ưới ánh nắng ấm áp của một buổi sớm mùa đông, thần hoa như đã dụng công tỉ mỉ mà nhuộm lên các màu chỉ sai nhau đôi chút của các giống hoa đào...Tôi cầm tờ Khai Hóa bước ra vườn. Mắt tôi trông các bông hoa đua nở, tay tôi tôi xé cái băng quấn báo, mà lòng tôi thì nghĩ đến Lan. Tôi mong gặp Lan ở trong vườn để cùng Lan từ biệt. Tôi tìm một chỗ kín mà ngồi, cốt sao cho nếu có ai ở ngoài cửa vườn bước vào, thì tôi trông thấy họ mà họ không trông thấy tôi. Tôi chọn cái đôn đặt ở sau một bụi hải đường. Tôi giở báo ra đọc. Lòng tôi hớn hở khi tôi thấy văn tôi lần thứ nhất được đem lên đầu báo và in bằng chữ lớn. Tôi còn nhớ cái đầu đề bài đại luận (!) ấy là: “Tết nhất đã đến sau lưng!”, một câu phong dao! Đại ý trong bài là phản đối tục ăn Tết. Tôi viện ra đủ mọi thứ lý do, chỉ trừ ra một cái lý do thiết thân cho tôi lúc ấy là: Vì có tục ăn Tết mà này đây tôi phải xa Hữu, xa Lan, để về nhà quê làm một cái khổ dịch rất ít nghĩa lý trong suốt ba ngày chạy ngược, chạy xuôi, lạy cho khắp tám mươi nhăm cái giường thờ đại tôn, tiểu tôn của hai họ nội và họ ngoại! Vì cái khổ dịch ấy tôi sẽ đau cả hai đầu gối. Và, nếu trời mưa, đường lội, tôi sẽ sứt cả mười đầu ngón chân. Tuy vậy, lúc tôi còn nhỏ, nó đã làm vui cho tôi. Vui không phải là ở chỗ no đến cổ mà chốc chốc lại bị người ta ép ăn nếm mấy miếng bánh, mấy miếng giò. Vui là ở chỗ chốc chốc lại có người mừng tuổi cho tôi mấy đồng xu hay mấy đồng kẽm. Đó là món tiền vốn cho tôi đánh Tam cúc. Món tiền ấy nếu không thua hết trong tháng Giêng thì sang tháng Hai tôi sẽ mua mấy con gà con mà nhuộm mỗi con một màu phẩm. Những con gà con ấy thay cho tôi những con yểng, con khướu, con vẹt, con vàng anh mà tôi không đủ tiền mua... Nhưng khi ấy thì tôi thấy việc đi lễ ông vải là ngại lắm rồi. Món tiền nhỏ mọn tôi được không phụ công lên gối, xuống gối [1] của tôi. Vả chăng, tuổi tôi đã nhớn, cũng không mấy người cho tiền nữa.Tôi xem qua hết tờ báo mà Lan vẫn chưa ra. Tôi nhìn cảnh vật quanh mình, tự nhiên thấy man mác nỗi buồn ly biệt. Mình tôi còn ngồi đấy mà tôi đã cảm trước đến cái khổ “bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người”. Tôi cố tìm trong các thú vui ngày Tết, xem có cái gì đủ kéo lại cái buồn vắng bạn của tôi. Tôi nghĩ đến những ngày Tết khi tôi còn tấm bé. Tôi nhớ lại. Tôi thấy tôi lăng băng ở trước các hàng xén trong một phiên chợ nhà quê, mà cả mua tranh, mua pháo. Tôi thấy tôi xo ro ở cạnh bếp chực giò con cùng bánh rùa... Tôi thấy tôi xun xoe đi xem các cây nêu, các cây đèn bóng dựng ở trước cửa mọi nhà... Tôi thấy tôi đương lơ mơ nửa ngủ, nửa thức, nhặt dần những quả táo trải giường mà ăn, thì người nhà vào kéo tôi dậy, rửa mặt cho tôi bằng nước lá mùi, rồi mặc cho tôi những quần, áo mới... Tôi thấy tôi chen chúc vào giữa đám con gái ngồi, đứng chung quanh những bàn rồi mỏ [2] ở sân đình làng tôi, rồi một lúc sau, tôi lại la cà đến các bàn quay đất, các bàn xóc đĩa... Tất cả những cái ấy, tôi đều không thấy gì là thú vị nữa, cho đến sự âu yếm của mẹ tôi, tiếng cười, nói cua các chị, em tôi, cũng không đủ yên ủi tôi khi vắng khuôn mặt có duyên của Hữu cùng cặp mắt đa tình của Lan...Lan đã đến, buồn rầu hỏi tôi:- Hôm nay Ngọc về à?Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên:- Lát nữa, ăn cơm xong tôi về, nhân tiện đây chúc Lan và cả nhà ăn Tết được vui vẻ.- Thế hôm nào Ngọc lên?- Trước hôm vào học.- Sao không lên từ mồng ba?- Để còn xem có thể được không.Lan thở dài, ngắm nghía một nụ hải đường mà Lan đã vô tình ngắt vào trong tay. Rồi Lan đưa cho tôi.- Này Ngọc trông: Cái nụ này sao khéo giống quả tim con người ta! Cầm lấy! Cầm lấy để về nhà mà xem. Hễ thấy cái nụ này lìa cành nó béo thế nào thì nhớ rằng tim Lan xa Ngọc cũng héo như thế đấy!- Nhà thơ có khác! Nói câu nào cũng sặc những mùi thơ!Nói xong tôi hôn cái nụ hải đường rồi bỏ vào trong túi chiếc áo gi lê tôi mặc ngoài lần áo lót. Trông lên thì mắt Lan đã đỏ hoe và đẫm lệ. Cái khổ kiệt ly, làm cho tôi thoáng trông thấy cái tương lai mờ ám. Một tay vịn tay Lan, một tay rút mùi soa với lên lau nước mắt cho Lan, tôi bàng hoàng nói:- Lan đừng khóc! Lan khóc lòng tôi khổ lắm! Xa nhau có mấy ngày, đã đau đớn cho Lan đến thế! Rồi đây, nhỡ không may có lúc phải xa nhau hàng mấy tháng, mấy năm, hay suốt đời không nhìn thấy nhau nữa, còn đau đớn cho Lan đến thế nào?...Tôi còn muốn nói nữa, nhưng Lan đã rũ người ra và ngả vào lòng tôi. Tôi vội vàng đỡ Lan, muốn xốc Lan đứng lên, song người tôi cũng bủn rủn, hết sức mạnh. Thành thử ra hai gối Lan thì quỳ xuống bụi cát tường mọc dưới chân tôi, còn đầu Lan thì gục vào đầu tôi. Lan nức nở khóc. Những giọt nước mắt nóng của Lan, thấm qua lần áo lót vào đến ngực tôi, tôi tưởng như nó làm cho phần hồn tôi, phần xác tôi cũng sắp sửa tan ra thành nước cả! Tôi hối hận câu nói của tôi đã thêm một vết thương cho trái tim Lan đương đau đớn sẵn. Tôi muốn tìm lời khuyên giải, song óc tôi đã tê dại không còn nảy ra một ý tưởng gì... Một lúc sau, xa nghe tôi thấy tiếng thím tôi giục người nhà gọi tôi về ăn cơm. Tôi như người chợt tỉnh, vội lay Lan và gọi Lan:- Lan! Thôi Lan! Có người ra kìa! Đừng khóc nữa!Lan ngửa mặt lên nhìn tôi. Tôi lau nước mắt cho Lan, rồi cúi xuống hôn Lan, một cái hôn nồng mặn và kéo dài. Ngoài cửa vườn đã có tiếng gọi tôi. Tôi vội dời môi Lan ra, vừa lên tiếng đáp, vừa đỡ Lan đứng dậy. Lan bảo tôi:- Thôi Ngọc về ăn cơm không có nhà đợi!Tôi vuốt ve bên má Lan:- Nhưng Ngọc xin Lan đừng khóc nữa đấy nhé!Lan gật đầu. Tôi còn hôn Lan một lần nữa, rồi mới buông Lan đứng lại một mình bên gốc hải đường mà quay ra...Tôi về buồng ăn thì com đã dọn sẵn. Mọi người đã đông đủ, duy thiếu mặt Hữu. Tôi hỏi thím tôi:- Thưa thím, em Hữu con đâu ạ?Thím tôi đáp:- Em nó hơi khó ở, không muốn ăn. Thím đã bảo pha sữa cho nó rồi.Tôi ngồi vào bên mâm, ăn cho xong bữa. Rồi lên buồng riêng mặc quần áo và sắp hành lý. Cuối cùng mới chạy sang buồng Hữu. Hữu đương nằm. Thấy tôi vào Hữu vén màn, ngó cổ ra mà hỏi:- Anh về đấy à?- Phải, em cảm ra làm sao? - Tôi trả lời và hỏi lại.Hữu gượng cười, sẽ nói:- Không! Em có sao đâu! Lúc sáng ngồi nghĩ đến anh hôm nay về nhà quê, lòng em nó cứ thế nào! Sợ ngồi ăn cơm với anh, nhở ra trông anh, em không cầm được nước mắt, nên em phải nói dối thím.- Thế mà làm anh điên cả ruột! Anh cứ tưởng em cảm thực kia chứ!- Không! Anh cứ yên tâm.- Bây giờ thì anh yên tâm rồi. Nhưng...- Nhưng... sao?- Nhưng anh về, không kỳ em khóc kia! Hễ ở đây em khóc lúc nào, là ở nhà anh sốt ruột lúc ấy...- Không! Em không khóc. Em nghĩ ra rồi! Anh về vài, ba ngày anh lại lên, làm gì mà khóc. Khóc ngày Tết nhỡ nó dông cả năm thì sao!Con hầu Hữu từ phòng bên bước vào. Tôi nhìn Hữu:- Thôi, anh ra chào chú, thím.Nói rồi, tôi để hai ngón tay lên môi, ra hiệu hôn Hữu rồi mỉm cười mà lui ra...Tôi đám đoan rằng: Những lời tôi nói với Lan và Hữu trong buổi ấy đều là lời chân thành. Trong một bộ tiểu thuyết Tây nào, cũng có người đàn bà một ngày hai lần khóc ở trước mặt hai tình nhân, mà không lần nào là khóc dối cả [3]. Tuy vậy, theo lời người chép chuyện thì lòng yêu của người đàn bà ấy là lúc này thực yêu người này, song lúc khác lại thực yêu người khác; còn lòng yêu của tôi thì lúc nào tôi cũng thực yêu cả Hữu và Lan. Chỗ tôi với người đàn bà ấy khác nhau, có lẽ là vì chúng tôi ở hai xã hội khác nhau. Cái tâm lý “chín em anh thương cả vừa mười” của tôi, có lẽ gây ra bởi cái hoàn cảnh nước Nam, một nước theo chế độ một chồng nhiều vợ...Chú thích:[1] Ý nói đứng lên rồi quỳ xuống.[2] Rồi mỏ: Có lẽ là mõ. Một số đình làng xưa có cái mõ lớn (còn gọi là thái bình) làm bằng khúc cây lớn, khoét rỗng ruột, có thể có giá đỡ hoặc giá treo, dùng để gõ lên khi có hỏa hoạn hoặc giặc cướp.[3] Nhiều khả năng Nhượng Tống muốn nhắc đến Madame Bovary của Flaubert.