NIỀM TIN QUA CA DAO

     ếu chỉ xét về bản năng tự nhiên của mọi loài dù là động vật hay thực vật, từ những vi khuẩn nhỏ li ti đến độ mắt con người không thể nhìn thấy, qua cây cỏ rong rêu, những loài sên ốc, giun dế, cho tới loài người, đặc tính sinh tồn đa dạng với nhiều hình thức là căn bản nối tiếp sự hiện hữu. Sự sống càng ở mức độ cao thì bản chất càng linh động hơn... và con người có bản chất linh động nhất không những bao gồm một thể xác sinh động mà còn có phần tinh thần, nơi đó sự tự do không ai có thể giới hạn đã khiến con người thay đổi tất cả bộ mặt sự sống nơi trái đất. Nếu so sánh, thể xác con người chỉ giống như dụng cụ cho sự hoạt động của tinh thần mặc dầu tinh thần bị ảnh hưởng tùy theo điều kiện của thể xác và môi trường con người sinh sống. Điểm đặc biệt của tinh thần là không chịu chấp nhận ngưng nghỉ nơi điều kiện sẵn có của mình mà luôn luôn có ước muốn tiến xa hơn chẳng những trong điều kiện sinh hoạt xác thể mà còn nơi lãnh vực tư tưởng như một bản năng với khuynh hướng tìm tòi, học hỏi tiến dần tới Chân, Thiện, Mỹ, chốn cùng đích cũng là nguồn gốc của sự hiện hữu cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhận định như thế, chỉ con người mới có cuộc sống tinh thần, các loài khác không có.
Bản chất của tinh thần là sự tìm kiếm trong đó một đặc tính vượt trổi hơn hết hướng dẫn cũng như chọn lựa lý tưởng cho đời sống một người là sự nhận thức giới hạn con người để rồi tìm đến nguồn gốc của sự hiện hữu cũng như sự liên hệ với nguồn gốc đó; sự nhận thức này được hướng dẫn bởi niềm tin. Nếu có cơ hội hoặc môi trường, đặc tính này còn được phát triển thêm khả năng đặt lại vấn đề về niềm tin của mình. Dĩ nhiên, một điều gì khi đã biết thì không cần được chứng minh hay giải thích bởi biết là tiến trình của sự nhận thức, và vì thế niềm tin dựa trên tiến trình nhận thức kiếm tìm chân lý. Qua kinh nghiệm tiến trình nhận thức, tất cả những gì có thể được tin tưởng đều là phản ảnh một khía cạnh nào đó của chân lý và chân lý là cùng đích hướng dẫn đời sống con người. Với sự nhận xét này, điểm cao nhất của niềm tin là chân lý, phương tiện giúp cho con người tận dụng mọi năng lực thực hiện nhân đức, những sự tốt lành cho cuộc đời. Bởi thế, căn bản cho sự suy nghĩ là niềm tin, và niềm tin là phản ảnh phần cao nhất của tinh thần con người.
Điều hiển nhiên, con người có tự do tuyệt đối trong giới hạn tinh thần vì dù có gông xiềng thân xác hoặc mọi áp lực cuộc sống đè ép, không gì có thể bắt buộc một người suy nghĩ theo bất cứ chiều hướng nào. Người ta có thể lên án điều một người nói hay viết ra nhưng khi tư tưởng còn nằm trong ý nghĩ, không ai có thể đụng đến được ngoại trừ phá hủy bộ óc làm mất khả năng suy tư của nó. Thế nhưng, sự tự do này lại lệ thuộc niềm tin vì không thể có tự do thực sự cho tới khi có được một niềm tin mạnh mẽ. Niềm tin là mốc cho mọi suy tư cũng như lối sống của con người. Dĩ nhiên, con người thần thánh hóa điều họ tin tưởng cũng như thăng hoa những gì họ thích nhưng con người tự bản chất lại dễ tin tưởng nên cần niềm tin; và như vậy trong trường hợp thiếu căn bản đạo đức, con người dễ chiều theo những sự xấu xa thay vì tìm kiếm chân lý. Hơn nữa, không phải điều gì mình đã tin là luôn luôn đúng, muốn có một niềm tin vững chắc lại cần có sự nghi ngờ vì nghi ngờ vạch vòi những gì không thuộc về chân lý. Đàng khác, tinh thần con người còn có thêm một cá tính là người ta có thể đặt niềm tin vào điều không có thể xảy ra nhưng lại không bao giờ tin vào điều nghi ngờ. Niềm tin được phụ họa bởi tiến trình nhận thức dẫn dắt con người tiến tới Chân Lý, cội nguồn của sự sống.
Qua Ca Dao, người xưa tin có Trời, và Trời ảnh hưởng, xét xử con người "Cứ trong nghĩa lý luân thường, làm người phải giữ kỷ cương mới mầu. Đừng cậy khỏe chớ khoe giàu, Trời kia còn ở trên đầu còn kinh." Cuộc đời con người có số phận do Trời định đoạt: "Bôn ba không qua phận số," và duyên phận "Nhờ ơn cô bác giúp lời, chị em giúp của ông Trời định đôi." Con người không phải chết đi là hết vì còn có thế giới bên kia cũng như có quả báo. Đồng thời, lối sống của một người không những ảnh hưởng ngay cuộc đời mình mà còn liên hệ tới hậu duệ.
Trời là đấng tối thượng, được gọi là Thiên Thượng theo chữ Nho hay Thượng Đế hoặc Ông Xanh cần được viết chữ hoa: "Ngồi buồn trách lẫn Ông Xanh, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười." Những chữ "trời" viết bình thường chỉ về thiên nhiên: "Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo;" hay "Trời mưa thì mặc trời mưa, chồng tôi đi bừa đã có áo tơi," hoặc "Trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm." Trời (chữ hoa) là nguồn gốc của vạn vật: "Thấy anh hay chữ, em hỏi thử một lời, thuở tạo thiên lập địa ông Trời ai sanh?" Nói rằng Trời sinh ra người có nghĩa Trời là đấng linh thiêng mà con người thần phục: "Trời sinh ra đã làm người, hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi..." Trời an bài mọi chuyện trong cuộc đời: "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ," hoặc "Trời đánh còn tránh miếng ăn." Trời là đấng xét xử lẽ công bằng "Không có Trời, ai ở được với ai;" vì "Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay;" hay "Đạo Trời báo phục chẳng lâu, hễ mà thiện ác đáo đầu chẳng sai." Trời trừng phạt kẻ gian ác không sớm thì chầy "Chạy Trời không khỏi nắng," và không ai có thể trốn thoát "Ai bảo Trời không có mắt." Trời không để cho người tốt lành bị thiệt "Làm ơn ắt hẳn nên ơn, Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ," và giúp những người cố gắng sống tốt lành hơn: "Trời nào có phụ ai đâu, hay làm thì giầu, có chí thì nên;" bởi "Trời chẳng đóng cửa nhà ai." Đặc biệt, người xưa tin rằng Trời độ những người hiếu thảo với cha mẹ: "Con làm cha mẹ vui cười, thì được Phật, Trời ban bố phước duyên."
Phận số giầu, nghèo của một người cũng tùy thuộc ở Trời: "Chữ rằng tiểu phú do cần, còn như đại phú là phần do Thiên" chứ không phải cứ cố gắng làm giầu đã chắc được: "Mưu toan chẳng dễ chi nên, thành công thất bại cũng ơn trên có Trời" vì những gì mình có được do Trời ban cho: "Của Trời, Trời lại lấy đi, giương hai con mắt làm chi được Trời." Phận số bao gồm duyên số, duyên phận cũng được tin rằng do Trời định đoạt: "Căn duyên gặp gỡ giữa trời, ông tơ dìu dắt, ông Trời khiến nên." Do đó "Bãi dài cát nhỏ tăm tăm, phải căn duyên Trời định bấy nhiêu năm anh cũng chờ."
Bởi vậy con người tin tưởng và đặt niềm cậy trông ở Trời: "Chàng ơi trẩy sớm kẻo trưa, cửa nhà cậy mẹ, nắng mưa nhờ Trời. Em đi cầu khẩn Phật, Trời, biết than cùng Trời, biết thở cùng ai." Tất cả những gì ngoài khả năng của con người, chỉ có Thượng Đế mới giải quyết nổi: "Nghiêng vai ngửa vái Phật, Trời, đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân;"  hoặc "Lâm râm khấn vái Phật, Trời, xin cho cha mẹ sống đời với con." Vì tin ở Trời, những gì con người khó có thể gánh chịu, Trời cũng là đấng cho con người ca thán, kêu than: "Trời sao trời ở chẳng cân, người ăn không hết, người lần chẳng ra;" hoặc "Trời sao Trời chẳng ở công, kẻ ba bốn vợ, người không vợ nào;" hay "Trời ra điềm lạ khó bàn, hay là ông khiến tôi với nàng cách xa?"
Khi những sự việc xảy ra ngoài sức cố gắng giải quyết, con người thường hay kêu cầu hoặc than trách tới Trời điều này chứng tỏ dù xưa hoặc nay, từ nơi tiềm thức, mọi người đều tin có một Đấng ở trên đầu mình, giúp đỡ, cai quản cũng như thấu suốt lòng dạ mỗi người để nhắc nhở hoặc khuyến khích làm lành lánh dữ. Niềm tin được thể hiện rõ ràng nhất nơi lương tâm con người khi đối diện với cuộc đời trong lúc cần có những quyết định đạo đức hay luân lý. Niềm tin này cũng được hỗ trợ và minh chứng qua tiếng nói lương tâm; khi làm việc gì tốt lành, con người nhận được niềm vui an bình khó diễn tả nhưng nếu làm điều không nên không phải sẽ bị dằn vặt. Tiếng nói lương tâm thôi thúc và luôn luôn nhắc nhở không ngơi nghỉ cho dù con người có muốn chạy trốn hay tìm vào quên lãng cũng không thể nào tránh thoát. Điều này ai ai cũng nhận thấy một cách hiển nhiên nhưng trái lại ít để ý và phân tích hoặc đặt thành vấn đề có lẽ vì ai cũng sợ tiếng nói của lương tâm bởi ai không lầm lỗi. Có một điều không mấy người nhận ra là đối diện với lòng mình, chấp nhận lầm lỗi để cải thiện và cố gắng sống vươn lên, thực hiện những việc tốt lành thay vì trốn chạy, con người mới có được niềm vui an bình thực sự.
Xét riêng về phận số, rút tỉa từ kinh nghiệm sống, người cần cù làm lụng, ăn chắt để dành mà nghèo vẫn cứ nghèo; lại có kẻ nhởn nhơ với cuộc đời vẫn giầu có, người xưa cho rằng: "Số khó làm chẳng nên giầu." Nếu một người đã có số nghèo, cho dù muốn và cố gắng dùng đủ mọi hình thức, phương tiện để làm giầu cũng không thể được, "Số giàu đem đến rửng rưng, lọ là con mắt tráo trưng mới giàu." Thế nên, "Số giầu tay trắng cũng giầu, số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo." Do đó nếu đã là "Số khó làm chẳng nên giàu" thì chỉ "Thức khuya, dậy sớm cho đau xương sườn." Người xưa khuyên: "Giàu nghèo tại số đừng lo, mà đường công nợ có lo chi mà" bởi "Bôn ba không qua thời vận." Thêm nữa, mỗi người có một số phận nào đó đã được an bài sẵn: "Làm quan có dạng, làm dáng có hình" hoặc: "Làm quan có mả, làm kẻ cả có dòng."
Người xưa tin rằng số phận của một người còn do nhiều nguyên nhân. Thoạt tiên là do đức của cha mẹ để lại, nếu cha mẹ sống tốt lành thì con cái được hưởng phước "Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con;" đồng thời nếu sống bất nhân hoặc làm những chuyện chẳng nên, hại người, con cái bị ảnh hưởng hậu quả "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước." Đức sống của một người ảnh hưởng chính cuộc đời của họ: "Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác;" vì chính mình sẽ nhận lãnh kết quả việc mình làm: "Việc đời phản ứng rõ ràng, cây đánh vào vách tiếng vang dội liền." Do đó, "Ở hiền thì lại gặp lành, ở ác gặp dữ tan tành như tro." Nhận thức lối sống mình có ảnh hưởng chẳng những cuộc đời mình mà còn đến thế hệ tiếp nối của con cái, một người nên sống tốt lành và phải biết ghi ơn ông bà cha mẹ mình đã để lại đức cho mình: "Khôn ngoan nhờ đức cha ông, làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ."
Người xưa tin cũng có duyên phận trong vấn đề hôn nhân của con người: "Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng, khác gì như thể phượng hoàng gặp nhau." Nhân duyên do Trời định và ông Tơ bà Nguyệt thường được dùng để làm biểu tượng nối kết đôi lứa: "Đôi ta duyên nợ không thành, cũng do Nguyệt lão chỉ mành xe lơi." Hơn nữa, khi hai người đã có duyên phận với nhau tất nhiên sẽ được trùng phùng, "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên diện kiến bất tương phùng." Vì thế, nếu đã có nhân duyên, tất nhiên, "Đôi ta là nợ, là tình, là duyên, là kiếp đôi mình kết giao." Nhân duyên cũng còn được gọi là duyên kiếp, không thể nào bị ép buộc: "Giàu trong làng trái duyên khôn ép, khó nước người phải kiếp cũng theo" bởi ép buộc là trái lòng người và trái lẽ tự nhiên: "Phải duyên áo rách cũng màng, vô duyên áo nhiễu, nút vàng không ham." Do đó, "Em ơi chớ khá bôn hành, duyên đâu nợ đó ai giành em lo."
Đã có sinh là phải có tử và con người không phải chết là hết, "Ai ơi hãy ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau." Chính ngay những việc mình làm bây giờ còn đem lại hậu quả nào đó thì cả cuộc đời mình tất nhiên không qua đi một cách tự nhiên: "Việc đời có rủi có may, có vay có trả xưa nay lẽ thường," hay nói theo kiểu nhà Phật "Lên yên khổ nỗi giục yên, tiền căn báo hậu, nhãn tiền thấy chưa." Thế nên ngoài thế giới hữu hình còn thế giới linh thiêng hay thần linh: "Miễu linh chẳng dám đứng gần, đứng xa mà vái, thánh thần chứng tri." Hoặc người ta được luân hồi qua kiếp khác theo Phật thuyết: "Em thác ba năm xương tàn cốt rụi, em đầu thai con nhạn bạch về đậu bụi chanh. Cất tiếng kêu 'Anh ơi đi nói vợ, đừng chờ đợi em như trước tuổi xuân không còn.'" Và khi chết, con người không mang theo được bất cứ vật chất gì thuộc về mình khi còn sống: "Vua Ngô băm sáu tàn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì. Chúa chổm uống rượu tỉ ti, chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô." Hay, "Trăm năm còn có gì đâu, chỉ hai tay trắng về chầu Diêm Vương." Nói như thế không có nghĩa là nơi cuộc sống bên kia mọi người như nhau. Tất nhiên, "Trồng cây dâu ăn trái dâu," hoặc "Gieo gió gặt bão." Người sống tốt lành chắc chắn phải được thưởng và kẻ thực hiện điều gian ác sao có thể so sánh với người thi hành sự thiện. Người xưa tin vào thuyết nhân quả không phải chỉ nơi cuộc đời này mà còn ảnh hưởng tới kiếp sau. Lẽ đương nhiên, nếu có thể tin được cuộc sống tốt lành, nhân nghĩa để lại đức cho con cái thì không thể nào từ chối sự ảnh hưởng của tâm đức mình đến cuộc đời nơi thế giới bên kia sau khi chết. Đây là một trong những vấn đề thần học căn bản của bất cứ tôn giáo nào. Nói cách khác, thế giới siêu hình bên kia là nền tảng cho các tôn giáo; dĩ nhiên, nếu không có niềm tin về thế giới siêu hình, không được gọi là tôn giáo. Người xưa tin rằng con người sẽ được thưởng những gì phúc đức mình thực hiện trong cuộc đời hay bị phạt bởi đã sống chẳng ra gì nơi thế giới vô hình: "Có chồng còn muốn lấy trai, chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu."