Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
Chương 9
KHO TÀNG CHÔN GIẤU

     gày 1 tháng 4 năm 11945, nhằm ngày chủ nhật lễ Phục sinh, ở Bleicherode, Von Braun hay tin các chiến xa Mỹ đã đến Muhlhausen, cách 20 cây số về phía Nam. Đây chỉ là một tin đồn giả tạo, nhưng viên kỹ sư thì không biết như vậy. Tuy nhiên, ông cũng hiểu được ngày tàn của cuộc chiến đã thấy rõ. Chính Hitler, cũng ý thức được điều này. Hiện giờ, vị lãnh tụ Đảng Quốc xã chỉ còn là một kẻ tầm thường, một con bệnh run cơn, vì lâm độc do nhiều chất thuốc của bác sĩ Morell, vị y sĩ riêng của ông. Ông đã phí mất thời giờ để trút sự phẫn nộ lên các vị tướng lãnh, sau cuộc mưu sát hụt. Cho rằng dân tộc Đức đã không biết vươn mình trước thách đố của lịch sử và hậu quả là phải bị diệt vong, nên ngày 19 tháng 3, ông đã ra lệnh cho lực lượng S.S. và Quân đội phá hủy tất cả cái gì gọi là có giá trị dưới mắt kẻ thù, gồm cả các phòng thí nghiệm nghiên cứu và hồ sơ kỹ thuật.
Albert Speer, Tổng trưởng Bộ Vũ trang và phát triển chiến tranh, đã cố gắng giãi bày, nhưng Hitler lại xung thiên kêu thét: “Nếu thua trận, thì còn gì là quốc gia. Tốt hơn hết là hủy diệt tất cả, cả chúng ta nữa, vì nước ta trở nên yếu kém và tương lai sẽ tùy thuộc vào kẻ mạnh, vào các nước phương Tây. Vả chăng, những ai còn sống sót sẽ chỉ là những kẻ hèn kém, vì các người dũng liệt đã bị giết cả rồi!”
Hay tin chỉ thị “”tiêu thổ” này, Von Braun có cảm giác rằng Speer sẽ không mong gì ngăn cản được bọn S.S. thi hành lệnh – ông biết không ai có thể cản được họ san bằng các thiết trí ở Nordhausen và Bleicherode, nhưng ông có rằng các cơ sở này không quan trọng bằng các bộ óc của nhóm Peenemunde bằng các tấn tài liệu với các tinh hoa của nó, một công trình của các chuyên gia: có ít lắm cũng 65.000 kiểu hình vẽ để chế tạo hỏa tiễn A4 đầu tiên. Vấn đề không phải là việc Đức Quốc xã hay lực lượng S.S. hay Fuhrer chưa bị hủy diệt, vì cả ba đã thuộc về quá khứ, mà vấn đề chính là hỏa tiễn và tài liệu kỹ thuật, chính chúng phải thuộc về tương lai. Do đó, Von Braun quyết định không tuân lệnh Hitler để bảo toàn các dự án của V2, đã tạo nên kho tài liệu khoa học duy nhất trên thế giới. Dornberger cũng đồng ý kiến như vậy và cả hai người không giấu giếm để liều lĩnh tỏ ra các nỗi ưu tư trầm trọng bên cạnh đám S.S.
Tiếng đồn cho biết có sự xuất hiện của thiết giáp Mỹ ở Muhlhausen, là động cơ thúc đẩy Von Braun phải hành động gấp. Ông cho mời Dieter Huzel và Bernhard Tessman đến. D. Huzel là kỹ sư điện, bị động viên như một tên lính thường hồi năm 1942, ông ta được sử dụng như là tài xế xe vận tải ở mặt trận Nga. Về sau, ông được thuyên chuyển đến Peenemunde và dù chưa bao giờ giữ một vai trò nổi bật nào, ông ta được làm tùy viên cho Von Braun. Còn Tessman, một cộng sự viên có kinh nghiệm, có trách nhiệm về các giàn phóng ở Peenemunde.
Von Braun giao cho 2 người này một nhiệm vụ hết sức đặc biệt lẫn khó khăn: gom tất cả các tài liệu kỹ thuật căn bản của V2 ở Nordhausen, Bleicherode và các vùng phụ cận, chở tất cả trong các xe vận tải và cất giấu chúng vào một nơi nào đó. Von Braun chỉ xác định với Huzel: “Điều tốt hơn hết tất nhiên là chỉ tìm giấu nơi nào đó, như là cái mỏ ẩn khuất hay một cái hang. Ngoài điều này, tôi không còn ý kiến gì rõ rệt. Chúng ta không nên làm mất thì giờ nữa.”
Cũng ngay hôm chủ nhật lễ Phục Sinh ấy, Hans Kammler cũng hay tin vào lúc xế chiều quân Mỹ đã đến gần Nordhausen và Bleicherode. Tướng Kammler không những là ủy viên đặc biệt của chương trình hỏa tiễn V, mà ông ta còn là đặc ủy của dự án, có mục đích “phá vỡ sự khống chế không gian” và cũng là tổng ủy viên của chương trình máy bay phản lực. Vì không còn vấn đề phóng phi đạn V, nên Kammler đã dồn mọi nỗ lực vào những cố gắng khác, nhưng bất kể các cố gắng đầy nhiệt tình của ông ta, không phận Đức vẫn bị oanh tạc cơ Đồng Minh khuấy động dữ dội.
Tướng Dornberger có ghi: “Đêm như ngày, Kammler bươn chải khắp nơi, từ một giờ sáng, đã có các phiên họp ở nào nào đó trong dãy núi cổ Harz, hoặc là, chúng tôi gặp ông ta vào lúc nửa đêm trên xa lộ và sau một câu chuyện chớp nhoáng, ai về đường nấy để lo công việc. Chúng tôi đang là con mồi của một căng thẳng thần kinh khủng khiếp. Phần vì bực tức, phần lại làm việc quá mức, chúng tôi không còn lo ngại để giữ lời gì nữa”. Khi Kammler muốn đi đâu, ông ta bắn một tràng tiểu liên để đánh thức các sĩ quan cận vệ của ông đang thiu thỉu ngủ. Ông ta bảo: “Tụi nó không cần ngủ! Tôi cũng vậy, tôi không thể ngủ được!”
Xảy ra một câu chuyện bất ngờ giữa Kammler và tên hầu cận của ông ta, Thiếu ta S.S. Stack, khiến Dornberger hiểu được rằng, tâm trạng của viên đặc ủy đã thay đổi: ông ta không chỉ là con người dễ bị kích động, mà còn là con người đang tuyệt vọng nữa. Theo Dornberger, Kammler đã ra lệnh cho Stack luôn ở cách phía sau ông ta khoảng 10 thước, khẩu tiểu lên cầm tay: nếu tình thế đến không còn lối thoát, viên Thiếu ta cận vệ được lệnh hạ ông bằng một loạt đằng sau ót.
Đây không phải vô cớ mà Kammler sợ cuộc tiến quân của Mỹ vì đích thân ông ta đã sử dụng nhân công hai trại tập trung cho chương trình hỏa tiễn V. Ông có hai trại nằm trong vùng Nordhausen, một ngay ở tại Nordhausen, còn trại thứ hai ở Dora, cách vài cây số về phía Nam. Lúc cơ xưởng ngầm hoạt động đều đặn, thì có khoảng 22.000 tù nhân được sử dụng tại trung tâm sản xuất (Mittelwerke). Vào thời kỳ đó, bọn người này tương đối còn được đối xử tử tế, nhưng các điều kiện sống đã tệ hại dần từ hai tháng nay: đáng chú ý là ở Nordhausen, có hàng ngàn tù chính trị và những thành phần bị khai trừ khác đã không còn dịp để làm công việc sản xuất nữa. Vậy khi người Mỹ đến giải thoát các trại tập trung ở Dora và Nordhausen, tất nhiên họ sẽ xử tội người có trách nhiệm về các sự dã man mà họ khám phá ra được. Và người đó chính là Kammler vậy, ông ta biết rõ thân phận mình. Tuyệt vọng vì lý do vừa nói, nên ông ta cho lệnh bọn S.S. rút ra khỏi hai căn trại đó, hạ thủ và chon tất cả các tù nhân không thể chuyển đi nơi khác được.
Tuy vậy, Kammler không phải không còn chút hy vọng nào! Ông ta luôn vẫn là người ăn nói rất tài tình và khôn ngoan, chính nhờ cái tài thiên phú đó mà ông có thể chiếm được ngôi vị của một ủy viên đặc biệt, mặc dù ông ta thiếu hẳn hiểu biết về kỹ thuật. Ông không có ý để cho người Mỹ bắt và giữ, vì ông ta tính sẽ rời khỏi Nordhausen khi kẻ thù vào được đến đây. Nhưng thật ra, ông đã nghĩ đến một quỷ kế và quyết đem thi hành vào ngày 1 tháng 4 năm 1945.
Năm trăm chuyên viên xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn trong số khoảng 5.000 kỹ thuật gia hỏa tiễn đang trú ngụ với gia đình họ tại vùng Nordhausen. 500 người này sẽ được gởi đến một nơi cách xa chừng 600 cây số, trong vùng núi “Aples bavaroises”. Theo bảo vệ, có một đoàn hộ tống hùng hậu của lực lượng an ninh S.D. (tức một bộ phận của S.S). Kammler sẽ sử dụng họ như là các con tin: ông ta sẽ thương lượng với người Mỹ  hoặc với bất cứ một đại cường nào, để chuộc mạng ông ta bằng sự trao đổi lấy toán chuyên viên đầu tiên của Đức về nghành hỏa tiễn. Nếu các toan tính này không đạt được, các chuyên gia sẽ bị hy sinh, để các bộ óc khoa học không bị lọt vào tay đối phương, cho kẻ thù của Đức Quốc xã sử dụng.
Kammler báo cho Von Braun biết là ông ta sẽ lên đường với 500 cộng sự viên chính yếu của ông bằng chiếc tàu hỏa đặc biệt của ông ta, để ẩn náu trong vùng “resduit alpin”, một phòng tuyến cuối cùng của quân Đức. Ông ta định rằng Fuhrer và tất cả các sư đoàn S.S. cũng đang trực chỉ về nơi đó, để chỉnh đốn lại cho một lần phản công sau chót và cũng sẽ là cuộc tấn công của chiến thắng. Các cuộc nghiên cứu về hỏa tiễn sẽ được tiếp tục trong trại lính cũ Oderammergan. Các chuyên viên kỹ thuật sẽ đặt dưới sự bảo vệ của một phân đội đặc biệt S.D. Người ta phải lên đường lập tức. Vì thời giờ cấp bách, các gia đình và vật liệu phải để lại tất cả.
Von Braun biết rằng Kammler rất khôn ngoan khi nghĩ đến vùng “resduit alpin” và ông nghi rằng nếu viên đặc ủy muốn các chuyên gia quan trọng này tề tựu lại dưới sự kiểm soát của S.S. ấy là vì ông ta có mưu tính gì thâm độc trong đầu. Nhưng phản kháng bằng cách biểu lộ tâm trạng hiện tại, sẽ không lợi ích gì, vì Kammler luôn vẫn cao tay trên quyền thế của ông ta, ngay như nếu thế lực này bị tiêu ma đi nữa, ông ta vẫn có thể hài tội tất cả những ai không chịu cúi đầu vâng lệnh của ông ta. Thế nên Von Braun nghĩ tốt hơn hết là nên tuân phục: từ hai cái dở nên chọn cái nào ít dở nhất. Nếu không có phương tiện, người ta vẫn có thể thực hiện được vài cuộc nghiên cứu nơi vùng “resduit alpin” này. Và thật giống như Kammler, Von Braun nuôi các hoạnh định tương lai: một kế hoạch, mở đường cho một cuộc bành trướng vĩ đại về hỏa tiễn, sau cuộc sụp đổ của Đức Quốc xã, và sau cuộc chiến. Viên kỹ sư tin rằng trong núi “baravois”, ông sẽ có thể tìm dịp thoát khỏi sự “bảo vệ” của bọn S.D. và bước vào hành động. Còn Dornberger mặc dù không còn làm việc trong khuôn khổ của chương trình hỏa tiễn, chính ông cũng đã định trón thoát về một làng của dãy núi Aples, gần những nơi có người của toán kỳ cựu Peenemunde trú ngụ. Không tin được ở Kammler và bọn S.S. nên ông theo toán quân của quân đội Đức (Wehrmacht).
Danh sách 500 nhà khoa học và kỹ sư được lập ngay chiều ngày 2 tháng 4 năm 1945. Họ từ giã gia đình và lên đường bằng chiếc Vergeltungs-Express, chiếc xe lửa “tốc hành báo phục”, cũng là tên đặt khá mỉa mai cho chiếc tàu hỏa đặc biết của Kammler: với chiếc đầu máy tối tân, kéo theo 12 toa có giường ngủ và 1 toa làm “restaurant”, được cung cấp thật dồi dào các món ăn lựa chọn và rượu ngon, vì vị ủy viên đặc biệt Kammler là người rất sành ăn và điệu uống. Ông ta sử dụng chiếc tàu hỏa này xuyên Âu châu, từ Peenemunde đến Nordhausen, từ La Haye đến Bá Linh và Blizna, hay bất cứ nơi nào có căn cứ V2. Từ khi các giàn phóng ở Blizna bị giải tỏa, chiếc V.Express cho nằm ụ, để dùng làm nơi trú ngụ của Kammler, các tùng viên của ông ta cùng một số kỹ thuật gia lỗi lạc. Nó thật là tiện nghi khác hẳn với lều cây, sàn gỗ dùng cho lính ở, được dựng lên quanh các trung tâm thí nghiệm.
Chuyến xe chở 500 chuyên viên dân chính và ở kề bên có 100 vệ binh S.D. vũ trang, đã lên đường nhắm hướng về núi Alpes trực chỉ. Tuy nhiên, Von Braun không đi trong chuyến xe này, vì lớp băng bột quá ô về bao quanh ngực và tay, nên ông được phép lên đường bằng xe du lịch. Vừa thẳng hướng Munich, ông vừa tự hỏi điều mà tương lai sẽ riêng dành được những gì! Nhất là ông thắc mắc không hiểu Huzel và Tessman có hoàn cảnh được công tác cất giấu các tài liệu V2 hay không!

 

Buổi sáng hôm ấy, trời mưa, nhằm ngày thứ 3 tháng 4 năm 1945, có một chiếc vận tải đặc biệt do một người lính mặc đồng phục lái, đang quanh quất bò dọc con lộ nhỏ ngoằn ngoèo trên quần sơn Harz. Dieter Huzel ngồi cạnh bên tài xế, còn B. Tessman theo với 7 người lính khác chia nhau ngồi trên 3 chiếc xe chuyên chở, trọng tải 3 tấn, hiệu Opel. Có hai chiếc trong đoàn xe này có mang móc hậu. Trong xe được chứa đầy tài liệu V2 mà Huzel cho là: “rất thiết yếu cho công việc theo đuổi của chúng ta”.
Tất cả các văn kiện nào không quan trọng đều bị đốt cả. Từ sáng sớm, Huzel và Tessman đã để hết thì giờ vào việc coi sóc cho vô thùng và chuyên chở các tài liệu mấu chốt: 14 tấn giấy tài liệu! Để dễ nhận biết sau này, các số hiệu được đóng trên hông các thùng, bằng khuôn chữ.
Huzel được cử làm trưởng đoàn xe, nhưng ông lại không biết vị trí nào sẽ được chọn làm nơi cất giấu tài liệu. Lúc rời Nordhausen, Von Braun có trao cho một giấy thông hành đặc biệt, xác nhận rõ sứ mệnh về hồ sơ mật và yêu cầu sự giúp đỡ rộng rãi của các giới chức thẩm quyền địa phương. Nhưng Von Braun còn thêm: “mọi sáng kiến đều tùy thuộc ở bạn”.
Huzel định đến Claustral, cách đấy chừng 45 cây số, để hỏi thăm trụ sở Quản trị khu hầm mỏ, xem có cái hang lớn nào hoặc đường hầm nào bỏ hoang ở trung vùng. Núi đồi quần sơn Harz có một vẻ đẹp hoang sơ và buồn ngấm. Đấy là một dãy liên tiếp các đường khe, dốc núi, có những khu rừng rậm, có các thôn con bên sườn núi cheo leo, lơ lửn mấy ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Một số các địa phương này là các phố thị nghỉ mát, một số khác, từ nhiều thế kỷ qua, đã là các địa điểm khai thác mỏ đồng, chì, bạc và sắt. Ba chiếc vận tải chở nặng, chạy chầm chậm. Đã nhiều lượt họ phải chui trốn dưới tàng cây, để ẩn thoát các phi cơ săn giặc của địch. Đến giữa trưa, họ tới một xóm nhỏ nằm trên một thung lũng eo hẹp, cách Claustral chừng 7 cây số. Ở đây có vẻ thuận tiện để trốn phi cơ giặc. Huzel một mình đến sở hầm mỏ. Tại đây, người ta bảo với ông rằng, không có nơi nào trong vùng này có thể thỏa mãn cho ông được. Ông đang cần một đường hầm bằng phẳng có thiết bị một đường sắt, nhưng tất cả các khu mỏ lân cận chỉ có mỗi một cái giếng hầm thẳng đứng. Hơn nữa, cái mỏ này hiện đang khai thác, làm sao công việc thoát khỏi cặp mắt của hàng trăm thợ mỏ làm công việc ở đó. Một trong các kỹ sư hầm mỏ khuyên ông đến phân cuộc Goslar cách đấy khoảng 25 cây số, có thể sẽ gặp may mắn hơn. Huzel vừa lo ngại cho các xe vận tải đang chờ đợi, vừa lo chạy gấp đến Goslar. Và lần này nữa, người ta lại trả lời với ông là ở đây không có gì để giúp ông được: tất cả các khu mỏ đá nhét đầy tài liệu của chúng phủ được mang đến từ Bá Linh. Vì nóng lòng nên giận dữ, ông thét lên: “Tôi có ở đây với số tài liệu quan trọng nhất của nước Đức hiện có, mà tôi cũng không thể tìm được một chỗ nào để cất sao!” Ngay lúc đương còn giận, ông bước ra cửa thì người đối thoại vừa rồi gọi ông lại: ông ta vừa nghĩ đến một khu mỏ cổ hoang ở làng Dornten, cách đây chừng 15 cây số trên dãy núi ngang của quần sơn Harz về phía Bắc. Tuy nhiên, nơi đó có thể rất thuận lợi cho khách.
Hai người này gấp rút chạy nhanh đến Dornten. Trước mặt họ, có cái tháp của một giếng hầm thẳng đứng, được dựng lên đúng vào lằn ranh của một xóm nhỏ, nhưng xa hơn chút nữa, họ thấy được ngõ vào của một khu mỏ bằng phẳng, được mở ra ngang sườn đồi, hơi lài dốc. Việc khai thác đã ngưng hoạt động từ lâu, vì khoáng chất ở đây chứa thành phần chất sắt rất kém, khó có thể sinh lợi khá được. Thế nên không mấy ai chịu sống ở đây, ngoài một đôi vợ chồng già, làm gác dan khu mỏ này; đó là gia đình Bebelung.
Khi Huzel trình bày với ông ta rằng ông muốn được gởi vào kho các tài liệu quân sự rất bí mật và thật quan trọng. Nebelung được toàn quyền quyết liệu. Tuy nhiên, viên kỹ sư không đả động gì đến việc nói rõ cho ông biết các tài liệu ấy là tượng trưng cho tất cả vốn liếng hiểu biết hiện nay trong lãnh vực phi đạn điều khiển xuyên lục địa. Cả người đại diện các khu mỏ đang cùng đi với ông cũng không hay biết gì cả. Người gác dan già trao cho các vị khách loại quần áo làm việc, nón, đèn của thợ mỏ và dẫn họ tới khu mỏ.
Ba người đi sâu vào đường hầm cái, được phân nhánh bằng nhiều đường hầm phụ. Khi bọn họ vào được vài trăm thước dọc theo con đường sắt trong hầm, Nebelung dừng lại và chĩa thẳng chiếc đèn soi vào một con đường hầm phụ, ông ta nói: “Ở cuối nhánh đường hầm này có một gian phòng trống và khô ráo, trước kia dùng làm kho chứa chất nổ”. Vào được khoảng 100 thước, bộ ba đến trước chiếc cửa sắt thật nặng nề. Người gác dan mở cửa: gian phòng cao khoảng 3 trước 50. Huzel cho rằng gian hầm này “rất thích hợp”. Nhưng còn một vấn đề: với sự trợ giúp của Tessman và 7 người lính, làm sao để đem được 14 tấn thùng hồ sơ đến cửa vào đường hầm, trước khi quân Mỹ đến đây, khi bọn địch chỉ còn cách 45 cây số và đang tiến rất nhanh chóng lại gần?
Nebelung cho ý kiến: có mấy cái toa chở đất và một đầu máy xe lửa điện. Đã nhiều năm rồi, chúng không được sử dụng, nhưng có thể sạt điện trong lúc ban đêm để sáng ngày hôm sau, có thể cho chạy được. Huzel đồng ý ngay đề nghị này – không có sự lựa chọn. Đoạn, ông vội vã trở lại thung lũng hẹp, nơi đang chờ đợi 3 chiếc xe vận tải. Đến nơi, ông tạm yên tâm khi thấy bọn họ vẫn còn ở đó. B. Tessman và ông sửa soạn lên đường. Các xe vận tải đến một hầm đá hoang phế, cách Dornten độ 8 cây số. Từ vị trí này, các xe, từng chiếc một, lại gần khu mỏ vào chập tối.
Tuy nhiên, Huzel không muốn các người lính biết đúng nơi chôn giấu, vì họ có thể sau đó bị người Mỹ bắt và phát giác với kẻ địch, nơi chôn giấu tài liệu của ông. Thế nên, ông quyết định tự lái chiếc xe thứ nhất và Tessmann cùng đi với ông. Còn toán lính sẽ bị đóng kín ở phía sau xe. Khi chiếc xe thứ nhất xuống hàng xong, ông trở lại hầm đá, tự lái chiếc thứ hai, và công việc tuần tự được tiến hành như trước.
Trong suốt đêm ngày 4 tháng 4 năm 1945 và thêm một phần buổi sáng đẹp trời ngày 5, người ta đã xuống hàng từ các chiếc xe vận tải, cho đem các thùng tài liệu lên các toa chở đất. Các toa này được đưa đến cửa vào đường hầm phụ. Và nơi đây cả 9 người, mồ hôi ướt đẫm và phải vất vả lắm mới đem được các thùng hồ sơ đến kho chứa chất nổ trước kia. Huzel nói: “Chúng tôi đã làm việc gần đến 11 giờ sáng. Thật là mệt dừ. Các thùng thì quá nặng, mà đường hầm lại chật hẹp và dốc lên.”
Khi chiếc thùng cuối cùng đặt vào vị trí – gian phòng nhỏ đã gần đây – ông nghĩ: “sứ mệnh đã hoàn thành”. Giờ bỗng nhiên, tôi mới cảm thấy mỏi mệt, nhìn quanh tôi, sự mệt lả của chính tôi đã phản ánh được nét dáng của các người khác. Các bạn tôi, kẻ ngồi xổm dưới đất, người đứng thẳng, lưng đều tựa vào tường, tay đặt lên đùi, mồ hôi chảy giọt và hoàn toàn rũ liệt.
Chín người kiệt sức này rời khỏi chiếc hầm để lo tắm và ăn lót dạ. Nebelung nhận lo việc bắn cốt mìn để lấp gian hầm này lại. Và trong đêm 5 tháng 4 năm 1945, Huzel, Tessmann và các người lính đã rời khỏi nơi đây để đến một làng kế cận. Sáng hôm sau, Huzel còn trở lại khu mỏ Dornten. Ông thấy rằng, việc bắn cốt mìn “chưa được hoàn bị lắm. Các tảng đá rơi từ nóc đường hầm đã chắn cản lối đi, nhưng người ta vẫn có thể trèo lên dễ dàng để đến tận nơi cất giấu”. Ông khẩn khoản yêu cầu Nebelung thực hiện một cuộc ném tạc đạc lần nữa.
Sau khi ông đi rồi, người gác dan lo nhiệm vụ được giao phó. Lần này, tôi vào gian phòng đã bị lấp kín hoàn toàn. Các tài liệu bây giờ đã trở thành một kho tàng bị chôn lấp. Đối với tất cả những ai còn xa lạ với loại hỏa tiễn có tầm xa, thì khu mỏ Dornten chỉ là nơi ẩn tàng 14 tấn tài liệu kỹ thuật. Nhưng đối với các người khác, thì các tài liệu này biểu trưng cho 13 năm tìm tòi độc nhất trên thế giới, các đồ án của một thứ vũ khí mà công việc thực hiện đã đòi hỏi nước Đức một sự phí tổn tương đương với từ 2 đến 3 tỷ đồng quan.
Ngày thứ bảy, nhằm 7-4-1945, Huzel và Tessmann lên đường về. Ngay lúc ấy thì đạo quân thứ 9 của Mỹ cũng vừa đến vùng Dornten. Hai người về đến Bleicherode. Chỉ có họ biết được địa điểm chôn giấu của kho tàng, còn các người lính theo giúp họ, vẫn bị nhốt kín đàng sau xe vận tải từ lúc đi cũng như đến lúc bận về. Còn Nebelung và các người ở Goslar biết rõ các tài liệu được gởi vào kho hàng trong khu mỏ đó, nhưng họ hoàn toàn không biết tính chất của loại tài liệu này. Huzel và Tessmann không chần chờ lâu ở Bleicherode. Điều mà ngày 1 tháng 4 năm 1945 người ta cho là một tin đồn giả tạo, nay đã thành sự thật: quân Mỹ đã tới rồi. Ngày 9 tháng 4, Tessman lên đường đến núi Alpes để tìm lại Von Braun và 500 chuyên viên qui tụ trong vùng “réduit alpin” dưới sự canh chừng của bọn an ninh S.D. Huzel rồi cũng sẽ đến đó sau khi tạt ghé vào Bá Linh để thăm vị hôn thê đang ở đấy.
Ngày 10 tháng 4 năm 1945. Tất cả hoạt động ở Mittelwerke đã đình hẳn. 4.500 kỹ thuật gia còn ở lại, trở về nhà họ ở rải rác trong các làng quanh Nordhausen. Các thiết giáp xa Mỹ đã tới Esspechenrode, chỉ còn cách cơ xưởng ngầm khoảng 10 cây số.