ổng thống nhìn quanh, hỏi: “Hillary đi đâu thế nhỉ?” Ông đang phát biểu về dân chủ ở Burma, đứng ngay bên cổng căn nhà của Aung San Suu Kyi ở Ranggoon. Tổng thống hỏi tiếp: “Bà ấy đâu nhỉ?”
Hôm ấy vào tháng 12-2012, đây là chuyên công du cuối cùng giữa tôi và ông, vị Tổng thống và viên Ngoại trưởng. Tôi giơ tay vẫy vẫy, ông nhìn thấy, nói: “Đây rồi!” Khi ông nói lời cảm ơn, tôi nghĩ cách đây bốn năm, từ hôm ở trong phòng khách của Dianne Feinstein thời gian trôi đi nhanh thật. Khoảng khắc trong chuyến công du cuối cùng giữa hai chúng tôi là sự buồn vui lẫn lộn, vui vì những gì đã đạt được, thiết lập được những đối tác mới, buồn vì ngày chia tay đang tới gần.
Hai tuần trước, Tổng thống tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Không như chiến dịch tranh cử năm 2008, tôi không thể giúp ông. Theo luật pháp và truyền thống, Ngoại trưởng phải đứng ngoài những chuyện cạnh tranh chính trị. Hội nghị Quốc gia Dân chủ ở Charlotte, Bắc Carolina lần đầu tiên năm 1976, tôi không được tham dự. Năm 2008, hội nghị ở Denver đã làm tôi thay đổi và chấp thuận Tổng thống Obama, góp phần xây dựng đoàn kết nhất trí của đảng Dân chủ sau chiến dịch tranh cử kéo dài. Nhưng trong hội nghị năm 2012, tôi đang ở bên kia địa cầu, thay mặt cho quốc gia làm nhiệm vụ ngọai giao ở Á châu.
Đúng cái đêm mà chồng tôi, Bill Clinton, đọc diễn văn tại đại hội đảng đề cử Tổng thống ra tranh cử, tôi đang ở Timor-Leste (Đông Timor) một quốc gia vừa mới thành lập, sau cuộc tranh đấu lâu dài gian khổ giành được độc lập từ Indonesia năm 2002. Sau một ngày làm việc tại thủ đô Dili, trước khi bay sang Brunei dự cuộc họp và dạ tiệc với Quốc vương Hassanal Bolkiah, tôi dành chút thời gian cá nhân trong khu toà đại sứ Mỹ. Nơi đây không thu được chương trình truyền hình CNN, hệ thống internet giải tầng rất hạn chế, may Philippe Reines đã nối được máy TiVo với mạng internet của Washington, vì thế tôi được xem lại bài phát biểu của Bill trên máy vi tính của toà Đại sứ. Tôi ngồi và mọi người xúm lại xung quanh xem qua màn hình vi tính.
Tôi mỉm cười khi thấy Bill bước lên diễn đàn trước đám đông đầy nhiệt huyết. Thấm thoát đã 16 năm, kể từ khi chiến dịch tranh cử của Bill lần cuối cùng, nhưng Bill vẫn như xưa, đầy nhiệt tình, phấn kích trước những sự kiện chính trị to lớn, chẳng khác gì một vị luật sư đưa ra những bằng chứng trước thẩm phán, Bill giải thích vì sao nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu bị sa sút từ những năm 2009 và chính quyền Obama đã giải quyết và xoay chuyển được tình hình khó khăn ấy ra sao. Trong phần kết luận bài diễn văn, Bill nêu ra vấn đề suy yếu và sự đổi mới: “Hơn hai trăm năm qua, sau mỗi lần khủng hoảng, đất nước ta lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Người ta đã từng dự đoán, Hoa Kỳ sẽ sụp đổ ngay từ thời George Washington, đã bị chỉ trích là viên thanh tra xoàng xĩnh với bộ răng giả xấu xí. Cho đến hôm nay, hễ ai đặt cá cược chống sự hồi sinh của Mỹ đều đã trắng tay, vì lần nào cũng vậy, sau khủng hoảng chúng ta lại hồi sinh. Lửa thử vàng gian nan thử sức, chúng ta đã vượt qua cuộc thử sức này”. Kết thúc bài diễn văn, bất ngờ Tổng thống Obama bước ra sân khấu cảm ơn Bill. Hai vị Tổng thống ôm nhau, đám đông hò reo vang trời. Từ nơi cách xa hàng vạn dặm được nhìn khoảng khắc xúc động này, tôi thật tự hào về chồng tôi, vị cựu Tổng thống và cả đương kim Tổng thống mà tôi hân hạnh được làm việc dưới quyền ông cũng như phục vụ cho đất nước.
Kết thúc những ngày làm việc ở Burma, Tổng thống Obama và tôi lên phi cơ Air Force One sang Campuchia, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và ASEAN. Hội nghị này là phép thử quan trọng về chiến lược xoay trục của chúng ta. Trong lúc ấy, cuộc xung đột ở dải Gaza giữa Israel và Hamas đang sôi sục, Tổng thống quyết định tôi rời khỏi đoàn bay sang Trung Đông để đứng ra làm trung gian cho lệnh ngừng bắn. Tổng thống mời tôi đến văn phòng ông trên Air Force One bàn việc.
Ngồi đối diện ông trước chiếc bàn gỗ rộng, chúng tôi thảo luận chính sách ngoại giao tinh tế cần giải quyết. Mặc cho những gì đang diễn ra, chúng tôi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra. Bốn năm qua thay đổi quá nhiều, những điều và những cách mà cả hai chúng tôi không thể ngờ tới. Chúng tôi cùng nhau làm việc, giúp để hiểu nhau hơn nữa, những gì cá nhân đạt được cũng như thế giới trước đầy chưa bao giờ có được.
Trong lúc cùng nhau trao đổi, tôi cũng không đoán được cái gì sẽ đến. Tổng thống hỏi: “Hillary giữ chức Ngoại trưởng nhiệm kỳ hai được không?”
Ngay khi chấp nhận công việc, tôi tự nhủ: “Một nhiệm kỳ thôi” và tôi cũng thường nói trước công chúng về điều này. Mặc dù tôi rất yêu công việc và chức Ngoại trưởng, nhưng tôi muốn giành thời gian cho gia đình, giao tiếp bạn bè và làm những công việc hàng ngày tôi yêu thích. Kể ra cũng thật tốt, không phải đi nhiều, chệch múi giờ khó khăn cho đồng hồ sinh học phải tính cộng hay trừ năm, mười hay mười bốn tiếng đồng hồ ở bất cứ nơi nào khi thức dậy.
Giống như 4 năm trước, cái “gien ham công tiếc việc” của tôi hình như đang thì thầm việc phục vụ quốc gia đừng có bao giờ tính toán thiệt hơn, chức cao hay thấp. Nếu vị Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu bạn bước lên đứng trên cái đĩa, bạn làm thế nào để trả lời “không làm”? Hiện nay có biết bao công việc chưa hoàn thành, còn dang dở. Hội nghị Thượng đỉnh ở Campuchia, khủng hoảng ở Gaza, đấy mới chỉ là hai ví dụ trước mắt. Còn vấn đề dân chủ của Burma thì sao? Hoặc cuộc đàm phán bí mật giữa chúng ta với Iran? Làm thế nào để chống lại sự thách thức ngày càng tăng của Putin?
Nhưng ngoại giao là cuộc chạy đua tiếp sức, tôi đã đuối sức. Tôi trả lời: “Thưa Tổng thống, tôi buộc phải cáo lỗi. Tôi không thể tiếp tục được”.
Vài tháng sau khi nói lời chia tay, tôi dự bữa trưa với Tổng thống Obama tại phòng ăn riêng gần phòng Bầu Dục. Sau khi ăn xong món cá tacos, ông và tôi thảo luận về bản ghi nhớ gồm 20 trang tôi chuẩn bị cho ông trong nhiệm kỳ hai, những gì đã làm và những kế hoạch mới. Ra về, chúng tôi dừng lại phòng Bầu dục. Mắt rơm rớm, tôi ôm lấy Tổng thống, một lần nữa kể lại những gì đã làm, tình bạn giữa hai người, tôi nói, khi nào cần ông có thể điện cho tôi bất cứ lúc nào.
Ngày 1-2-2013, ngày cuối cùng của tôi ở khu Foggy Bottom, tôi xuống ghế bên bàn nhỏ bằng gỗ anh đào lần cuối cùng, lấy giấy bút viết thư cho Kerry. Tôi đặt thư đúng vào chỗ thư của Condi gửi cho tôi 4 năm về trước. Sau đó tôi ký vào lá thư xin từ chức gửi Tổng thống. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm, giữ các cương vị như Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng giờ đây tôi không còn có bất kỳ vai trò nào trong chính phủ.
Việc cuối cùng xuống sảnh đường, nơi tôi được chào đón ngày đầu tiên nhậm chức vào năm 2009, để nói lời từ biệt với tất cả anh chị em trong Bộ Ngoại giao và USAID. Những lời càm ơn, tôi cảm thấy chưa đủ đền đáp lại công lao đóng góp của mọi người đã dành cho tôi. Một lần nữa, tôi nhìn bức tường bằng đá cẩm thạch khắc tên những đồng nghiệp đã hy sinh cho sự nghiệp của đất nước. Tôi âm thầm cầu nguyện cho họ và gia đình họ. Trong sảnh đường chật ních mọi người đến chào, nói lời chia tay với tấm lòng thương yêu, trìu mến và kính trọng. Tôi rất vui vì họ vẫn tiếp tục phục vụ Hoa Kỳ với trí thông minh, sự quyết tâm và lòng quả cảm.
Những năm tới, nước Mỹ phải biết chuẩn bị những gì sẽ rút được qua lịch sử để bảo vệ giá trị và lợi ích của chúng ta. Nó không phải là giấy gọi tòng quân, đối đầu với cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới – chúng ta đã rút ra bài học từ những tổn thất, nó sẽ là lần cuối và không tái phạm. Hãy đứng lên đoàn kết nhất trí theo đuổi mục đích vì tự do và hoà bình thế giới mà chỉ Hoa Kỳ mới là người có thể quyết định.
Sức mạnh của chúng ta ở hải ngoại tùy thuộc và quyết tâm và khả năng phục hồi nhanh hay chậm trong nước. Người dân và các nhà lãnh đạo cũng đều có sự lựa chọn những gì ta muốn cho cuộc sống hiện tại và cho thế hệ mai sau. Thu nhập của tầng lớp trung lưu đã giảm sút hơn thập niên qua, nghèo đói đã bắt đầu xuất hiện, tăng trưởng hầu như khó lòng tăng hơn nữa. Chúng ta cần thêm những việc làm, cần thưởng cho những người chăm chỉ bằng cách tăng lương, tăng bậc tay nghề, phẩm giá đó là nấc thang để có cuộc sống tốt hơn. Đầu tư xây dựng một nền kinh tế thực sự của thế kỷ 21 với nhiều cơ hội, giảm bất bình đẳng. Chấm dứt những bất đồng chính trị ở Wasington đã làm ảnh hưởng sự tiến bộ và giảm giá trị nên dân chủ của chúng ta. Có nghĩa là chúng ta và những người quanh ta cũng như đồng nghiệp phải được trao quyền để được tham gia toàn diện vào nền kinh tế và dân chủ. Đó là con đường duy nhất khôi phục Giấc mơ Mỹ, đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài và Hoa Kỳ tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới.
Chẳng dễ dàng gì thực hiện trong bầu chính trị hiện nay của chúng ta. Tôi xin được trích câu nói trong phim A League of Their Own: “Nhiệm vụ thật khó khăn… nhưng khó khăn tạo ra sự vĩ đại.” Hãy cố gắng làm hết sức những công việc khó khăn, đất nước ta sẽ trở lên vĩ đại.
Tôi giành cả năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 để viết cuốn sách này, từ một căn phòng đọc sách xinh xắn, ấm cúng, tầng ba đầy nắng tại nhà riêng ở Cahppaqua, New York. Nơi trải tấm thảm dầy, chiếc ghế ngồi dễ chịu, có thể nhỉn qua cửa sổ ngắm những ngọn của hàng cây. Dành thời gian đọc sách, ngủ bù và đi dạo với Bill cùng chú cún cưng, gần gũi với gia đình và suy nghĩ về tương lai.
Đầu năm 2014, Bill và tôi nhận được tin tuyệt vời, cái tin mà chúng tôi háo hức mong đợi từ lâu. Chúng tôi đã lên chức ông bà! Niềm vui của chúng tôi cũng là niềm hạnh phúc tràn trề của Chelsea và Marc. Khi Chelsea ra đời, tôi thật sự lo lắng, mặc dù tôi đã đọc rất kỹ nhiều cuốn sách về trẻ sơ sinh khi tôi làm việc tại trung tâm Nghiên cứu Trẻ em của Đại học Yale, nhưng tôi vẫn không kịp chuẩn bị những điều kỳ diệu xảy ra và hiểu rõ trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Tôi cầu nguyện, cố gắng làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người mẹ, nhận ra ngay đứa con chính là “hòn máu, trái tim đang quanh quẩn bên ta”, như nhà văn Elizabeth Stone đã mô tả. Niềm vui và nỗi lo ngại thường ập đến cùng một lúc. Những năm gần đây tôi rất mong có đứa cháu ngọai, khi biết tin rất phấn khởi và đoán già đoán non. Tôi nhớ lời Magaret Mead từng nói, trẻ nhỏ giúp trí tưởng tưởng của ta mới mẻ hơn, tâm hồn ta trẻ lại và giúp chúng ta hăng say làm việc tốt hơn cho tương lai.
Giờ đây, hơn bao giờ hết, tương lai tràn ngập trong tâm trí tôi. Trong năm qua, tôi đi du lịch khắp đất nước và câu hỏi được đặt ra. Tôi có nên ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016 không?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ! Tôi chưa có quyết định chính thức.
Nhưng ai đó đưa ra vấn đề này, tôi cảm thấy thật vinh dự vì lòng nhiệt tình và niềm tin của những người khuyến khích tôi tham gia, thậm chí họ tin rằng tôi có đủ khả năng đứng ra gánh trách nhiệm lãnh đạo quốc gia.
Ngay lúc này đây, tôi tin chúng ta nên tập trung vào những vấn đề cần phải thực hiện không nên chờ đợi đến năm 2016. Nhiều người bạn Mỹ của tôi vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc Đại suy thoái vẫn chưa kịp hồi phục. Nhiều thanh thiếu niên phải gánh gánh nặng của đời sinh viên trong khi số lượng công việc thật quá ít ỏi. Ngoài ra, năm 2014 còn có một số cuộc bỏ phiếu quan trọng, nó quyết định đảng nào sẽ nắm quyền điều hành Quốc Hội, đưa hậu quả thật sự cho nền kinh tế và tương lai của đất nước. Đây không phải vấn đề ta chỉ xem xét và ngồi chờ mọi việc trôi qua mà không hành động.
Gần đây, Bill và tôi thường đi dạo nhiều hơn với ba chú cún cưng ở khu vực gần nhà. Một mùa đông kéo dài trái mùa không ngờ đã ập đến, nhưng rồi xuân về cũng làm tuyết tan nhanh. Chúng tôi vừa đi dạo, vừa tâm sự như thời còn là sinh viên luật cách đây trên 40 năm tại trường Đại học Luật Khoa Yale, chuyện nở như ngô rang chẳng bao giờ hết.
Chúng tôi đều hiểu, đây là những câu chuyện để đi đến quyết định quan trọng trong tương lai.
Tôi đã từng tham gia chiến dịch chạy đua chức Tổng thống, tôi hiểu rất rõ những thách thức trên mọi mặt trận, không chỉ với các ứng cử viên mà còn cả với gia đình và thân nhân của họ. Tôi đã từng thất bại năm 2008, vì thế chẳng có gì dám đảm bảo, cũng không thể coi thường được. Tôi cũng hiểu, bất cứ ai cũng có thể đặt ra câu hỏi khi muốn tham gia cuộc chạy đua, phải trả lời được những câu hỏi: “Bạn có muốn trở thành vị Tổng thống trong tương lai không?” hay “Bạn có tự tin sẽ trúng cử không?” Rồi có thể gặp câu hỏi: “Tầm nhìn về tương lai nước Mỹ của bạn như thế nào?” và “Bạn có đủ năng lực dẫn dắt nhân dân Mỹ đến mục tiêu ấy không?” Những thách thức ấy là cách dẫn dắt đến sự đoàn kết và đổi mới Giấc mơ Mỹ. Đó là sự trở ngại và trở ngại này rất cao.
Điều thiết yếu nhất, những gì sẽ xảy ra vào năm 2016 cũng là những điều cần có trong tương lai mà nước Mỹ đòi hỏi cũng như bản thân họ và con cháu họ mong muốn. Tôi hy vọng, những lựa chọn kể cả vấn đề chính trị cũng như mục đích chung là để giải phóng sức sang tạo, tiềm năng, cơ hội đưa Mỹ lên tầm cao mới. Đó là những gì người Mỹ xứng đáng được hưởng thụ.
Dù quyết định như thế nào, tôi bao giờ cũng biết ơn những cơ hội được thay mặt cho nước Mỹ trên toàn thế giới. Tôi đã học được niềm vui mới của nhân dân Mỹ và sự vĩ đại của dân tộc ta. Tôi thấy mình quá may mắn và thật biết ơn những gì đã có. Tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào tài năng. Đối với tôi, với gia đình tôi bao gồm cả thành viên mới vừa được bổ xung -một công dân Mỹ vừa chào đời-, nó xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà chúng tôi dành cho nó.
Nhưng hôm nay, ít nhất tôi cũng được thư giãn hưởng mùa xuân đang về. Quanh tôi cuộc sống đang đổi thay với màu sắc và cuộc sống mới. Giờ đây không gian êm lặng quá, giống như những thời gia trôi qua mấy năm trước. Yên lành, thanh bình và êm ái mà tôi đang tận hưởng. Thời gian của những lựa chọn khó khăn đang đến gần, chắc không còn lâu nữa.