TÂM TRẠNG CHÀNG và NÀNG

     ối với nam giới, nhung nhớ làm chàng trai ủy mị nghịch hẳn với tư cách râu mày. Bóng hồng khiến lòng chàng mềm yếu, mộng mơ và nhiều khi bơ vơ, nghi ngờ: "Từ khi anh phải duyên mình, để lòng vò võ một mình sớm khuya. Hay là núi nọ, non kia, hay là còn bé, duyên kia chửa đành." Ngược hẳn với bản chất háo thắng, thích đua chen, tranh giành, chàng nhút nhát e dè vì ngại nếu lỡ nghênh ngang sẽ làm phiền đến người thương: "Thò tay mà ngắt ngọn ngò, thương em đứt ruột giả đò ngó lơ." Nhung nhớ khiến chàng tư lự thay thế những ngày vô tình ăn no ngủ kỹ: "Đêm khuya thắp chút dầu dư, tim lan cháy lụn, anh sầu tư một mình" bởi hình bóng giai nhân vương vấn: "Đêm khuya nguyệt lặn sao tàn, đồng hồ ngặt điểm, nhớ nàng không quên." Từng giờ từng khắc, hình ảnh nàng như có ma lực quyến rũ chàng tìm gặp: "Đêm nằm lưng chẳng sát giường, trông cho mau sáng ra đường gặp em." Thêm vào đó, tình yêu trở thành động lực thúc đẩy chàng làm bạn với bóng đêm bởi hình như chỉ có những thinh lặng của vạn vật mới giúp chàng cảm thấy gần nàng hơn: "Đêm khuya ngồi tựa khoang hồng, sương sa gió lạnh chạnh lòng nhớ em." Và nhung nhớ nhắc nhở chàng gợi lại những kỷ niệm với người yêu: "Nào khi mô em nói với anh, sông dẫu cạn mà tình không cạn, vàng dẫu mòn mà nghĩa chẳng mòn. Nay chừ nước lại xa non, đêm năm canh tư tưởng, anh héo hon ruột tằm." Tình yêu đôi lứa đối với chàng là hơn hết không tình nào sánh nổi, "Đêm qua nằm dưới bóng trăng, thương cha nhớ mẹ không bằng nhớ em." Và hình ảnh nàng luôn luôn ám ảnh tâm trí chàng: "Thương cha thương mẹ có khi, thương em lúc đứng lúc đi lúc ngồi. Thương cha thương mẹ có hồi, thương em khi đứng khi ngồi cũng thương." Nhiều khi đến độ bồng bột muốn có nàng ngay bên cạnh cho đỡ nhớ nhung: "Rượu nằm trong nhạo chờ men, anh nằm phòng vắng chờ em một mình;" hoặc "Con chim trên núi, con gà dưới suối, nó gáy giọng chầu đôi, chầu ba. Đêm năm canh chẳng ngủ lại ngồi, trông người thục nữ bồi hồi lá gan." Đó cũng do bản chất hiếu động phái nam tạo thành: "Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, anh xa nàng áy náy làm sao." Vì vậy nhớ nhung đối với chàng trai thường có tính chất điển hình nơi người yêu hơn mộng mơ: "Thuyền xuôi neo nọc cũng xuôi, nhớ em, anh nhớ cả đôi má hồng;" hay "Nhớ khi khăn mở trầu trao, miệng cười có nụ biết bao nhiêu tình;" hoặc những hình ảnh trong kỷ niệm có nàng: "Anh đi, anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi gió dầm sương, nhớ ai tát nước bên đường hôm nao." Chính do tính chất hiếu động thực tiễn nơi con người, nhung nhớ biến thành năng lực thúc đẩy chàng ước mơ thực hiện bất cứ gì để có được nàng: "Thương em vô giá quá chừng, trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay;" hay "Anh mong cho cả gió đồng, cho thuyền tới bến, anh trông thấy nàng." Bởi thế, khi không có cơ hội hay phương cách nào để chàng phát động năng lực sẵn có của mình giải tỏa niềm nhung nhớ, chính sự nhung nhớ trở thành mối nguy hại: "Huệ xào vì bởi mất sương, anh xanh xao vì bởi nhớ thương cô nàng;" hoặc "Anh còn da bọc lấy xương, liệt giường liệt chiếu cũng bởi thương ngãi nàng." Ấy cũng bởi: "Gan vàng chẳng cắt mà đau, cách em một lúc ruột rầu như dưa."

TÂM TRẠNG NÀNG

Nhung nhớ man mác vây bọc tâm hồn phái nữ không rời như hình với bóng và bất cứ môi trường, cảnh vật nào cũng gợi lại nơi lòng nàng bóng dáng tình quân cũng như những kỷ niệm liên hệ giữa hai người: "Cầm lược lại nhớ đến gương, cầm khăn nhớ túi, đi đường nhớ anh." Sự nhung nhớ này thật khó diễn tả; nó là tất cả những gì thân thiết nhất, luôn luôn gắn bó, đi đôi không thể thiếu một trong hai bởi nếu thiếu một phần thì phần còn lại trở thành không toàn vẹn, thiếu thốn, cũng như không có lý do để hiện diện: "Nhớ chàng như bút nhớ nghiên, như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông. Nhớ chàng như vợ nhớ chồng, như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây." Bởi thế, khi nhung nhớ, nàng tựa chốn chứa đựng tất cả những âu sầu trong cuộc đời; không gì có thể giúp nàng vơi niềm tâm sự: "Khó than khó thở lại khó phân trần, tóc không vò mà rối, ruột không dần ruột đau." Nhung nhớ chẳng những gậm nhấm lòng nàng mà lại còn ảnh hưởng thân xác, sắc diện: "Thương anh em chẳng nói ra, trong ruột thì héo ngoài da thì vàng." Đối với nàng, niềm nhung nhớ tình nhân quả thật quá lớn lao không biết nơi nào có thể chất chứa, chịu đựng. Dường như tất cả cảnh vật chung quanh không gì có thể chia sớt: "Thương anh chẳng biết để đâu, để quán quán đổ, để cầu cầu xiêu." Hơn nữa, khi đem so sánh tâm trạng mình với cảnh vật, mỗi loài còn có cách này, cách kia hòa mình vào cho quên bớt nỗi lòng phiền muộn. Riêng nàng, nào biết chia sớt với ai, biết làm chi cho khuây khỏa: "Cá buồn cá lội tung tăng, em buồn em biết đã đằng cùng ai!" Đối diện với lòng mình rồi lại nghĩ tới chàng, dù hy vọng và cho rằng khi buồn bởi nhớ nhung, chàng còn có nơi tìm quên lãng... riêng mình, chỉ cảnh cô đơn quay quắt vò võ với tâm tình quạnh quẽ, "Anh buồn có chốn thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya!" Càng nhung nhớ, hình ảnh chàng càng in đậm nơi tâm trí đi vào những giấc mơ. Tình ơi! Sao vẫn chỉ là những mê du trong mộng: "Đêm qua nằm ngủ sập vàng, trông xuống sập bạc thấy chàng nằm không. Vội vàng cởi áo đắp chung, tỉnh ra em vẫn nằm không một mình." Thật là não nuột cho tình cảnh nàng và chàng không "Môn đăng hộ đối" để đến nỗi giấc mơ cũng không trọn vẹn.
Nỗi nhớ nhung chất chứa đối với nàng dường như được gom góp do mọi nét sầu tư cuộc đời và tất cả cũng vì mối dây tình cảm. Chung quanh, ai nấy cũng vui, ngay cả chàng nơi miền xa ấy chẳng chia sẻ chi được cho nàng dù chỉ một chút phiền muộn: "Trầu không ngon sao gọi trầu ngon trầu béo, ngãi nhân không khéo lại đem lòng phiền. Chờ chàng bóng ngã trăng nghiêng, bao nhiêu vui về bạn, bấy nhiêu phiền về ta." Chẳng những thế, nỗi nhớ nhung còn như kéo dài thêm ngày tháng trong khi nhi nữ chỉ có một thời và càng đợi thì bóng tình quân càng biệt tăm với nỗi hao mòn nội tâm chất chứa ảnh hưởng càng làm cho thân xác mau cằn cỗi: "Đêm đêm ngắm dãy ngân hà, bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn; đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ. Biết đâu trong đục mà chờ, hoa thơm hết nhụy nương nhờ vào đâu." Thế nên, càng nhung nhớ bao nhiêu nàng càng ao ước được gặp mặt người tình bấy nhiêu và sự gặp gỡ chàng quí giá không gì có thể so sánh: "Dù ai cho bạc cho vàng, chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay." Ước mong gặp chàng gợi lại nơi lòng những hình ảnh của người thương, từ những nét vui tươi đến những lời than thở... những gì nơi chàng đều in đậm nơi lòng nàng với đầy vơi thương nhớ: "Thương chàng lắm lắm không nguôi, nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than." Tuy nhiên, bao ngày tháng mỏi mòn, bóng chàng đâu không thấy để chỉ mình nàng vò võ ngây ngô! Buồn cho mình, buồn cho tình; cảnh sắc chung quanh đã chẳng giúp chia nỗi ưu tư trong cõi lòng ai oán mà dường như không muốn chấp nhận, lại diễu cợt với thân phận cô lẻ: "Đợi chàng chẳng thấy chàng đâu, bóng trăng ló dạng trên đầu mỉa mai." Ôi, nỗi sầu tư chất chứa nào ai hiểu thấu; có tự hỏi lòng thì cũng chỉ bởi niềm nhung nhớ bóng tình quân: "Gió đưa cây sậy nằm dài, ai làm thục nữ buồn hoài không vui."
Có thể bởi tình nàng chất chứa quá tràn đầy nơi tâm tư nên Ca Dao ít đưa lên những cảnh gợi niềm nhung nhớ của nữ giới ngoài những cảnh vật được áp dụng chung cho cả hai phái. Cũng như phái nam, nữ giới chưa kịp chia tay với tình lang thì đã nhớ, "Ba phen lên ngựa mà về, cầm cương ngựa lại em đề bài thơ. Bài thơ ba bốn câu thơ, câu đợi câu chờ, câu nhớ câu thương." Những hình ảnh gợi nhớ nơi tâm hồn phái nữ thường rất quen thuộc với công việc hàng ngày và khi con nhớ gợi về, mọi việc như muốn vào hùa với lòng nàng mà đình trệ: "Hôm qua dệt cửi thoi vàng, sực nhớ đến chàng cửi lại dừng thoi. Cửi sầu cửi nhục chàng ơi, ngọn đèn sáng tỏ bóng người cách xa;" nhất là khi có dịp rảnh rỗi không bị bận rộn, nỗi nhớ dễ tràn về hòa với cảnh vật: "Đêm khuya ngồi dựa gốc bồng, sương sa gió lạnh chạnh lòng nhớ anh." Sự vắng bóng biền biệt của tình quân tạo nơi nàng tâm trạng lẻ loi dễ rung động khiến tâm hồn thổn thức dạt dào bằng nước mắt cho vơi bớt mối sầu. Khi nàng sầu, cảnh cũng sầu theo, và nàng khóc, xúc động cả chị hằng lẻ loi trên đồi chia sẻ: "Trăng khuya trăng khóc trên đồi, khóc cho chiếc bóng hết ngồi lại đi. Nhớ chàng nhớ lắm chàng ơi, sao chàng không tới để em ngồi lẻ loi." Nỗi nhớ dằng dặc mênh mang gợi về hòa nhịp với tiếng gáy của lũ côn trùng trong đêm vắng khiến nàng thao thức suốt canh thâu trong niềm thương tưởng: "Đêm qua em có ngủ đâu, em nghe dế hát suốt canh thâu sau hè."
Chẳng những không gian thanh vắng nhắc nhở sầu riêng, hình ảnh nhịp cầu liên kết tiếp nối cũng chẳng tha đánh động nỗi cách xa người thương: "Qua cầu ngả nón trông cầu, cầu bao nhiêu nhịp em sầu bấy nhiêu." Tình càng mặn nồng bao nhiêu, sự trông đợi hòa hợp đôi mái đầu càng tha thiết bấy nhiêu. Những năm tháng dần qua, bao thay đổi, bao ước mơ dồn đọng mà chàng vẫn biệt tăm để em cô lẻ làm bạn với lũ muông thú chẳng biết thiết tha gì đến người mang nỗi sầu mong đợi: "Con quạ ăn dưa, con cò phơi nắng; em ngồi em nghĩ cái chuyện đời; con quạ nó đen, con cò nó trắng, con cóc nó ngắn, con rắn nó dài; anh đi mô đi mãi đi hoài, tháng năm em đợi tháng mười em trông." Và rồi mây cứ trôi, nước cứ chảy về tận phương nao mù mịt như khoảnh trời đã qua anh quên lãng: "Ngày ngày ra đứng bờ sông, sông xa xa tít, cho lòng em đau." Nào ai biết cảnh đợi mong làm lòng người muốn điên muốn khùng về một hình bóng mà chẳng dám mong anh hiểu thấu: "Chim xanh ăn trái xoài xanh, ăn no tắm mát đậu cành cây đa. Cực lòng em phải nói ra, chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn." Và lời thề xưa phỏng anh còn nhớ, giờ chỉ riêng em vò võ: "Mảnh trăng đã chứng lời thề, làm chi để gánh nặng nề riêng ai."
Khi lòng bị thôi thúc bởi nhớ nhung, nàng cần được an ủi hoặc muốn có cách nào đó hóa giải cho nỗi lòng thanh thản. Trường hợp có thể gặp được, nàng đã khôn lanh mượn việc nọ cớ kia mong nhìn thấy người thương: "Giả đò mua khế bán chanh, giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn," hay "Giả đò mua khế bán tơ, đi ngang qua ngõ rơi thơ cho chàng." Do tính chất tỉ mỉ sẵn có, các nàng khi thương ai thường muốn được chăm sóc bằng những món quà nho nhỏ. Mặc dầu giá trị của những món quà không là bao nhưng lại mang tâm tình vô giá đối với nàng bởi cảm thấy được người yêu nhớ tới. Những kỷ niệm này một phần nào giúp nàng ấm lòng khi nỗi nhớ nhung dằn vặt: "Chàng về để áo lại đây, phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn." Hoặc "Anh về để quạt lại đây, mở ra xếp lại cho khuây cơn buồn." Những khi đêm về, nỗi cô đơn xâm lấn, áo chàng cũng giúp nàng tìm được hơi ấm người thương "Anh về để áo lại đây, đêm khuya em đắp kẻo gió tây lạnh lùng," hay "Áo xông hương của chàng vắt mắc, đêm em nằm em đắp lấy hơi." Chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên giúp nàng nhẹ lòng nhung nhớ nhưng thiên nhiên cũng không kém gợi hình ảnh tình quân khi thấy người ta mà không có bóng chàng: "Thương thương nhớ nhớ sầu sầu, một ngày ba bận ra cầu đứng trông. Thấy người Nam, Bắc, Tây, Đông, thấy toàn thiên hạ mà không thấy chàng;" để rồi lại những dòng nước mắt thương vụng nhớ thầm đua nhau ướt gối hầu giải bớt mối sầu, "Nhớ ai em những khóc thầm, hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa. Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ, nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai." Nhưng tin chàng vẫn bằn bặt theo ngày tháng càng tạo nơi lòng nàng khát khao được gần: "Ước gì anh hóa ra hoa, để em nâng lấy rồi mà cài khăn. Ước gì anh hóa ra chăn, để cho em đắp em lăn em nằm..." Những nỗi khao khát ấy lại tạo thành nhớ nhung dằn vặt tưởng được quên trong giấc ngủ; thế nhưng, cứ mỗi lần tiếng gà gọi sáng là mỗi lần hối thúc lòng si. Bởi vậy, dầu mong ngóng mà nàng lại sợ nhớ nhung ray rứt do đó đành phải: "Chiều nay làm thịt con gà trống vàng, để khuya nó gáy, em hai hàng lụy rơi." Yêu thương vời vợi nhưng đâu ai hiểu thấu nỗi tương tư và rồi biết sao cho vơi lòng nhớ: "Một thương hai nhớ ba sầu, cơm ăn không được ăn trầu ngậm hơi. Thương chàng lắm lắm chàng ơi, biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than?" "Người sống không tình yêu chỉ là xác chết biết thở;" đâu ai ngờ khi tình gặp cách trở, yêu đương lại mang đến sự mòn mỏi từng giờ.