gười đề tựa với tác giả là chỗ thân tình, nhưng không phải vì cớ ấy mà tán hươu tán vượn, vẽ rồng vẽ rắn vào cuốn sách. Người đề tựa cũng không phải là cốt để giới thiệu ông Nhượng Tống với độc giả. [...] [1] Quyển Lan Hữu chính là một trong những tập văn của Nhượng Tống viết trong thời gần đây. Một cuốn tiểu thuyết tình không hơn, không kém. [...] [2] Nhượng Tống, trong một thuở, đã có những rung động tưng bừng, trong sáng hay âm u mà nay anh cứ việc chép lại, qua ký ức. Người ta trong một đời, ai lại không có một câu chuyện tâm sự để thuật lại hay để chép ra. Nhưng cả cái giá trị, cả nghệ thuật là ở sự kể lại mà thôi, chứ thực ra, những câu chuyện của người ta đều na ná giống như nhau cả: cũng chỉ là những bản đàn thiên cổ - tuy có đổi xoang, đổi điệu mà vẫn là những bản xưa, đã giấu ở trong lòng người, cái lòng người duy nhất, không xứ sở không kim cổ.Lan Hữu cũng chỉ là cái mộng - hay những cái bóng mộng ở trong giấc ngủ tưng bừng của các người niên thiếu, ở đây, cũng như ở trong các giấc mộng khác của người niên thiếu, người ta cũng vẫn tìm thấy ở trong, cái rộn rực, cái quằn quại, cái bâng khuâng: sự chia ly ở trong tâm hồn, ở trong cuộc đời.Nhưng mộng đẹp đến đâu, rồi cũng tàn, và chì để lại cho người ta một chút thương tiếc ở trong lòng hay đầu lưỡi. Mối tiếc thương ấy, ở văn nhân, thành gần như là một duyên nợ cả đời. Người ta lúc nhỏ ai cũng có một điều buồn não, một chuyện thương tâm. Cái buồn ấy ở một vài người thường thường mỗi năm về một lần... giống như cái cuộc du lịch hằng năm của các con chiên về đất Thánh. Truyện Lan Hữu chính là cái buồn hằng năm của người ta, đã về theo một ngọn gió đầu thu hay cuối hạ.Lan Hữu cũng là một ngọn gió hằng năm đến gợi dậy ở trong lòng ta những hình bóng âm u của một chuyện cũ - mà ai ai lại chẳng có một câu chuyện như thế...?Đó chỉ là như lời Baudelaire đã nói:Một giấc mộng nồng nàn dệt xe trên gối kẻ thiếu niên.Vì thế, Lan Hữu là cuốn sách của mọi người... Nhưng không phải là một cuốn sách tầm thường: tác giả đã cho nó một sức mạnh huyền diệu khiến cho ta không thể ngừng lại một quãng nào ở trên quyển sách. Ta chỉ muốn đọc nhanh đi cho chóng hết, để hưởng thú gấp sách lại.Tất cả giá trị, tất cả tài nghệ của cuốn sách là ở chỗ này: tác giả là một người kể chuyện rất khéo, khiến cho một câu chuyện của mình mà người tưởng như của người, một câu chuyện rất bình thường mà tưởng như rất mới lạ, một giấc mộng hằng ngày ở bên gối, mà tưởng như xa vời ở trong một trời nước xa xôi... Vì tác giả là một nhà tiểu thuyết xứng với danh nghĩa ấy. Và đó chỉ mới là sự bắt đầu...Lưu Trọng LưChú thích:[1] Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ mười ba dòng. (Các chú thích trong sách, nếu không có ghi chú thêm, đều là của Cao Việt Dũng).[2] Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ ba dòng.