ại sao tôi phải nằm trên băng ghế sau của chiếc xe van nhỏ màu xanh với các cửa sổ dán giấy màu? Câu hỏi thật thú vị. Vì tôi đang cố rời khỏi nhà mình ở Washington D.C. mà không muốn các phóng viên đang ở bên ngoài nhìn thấy.
Đó là buổi tối ngày 5-6-2008, tôi đang trên đường tới một cuộc gặp bí mật với Barack Obama - chỉ vài tháng trước thôi, tôi không bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra. Tôi đã thua và ông đã thắng. Tôi chưa có đủ thời gian để chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cuộc chạy đua cho vị trí ứng cứ viên Tổng thống mang tính lịch sử vì màu da của ông và giới tính của tôi. Đây là cuộc chạy đua căng thẳng, kéo dài và sát nút. Tôi mệt mỏi, kiệt sức và thất vọng. Tôi đã cố gắng hết sức cho tới giây phút cuối cùng, nhưng Barack đã thắng và bây giờ đã đến lúc tôi phải ủng hộ ông. Mục đích chiến dịch vận động của chúng tôi nhằm vào những người Mỹ thất nghiệp, chăm sóc y tế, giá khí đốt xăng dầu và thực phẩm quá cao hay vấn đề chi phí giáo dục mà người dân cảm thấy họ chỉ là những kẻ vô hình trước con mắt của chính phủ trong vòng bẩy năm qua. Bây giờ mọi việc tùy thuộc vào Obama có trở thành vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ hay không.
Giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng cho tôi, cho các thành viên và những người ủng hộ, những người đã làm tất cả những gì có thể làm được. Công bằng mà nói, nó cũng chẳng dễ dàng chút nào cho Barack và những người ủng hộ ông nữa. Chúng tôi cũng đã từng đề phòng lẫn nhau; cũng đã từng tranh luận gay gắt, gây tổn thương lẫn nhau; tôi đã không bỏ cuộc cho đến khi những lá phiểu cuối cùng được kiểm và đã phớt lờ những áp lực của phía ông ta.
Hai ngày trước, Barack và tôi đã nói chuyện vào một đêm khuya, sau khi bang Montana và Nam Dakota hoàn tất cuộc kiểm phiếu. Barack nói "Hãy cùng ngồi xuống nói chuyện với tôi khi nào chị cảm thấy thoải mái”. Ngày hôm sau, chúng tôi chạm trán ở cuộc họp lên kế hoạch cho Uỷ ban Liên lạc Xã hội Mỹ-Israel (AIPAC) ở Washington. Sau một chút ngập ngừng, e ngại, nhưng các trợ lý thân cận nhất của chúng tôi có cơ hội thảo luận chi tiết cuộc gặp mặt. Về phía tôi có Chánh văn phòng, Huma Abedin, người phụ nữ duyên dáng, tài năng, năng động và đã từng làm việc ở Nhà Trắng. Bên phía Obama là Reggie Love - cựu cầu thủ bóng rổ của trường Đại học Duke, luôn luôn bên Obama như hình với bóng. Huma và Reggie giữ đường dây nóng kể cả trong những ngày căng thẳng nhất của chiến dịch tranh cử, vì tôi hay Barack thường xuyên gọi về để chúc mừng hay chia buồn sau các cuộc kiểm phiếu bang dù người thắng bất kể là ai. Bầu không khí của các cuộc gọi thường thân thiện và chia sẻ, vì ít nhất cũng có người vui. Nhưng một số cuộc gọi chỉ để cho có; Vì huấn luyện viên bóng đá không phải sau trận đấu nào cũng phải ôm hôn cầu thủ của mình đâu.
Chúng tôi cần có nơi kín đáo với giới truyền thông để gặp mặt và nói chuyện, vì vậy tôi gọi điện cho cô bạn thân, Thượng nghị sĩ bang California, Dianne Feinstein, hỏi, muốn sử dụng tư dinh của cô ở Washington làm nơi hội kiến được không. Tôi đã đến đó vài lần, thấy nơi đây rất phù hợp, nếu chúng tôi đến và đi sẽ không thu hút sự chú ý của giới báo chí và truyền thông. Cô ấy đồng ý. Tôi trườn người xuống hàng ghế sau chiếc xe van, đến cuối con đường, xe rẽ trái ra Đại lộ Massachusetts đến nơi hẹn.
Tôi đến trước, khi Barack đến, cô Dianne mời chúng tôi mỗi người một ly vang Chardonnay California, sau đó cô quay ra, chỉ còn chúng tôi trong phòng khách ngồi đối diện trên ghế sô-pha đặt phía trước lò sưởi. Dù trong năm qua có những đụng độ, chúng tôi vẫn có sự tôn trọng dành cho nhau vì bắt nguồn từ những trải nghiệm trong chiến dịch. Tranh cử Tổng thống đòi hỏi rất nhiều về mặt trí tuệ, thể lực cũng như cảm xúc. Chiến dịch tranh cử cho dù có điên khùng đến đâu thì vẫn cứ phải thể hiện được bản chất của nền dân chủ. Việc này giúp chúng tôi đánh giá và tôn trọng lẫn nhau vì khi đã vào “đấu trường", như Theodore Roosevelt gọi, người ta phải tìm mọi cách để chiến thắng.
Cho đến thời điểm cuộc hội kiến này, tôi biết Barack đã được bốn năm, trong đó hai năm chúng tôi thường xuyên tranh luận. Như nhiều người Mỹ, tôi rất ấn tượng bài phát biểu của Barack tại Hội nghị Toàn quốc của Đảng Dân chủ năm 2004 tại Boston. Đầu năm đó, tôi ủng hộ chiến dịch chạy đua vào Thượng viện của ông bằng cách gây quỹ tại tư dinh của chúng tôi ở Washington và tham dự những đợt gây quỹ khác ở Chicago. Trong văn phòng Thượng viện, tôi treo bức ảnh chụp với vợ chồng và hai cô con gái ông tại bữa tiệc ở Chicago. Là đồng nghiệp, chúng tôi đã từng làm việc với nhau về một số trường hợp đặc biệt và về đạo luật. Sau khi cơn bão Katrina quét qua, Bill và tôi mời Barack, hẹn sẽ gặp nhau ở Houston cùng với cựu Tổng thống George H.W. Bush và phu nhân Barbara Bush đi thăm hỏi người dân phải sơ tán vì cơn bão, làm việc với các quan chức phụ trách việc khắc phục thảm họa.
Chúng tôi đều là luật sư, khởi đầu sự nghiệp với tư cách những nhà hoạt động vì công bằng xã hội. Khi khởi nghiệp, tôi làm cho Quỹ Bảo vệ Trẻ em, Ban đăng ký cho cử tri nói tiếng Tây Ban Nha ở Texas và làm đại diện cho Ban Luật sư Trợ giúp Pháp lý cho người nghèo. Còn Barack thuộc tổ chức cộng đồng ở phía Nam Chicago. Chúng tôi rất khác nhau về nguồn gốc và những trải nghiệm thực tế, nhưng lại chung quan điểm cũ về các dịch vụ công ích coi đó là việc rất cao quý và đều tin tưởng sâu sắc vào bản chất sâu xa của “Giấc mơ Mỹ”: Không quan tâm bạn là ai hay từ đâu đến, chỉ cần bạn chăm chỉ làm việc và thượng tôn pháp luật, bạn sẽ có cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình bạn.
Chúng tôi nhìn nhau như hai thanh niên ngượng ngùng trong buổi hò hẹn đầu tiên và nhấm nháp Chardonnay. Barack mở lời trước bằng cách khen ngợi chiến dịch của tôi suýt nữa đã đánh bại ông ta. Sau đó ông ấy nhờ tôi giúp sức đoàn kết nội bộ đảng, tiến tới việc chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống. Ông ấy muốn chúng tôi cùng xuất hiện trong thời gian tới để tăng cường sự đoàn kết và năng động cho Hội nghị toàn quốc của Đảng Dân chủ sắp tới ở Denver. Ông cũng muốn cả Bill tham gia giúp đỡ nữa.
Tôi đồng ý giúp ông, nhưng tôi cũng phải nhắc lại một số giây phút khó chịu trong năm đó. Cả hai bên đều không thể kiểm soát được mọi thứ trong chiến dịch, đặc biệt là những người ủng hộ nhiệt thành nhất hay cộng đồng blogger. Một số câu nói của cả hai người đã bị xuyên tạc và bóp méo, nhưng các cáo buộc về phân biệt chủng tộc nhằm vào Bill là rất tệ. Barack đã nói rõ, ông và cả đội ngũ không hề tin vào các cáo buộc đó. Sự phân biệt giới tính nổi lên trong chiến dịch đã gây nhiều khó khăn, dù tôi biết nó bắt nguồn từ các yếu tố văn hóa và tâm lý về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Về việc này, Barack đã kể câu chuyện rất xúc động về bà nội ông gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh cũng như niềm tự hào của ông về Michelle, Malia, Sasha và cho rằng họ xứng đáng nhận được các quyền lợi trong xã hội một cách toàn diện và bình đẳng.
Sự trung thực của cuộc đối thoại này đã củng cố thêm cho quyết tâm của tôi ủng hộ Barack. Trong thâm tâm, thực lòng tôi thích được mời ông ấy ủng hộ mình trong cuộc tranh cử Tổng thống hơn là tôi ủng hộ ông, tôi biết rõ thành công của Barack là cách tốt nhất để triển khai những giá trị và các kế hoạch chính sách tiến bộ mà tôi đặt mục tiêu trong suốt cuộc đời. Khi ông hỏi cần phải làm gì để thuyết phục những người ủng hộ tôi tham gia vào chiến dịch của ông, tôi nói cần cho họ một thời gian nhất định và nỗ lực chân thành sẽ lay chuyển được phần lớn trong số họ. Cuối cùng, giờ đây ông là người đứng mũi chịu sào của kế hoạch chung; nếu tôi có thể chuyển từ việc làm mọi cách để đánh bại ông sang việc giúp đỡ Barack được bầu làm Tổng thống, tôi tin chắc mọi người đều có thể làm vậy. Và thực ra, hầu hết trong số họ đã làm như thế. Sau khoảng một tiếng rưỡi trao đổi, chúng tôi đã nói hết những gì muốn nói. Sau đó Barack đã gửi email cho tôi về dự thảo tuyên bố liên minh sẽ được đội ngũ của ông ấy đưa ra, khẳng định đã có một “cuộc thảo luận tích cực” về “những gì phải làm để chiến thắng vào tháng 11”. Ông ấy cũng xin số điện thoại của Bill để có thể liên lạc trực tiếp.
Ngày hôm sau, 6-6-2008, Bill và tôi tổ chức cuộc họp mặt nhóm nhân viên chiến dịch ở sân sau tư dinh chúng tôi ở Wasington D.C. Hôm ấy trời rất oi ả và nóng bức, chúng tôi cố gắng làm giảm sự kích động khi ôn lại và không tin nổi những bước ngoặt trong quá trình chạy đua. Quanh tôi là đội ngũ tài năng, hoạt động đầy nhiệt tình, hăng hái và họ đã truyền cảm hứng cho tôi. Một số bạn thân đã từng làm việc với tôi từ hồi ở Arkanasas cũng tham gia chiến dịch. Với các bạn trẻ, đây là cuộc chạy đua chính trị đầu tiên. Tôi không muốn họ cảm thấy chán nản, thất vọng vì thất bại hay từ bỏ sự nghiệp chính trị và dịch vụ công ích. Vì vậy tôi động viên, bảo họ nên thấy tự hào những gì đã làm trong chiến dịch, tiếp tục sự nghiệp cao cả cũng như ủng hộ ứng cử viên của đảng. Đồng thời giờ đây tôi phải làm gương, cuộc trò chuyện bên lò sưởi với Barack đêm hôm trước là hành động khởi đầu và từ đó tôi quyết tâm ủng hộ Barack Obama 100%.
Mặc dù đã thất bại, nhưng mọi người đã có một thời gian vui vẻ. Người bạn thân, Stephanie Tubbs Jones, nữ hạ nghị sĩ dũng cảm người Mỹ gốc Phi bang Ohio, người đã chịu nhiều áp lực, luôn luôn sát cánh với tôi trong quá trình bầu cử vòng sơ bộ, đung đưa đôi chân trong hồ bơi và kể những câu chuyện cười. Hai tháng sau, bà qua đời đột ngột do phồng động mạch não. Đó là sự mất mát to lớn cho gia đình, người thân của bà cũng như đối với tôi và gia đình tôi. Nhưng dù sao ngày hôm ấy, chúng tôi thân thiết như chị em, hy vọng những ngày tốt đẹp hơn ở phía trước.
Hôm sau tôi quyết định thời gian và địa điểm cho buổi xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng và bắt tay viết bài phát biểu, một công việc rất phức tạp. Tôi phải cảm ơn những người ủng hộ, nhấn mạnh tầm quan trọng việc lần đầu tiên một phụ nữ tham gia cuộc chạy đua làm ứng cử viên Tổng thống, vì sao bây giờ tôi ủng hộ Barack và tìm cách giúp ông sao có lợi cho cuộc bầu cử sắp tới. Một bài phát biểu có dung lượng rất lớn và tôi không còn nhiều thời gian. Tôi nhớ lại cuộc chạy đua ở vòng sơ bộ đầy thù hận kéo dài cho đến tận hội nghị toàn quốc của đảng, đặc biệt sự thất bại cay đắng của Ted Kennedy trước Tổng thống Carter vào năm 1980, nhưng tôi không để lịch sử lặp lại. Điều đó không có lợi cho đảng, cho đất nước, nên tôi cần phải thay đổi và công khai tuyên bố ủng hộ Barack tranh cử Tổng thống.
Tôi muốn có sự cân bằng giữa sự mong đợi từ những người ủng hộ tôi và hướng tới tương lai. Tôi làm việc liên tục với các cố vấn qua các cuộc điện thoại, cây bút hỗ trợ để tim những từ ngữ hợp lý. Jim Kennedy, một người bạn cũ, có lối diễn đạt kỳ diệu làm sống động từ ngữ và gây nhiều gợi cảm, thức giấc giữa đêm khuya suy nghĩ về 18 triệu người đã bỏ lá phiếu ủng hộ tôi và phá vỡ rào cản vô hình đối với người phụ nữ trong vấn đề chính trị. Đó là mục đích tôi cần thực hiện. Tôi không muốn lặp lại những lời sáo rỗng, việc giới thiệu này phải là của chính tôi, đưa ra những lý lẽ thuyết phục về việc ủng hộ Barack. Tôi thức đến gần sáng làm việc cùng với Bill ngay trong bàn ăn điểm tâm, sửa đi sửa lại hết bản nháp này đến bản nháp khác cho đến khi hoàn chỉnh.
Tôi đọc diễn văn vào thứ Bảy, ngày 7-6, tại Bảo tàng Quốc gia Xây dựng ở Washington. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm, nơi có thể chứa được đủ lượng người ủng hộ và phóng viên báo chí theo dự kiến. Thật nhẹ nhõm sau khi tìm được “Khu Hưu trí” (Pension Building) rộng lớn với những hàng cột và trần nhà cao vút đủ sức chứa số người tham dự. Đây là khu nhà và cũng là một tượng đài của tinh thần trách nhiệm của Hoa Kỳ, nơi đây từng được dùng làm nơi chăm sóc cựu chiến binh, góa phụ và trẻ mồ côi thời kỳ nội chiến. Bill, Chelsea và mẹ tôi, Dorothy Rodham, năm ấy cụ tám mươi chín tuổi sống với chúng tôi-, cùng nhau rẽ qua đám đông lên diễn đàn. Có người đã khóc nức nở trước khi tôi phát biểu.
Khí thế bừng bừng, sống động với những nỗi buồn và uất ức, sự giận dữ xen lẫn với niềm tự hào, kiêu hãnh kể cả tình thương mến hòa quyện trong bầu không khí buổi gặp gỡ cuối cùng. Một phụ nữ mặc áo in hàng chữ “Ủng hộ Hillary thành Giáo hoàng!” Vâng, điều này chắc chắn không thể xảy ra, nhưng tôi thật sự xúc động vì tình cảm của bà.
Viết diễn văn đã khó, chuyện đọc nó trên diễn đàn trước hàng ngàn người còn khó gấp bội. Tôi cảm thấy có lỗi vì đã làm hàng triệu người thất vọng, nhất là phụ nữ và thanh thiếu nữ, những người đã đặt ước mơ, niềm tin và kiêu hãnh vào tôi. Đầu tiên tôi cảm ơn mọi người, những người đã tham gia chiến dịch tranh cử và bỏ phiếu ủng hộ. Tôi khẳng định sự tin tưởng vào dịch vụ công ích, cam kết “không bao giờ từ bỏ việc giúp đỡ mọi người giải quyết những khó khăn và thực hiện ước mơ của mình”.
Tôi đặc biệt cảm ơn các cụ thuộc thế hệ mẹ tôi, những người sinh ra trong thời kỳ người phụ nữ chưa có quyền bỏ phiếu, nhưng giờ đây nhờ tuổi thọ mà các cụ được chứng kiến, một người phụ nữ như tôi cũng có quyền bình đẳng đứng ra tranh cử tổng thống. Trong số các cụ, có cụ bà Florence Steen, tuổi ngoại 88, bang Nam Dalota, con gái bà khẳng định, đã mang tờ phiếu “absentee ballot” (lá phiếu được quyền bỏ trước vì không đến được nơi bầu cử- ND) đến bên giường bệnh mẹ để cụ bỏ lá phiếu ủng hộ tôi. Nhưng cụ đã qua đời trước ngày kiểm phiếu, vì thế theo luật định, lá phiếu ấy không hợp lệ. Nhưng người con gái ấy kể tiếp, “Cha tôi là người bảo thủ và rất nóng tính, ông thật bất bình khi biết lá phiếu của mẹ tôi không được tính. Hơn 20 năm cha tôi không bao giờ đi bỏ phiếu, nhưng vì mẹ tôi nên ông đã bỏ phiếu thay bà.” Trách nhiệm đem lại cho hàng triệu hy vọng và giấc mơ của người Mỹ là gánh nặng đặt trên vai tôi rất nặng nề, tôi không bao giờ quên được chiến dịch tranh cử dành cho họ nhiều hơn là dành cho tôi. Tôi đề cập ngay nỗi thất vọng với người ủng hộ: “Mặc dù chúng ta không phá vỡ được sự rào cản vô hình lớn lao nhất, khó khăn nhất, nhưng nhờ có tất cả các bạn, bức tường rào cản vô hình đó đã có 18 triệu vết nứt. Và ánh sáng đã chiếu qua nó mà từ trước tới nay chưa từng có, mang đầy triển vọng cho chúng ta tiến bước lần sau. Đấy cũng là quá trình tiến hoá của nền dân chủ Hoa Kỳ. Các bạn sẽ thấy tôi luôn luôn ở tuyến đầu của nền dân chủ, chiến đấu vì tương lai của chúng ta.” Sau đó tôi nói thêm: “Giờ đây để tiếp tục chiến đấu, hoàn thành mục tiêu chúng ta đề ra, tăng cường sức mạnh, niềm đam mê, sự vững vàng là chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để ủng hộ Barack Obama, vị tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.”
Tôi đã rút ra được rất nhiều điều từ thất bại và có thêm nhiều trải nghiệm. Trước năm 2008, tôi thật sự vui vì luôn luôn giành chiến thắng trong các cuộc chạy đua: lần đầu tham gia giúp chồng tôi tranh cử thống đốc bang Arkansas, tiếp theo tranh cử Tổng thống và hai lần tranh cử chức Thượng nghị sĩ năm 2000 và năm 2006. Cái đêm bầu cử đại cử tri ở bang Iowa, tôi thật đau đớn khi phải đứng ở vị trí thứ ba.
Chuyển đến New Hampshire, qua những vùng nông thôn, tôi nhận ra tôi đã chiếm được tình cảm yêu mến và có tiếng vang trong lòng người dân. Tinh thần tôi được nâng lên, quyết tâm được củng cố bởi những người Mỹ tôi gặp trên đường chuyển nhà. Tôi giành chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ ở bang Ohio đã chúng minh cho nhân dân Mỹ: “người ta có thể thua trong lá phiếu, nhưng quyết không đầu hàng, dù có trượt ngã nhưng phải biết đứng dậy, đối với những người tận tuỵ với công việc, có đầy quyết tâm họ không bao giờ nhụt chí.” Những câu chuyện mà mọi người kể trên đường đến khu nhà mới, giúp tôi vững tin vào tương lai đất nước và tự hứa phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể chia sẻ tương lai ấy với mọi người. Chiến dịch tranh cử quá dài, quá mệt mỏi và cũng quá tốn kém, nhưng kết quả cuối cùng đem lại là sự thắng lợi giành cho các cử tri, những người đã lựa chọn đúng về tương lai đất nước.
Trong cái rủi lại có cái may, sự thất bại đã giúp tôi rút ra bài học không còn quá quan tâm đến những điều bị chỉ trích. Tôi coi trọng những lời chỉ trích nhưng không muốn làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ của mình. Tôi nghỉ ngơi sau những ngày căng thẳng - theo cả nghĩa đen. Tôi cảm thấy tự do đến độ buông tóc thật sự. Trong một lần trả lời phỏng vấn chuyến công du Ấn Độ với cương vị Ngoại trưởng với Jill Dougherty phóng viên đài CNN, cô cho tôi biết, giới truyền thông đang phát cuồng lên với cách tôi xuất hiện ở thủ đô các nước sau những chuyến công du dài ngày mà không trang điểm và chỉ đeo kính mát. Jill gọi là “Hillary với bộ mặt mộc”. Tôi bật cười, nói “Tôi thật sự thấy thoải mái đúng như cuộc sống hàng ngày. Jill à, nếu tôi muốn đeo kính thì đeo kính. Ngay cả khi tôi thích buộc tóc tôi cũng sẽ buộc tóc.” Một số phóng viên đưa tin của Bộ Ngoại giao cảm thấy rất bất ngờ khi tôi đã phát biểu không mang tính ngoại giao mà nói thẳng những gì đang nghĩ, ví dụ như phê phán lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng như thúc ép Pakistan phải tìm kiếm nơi ẩn náu của Osama bin Laden. Bởi vì tôi không muốn khép nép, giữ gìn từng li từng tí theo lối cũ nữa.
Việc thất bại cũng giúp tôi cơ hội khi trao đổi với các nhà lãnh đạo nước ngoài phải biết chấp nhận kết cục không có lợi, vì lợi ích của quốc gia. Trên thế giới có biết bao nguyên thủ quốc gia tuyên bố ủng hộ nền dân chủ, nhưng thực tế họ dùng mọi cách để đàn áp dân chủ khi các cử tri biểu tình phản đối hoặc quyết định loại họ khỏi quyền lực. Tôi cho họ thấy, nếu biết chấp nhận, đây cũng là cơ hội hội đem lại một mô hình khác. Tất nhiên, tôi thật may mắn vì đã thua với một ứng viên có nhiều quan điểm rất gần gũi với tôi và chắc ông cũng cảm thấy phải chịu đựng rất nhiều khi chấp nhận tôi trong đội ngũ của ông. Còn một thực tế nữa, chúng tôi từng là đối thủ đáng gờm và bây giờ thành đồng minh rất hiệu quả, đây quả là một lý luận tuyệt vời của nền dân chủ - điều tôi sẽ có thể thấy lặp lại nhiều lần trên thế giới, khi tôi chấp nhận công việc mà tôi chưa hề nghĩ đến.
Ba tuần sau bài phát biểu tại Bảo tàng Quốc gia, tôi trên đường đến Unity, New Hampshire, thị trấn được chọn cho lần đầu tiên xuất hiện chung giữa tôi và Barack, không chỉ vì tên (Unity-đoàn kết) mà còn vì cả hai chúng tôi đã nhận được chính xác số phiếu bằng nhau ở vòng đầu: 107 phiếu cho Barack và tôi cũng 107 phiếu. Chúng tôi gặp nhau tại Washington và đi chung trên chiếc máy bay sử dụng trong chiến dịch tranh cử của ông. Khi hạ cánh, chiếc xe du lịch loại lớn chờ sẵn đưa chúng tôi đến thị trấn Unity sau gần hai giờ di chuyển. Nhìn xe, tôi chợt nhớ lại chuyến tuyệt vời bằng xe bus cùng Bill và gia đình Al Gore ngay sau khi bế mạc Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ năm 1992 và nhớ cả cuốn sách nổi tiếng của Timothy Crouse về chiến dịch tranh cử năm 1972, “Những chàng trai trên xe buýt”. Thời điểm lúc bấy giờ tôi là "cô gái" trên xe buýt, nhưng ứng cử viên không phải là tôi hoặc chồng tôi. Tôi hít một hơi thật sâu và bước lên xe.
Barack và tôi ngồi gần nhau để dễ trao đổi. Tôi chia sẻ một số kinh nghiệm cách nuôi dạy đứa con gái ở Nhà Trắng. Ông và Michelle cũng đã từng suy nghĩ cuộc sống sẽ như thế nào đối với hai đứa con gái Malia và Sasha nếu ông thắng cử. Trong phong cảnh cánh đồng bao la giữa ngày hè đẹp trời, thông điệp gửi tới mọi người, cuộc chạy đua giữa hai chúng tôi đã chấm dứt, giờ đây chúng tôi chung hàng ngũ. Mọi người hô vang tên hai chúng tôi trên nền bản nhạc Rock “Beautiful Day” (Ngày Tươi Đẹp) của ban nhạc U2. Băng rôn màu xanh da trời phía sau lễ đài được quần chúng hô to bằng cách đánh vần từng chữ cái “U-N-I-T-Y” và trên lễ đài có băng rôn “Đoàn kết để thay đổi” (Unite For Change). Tôi phát biểu “Hôm nay và mãi mãi sau này, chúng ta kề vai sát cánh chia sẻ những ý tưởng, những giá trị chúng ta theo đuổi và vì đất nước mà chúng ta yêu quý.” Khi tôi kết thúc, họ và cả Barck đồng thanh reo lên “Cám ơn Hillary! Cám ơn! Cám ơn!” Sau đó ông nói đùa “Này bà, bạn đã xem trộm bài diễn văn của tôi và lấy ngay câu đầu tiên”. Sau đó ông phát biểu rất chân thành về cuộc đua với tôi. Mấy hôm sau, Bill và Barack đã có cuộc thảo luận kéo dài, đồng ý bỏ qua các vướng mắc trước đây, đồng ý tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Sự kiện lớn nhất của mùa hè là Hội nghị Toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra tại Denver vào cuối tháng 8-2008. Tôi đã dự tất cả các Hội nghị Toàn quốc của đảng Dân chủ từ năm 1976 và tôi nhớ nhất các hội nghị năm 1992 ở New York và năm 1996 tại Chicago. Lần này Barack yêu cầu tôi phát biểu chính thức đề cử ông ta và tôi đồng ý.
Khi đến lượt, Chelsea đứng lên giới thiệu tôi. Tôi cảm thấy thật tự hào và biết ơn vì con gái tôi đã quá vất vả vượt qua nhiều khó khăn trong suốt thời gian cuộc chạy đua. Nó đã đi xuyên quốc gia một mình, nói chuyện với thanh niên, khuấy động không khí và nguồn sinh lực đám đông mà nó gặp. Tôi thấy con mình đã trưởng thành thật sự khi nhìn thấy nó đứng trước hội trường chật cứng người mà không một chút bối rối, nó thể hiện được lòng tự tin và cách cư xử khéo léo.
Đến lượt tôi. Tôi được chào đón nồng nhiệt trong rừng biển dòng chữ “Hillary” màu đỏ-trắng-xanh, biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của tôi. Đã từng nhiều lần đọc diễn văn, nhưng đây là môt bài diễn văn quan trọng nhất đối với tôi trước số lượng thính giả quá lớn và hàng triệu khán giả khác theo dõi qua truyền hình tại chỗ. Tôi phải thú nhận rất lo lắng nên đã sửa đi sửa lại bài diễn văn cho tới phút chót, khi đoàn xe tháp tùng đến, một trong số trợ lý của tôi phải nhảy ra khỏi thùng xe chạy thật nhanh lên trước để trao phần mềm ghi trong USB cho người điều khiển màn hình chạy chữ. Đội ngũ của Obama đòi được xem trước, nhưng tôi không làm sao thực hiện được, một vài cố vấn của ông lo ngại khi không được đọc, e rằng tôi có bí mật gì đó. Thật ra tôi không đủ thời gian, nên phải tận dụng từng giây phút vắt óc để hoàn chỉnh bài diễn văn thật hay.
Đây không phải là bài diễn văn mà tôi muốn trình bày ở đại hội này, nhưng nó là một bài diễn văn quan trọng. "Dù các bạn đã bỏ phiếu cho tôi hay Barack, giờ là lúc để đảng ta đoàn kết với mục tiêu chung. Chúng ta đang cùng một đội ngũ và không ai có thể đứng ngoài được. Đây là cuộc đấu tranh vì tương lai và chúng ta phải cùng nhau giành được thắng lợi. Obama Barack là ứng viên của tôi, ông ấy phải trở thành Tổng thống.” Sau đó Joe Biden đón tôi ở bên ngoài nhà khách chúc mừng, ông hơi nhún gối và cúi xuống hôn tay tôi. (Ai dám nói phong cách ga-lăng nay đã chết?) Từ Billings, bang Montana, Obama Barack gọi điện cảm ơn tôi.
Mấy hôm trước, tôi gặp Michelle ở hậu trường của sự kiện khác, bà ta tỏ ra rất biết ơn những gì tôi đã làm để ủng hộ Barack. Dĩ nhiên, Bill không phải là người chồng duy nhất sát cánh trong cuộc đua của vợ, Barrack và cả tôi đều biết, những người trong gia đình còn là phần hỗ trợ quý giá trong thời điểm khó khăn nhất. Michelle và tôi đã vượt qua được những thử thách, chăm sóc, giữ vững được gia đình êm ấm trước con mắt của công chúng. Vài tháng sau, trong bữa ăn trưa ở Phòng Bầu Dục màu vàng ở tầng hai Nhà Trắng, chúng tôi nói chuyện về gia đình Tổng thống sinh hoạt như thế nào và kế hoạch chống bệnh béo phì con trẻ thông qua chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp. Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn nhỏ hướng ra cửa sổ phía nam qua ban công Truman, nhìn về phía Đài tưởng niệm Washington. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi từ khi chúng tôi rời Nhà Trắng vào ngày 20-1-2001. Tôi rất vui được gặp lại đội ngũ nhân viên phục vụ, những người đã giúp đỡ tất cả các gia đình Tổng thống cảm thấy như vẫn ở nhà riêng khi dọn đến đây. Khi tôi trở thành Đệ nhất phu nhân năm 1993, những điều các Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, Bird Johnson, betty Ford, Rosalynn Caroer, Nancy Reagan và Barbara Bush chia sẻ có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Bởi vì, chỉ có một số người rất ít được sống trong Nhà Trắng và tôi muốn giúp Michelle bằng bất kỳ cách nào có thể được.
Tôi tưởng tôi chỉ có nhiệm vụ đọc diễn văn duy nhất ở tại hội nghị, không ngờ một số nhóm ủng hộ nhiệt thành của tôi vẫn có ý định bầu cho tôi ở phiên họp cuối cùng. Đội ngũ của Barack hỏi, liệu tôi có thể đến hội nghị và tuyên bố luôn Obama Barack là ứng cử viên của đảng ngay trong phiên họp đó. Tôi đồng ý, nhưng hiểu lý do tại sao một vài người bạn, những người ủng hộ tôi và các đại biểu năn nỉ tôi đừng làm điều đó. Họ muốn kết thúc những gì đã bắt đầu. Họ cũng muốn ghi vào lịch sử rằng một người phụ nữ đã giành được gần 20 bang trong bầu cử sơ bộ và của gần 1900 cử tri,- điều chưa từng có trong lịch sử. Họ lập luận, nếu không bỏ qua phiên họp cuối cùng, những nỗ lực của mọi người sẽ không bao giờ được công nhận. Tôi rất xúc động trước sự trung thành của họ, nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất chính là sự đoàn kết trong đảng.
Một số người ủng hộ tôi thất vọng vì Barack chọn Biden là ứng cử viên Phó Tổng thống chứ không phải tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn làm Phó Tổng thống. Tôi muốn trở lại Thượng viện, hy vọng thúc đẩy việc cải cách hệ thống chăm sóc y tế, tạo công ăn việc làm và những thách thức cấp bách khác. Tôi tin sự lựa chọn của Barack, tin Joe sẽ là cộng sự đắc lực trong chiến dịch tranh cử cũng như công việc của Nhà Trắng.
Hoạt động của chúng tôi vẫn được giữ bí mật, do đó gây xôn xao trong số đại biểu và phóng viên khi tôi đột nhiên xuất hiện giữa hàng ngàn đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ ngay khi bang New York công bố ứng cử viên. Giữa bạn bè và đồng nghiệp, tôi tuyên bố: "Trong tinh thần đoàn kết, với mục tiêu chiến thắng, với niềm tin vào đảng và quốc gia, chúng ta hãy cùng nhau tuyên bố ngay tại đây và ngay bây giờ, ông Barack Obama là ứng cử viên của đảng ta và ông sẽ là Tổng thống”. Bước lên bục diễn đàn, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hỏi, có ai phản đối ý kiến của tôi không. Không có ai, toàn bộ hội trường vỗ tay chấp thuận. Bầu không khí trở nên sống động với sự kiện lần đầu tiên người Mỹ gốc Phi được đề cử là ứng cử viên Tổng thống của một chính đảng.
Thêm một bất ngờ lớn trong tuần đó. Sau hôm Barack phát biểu tại hội nghị, Thượng nghị sĩ John McCain, gần như chắc chắn là ứng cử viên của đảng Cộng hoà-, tuyên bố, ứng cử viên Phó Tổng thống của ông ta sẽ là Thống đốc Sarah Palin của bang Alaska. Một câu hỏi “bà ta là Ai?" vang lên khắp nơi trong nước. Lúc đó hầu như không ai biết bà ta là ai, ngay cả những người rất đam mê chính trị. Đội ngũ của Obama nghi ngờ sự đề cử bà là nỗ lực nhằm thu hút những phụ nữ đã ủng hộ tôi hết mình. Ngay lập tức đưa đội của Obama ra tuyên bố chỉ trích thô bạo và hi vọng tôi cũng sẽ làm theo, nhưng tôi không làm. Tôi sẽ không tấn công bà Patin chỉ vì việc bà tìm kiếm sự ủng hộ từ những người phụ nữ khác. Tôi cảm thấy không phù hợp với quy tắc chính trị. Vì thế tôi không làm và nói với họ còn nhiều thời gian để tìm kiếm những sai sót khác. Vài giờ sau, đội ngũ của Obama thay đổi ý kiến, tuyên bố chúc mừng Thống đốc Patin.
Trong những tuần tiếp theo, Bill và tôi đã tham dự hơn một trăm sự kiện và tiệc gây quỹ với những người ủng hộ và các cử tri chưa quyết định, thuyết phục họ ủng hộ bầu cho Barack và Joe. Vào sáng ngày 4 tháng 11 - Ngày bầu cử - chúng tôi đến một trường tiểu học địa phương gần nhà ở Chappaqua, New York, để bỏ phiếu. Đó là kết thúc của một cuộc hành trình dài nhưng thật tuyệt vời. Đêm ấy Bill đã dán mắt vào màn hình TV, làm những gì anh ấy luôn làm vào đêm bầu cử: phân tích tất cả các dữ liệu tìm được và các dự đoán sơ bộ. Bây giờ chúng tôi không thể giúp gì được nữa, tôi cố gắng tìm những việc khác cho đến khi có kết quả. Bất ngờ, chiến thắng thật áp đảo, không cần chờ đợi đến giây phút cuối cùng của kiểm phiếu, như các cuộc bầu cử năm 2000 và năm 2004. Huma gọi điện cho Reggie Love, ngay sau đó tôi đã chúc mừng Tổng thống đắc cử. (Đó là cách tôi bắt đầu nghĩ, nói về ông sau khi cuộc bầu cử kết thúc, giống như sau khi nhậm chức, ông ta sẽ trở thành "Ngài Tổng thống). Tôi rất vui, tự hào và cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là lúc tôi có thể thở phào và trở về với cuộc sống thường nhật như trước.
Năm ngày sau cuộc bầu cử, một buổi chiều chủ nhật yên tĩnh, - một cơ hội hoàn hảo để thư giãn. Không khí mùa thu thật trong lành, Bill và tôi quyết định đi dạo đến ven sông Gorge Mianus, một trong những con đường mòn gần nơi chúng tôi đang sống ở hạt Westchester. Do cuộc sống bận rộn, chúng tôi thường tìm cách thư giãn bằng những cuộc đi bộ đường dài, quên đi những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày. Cuốc bộ thật sảng khoái. Chiến dịch bầu cử kết thúc, tôi có thể trở về với công việc ở Thượng viện. Tôi thích được đại diện cho người dân New York và bây giờ tôi có một chương trình nghị sự bao gồm nhiều điều mà tôi muốn thúc đẩy. Đầu tôi đầy ắp những ý tưởng, hy vọng có thể thực hiện được nhờ vào mối quan hệ thân thiết với Tổng thống sắp tới. Tôi thật không ngờ, mối quan hệ ấy còn trở nên gần gũi hơn nữa. Khi chúng tôi đang dạo bước, điện thoại di động của Bill đổ chuông. Khi trả lời, Bill nhận ra tiếng của Tổng thống mới đắc cử, ông muốn nói chuyện với hai vợ chồng chúng tôi. Bill nói, chúng tôi đang đi dạo ở khu rừng bảo tồn và sẽ gọi lại khi chúng tôi về nhà. Tại sao ông ta gọi nhỉ? Có lẽ ông ta muốn gợi ý về nội các chăng? Hay để tham khảo ý kiến về kế hoạch lớn đầy thử thách như phục hồi kinh tế, cải cách hệ thống y tế? Hoặc đơn giản hơn ông chỉ muốn chúng tôi giải quyết giúp sự bùng nổ các hoạt động về lập pháp trong mùa xuân?
Nhớ lại những ngày bổ nhiệm bận rộn khi chuẩn bị vào Nhà Trắng, Bill đoán, ông ta muốn chúng tôi đề cử các thành viên nội các cho chính quyền của ông. Khi về đến nhà, dự đoán của Bill hoàn toàn chính xác - đối với Bill thôi. Tổng thống mới đắc cử muốn tham khảo ý kiếm Bill về những thành viên tiềm năng cho ban kinh tế mà ông dự định để xử lý cuộc khủng hoảng tài chính trong nước. Sau đó, ông nói với Bill mong gặp tôi sớm. Tôi cho rằng ông muốn nói chuyện hợp tác cho gói dự luật tại Thượng viện.
Nhưng tôi rất tò mò, vì vậy tôi gọi một số thành viên Thượng viện để hỏi ý kiến, trong đó có cả phát ngôn viên của tôi, Philippe Reines. Philippe rất nhiệt tình, trung thành và khôn ngoan. Ông thường đoán biết các hoạt động lớn ở Washington và luôn luôn nói thật những suy nghĩ của mình và lần này cũng vậy. Hai ngày trước, Philippe nói với tôi về những tin đồn, tôi sẽ được đề cử vào nhiều vị trí, từ Bộ trưởng Quốc phòng đến Tổng Giám đốc Bưu Ðiện, nhưng ông ta dự đoán "Bà sẽ được đề cử làm Ngoại trưởng".
Tôi trả lời ngay: "Vô lý! Làm gì có chuyện đó!". Tôi nghĩ, không phải Philippe đã ảo tưởng. Thật sự mà nói, tôi không quan tâm đến việc là thành viên trong nội các. Tôi muốn trở lại Thượng viện và làm việc cho bang New York. Từ vụ 9-11 đến sự khủng hoảng tài chính năm 2008, người dân New York đã trải qua tám năm đầy khó khăn. Họ đã tin tôi từ năm 2000, giờ đây họ cần người đại diện mạnh mẽ và quyết tâm ở Washington. Tôi thích làm chủ chính mình, muốn tự đặt ra các kế hoạch chương trình nghị sự và thời gian biểu riêng. Tham gia nội các, có nghĩa là từ bỏ một số quyền như thế.
Khi tôi gọi Philippe vào Chủ nhật, ông cho biết, giới truyền thông đang bắt đầu suy đoán. Chương trình “Trong Tuần” của đài ABC đề cập đến những tin đồn, Tổng thống đắc cử Obama đang xem xét đưa tôi vào vị trí Ngoại trưởng. Chương trình này còn nói thêm, ông rất thích ý tưởng có một "đội ngũ đối thủ" trong nội các của ông, ý ám chỉ đến cuốn sách lịch sử bán chạy nhất năm 2005 của Doris Kearns Goodwin, nói về quyết định của Tổng thống Abraham Lincohn bổ nhiệm William Henry Seward, thượng nghị sĩ bang New York, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà làm Ngoại trưởng sau khi đánh bại ông ta trong cuộc chạy đua.
Từ lâu tôi là người rất hâm mộ William Henry Seward, do đó tôi thấy sự so sánh này rất thú vị. Ông là một trong những người xuất chúng của thời đại, người ủng hộ cải cách dựa trên nguyên tắc, một người chỉ trích ngay gắt chế độ chiếm hữu nô lệ, Thống đốc và Thượng nghị sĩ bang New York và Ngoại trưởng. Ông cũng đã giúp Tổng thống Lincoln soạn dự thảo Tuyên bố Lễ Tạ Ơn, chuyển ngày đó thành ngày lễ toàn quốc. Người đương thời mô tả ông như sau: "không bao giờ vội vã, sắc sảo, khôn khéo, thích nói chuyện vui, thích những thứ tốt đẹp và các món ăn ngon”- xem ra có vẻ rất “giống tôi”.
Seward từng là một Thượng nghị sĩ nổi tiếng bang New York trước khi quyết định ra tranh cử tổng thống, ông phải đối mặt với một chính trị gia linh hoạt, đầy quyết đoán bang Illinois. Ngay sự so sánh này cũng không hoàn hảo; Tôi hy vọng đừng ai coi tôi là “con yểng khôn ngoan” mà nhà sử học Henry Adams đã đánh giá ông. Tôi thấy hứng thú việc nhà báo Horace Greeley đã cố phá hỏng chiến dịch tranh cử của Seward. Người ta cũng dựng tượng ông đặt gần nhà tôi ờ Chappaqua.
Seward cũng làm tôi ấn tượng bởi nhiều lý do khác ngoài những chuyện trùng hợp. Tôi đã viếng thăm tư dinh ông ở Auburn, New York - gần ga của tầu điện ngầm giúp nô lệ chạy trốn khỏi miền Nam. Ngôi nhà chứa đầy những kỷ vật về một sự nghiệp lừng danh và 14 tháng công du nước ngoài trên thế giới sau khi từ nhiệm. Phòng trưng bày gồm các đồ lưu niệm, tặng phẩm hầu hết của các nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt các vị vua tặng cho những người trung thành với nền dân chủ.
Dù đã đi khắp đó đây, Seward vẫn quan tâm sâu sắc đến với cử tri của mình và họ cũng cũng rất quý ông. Ông đã tiên đoán nước Mỹ có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh. Ông nói cũng đi đôi với hành động để hướng đến điều đó. Harriet Tubman, một người phụ trách toa xe đường sắt ngầm, sau này về sống tại ngôi nhà được xây trên mảnh đất quê hương của Seward ở Auburn do chính Seward nhượng lại. Tình bạn giữa ông với Lincohn rất cảm động. Sau khi chấp nhận thất bại trong cuộc chạy đua, Seward đã làm việc hăng say cho chiến dịch bầu cử của Lincohn, ông đi khắp đất nước bằng đường tầu, đi đến đâu tuyên truyền đến đó và nhanh chóng trở thành cố vấn thân cận nhất của Lincohn. Ông gợi ý cho Tổng thống về đoạn cuối của bài diễn văn nhậm chức, nói về “cái thiện trong bản chất con người”. Ông bị ám sát cùng với Tổng thống Lincohn, nhưng ông thoát chết. Lincohn và ông cùng nhau đi trên đoạn đường dài, tình bạn, sự cần cù của họ đã giúp chính quyền miền bắc chiến thắng.
Sau khi Nội chiến kết thúc, công việc của Seward còn nhiều bề bộn. Năm 1867, ông chỉ đạo mua vùng Alaska của nước Nga Sa hoàng. Với cái giá 7, 2 triệu Mỹ kim thời kỳ đó cho là quá ngông cuồng, lãng phí, đến nỗi người ta gọi thỏa thuận đó là sự “ngu ngốc của Seward”, mặc dù ngày nay chúng ta coi thỏa thuận đó là một trong những thỏa thuận vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (vụ mua đất giá cực rẻ như lấy không với giá 2 cent một acre - khoảng 4070m2 – ND). Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm ở Alaska vài tháng, hàng ngày đi mổ moi ruột cá và rửa chén đĩa. Giờ đây, khi tên tuổi của tôi được nhắc đến nhiều ở vị trí ở Bộ Ngoại giao, tôi tự hỏi, có khi nào linh hồn của Seward bám theo tôi không. Nhưng tôi cũng phải tự hỏi, nếu Tổng thống yêu cầu, tôi có ngu ngốc không nếu rời bỏ Thượng viện và toàn bộ kế hoạch chỉ vì nhiệm kỳ ngắn ngủi trong chính quyền?
Hôm sau, khi Tổng thống đắc cử Obama gọi Bill, trong lễ trao giải thưởng “Phụ nữ của năm” do báo Glamour tổ chức ở thành phố New York, một phóng viên hỏi, liệu tôi có chấp nhận một vị trí trong chính quyền Obama hay không. Tôi đã bày tỏ cảm giác của mình: "Tôi đang rất hạnh phúc là một Thượng nghị sĩ đại diện cho bang New York". Đó là sự thật, tuy nhiên, trên quan điểm của người thực tế, tôi biết, trong chính trị mọi thứ đều có thể xảy ra.
Sáng thứ năm, ngày 13-11-2008, tôi và Huma kín đáo bay tới Chicago để gặp tân Tổng thống đắc cử. Khi đến trụ sở tạm thời, tôi được dẫn vào một căn phòng lớn ốp gỗ với một vài cái ghế và một cái bàn gấp-, nơi tôi sẽ gặp riêng với Tổng thống đắc cử.
Trông ông có vẻ thư giãn, thoải mái và điềm tĩnh hơn so với quãng thời gian vài tháng trước. Mặc dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, nhưng ông tỏ ra tự tin. Như sau này tôi thấy ông thường làm, ông đã đi thẳng vào vấn đề chính, đề nghị tôi nhận chức Ngoại trưởng. Ông nói với tôi ông đã xem xét kỹ vị trí này và tin rằng tôi là người duy nhất có thể đảm nhiệm vai trò đó tại thời điểm nước Mỹ phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài nước.
Mặc dù tôi từng nghe những tin đồn và những câu hỏi trực tiếp, tôi vẫn sốc khi ông đề cử. Chỉ vài tháng trước, Barack Obama và tôi vẫn còn đang cạnh tranh trong cuộc chạy đua khó khăn ứng cử viên Tổng thống nhất trong lịch sử. Giờ đây ông lại đề nghị tôi nhận vị trí quan trọng nhất trong nội các, nhân vật đứng thứ tư trong chính phủ Mỹ. Điều này giống hệt giai đoạn cuối của phim truyền hình nhiều tập “West Wing” (Khu phía Tây); Trong phim đó, người đắc cử Tổng thống mời đối thủ thất bại làm Ngoại trưởng; Trong phim truyền hình, lúc đầu đối thủ từ chối, nhưng tân Tổng thống không chấp nhận câu trả lời “không”.
Trong thực tế, Tổng thống đắc cử Obama đã chuẩn bị những lý lẽ xác đáng: ông phải tập trung hết thời gian và tâm trí giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, vì thế ông cần người có uy tín và năng lực thay ông giải quyết ở nước ngoài. Tôi chăm chú lắng nghe và nhẹ nhàng từ chối dù cảm thấy thật sự vinh dự. Tôi rất quan tâm chính sách đối ngoại; tôi tin đó là yếu tố quyết định để khôi phục lại vị thế quốc tế đã bị suy giảm của nước ta. Có hai cuộc chiến để giải quyết, bên cạnh đó có nhiều mối đe dọa và cơ hội đều nổi lên. Nhưng tôi cảm thấy say mê, hứng thú với việc giải quyết nạn thất nghiệp đang lên cao, cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe đã lỗi thời và tạo nhiều cơ hội mới cho các gia đình người Mỹ. Người dân đang phải chịu khổ, họ cần có người đứng lên đấu tranh vì họ. Tôi sẽ phải đối mặt với tất cả việc đó và nhiều hơn thế nữa ở Thượng viện. Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà ngoại giao dày dạn kinh nghệm có thể đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng. Tôi gợi ý: “Còn Richard Holbrooker thì sao? Hay George Mitchell?” Nhưng ông không nhượng bộ và tôi nói thêm, tôi cần thời gian để suy nghĩ thêm. Điều này choán hết tâm trí của tôi trong chuyến bay trở về New York.
Các suy đoán của báo chí đã rất ồn ào trước khi tôi trở về New York. Hai ngày sau, tờ New York Times giật tít: “Cuộc gặp giữa Obama và Clinton gây xôn xao” ở ngay trang nhất. Bài báo nhận định, khả năng tôi trở thành Ngoại trưởng có thể đem lại “kết thúc đầy bất ngờ” của cuộc chạy đua đầy kịch tính giữa Obama và Clinton. Tôn trọng tân Tổng thống đắc cử, tôi tránh xác nhận lời đề nghị, nhưng suy nghĩ rất nhiều.
Tôi hứa sẽ suy nghĩ lại, vì vậy trong suốt tuần sau, tôi liên tục nói chuyện với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Bill và Chelsea là những người kiên nhẫn lắng nghe và lưu ý tôi phải cân nhắc cẩn thận. Bạn bè của tôi chia thành hai nhóm: người ủng hộ và người hoài nghi. Tôi chỉ có một vài ngày để suy nghĩ và quyết định. Vị trí ấy rất hấp dẫn và tôi tin vào khả năng của mình. Tôi đã trải qua nhiều thử thách và đối mặt cùng với nước Mỹ với cương vị Đệ nhất phu nhân và Thượng nghị sĩ; tôi có quan hệ tốt với nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới, từ Thủ tướng Angela Merkel của Đức đến Tổng thống Hamid Karzai ở Afghanistan.
Một người bạn quý của tôi, John Podesta, đồng chủ tịch Ủy ban chuyển giao của Obama và là cựu Chánh văn phòng của chồng tôi khi còn trong Nhà Trắng, gọi điện cho tôi ngày 16 tháng 11 bàn về một số vấn đề và nhấn mạnh lời đề nghị của Tổng thống đắc cử. Chúng tôi thảo luận một số vấn đề thực tế hơn, làm thế nào tôi trả được hơn 6 triệu Mỹ kim còn lại từ chiến dịch nếu tôi trở thành Ngoại trưởng và không tham gia đảng phái chính trị. Tôi không muốn hạn chế việc thời gian mà Bill đang thực hiện trên thế giới thông qua các Quỹ Clinton. Báo chí đã nói nhiều về xung đột lợi ích giữa các nỗ lực từ thiện của Bill và vị trí tiềm năng mới của tôi. Vấn đề này được giải quyết nhanh chóng với sự giúp đỡ của Ủy ban chuyển giao của Tổng thống kiểm tra các nhà tài trợ của Quỹ và Bill đồng ý tiết lộ tên các nhà tài trợ cũng như từ bỏ “Sáng kiến toàn cầu Clinton”, một hệ thống hội nghị từ thiện kiểu mới, liên kết nhiều tổ chức nước ngoài để tránh những xung đột không đáng có. Bill động viên tôi: “Em làm Ngoại trưởng sẽ mang lại nhiều việc tốt hơn công việc từ thiện của anh”.
Trong chiến dịch tranh cử và bốn năm nhiệm kỳ Ngoại trưởng cũng như nhiều thập niên qua, Bill là người hỗ trợ đắc lực cho tôi. Anh nhắc tôi phải tập trung vào các "xu hướng" và rút ra những trải nghiệm. Tôi đã tham khảo ý kiến một số đồng nghiệp tin cậy. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Barbara Mikulski và nghị sĩ Ellen Tauscher khuyến khích tôi chấp nhận, cũng như Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cùng bang New York. Dù nhiều người cho rằng giữa tôi và Chuck có nhiều điểm bất đồng thường hay tranh luận, nhưng thật sự chúng tôi là một đội tuyệt vời, làm việc hiệu quả và tôn trọng lẫn nhau. Người lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Harry Reid làm tôi ngạc nhiên khi ông chia sẻ rằng Tổng thống đắc cử đã hỏi ông về việc này vào mùa thu, trong lần vận động chiến dịch ở Las Vegas. Ông nói, mặc dù ông muốn tôi ở lại Thượng viện, nhưng lời đề nghị này không thể bỏ qua.
Vì vậy tôi tiếp tục suy nghĩ. Có lúc tôi muốn đồng ý, nhưng lại lên kế hoạch về đạo luật mới trình lên Thượng viện. Sau này tôi mới biết đội ngũ của tôi và Tổng thống đắc cử tìm cách để tôi đồng ý nhận vị trí đó. Nhân viên của tôi báo đó là ngày sinh nhật của Joe Biden, vì vậy tôi gọi điện cho ông sớm hơn hai ngày, tạo cơ hội cho Joe nói chuyện lâu hơn và thuyết phục tôi. Cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel giả vờ, nói, Tổng thống mới đắc cử đã mích lòng khi tôi cố gọi điện để từ chối.
Cuối cùng, Obama và tôi đã nói chuyện qua điện thoại ngày 20-11. Ông quan tâm những lo lắng của tôi, trả lời câu hỏi và rất hứng thú về những việc chúng tôi sẽ làm. Tôi nói với ông, dù còn mối lo việc từ thiện của Bill và khoản nợ chiến dịch, nhưng tôi lo nhất khả năng của tôi chỉ phù hợp với Thượng viện, chứ không phải công việc nội các. Thật ra, tôi đang tìm kiếm lịch làm việc quy củ hơn sau một cuộc chạy đua kéo dài. Tôi trình bày mọi việc và Barack kiên nhẫn lắng nghe, sau đó đảm bảo các mối quan tâm của tôi sẽ được giải quyết.
Một cách rất khôn ngoan, Tổng thống lái câu chuyện từ lời đề nghị sang nội dung công việc chung một cách khéo léo. Chúng tôi trao đổi về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, những thách thức gây ra bởi Iran và Bắc Triều Tiên và làm thế nào Mỹ có thể thoát ra khỏi suy thoái kinh tế. Đây là cuộc trao đổi rất tự nhiên và riêng tư sau hơn một năm tranh cãi dưới ống kính truyền hình đã tạo cho tôi một cảm giác thoải mái. Nghĩ lại, cuộc trò chuyện này thật sự quan trọng. Chúng tôi đã đặt nền móng, một đường lối cho chính sách ngoại giao trong những năm tới.
Tuy vậy, câu trả lời của tôi là vẫn là “không”. Tổng thống mới đắc cử một lần nữa từ chối chấp nhận điều đó. "Tôi muốn nghe câu trả lời “đồng ý", ông nói với tôi. "Chị là người phù hợp nhất cho vị trí này". Ông không chấp nhận lời từ chối. Điều này làm tôi rất khó nghĩ.
Đêm đó tôi thức trắng. Tôi nghĩ, nếu mọi chuyện xảy ra theo chiều ngược lại thì sao đây? Nếu tôi chiến thắng, trở thành Tổng thống, liệu tôi có muốn Obama trở thành Ngoại trưởng hay không? Và tất nhiên tôi muốn ông trả lời “có” thật nhanh để tập trung giải quyết những vấn đề khác. Tôi muốn những chính trị gia tài năng nhất tập hợp lại và làm việc chăm chỉ, vì lợi ích quốc gia. Càng nghĩ, tôi càng thấy tổng thống đắc cử đã đúng. Đất nước này đang gặp khó khăn, cả trong và ngoài nước. Barack cần một ngoại trưởng, người có thể ngay lập tức bước lên vũ đài toàn cầu và bắt đầu sửa chữa những thiệt hại mà chúng ta thừa kế.
Cuối cùng, tôi đồng ý với câu nói: Khi Tổng thống yêu cầu, bạn nên chấp nhận. Tôi yêu công việc ở Thượng viện, còn ông cần tôi ở Bộ Ngoại giao. Bố tôi tham gia Hải quân trong Thế chiến II, với trách nhiệm huấn luyện thủy thủ trẻ chiến đấu ở Thái Bình Dương. Và mặc dù ông thường cằn nhằn về những quyết định của Tổng thống, chính bố mẹ đã tạo cho tôi thấm nhuần ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ. Đức tin giáo hội Metholist của gia đình dạy tôi: “Làm tất cả những điều tốt ta có thể, ở bất kỳ nơi nào, với bất cứ ai, càng nhiều càng lâu càng tốt”. Tiếng gọi của trách nhiệm đã giúp tôi tranh cử Thượng nghị sĩ năm 2000 và bây giờ giúp tôi vượt qua sự lựa chọn khó khăn giữa rời Thượng viện và chấp nhận cương vị Ngoại trưởng.
Đến sáng tôi quyết định, gọi điện ngay cho Tổng thống đắc cử. Ông rất vui vì tôi đã chấp thuận, đảm bảo tôi có thể gặp với ông bất kỳ khi nào tôi muốn. Ông nói tôi có thể tự chọn đội ngũ với một số gợi ý. Là một người từng ở Nhà Trắng, tôi biết tầm quan trọng của cả hai lời hứa đó. Lịch sử đã chứng minh, nếu Bộ Ngoại giao bị Nhà Trắng coi thường, kết quả thường có chiều tiêu cực. Tổng thống mới đắc cử bảo đảm lần này hoàn toàn khác, không như vậy, nói: "Tôi muốn chị thành công". Ông biết đối tác chính sách đối ngoại chắc chắn không bằng phẳng, tuy nhiên phải tạo ra những điều kiện tốt nhất cho đất nước. Nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi cũng chưa thật thân thiết, nhưng tôi thật xúc động khi ông nói: "Trái ngược với những gì người ta nhận xét, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ trở thành những người bạn tốt". Câu nói này đi cùng chúng tôi mấy năm tiếp theo.
Tổng thống thực hiện đúng lời hứa. Ông cho tôi hoàn toàn tự do lựa chọn đội ngũ, đồng thời tin tôi như người cố vấn trưởng trong chính sách đối ngoại và thường xuyên chúng tôi gặp nhau bàn những việc quan trọng. Ông và tôi gặp nhau ít nhất một lần một tuần nếu không đi vắng. Ngoài ra còn có cuộc họp nội các, họp Hội đồng An ninh Quốc gia và gặp mặt song phương với các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm - và những người đã được hẹn gặp Tổng thống. Tôi cũng thường xuyên gặp gỡ tại Nhà Trắng với Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia. Dù phải đi nước ngoài rất nhiều, nhưng tôi đã đến Nhà Trắng hơn 700 lần trong suốt nhiệm kỳ 4 năm. Sau khi thất bại trong cuộc chạy đua, tôi không bao giờ nghĩ mình lại đến Nhà Trắng nhiều đến như thế.
Trong những năm làm việc, không phải bao giờ tôi cũng đồng ý với Tổng thống và đội ngũ của ông. Một số chuyện có trình bày trong cuốn sách này, nhưng nhiều chuyện khác xin phép được giữ kín để bảo mật quan hệ giữa Tổng thống và Ngoại trưởng, nhất là ông vẫn còn tại chức. Tuy vậy, ông và tôi đã phát triển mối quan hệ công việc cũng như tình bạn mang tính cá nhân tốt đẹp. Vài tuần sau khi Tổng thống nhậm chức, một buổi chiều tháng Tư mát dịu, ông gợi ý nên tổ chức cuộc họp hàng tuần theo lối picnic bên ngoài Phòng Bầu Dục, khu bãi cỏ của South Lawn, sát sân chơi mới của hai cô con gái ông, Malia và Sasha. Tôi rất thích, báo chí gọi nó “cuộc họp chiến lược trên bàn picnic”. Nhưng tôi lại gọi “Hai người tâm đầu ý hợp đang trò chuyện vui vẻ”.
Thứ Hai, ngày 1-12, tân Tổng thống đắc cử Obama tuyên bố lựa chọn tôi giữ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao thứ 67 của Hoa Kỳ. Đứng bên cạnh ông, ông tuyên bố: "Bổ nhiệm bà Hillary là một dấu hiệu cam kết nghiêm túc của tôi với việc cải cách nền ngoại giao Mỹ.”
Tháng sau, vào ngày 20-1-2009, tôi và Bill chứng kiến Barack Obama tuyên thệ nhậm chức trong cái rét lạnh cóng. Bây giờ chúng tôi không còn là đối thủ mà là đối tác.