warsaw. Tôi quyết định đến Ba Lan một cách âm thầm để cảnh báo cho các đồng nghiệp của tôi và nhận lời mời đã có từ lâu của ông Thứ trưởng Công an Ba Lan, Franciszek Szlachcic để đi săn cuối tuần trong vùng săn bắn dành riêng cho Bộ tại vùng Thượng Silesia. Trong lúc chúng tôi lùng heo rừng trong các lùm cây rậm rạp, tôi báo cho ông biết việc trên. Chúng tôi đồng ý phương thức tốt nhất là gặp gỡ riêng với giám đốc phản gián của ông và lập kế hoạch để gài bắt. Kế hoạch là bắt kẻ tình nghi tại trận bằng cách vời y về để thi hành một công tác ma trong đó một vài sĩ quan của tôi sẽ giả dạng là người Tây Đức.
Trong buổi họp mặt riêng với giám đốc cơ quan phản gián, tôi ngã ngửa thấy Szlachcic, vì muốn chứng tỏ với tôi là ông quan tâm nhiều đến vấn đề này, mời một số sĩ quan cao cấp để giúp hoàn thiện kế hoạch. Quá nhiều thầy thợ nên nồi cơm hỏng. Chúng tôi dàn dựng bẫy và vô công chờ mãi không thấy người này đến điểm hẹn tại quán hoa. Một lần hẹn khác cũng không thấy gì. Tôi thấy rõ là đã có thất thoát trong nội bộ Bộ Công an Ba Lan từ một người trong số những người biết chuyện. Điều cuối cùng tôi nghe là kẻ chực phản bội Ba Lan đã tiếp xúc với phía bên Anh. Tôi không còn hứng thú để bố trí lại toàn bộ cộng tác và để mặc cho người Ba Lan giải quyết.
Tôi chưa bao giờ quả quyết cơ quan của tôi không có những phần tử xấu. Bài học đau đớn trước đây của những vụ đào thoát không cho phép tôi tin vào tinh thần đạo đức cao của nhân viên tôi, mặc dù tôi nghĩ rằng sự gắn bó ý thức hệ đã thắt chặt chúng tôi lại với nhau là một gắn bó chặt chẽ. Thách đố của hai cơ quan tình báo của hai nước Đức sau cuộc thế chiến là xây dựng một cảm nhận căn cơ đồng nhất và nhập thuộc mạnh mẽ để giảm thiểu nguy cơ bị phản bội từ bên trong. Chúng tôi làm việc này hiệu quả hơn người Tây Đức, vì họ luôn xem những hoạt động tình báo là một sinh hoạt phụ thuộc vào sinh hoạt xã hội dân sự thay vì cố gắng thúc đẩy, như chúng tôi đã làm, tinh thần huynh đệ chi binh, tình đồng chí để ứng phó với những hiểm nguy vốn sẵn có trong ngành điệp báo.
*
Mỗi một cuộc đào thoát đều có tiến trình riêng và mỗi lần đều có bài học để rút tỉa. Cuộc đào thoát gây chấn thương mạnh nhất đối với tôi xảy ra năm 1979, lúc Chiến tranh Lạnh đặt đến độ căng thẳng nhất tại châu Âu. Nó liên quan đến một sĩ quan nằm trong một trong những ban bí mật và hiệu quả nhất của tôi, Ban B, thuộc Ngành Khoa học và Kỹ thuật, được biết theo chữ tắt tiếng Đức là SWT (Sektor Wissenschaft und Technik).
Ngày 19-1-1979, ngày sinh nhật của tôi, tôi đang ngồi trong một buổi họp với các giám đốc tình báo trong vùng Karl-Marx-Stadt. Buổi họp chưa kịp bắt đầu thì có điện thoại gọi tôi. Một trong những phụ tá của tôi ở đầu giây và tôi cảm nhận sự căng thẳng trong tiếng nói. Anh đi thẳng vào vấn đề: “Tại SWT, có người đã bỏ đi rồi!”. Phản ứng tức khắc của tôi, tôi nghĩ cũng được các giám đốc tình báo thế giới chia sẻ, là lên tiếng chửi rủa thậm tệ. “Nhưng, thưa Xếp, chưa hết chuyện tai hại”, giọng nói đầu giây tiếp tục: “Tủ an toàn bị mở, có vài giấy tờ bị mất và, tổ sư nó, căn cước thông hành để qua biên giới cũng đi luôn”. Đây là thông hành - mỗi ban chỉ có một cái - để cho nhân viên của ban này có kinh doanh dùng để di qua cửa ngõ chính biên giới Berlin, trạm kiểm soát Friedrichstrasse. Các vệ binh canh gác biên giới Đông Berlin cho phép người này đi qua phía Tây Berlin.
Hai ngày trước đó, tại một buổi họp cán bộ cao cấp của tôi trong khuôn khổ Đảng, tôi ngỏ lời chúc mừng năm mới theo truyền thống. Tôi nói: “Các đồng chí, đừng bao giờ quên, điều tệ hại nhất có thể đến với chúng ta là kẻ thù tìm cách len lỏi xâm nhập vào hàng ngũ của chúng ta”. Đó là một huấn thị đạo đức, nhưng bây giờ việc này xảy ra và tôi đâm ra bàng hoàng. Đặc biệt đau đớn cho tôi khi tôi được biết việc đào thoát xuất phát từ SWT, một ban mà tôi đặc biệt chú ý vì tôi tin tưởng là điệp báo giỏi nhất thế giới cũng vô dụng nếu chúng tôi không bắt kịp với đà tiến triển khoa học và kỹ thuật của phương Tây.
Trong cuộc điều tra, vệ binh tại biên giới cho biết là thông hành đã được sử dụng vào lúc 9g 30 chiều hôm qua, như vậy kẻ đào thoát đã đi được 12 tiếng đồng hồ rồi mới bị phát giác. Y đã cẩn thận chọn lựa thời điểm, vào mùa nghỉ mùa đông. Tại bộ tham mưu của Tình báo hải ngoại HVA ở Đông Berlin, một kiến trúc to lớn và kiên cố được bảo vệ chặt chẽ tại đường Normannenstrasse, họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những thu xếp ngày nghỉ của nhân viên và điện thoại về nhà họ, với mục đích tìm kiếm sĩ quan đang vui thú hưởng thụ ngày nghỉ đông và xem ai là kẻ phản bội.
Họ thiết lập danh sách các người tình nghi. Và khi tôi đến Đông Berlin ba giờ sau, chúng tôi phát hiện người chúng tôi tìm là Đại uý Werner Stiller, một sĩ quan Phó Ban 1, chuyên về vật lý hạt nhân, hoá học và vi khuẩn học. Là một trong những sĩ quan xuất sắc trong Ban, anh lả một người dễ thương, có nhiều tự tin và vừa mới được chọn làm đệ nhất bí thư Đảng trong Ban của mình, một chức vụ trao cho một người được xem là đặc biệt cứng cỏi và đáng tin cậy. Stiller chắc chắn là một biến cố đào thoát tệ hại nhất xảy ra trong mười năm nay. (Năm 1959 Đại tá Max Heim, một khuôn mặt trụ cột trong công tác đánh phá đảng Dân chủ Xã hội đã đào thoát, dẫn đến việc bắt giữ hành chục điệp viên của chúng tôi. Năm 1961, Walter Glasse, một sĩ quan có trách nhiệm công tác đánh phá các tổ chức Hoa Kỳ tại Tây Đức, đào thoát và làm nguy hại đến một số công tác của chúng tôi. Cả hai người sinh sống tại Berlin và hợp tác với tình báo Tây Đức mỗi khi họ cần đến.
Tất cả những báo động cấp bách đều vận chuyển. Những điện thư được gửi đến các điệp viên và mật báo viên do Stiller điều khiển ở Tây Đức, báo cho họ biết phải án binh bất động và huỷ bỏ tất cả những hồ sơ liên luỵ, trong khi đó các chuyên viên nghiên cứu của chúng tôi xem xét danh sách các hồ sơ, cố gắng tìm những vật liệu Stiller đã đánh cắp. Chúng tôi phải chạy đua gấp báo những người dễ bị tổn thương trước khi tình báo Tây Đức khai thác những vật liệu do Stiller cung cấp để đánh vào những điểm này.
Họ nhận ra Stiller đã đánh cắp những hồ sơ danh sách các mật báo viên. Trong hồ sơ có những danh sách gọi là ban đồng hành thông tin của cả Ban Khoa học và Kỹ thuật, những bản tóm tắt những báo cáo gần đây của các điệp viên và nguồn tin và bí danh của những người đã soạn thảo. Chúng không tiết lộ danh tính và nơi ở của các điệp viên và nguồn tin, nhưng phản gián tại Cologne có thể dùng chúng để xác định những nghi ngờ họ có trước đó. Tôi phải thú nhận là Stiller bạo gan và chuẩn bị chu đáo việc đào tẩu của y. Lấy cắp những hồ sơ của mật báo viên có nghĩa là đương sự có món quà cụ thể để biếu cho phía bên kia khi anh sang đến Tây Berlin. Đương sự nhất quyết đào thoát để sẵn sàng chấp nhận án tử hình nếu bị bắt trên tay với những vật liệu này. Điều này có nghĩa là kẻ thù đã mua chuộc anh hoặc anh có ý định nhận sự mua chuộc.
Đúng vào lúc tôi nghĩ không còn gì tệ hại hơn nữa thì sự việc xảy đến. Giọng nói hốt hoảng của Mielke ở đầu bên kia đường giây điện thoại khẩn cấp báo cho tôi là một loạt những hồ sơ không còn trong tủ sắt kín nữa: những hộp đựng những diễn văn và lệnh của ông. Vì những lời tuyên bố thường lúc ngoắt ngoéo và trùng lập của Mielke, việc này khiến cho tôi không biết ăn nói làm sao và xem ra đây là một vấn đề trầm trọng nhất trong ngày. Nhưng ông bộ trưởng không nhìn dưới khía cạnh này. Tôi không dứt ông ra được khỏi đầu giây. “Đ. mẹ, lộn xộn quá! Mời mẹ kẻ thù nó đến họp với chúng ta và cấu kết với chúng cho rồi! Tao chán bọn bay quá rồi”.
Tôi bậm môi để kìm hãm cơn giận, mặc dù tôi vẫn muốn quát lại. Nhưng tôi đã kinh qua những cơn giận trẻ con của ông và để cho ông xả hơi. Sau đó tôi làm bản sao những tài liệu của ông từ một văn khố khác và gửi đi với ghi chú như sau: “Đính kèm đây là bản sao những tài liệu có chữ ký của ông, hiện nay nằm trong tay kẻ địch”. Điều này cho ông thời gian để tiếp thu chấn động trước khi những tài liệu này được các kẻ thù trong tình báo Tây Đức vui vẻ giao cho báo giới và theo đó được phát hành để cho mọi người đọc.
Để hiểu sức công phá ghê gớm do việc đào thoát của Stiller gây nên, quý vị phải hiểu tầm mức quan trọng của ngành điệp báo khoa học và kỹ thuật vào lúc đó tại các nước xã hội chủ nghĩa. SWT được tổ chức vào thập niên 1950 dưới hình thức một tiểu ban nhỏ giúp chúng tôi bắt kịp đà phát triển của phương Tây về kỹ thuật làm vũ khí hạt nhân. Nhiều chuyên viên cao cấp về vật lý học và sinh vật học của phương Tây, lo sợ viễn tượng Tây Đức tái trang bị vũ khí, bắt đầu báo cáo cho chúng tôi là việc xây cất các lò nguyên tử tại Tây Đức được tổ chức sao cho những công trình biến hoá những nhiên liệu và phân cách chất đồng vị có thể chuyển biến nhanh để dùng cho mục đích quân sự.
Đây là vào lúc chiến tranh tuyên truyền không ngừng nghỉ. Quần chúng phản ứng một cách lo ngại đối với tất cả những ý kiến cho rằng tái trang bị quân sự có thể dùng cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Chúng tôi bận rộn theo dõi Tây Đức trong quá nhiều hoạt động kín ; những tiến bộ kỹ thuật trong việc chiết xuất Plutonium tiến nhanh, một thế hệ doanh nhân mới thời hậu chiến đầu tư vào các nước Thế giới thứ ba có tham vọng được kỹ thuật hạt nhân, chẳng hạn như Brazil, Argentina, Libya, Pakistan và Nam Phi.
Nhưng vấn đề hạt nhân cũng rất nhạy cảm tại Đông Đức. Nước chúng tôi không có chương trình khai thác tách biệt với Liên Xô. Moscow đã kiểm soát những hoạt động khai thác quặng mỏ Uranium của Đông Đức và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho đến khi Đông Đức sụp đổ và nước Đức thống nhất năm 1990. Hãng Wismut AG, có trụ sở chính tại miền nam CHDC Đức, ngoài mặt là do liên hợp Đức - Xô viết quản lý nhưng trên thực tế là một nước trong một nước do quân đội Nga điều khiển các quản trị viên, kỹ sư và khoa học gia người Đức.
(Em trai của tôi, Koni, đã phát hành một trong những phim hay nhất về Wismut, Sonnensucher - Đi tìm mặt trời - trong đó Koni mô tả thực tế của thế giới hầm mỏ Uranium trong những năm đầu, một loại Miền Đông Hoang Dã đầy những kẻ vô công rỗi nghề, tội phạm và quân nhân giải giới tìm cách kiếm tiền nhanh chóng dưới sự giám sát chặt chẽ của những mật báo viên và của quân đội. Koni dự định trình chiếu phim này để trình bày lần đầu tiên một cách tương đối lương thiện về sự hiện diện của Xô viết tại Đông Đức và vết chấn thương tồn tại giữa hai quốc tịch trước đây là kẻ thù đáng ghét nay cố gắng tìm cách hoà thuận với nhau. Bích chương của phim được gắn khắp cùng Berlin vào năm 1956, và chúng tôi đang chuẩn bị trình chiếu lần đầu thì Walter Ulbricht hoảng hốt vì ông được biết Đại sứ Xô viết, Pyotr Abrassimov, không muốn đề cập đến những công trình hạt nhân. Các vệ binh của sư đoàn Felix Dzerzhinsky, các binh lính của Bộ Công an được phái đi về đêm để gỡ bỏ những bích chương và cuộn phim được cất vào kho chờ 10 năm nữa).
Việc kiểm soát liên tục của Nga vẫn còn sau khi tất cả những hợp tác khác đã được giao lại cho chúng tôi, đồng thời với việc Xô viết chuyển tải những tài nguyên giá trị của Đông Đức cho nhu cầu của quân đội họ, đã khiến cho dự án về Uranium là một dự án nhạy cảm nhất về chính trị trong nước.
Tình thế bấp bênh về năng lượng và những vấn đề cán cân chi phó của nước chúng tôi đưa đến những lời kêu gọi chúng tôi phải thiết lập chương trình năng lượng hạt nhân cho chính nước chính tôi. Điều này đã được khoa học gia Klaus Fuchs ủng hộ. Klaus Fuchs đã định cư tại Dresden sau khi ông ra khỏi nhà tù Anh vì tội chuyển giao những bí mật của phưong Tây về bom hạt nhân cho Moscow. Fuchs cũng đoan quyết Liên Xô đã đánh lừa nước CHDC Đức khi trả giá Uranium quá thấp.
Tôi nghĩ là ông nói đúng và cơ quan của tôi nằm ngay trong thế kẹt. Một mặt chúng tôi trao cho Xô viết phần lớn những thông tin khoa học và kỹ thuật chúng tôi thu thập được. Mặt khác, các khoa học gia trong nước biện luận chúng tôi chỉ có thể cạnh tranh với phương Tây bằng phương cách phát triển chính kỹ thuật của mình. Cấp lãnh đạo càng lúc càng chú ý đến việc lượng định các loại máy phát điện và áp lực đè nặng lên Ban Khoa học và Kỹ thuật của tôi ép chúng tôi phải cung cấp những thông tin nhưng không cho người Xô viết biết chúng tôi đang tính đến chuyện này.
Tôi đến gặp Heinrich Weinberg, đầu óc già dặn khôn ngoan của SWT, để hỏi ý kiến về đường hướng tình báo chúng tôi phải đi. Ông là một học giả hàn lâm và giống như một loại quái nhân không phù hợp với nhóm thủ cựu Cộng sản ẩn nấp thời tiền chiến và nay chiếm giữ phần lớn những chức vụ quan trọng trong bộ máy Công an Nhà nước. Thực ra, kinh nghiệm chính trị duy nhất ông có là gia nhập Phong trào thể thao Đỏ và ông là tay đua xe đạp say mê. Ông không hề có lối suy nghi đẳng cấp, một lối suy nghĩ phổ biến trong văn hoá văn phòng của chúng tôi, khinh khi những lợi thế của chức vụ mình và nhất quyết đi làm trên chiếc xe đạp. Điều này biến ông thành đối tượng chế diễu của các nhân viên trung cấp và cao cấp vốn thích khoe khoang có được những chiếc xe ngoại nhập Golf VW hoặc Citroën và Ford dành riêng cho những viên chức thượng cấp.
Weiberg muốn soi sáng cho tôi tất cả những chi tiết về máy phát điện, cho dù tôi có hiểu hay không hiểu những gì ông nói. Tôi quen thuộc với những câu trả lời ngắn gọn của các giám đốc ban, nhưng ông không biết cách chuyển đạt nào khác là thuyết trình dài dòng, vì vậy tôi nhã nhặn xin đị học lớp tốt nghiệp về vật lý học. Weiberg tin tưởng mãnh liệt vào các lò phản ứng hạt nhân trung tử nhanh nhạy đang được xây cất tại Tây Đức. Chúng tôi bị kẹt với lò mẫu Xô viết và Weiberg xét thấy có nhiều rủi ro. “Chúng ta phải tiến lên, đồng chí Wolf. Anh có thể nói cho họ (Bộ Chính trị) biết đây là đầu mối của tương lai”.
May mắn cho chúng tôi quyết định khởi sự chương trình hạt nhân của chúng tôi không bao giờ được thực hiện, phần lớn vì chi phí nhưng cũng vì cấp lãnh đạo lo ngài những hệ luỵ với Moscow. Một vài năm sau, sau giai đoạn này, Tây Đức bỏ rơi kỹ thuật trung tử nhanh vì không giải quyết được vấn đề làm nguội sodium. Lợi ích duy nhất của khoá cấp tốc về vật lý hạt nhân đem lại cho tôi là tiếng tăm không lấy gì làm thích đáng tại Moscow tôi là một loại người thời Phục Sinh có thể bắt nắm khoa học cũng như những lãnh vực chuyên môn khác của tôi. Tôi học hỏi khá nhiều những luận điểm của Weiberg để có thể hỏi những câu hỏi chính xác khi tôi đến tham quan một trung tâm nghiên cứu nguyên tử lực gần quê quán Ulyanovsk của Lênin trên sông Volga. Họ gửi báo cáo về cho các đồng nghiệp Moscow khen ngợi sự ám tường vấn đề của tôi.
*
Vào giữa thập nhiên 1960, tôi thấy rõ Đông Đức lê lết trong cuộc chay đua về cải tiến kỹ thuật. Hàng triệu bạc đã được đổ vào nghiên cứu và phát triển tại Tây Đức, trong khi giới lãnh đạo của chúng tôi, ngăn chặn những cơ hội bộc phát phấn khởi trong một vài dự án trong lúc ngẫu hứng, không cung cấp phương tiện cho các khoa học gia và phung phí tiền tiết kiệm thay vì thoả mãn nhu cầu của người tiêu thụ và nhờ đó ngăn ngừa quân chúng dấy động. Sau một cuộc đối thoại với những khoa học gia nản chí mà tôi có quan hệ, tôi chợt tìm ra phương thức để thoát khỏi cảnh khốn khổ này. Nếu các điệp viên của chúng tôi có thể xâm nhập giới ưu việt chính trị ở Bonn và những bộ tham mưu của NATO tại châu Âu, không có lý do gì để họ không tiếp cận những bí mật kỹ thuật. Mặc dù kỹ năng và trọng tâm chính của tôi nằm trong tình báo chính trị, càng lúc tôi càng lưu tâm tới tiềm năng của ban SWT. Gia đình tôi nói đùa với tôi đây là phần đền bù chậm trễ cho giấc mộng không thành lúc thiếu thời học làm kỹ sư hàng không tại Moscow ; tôi vẫn ghi danh mua dài hạn những tập san hàng không tôi có dưới tay từ Đông sang Tây.
Nhưng tôi cũng thấy trong ngành hoá học, vi động cơ, động cơ học và quang học, chúng tôi có những khoa học gia tài ba, vì phương Tây cấm vận xuất khẩu kỹ thuật sang khối Đông Âu và chính quyền Đông Đức giới hạn những cơ hội di chuyển của họ, đang tìm cách phát minh những kỹ thuật cao tương đương trong nỗ lực sáng chế lại bánh xe. Tôi lý luận một chút tiếp cận không chính thức với ngành nghiên cứu cao đẳng của phương Tây có thể giúp chúng tôi tiến xa và mặt khác, lòng ngưỡng mộ của cấp lãnh đạo đối với cơ quan tình báo sẽ gia tăng nếu chúng tôi giúp họ làm cân bằng cán cân kỹ nghệ.
Chúng tôi cần những chuyên gia nhiều hơn con số hiện nay. Tôi thảo luận vấn đề với các sĩ quan cao cấp của tôi và chúng tôi đồng ý việc khởi đầu là kết nạp đầu tàu trong số các sinh viên ngành khoa học. Một trong những người đầu tiên được kết nạp là Werner Stiller.
Một trong những người lùng kiếm tài năng địa phương tìm ra Stiller, một sinh viên khoa học có khả năng tại Đại học Karl Marx tại Leipzig. Khi chính quyển sở tại biết chắc đương sự là một viễn tượng đáng tin cậy, họ gửi đương sự đến chúng tôi tại Berlin, nơi đây đương sự ký một tài liệu tuyên thệ “với lương tâm và tất cả sưc lực” phục vụ cho nước Cộng hoà Dân chủ Đức trong Bộ Công an. Để ghi nhớ những chuyện phiêu lưu Cộng sản thời niên thiếu, đương sự dùng bí danh Stahlmann - “người thép” -, trùng với tên của ông xếp cũ của tôi. Vừa ký xong, y và hai sĩ quan trách nhiệm rủ nhau cụng ly cognac.
Stiller là một thanh niên đẹp trai, vạm vỡ, có vóc dáng cởi mở và thông minh. Tôi không đích thân đến gặp anh ta vì anh ta thuộc lại tép riêu, mặc dù sau này anh khoác lác anh đã gặp tôi. Do tính tình, tôi xếp anh vào loại người tính toán và cứng cỏi hơn là loại chuyên cần ý thức hệ. Stiller được phái đến Tiểu ban 1. Tiểu ban này có mục tiêu là bắt kịp những nghiên cứu hạt nhân của Tây Đức và giám sát sự triển khai tất cả những hệ thống vũ khí mới tại đây.
Vào thời điểm y đào thoát, Stiller phụ trách khoảng một chục nguồn tin không chính thức tại CHDC Đức và bảy điệp viên Tây Đức anh đã kết nàp, trong đó có Rolf Dobbertin, một nhà vật lý học chuyên về hạt nhân ở tại Paris (Sau năm năm ở tù Pháp, trong một phiên toà tái thẩm, Dobbertin được trắng án tội gián điệp. Dobbertin không bao giờ phủ nhận đã trao thông tin, nhưng ông gọi đó là “giúp đỡ phát triển khoa học cho các đồng nghiệp CHDC Đức); Reiner Fülle, một chuyên viên nghiên cứu lão thành tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân tại Karlsruhe; một doanh nhân làm việc cho Siemens và một người khác trong kỹ nghệ hạt nhân tại Hanover. Stiller đem theo với y những thông tin giúp cho Tây Đức khám phá giáo sư Karl Hauffe, giám đốc chương trình nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Göttingen, làm việc hco KGB, mặc dù chúng tôi điều khiển ông từ Berlin.
Ngoài những sinh hoạt đặt trọng tâm vào lãnh vực phát triển hạt nhân, ban này cũng khuếch trương điệp báo trong kỹ nghệ, thăm dò kỹ nghệ rộ phát của phương Tây về kỹ nghệ vi tính và tìm những mối liên lạc để gỡ thế cấm vận của phương Tây. Một trong những điệp viên giỏi nhất của chúng tôi trong lãnh vực này là Gerhard Arnold, bí danh Storm, một thanh niên đã được gửi sang Tây Đức để “nằm vùng”. Tứ đó anh leo cấp bậc trong Hãng IBM Đức và chuyển những tài liệu nội bộ về khai triển hệ thống mới và nhu liệu. Arnold là một trường hợp quái lạ vì anh ta từ lâu không gần gũi chính trị với chúng tôi và từ chối nhận tiền của chúng tôi nhưng vẫn tiếp tục chuyển thông tin cho chúng tôi bởi vì anh cảm thấy vẫn còn tình cảm quyến luyến với Đông Đức.
Nghiên cứu vi tính đặc biệt có giá trị đối với Đông Đức vì nó nhằm thúc đẩy hãng đứng đầu về vi điện tử Robotron. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi thua xa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Phương cách duy nhất để Robotron bắt kịp họ là thu thập những hiểu biết và nhu liệu của phương Tây bị cấm vận ngăn chặn. Rập theo mô hình IBM, Robotron tuỳ thuộc khá nhiều vào những tiến bộ kỹ thuật của IBM mà chúng tôi lén lút lấy được vì vậy, trên thực chất, nó là một loại công ty chi nhánh bất hợp pháp.
Nhờ gặt hái được nhiều thành quả, Stiller sớm được quân hàm trung uý. Y đang trên con đường thăng tiến khi y quyết định đào tẩu vì, theo sự hiểu biết của tôi, lý do hoàn toàn dựa trên ước vọng sống một cuộc đời thoải mái hơn tại Tây Đức. Hôn nhân của y bấp bênh và y có một tình nhân, một cô chiêu đãi tên Helga có người anh ở Tây Đức. Qua người anh này, Stiller tiếp xúc với tình báo Tây Đức, có lẽ vào giữa thập niên 1960. Đương sự thương lượng thông báo cho Tây Đức về những công tác trong ban của anh với một số tiền lớn và sau cùng là một chuyến đi sang Tây Đức sống cuộc sống an toàn. Đây là một dàn xếp thường thấy nơi các kẻ chuẩn bị đào tẩu. Tuy nhiên, vấn đề là sau khi kẻ địch đã bám chặt một cá nhân, họ thấy lợi ích lưu giữ ở nơi cũ kẻ mới kết nạp - để cung cấp những thông tin giá trị ngay trong lòng địch - hơn là tiếp nhận họ vào lãnh thổ của mình. Lẽ cố nhiên kẻ phản bội không suy nghĩ như vậy, đặc biệt khi ngày tháng trôi qua và nguy cơ bị lộ mỗi lúc một gia tăng. Hậu quả thường là một cuộc đấu tranh ý muốn trong đó cả hai bên trong cuộc thương lượng đều tìm cách áp lực nhau.
Cơ may của Stiller mỗi lúc giảm nhanh. Năm 1978, cơ quan phản gián của chúng tôi, với nhiệm vụ ngăn chặn điệp báo tại nước CHDC Đức, bắt được một lá thơ mã hoá do y gửi cho một địa chỉ ở Tây Đức mà chúng tôi biết là bình phong của tình báo hải ngoại của Tây Đức (BND). Giám đốc cơ quan phản gián của chúng tôi không tìm ra được cách giải mã hoặc tìm ra kẻ gửi đi, nhưng ông ra lệnh tất cả các thư từ gửi sang Tây Đức trong cùng một vùng bưu điện mà họ đã chặn bắt lá thơ phải được rà soát. Quả nhiên, họ chận bắt một điện tín bưu điện vài tháng sau. Lần này cơ quan phản gián tìm ra được mật mã. Điện tín viết: “Tôi không thể đáp ứng lời yêu cầu của quý vị”. Các chuyên viên nghiên cứu nét viết cho biết đây là chữ viết của một người đàn bà; đó là Helga chuyển lời của Stiller cho các cán bộ điều khiển Tây Đức thông báo là y không thể chuyển giao gói vi phim.
Chúng tôi không có lý do chính xác nào để nghi ngờ Stiller ngoại trừ cơ quan phản gián tình cờ khám phá một cuộc gặp gỡ với một người vào một thời điểm và nơi trốn không ăn khớp với những báo cáo của chính y với các nguồn tin của y. Chúng tôi chưa vội vã kết luận, nhưng năm 1976, khi tôi ra lệnh đình chỉ tất cả những hoạt động ngoại trừ những công tác thiết yếu tại Tây Đức bởi vì có một cuộc săn lùng điệp viên tại Berlin, chúng tôi bắt đầu theo dõi những chuyến đi của y sang Tây Berlin. Tuy nhiên đương sự vẫn được phép di chuyển sang Zagreb (Nam Tư) để gặp một trong những nguồn tin Tây Đức của đương sự. Nơi đây, đương sự cũng cảnh báo cho BND biết là chúng tôi đã phối hợp những phân tích của máy vi tính với những quan sát trực tiếp để bắt một số những điệp viện của họ đã xâm nhập vào hàng ngũ quân đội Đông Đức.
Vào cuối năm 1978, Stiller bắt đầu lo bởi vì y sợ sắp bị bại lộ - y lo ngại rất đúng và sau này tôi mới biết nhưng đã quá trễ. Đương sự hối thúc cơ quan BND và cơ quan này hứa sẽ chăm sóc cho y ở Tây Đức và chấp nhận y đào tẩu. Không hiểu là họ cố ý hay là bất cẩn (cả giới tình báo của chúng tôi cũng như của đồng nghiệp CIA Hoa Kỳ ai cũng biết cơ quan tình báo Tây Đức nổi tiếng là như vậy), họ đưa cho y những giấy căn cước giả mạo quá thô sơ nên không dùng được. Stiller đành quyết định tự tìm kế thoát thân khỏi Đông Đức với giấy thông hành của ban mình.
Giấy thông hành dùng một lần duy nhất trong mỗi ban đều được trưởng ban cất khoá kỹ và phải có chữ ký mỗi khi có người dùng đến để đi kinh doanh tại trạm Friedrichstrasse. Giao điểm chính ở Berlin giữa Đông và Tây là một ổ hoạt động tình báo, với một dãy hộp khoá (tiện lợi để làm hộp thơ chết) trong những hành lang ngoằn ngoèo. Trạm xe hoả này, về mặt thuần tuý kỹ thuật, nằm trên phần đất của Đông Berlin, nhưng trên thực tế được chia cắt mỗi bên Đông và Tây một nửa, biên giới kiểm soát nằm ở giữa. Bất cứ một người Đông Đức nào bước lên xe lửa ở phía Tây cũng vẫn có thể bị chính quyền Đông Đức bắt và lôi cổ về.
Những nhân viên trong Ban Khoa học và Kỹ thuật than phiền việc phải ký giấy thông hành mỗi khi đến trạm xe hoả là một dấu hiệu bất tín và sỉ nhục. Tôi nghĩ điều này tệ thật nhưng không có phương thức nào khác. Để đơn giản hoá thủ tục, giám đốc ban đề cử cô thư ký của mình là người giữ giấy thông hành kỳ diệu này. Cô lưu giữ hồ sơ những lần đi và về và được kiểm soát hàng ngày; nhưng nếu có một sĩ quan cô quen biết và tin tưởng đến hỏi thông hành, cô vui vẻ cấp giấy tờ này như thể đưa chia khoá vào phòng tắm rửa.
Trong mọi trạng huống, sự khéo léo và bản năng tự vệ cực cao của Stiller giúp anh ta thoát hiểm. Thay vì liều lĩnh dùng những giấy tờ kém chuẩn bị, đương sự cậy tủ an toàn của ban mình để lấy thông hành và lựa chọn những hồ sơ có giá trị nhất trong ban để làm hộ thân bên Tây Đức. Y giả mạo giấy công tác ban chỉ thị cho y đi qua địa phận Tây của trạm xe hoả Friedrichstrasse và đặt một va-ly vào một trong những ngăn khoá ở đây. Đối với người kiếm soát việc qua lại đang thi hành nhiệm vụ đêm đó tại trạm, việc này hoàn toàn thông thường. Đây là chuyến đi Stiller vẫn bình thường làm hàng chúc lần trước đây trong khi thi hành nhiệm vụ.
Hồ sơ về đêm định mạng hôm đó cho thấy hai người đã trao đổi vui vẻ về thời tiết tồi dở và Stiller, cố ý đánh lạc hướng viên sĩ quan không để cho người này xem xét kỹ lưỡng giấy tờ của mình, nói đùa “Có thể tôi sẽ xin thuyên chuyển về Ban của anh. Anh chỉ ngồi suốt ngày trong góc vuông ấm áp này. Tôi có lẽ cũng thích hợp việc này”. Anh bảo vệ lần giở những trang tài liệu: có một sự vụ lệnh đóng dấu “tối mật”, giấy phép nơi làm việc, giấy phép đặc biệt qua biên giới, và giấy thông hành. Khi thấy Stiller nhanh nhẹn trình toàn bộ những giấy tờ cùng một lúc, anh bảo vệ không xem xét xa hơn nữa. Kẻ phản bội đi qua hai lần cửa sắt để bước sang phần đất Tây Đức. Hai cửa này bật mở cách nhau tám giây, đủ thời giờ để viên sĩ quan bảo vệ bấm nút khoá nếu anh bất thình lình thay đổi ý kiến và quyết định kiểm soát xem tất cả những con dấu trên những tài liệu đều ăn khớp với nhau không. Anh không có ý nghĩ này.
Bước lên sân ga, Stiller chậm rãi bước qua các cửa sát và một cách chính thức và không thể vãn hồi bước sang phần đất Tây Đức của nhà ga. Biết rõ các sĩ quan phản gián Đông Đức luôn hoạt động tại đây, y vờ loanh quanh tại các hộp khoá. Rồi, khi nghe tiếng rầm rì của toa xe sắp đến, y chạy nốt đoạn đường cuối và nhảy lên toa cùng lúc đèn đỏ nhấp nháy và lời phát âm tự động: “Mọi người lên xe! Cửa đóng lại”. Mười phút cuối cùng của chuyến đi này trên chuyến xe hoả lọc cọc trên lãnh thổ Đông Đức và đương sự vẫn còn nằm trong vòng tầm nã của chúng tôi, chắc đã gây căng thẳng cho Stiller không ít. Khi xe hoả cập bến Lehrter, trạm ngưng đầu tiên bên phía Tây Đức, y biết là y đã được tự do.
Cuối cùng Stiller đi xa hơn nữa trên tuyến đường, đổi xe hoả và trực chỉ trạm cảnh sát gần nhất, nằm trong khu vực ảm đạm ngoại ô Reinickendorf của giới trung lưu thấp kém. Viên sĩ quan trực ca trễ, chỉ trông chờ nhìn thấy diễu hành thường lệ các tài xế say rượu, những kẻ lắm mồm và những bọn trực ăn cắp xe, có lẽ ngạc nhiên cực độ khi một người đàn ông ăn mặc tươm tất bước vào và lịch sự chào hỏi: “Chào ông, tôi là sĩ quan Bộ Công an của nước CHDC Đức vừa mới đào thoát khỏi Đông Berlin. Xin ông làm ơn thông báo cho Pullach (Cơ quan Tình báo Tây Đức)”.
Ngay đêm hôm đó anh đến Pullach. Tôi muốn biến thành con ruồi để xem y mở chiếc cặp da chứa đầy những tài liệu đánh cắp trong tủ an toàn. An ủi duy nhất của tôi là Stiller, mặc dù không thể chối cãi tài năng của y, chỉ là một sĩ quan trung cấp. Nhờ vào hệ thống an ninh tôi đã cẩn thận thiết kế, tôi đoan quyết là y không biết danh tính của các điệp viên khác ngoài bảy người do y điều khiển. Nhưng những tài liệu y đánh cắp trong tủ sắt có những ám chỉ có thể giúp phản gián Cologne tìm ra hai mươi đến hơn hai mươi lăm người nữa và chúng tôi phải xoá dấu vết của những người này.
Bổn phận của chúng tôi là cảnh báo cho các giao liên và điệp viên của y. Chuyên viên lò hạt nhân Johannes Koppe và người vợ đã kịp trốn nhờ nhanh trí. Khi cảnh sát gõ cửa nhà họ tại Hamburg và hỏi ông có phải là Herr Koppe không, ông trả lời không và nói người này ở trên lầu hai. Koppe và bà vợ rời bỏ ngay căn phòng của họ vẻn vẹn với bộ quần áo trên người và đi thẳng đến Bonn và tìm trú ẩn nơi Toà đại sứ Xô viết, và Toà đại sứ đưa họ trốn khỏi nước Đức. Cơ quan phản gián của chúng tôi phải đương đầu với một công việc khó nhọc: Koppe là một người đam mê thích chơi xe hoả, ông sưu tầm những thời khoá biểu của hơn một chục quốc gia và tệ hơn nữa, một bộ xe hoả tiểu ly chạy ngoằn ngoèo trong căn phòng của ông. Nhân viên Tây Đức khổ sở khám xét và tháo gỡ toàn bộ sưu tầm này để tìm tang chứng gián điệp nhưng không thấy gì cả. Cuối cùng, để tưởng thưởng cho một điệp viên bị bại lộ, tôi thu xếp để mua những chiếc xe hoả này khi họ đem bán đấu giá tại Tây Đức (Mielke không bằng lòng chuyện này vì ông không thấy cần thiết chúng tôi tỏ vẻ quá nhiệt thành) và gửi chúng về cho Koppe để rồi Koppe dựng lên lại trong căn phòng nhỏ bé hơn ở Đông Berlin, nơi đây ông sống chật chội nhưng vui sướng hơn.
Một nguồn tin khác của Stiller, Reiner Füller thuộc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân tại Karlsruhe, cũng đào thoát trong đường tơ kẽ tóc. Ông nhận điện thoại báo trong khi các sĩ quan đến bắt ông đã vào tận căn phòng của ông để bắt ông. Trên đường từ xe đến trạm cảnh sát, một trong những người dẫn độ ông trượt ngã trên nền đất đông giá và đập đầu xuống đất. Füller vụt chạy bỏ rơi các sĩ quan đuổi bắt và chạy trốn vào phái đoàn quân sự Xô viết tại Wiesbaden và từ đó ông được giao lại cho chúng tôi tại Đông Berlin (Vài năm sau này, trong thời gian tôi bị đưa ra toà tại Karlsruhe, tôi cũng được chính anh nhân viên đã để cho Füller tẩu thoát đêm tháng Giêng đó. “Ông đừng dở trò này với chúng tôi nhé Herr Wolf “, anh cười đùa. Ở tuổi tôi, tôi không thể nào có cơ may thoát). Füller không thích hợp với đời sống tại Đông Đức và thu xếp, hai năm sau, để liên lạc với cơ quan phản gián Tây Đức giúp anh trở qua lại Tây Đức. Thông thường trong những trường hợp như vậy, chúng tôi biết những vấn đề của một điệp viên đã ngừng sinh hoạt và nghi ngờ anh ta sẽ nhảy qua biên giới để sang Tây Đức. Trong trường hợp của Füller, chúng tôi quyết định để cho anh đi, nghĩ rằng anh chẳng còn gì để báo cho chính quyền bên kia sau thời gian ngắn anh sống dưới sự bảo trợ và kiểm soát của chúng tôi. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng dung thứ trong những trường hợp như vậy. Một điệp viên khác của Stiller, Arnulf Raufeisen, là một địa vật lý học gia tại trung tâm nghiên cứu Hannover, đã bỏ trốn sang Đông Berlin sau khi được chúng tôi báo động và cũng có ý đồ trở về lại Tây Đức năm 1981. Anh bị bắt tại biên giới Hungary trên đường trốn sang nước Áo. Lần này, lệnh từ trên muốn đem anh ra làm gương; mặc dù anh là một điệp viên cũ của Đông Đức, anh bị kết án là điệp viên tại Đông Đức và bị xử tù chung thân.
Tôi bị dằn vặt về chuyện của Raufeisen. Anh đã làm việc cho cơ quan của tôi hai mươi năm và tôi muốn dàn xếp một cuộc trao đổi hoặc ân xá. Nhưng tôi đã thất bại và anh chết trong tù năm 1987, một nạn nhân của sự phản bội của Stiller và công lý tuỳ hứng của CHDC Đức. Vào lúc Stiller đào thoát, chúng tôi mang một mối hận rất sâu đậm; tôi nghĩ Raufeisen đã nhận lãnh án mà chúng tôi muốn Stiller phải đau khổ đón nhận.
Stiller trao cho cho địch thủ trong cơ quan tình báo Tây Đức một điều không sờ mó được nhưng lại rất quan trọng khi y đào tẩu, đó là việc xác nhận chân tướng của bản thân tôi. Mặc dù tôi lãnh đạo tình báo hải ngoại Đông Đức đã hai mươi năm khi y đào tẩu, không một ai bên phía Tây kiếm ra một bức hình của tôi, vì vậy tôi có biệt danh khen ngợi “người không chân dung”. Thực ra, cơ quan Tình báo Liên bang đã có hình của tôi nhưng họ không biết là ai. Tôi bị lén chụp mà tôi không biết trong một chuyến đi Thuỵ Sĩ để gặp bác sĩ Friedrich Cremer, một đầu mối đầy hứa hẹn trong đảng Dân chủ Xã hội Tây Đức. Tôi sang đây vào mùa hè 1978 để gặp gỡ ông trên một lãnh thổ trung lập; chúng tôi thường dùng Thuỵ Điển, Phần Lan và Áo vào mục đích này. Mặc dù chuyến đi là một phần lấy cớ để đi ra khỏi văn phòng, đi du ngoạn với vợ - và bao lâu tôi vẫn còn ở Thuỵ Điển - gặp gỡ Cremer, tôi còn có một lý do khác để hiện diện. Lý do chính của chuyến đi là để gặp gỡ một nguồn tin quan trọng ở trong NATO.
Có lẽ vì chúng tôi quá cẩn thận về vấn đề an ninh quanh công tác quan trọng này, nên chúng tôi bất cẩn thả lòng khi công tác này đã hoàn tất, đúng vào lúc tôi gặp Cremer, với những hậu quả không đẹp cho ông. Các nước Scandinavia rõ rệt trung lập mang một bầu không khí yên tĩnh và chậm rãi và cơ quan phản gián của họ cũng không quá siêng năng, mặc dù tôi biết họ ngả về phía Tây Âu. Tôi gặp những điệp viên của tôi ở vùng phụ cận toà lâu đài lộng lẫy Gripsholm, phía tây Stockholm, nơi đây chúng tôi hy vọng không ai để ý đến chúng tôi trong đám người xem phong cảnh. Sau này, tôi nhớ lại có thấy một cặp vợ chồng đứng tuổi ngồi trong xe hơi nơi bãi đậu. Chiếc xe có bảng số Đức, nhưng không có dấu hiệu gì đáng nghi cả nên tôi tiếp tục cuộc tiếp xúc trên sân của lâu đài. Các bạn đồng nghiệp của tôi thông báo cho biết họ đã thu xếp để tôi đến gặp Cremer tại Stockholm.
Chiều hôm đó, khi tôi đi lang thang trong trung tâm Stockholm, để giết thời giờ trong khi chờ đợi gặp Cremer, một cặp vợ chồng xôn xao, có lẽ là người Hungary, hối hả đến gặp tôi và báo cho tôi biết tôi đã bị chụp lén. Điều nay khiến cho tôi khó chịu, mặc dù tôi không thấy mối tương quan hợp lý nào với cặp vợ chồng trong xe. Tôi tiếp tục công việc dự định trong ngày, gặp gỡ Cremer tại một căn phòng thường được Toà đại sứ CHDC Đức dành cho các viên chức đi du lịch
Sai lầm của chúng tôi là lựa chọn cảng Kappelskar nằm phía cùng Bắc làm nơi nhập cảnh đến từ Phần Lan, theo nguyên tắc cẩn thận điệp viên tránh di chuyển thẳng từ nơi mình ở đến lãnh thổ mà minh dự định gặp gỡ mối giao liên. Như thường lệ đi từ Phần Lan qua Thuỵ Điển, chúng tôi đi qua biên giới không ai hỏi thông hành chúng tôi, vì vậy sự hiện diện của chúng tôi không ghi vào hồ sơ. Nhưng tại hải cảng, sĩ quan tình báo lưu trú tại Toà đại sứ ở Thuỵ Điển đến rước chúng tôi. Phản gián của Thuỵ Điển dầu sao cũng làm việc miệt mài. Họ ghi số xe thuê của chúng tôi vào trong máy vi tính và bắt đầu giám sát chúng tôi khi chúng tôi đi vào Stockholm.
Việc chuẩn bị bất bình thường cho một vị khách đặc biệt đã làm tình báo Thuỵ Điển chú ý đến chuyến đến bí mật từ Đông Đức và họ thông báo cho đồng nghiệp tình báo Tây Đức, với kết quả là tôi bị hai mạng lưới theo dõi chặt chẽ khi tôi đặt chân lên lãnh thổ của Thuỵ Điển. Tình báo Tây Đức trở về nhà với hình ảnh của tôi chụp tại Stockholm, nhưng không ai đoán biết người Đông Đức bí mật kia là ai cả.
Tấm hình được cất vào tủ sắt kín cùng với những tấm hình mờ do phản gián Tây Đức chụp những khuôn mặt đáng nghi nhưng không nhận dạng được đích thực là ai. Khi Stiller sang Tây Đức, tất cả những tấm hình này được trải trước mặt y để y nhận dạng theo thông lệ. Đương sự tức khắc nhận ra tôi và từ ngày đó trở đi, tấm hình đích thực của tôi xuất hiện trên các bài phóng sự của báo chí.
Biết rõ mặt mũi của người lãnh đạo cơ quan tình báo cũng chẳng đem lại một lợi ích thiết thực gì cho kẻ địch, nhưng trong trường hợp của tôi, đối với Tây Đức việc này có lợi vì nó phá vỡ hình ảnh thần bí bao bọc cơ quan tôi và bản thân tôi. Tôi không còn là trùm gián điệp không chân dung mà chỉ là một con người bình thường. Vì Cremer bị bắt và hình của tôi bị lộ, chúng tôi tiếc là phải cắt đứt liên lạc với nguồn tin của NATO, lý do chính của chuyến đi sang Thuy Điển. Việc cắt đứt liên lạc này cuối cùng là một tổn thất lớn nhất do Stiller gây ra.
Sau khi Stiller đào thoát, các chủ nhân Tây Đức của Stiller giao y cho CIA ở Hoa Kỳ một vài năm. Y được cấp căn cước giả và ẩn nấp, theo sự hiểu biết của tôi, tại Chicago, nơi đây y học khoá cấp tốc tiếng Anh và lấy chứng chỉ quản lý ngân hàng. Đương sự không phải là một loại người kết thúc cuộc đời trong sự nghèo khó dưới bất cứ chế độ nào. Khi y trở về Đức và bắt đầu làm việc cho một ngân hàng tại Frankfurt với một tên giả, chúng tôi biết được tin này nhờ hành lang tình báo. Một trong những nhân viên của chúng tôi đem cả địa chỉ của y về và xin được hậu đãi lớn nếu đưa được Stiller ra đến tận biên giới. Mielke tức tốc gọi tôi vào văn phòng và nói với giọng điệu thô bạo cố hữu của ông: “Thằng chó đẻ Stiller, chúng ta bắt nó về được không?”. Tôi biết ngay ông muốn nói gì: Ông nhắc đến những vụ bắt cóc điệp viên trong thập nhiên 1950. Nhưng nay là thập niên 1980. Chính sách Ostpolitik và tinh thần hoà hoãn không cho phép có những lối hành động khiên giáo loại này. Trước sự bực bội của ông Bộ trưởng, Stiller vẫn nhởn nhơ tự do và trở nên giàu có, điều khiển công ty của mình tại Frankfurt. Tôi xem Stiller là người thắng cuộc duy nhất trong những hành trình dài đáng buồn của sự nghiệp của tôi.
*
May thay nghề nghiệp của tôi không chỉ có tin buồn mà thôi. Một buổi sáng đầu mùa thu năm 1981, một phong bì lớn xuất hiện trong hộp thư của Toà đại sứ Đông Đức tại Bonn. Đó là một lá thư gửi cho giám đốc Cục 9 của HVA, Cơ quan Tình báo hải ngoại. Cục 9, phụ trách xâm nhập các cơ chế tình báo của Tây Đức, là cục lớn thứ nhì trong cơ quan sau Cục Khoa học và Kỹ thuật và là một trong những cục bận rộn nhất. Đây là cục tôi gắn bó nhất. Khác với hầu hết những người tình nguyện gia nhập - một danh từ để chỉ những người tự nguyện góp sức cho hàng ngũ địch - tác giả ẩn danh của lá thư này ghi địa chỉ chính xác, chứng tỏ đương sự biết rõ cơ cấu tổ chức của tình báo Đông Đức.
Trong phong bì là một tờ giấy bạc hai mươi DM, con số thứ tự in trên giấy bạc để dùng làm mật mã trong những liên lạc tương lai. Người gửi tự giới thiệu là một chuyên viên cao cấp trong ngành tình báo sẵn sàng cung cấp thông tin với giá là 150.000 DM mỗi lần trao đổi và một lệ phí hàng tháng gấp đôi tiền lương của tình báo Tây Đức. Lá thư của đương sự viết với những hàng chữ in lớn. Để gợi sự thèm khát của chúng tôi, đương sự thông báo một tin mật Tây Đức đang có kế hoạch kết nạp Christian Streubel, cấp chỉ huy của Stiller trong SWT.
Chúng tôi không rõ danh tính của người gửi. Máy ghi hình an ninh nằm ngoài Toà đại sứ Đông Đức tại Bonn chỉ thâu được hình ảnh của vóc dáng một người che mặt đang bỏ thơ. Mặc dù là mùa hè, đương sự đội nón khuất mặt và y có một vết thẹo trên mặt. Những nét chữ in tự tín và vuông vắn là tất cả những gì chúng tôi biết.
Do một sự tình cờ chúng tôi khám phá được nét chữ này của ai. Đã lâu, cơ quan của tôi và chính quyến Tây Đức đọ sức với nhau trong một trò chơi lâu dài và phức tạp xoay quanh một trong những nhân viên của tôi có với bí danh Wieland. Tên thật của y là Joachim Moitzheim.
Là một sinh viên của các cha dòng Tên, Moitzheim, đã từng bị giam tại Liên Xô thời chiến, làm việc cho chúng tôi từ năm 1979 tại vùng Cologne và đã thử kết nạp một nguồn tin trong cơ quan phản gián Tây Đức (BfV) tại đây. Người này tên là Carolus, phụ trách máy điện toán phản gián (tên là Nadis) tập trung danh sách những người đã được điều tra và xem là an toàn và những người vẫn còn phải sưu tra và hồ sơ của họ. Moitzheim tặng cho Carolus một ngàn DM nếu Carolus rà soát một tên tuổi làm việc cho Hoa Kỳ. Carolus đánh hơi đây là một cái bẫy bởi vì y biết CIA đã xâm nhập vào được Nadis và y báo cáo việc này cho cấp trên.
Có hai người trong phản gián Tây Đức biết thủ đoạn này, một là sĩ quan cao cấp tài giỏi Klaus Kuron và hai là Hansjoachim Tiedge, giám đốc của Siêu tra An ninh của BfV. Công việc của họ là bảo vệ không để Đông Đức xâm nhập cơ quan của họ. Tiedge và Kuron mời Moitzheim đến một khách sạn, tại đây họ chặn họng y nói rằng đã biết hắn muốn mua chuộc Carolus. Họ đe doạ kết án tù dài hạn Moitzheim và ép y phải làm gián điệp nhị trùng cho họ. Tây Đức lo ngại chúng tôi khám phá trò chơi này, nên họ không muốn dùng Moitzhem làm người cung cấp tin sai đầu tiên cho chúng tôi. Trái lại, họ cung cấp cho y một mạch tin mật trong đó có tên tuổi của hơn một trăm thí sinh khả dĩ kết nạp cho phản gián Tây Đức và những người làm việc trong nhiều dự án quốc phòng mật. Đây là một sai lầm lớn và nhờ đó chúng tôi thu hoạch được nhiều ich lợi.
Trong khi tiếp tục nhận lương hàng tháng 2.000 DM của Tây Đức, Moitzheim vẫn còn lưu luyến với ý thức hệ Đông Đức. Y báo cáo cho chúng tôi biết là Kuron và Tiedge đã thử mua chuộc y và y chấp nhận trở thành gián điệp tam trùng, làm việc cho chúng tôi. Nhờ ở vị thế này mà Moitzheim nhận diện được những chữ in trên phong bì là của Klaus Kuron, người được xem là cấp chỉ huy của y trong vai trò gián điệp nhị trùng.
Khi xảo thuật đạt đến trình độ này, chúng tôi phải cẩn thận tối đa. Các cán bộ điều khiển phải luôn luôn đặc biệt chú ý gián điệp nhị trùng (và ngay cả tam trùng). Một khi một người đã trở mặt một lần, người ta có thể dè chừng y sẽ trở mặt lần nữa. Cái trò đặc biệt này diễn ra một cách tốt đẹp trong một thời gian, trong đó Wieland/Moitzheim báo cáo cho cấp chỉ huy tại Cologne những cuộc gặp gỡ láo với những thành viên của bộ tham mưu của tôi tại Đông Đức - và thông báo cho chúng toi là y đã báo cáo cho họ. Đồng thời chúng tôi yêu câu anh gián điệp tam trùng của chúng tôi cung cấp những tin thật từ trung tâm phản gián Tây Đức. Chúng tôi yêu cầu đương sự kiểm soát tên những doanh nhân mà chúng tôi tình nghi có dính líu đến các cơ quan an ninh, và chính quyền Tây Đức nghi họ làm việc cho chúng tôi. Vì chúng tôi được coi như không biết là phản gián Tây Đức tại Cologne cảnh giác về mối liên hệ tam trùng của Moitzheim, nên họ phải gửi những thông tin trung thực để bảo đảm tính khả tín của Moitzheim. Bằng không họ sợ chúng tôi sẽ bắt đầu nghi ngờ y là gián điệp nhị trùng. Nhưng chúng tôi khó lòng biết chắc chắn những tin tức họ lấy từ máy vi tính ở Cologne có bao nhiêu phần là thật, có bao nhiêu phần là giả. Giáo dục của các cha dòng Tên là một nền tảng thuận lợi trong một thế giới gương phản chiếu.
Cologne về phần mình cố lượng định tầm mức hiểu biết của chúng tôi qua những câu hỏi chúng tôi đặt cho Moitzheim. Bây giờ chúng tôi phải đương đầu với một trò trở cờ thứ tư trong màn khiêu vũ phức tạp của làng tình báo. Kuron, vị sĩ quan đã từng điều khiển Moitzheim, nay cũng muốn làm việc cho Đông Đức! Điều này quá đặc biệt, ngay cả đối với những mối giây chằng chịt của thế giới gián điệp.
Kuron là một mẻ bắt lớn không có tiếng xấu lại nằm ngay trong trung tâm của phản gián, một điều mà tất cả các cơ quan tình báo đều mơ ước. Nếu chúng tôi được sự công tác của đương sự, chúng tôi có thể đánh giá được mức độ hiểu biết của Tây Đức về những công tác của chúng tôi và chúng tôi có thể ứng biến cách phòng thủ của chúng tôi. Điều này giống như phá huỷ hệ thống đề kháng của trung tâm phản gián Tây Đức, phần thưởng lớn nhất trong những phần thưởng. Nhưng trong một thế gián điệp nhị trùng và tam trùng, chúng tôi muốn biết chắc là hành động của Kuron có phải là một cái bẫy không.
Đúng vào thời điểm đã định, Kuron liên lạc qua số điện thoại mã hoá. Chúng tôi thu xếp gặp gỡ và chúng tôi quay phim từ trên nóc nhà để có tang chứng đương sự chủ động tiếp cận chúng tôi nếu không may điều này là một dàn cảnh đánh lừa chúng tôi của phản gián Tây Đức. Nhưng Kuron, tự xưng mình là Kluge (tiếng Đức có nghĩa là “kẻ khôn ngoan”) khi đương sự thương lượng với Moitzheim, quả nhiên danh bất hư truyền.
Đương sự gửi thư tiếp, nói rằng y thích chậm rãi tiếp cận vấn đề, vì vậy không có diễn biến gì mới. Vào năm 1982, khi chúng tôi thuyết phục đương sự đến gặp chúng tôi tại Vienna. Tất cả những liên lạc được sử dụng qua những biến thái của con số mật mã trên giấy bạc nhà băng y đã gửi cho chúng tôi. Bởi vì tính chất cao cấp của y trong làng tình báo Tây Đức, chúng tôi giảm thiểu mối nguy kiểm chứng chồng chéo. Mỗi lần y muốn nói chuyện với chúng tôi, y dùng một trong nhiều số chúng tôi cung cấp. Rồi y rà soát bằng cách nghe một loạt những con số mật mã trên radio làn sóng điện ngắn và rút trừ những con số ghi trên từ giấy bạc. Hầu như không có ai có thể giải mã những liên lạc của chúng tôi.
Mặc dù vậy, tôi phải mòn mỏi trông tin cuối tuần từ Vienna. Cho đến giai đoạn cuối cùng đi đến sự hợp tác với Kuron, chúng tôi không hề loại trừ lời đề nghị của Kuron là một cái bẫy. Karl-Christoph Grossmann, giám đốc cục 9 (công tác của cục bao gồm việc điều nghiên những hoạt động của phản gián Tây Đức, di chuyển sang Áo với một đồng nghiệp trẻ. Günther Neels, phó giám đốc cục 9, cũng được đặc cách gửi sang Áo để quan sát cuộc thương thảo, cùng với một sĩ quan trẻ dùng làm liên lạc viên. Những chuẩn bị công phu này giống như tuồng hát Vienna, Người Thứ Ba, có nhiều uẩn khúc.
Nơi gặp gỡ đánh dấu thành tích đáng kể nhất của cơ quan tôi đối với tổ chức tình báo của địch là cổng vào của công viên Schönbrunn, một nơi nằm trong truyền thống mưu đồ và lãng mạn vào thời Hapsburg. Các sĩ quan lần lượt tới, mỗi người cẩn thận xem xét có bị theo dõi hay không. Grossmann định vị trong một quán cà-phê phía đối diện với công viên.
Đúng vào giờ đã định, dáng vóc mạnh mẽ và thẳng đứng của Kuron xuất hiện. Cùng lúc đó, Neels tiến gần đến cổng. Nếu có người lạ đứng xem, họ sẽ thấy hai người đàn ông, xa lạ và xuất phát từ hai cơ chế đối địch, chào hỏi nhau như những bạn bè lầu đời. Và họ tiến bước qua các vườn tược của công viên. Khi thấy con mồi của mình đến đầu bên kia an toàn, Grossmann leo lên taxi và sau đó Kuron và người giao liên lên xe theo. Cả ba đến một tiệm ăn. Toạ vị một cách thoải mái, Kuron tỏ vẻ thư thái.
Đương sự không băn khoăn về việc phản phé này và mô tả nỗi ấm ức trong nghề nghiệp. Đương sự là hình ảnh của những tham vọng không thành, làm cho y day dứt trong suốt cuộc đời công tác dân sự. Sinh trưởng trong một gia đình đơn sơ, ông tiến thân trong ngành tình báo, mặc dù ông không có bằng cấp đại học. Những thành tựu của ông đều được tất cả những cộng sự viên công nhận, nhưng vì ông không tốt nghiệp theo tiêu chuẩn ấn định ông không được thăng chức. Tiền lương 48.000 DM (vào lúc đó là 25.000 dollars) tương xứng với cuộc sống thoải mái nếu không muốn nói là sang trọng, nhưng ông biết ở nơi này ông không còn cách gì thăng tiến cao hơn được nữa.
“Tôi đã vật lộn nhiều” ông nói. “Mọi người đều biết tôi có tài, nhưng tôi không thể tiến xa hơn nữa”. Giọng của ông có vẻ chua chát và điềm đạm, “Ở Tây Đức, họ nói là có tự do và cơ may đồng đều cho mọi người để phát triển tài năng của mình. Tôi không cảm nhận được điều này. Tôi có thể làm việc cho đến khi ngã quị và người ta vẫn xem tôi là con rối. Rồi bọn họ đưa một tên quan lại ngốc nghếch được bố trả tiền cho đi học và có con đường sáng lạn trước mắt cho dù nó làm gì đi nữa. Tôi không chịu đựng được cảnh này nữa”.
Mối ưu tư lớn nhất của Kuron là bốn đứa con của mình phải có phương tiện để lên đại học, vì đương sự không đủ tài chính để đắp thêm vào số tiền tài trợ của chính phủ. Khi mọi người biết đến chuyện của ông sau khi nước Đức thống nhất, báo chí Tây Đức bôi nhọ Kuron, cho ông là một tên gián điệp lạnh lùng và tham lợi. Nhưng tôi nhận định khác động cơ thúc đẩy ông. Tôi xem quyết định của ông làm việc cho chúng tôi là hành động của một người đã nhập tâm thông điệp thôi thúc của xã hội tư bản và vứt bỏ tất cả những điều khác và hành động theo đó không một chút cắn rứt. Khi nhìn thấy những người thành công và được trọng vọng xung quanh anh đã mua phương tiện để tiến thân, ông bán tài nghệ của ông cho thị trường duy nhất mà ông biết.
Có một vài kẻ phản bội, ít nhất là trong đầu óc của họ, không ảo tưởng là mình phục vụ cho hai chủ nhân khi họ nhận tiền của kẻ địch nhưng vẫn làm việc cho đất nước của mình. Vào lúc Kuron liên lạc với chúng tôi, ông đã đánh mất hết tinh thần nhập thuộc với cơ quan của mình. Sau này khi ông đứng trước toà án để làm nhân chứng trong phiên toà xét xử cá nhân tôi, ông cho biết ông không có cảm tính nào khác ngoài sự hận thù đối với cơ quan ông làm việc. Việc chuyển đổi lòng trung thành của một điệp viên nằm vùng chấp nhận ở lại nhiệm sở là một giấc mơ toại nguyện của ông trùm tình báo. Điều này hiếm khi xảy ra, nhưng một khi đã đến, nó xứng đáng với lượng chi phí cao. Phần đông những người tiếp cận địch thủ và đề nghị làm người nằm vùng mong muốn làm được như vậy trong một thời gian ngắn và sau đó, như Stiller, mua đường tẩu thoát sang một nước thứ ba.
Tôi liên tưởng trường hợp duy nhất tương tự với Kuron là Aldrich Ames, người đã hào phóng cộng tác với KGB. Trong một khía cạnh quan trọng, Amescó cùng một vóc dáng tâm lý. Giống như Kuron, đương sự cảm thấy bị đánh giá thấp, không được CIA tưởng thưởng xứng đáng, đoan quyết là mình sáng giá hơn nhiều những gì họ trả cho y. Cả hai đều thích tiền và một cuộc sống xa hoa. Cả hai đều nhận thấy công việc lương thiện của họ không được tưởng thưởng tương xứng. Cả hai đều am hiểu thấu đáo cơ quan của mình và họ biết nếu họ khéo léo thương lượng, họ sẽ được phía địch mà họ phục vụ bảo vệ chặt chẽ.
Nhờ Kuron, chúng tôi có một điệp viên nằm vùng siêu đẳng. Đương sự là người tuyển mộ các điệp viên Đông Đức và Xô viết và dùng họ làm điệp viên cho Tây Đức. Bây giờ ông chuẩn bị cung cấp cho chúng tôi thông tin này. Giá phải trả cho ông cao thật và ông muốn số tiền này được bỏ vào một chương mục danh số tại một nước thứ ba, nhưng tiềm năng khai thác thật là to lớn. Là một điệp viên chuyên nghiệp cao, ông yêu cầu một số những “điều khoản miễn hành”, giống như minh tinh Hollywood thương lượng cho một cuộn phim, nhưng một lần nữa chúng tôi vẫn muốn đánh liều. Ông cũng muốn bảo đảm những gián điệp nhị trùng mà ông tiết lộ danh tính cho chúng tôi, chúng tôi không được bắt. Đây không phải là chỉ dấu của một nét đạo đức nào hết. Những gì Kuron tiên đoán là một loạt những vụ bắt chắc chắn sẽ dồn nghi ngờ về phía cơ quan phản gián tại Cologne. Tôi đồng ý
Chúng tôi quá vui mừng chớp được manh mối này và đặt cho đương sự mật danh là Ngôi Sao. Danh tính của đương sự được xem là tối mật và tên thật của đương sự tuyệt đối không được nói ra, ngay cả trong vòng nội bộ kín đáo của tôi mặc dù được xem là không có máy ghi âm. Những cuộc gặp gỡ khác tiếp diễn theo sau tại Áo, Tây Ban Nha, Ý, Tunisia và Kuron tiết lộ tên tuổi của những điệp viên Đông Đức mà cơ quan của ông đã tuyển mộ.
Cả hai người chúng tôi đều rất cẩn thận về nơi gặp gỡ, và chúng tôi chọn những nơi thích hợp cho nghỉ mát.
*
Việc dàn xếp những yêu cầu của ông thật là xuất sắc. Kuron yêu cầu cá nhân tôi xác nhận những điều khoản này. Trước khi tôi xin Mielke chấp thuận trả tiền nhiều hơn bất cứ một nguồn tin nào tại Tây Đức, tôi muốn đích thân gặp Kuron. Với giấy thông hành ngoại giao CHDC Đức, ông đến Vienna qua ngả Bratislava trong một chuyến bay đặc biệt đi Dresden, tại đây con rể của tôi, Bern, đến rước ông và dẫn ông đến một nhà an toàn ở vùng quê. Kuron là một trong những loại người thích hợp nhanh chóng với bất cứ ngoại cảnh nào, ngay cả trong một nhà an toàn tại một nước thù địch. Chúng tôi thương lượng tài chính với phong cách đặc biệt của người Đức. Ông cũng sẽ nhận tiền hưu bổng trong công việc tráo trở này. Lương của ông tương đương với lương của một Đại tá tình báo Đông Đức. Ngày hôm đó, ông tiết lộ hai nhân viên của chúng tôi, Horst Garau và người vợ Gerlinde, giao liên làm việc cho cơ quan của tôi chuyển giao những thư từ của các điệp viên chúng tôi ở Tây Đức, nằm trong danh sách trả lương của Tây Đức.
Garau báo cho phản gián Tây Đức danh tính của những gián điệp y biết. Không có vụ bắt bớ nào tiếp sau đó, vẫn theo giả thuyết là việc này sẽ bại lộ tung tích nhị trùng của Grau. Nhưng những thông tin như vậy cho phép Tây Đức theo dõi hành tung của điệp viên và biết họ gặp gỡ những ai. Nhưng qua Kuron bây giờ chúng tôi biết tất cả hành động của họ.
Khi thương lượng xong xuôi, chúng tôi dùng cơm tối và uống rượu do đội đặc biệt tuyển chọn của Bộ Công an phục vụ. Kuron kể chuyện tếu và tôi cho ông xem những phim nghỉ mát của Đông Đức, nơi đây tôi nói tôi hy vọng thấy ông xuất hiện nhiều. Ông cũng đề cập đến tên của cấp trên của ông, Hansjoachim Tiedge. “Một khối óc khôn ngoan” ông nói. “Y tiêu xài hàng trăm DM như không và có tật uống rượu”. Tôi ghi hồ sơ chi tiết này để dùng trong tương lai, nhưng không bao giờ ngờ ông Tiedge hào phóng lại có thể gặp tôi mà chúng tôi không hề mất công sức tìm đến ông.
Điều gì đã xảy ra cho những điệp viên hay người nằm vùng bị Kuron tố giác? Theo sự hiếu biết của tôi, cả hai cơ quan bên Đông và Tây Đức không hề tìm cách giết họ, cho dù để trả thù hoặc ngăn ngừa họ phát tán thông tin. Nhưng cả hai không thể phủ nhận họ đã khai thác và mua chuộc. Ví dụ, để buộc Moitzheim trở cờ, Tây Đức một cách thô bạo cho anh lựa chọn giữa án tù dài hạn và hợp tác. Chúng tôi có lẽ cũng làm như vậy.
Các điệp viên, khác với sĩ quan điều khiển trong cơ quan tình báo, không bị kết án tử hình sau thập nhiên 1950. Việc giam giữ những gián điệp Tây Đức tầm vóc có giá trị hơn nhiều vì họ có thể trao đổi với người của chúng tôi vào lúc thuận lợi. Kết án nặng nề nhất dành cho các sĩ quan phản bội đất nước mình, như Werner Teske, một sĩ quan trong Cục Khoa học và Kỹ thuật bị bắt quả tang năm 1981 cất giấu hồ sơ của cục trong máy giặt ở nhà. Y có ý định đào thoát sang Tây Đức và đem những tài liệu này làm quà tặng cho tình báo Tây Đức để đổi lấy một cuộc sống tốt đẹp ở phía bên kia.
Teske là người bị xử tử cuối cùng tại Đông Đức năm 1981, một ghi chú thảm thương trong lịch sử. Lý do quyết định hành quyết Teske vẫn còn là một bí mật đối với tôi. Tôi thường bị trách, trong trách vụ lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại, đã để cho y bị giết hoặc ít ra không ngăn ngừa việc này. Tôi cảm nhận có trách nhiệm về cái chết của y không? Để trả lời một cách lương thiện, tôi phải phân biệt nhiều loại trách nhiệm.
Khi Cục phản gián phát hiện Teske phản bội, họ cùng với Tổng Cục tra vấn đã bắt đương sự, cả hai Cục này đều nằm dưới quyền điều khiển của Mielke và sau đó giao cho, như tất cả những vụ án gián điệp tại Đông Đức, toàn án quân sự kín. Vào thời điểm này, cơ quan chúng tôi không còn quyền lực gì nữa. Tuy nhiên, vào đầu thập nhiên 1980, bản án tử hình vì tôi phản bội thường được chuyển sang án tù chung thân. Mặc dù tôi biết tương lai của Teske mờ tối, tôi không nghĩ đương sự sẽ bị giết. Án tử hình mặc dù là kỳ quặc đã được thi hành vào tháng 6-1981 tại nhà giam Leipzig, không kèn trống, theo khuôn mẫu của Xô viết một phát súng đằng sau gáy. Án lệnh nghiệt ngã này không phải dùng để răn đe vì ngay cả các sĩ quan của tôi cùng không hay biết chuyện này. Điều này chứng tỏ cho tôi thấy não trạng lúng túng của một quốc gia đang vào thời kỳ suy sụp.
Năm trước đó, năm 1981, Winifried Zarkrzovski, bí danh Manfred Baumann, một đại uý thuỷ quân trong mạng lưới tình báo, đã tiết lộ tên tuổi của các điệp viên Đông Đức làm việc tại Tây Đức. Mielke rất phẫn nộ. Trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp năm 1982 ông kêu gọi triệt hạ những kẻ phản bội. “Những sai lầm như vậy không thể xảy ra vào năm thứ 32 [xây dựng đất nước Đông Đức]… Chúng ta đồng tâm nhất trí về vấn đề này. Chúng ta không tránh được sự hiện diện của kẻ khốn nạn trong hàng ngũ của chúng ta. Nếu tôi biết hắn là ai, tôi sẽ ra tay một lần cho tất cả”.
Sự bực tức này chứng tỏ Mielke không bằng lòng với sự khoan hồng của luật pháp đối với tội phản bội. Mặc dù toà án trên danh nghĩa độc lập trong những lãnh vực này, cấp lãnh đạo vẫn có thể áp lực trong những trường hợp đặc biệt. Số mạng của Teske là kết quả của những áp lực này. Theo luật pháp Đông Đức, đương sự có thể bị hành quyết dựa trên bằng chứng là việc phản bội đã xảy ra. Trước đây đã có tiền lề trong trường hợp của một sĩ quan tên Walter Thräne đang chuẩn bị đào thoát thì bị bắt. Toà án từ chối yêu câu tử hình hoặc ngay cả tù chung thân của biện lý cục, trên căn bản là ý định phản bội đã rõ ràng nhưng hành vi phạm tội chưa xảy ra. Vì vậy dựa trên căn bản của chính luật pháp khắt khe của chúng tôi, việc hành quyết Teske là bất hợp pháp.
Tôi không đồng ý với những lời phê bình cho rằng tôi trực tiếp trách nhiệm về cái chết của Teske. Nhưng tôi phải thú nhận là tôi đã không sớm mạnh mẽ lên tiếng phản đối để tiến trình của hệ thống luật pháp không quá gần gũi với nhà nước và có thể bị khiến dẫn theo quyền lợi của họ. Tất cả những sĩ quan Đông Đức biết là án tử hình là kết quả rành mạch của sự phản bội. Họ đã tuyên thệ khi họ nhận chức vụ đầu tiên của mình: “Nếu tôi phản bội lời thề long trọng này, tôi có thể bị nghiem khắc trừng trị theo luật pháp của Cộng hoà với sự khinh thường của nhân dân lao động”. Án tử hình vẫn được duy trì tại Đông Đức cho đến năm 1987.
Nhưng người ta không thể biện minh cho án tử hình khi làm gián điệp thời bình. Nhìn lại những trường hợp phản bội mà tôi được biết ở cả hai phía, tôi giám quả quyết cái chết không hẳn là biện pháp để ngăn chặn. Những động cơ thúc đẩy quyết định làm việc cho phía bên kia rất là phức tạp và thường đi đôi với mức độ tự tin và hãnh tiến khiến cho kẻ phản bội cảm thấy hiểm nguy không thể đụng chạm đến họ.
Còn về những “công tác mò tôm”, hoặc là những vụ thủ tiêu bất hợp pháp trong điệp báo vẫn còn tiếp diễn ra. Tôi không dám bạo gan liệt kê tất cả những vụ mất tích bí mật do CIA làm, vì tôi lại phải làm ngơ xoá bỏ những vụ vi phạm luật pháp của cơ quan tình báo Xô viết. Vào thập nhiên 1950, chính quyền Bulgaria và Ba Lan nổi tiếng là những cơ quan rắn tay nhất. Cơ quan phản gián Đông Đức cũng không vô tội, mặc dù tôi lại nhấn mạnh một lần nữa tất cả những chuyện nổi tiếng và thường được thêm thắt về những vụ bắt cóc và giết những kẻ phản bội là kết quả của việc sử dụng liều lượng quá độ thuốc ngủ trong lúc bắt cóc chứ không phải là có ý thủ tiêu.
Trên thực tế, giết kẻ phản bội là một chỉ dấu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh, và tôi loại bỏ hành vi này ra khỏi tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như đạo đức của chúng tôi. Việc thủ tiêu ngoạn mục trong tiểu thuyết gián điệp là một giải pháp sơ đẳng và bất lợi so sánh vơi phương pháp chúng tôi dùng và khai thác những nguồn tin như Moitzheim làm gián điệp nhị trùng và sau đó tam trùng để có mối lợi tốt nhất. Mặc cảm tội lỗi chúng tôi có nằm trong việc khai thác các cá nhân, nhược điểm và lòng tham. Và những hoạt động này không chỉ giới hạn trong giới điệp báo Đông Đức.
*
Kuron lấy làm hãnh diện trên phương diện nghề nghiệp khi cộng tác với chúng tôi, ông thường giúp chúng tôi trong những dự án nằm ngoài những khế ước ký kết. Vì ông quá lợi ích cho chúng tôi, nên tôi thu xếp cho ông có được một số điện thoại đặc biệt túc trực đêm ngày để những thông tin khẩn cấp được chuyển ngay sang Đông Đức. Là một thành viên của Cơ quan phản gián Tây Đức tại Cologne, ông tiếp cận những công tác kết nạp cao cấp. Thông thường, ông để những diễn tiến công tác tiếp tục bình thường và thông báo cho chúng tôi, vì ông và chúng tôi cả hai đều không có lợi gây sự nghi ngờ bằng cách phá vỡ những cố gắng kết nạp của Tây Đức.
Tuy nhiên, cũng có một biệt lệ. Mười năm nay chúng tôi có tại Bonn một điệp viên trong đảng Đoàn kết Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), đảng của Helmut Kohl. Đương sự là một bạn lâu đời của Kohl từ những bước chính trị chập chững của vị thủ tướng ở Rheinland và đã hoàn tất nhiều công việc cho công ty khổng lồ Flick, đại diện quyền lợi của công ty trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo kể từ năm 1981 trở đi. Ông biết tất cả những uẩn khúc của những thương lượng giữa chính trị và kỹ nghệ tại Tây Đức và là một nguồn tin đáng tin cậy trong thông tin nội bộ chính trường Tây Đức cho chúng tôi.
Một đêm, Kuron, trong lúc làm việc trong văn phòng phản gián tại Cologne, nhận được tin qua một đồng nghiệp có một người tình nghi là gián điệp Đông Đức đã bị theo dõi đi đến họp mặt với một điệp viên chính trị nằm vùng của chúng tôi tại Bonn. Cả hai đều vào một căn phòng và bị phản gián Tây Đức theo sát. Họ chuẩn bị ập vào để bắt hai người. Kuron nhận định tức thì nếu hai người này bị bắt cùng một lượt, tôi sẽ mất đi một điểm chỉ viên chính trị quý giá tại Tây Đức. Do đó ông vội vàng báo qua số điện thoại khẩn cấp mã hoá “Người của ông bị theo dõi tại Andernachstrasse”. Chúng tôi vô cùng liều lĩnh điện thoại trực tiếp đến căn phòng và dùng mật hiệu báo động cho điệp viên tẩu thoát, bằng cách dùng một thổ ngữ báo đây là số điện thoại sai.
Chúng tôi mường tượng họ sẽ đổi ca canh gác về đêm vì đội canh gác đã được đổi một lần rồi. Nếu họ ra tay bắt, chỉ có thể vào lúc sáng sớm. Vì vậy hai người tắt đèn, vờ như đi ngủ và vừa quá 12 giờ đêm, điệp viên của chúng tôi chuồn đi qua ngã hầm đậu xe và lập tức trở về Đông Đức qua ngả Thuỵ Sĩ. Ngày hôm sau, người nằm vùng của chúng tôi rời căn phòng và cơ quan phản gián Tây Đức chạy ùa vào cao ốc nhưng người khách bí mật đã biệt tích và không thấy một tang chứng nào về hoạt động điệp báo của người khách này.
Người nằm vùng ở Tây Đức sau này bị lộ và bị kết án tù nhẹ. Xét cách đối xử nghiêm khắc với các điệp viên nằm vùng khác, tôi đinh ninh đâu đó trong hệ thống liên lạc chính trị nội bộ của Bonn, ông có người cầu bầu sự khoan dung nhân danh cá nhân ông.
Trong vòng sáu năm, Kuron đã làm những việc giá trị cho chúng tôi. Với sự trợ giúp vô tình của đứa con trai vị thành niên của ông, ông đã tìm ra phương cách thu những tín hiệu của máy vi tính lên trên cuộn băng ghi âm của máy điện thoại hồi âm với tốc độ cực nhanh. Đây là một cải tiến trong hệ thống cũ của chúng tôi, theo đó những tiếng bíp và xoáy của những chữ mã hoá có thể bị máy của phản gián Tây Đức rất dễ nhận chân. Với hệ thống của Kuron, âm thành được phóng nhanh, vì vậy những gì tai có thể nghe được chỉ là một biến thái nhanh chóng hoặc một tiếng bíp ngắn giống như đường giây có trở ngại kỹ thuật. Ở đầu dây bên kia, thông tin được tự động chuyển vào máy vi tính để thu lên băng ghi âm và có thể giải mã khi cuộn băng được quay lại nhanh hơn vận tốc gửi đi. Kuron đi xa hơn bằng cách chuyển thông tin trực tiếp vào đĩa của máy vi tính. Chuyên viên điều nghiên chỉ cần bỏ đĩa vào máy vi tính để kiểm soát an toàn cao độ và đọc tài liệu trên màn ảnh. Việc này rút ngắn nhiều thời gian đáng kể tiến trình giải mã.
Những thành quả của chúng tôi cho đến năm 1989 cho thấy sự vượt trội kỹ thuật cũng chỉ có hữu dụng giới hạn nếu những cơ cấu cơ bản của của cơ quan không được sử dụng đúng mức. Loại kỹ thuật chuyên môn này có thể mua được, nhưng tổ chức giỏi, kỷ luật chặt chẽ và bản năng bén nhạy không thể mua được trên thị trường. Ví dụ, lý ra các đồng nghiệp của Kuron phải thấy đương sự sống cao hơn mức lợi tức của mình, càng lúc càng nhiều hơn khi năm tháng trôi qua. Khác với Aldrich Ames, Kuron rất thận trọng trong việc tiêu dùng và bịa những câu chuyện nguỵ trang. Ông rất chuyên nghiệp trong phong cách ông giữ liên lạc với chúng tôi và sống một cuộc sống kỷ luật. Hơn nữa, người phụ trách về thông quá an ninh trong cơ quan BfV (Nha Bảo vệ Hiến pháp) tại Cologne, ông Hansjoachim Tiedge, một người nghiện rượu có rất nhiều vấn đề gia đình và nợ bài bạc, không ở tư thế để chú ý.
*
Tôi chuẩn bị hành trang để lên đường nghỉ mát tại Hungary mùa hè 1985 thì chuông điện thoại reo. Cú điện thoại phát xuất từ vùng Magdeburg trên biên giới với Tây Đức. Một người tự nhận mình là Tabbert bất ngờ đến và yêu cầu được nói chuyện với một đại diện của cục tình báo hải ngoại. Qua Kuron chúng tôi được biết Tabbert chính là mã danh của Tiedge, nên tôi ra lệnh đưa y qua Berlin sớm chừng nào tốt chừng ấy và không hỏi gì thêm. Chợt nhớ vệ binh biên giới có chiều hướng không tiếp đón niềm nở những du khách sang Đông Đức, tôi nói tiếp là phải cho y bia và thức ăn. Karl-Christoph Grossmann, người đã thành công tiếp đón Kuron lần đầu tiên và Cục 9 của đương sự đã xâm nhập phản gián Tây Đức, được lệnh đón y tại ngã tư xa lộ trên đường đến Berlin để bảo đảm an ninh chặt chẽ khi đi qua thủ đô.
Ngay từ ban đầu tôi biết đây là một mẻ lớn và Tây Đức rất muốn thu hồi viên chức an ninh then chốt này về, vì có lẽ đương sự đào tẩu trong một lúc ngẫu hứng. Đương sự được đưa vào nhà an toàn tại Prenden, ở vùng quê ngoài Đông Berlin. Nơi trú ngụ của tôi ở vùng quê cũng nằm ở đây, và chỉ cách đó vài trăm thước là hầm boong-ke do Bộ Chính trị xây cất để không chết cháy nếu chẳng may Hoa Kỳ thả bom nguyên tử. Vùng này vì vậy được canh gác rất cẩn mật. Nguy cơ anh bạn mới của chúng tôi bị phía bên kia bắt cóc trở về xem ra rất khó xảy ra.
Tiedge muốn gặp tôi trực tiếp, nhưng tôi từ chối. Tôi đã chuẩn bị về hưu và, vì biết đây là một trường hợp đặc biệt có nhiều hệ luỵ, tôi nghĩ tốt hơn hết là giao lại cho người kế nghiệp tôi, Werner Grossmann. Tôi lý luận Tiedge cần tín nhiệm tuyệt đối với những người y gặp đầu tiên tại Đông Đức; như vậy chúng tôi tránh thay đổi cán bộ điều khiển giữa đường.
Người này ở trong tình trạng thảm não khi anh được thẩm vấn. Vì vóc dáng bê tha và cặp mắt đỏ ngầu của y không ai nghi rằng y là một thành viên cao cấp của cơ quan an ninh của Tây Đức. Để cho chắc ăn, chúng tôi yêu cầu y trình giấy phép an ninh, chứng nhận y là một nhân viên của Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp (BfV) tại Cologne. Đương sự tự xưng là Hansjoachim Tiedge và, với giọng cao và mệt mỏi giải thích: “Tôi tới và ở lại đây. Quý vị là cơ hội cuối cùng của tôi”. Tôi điện thoại cho Mielke báo tin vui. Ngay cả với việc đào thoát có giá trị cao này, Mielke thông thường chỉ nghĩ đến chức vị của mình và than phiền là trưởng ban an ninh tại Magdeburg đã không thông báo ngay cho đương sự và gằn giọng nói người Berlin “tất cả những món hàng mất và tìm lại được phải giao cho tôi trước tiên”.
Tiedge xác nhận những gì chúng tôi biết qua Kuron về đời tư thảm não của y. Y là một tay say mê cờ bạc và rượu chè. Vợ của y chết trong một tại nạn xảy ra trong nhà sau khi hai người say rượu đánh nhau. Người ta điều tra xem có án mạng không, nhưng rồi toà tuyên phán đây là một cái chết vì tai nạn. Y có những đứa con bất kham không bao giờ tha thứ đương sự vì cái chết của mẹ chúng và y gặp khó khăn trong công việc, vì đời sống cá nhân xô bồ của y đã khiến y bị kỷ luật. Bây giờ y biết lý do duy nhất y còn ở lại cơ quan phản gián là để giữ kín những hiểu biết của y và cấp trên có thể kiểm soát y. Tất cả nhân cách của y, y nói, đã bị phá huỷ. “Nếu một trường hợp như tôi được đệ trình để nghiên cứu”, đương sự suy nghĩ với một sự lương thiện đáng nể, “tôi sẽ phê đuổi y ra khỏi cơ quan tức khắc”.
Tôi trạnh nghĩ, sau này khi đọc bản báo cao, cấp lãnh đạo của một quan điều tra an ninh Tây Đức, một chức vụ đòi hỏi một cuộc sống thanh đạm, lại có một lối sống thích hợp với một nhân vật uỷ mị trong tuồng kịch. Chúng tôi thấy một người đã tụt xuống hoả ngục tâm lý đến độ chỉ còn hai lối thoát, tự vẫn hoặc đào tẩu. “Tôi không có can đảm để tự vẫn”, y nói với cán bộ thẩm vấn.
Một câu hỏi nhiều người thắc mắc Tiedge có phải là điệp viên của chúng tôi trước khi đào tẩu. Lần đầu tiên, tôi có thể khẳng định ông không phải là người của chúng tôi. Việc Tiedge chạy sang Đông Đức làm cho tôi và tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Tôi nghi ngờ là đương sự trôi dạt về phía chúng tôi vì tình hình càng lúc càng tệ hại đối với y tại Cologne, nhưng chúng tôi không tìm cách liên lạc với y. Y tìm đến chúng tôi vào một đêm y nhảy lên xe hoả và sang Đông Đức. Đương sự là kẻ đào thoát ngay thẳng một cách bất bình thường. Trên thực tế y là người duy nhất. Tôi chưa bao giờ gặp một ai tự mô tả mình là kẻ đào tẩu một cách thẳng thắn như vậy. Đương sự không tìm cách biện minh quyết định của mình qua những câu chuyện thay đổi ý thức hệ. Đương sự nói: “Tình hình của tôi ở nước Đức thứ hai khá hơn nước thứ nhất”.
Quả nhiên là đúng. Chúng tôi bỏ thời giờ, tiền bạc và công sức để xây dựng lại con người này từ một anh say rượu khố rách lúc anh nhảy qua biên giới. Với đôi mắt lợt lạt thất thần và quầng đen, đương sự trông giống như một con gấu panda khi y đến nhà an toàn. Chúng tôi cung cấp cho y một y tá, một bác sĩ và một huấn luyện viện thể lực. Họ giúp đương sự ngừng uống rượu và mất đi 30 cân trong một tháng. Thiếu rượu và phải triệt để kiêng mỡ, Tiedge cần được bảo bọc ở một khía cạnh nào đó và chúng tôi phát hiện y rất ham muốn nhục dục. Chúng tôi có đàn bà sẵn cho y, họ là những đảng viên làm việc trong ngành an ninh trong vùng Postdam; họ được mời làm bạn với một kẻ đào tẩu và bắt đầu đi lại với y. Vì bị căng thẳng tinh thần trong lúc thẩm vấn, phần lớn đàn ông chín muồi để tìm an nủi nơi người đàn bà. Chúng tôi lựa chọn những phụ nữ sẵn sàng chấp nhận ăn nằm với những người này.
Họ không phải là gái mãi dâm, nhưng là những phụ nữ rất thực tế, đảng viên và trung thành với đất nước, sẵn sàng làm việc này để đổi lấy cái chúng tôi gọi là lòng biết ơn của nhà nước, có nghĩa là một căn phòng tươm tất hoặc là đứng đầu danh sách chờ đợi nhà nước cung cấp xe hơi. Dù sao đi nữa, thí sinh đầu tiên của chúng tôi không chịu đựng được Tiedge. Chúng tôi kiếm một thí sinh khác, một cô giáo, và cô đã hoàn thành sứ mạng của mình, và làm cho chúng tôi nhẹ nhõm. Tiedge là một loại đàn ông đặc biệt chẳng có gì hấp dẫn và tôi suy nghĩ cô phải là một người rất yêu nước. Nhưng ngay cả những chuyện đồi bại nhất cũng có kết quả đáng khích lệ hơn chúng tôi mong đợi. Sau này hai người cưới nhau và đương lúc tôi đang viết họ vẫn còn ở với nhau.
Tiedge có trí nhớ như máy vi tính về tên tuổi và các mối liên lạc, nhờ đó điền vào chỗ trống trong hồ sơ của chúng tôi, mặc dù không nhiều như y nghĩ, bởi vì y không biết Kuron làm việc cho chúng tôi.
Việc báo giới tiết lộ sự bất hợp của Tiedge đối với cơ quan phản gián, dẫn đến sự đào thoát của y phản ánh hình ảnh xấu xa của cơ quan này. Thêm vào đó, người vừa được bổ nhiệm chức vụ giám đốc Tình báo Liên bang, Heribert Hellenbroich, một người bạn cũ và cấp trên của Tiedge trong cơ quan phản gián, bị buộc phải từ chức vì thiếu khả năng. Chúng vui mừng nhìn sự xáo trộn này, mặc dù sau này tôi biết Hellenboich là một trong những cấp lãnh đạo lương thiện và đáng kinh của cơ quan tình báo Tây Đức.
Tôi có phần nào thiện cảm với tình thế khó xử của ông vì không những ông có một mà hai tay nằm vùng đào hầm phá sập sự nghiệp của ông.
Sụ hiện diện của Tiedge ở Đông Đức tạo cớ cho chúng tôi để bắt Horst và Gerlinde Garau, những người Kuron đã thông báo cho chúng tôi nhưng chúng tôi chưa dám bắt vì làm như vậy chúng tôi sẽ tiết lộ chúng tôi có người nằm vùng bên đó. Theo sự hiểu biết của phản gián Tây Đức, họ đã bị Tiedge phản bội. Horst và Gerda Garau bị bắt và người đàn ông bị kết án tù chung thân vào tháng 12-1986. Garau được thả ra sau bốn tháng và cảnh cáo không được nói về trường hợp bắt giam của mình. Chồng của bà ta chết vào giữa năm 1988 tại trại tù Bautzen. Gerlinde vẫn cho rằng tôi đã hạ lệnh giết ông chồng.
Thực ra không phải như vậy. Horst Garau là một người nhạy cảm và nhiều danh dự đặc biệt không thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của trại tù. Tôi chắc chắn y đã tự tử trong tù sau khi y biết rõ y không nằm trong danh sách các thí sinh gián điệp được trao đổi. Mặc dù y bị xúc động mạnh vì trường hợp của mình - y bị phản bội hai lần bởi những người y tín nhiệm trong tình báo Tây Đức - theo tôi y là một gián điệp lợi hại. Y không đáng chết, nhưng tội y phải vào tù.
Ngày 5-10-1990, hai ngày sau khi nước Đức thống nhất, Kuron chay qua Đông Berlin để bàn thảo về tương lai của đương sự với các sĩ quan cao cấp của tôi. Lòng phản trác xuất hiện vô số kể khi thiên hạ đổ sô tìm cách cứu mạng. Một trong những sĩ quan ưu tú của tôi đã sa ngã trước lời mời mọc giúp Tây Đức truy lùng những điệp viên của chúng tôi. Đương sự là Đại tá Karl Christoph Grossmann, chính sĩ quan này đã giúp kết nạp Kuron và tiếp đón Tiedge. Cái vòng tố giác đã hết chu kỳ của nó. Cũng người này đã được tín nhiệm để bảo vệ hai thành viện cao cấp chúng tôi kết nạp từ phản gián Tây Đức đã chính mình trở thành kẻ phản bội. Tôi nhìn những sự cố diễn ra với chút cay đắng trước sự oái oăm này.
Grossmann phản bội có nghĩa là sự nghiệp của Kuron cũng như của rất nhiều nhân viên của chúng tôi coi như chấm dứt. Kuron cũng biết điều này. Không nói một lời, y lấy lần cuối cùng số tiền mười ngàn DM từ một sĩ quan cao cấp và chấp nhận lời mời duy nhất mà cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức có thể đề nghị để bảo vệ những điệp viên của mình đang bị đe doạ, lời giới thiệu đến cơ quan tình báo KGB và cơ hội để đào thoát sang Moscow với sự trợ giúp của tình báo Xô viết.
Vì phải lo cải thiện mối liên hệ với chính quyền Tây Đức, Liên Xô giúp chúng tôi rất ít. Sau khi Werner Grossmann, người kế thừa chức vụ giám đốc tình báo hải ngoại của tôi, năn nỉ dông dài và áp lực trực tiếp, cơ quan KGB chấp thuận cho tất cả các nhân viên điệp báo ưu tú của chúng tôi nếu họ muốn được tị nạn bên họ. Ban đầu Kuron chấp nhận nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến, vì y sợ rằng y sẽ không bao giờ ra khỏi được Liên Xô một khi anh đã vào.
Với lý lẽ trở về Cologne để bàn thảo với vợ về lời đề nghị này, Kuron điện thoại cho ban kiểm tra an ninh của cơ quan phản gián Tây Đức và giải thích y cần bàn một chuyện mà y tế nhị cho đó là một vấn đề. Y định chơi ván bài cuối cùng. Y nói với cấp chỉ huy là y đã được tình báo KGB tiếp xúc và y chấp nhận làm gián điệp nhị trùng cho Tây Đức. Y đề nghị kể lại cho phản gián Tây Đức những gì cơ quan Xô viết tìm cách khám phá - giống như việc y vẫn thường làm cho phía bên kia từ bao lâu nay. Một kẻ đào phản, bị áp lực như Kuron đang phải gánh chịu và phải có thay đổi tâm lý lớn để nhảy sang phía bên kia, thường có khả năng trở cở thêm lần nữa. Đây là một thủ đoạn xảo quyệt vì bị áp lực, nhưng cơ may của Kuron đã chấm dứt.
Ngay lúc y bước vào văn phòng tại Cologne, nơi y đã xây dựng sự nghiệp, y bị bắt tức khắc và bị thẩm vấn. Đêm hôm đó, tên gián điệp khôn ngoan nhất Đông và Tây Đức giơ tay đầu hàng và thú nhận, và sau này y cũng nhận tội tại toà án, y thực sự chỉ phục vụ cho một bên, cho cơ quan Tình báo hải ngoại Đông Đức. Mặc dù có những chứng liệu của Karl-Christoph Grossmann từ trong nội bộ của cơ quan chúng tôi, chính quyền Tây Đức phải mất một năm rưỡi để gom góp những tang chứng kết tội Kuron, vì sinh hoạt điệp báo của y quá rộng rãi. Cuối cùng năm 1992 y bị kết án 12 năm tù giam tại Rauschied. Y tỏ ra bất khuất cho đến cùng. Y bình luận về số phận của y: “So với cuộc đợi đáng thương của một số người luôn phải nhìn văn phòng ảm đạm của mình suốt ngày, tôi đã sống được năm cuộc đời”.
Tiedge chạy trốn sang Liên Xô không bao lâu sau ngày thống nhất và sống trong một tiện nghi đơn sơ, do KGB đỡ đầu trước tiên và sau đó nhiều cơ quan có tên khác nhưng căn bản vẫn là cơ quan kế nghiệp tương tự. Có lời đồn y vẫn tiếp tục làm việc cho họ để đánh phá phương Tây, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Sau bao nhiêu chuyển đổi bất ngờ trong những năm gần đây của lịch sử gián điệp tại Đức, tôi biết nhờ thông tin với bạn bè trong các cơ quan cũ và mới của Moscow tình báo Nga có cái nhìn nghi ngại về cơ quan tình báo của cả hai nước Đức. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, họ đi đến kết luận, mà cho đến này họ vẫn giữ, là không thể nào đoan quyết biết được một điệp viên Đức làm việc cho phía bên nào.