ôi về ngẫm nghĩ lại cái kế “giả điều du học” của tôi. Tôi cứ áy náy mãi về chỗ Lan và bà mẹ biết là tôi nói dối. Tôi càng nghĩ càng chắc như thế. Nhưng rồi tôi không áy náy nữa. Tôi đâm khùng mà tự hỏi: Thì họ biết là nói dối nữa đã sao? Tôi lại tự đáp: Thì Lan bảo mày là đứa bạc, và bà mẹ bảo mày là đứa làm bộ! Vì họ biết mày nói thế, thì mày không còn đến nhà họ nữa! Tôi tắc lưỡi: Thôi thì họ cho mình là người thế nào cũng được! Miễn là mình dứt tình được với Lan! Tôi tự cười tôi là đứa ngốc đời: Nếu biết dù sao cũng không giấu kín được bộ mặt thật với Lan, thì thà quyết tuyệt ngay từ khi mới lại gặp! Bây giờ đã tốn thêm bao công trình, chịu thêm bao điều khó chịu, mà chung quy có được việc gì đâu! Tôi tự yên ủi tôi bằng câu của Khổng Khâu: “Ta có lỗi, lỗi ấy người ta tất biết!” Tôi tự thấy trong người nhẹ nhàng trong khi nghĩ đến rằng: Từ nay trở đi, tôi không còn phải đến nhà Lan.Thế nhưng ngay ngày hôm sau tôi lại nảy ra cái ý định tuyệt tình cùng Hữu nữa!...Bấy giờ là hồi mười hai giờ trưa. Tôi ngồi trên gác nhà trọ. Thẩn thơ nhìn những hạt mưa bay lặng lẽ tạt vào mặt cửa kính và sa vào các tàu lá xanh bóng của một cây sấu rủ cành vào trước cửa sổ. Trong phòng ấm áp. Tôi chợt thương đến mấy con chim nhỏ đậu xo ro trên một cành cây, hình ảnh đám dân đói rét, trong những ngày gió bấc, mưa dầm. Bỗng nghe có tiếng chân người bước vội dưới cầu thang. Tôi quay lại thì là người xe nhà Lan. Người ấy nói với tôi:- Thưa cậu, mời cậu lại ngay, cô con mệt nặng lắm!- Cô vẫn sốt thôi chứ gì?- Bẩm hôm qua không biết hai bà, con có chuyện gì to tiếng với nhau. Nên hôm nay cô con lại thổ ra huyết. Mấy năm nay cô con cứ thế mãi. Hễ hơi có chuyện bực đến mình thì lại thổ ra huyết. Mà thuốc nào cũng không khỏi dứt.- Thôi, thế đi!Nói thế rồi tôi bước theo người xe xuống gác. Trong trí tôi thoáng cảm thấy nỗi khổ sở của một người con gái có óc mới ở giữa một nhà đầy những thành kiến cũ. Tôi thương Lan và tôi tự trách tôi từ trước vẫn cho những lời Lan phàn nàn về nỗi gia đình hắc ám là những câu sáo miệng. Tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi hối hận về những việc ít lâu nay tôi đã làm thêm đau đớn cho trái tim đã sẵn vết thương và tấm thân đã sẵn một bệnh căn cay nghiệt của Lan. Hai bên phố xá, người đi lại thưa không. Dưới màn mưa bay, mấy người phu xe nặng nhọc kéo cái xe, lệt bệt chạy trên mặt đường mà bụi cát đọng lại thành bùn lầy. Bày ra trước mắt tôi, một quang cảnh thê lương và thảm đạm. Xe đỗ, tôi lật đật bước thẳng vào nhà khách. Không thấy bà mẹ, tôi ngảnh lại hỏi người xe:- Bà đâu?Người xe chưa đáp thì thằng nhỏ đứng đấy đã đáp hộ:- Thưa, bà con đi mua họ [1]. Mời cậu vào, cô con ở trong này.Tôi theo nó vào buồng nằm của Lan. Trong một cỗ màn nửa khép, trên tấm đệm vóc, Lan nằm quay mặt ra, mình mặc bộ quần, áo lót bằng lụa trắng, chiếc chăn gấm vắt ngang từ ngực xuống quá đầu gối. Thấy tôi vào, Lan vịn giường ngồi dậy. Mái tóc dài rũ rượi xuống hai vai. Tôi lại gần hỏi Lan:- Người Lan bây giờ thế nào?Lan nhìn tôi bằng cặp mắt mỏi mệt buồn rầu; môi mấp máy toan cất tiếng trả lời, bỗng nét mặt nhăn nhó, hai tay đỡ vội lấy ngực, nằm vật xuống giường, ngoái cổ ra ngoài màn mà thổ ra toàn những máu. Mớ tóc rũ xuống đất, dây vào cả đám máu tươi. Tôi luống cuống vội đỡ Lan. Một tay tôi vén mớ tóc lên giường, một tay tôi lật Lan nằm bằng mặt lại. Tôi cho rằng nằm bằng mặt lại thì máu sẽ không hộc ra nữa. Lan hai mắt nhắm nghiền, mí dưới lóng lánh mấy giọt nước mắt mới ứa. Hơi thở hổn hển. Tay rút chiếc mùi soa lau miệng. Tôi ngồi vào bên giường, một bàn tay đỡ vào ngực Lan, cất tiếng sảng sốt:- Lan nằm yên! Nằm yên máu nó sẽ cầm lại.Nói thế, rồi tôi quay ra bảo thằng nhỏ lấy nước cho Lan súc miệng. Tôi đỡ Lan dậy súc miệng, rồi tôi lại đặt Lan nằm như cũ mà hỏi:- Trong người Lan bây giờ thế nào? Có dễ chịu không?Lan mở mắt nhìn tôi, nước mắt tràn ra đẵm má, sẽ lắc đầu và sẽ nói:- Trong ngực nó đau như xé!Tôi thở dài nín lặng, nước mắt tôi sa xuống má Lan. Rút mùi soa, tôi lau má cho Lan, nhưng Lan giữ tay tôi lại. Một lúc yên lặng. Trong lúc ấy, Lan cùng tôi, chưa chắc đã ai đau đớn hơn ai. Sau cùng, Lan thở dài sẽ nói với tôi:- Ngọc đi Pháp thật à? Bước tiền trình của Ngọc, lẽ nào Lan dám cản. Nhưng nếu có thể được thì hãy chờ Lan chết đã. Lan tự xét mình cũng không thể sống được bao nhiêu ngày nữa. Ngọc chờ đấy! Sống không theo Ngọc đi được, họa ra chết, hồn Lan có theo Ngọc đi được chăng!Nói thế rồi, Lan quay vào mà nức nở. Tôi mê man, nắm chặt lấy tay Lan mà nói:- Không! Lan cứ cố mà tĩnh dưỡng, Lan còn yếu, Ngọc không đi đâu hết!... Thôi, ngồi đây mãi không tiện mà cũng vô ích, Ngọc xin về lúc khác lại đến thăm Lan.Lan không quay lại, lạnh lùng đáp:- Ừ! Thôi Ngọc về.Tôi bàng hoàng lui ra. Chợt nhìn xuống hai ống quần, mấy vết máu Lan thổ bắn phải hãy còn chưa ráo hẳn. Tôi rùng mình kinh hãi. Tôi thấy nếu phụ Lan tôi sẽ phạm vào tội giết người! Mà giết một người vô tội! Giết một người chỉ có cái tội là đã quá yêu tôi! Tôi quyết ý không bỏ Lan. Tôi quyết phụ Hữu. Tôi cho rằng tôi phụ Hữu, Hữu chỉ phải chịu một cơn đau đớn qua loa. Nhưng Lan là người yếu ớt hơn. Nếu tôi phụ Lan, Lan tất không khỏi chết. Trong hai tội, tôi chọn mà làm một tội nhẹ hơn...Hôm sau tôi nhận được một bức thư dài tám trang giấy lớn của Lan. Nét chữ run run mà nhòe nhoẹt những vết lệ. Lan báo tin cho tôi biết bà mẹ muốn ép gả Lan cho một cậu Tú mới đỗ. Ngoài tin ấy, trong thư đầy những lời thương tâm và tuyệt vọng. Nào là: “Đưa mắt trông ra phương trời, Lan chỉ thấy nặng trịch những mây sầu, gió thảm!” Nào là: “Dưới gầm trời mưa gió riêng một mình Lan đau đớn!...” Nào là: “Ở trong cái gia đình hắc ám này, giây phút nào Lan cũng như ngồi giữa đám than hồng lửa đỏ! Gọi đất, đất không thưa! Kêu trời, trời chẳng thấu! Mình không chắp cánh cao bay được! Ruột những vò tơ gỡ chẳng ra!...” Mấy câu đó, tôi không rõ tự Lan viết ra hay chép lại ở đâu, nhưng tôi còn nhớ mãi, vì nó tuy là văn sáo, song trong khi tôi đọc, thì mỗi câu chẳng khác gì một nhát dao đâm vào trái tim tôi. Tôi đau đớn tưởng đến phát dại, phát điên! Tay tôi cầm thư đọc run lên lật đật, tôi cố giữ cũng không nổi. Đọc đi rồi lại đọc lại... Chợt trông lên thì thấy thằng nhỏ đưa thư đương nhìn tôi mà cười một cách tinh quái. Tôi khó chịu, hỏi xẵng:- Anh cười gì tôi?- Thưa cậu, trông thấy cậu bây giờ con lại nhớ đến cậu hôm qua, lúc ở trong buồng cô con. Tự nhiên con bật buồn cười, không sao nhịn được.- Sao vậy?- Bẩm, lúc ấy cậu còn mất sắc hơn bây giờ...- Ừ! Thế sao?- Thế là cậu cũng như bà con, mắc lừa cô con cả... Chắc cậu tưởng cô con thổ huyết thật...- Phải! - Tôi ngạc nhiên đáp và hỏi - Thế lại không thật à?- Bẩm cậu không, tiết lợn đấy ạ! Buổi, cô con mới sai con đi mua một xu!Nghe đến câu ấy, tôi - như người ta nói - ngã ngửa người ra! Tự nhớ lại các điệu bộ luống cuống của mình hôm trước, bất giác cũng phải bật cười. Thằng nhỏ lại nói tiếp:- Cô con mắc bệnh thổ huyết đã hai năm nay. Chỉ có lần đầu là thổ huyết thật, nhưng uống thuốc đã khỏi rồi. Còn các lần sau, toàn là tiết lợn cả! Hễ có việc gì bực mình với bà con, cô con lại ăn một miếng gừng thật to cho nóng để ho lên sù sụ! Rồi là sai con đi mua tiết lợn. Thế là bà con lại sợ xanh mắt lại như cậu hôm qua! Lại phải hết sức chiều chuộng. Cho nên cô con muốn sao được vậy. Bà con chỉ sợ cô con chết thôi! Cũng có thế, nên trong bụng bà con ghét cậu lắm - cũng có khi bà con nói ra miệng với chúng con - nhưng có mặt cậu, bà con phải làm ra vẻ yêu quý cậu, cho cô con bằng lòng. Cậu thử nghĩ mà coi: Dù yêu quý cậu đến đâu nữa, một nhà khác có con gái lớn trong nhà, ai để cho cậu đi lại tự do như thế?Tôi cười nhạt hỏi:- Thế nhưng những lần sau bà không lấy thuốc cho cô ấy uống hay sao?- Có! Nhưng thuốc đun lên, cô con lại hắt đi và dặn chúng con không được nói cho bà con biết. Thôi, cậu viết thư trả lời cho cô con.- Anh cứ về. Giờ tôi chưa viết đuợc. Mai tôi viết rồi bỏ nhà dây thép.- Thế cậu cũng viết cho mấy chữ làm tin. Không có cô con lại tưởng con dối trá thì con chết! Cô con tính nóng lắm. Động một tí, là thanh củi tạ cô con phang luôn! Giá cô con lại không hay cho tiền thì con cũng không sao mà ở được!Tôi xé một mảnh giấy viết cho nó mấy chữ. Khi nó ra rồi, tôi vừa cười một mình, vừa nghĩ lại câu chuyện vừa được nghe.Chú thích:[1] Tức là hàng họ.