Dịch giả: Anh Tô
Chương hai

     iờ giảm giá [1]. Tôi từ bỏ việc tìm kiếm và tới quán Footh’s, một quán rượu rẻ tiền trong thị trấn, trước khi tạt qua số 1665 đường Grove, nhà của Betsy và Robert Nash, cha mẹ của Ashleigh, mười hai tuổi; Tiffanie, mười một; Ann đã chết, mãi-mãi-tuổi lên chín, và Bobby Con sáu tuổi.
Ba đứa con gái mãi cho đến khi cuối cùng có một đứa con trai. Trong khi nhấm nháp ly bia và đậu phộng, tôi hình dung nỗi tuyệt vọng mà nhà Nash phải trải qua cứ lớn dần khi một đứa trẻ lại ra đời mà không phải một cậu nhóc. Đứa con đầu lòng, Ashleigh, không phải con trai, nhưng ngọt ngào và khỏe mạnh. Họ luôn muốn có hai đứa con. Ashleigh có cái tên đồng bóng với cách phát âm điệu đàng và một tủ quần áo đầy ắp những chiếc đầm thụng màu hồng lóng lánh. Họ đã chắp tay cầu nguyện và thử lần nữa nhưng cũng chỉ có Tiffanie. Lúc bấy giờ họ đã bối rối, sự chào đón của gia đình đã kém hoan hỷ. Khi bà Nash mang thai một lần nữa, chồng bà đã mua sẵn một cặp găng bóng chày để định hướng cho cái thai trong bụng của bà biết con đường đúng. Thử nghĩ đến cảnh mất tinh thần một cách chính đáng khi Ann ra đời. Cô bé bị gán bừa một cái tên - thậm chí còn chẳng có chữ e cho đẹp hơn một chút [2].
Cám ơn trời vì Bobby. Sau ba năm kể từ khi điều thất vọng mang tên Ann - không biết cậu nhóc là sự tình cờ hay là cú cố gắng cuối cùng? - Bobby được đặt theo tên cha, là dấu chấm hết, và lũ con gái bất ngờ nhận ra chúng thừa thãi đến mức nào. Đặc biệt là Ann. Không ai cần đứa con gái thứ ba. Nhưng bây giờ con bé đã nhận được sự chú ý nào đó.
Tôi nốc ly rượu thứ hai chỉ với một hớp, duỗi vai, tự vỗ vào má mình, chúi đầu vào ly Buick xanh to tướng và muốn có thêm ly thứ ba nữa. Tôi không phải kiểu phóng viên đào bới thông tin bằng chuyện riêng tư của người khác. Đó là lý do tôi chỉ là một phóng viên hạng hai. Một trong số họ, ít ra là vậy.
Tôi vẫn còn nhớ con đường dẫn đến đường Grove. Nó nằm phía sau trường cũ của tôi khoảng hai dãy nhà, nơi dành cho lũ trẻ trong bán kính khoảng mười bảy dặm. Trường Millard Calhoon H.S được thành lập năm 1930, là sự trăn trối cuối cùng của Wind Gap trước khi rơi vào Đại Suy thoái. Nó được đặt theo tên thị trưởng đầu tiên của Wind Gap, một anh hùng thời Nội Chiến. Một anh hùng của phe Ly khai, nhưng chẳng sao cả, dù sao cũng là một Anh Hùng. Trong năm đầu tiên của Nội Chiến, ông Calhoon đã đẩy lùi một đoàn quân Yankee ra khỏi Lexington, và một tay bảo vệ thị trấn Missouri bé nhỏ (hay ít ra đó là nội dung được giới thiệu trên tấm bảng trước cổng trường). Ông băng qua những cánh đồng và xông vào những ngôi nhà có hàng rào bao quanh, lịch sự yêu cầu những người phụ nữ rời đi để quân Yankee không làm hại đến họ. Đến Lexington hôm nay và yêu cầu được tham quan Tòa nhà Calhoon, một hình mẫu kiến trúc đẹp một thời, và bạn vẫn có thể nhận ra được những vết đạn còn sót lại của quân miền Bắc găm vào tường. Những viên đạn của quân miền Nam Calhoon, ai đó đoán là, được mai táng cùng với những người nó đã giết.
Calhoon mất năm 1929 khi gần tới sinh nhật lần thứ 100 của mình. Ông đang ngồi ở ban công - bây giờ đã biến mất - trong quảng trường thị trấn, được lát gạch, đột nhiên ông dựa vào người vợ năm mươi hai tuổi của mình và nói: “Ồn ào quá”. Một cơn rối loạn động mạch vành và ông ngã khỏi ghế, làm bẩn bộ quần áo từ thời Nội Chiến của mình khi quẹt nó vào chiếc bánh kem được trang trí bằng sao và sọc [3] cho riêng ông.
Tôi có tình cảm đặc biệt với Calhoon. Đôi khi cũng quá ồn ào.
Căn nhà của gia đình Nash hơn hẳn những gì tôi mong đợi, theo kiểu thập niên 70 như mọi căn nhà ở phía nam thị trấn. Khi tôi đến, một cậu bé tóc vàng hoe bù xù đang ngồi trên chiếc Big Wheel rõ ràng là khá nhỏ so với cậu bé, ở lối đậu xe, càu nhàu với nỗ lực đạp cho bằng được bàn đạp trên chiếc xe nhựa. Nó chỉ xoay tròn tại chỗ dưới sức nặng của cậu.
“Muốn đẩy giùm không?” tôi hỏi khi bước ra khỏi xe. Bình thường tôi không khéo cư xử với con nít, nhưng cố gắng thì cũng không hại gì. Cậu ta im lặng nhìn tôi trong vài giây, đút ngón tay vào miệng. Chiếc áo ba lỗ ngắn cũn cỡn để lộ vòng bụng phình ra ngoài thay cho lời chào. Bobby Con có vẻ ngu ngốc và nhút nhát. Một cậu con trai cho gia đình Nash, nhưng là một đứa trẻ đáng thất vọng.
Tôi bước về phía cậu. Cậu nhảy khỏi chiếc Big Wheel, chân vẫn còn bị kẹp vào nó, kéo cả người bị kẹt lại, sau đó làm huyên náo cả lối đi.
“Ba ơi!” Nó vừa chạy vào nhà vừa gào lên như thể tôi vừa véo nó vậy.
Đúng lúc vừa bước đến cửa, một người đàn ông xuất hiện. Mắt tôi tập trung vào phía sau ông ta, một bồn phun nước nhỏ đang chạy ùng ục trong sảnh. Nó có ba dãy hoa văn trang trí hình sò, với bức tượng cậu bé trên đỉnh. Ngay ở phía bên kia cửa sập, nước cũng bốc mùi mốc.
“Tôi có thể giúp gì không?”
“Ông là Robert Nash?”
Đột nhiên ông nhìn tôi rất thận trọng. Có lẽ đây là câu đầu tiên cảnh sát đã hỏi khi báo rằng con gái ông đã chết.
“Tôi là Bob Nash”.
“Tôi rất xin lỗi vì đã làm phiền ông. Tôi là Camille Preaker. Tôi cũng là người Wind Gap”.
“Ừm”.
“Nhưng hiện nay tôi đang làm việc cho tờ Daily Post tại Chicago. Chúng tôi đang theo dõi câu chuyện này... Chúng tôi có mặt ở đây vì Natalie Keene, và vụ mưu sát con gái ông”.
Tôi chờ đợi tiếng quát tháo, sập cửa, nguyền rủa, một cú đấm. Bob Nash nhét cả hai tay sâu vào túi quần trước và đứng bằng gót chân.
“Chúng ta có thể nói chuyện trong phòng ngủ”.
Ông giữ cửa và tôi bắt đầu đi qua phòng khách lộn xộn, những chiếc sơ mi nhàu nhĩ và áo thun bé xíu lòi ra từ giỏ đồ giặt. Sau đó là phòng tắm với những cuộn giấy vệ sinh rỗng nằm dưới sàn; dọc hành lang là những tấm ảnh bạc màu đầy bụi bặm: những đứa bé gái tóc vàng mê mẩn một đứa bé trai; một Nash trẻ đang vòng tay siết chặt người vợ mới cưới, mỗi người cầm một bên chiếc dao cắt bánh. Khi tôi vào phòng ngủ - với những chiếc rèm, khăn trải giường đồng màu và tủ quần áo bé xíu - tôi hiểu vì sao Nash chọn nơi này cho cuộc phỏng vấn. Đây là nơi duy nhất trong căn nhà còn có vẻ gọn gàng, như khoảng trống duy nhất trong khu rừng um tùm.
Nash ngồi ở một góc giường, tôi ở phía đối diện. Không có chiếc ghế nào. Chúng tôi có thể là đối tác trong một bộ phim khiêu dâm nghiệp dư. Ngoại trừ việc ông pha cho mỗi người một ly Kool-Aid vị sơ ri. Nash là một người đàn ông gọn gàng: ria mép được tỉa gọn, mái tóc vàng được chải ép xuống bằng gel, áo thun polo màu xanh lá cây sáng bỏ vào quần. Tôi cho rằng ông cũng chính là người duy trì trật tự cho căn phòng này; sự gọn gàng rất khó có được ở những đàn ông độc thân.
Ông không cần lời mào đầu cho cuộc phỏng vấn, và tôi mừng vì điều đó. Nó giống như một buổi nói chuyện ngọt ngào với đối tượng hẹn hò của bạn, khi cả hai đều biết mình đã bị chinh phục.
“Ann đã đạp xe suốt mùa hè năm vừa rồi”, ông bắt đầu mà không cần tôi phải thúc giục. “Cả mùa hè chỉ quanh quẩn quanh nhà. Vợ tôi và tôi không cho con bé đi xa hơn. Nó mới chín tuổi. Chúng tôi là kiểu phụ huynh rất bảo vệ con cái. Nhưng rồi khi mùa hè kết thúc, ngay trước khi con bé nhập học, vợ tôi đã cho phép. Chắc Ann đã nài nỉ, và vợ tôi đồng ý. Ann được đạp xe đến nhà Emily, bạn của con bé. Nó không bao giờ tới được đó. Khi chúng tôi phát hiện ra thì đã tầm tám giờ”.
“Con bé rời nhà lúc mấy giờ?”
“Khoảng bảy giờ. Và đâu đó trên đường, giữa mười dãy nhà đó, chúng bắt được con bé. Vợ tôi không bao giờ tha thứ cho chính mình. Không bao giờ”.
“Bọn nó, hắn, gì cũng được. Thằng con hoang. Tên giết trẻ con bệnh hoạn. Khi tôi và gia đình đang ngủ, khi cô lái xe lòng vòng để săn tin, ngoài kia có một gã nào đó đang tìm những đứa trẻ để giết hại. Bởi vì cô và tôi đều biết rằng bé Keene bé bỏng không chỉ đơn giản là đi lạc”.
Ông nốc một hơi cạn sạch ly Kool-Aid, chùi mép. Câu trích dẫn rất hay, nếu được tô vẽ thêm một tý. Tôi thấy nó hợp lý và tỷ lệ thuận với các chủ đề trên truyền hình. Cách đây không lâu, tôi phỏng vấn một phụ nữ có cô con gái hai mươi hai tuổi bị bạn trai giết chết, và bà nói với tôi một câu từ bộ phim hình sự mà tôi vừa xem tối hôm trước: Tôi muốn nói rằng tôi thấy hắn thật đáng thương, nhưng giờ đây tôi e rằng mình không còn thương hại ai được nữa.
“Vậy, ông Nash, ông có nghĩ ai đó muốn hãm hại ông hay gia đình bằng việc giết Ann không?”
“Thưa cô, tôi bán ghế, những chiếc ghế công thái học để kiếm sống - qua điện thoại. Tôi làm việc ở một văn phòng tận Hayti, với hai đồng nghiệp khác. Tôi không gặp ai cả. Vợ tôi làm việc bán thời gian ở trường học. Không có vở tuồng nào ở đây cả. Chỉ là ai đó quyết định giết đứa con gái bé bỏng của chúng tôi”. Ông ta nói những lời cuối cùng một cách ngập ngừng, như cố đoan chắc ý tưởng đó.
Bob Nash đi tới cửa kính lùa trong phòng ngủ. Bên cạnh là một chiếc bàn nhỏ. Ông mở cửa nhưng vẫn đứng ở bên trong. “Có thể là một gã đồng tính nào đấy”, ông nói. Việc lựa chọn từ ngữ cho thấy ông đang thật sự né tránh những phần này.
“Sao ông lại nói thế?”
“Hắn không cưỡng hiếp con bé. Mọi người đều cho rằng điều này thực sự bất thường trong một vụ giết người như vậy. Tôi thì nói đó là điều may mắn duy nhất mà chúng tôi có. Tôi thà để hắn giết con bé hơn là cưỡng hiếp nó”.
“Không hề có dấu hiệu quấy rối nào à?” tôi hỏi trong tiếng thì thầm và hy vọng nó lịch sự nhất có thể.
“Không. Và không có vết bầm, không có vết cắt, không có dấu hiệu bất kỳ nào của việc... tra tấn. Chỉ xiết cổ con bé. Nhổ hết răng của nó. Tôi thực sự không có ý nói thế, rằng con bé thà bị giết còn hơn bị cưỡng hiếp. Đó là những điều ngu ngốc. Nhưng chắc cô sẽ hiểu ý tôi”.
Tôi không nói gì mà chỉ để chiếc máy thu âm quay rè rè, bắt kịp hơi thở của mình. Đá trong ly của Nash kêu leng keng, tiếng bóng rổ nện thình thịch bên nhà hàng xóm trong ánh nắng le lói cuối cùng của ngày.
“Ba ơi?” một con bé tóc vàng xinh xắn, tóc cột đuôi ngựa dài đến eo, đang hé nhìn qua khe cửa phòng ngủ.
“Không phải lúc này, cưng ơi”.
“Con đói”.
“Con có thể ăn vài thứ”, Nash nói. “Có bánh quế trong tủ lạnh. Cho Bobby ăn cùng nhé”.
Con bé nấn ná vài giây nhìn tấm thảm trước mặt, rồi lặng lẽ đóng cửa. Tôi tự hỏi mẹ chúng đâu.
“Ông có ở nhà vào đêm Ann đi không?”
Ông quay phắt lại phía tôi, nghiến răng: “Không. Tôi đang trên đường về nhà từ Hayti. Mất khoảng một tiếng lái xe. Tôi không giết con gái mình”.
“Tôi không có ý thế”, tôi nói dối. “Tôi chỉ tự hỏi đêm đó ông có gặp con bé không thôi”.
“Tôi gặp nó vào buổi sáng”, ông nói. “Không thể nhớ được chúng tôi có nói chuyện với nhau không. Chắc là không. Một buổi sáng với bốn đứa trẻ thì hơi quá sức, cô hiểu chứ?”
Nash lắc viên đá trong ly, bây giờ chúng đang tan thành một khối rắn. Ông lùa tay vào râu dưới cằm. “Không ai giúp được gì thêm”, ông nói “Vickery bị quá tải. Có một thám tử đáng gờm ở Kansas City đến đây. Hắn vẫn còn là một thằng nhóc, và tự mãn nữa. Làm vài việc rồi rời đi. Cô muốn có một tấm hình của Ann không?” Ông phát âm tấm hình [4] như bình chứa. Tôi cũng nghĩ vậy nếu không nhìn thấy nó. Ông lấy từ ví một tấm ảnh học sinh của một cô bé gái với nụ cười toe toét, mái tóc màu nâu nhạt lộn xộn dài đến cằm.
“Vợ tôi đã muốn cuốn tóc cho con bé vào đêm trước khi chụp ảnh cho trường. Thay vào đó Ann gỡ nó ra. Con bé rất ngoan cố. Một đứa tomboy. Tôi rất ngạc nhiên là nó lại bị chúng bắt. Ashleigh luôn luôn là đứa xinh đẹp nhất, cô biết đấy. Là kiểu mà người ta thường để ý...”
Khi tôi rời đi, Nash cho tôi địa chỉ nhà người bạn Ann định đến trong đêm con bé bị bắt. Tôi lái chầm chậm quanh một khu vực với những dãy nhà được xây dựng hoàn hảo. Khu phía tây này là khu vực mới của thị trấn. Màu cỏ xanh sáng hơn, những thảm cỏ chỉ mới trải ba mươi mùa hè trước. Nó không giống như đám cỏ khô cằn, cứng ngắc mọc trước nhà mẹ tôi. Đám cỏ này tạo ra tiếng huýt sáo hay hơn. Bạn có thể tách phần ở giữa, thổi nó và tạo ra âm thanh réo rắt cho đến khi môi bạn bắt đầu đau râm ran.
Hẳn là Ann chỉ mất khoảng năm phút đạp xe đến nhà bạn. Thêm mười phút trong trường hợp cô bé quyết định chọn con đường dài hơn, cơ hội đầu tiên để duỗi chân cho một chuyến đạp xe thật sự trong suốt mùa hè đó. Chín tuổi là quá lớn để bị bắt đạp xe loanh quanh trong khu phố. Chuyện gì đã xảy ra với chiếc xe đạp nhỉ?
Tôi lặng lẽ lái xe qua nhà Emily Stone. Khi bầu trời chuyển sang màu xanh đậm, tôi nhác thấy bóng đứa bé vụt qua cửa sổ. Tôi cá là cha mẹ của Emily sẽ nói với bạn bè những điều đại loại như: “Bây giờ chúng tôi ôm con bé chặt hơn vào mỗi buổi tối”. Tôi cho rằng Emily sẽ tự hỏi Ann bị giết ở đâu.
Tôi đã từng như thế. Nhổ mất khoảng hai mươi chiếc răng, chưa kể thi thể đó bé bỏng ra sao, chưa nói là đã chết, đó thật sự là một nhiệm vụ khó khăn. Nó hẳn phải được tiến hành ở một nơi đặc biệt, nơi nào đó an toàn và người ta không thể tản bộ bất kể lúc nào.
Tôi nhìn bức ảnh của Ann, mái tóc xoăn như đang bảo vệ cô bé. Mái tóc ngắn đầy thách thức và nụ cười làm tôi nhớ đến Natalie. Tôi cũng thích cô bé này. Tôi gấp tấm ảnh lại và bỏ vào ngăn chứa đồ. Sau đó tôi lật cổ tay áo sơ mi và viết đầy đủ tên của con bé - Ann Marie Nash - bằng bút bi xanh vào mặt trong cánh tay.
Tôi không cần lui vào phần sân nhà người khác để quay xe lại. Tôi thấy người dân ở đây đã có đủ nỗi lo lắng bồn chồn hơn là để ý những chiếc xe lạ. Thay vào đó, tôi quẹo trái ở cuối dãy nhà và chọn con đường dài để lái về nhà mẹ. Tôi đấu tranh không biết nên gọi cho bà trước và quyết định ngược lại ngay khi cách nhà có ba dãy. Bây giờ quá trễ để gọi rồi, quá trễ cho phép lịch sự. Một khi bạn đã vượt qua ranh giới, bạn không thể gọi điện thoại xin phép được vào nhà nữa.
Ngôi nhà to lớn của mẹ tôi nằm ở phần cuối cùng ở phía nam Wind Gap, một khu nhà giàu, nếu bạn tính ba dãy nhà là một khu. Bà sống ở đó - ngày xưa tôi cũng đã từng - trong một căn nhà kiểu cách thời Victoria với đầy đủ lối đi dành cho các quả phụ, hiên nhà bao quanh, cổng vòm mùa hè nhô ra từ phía sau và đỉnh vòm hình mũi tên. Có rất nhiều góc khuất và xó xỉnh, và các con đường quanh co rất đáng tò mò. Những người thời Victoria, đặc biệt ở miền Nam, cần rất nhiều phòng để tách biệt với người khác, để chìm trong bệnh lao và cúm, tránh sự cám dỗ tham tàn, ngăn họ khỏi những xúc cảm khó khăn. Những khoảng không gian dự phòng bao giờ cũng tốt.
Căn nhà nằm trên đỉnh đồi rất dốc. Khi để số một, bạn có thể lái men theo con đường cũ khá gập ghềnh lên tận đỉnh đồi, có một khu vực để xe tránh bị ướt. Hay có thể dừng xe ở dưới chân đồi, sau đó, leo sáu mươi ba bậc thang để tới đỉnh, ép sát vào tay vịn mỏng màu xì gà ở bên trái. Khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn đi bộ lên cầu thang và chạy xuống bằng đường dành cho xe. Tôi vờ rằng tay vịn nằm ở bên trái đường đi lên vì tôi thuận tay trái, hoặc ai đó đã nghĩ rằng tôi thích điều này. Thật kỳ quặc khi tôi đã từng mê mẩn những giả định như vậy.
Tôi đậu xe dưới chân đồi, như vậy có vẻ ít xâm phạm nhất. Khi lên đến nơi thì chiếc áo len đã sũng mồ hôi, tôi gạt tóc, xoa tay sau cổ, đập đập áo sơ mi vài lần. Chiếc áo khoác kiểu Pháp màu xanh của tôi dính vài vết ố bẩn. Tôi thử ngửi, như mẹ tôi thường nói, chín mọng.
Tôi rung chuông cửa, khi còn rất nhỏ thì nó như tiếng mèo quào, giờ thì nhẹ nhàng và gọn lỏn, Bing! bạn thường nghe trong những cuộn băng ghi âm của trẻ con khi trở mặt băng. Bây giờ là 9:15, khá trễ nên có thể họ đã đi ngủ rồi.
“Ai vậy ạ?” Tiếng mẹ tôi lạo xạo phía sau cửa.
“Camille”. Bà mở cửa và đứng ngay lối đi, có vẻ không ngạc nhiên, và cũng không có ý muốn ôm tôi, ngay cả cái ôm chiếu lệ như tôi đã mong đợi: “Việc gì vậy con?”
“Không, mẹ ạ, không có gì. Con chỉ tình cờ ghé thị trấn vì chút việc thôi”.
“Công việc. Công việc gì? Ồ, lạy Chúa, mẹ xin lỗi, cưng à, vào đi, vào đi con. Nhà thường không chuẩn bị đón khách khứa như vầy, mẹ e là thế”.
Căn nhà rất hoàn hảo, hàng hoa uất kim hương mới cắt trong những chiếc bình đặt ở sảnh. Không khí đầy mùi phấn hoa, mắt tôi nhòe nước. Đương nhiên mẹ không hỏi kiểu công việc gì mà có thể khiến tôi về tận đây. Mẹ hiếm khi hỏi những câu uy quyền như vậy. Có thể bà không muốn thể hiện sự quan tâm thái quá đến chuyện riêng tư của người khác, hay đơn giản là, bà chẳng quan tâm nhiều. Tôi sẽ để bạn tự đoán tôi nghiêng về lựa chọn nào.
“Mẹ mang gì đó cho con uống nhé Camille? Alan và mẹ đang uống amaretto sours [5]”. Bà chỉ cái ly đang cầm trên tay “Mẹ chỉ cho một ít Sprite, tăng vị ngọt. Nhưng mẹ cũng có nước ép xoài, rượu, trà ngọt, hay nước đá. Hay soda. Con trọ ở đâu?”
“Mẹ hỏi buồn cười vậy. Con mong mình có thể ở lại đây. Chỉ vài ngày thôi”.
Một giây ngập ngừng rất nhanh, ngón tay dài của bà, màu hồng trong suốt, chạm vào thành ly: “Ừ, mẹ nghĩ chắc sẽ ổn thôi. Ước gì con gọi trước. Để mẹ biết đó mà. Mẹ có thể nấu buổi tối cho con hay chuẩn bị gì đó. Đến chào Alan đi. Bọn mẹ đang ở sau nhà”.
Bà bắt đầu bước xa tôi, xuống hàng lang - phòng khách, phòng giải trí, phòng đọc sách màu trắng toát tỏa sáng khắp phía - và tôi quan sát bà. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau sau gần một năm. Tóc tôi đã đổi màu - từ đỏ thành nâu - nhưng có vẻ bà chẳng để ý. Bà gần như vẫn vậy, không thay đổi, không già hơn tôi bây giờ bao nhiêu, mặc dù đã sắp bước qua tuổi năm mươi. Nước da rạng rỡ, với mái tóc dài vàng óng và cặp mắt xanh lơ. Bà giống như con búp bê đẹp nhất của mấy đứa con gái, loại mà bạn sẽ không bao giờ đem ra chơi. Bà mặc một chiếc đầm vải cotton dài màu hồng và dép đi trong nhà màu trắng. Bà lắc mạnh ly amaretto sours mà không rơi vãi giọt nào.
“Alan, Camille về đấy”. Bà biến mất trong phòng bếp sau (cái nhỏ hơn trong hai cái) và tôi nghe tiếng bà vặn khay đá.
“Ai?”
Tôi nhìn trộm xung quanh, cố nở một nụ cười. “Camille. Con xin lỗi vì đã ghé qua thế này”.
Chắc bạn nghĩ một người xinh xắn như mẹ phải được sinh ra để dành cho một cựu ngôi sao bóng bầu dục to lớn. Bà hẳn sẽ rất thích hợp với một gã khổng lồ vạm vỡ, có hàng ria mép. Alan thì, nếu có chút gì đó, thì ốm hơn mẹ tôi, xương gò má gồ lên đẩy khuôn mặt lên cao, làm cặp mắt của ông thành hình quả hạnh. Tôi đã muốn đi kiểm tra tĩnh mạch khi thấy ông. Ông luôn ăn diện hơi quá, ngay cả trong một buổi tối nhâm nhi với mẹ tôi. Ông đang ngồi, đôi chân mảnh khảnh trong chiếc quần sóc trắng, áo len xanh nhạt nhỏ xíu phủ ngoài chiếc áo thun nhăn nheo. Ông không hề đổ mồ hôi. Lúc nào Alan cũng đối lập với sự ẩm ướt.
“Camille. Vinh dự quá. Thật sự rất vinh dự”. Ông lầm bầm đều đều với tông giọng lè nhè. “Cả một quãng đường xuống tận Wind Gap. Ta nghĩ con đã phải ngưng việc gì đó ở Nam Illinois”.
“Công việc thôi, thật ra là vậy”.
“Công việc”. Ông mỉm cười. Đó là câu trả lời gần đúng nhất mà tôi nghĩ ra được. Mẹ tôi xuất hiện, bây giờ tóc bà được buộc lại bằng một chiếc nơ màu xanh, Wendy Darling đã trưởng thành. Bà ấn chiếc ly amaretto sour lạnh ngắt vào tay tôi, vỗ vai tôi hai lần, và tránh xa tôi để đến ngồi cạnh Alan.
“Mấy đứa con gái, Ann Nash và Natalie Keene”, tôi nói. “Con kiếm thông tin cho bài báo của mình”.
“Ôi, Camille”. Mẹ suỵt tôi, quay đi. Khi tức giận, bà có một thói quen kỳ lạ: nhổ lông mi. Đôi khi chúng rụng xuống. Trong những năm tháng đặc biệt khó khăn lúc tôi còn là một đứa bé, bà không hề có lông mi, và mắt lúc nào cũng có màu hồng đậm, mong manh dễ vỡ như mắt lũ thỏ ở phòng thí nghiệm. Vào mùa đông, chúng thường chảy nước mắt mỗi khi mẹ ra ngoài. Việc này thì không thường xuyên lắm.
“Đó là công việc của con thôi mà”.
“Lạy Chúa, kiểu công việc gì mà”, bà nói, ngón tay vờn quanh mi mắt. Bà cào lớp da bên dưới và để hai tay lên đùi. “Chẳng lẽ các bậc cha mẹ ấy chưa đủ khó khăn sao mà con lại đến tận đây moi lại chuyện cũ và đưa tin cho cả thế giới là ‘Wind Gap giết hại trẻ con!’ - con muốn mọi người nghĩ thế à?”
“Một bé gái bị giết, một đứa khác mất tích. Việc của con là cho mọi người biết, đúng thế”.
“Mẹ biết mấy đứa đó, Camille. Mẹ cũng đang rất khổ sở như con thấy đấy. Mấy đứa con gái bé bỏng bị giết. Ai đã làm điều đó?”
Tôi nhấp một ngụm. Vài hạt đường nhỏ dính ở đầu lưỡi. Tôi vẫn chưa sẵn sàng nói chuyện với mẹ. Da tôi ngứa râm ran.
“Con sẽ không ở lại lâu. Thật đấy”.
Alan gấp cổ tay áo len, tay vuốt dọc theo các nếp gấp trên quần sóc. Sự hiện diện của ông trong cuộc trò chuyện của chúng tôi thường thể hiện bằng hành động: nhét cổ áo vào trong, bắt chéo chân.
“Mẹ chỉ là không thể nghe thêm những chuyện đó nữa”, mẹ tôi nói. “Về những đứa trẻ bị giết. Đừng nói với mẹ con đang làm gì, đừng nói những gì con biết. Mẹ sẽ vờ là con về nghỉ hè”. Ngón tay của bà lần theo vòng dây gai đan trên ghế Alan.
“Amma thế nào?” tôi hỏi để thay đổi đề tài.
“Amma?” Mẹ tôi có vẻ cảnh giác, như thể bà chợt nhớ ra đã bỏ rơi con mình ở đâu đó. “Con bé khỏe, đang ngủ trên nhà. Sao con hỏi vậy?”
Tôi nghe tiếng chân chạy lên xuống tầng hai - từ phòng giải trí sang phòng giặt ủi đến cửa sổ hành lang, nơi thuận lợi nhất để do thám nhà sau - chắc chắn là Amma chưa ngủ, nhưng tôi không muốn bà bực bội và xa lánh tôi.
“Phép lịch sự thôi mẹ ạ. Ở miền Nam người ta như thế”. Tôi cười để thể hiện mình đang trêu bà, nhưng bà lại vùi mặt vào cái ly của mình, rồi ngẩng lên với vẻ mặt hồng hào và kiên quyết.
“Cứ ở lại tới khi nào con muốn, thật đấy”, bà nói. “Nhưng phải tử tế với em gái con. Mấy đứa con gái đó là bạn cùng trường với nó”.
“Con mong được gặp nó”, tôi lầm bầm. “Con cũng rất tiếc về mất mát của con bé”. Tôi lỡ thốt ra những lời cuối cùng nhưng mẹ không nhận ra sự cay đắng trong đó.
“Mẹ sẽ để con ở phòng ngủ kế phòng khách. Phòng ngủ cũ của con. Nó có bồn tắm. Mẹ sẽ mua hoa quả tươi và vài tuýp kem đánh răng. Và bít tết nữa. Con ăn bít tết chứ?”
Bốn tiếng ngủ vật vờ, giống như nằm trong bồn tắm với lỗ tai chìm xuống nước. Giật bắn người mỗi hai mươi phút, tim đập nhanh đến mức tôi phải tự hỏi phải chăng chính nhịp đập của nó đánh thức mình. Tôi mơ thấy mình soạn đồ cho chuyến đi, sau đó nhận ra mình lấy nhầm quần áo, áo len cho kỳ nghỉ hè. Tôi mơ mình đã nộp nhầm bài cho Curry trước khi đi: thay vì đưa tin về Tammy Davis khốn khổ và bốn đứa trẻ bị nhốt, chúng tôi lại chạy bài ca ngợi về chăm sóc da.
Tôi mơ thấy mẹ cắt táo thành những lát dày và đút cho tôi, chậm rãi và dịu dàng, vì tôi đang hấp hối.
Cuối cùng, tới năm giờ sáng, tôi tung chăn. Tôi rửa sạch tên của Ann trên cánh tay, nhưng bằng cách nào đó, lúc đang mặc quần áo, chải tóc, và tô lại son, tôi lại viết tên Natalie Keene. Tôi quyết định để cầu may. Bên ngoài, mặt trời vừa lên nhưng tay nắm cửa xe đã khá nóng. Mặt tôi tê cóng vì thiếu ngủ và tôi phải kéo dãn mắt và miệng của mình như nữ hoàng la hét trong phim hạng B. Nhóm tìm kiếm tập hợp lúc 6 giờ sáng để tiếp tục công việc trong rừng; tôi muốn bắt lấy bất cứ câu trích dẫn nào của Vickery trước khi ngày mới bắt đầu. Khoanh vùng ngay đồn cảnh sát có vẻ là sự đặt cược khôn ngoan.
Đường Chính thoạt nhìn vô cùng vắng vẻ, nhưng khi bước ra khỏi xe thì tôi thấy có hai người cách đó vài dãy nhà. Đó là cảnh tượng rất bất thường. Một người phụ nữ luống tuổi ngồi giữa đường, hai chân xòe ra, nhìn chằm chằm về phía tòa nhà, trong khi người đàn ông cúi xuống bên bà. Người phụ nữ run rẩy lắc đầu, như một đứa trẻ không muốn ăn. Chân bà dang rộng ở góc độ có thể làm bà bị đau. Một cú ngã rất nặng à? Nhồi máu cơ tim, có thể. Tôi bước như chạy về phía họ và nghe được tiếng lầm rầm ngắt quãng.
Người đàn ông, tóc bạc trắng và gương mặt u ám, nhìn tôi với cặp mắt đục ngầu.
“Gọi cảnh sát”, ông nói. Giọng ông run run vỡ vụn, “Và cả xe cấp cứu”.
“Có chuyện gì thế?” Tôi mở lời và rồi nhìn thấy nó.
Rúc trong khoảng trống chỉ vừa một bàn chân giữa cửa hàng ngũ kim và tiệm thẩm mỹ là một thân hình nhỏ xíu, nhìn ra đường. Như thể con bé đang ngồi đó và chờ chúng tôi, đôi mắt nâu mở to. Tôi nhận ra mái tóc hoang dại đó. Nhưng nụ cười toe toét đã biến mất. Môi Natalie rúm ró quanh lợi thành một vòng tròn nhỏ. Trông con bé như một con búp bê bằng nhựa, có lỗ nhỏ ở miệng để đút bình sữa vào. Bây giờ Natalie không còn chiếc răng nào.
Cảnh máu me đập ngay vào mắt tôi, và lập tức mồ hôi túa ra trong chiếc áo len. Tay chân tôi run rẩy, và trong giây lát tôi nghĩ mình sẽ ngã quỵ ngay cạnh người phụ nữ, lúc này đang lặng lẽ cầu nguyện. Tôi bừng dậy, dựa vào chiếc xe đang đậu và đặt ngón tay lên cổ, cố làm mạch đập chậm lại. Mắt tôi chụp được những hình ảnh vô nghĩa: đầu cao su bụi bặm trên cây gậy của ông lão. Nốt ruồi màu hồng sau cổ người phụ nữ. Miếng băng cá nhân trên đầu gối Natalie Keene. Tôi có thể cảm nhận tên cô bé nóng bừng dưới tay áo.
Sau đó có thêm nhiều giọng nói, và Cảnh sát trưởng Vickery chạy về phía chúng tôi với một người đàn ông.
“Mẹ kiếp”, Vickery càu nhàu khi nhìn thấy con bé. “Mẹ kiếp, lạy Chúa”, ông áp mặt vào bức tường phía tiệm thẩm mỹ, thở dốc. Người đàn ông thứ hai, trạc tuổi tôi, dừng lại cạnh Natalie. Một dấu thòng lọng quấn quanh cổ cô bé, và anh ta đặt một ngón tay lên cổ để kiểm tra nhịp đập. Chỉ là một cách lấy lại bình tĩnh - rõ ràng đứa bé đã chết. Gã thám tử ra vẻ từ Kansas City, một thằng nhóc tự mãn.
Mặc dù vậy anh ta cũng có vẻ là người tốt, vỗ về người phụ nữ cho đến khi bà ngừng cầu nguyện và bình tĩnh kể lại câu chuyện phát hiện ra điều này. Hai người là vợ chồng, chủ nhà hàng mà hôm trước tôi không thể nhớ nổi tên. Broussard. Họ đang đến nhà hàng để mở cửa bán đồ ăn sáng thì nhìn thấy con bé. Họ đã ở đó chừng năm phút trước khi tôi đến.
Một nhân viên mặc cảnh phục tiến tới, đưa tay lên vuốt mặt khi nhận ra vì sao mình được gọi đến.
“Folks, chúng tôi cần anh chạy ngay về đồn cảnh sát và dẫn thêm vài sĩ quan để chúng ta tiến hành điều tra”, Kansas City nói. “Bill”. Giọng anh ta có vẻ cứng rắn như các bậc cha mẹ. Vickery đang quỳ cạnh thi thể, bất động. Môi ông mấp máy như đang cầu nguyện. Tên ông bị lặp lại hai lần trước khi ông nạt lại.
“Tôi nghe rồi, Richard. Hãy xử sự như con người trong vài phút coi”. Bill Vickery vòng tay quanh bà Broussard và thì thầm với bà cho đến khi bà vỗ nhẹ tay ông.
Tôi ngồi hai tiếng trong căn phòng màu lòng đỏ trứng cho đến khi viên sĩ quan hỏi chuyện tôi. Toàn bộ thời gian đó tôi nghĩ đến việc xác Natalie sẽ được mổ khám nghiệm, và tôi ước sao mình có thể lẻn vào và thay miếng băng cá nhân sạch sẽ lên đầu gối cô bé. 
Chú thích:
[1] Happy Hour: giờ khuyến mãi, giảm giá của các quán rượu, cà phê hay nhà hàng, thường giảm giá thức ăn, nước uống hay dịch vụ nào đó.
[2] Ngụ ý của tác giả: Anne là tên thường gặp của bé gái.
[3] Sao và sọc: hình ảnh tượng trưng cho cờ Hoa Kỳ.
[4] Picture và pitcher.
[5] Amaretto sours: cốc tai rượu chua hương quả hạnh.