ôi mong đêm mong ngày cho đến lễ Phục sinh. Là vì mẹ tôi và thím tôi có hứa nhân dịp ấy sẽ đi chùa Hương, và cho cả tôi cùng Hữu đi. Tôi mừng được dịp thay đổi khí trời cho tấm lòng yêu mến của tôi. Tôi muốn đặt nó ở giữa một cảnh vườn bao la hơn, tự nhiên hơn cảnh vườn nhà chú tôi: non, nước chùa Hương mà bao nhiêu người ca tụng.Cho nên chiều hôm ấy nghỉ học về nhà, lòng tôi háo hức đến nỗi tôi ăn không còn biết ngon nữa. Ăn xong, tôi cùng mọi người lên ô-tô đi Phủ Lý. Ngoài mẹ tôi, thím tôi còn rủ thêm hai bà: bà Đốc Bò (bà Thú Y) và bà Tham Lục lộ. Hai bà mỗi bà lại đem theo một cô ái nữ (con gái yêu, chứ chẳng phải theo nghĩa “ái nam, ái nữ”, vì cái đó tôi không biết...) Do đó, tôi và Hữu được hai người đồng bạn trẻ: Cô Lan và cô Sâm.Thiên hạ có nhiều kẻ không xứng với tên. Tôi đã thấy có cô Mai mà người béo trương, có cô Ngọc mà người xấu như ma mút (ấy là nói vậy chứ tôi nào đã trông thấy con ma mút)! Nhưng cô Lan và cô Sâm này thì không thế. Cô Lan, người dỏng cao, da mai mái, quả có vẻ ẻo lả của một bông Lan. Còn cô Sâm thì trắng muốt và chũn chĩn [1] y như một chiếc bánh sâm vậy. Cả hai cô, cùng trạc tuổi tôi...Ở Thái, bây giờ thế nào tôi không rõ, song khi ấy trường nữ học mới có ba lớp yếu lược. Học trò con gái vì thế hễ lên lớp nhì phải sang học chung với con trai. Nhân thế, trước khi được cái hân hạnh cùng hai cô cùng xe, tôi đã được cái hân hạnh cùng hai cô cùng lớp. Tôi nói: được cái hân hạnh cùng hai cô cùng lớp, không phải là nói lối khách sáo. Vì chính nhờ hai cô mà lớp học tôi trở nên một lớp vui nhất trong các lớp ở Thái hồi ấy: không mấy buổi chúng tôi không được một dịp để khúc khích cười. Theo lệ thường, trước giờ học hàng mười lăm, hai mươi phút, học trò các lớp đã đến trường rồi. Khi đó, ai chưa thuộc bài thì vào lớp mà học; còn ai thuộc bài thì đem nhau ra sân trường mà chạy, mà nhảy, mà chơi. Nhưng lớp tôi còn thêm một công việc có thú hơn: Anh nào muốn làm vui cho các bạn học, thì ngồi xé giấy mà viết thư tình. Rồi sau khi trình nó cho một, vài bạn thân tán ma, tán mãnh đã chán, đem nó mà để vào trong ngăn bàn hai cô. Cái đó thành ra phong trào! Tôi có thể nói chắc rằng: Suốt cả học trò trong lớp tôi, không anh nào là không có đệ đơn “xin yêu” đến hai cô, trừ tôi ra không kể - ấy, tôi đứng đắn là thế! - Do cái phong trào ấy, hằng ngày hai buổi giờ ra chơi vào, chúng tôi lại nháy nhau mà đợi xem hai cô, mặt giận bừng bừng, tay cầm ít ra là một chục cánh thư, lên kiện chúng tôi với thầy giáo. Hai cô khéo liệu chừng: buổi nào cũng trống điểm vào học rồi, chúng tôi ngồi đã yên chỗ, hai cô mới đem nhau vào lớp. Sau đó hai cô còn bận về việc học. Mãi đến giờ ra chơi, giờ hai cô phải “cấm cung” ở trong lớp ngồi nhàn mới lục đến ngăn bàn, má lục ra những tội trạng của chúng tôi. Vì thế mà việc kiện cáo kia mới xảy ra giữa lúc chúng tôi ra chơi vào. Lúc ấy, thầy giáo phải tạm đóng quan tòa. Thầy cho nguyên đơn về chỗ ngồi, rồi giơ tập thư ra mà hỏi chúng tôi, những ai viết, cố nhiên là chúng tôi chỉ nhìn nhau bằng bộ mắt láu cá, chứ chẳng ai chịu nhận. Nhưng thầy tinh lắm: Thầy xem mỗi nét chữ mà đoán ra từng anh một. Thế là các anh ấy mỗi anh phải viết phạt bằng chữ Pháp hàng trăm câu “tôi nghịch trong lớp”. Anh này bận viết phạt thì anh khác rỗi thì giờ viết thư. Cũng có nhiều anh bướng: dù bị phạt anh cũng viết thư như thường. Sự đó làm cho thầy giáo phạt nặng gấp hai. Rồi cái số câu anh viết phạt, cứ theo đó mà gấp mãi lên: một, hai, bốn, tám, trăm, nghìn sau... Khi số ấy tăng lên nhiều, một mình anh viết không xuể nữa thì anh cầu cứu đến tình đoàn thể của anh em cùng lớp, nghĩa là anh nhờ chúng tôi viết giùm mỗi đứa mấy trăm câu. Đối với chúng tôi, anh đã tỏ ra mặt anh hùng mà ai cũng vui lòng mà giúp đỡ. Thành thử ra suốt cả lớp tôi, không anh nào là không phải viết phạt - cả tôi cũng vậy. Vì thế, chúng tôi thành ra rất ghét thầy giáo, cũng như thầy đã rất ghét chúng tôi. Trong khi ghét, chúng tôi quên hẳn lẽ công bằng. Khi nào vì việc đó, ngoài sự viết phạt có anh còn phải mắng nhiếc, hay vụt cho mấy nhát thước, chúng tôi đều ngầm tỏ lòng công phẫn: chúng tôi cho thầy đã bênh hai cô mà làm nhục chúng tôi. Còn hai cô, vì cớ sính tụng [2], cũng gây ra hiềm thù. Chúng tôi đối với hai cô lúc ấy, có thể nói: “Còn tình đâu nữa! Là thù đấy thôi!” Vì đó, ngoài những thư tình, hằng ngày các cô còn nhận được những thư lăng mạ! Chúng tôi không còn đem hai cô mà gán lẫn cho nhau nữa. Chúng tôi đồng lòng mà gán cả hai cô cho thầy giáo. Thế rồi, ám thị bởi lòng thù ghét của anh em, một anh nào trong lớp tôi đã lấy miếng gạch vụn vẽ lên tường nhà xí một bức hí họa. Trong bức tranh ấy, vẽ một người con trai ôm hai người con gái, người con trai đề tên thầy giáo, còn hai người con gái cố nhiên là đề rõ phương danh, quý tính hai cô. Bức tranh ấy được toàn thể anh em vỗ tay. Chúng tôi coi nó là một thanh gươm hai lưỡi, vừa trêu ức được hai cô, lại vừa trêu ức được thầy giáo. Thầy năm ấy mới mười chín tuổi. Chắc là bức hí họa kia động đến lòng tự ái của thầy nhiều lắm, nên sau khi nó ra đời, tôi không thấy thầy xét về vụ án cơ hồ không bao giờ xét xong ở trong lớp tôi nữa. Rồi hôm sau, ông Đốc [3] xuống mắng chúng tôi một trận tàn nhẫn và dọa đuổi cả lớp. Ba hôm sau, thầy đổi đi dạy lớp khác, để ông giáo lớp ấy là một nhà sư phạm đã ngót năm mươi tuổi đến dạy lớp tôi. Thật là một bài học luân lý, giảng cái nghĩa “hợp quần nên sức mạnh” cho chúng tôi. Chúng tôi là một lũ nhãi ranh, chỉ vì biết đồng tâm nhau, đã làm cho thầy là người có quyền đánh, mắng, bắt phạt chúng tôi, chung quy phải chịu thua mà tính đến chước hay nhất trong ba mươi sáu chước...Tôi chả kể chuyện trong lớp học nữa. Hãy kể tiếp chuyện đi chùa Hương.Khi đến Phủ Lý, bọn tôi bỏ xe xuống thuyền, cái thuyền mà một người bà con đã thuê sẵn hộ. Thuyền có ba khoang rộng. Các bà chiếm cả một khoang giữa. Và vừa ngồi yên chỗ, các bà liền dùng chiếu ngồi làm chiến trường, cái chiến trường sát phạt nhau của bốn nữ tướng và trăm hai mươi quân! Trong khi các bà đánh chắn ở trong thì bọn trẻ chúng tôi ngồi xem phong cảnh ở ngoài. Tôi ngồi trên một đầu thuyền, và ba cô bạn gái, một đầu thuyền khác.Dưới ánh trăng thượng tuần, mặt sông Đáy đầy những bóng vàng lấp loáng. Bãi cát ven hai bờ trải ra như hai tấm lụa dài vô cùng tận. Đằng xa, những làng, xóm, những núi non hiện ra trước mắt tôi như những nét vẽ trong một bức tranh chấm phá. Tôi vừa ngồi nhìn cảnh đêm xuân, vừa nghe người lái đò kể cho nghe những cách sinh hoạt trên mặt sông. Lòng tôi thấy bâng khuâng, tôi yêuThiên nhiên và tôi thương ông lão chèo đò. Khi lần đầu chúng ta có một người tình nhân, lòng thương yêu như đầy rẫy cả trong người, ta gửi nó vào một người chưa đủ; cần phải có cả một vũ trụ cho lòng ta yêu, cần phải có cả một nhân loại cho lòng ta thương...Tôi đương ngồi nghĩ vơ vẩn, thì bên tai tôi nghe tiếng Hữu sẽ rủ tôi:- Anh! Vào trong kia, chúng mình đánh Tam cúc.Tôi quay lại, cười hỏi Hữu:- Có ai mà đánh?- Thì Lan với Sâm kia thôi! Em rủ chúng nó rồi.- Nhưng mà anh ít tiền quá!- Em cho vay.Tôi đứng dậy theo Hữu vào khoang bên, thì Lan và Sâm đã ngồi chờ đấy. Đánh một lúc, tôi cùng Lan vào cánh bại. về phần Lan, tôi không rõ. Còn về phần tôi, tôi thua Tam cúc là lẽ rất thường. Đánh Tam cúc, muốn hay được và đỡ thua, ta đừng tham “ăn kết”. Tôi biết vậy, nhưng tôi cứ thích ăn kết. Thậm chí: Có ván “cái” tôi, mà bài chỉ có đôi “tốt đỏ” là tốt hơn cả. Đáng lý tôi “gọi đôi” ngay thì may ra còn được “bằng chân”, song tôi lại “gọi một” cho người ăn. Còn đôi tốt đỏ, tôi để lại, mong “đè tốt đen”, được “ăn đền kết nhất bội nhị” [4]. Ai biết đánh Tam cúc, chắc cũng rõ nước bài ấy là ngốc! Vậy mà đó chính là nước bài tôi giữ trong một ván lúc bấy giờ. Sau khi đã “chui trước” cả sáu “quân” cho họ ăn, tay tôi chỉ còn cầm lại có đôi tốt đỏ. “Quyền gọi” cuối cùng ở Lan, Lan ngần ngại một chút rồi gọi đôi một cách mạnh bạo. Hữu và Sâm ném bài chui cả. Còn mình Lan với tôi, Lan lật bài lên: đôi tốt đen. Tôi mừng quýnh, đương tính “vật” đôi tốt đỏ của tôi lên. Nhưng chợt trông nét mặt lo lắng và bàn tay run run của Lan, tôi bỗng sinh lòng ái ngại, cầm đôi quân bài, tôi cho “chui” nốt. Nhưng tôi chưa kịp buông tay ra, thì Sâm đã lật bài tôi lên mà reo:- Có thế chứ! Tốt đỏ đây này! Phải đè dập mũi ra chưa?Hữu nhìn tôi nói giọng mỉa mai:- Thế mà lại tư tình với nhau, định “chui” đi để “làng” chịu kết nhất-bội-nhị!Lan hai má đỏ bừng, mắt long lanh lườm Sâm và Hữu:- Nói thế mà chúng mày cũng mở mồm ra nói được!Tôi cũng ấp úng biện bạch:- Để đấy, chứ ai chui!- Phải! Thử không có Sâm nó lật lên coi! - Hữu cười đáp lại.Tôi phát nóng cả người, nhưng không tìm được câu nói. Lan đếm tiền đền tôi rồi đứng dậy:- Thôi, không chơi nữa! Mất tiền mà mình dại!Sâm cười:- Thế nào gọi là “Tam tức”!- Có thế mà cũng dỗi! - Hữu nói theo.Nói xong Hữu cùng Sâm cũng đứng dậy theo Lan ra ngoài. Trong khoang khi ấy còn một mình tôi ngồi thừ ra ở trước đám tiền Lan đếm trả tôi. Tôi hối hận về việc tôi đã làm, để Hữu có thể nghi tôi là có “tư tình” với Lan, đến nỗi biện bạch mà Hữu không tin nữa...Chú thích:[1] Mũm mĩm, mập mạp.[2] Thích kiện tụng.[3] Ở đây có lẽ muốn nói ông hiệu trưởng.[4] Luật chơi Tam cúc, kết là người có cái ở vòng cuối gọi bộ đôi, ba, tứ, ngũ nhưng chỉ tính các con xe pháo mã tốt để được nhiều điểm hơn. Trong đó kết đôi tính 6 điểm, kết 3 tính 9 điểm, kết tứ tử hoặc ngũ tử và kết đôi lốt đen tính 12 điểm. Với ván bài có kết, người kết tính là thắng, những người con lại thua bằng số điểm kết trừ đi số cây ăn được trong ván. Tuy nhiên có trường hợp đặc biệt gọi là kết đè khi người gọi kết ra đôi tốt đen, bị người khác đè bằng đôi tốt đỏ. Khi đỏ người ra đôi tốt đen phải bồi (bội) người kết đè 24 điểm, những người khác còn lại không mất tiền, như thế gọi là “kết nhất bội nhị”.