Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 15

     ác Tom, con người thuần hậu, chất phác vẫn thường so sánh thân phận nô lệ sung sướng của mình hiện nay với địa vị Joseph ở Ai Cập trước kia. Ngày tháng trôi qua, càng hầu hạ ông Saint Clare lâu hơn, bác càng xác tín điều này khi hiểu chủ thêm.
Saint Clare vốn tính thờ ơ đối với vấn đề tiền bạc, không bao giờ quan tâm đến sự chi tiêu trong nhà. Từ trước đến nay, ông giao phó cho gã Adolphe tự quyền trong việc xuất phát mua sắm, chợ búa v.v... Mà gã này, tâm tính thì... như ta đã biết: ưa lẫn lộn của chủ thành của mình, cho nên sẵn tiền trong tay gã vung vãi không chút e dè, thận trọng. Ông chủ mặc cho hắn ta phung phí, không hề kiểm soát nên hắn càng được trớn, làm già.
Tom, trái lại, là một người cần kiệm, có lương tâm, coi trọng của chủ như của mình - có thể nói còn quý hơn của mình - luôn luôn gìn giữ từng chút một, luôn luôn cảm thấy mình có trách nhiệm phải giúp chủ hơn là phá hại của chủ, bác rất buồn lòng thấy tình trạng không tốt đẹp đó kéo dài.
Clare, do một sự tình cờ đã giao cho Tom đôi việc dính dáng đến tiền bạc và ông không khỏi kinh ngạc khi thấy khả năng đáng tin cẩn của người nô lệ mới: tận tâm, tiết kiệm. Trước nay, vốn sống trên tiền bạc, ông chi ra không bao giờ thèm nhìn con số cũng như thờ ơ khi nhận lại. Giá Tom mà gian xảo hay lợi dụng như kẻ khác thì có cơ hội để thủ lợi, nhưng Tom đã làm ông sửng sốt vì sự phân minh, ngay thẳng đặc biệt ở bác ta. Thật ra, Tom đã chống trả mãnh liệt với chính mình trước mọi cám dỗ vì tính dễ dãi quá mức của chủ nhân.
Clare rất hài lòng, mỗi ngày mỗi tỏ ra tin cậy Tom hơn, và Tom càng tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy ấy, không tơ hào, suy suyển một đồng nào.
Clare cũng bắt đầu cảm thấy sự vô trách nhiệm, phao phí, lạm dụng của Adolphe. Ông cảm thấy nếu cứ tiếp tục giao phó cho tên quản gia Adolphe mọi thứ chi tiêu, gã sẽ gây một lỗ thủng lớn trong ngân quỹ gia đình ông, không hàn vá nổi. Thật nguy hiểm mà giao cho con người hời hợt bừa bãi đó cái trách nhiệm lớn như trước nay ông nhắm mắt giao càn, vì bà vợ vốn là người vô tích sự không chịu quan tâm đến.
Tuy nhiên, vốn là người rộng lượng, ông không nỡ loại hẳn gã trong những công việc có liên quan đến tiền bạc. Ông dễ dàng bỏ qua mọi lỗi lầm của gã dù cho không phải gã vô tình và là những lỗi nặng đi nữa.
Một lòng yêu kính chủ, Tom nhận thấy ông chủ sống như một kẻ vô thần, không bao giờ nhìn đến cuốn Thánh kinh, không bao giờ đi lễ ở nhà thờ, lại hay chế giễu khi nghe ai đề cập đến vấn đề tôn giáo; ưa la cà đến các trà thất, rạp hát, vũ trường, những nơi ăn chơi trụy lạc; không phải chỉ đi vào những ngày thường trong tuần, mà đi cả trong ngày chúa nhật. Gần đây, ông còn hay say rượu nữa chứ.
Nếu sự phung phí tiền bạc của chủ làm Tom buồn thì sự phung phí sức khỏe và không có tác phong đạo đức của chủ càng lảm cho Tom buồn nhiều hơn. Vì vậy, tuy được chủ đối xử khoan dung, tử tế, Tom vẫn không bao giờ vui vẻ thực sự, bác buồn ngấm ngầm, và nỗi buồn đó dày vò bác, làm nét mặt bác luôn luôn lộ vẻ ưu tư như bác lo lắng cho chính thân phận của bác. Tom thường giam mình trong gian phòng nhỏ của bác, thành khẩn cầu nguyện, kêu gọi từ tâm của Chúa, xin gìn giữ linh hồn của ông chủ mà bác rất thương yêu, kính trọng.
Bác kiên nhẫn chờ cơ hội thuận tiện để có thể khuyên can chủ, nhưng bổn phận của một kẻ tôi đòi như bác thì muốn thực hiện được thiện chí đâu phải dễ dàng gì? Dù sao, bác vẫn không đổi ý, vẫn kiên tâm chờ đợi.

*

Một đêm kia, Saint Clare trở về nhà vào quãng hai giờ đêm, ông say khướt, không còn biết trời đất chi nữa. Người ta phải lấy làm lạ là ông có thể về đến cửa được.
Tom và Adolphe phụ lực khiêng ông vào phòng, đặt lên giường. Gã Adolphe có vẻ gần như thỉch thú về chuyện tệ hại này, phần nữa, gã quá quen thuộc cho đến nỗi gã còn chế giễu Tom là lẩn thẩn, là lo lắng không đâu, vô ích.
Khác với sự vô tâm của Adolphe, Tom bồn chồn lo sợ, thao thức trọn đêm, quỳ gối cạnh giường chủ, cầu nguyện, canh chừng và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi thấy ông Saint Clare cựa mình, mở mắt vào lúc bình minh trở lại.
Vẻ mệt nhọc phở phạc ưu tư như hằn lên gương mặt thuần phác của người tớ da đen khiến cho ông chủ bối rối không ít.
Một chốc sau, trong bộ quần áo ngủ chỉnh tề, ông bước vào phòng đọc sách và hỏi bác Tom:
- Này, tại sao đêm qua anh không ngủ? Hở Tom?
Tom vẫn đứng im, ông hỏi tiếp:
- Có gì làm anh lo lắm phải không?
- Thưa ông, vâng! Tom đang lo lắng nhiều, nhiều lắm.
Chủ nhân đặt tờ báo xuống, buông luôn tách café uống dở, gặn lại:
- Chuyện gì khiến anh lo lắng? Coi mặt anh như thể sắp đưa ma.
Giọng ông vẫn luôn luôn pha chút hài hước. Tom buồn rầu nói:
- Thưa ông, tôi buồn lắm, chưa bao giờ buồn như hôm nay. Tôi thấy chủ tôi là người tốt, rất tốt với tất cả mọi người, nhưng...
- À, tưởng gì, chắc anh quên việc gì phải không? Không sao đâu, tôi nhận thấy là anh rất tận tâm, nếu đã quên thì không có gì phải áy náy. Coi như thằng Adolphe nó phá của biết bao mà tôi vẫn tha thứ...
- Thưa ông, ông lầm rồi. Tôi không quên bổn phận bao giờ, vì vậy nên tôi mới bận tâm không nguôi. Ông chủ nghĩ coi, ông là người chủ tốt lắm, với ai ông cũng tốt, nhưng riêng một người, ông lại không xử tốt...
- Anh muốn ám chỉ cái gì đây? Tôi nóng ruột rồi nghe, giải thích rõ hơn coi? Tôi xử tệ với ai đâu?
- Thưa ông, đêm qua tôi đã thức suốt đêm, suy nghĩ về hành động của ông, ông đã không tốt với ông, vâng; với chính bản thân ông, ông tự hủy hoại thân ông, ông không chú ý gì đến ông cả. Tôi đau đớn biết bao nhiêu vì không làm gì được để ngăn ông đi dần đến chỗ nguy hại...
Cố gắng thu hết can đảm vào đầu lưỡi để thốt được ngần ấy lời, Tom vội vã quay lưng lại, đặt tay lên quả nắm của cánh cửa, toan rút lui.
Saint Clare cảm thấy nóng bừng cả mặt song rồi... ông trấn tĩnh được, cười gượng đi che giấu cảm động:
- Chỉ có vậy mà anh cũng buồn khổ đến mức đó ư?
- Thưa ông, chỉ có vậy thôi! Tôi biết nói gì hơn để ông chủ hiểu rõ lòng tôi, hiểu rõ sự lo sợ của tôi?
Tom đột ngột quay lại và quỳ xuống cạnh chủ, van vỉ:
- Ông chủ ơi! Tôi quý yêu ông biết là ngần nào! Tuy tôi không phải là tôi tớ thuộc qựyền ông từ thuỏ còn nhỏ, tôi kính quý ông lắm. Ngày đêm tôi cầu nguyện, chỉ e ông sẽ sa xuống hố thẳm của tội lỗi, đến chỗ mất cả xác lẫn hồn. Thánh kinh có viết rằng “Tội ác giống như con rắn độc...”
Bác nghẹn lời không nói hết câu, thổn thức khóc, nước mắt tuôn đẫm má.
Saint Clare la lên:
- Tom! Anh điên rồì sao? Can gì mà khóc chứ?
Nhưng ông nói xong mắt cũng mờ lệ vì xúc động trước tấm chân tình hiếm hoi quý báu của người nô lệ thấp kém hơn mình. Ông nén khóc và dịu giọng bảo người nô lệ trung thành:
- Hãy đứng lên đi. Tom! Anh quá tốt làm tôi cảm thấy xấu hổ, vì không xứng đáng với những lo lắng và những giòng nước mắt của anh.
Tom không chịu đứng lên, bác vẫn quỳ một chỗ, khẩn khoản nài nỉ ông chủ mình phải gìn giữ sức khỏe và linh hồn.
- Này, Tom ơi! Nào tôi có ưng giao du với đám bạn bè đầy thói hư, nết xấu đó. Phải! Với tất cả danh dự, tôi nói cho anh biết điều này. Đã lâu lắm rồi, tôi ghét họ, tôi ghét cả chính tôi. Nhưng... Này Tom, đứng lên d0i! Lau khô nước mắt đi! Chớ, đừng làm như mang ơn tôi quá nặng như thế, tôi thật không xứng đáng...
Ông đỡ Tom đứng lên và thân mật dắt Tom đến cửa phòng:
- Tôi hứa với anh là kể từ nay tôi sẽ không say sưa bừa bãi nữa. Tôi sẽ cố gắng, anh sẽ thấy tôi không bao giờ ở trong tình trạng tồi tệ như đêm qua.
Tom tươi ngay nét mặt, đưa tay gạt những giọt nước mắt loang loáng trên má và quay ra, lòng thanh thản, sung sướng vì tin lời chủ hứa.
Và kể từ đó, ông Saint Clare giữ lời hứa với Tom. Người ta không hiểu có bao giờ ông mong mỏi vợ ông - người đàn bà kiêu kỳ, ích kỷ kia - có được đôi chút đức tính của một người tôi tớ da đen?

*

Tuy nhiên, nếu nói về nỗi khổ tâm của những người trong đại gia đình này, ta phải kể đến cô Ophélia, người được giao cho trọng trách điều hành mọi việc trong ngôi nhà to lớn ở miền Nam này.
Có một sự khác biệt giữa bọn nô lệ miền Nam, họ tùy thuộc nhiều vào đức tính của chủ nhân, nhất ià các bà chủ. Nhưng dù ở miền Nam hay miền Bắc, có những phụ nữ da trắng có một trình độ rất cao trong việc điều khiển cũng như dạy dỗ đám nô lệ của họ. Có người không cần phải khắc nghiệt, cứng rắn mà vẫn được nô lệ kính phục, tuân lời răm rắp.
Chẳng hạn như bà Shelby. Điều đáng tiếc là những bà chủ như thế này không có nhiều. Marie Clare cũng thừa hưởng nết đoảng của mẹ không thuộc vào loại phụ nữ khả kính này.
Vì vậy, ngày đầu tiên đứng ra đảm nhận trọng trách do vợ ông em họ giao phó, cô Ophélia đã đứng thẳng bốn tiếng đồng hồ, và sau khi quét dọn sạch sẽ gian phòng dành cho cô, một việc cô vẫn tự tay làm lấy từ lúc đến nhà này, trước vẻ kinh ngạc của chị bồi phòng; cô bắt đầu thanh sát nghiêm khắc tất cả các ngăn, các tủ và các phòng mà cô được giao chìa khóa.
Phòng ăn, phòng giặt giũ, phòng đựng đồ sứ, nhà bếp, kho rượu v.v... tất cả đều được cô quan tâm cẩn thận. Chao ơi! Biết bao bí mật cẩu thả bừa bãi được phơi trần trước mắt con người sắt thép này làm cho bọn tôi tớ vốn quen nhác nhờn một phen hoảng vía. Có đứa lo âu, thấp thỏm nhưng cũng có kẻ phản đối - ngấm ngầm thôi -phương pháp làm việc của cô gái già miền Bắc.
Riêng bà đầu bếp chính Dinad, người coi sóc tổng quát khu vực quanh nhà bếp, người có nhiều quyền hạn trong nhà bếp thì sự chống đối tỏ ra mạnh mẽ nhất, bộc lộ chứ không cần che giấu. Nói cho công bình, tài nấu nướng của bà ta không thua kém chi Chloé, vợ của bác Tom tại trang trại ông bà Shelby, nhưng bác Tom gái được hướng dẫn bởi một bà chủ ngăn nắp, bác sống từ nhỏ đến lớn ở một đại gia có tổ chức phân minh, thứ tự, sạch sẽ đâu ra đấy. Bà Dinad thì khác hẳn, hãnh diện và kiêu ngạo về tài nấu nướng của mình, bà không coi ai ra gì. Bà ta lại có tính bướng bỉnh, độc đoán, thích gì làm nấy, không biết phục thiện, không thèm nghe ai cả - (vả lại, đâu có ai đủ uy quyền để khiển trách bà ta, có một nữ chủ nhân thì suốt ngày chỉ những than đau, kêu mệt) vì vậy bà ta tha hồ tung hoành theo ý thích mình. Bà ta cho rằng trên đời này không có một kẻ nào có tài hơn mình, giỏi hơn mình, khôn hơn mình để đủ sức khiến bà ta có thể chịu để lọt tai một lời khuyên bảo. Cách của bà ta là cách hoàn hảo nhất, dù rằng nhìn vào gian bếp, người ta tưởng như nhìn vào khu rừng sau trận bão tố ghê người.
Phần lớn người phụ nữ da đen này chịu ảnh hưởng của bà chủ cũ, mẹ vợ ông Saint Clare, kế đó là bà chủ hiện thời: Marie Clare; mà hai người này thì có thiết để mắt vào khu vực bếp núc bao giờ đâu? Mụ Dinad được quyền sai khiến hàng tá tôi tớ dưới quyền (như tất cả các đại gia miền Nam). Bắt nạt đám tôi tớ dưới quyền mình và khúm núm, hết sức lấy lòng chủ nhân, đó là tài riêng của mụ. Mụ có trăm ngàn cách để bào chữa lỗi minh và cỡ vài chục đứa để mụ đổ lỗi cho, vì mụ luôn miệng nói: “Người đầu bếp chính không bao giờ có lỗi”.
Suốt ngày, mụ tha hồ khiển trách đứa này, la lối đứa kia, rộng miệng, to tiếng còn hơn cả bà chủ trên nhà, trong cái giang san riêng tại nhà bếp!
Tuy nhiên, nếu chỉ xét đến kết quả thì không có chỗ nào chê trách mụ cả, mụ được nể nang nhờ những kết quả rõ ràng ấy. Dù rằng mụ theo đuổi con đường quanh co, lồi lõm... nhưng vẫn đến đích một cách cừ khôi. Ấy vậy, cứ kiểu đó mụ điều hành bổn phận, những vật mà mụ bày ra trong bếp, ta có thể đếm và kinh ngạc mà thấy có nhiều như số ngày trong một năm! Nhưng hãy cứ yên tâm, mụ có cách chống chế: có thế chủ nhân mới có được những bữa ăn ngon lành, thịnh soạn mà người khó tính, sành điệu mấy cũng không thể đặt miệng vào chỗ nào để chê bai lấy nửa lời.
Túc trực xung quanh dưới quyền Dinad là một số tôi tớ, thuộc hạ của gia đình sang trọng này. Theo lệnh mụ, chúng ngồi la liệt quanh gian bếp, đứa bóc vỏ đậu, đứa gọt khoai tây, đứa nhặt rau, đứa thái hành, xắt thịt... đứa thì săm soi nhổ những bộ lông láng mướt của chú vịt béo hay chị gà mái tơ!
Mụ Dinad dáng bộ thư thả, uy nghi như một vị tướng đang sắp đặt trận đồ, ngồi bệch trên nền nhà, miệng phì phà cái ống píp mà mụ rất ưa thích và luôn luôn lập lòe lửa khói như một cái đỉnh trầm hương. Đừng tưởng mụ ngồi chơi, đó chính là lúc mụ làm việc hăng say hơn ai hết: với dáng bộ suy tư mà nhàn nhã đó, mụ moi óc tìm ra những món lạ, thức ngon, cống hiến cho thực khách sắp vào bàn lát nữa đây. Đôi khi, bữa ăn dọn trễ hơn thường lệ, nhưng có sao: ông Clare vốn dễ tính và lỗi đâu ở mụ: tại bọn tôi tớ dưới quyền kia mà!
Để điều chỉnh, sai phái bọn dưới quyền cho hiệu quả, thỉnh thoảng Dinad ngừng thở và hít khói, lấy tay cốc lên đầu đứa này một cái nên thân hoặc la đứa kia về tội lơ là bổn phận, chậm chạp chi đó.
Cô Ophélia mở cuộc thanh tra nhà bếp vào giữa một lúc như thế. Tin cô đi thị sát đã mọc cánh bay đến tai mụ trước nhiều giờ, nhưng mụ Dinad chớ đâu phải tay hèn mà lo sợ? Mụ quyết định sẽ cứng rắn đương đầu với cô, chống lại việc này và thề không chịu thay đổi gì cả. Đừng có hòng mà nói chuyện thay đổi, cải cách gì với mụ ta. Ngay bà chủ kia mà còn chưa bao giờ nghĩ đến cải cách nữa là...
Nhà bếp là một căn phòng rộng rãi, nền lát gạch, một lò sưởi lớn kiểu cổ chiếm một góc phòng. Ông chủ cố gắng thuyết phục mụ Dinad trong việc đập phá nó đi để xây một cái lò mà không xong, vì mụ ta nhất định không bằng lòng, và ông... chịu thua.
Với một tinh thần chống đối như thế, mụ Dinad ngồi tỉnh bơ tiếp tục phì phà khói thuốc với vẻ bình thản như không trong lúc cô Ophélia bước chân vào gian bếp. Mụ ngồi yên làm như không biết đến sự hiện diện của cô, như đang bận điều khiển đám thuộc hạ của mình song kỳ thật vẫn liếc xéo, theo dõi hành động con người phá đám, theo ý mụ.
Ophélia mở một ngăn tủ, cao giọng hỏi:
- Chỗ này đựng gì đây, già Dinad?
- Thưa cô, đủ thứ, đựng đủ thứ.
Mụ lễ phép giả tạo, bình tĩnh trả lời. Mà đúng như mụ nói, trong đó đựng đủ thứ: trước hết cô Ophélia thấy một cái khăn trải bàn có hoa sặc sỡ dính đầy máu tươi, chắc là vừa được dùng gói một miếng thịt sống. Giọng cô nghiêm khắc:
- Cái gì vậy, Dinad? Tôi nghĩ là bà không đến nỗi bừa bãi dùng khăn bàn đẹp đẽ thế này mà gói thịt chứ?
- Chúa ơi! Tôi không còn cái khăn nào khác, trong lúc lật đật quá, tôi dùng tạm rồi sẽ bỏ giặt, có sao đâu, thưa cô.
- Khùng thật!
Cô Ophélia lẩm bẩm trong miệng, dáng bực tức song vẫn cố nén, tiếp tục việc thanh sát. Trong ngăn tủ thứ hai, cô thấy cái dũa, vài ba hạt đậu khấu, một cuốn thánh ca của giáo phái méthodisme, một cuộn len, một cái áo ấm, một gói thuốc, một cái ống píp, vài tấm giẻ rách bẩn thỉu, những chiếc giày cũ, vài cái pháo, hai lọ sốt vàng ối nhưng không dựng sốt mà đựng pom-mát, một miếng nỉ được đục lỗ tỉ mỉ thì dùng gói mấy củ hành... rồi khăn ăn hoa hòe lộn trong khăn bàn nhăn nhúm, cặp que đan áo bên cạnh cái bao thư rách nát lòi ra vài cọng hành ngò bốc mùi thơm, có những thứ nồng nặc, hôi hám...
- Chỗ bà dành cất đậu khấu ở đâu, hở bà Dinad?
Cô hỏi, giọng của một người hết sức nhẫn nhục. Mụ Dinad đáp tỉnh bơ:
- Dạ, cùng hết, chỗ nào cũng được: trong tủ, trong cái tách nứt.
- Tôi thấy bà để chung đậu với cái dũa.
Con người ngăn nắp cố gắng để đừng nổi nóng lên.
- Dạ, sáng nay tôi để đó cho tiện. Tánh tôi... tôi ưa để mọi vật vừa tầm tay, cô à!
- Hừ, vừa tầm tay, nhưng đừng lộn pom-mắt với sốt chứ...
- Chúa ơi! Tôi bận bịu quá đó, tôi sẽ sắp đặt đâu ra đó trong vài bữa nữa.
- Còn khăn bàn thì sao?
- Ả, tôi để đó chờ đem bỏ giặt, vài bữa nữa sẽ giặt...
- Bà không có một chỗ nào để dành riêng mà đựng đồ sắp giặt sao?
- Có chứ, thưa cô! Ông chủ có sắm cho tôi một cái thùng, nhưng thùng có nắp mà nắp thì nặng trịch, thêm nữa tôi để mấy thứ đồ vật trên nắp, mỗi lần giở ra đậy lại mất công quá đi.
- Tại sao không để đồ lặt vặt trên bàn? - Cô Ophélia vẫn ôn tồn, kiên nhẫn.
- Dạ, để chớ, mà chật chỗ, cô thấy đó: ly tách, bát dĩa đầy nhóc bàn... không còn chỗ trống.
- Bà phải rửa hết ly tách, dĩa bát và dọn trống cái bàn.
Lần này mụ Dinard nổi tam bành lên, quên cả giữ lễ:
- Rửa dọn hết à? Nếu tôi làm theo lời cô thì chừng nào ông chủ mới được dùng bữa trưa đây? Tôi không thể mất thì giờ rửa ba cái đồ quỷ này. Các bà, các cô, nói xin lỗi... biết gì chuyện nhà bếp? Bà Clare không khi nào chen vô chuyện của tôi hết, thưa cô.
- Còn củ hành thì để...
- Ạ! Cái đó là tôi quên, tôi không định bỏ trong đó, tôi tính sấy cho khô đó chứ, thưa cô!
- Hành ngò thì gói trong bao thư...
Cô Ophélia nói và lôi túm hành ngò ra, đưa lên.
- Thưa cô, tôi nghĩ là cô không nên đụng đến mấy thứ này, cô làm lộn xộn hết ba cái đồ cần dùng của tôi, tôi muốn là, hễ khi cần đến tức thì có sẵn, khỏi mất công tìm...
- Nhưng bà phải nhận thấy bao thư rách chứ?
- Dạ, rách càng dễ lấy ra.
Giọng Dinad quyết liệt. Ophelia cao giọng:
- Bà không thấy là trong ngăn tủ lộn xộn sao?
- Có thể... có thể là tại cô, chính cô làm lộn xộn thêm - Lần này, bà ta chịu xê dịch, đứng lên ngăn tủ - Nếu cô chịu trở lên phòng khách, tôi mới có thể sắp đặt đâu vô đó đàng hoàng, thứ tự. Nói thiệt, tôi không thể làm gì được nếu có các bà làm rộn...
- Dinad, nghe đây: tôi sẽ sắp đặt thứ tự lại từ trên chí dưới, phải, tôi sẽ đích thân làm lấy. Và từ nay, tôi hy vọng là bà sẽ tiếp tục làm giống y như tôi.
Dinad làm như dẫm nhằm tổ kiến lửa, bà ta nhảy nhổm lên:
- Á, ý, cô ơi, đây không phải là việc của những người như cô... Tôi chưa bao giờ thấy quý cô, quý bà làm chuyện này, kể cả bà chủ trước của tôi, bà mẹ của bà Marie và cả bà Marie. Không! Không!
Mặc kệ mụ già phản đối, cô Ophélia thoăn thoắt xếp dọn, rửa ráy, bày biện, đâu ra đó, thứ tự, ngăn nắp từ chút một, nhanh nhẹn, mau mắn làm cho mụ Dinad sững sờ, sau khi đi lui, đi tới bằng những bước chân nặng nhọc, bực bõ.
Trong vòng hai ba hôm liền, cô Ophélia cải tạo cả nhà, nhưng những cố gắng ấy, trong sự bất hợp tác của đám tôi tớ, giống y như là những cố gắng của Sisyphe hay của dân xứ Danaides, của một con dã tràng xe cát trên bãi hiển.
Một hôm vì quá nản lòng, cô than phiền với Saint Clare:
- Tôi hết sức cố gắng, nhưng cậu ơi! Tôi có cảm tưởng như không thể nào tái lập trật tự trong nhà này.
- Đúng đó, chị ơi!
- Tôi chưa bao giờ gặp phải hạng người ngoan cố, hư hỏng, bừa bãi như bọn gia nhân nhà cậu.
- Em hoàn toàn đồng ý với chị đó, chị Ophélia.
- Cậu sẽ không còn thờ ơ kiểu này nếu cậu đảm nhận công việc của tôi.
- Chị thân mến ơi! Chị nên hiểu rõ điều này: chúng ta - em muốn nói hạng người làm chủ chúng ta đây - được chia làm hai thành phần: một hạng áp bức và hạng nữa... bị áp bức. Chúng ta là hạng tốt, ghét sự áp bức, vì vậy chúng ta gặp phải trở ngại. Giữ bọn nô lệ trong nhà, chúng ta phải gánh chịu hậu quả. Thật khó lập được trật tự mà không dùng kỷ luật sắt. Em không thích đánh đập, cho nên em phó mặc mọi việc đến đâu thì đến. Em không nỡ trừng phạt chúng bằng roi đòn, chúng biết rõ điều này nên lợi dụng lòng tốt của em.
- Nhưng, thử hỏi cậu, dù sao đi nữa cũng phải có ngăn nắp, giờ giấc đôi chút chứ, có lẽ nào lại tệ đến cái mức như nhà này...
- Ở Vermont miền Bắc, người ta quen kỷ luật khuôn khổ đi rồi, nhưng để làm gì chứ? Như em đây, giờ giấc mà làm chi? Em có bận rộn công việc gì đâu, chị thấy chứ? Vậy thì thứ tự, ngăn nắp, giờ giấc để đi đến đâu? Em có việc gì ngoài việc nằm ườn ra trên trường kỷ, đợi bữa ăn, vậy thì tôi tớ nó có dọn sớm một tí, hay trễ một tí đã làm sao, có hại gì đâu? Mà chị thừa rõ đó: Dinad dọn cho ta những bữa ăn ngon lành không chê vào đâu được. Từ rau cải, thịt, cá cho đến thức ăn tráng miệng, món bánh ngọt, món kem lạnh, ừ, em đồng ý là mụ ta lộn xộn, bừa bãi đấy... nhưng mà để ý làm chi? Em cam đoan chị cứ tiếp tục xuống bếp ít lâu chắc chị không dám nếm đến các món mụ làm nữa. Chị sẽ không chịu đựng nổi và chị sẽ phát điên cho mà coi. Tốt hơn, chị nên để mặc mụ ta.
- Tôi chắc cậu không biết hết mọi sự ở trong bếp, cậu chưa biết mà...
- Sao lại không: này, cái cây cán bột mụ ta vứt dưới gậm giường, cái dũa nằm trong túi áo lẫn với thuốc lá, mụ ta lau bát dĩa bằng cái khăn bàn ngày hôm qua, nhưng hôm nay thì lau bằng cái áo cũ của mụ chứ gì? Ôi thôi! Em thừa biết, em biết chán ra rồi, nhưng được cái là bữa ăn mụ dọn hoàn hảo, cà phê mụ pha ngon lành. Em, thì xếp hàng mụ vào ngang với các nhà lãnh đạo quốc gia và hàng tướng lãnh tài ba, mụ thành công vượt bực, chị đồng ý chứ?
- Còn sự hư hỏng, sự cẩu thả, sự phí phạm?
- À! Điều này thì... cũng không có gì là khó: hãy từ từ, chầm chậm thi hành biện pháp đề phòng, đừng để ý chi tiết mà nhọc trí; chị cất phăng chìa khóa đi, phương cách của em coi vậy mà hay à!
- Cậu Clare, đôi khi tôi thắc mắc: không hiểu bọn chúng có lương thiện không? Có nên tin tưởng chúng không?
Clare cười ngất trước vẻ trang trọng của bà chị:
- Thật là quá, quá! Lương thiện! Đòi hỏi chi điều đó? Ta phải làm thế nào đạt được điều mong mỏi này?
- Bộ dễ cả lũ không được một đứa tin được hay sao?
- Em có nói vậy đâu. Thỉnh thoảng Thượng đế cũng giỡn chơi bằng cách tạo vài tên thật thuần phác, hiền hậu, trung thành chp đến nỗi dù ai ác cảm với dân da đen đến đâu cũng không thể phủ nhận điều này. Nhưng thường thường thì, chị nghĩ xem: từ thuở lọt lòng mẹ bọn trẻ da màu đã ý thức được rằng chỉ có thể thành công bằng cách gian ngoa, điêu trá. Làm sao để lừa được cha mẹ chúng, chủ nhân chúng và con của chủ chúng, ngay các bọn đồng chúng nữa. Đó, mưu mẹo, gian dối, trở thành thói quen cần thiết, làm sao tránh được? Ta không thể đòi hỏi gì khác ở chúng, mà cũng chớ nên trừng phạt vì tật xấu này. Em cho là vô phương cảm hóa chúng... A! Người như Tom là một ngoại lệ khó hiểu, một phép lạ hiếm có.
- Cậu nói vậy, nghĩa là dân da đen không có lương tâm gì ráo?
- Lương tâm? Đó thật không phải là việc em tìm hiểu. Em chỉ biết chúng qua hành động chúng và như thế người ta có thể tin là dân da đen ám dân da trắng như một lũ quỷ dữ trên trái đất này. Có thể trên Thiên đàng mọi sự đổi khác.
- Thật khủng khiếp! Đám chủ nhân nô lệ như cậu phải lấy làm xấu hổ chứ!
- Em không dám chắc như thế. Ta thuộc về một tập thể tốt lành... Nhưng chị hãy nhìn từ trên xuống dưới coi, khắp mọi nơi sự việc xảy ra y như nhau. Hạng thấp hèn phải chịu hy sinh cho hạng trên, cả xác lẫn hồn. Bên Anh cũng vậy và trong khi ấy, dân theo Chúa chống lại chúng ta chỉ vì ta làm một việc như họ nhưng với phương pháp khác.
- Vậy theo ý cậu, nô lệ có nên được giải phóng chăng?
- Em không rõ lắm, có điều chắc chắn là ngày nay sự bất bình đang ngấm ngầm lan tràn khắp mọi nơi trên quả đất. Em nghĩ là không sớm thì muộn, thế thôi. Một sự đảo lộn khủng khiếp. Tai họa sẽ giáng xuống châu Âu, nước Anh và cả trên cả xứ sở này. Mẹ em ngày trước vẫn nói rằng một kỷ nguyên mới sắp đến và nhân loại sẽ thấy uy quyền của Chúa, Chúa dành sự tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Từ khi em còn nhỏ, mẹ em đã dạy em cầu nguyện cho ngày mở đầu kỷ nguyên này. Phần em, đôi khi em cảm thấy những tiếng thở dài, những lời van vỉ, những nỗi uất hận... tất cả những thứ đó như báo trước những ngày thay đổi... nhưng ai có thể sống để mà thấy được ngày này?
- Cậu Clare, có nhiều lúc tôi tưởng như cậu không phải là người vô thần, bất kính. Cậu có tâm hồn. Cậu...
Bà chị nói, mắt nhìn em ái ngại.
- Cảm ơn chị về ý nghĩ tốt cho em. Em thì như vừa ở Thiên đàng vừa ở Địa ngục. Trên lý thuyết, em đang đứng ngang trước cổng nước Trời, song trong thực hành em lại gần cát bụi. Mà thôi, bữa ăn sắp xong kìa, em hy vọng là chị không còn cho rằng em chỉ biết nói chuyện nhảm thôi, ít nhất, em cũng có thể nói chuyện đứng đắn một lần, phải không, hở chị?

*

Trong bữa ăn, Marie phàn nàn là bà không chịu được khi thấy bọn da đen ăn uống vồ vập, ngốn ngấu như thể bị bỏ đói lâu ngày.
- Có lẽ do những cùng khổ thiếu thốn lâu ngày khiến chúng khó lòng bỏ được thói xấu, chắc cần phải có biện pháp nghiêm khắc mới chế ngự nổi chúng. Tôi còn nhớ lúc trước cha tôi có một tên nô lệ lười biếng lạ lùng, gã luôn luôn tìm mọi cách để trốn việc, bỏ đi lang thang trên đồng cỏ, ăn cắp và phạm đủ tật xấu. Có khi bị bắt và bị đánh đập. Rồi chỉ ít lâu sau lại y như cũ, không sao hoán cải. Sau cùng, gã bỏ đi lần nữa, cho đến nỗi kiệt súc chết đi. Mà ở nhà cha tôi gã đâu có bị hành hạ, cha tôi đối xử với nô lệ rất tốt. Thật khó hiểu.
- Có một lần, tôi làm thay đổi được tên da đen mà tất cả mọi người đều tỏ ra tuyệt vọng về hắn.
Clare nói. Marie hăm hở bảo chồng:
- Em muốn biết anh chế ngự hắn cách nào, em tò mò muốn biết anh làm sao mà...
- Đó là một tên vạm vỡ, có sức manh vô song mà cũng bất trị nhất. Không ai trị hắn nổi, họ chuyển nhượng hắn từ tay người chủ này sang tay người chủ khác. Sau hắn thuộc quyền anh Alfred của tôi. Anh mua hắn với hy vọng là sửa trị nổi hắn. Ai ngờ, hắn hạ gục người canh gác và bỏ trốn. Gặp lúc tôi đến thăm anh tôi. Anh ấy đang tức giận tột độ. Tôi thì cho là lỗi ở anh ấy và tôi bằng lòng dự vào cuộc săn đuổi tên nô lệ làm loạn này. Người ta đồng ý là nếu tôi bắt được hắn, hắn sẽ thuộc quyền tôi và đồng ý để tôi chế ngự hắn theo phương cách riêng của tôi.
Bọn người đi săn hắn gồm bảy hay tám người chi đó, có súng ống đầy đủ và cả... chó săn. Coi bộ mọi người hăng hái trong cuộc săn này cũng như đi săn nai vậy đó, có lẽ do thói quen. Phần tôi, tôi cảm thấy bị khích động đôi chút, dù tôi là người ngoại cuộc, tôi nghĩ đến trong trường hợp họ giết chết tên này...
Ông Clare ngừng lại một giây trong lúc vợ ông và Eva có vẻ nôn nóng:
- Chúng tôi thúc ngựa phi nhanh, đàn chó thì sủa vang trời. Chúng tôi đuổi kịp hắn, hắn vừa chạy vừa nhảy như một con mang, chúng tôi rượt theo thật mệt lử mới thu ngắn được khoảng cách. Sau cùng, hắn ngừng lại bên một bụi mía rậm rạp, quay người đối mặt với chúng tôi. Tôi phải công nhận là hắn rất can đảm, mình hắn, hắn hạ gục hai ba con chó với hai nắm tay không, mỗi con nằm lăn lộn một bên Thế rồi, một phát súng nổ làm hắn gục xuống, mình mẩy đầy máu, hắn lê đến bên chân tôi. Cái nhìn của hắn vừa tuyệt vọng vừa bất khuất. Tôi không thể nào để mặc cho đám chó và người xông vào xâu xé hắn nên đứng ra ngăn họ lại. Tôi phải cố hết sức mới thuyết phục được những người đang say máu một hai đòi giết hắn ngay lúc đó. Tôi thân hành đưa hắn ra đến chợ và cuối cùng tôi mua hắn khỏi tay chủ cũ: anh Alfred.
Tôi đưa hắn về nhà tôi. Trong vòng nửa tháng sau, tôi đã biến hắn thành một người khác, hắn ngoan và hiền hơn một con cừu non.
- Anh làm sao?
Marie kêu lên.
- Thật giản dị: anh cho hắn ở trong phòng anh, nằm trên giường anh, anh tự tay băng bó vết thương của hắn, anh đích thân săn sóc hắn cho kỳ đến khi hắn hoàn toàn bình phục. Sau đó anh giải phóng hắn, anh bảo hắn có thể đi đâu tùy ý, anh không ngăn cản.
- Thế hắn nói sao? Hắn có đi không?
Cô Ophélia hỏi.
- Không! Tên cứng cổ bất trị ấy xé đôi tờ giấy và từ chối ra đi. Kể từ đấy tôi có một tên nô lệ đặc biệt: trung thành, siêng năng, lúc nào cũng một lòng với chủ hơn cả một con nghĩa khuyển. Sau đó, hắn trở lại đạo và thuần nết như một đứa trẻ. Hắn có phận sự trông nom khu vườn của tôi bên bờ hồ. Hắn chu toàn bổn phận đến mức tối đa, tôi chưa bao giờ thấy có gì trách hắn được.
Ông tiếp:
- Nhưng hắn đã chết vì bệnh đậu mùa, nguyên thế này: tôi vướng chứng ngặt nghèo này, thật là một điều đáng sợ - mọi người đều bỏ rơi tôi. Hắn thì không. Một mình Scipion - tên hắn - săn sóc tôi tận tình, có thể nói hắn giật tôi khôi thần chết, sự cố gắng phi thường đó đã cứu sống tôi nhưng than ơi: hắn bị lây bệnh và không ai cứu hắn được. Tôi chưa bao giờ thấy tiếc thương một nô lệ như thương tiếc hắn.
Eva càng lúc càng cảm động, em ngồi sát cạnh cha hơn, đôi môi hé mở, mắt long lanh rực sáng và khuôn mặt em ửng hồng lên. Khi cha em dứt lời em vòng tay quanh cổ cha, ràn rụa nước mắt, nức lên khóc.
- Coi kìa! Con yêu của ba! Con làm sao vậy? Đáng lẽ ba không kể chuyện này cho con biết. Con nhạy cảm quá.
Người cha hôn con âu yếm, khi thấy con run rẩy, ôm mình.
- Không đâu, ba ơi! Con không nhạy cảm đâu, ba đừng lo...
Em nói, cố làm ra vẻ cứng rắn như một người lớn:
- Con không có xúc động bậy bạ đâu, nhưng những chuyện như thế làm con đau nhói trong lòng.
- Con nói gì vậy, ý con muốn nói gì?
- Thưa, ba con không biết nói sao cho ba hiểu. Con thường nghĩ đến nhiều điều... Có một ngày kia, con sẽ kể cho ba biết rõ, con sẽ nói cho ba nghe con nghĩ gì.
- Con cứ suy nghĩ, ba không ngăn con, miễn là đừng khóc và làm ba buồn, thế thôi. Này, nhìn coi: trái đào xinh ghê chưa, ba hái cho con đấy!
Eva tươi cười đón trái đào nhưng trên mặt em còn phảng phất nét buồn vướng lại.
- Ra đây với ba! Ba chỉ cho con coi bầy cá đỏ đẹp lắm!
Người cha nói và nắm tay con, dắt ra sân.
Chỉ lát sau, người ta nghe tiếng hai cha con ông cười ròn rã, Eva ngắt bông hồng ném cha và hai cha con rượt đuổi nhau chạy khắp vườn.

*

Nơi bác Tom ở là một căn phòng nhỏ bé nằm bên canh chuồng ngựa. Căn phòng rất ngăn nắp, sạch sẽ, bên trong có một cái giường, một cái ghế, một cái bàn nhỏ bằng gỗ tạp; trên bàn người ta thấy cuốn Thánh kinh và tập Thánh ca của Tom.
Lúc này vào giờ rảnh rỗi, nên Tom đang ngồi trước bàn, chăm chỉ để làm việc riêng của mình, một công việc trọng đại nhất: viết thư cho vợ con mình. Công việc viết lách phiền toái khó khăn còn hơn hồi bác ở nhà ông Shelby tập viết rất nhiều. Thật dễ hiểu: lúc đó bác chỉ cố đọc và viết thông thạo để thoát khỏi tình trạng mù chữ, để có thể đọc Thánh kinh và vừa lòng cậu chủ nhỏ tốt bụng; còn giờ đây là bác vận dụng hết khả năng văn hóa của mình để truyền đạt tới những người thân yêu nhất tại Kentucky - mà bác biết đang ngày ngóng đêm trông - những cảm nghĩ, những ước muốn tha thiết nhất của mình, cũng như hỏi thăm sức khỏe mọi người, kể cả ông bà chủ đã bán bác đi vì thế kẹt và cậu Georges.
Thật ra, bác Tom nghĩ đến chuyện viết thư đã khá lâu, cho đến một hôm sự nhớ nhung dày vò bác tới mức không chịu nổi, bác đánh bạo hỏi Eva xin một tờ giấy viết thư. Và giờ đây là lúc con người đáng thương đó tập trung hết cố gắng, đem hết cái vốn liếng học hỏi thu thập từ khi còn ở Kentucky ra thực hành, hướng đến cái mục đích chính đáng đã khiến bác do dự, đã nghiền ngẫm ngày đêm.
Trước tiên, bác viết nháp trên tấm bảng. Chao ôi! Bác vấp phải một trở ngại khá lớn. Lâu quá không có dịp gần gũi đèn sách, bác quên mất đi nhiều nguyên âm, quên cả các phụ âm. Tuy nhiên, bác đâu dễ nản lòng? Bác cặm cụi, cố gắng một cách cực nhọc, khó khăn, nom thật đáng thương.
Thình lình, bác giật mình ngẩng lên vì cô bé Eva, vị thiên thần bé nhỏ kính yêu của bác bước vào lúc nào bác không hay biết, đang đứng cạnh bác và nhìn xuyên qua vai bác, lên tiếng hỏi:
- Ủa, bác Tom, bác làm gì đó, bác viết cái gì?
- Tôi đang viết thư đó cô Eva, tôi viết thư cho vợ tôi và lũ con tôi. Tội nghiệp, cả nhà đang đợi tin tôi, đợi từng giờ, từng ngày...
- Cháu giúp bác được à: Cháu có học mà, cháu đã thuộc làu tất cả các chữ từ hồi năm ngoái... Chà, nhưng cháu cũng hơi ngán: cháu có thể quên vài chữ chớ chẳng không.
Tom lấy làm sung sướng vì sự sốt sắng của cô chủ nhỏ dễ thương. Thế là hai người, một già một trẻ, tụm lại bên nhau: mái tóc vàng óng ả nhỏ nhắn của Eva và mái tóc đen, to lớn của người nô lộ. Cả hai có trình độ xuýt xoắt nhau, không xê xích mấy, dù rằng cô bé thừa thiện chí sẵn sàng giúp đỡ người lão bộc mà cô thương mến nhiều nhất so với đám nô lệ trong nhà cô.
Hai bên cùng hợp lực, suy nghĩ, nắn nót, gò gẫm một lát, tuy không dễ dàng chút nào nhưng rồi công việc cũng hoàn thành, Eva sung sướng ngắm nghía kỳ công và cất tiếng khen:
- Bác Tom nhìn coi: đẹp ghê há? Cháu tin là vợ bác sẽ mừng ghê gớm và con bác cũng vậy. Tội nghiệp quá! Để rồi cháu sẽ xin ba cháu, sau một thời gian nữa, trả bác về với gia đình. Cháu muốn vậy.
- Cảm ơn cô Eva! Cảm ơn lòng tốt của cô lắm. Bà chủ của tôi hứa là sẽ chuộc lại tôi ngay khi bà có thể. Con trai bà, cậu Georges cũng nói cậu sẽ tìm đến tận nơi tôi ở, một ngày kia. Cô Eva xem này: cậu ấy cho tôi đồng vàng này, chính tay cậu đục lỗ, xâu dây và đeo vào cổ tôi, coi như bảo đảm...
Bác nói và rút đồng vàng ra khỏi ngực đưa cho Eva thấy. Eva cũng tỏ ra tin tưởng như bác nô lệ:
- Thế thì cậu ấy sẽ đến. Cháu tin chắc...
- Tôi phải viết thư cho họ, cô thấy không? Đặng mọi người biết tôi đang mạnh giỏi thế nào, ở đâu. Tội nghiệp vợ tôi, bà ấy vẫn lo lắng cho tôi từng chút.
- Ê! Tom! Làm gì vậy? Hai người làm gì vậy hả?
Ba của Eva hỏi trong khi chân ông đặt ở cửa phòng, đưa mắt nhìn vào. Tom và Eva cùng ngẩng đầu lên một lượt:
- Thưa ông chủ, chúng tôi, cô Eva và tôi đang thảo một lá thư, thưa có được không, thưa ông? Viết gửi về Kentucky đó, thưa ông...
- Tôi không muốn làm các bạn nản lòng đâu, việc này đáng khuyến khích nhưng...
Ông chủ Clare ngừìig lại một chút, giọng ôn tồn:
- Tốt hơn hết, tôi sẽ viết lại giùm cho rõ ràng, sau khi tôi đi công chuyện đằng này một lát.
- Ồ, thưa ba, vậy thì hay lắm. Lá thư này quan trọng lắm, ba ơi! Bởi vì ba biết không? Bà chủ cũ của bác ấy hứa sẽ kiếm tiền chuộc bác về...
- Ba biết, ba biết, ba hiểu lắm mà. Để chốc về ba sẽ viết cho.
Miệng nói thế, vì tốt bụng không muốn Tom mất tin tưởng ở chủ cũ, song ông nghĩ hơi khác: ông không nghi ngờ thiện chí của bà chủ xa lạ ở Kentucky, nhưng ông đoán rằng đó chỉ là lời hứa của một người tốt bụng, thốt ra cốt để an ủi, xoa dịu nỗi khổ tâm của tên nô lệ bị bán đi. Dù sao để Tom tin tưởng vẫn hơn là làm cho bác thất vọng.
Saint Clare sai Tom đi thắng ngựa cho mình.
Ngay chiều đó, khi vừa về đến nhà thì việc đầu tiên của ông là viết lại lá thư Tom cho đàng hoàng, và Tom rất yên lòng vì thư được phong lại, bỏ vào thùng trước mắt mình.