DANH DỰ CON NGƯỜI

     ành rằng "Hơn nhau tấm áo manh quần, thả ra ở trần ai cũng như ai," nhưng người ta cũng có người ốm, người mập; kẻ thì như cây tăm, người lại "Hùm ăn bẩy ngày không hết thịt." Do đó, may ra chỉ có được một điểm chung "ở trần" nghĩa là "ai cũng như ai" nơi điểm trong da là thịt hay ngoài thịt là da chứ không thể nào ai cũng như ai theo nghĩa rộng hơn. Chả thế mà có câu "Người ta dăm bẩy người ta, kẻ thì tiền rưỡi người ba mươi đồng." Ngày xưa, tiền hay quan tiền giá trị rất cao so với đồng, "Một quan là sáu trăm đồng, chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi..." Giá trị con người chênh lệch khác nhau bởi "Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi." Hai chữ "anh hùng" chỉ về danh dự của một người vì "Hữu xạ tự nhiên hương." Danh dự là hương hoa cuộc sống, "Chữ rằng hổ tử lưu bì, làm người phải để danh gì hậu lai," là danh tiếng cá nhân, "Trâu chết để da, người ta chết để tiếng;" là tiếng thơm người khác nhận thấy hoặc suy tụng mình, "Người ta hữu tử hữu sanh, sống lo xứng phận thác dành tiếng thơm." Danh dự được tạo nên bởi "Sống lo xứng phận" sao cho "Người chết nết còn." Chính vì tiếng thơm, cái nết xứng đáng được ca tụng nên được người khác nhắc nhở tới mãi mãi về sau "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ." Tuy nhiên, danh dự không phải là danh lợi. Chữ lợi mang theo nghĩa xấu, có tính chất giả tạo làm hại con người, "Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong chui vào;"  hoặc "Chưa được nay ước mai ao, được rồi trắng mắt như tao mới chừa." Chữ "tao" được than lên một cách cay cú, tầm thường đáng bị coi khinh. Danh dự khuyến khích con người sống cao thượng hơn, ý thức hơn và hoàn hảo hơn, "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người;" trong khi danh lợi lại là trường lừa bịp những ai chỉ muốn có tiếng tăm hão huyền: "Cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô."
Xét ra, "Ở trần ai cũng như ai," người nào cũng là người nên sự khác biệt về sự tôn trọng của những người chung quanh đối với cá nhân nói lên giá trị và danh dự khác nhau nơi từng người. Sự khác biệt này tùy thuộc sự tạo dựng danh dự cho chính mình. Lẽ đương nhiên, tạo dựng danh dự không phải dễ; đó là lý do tại sao người có danh dự được mọi người kính nể. Sự tạo dựng danh dự là chính lối sống sao cho vượt hẳn khỏi sự tầm thường của kiếp người: "Làm trai quyết chí tu thân, công danh chớ vội nợ nần chớ lo, khi nên trời cũng giúp cho; làm trai năm liệu bảy lo mới hào. Trời sinh trời chẳng phụ nào; phong vân gặp hội anh hào ra tay. Trí khôn rắp để dạ này; có công mài sắt có ngày nên kim." Hơn nữa, cứ sự thường tình, con người được sinh ra với hai bàn tay trắng; ra đời lập nghiệp, tạo dựng ý chí cũng vào thời trắng tay; thế cho nên tạo dựng danh dự lại càng khó bởi nếu đã có chốn nương tựa, "Sẵn cỗ ngồi vào" thì có chi đáng nói mà "Nước lã mà vã nên hồ, tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan."
Tạo dựng danh dự bao gồm nhiều chi tiết nên theo và cũng lắm điều cấm kỵ không được phạm tới. Trước hết, muốn có danh dự, một người cần hiểu đạo xử thế: "Đòng đong chơi đạo đòng đong, trẻ vui đạo trẻ già rong đạo già." "Đàn ông như con dao pha," thái thịt cũng được mà chặt xương cũng được; tập luyện sao cho lúc cần cương thì cương, khi cần nhu thì nhu, biết "Kính trên nhường dưới," biết "Kim chỉ phải có đầu" chứ không phải coi mọi người như "Cá mè một lứa." Trọng người chưa đủ mà còn luôn luôn cần học hỏi để thăng tiến cuộc đời "Ông bảy mươi học ông bảy mươi mốt;" hơn nữa, không phải chỉ những người lớn tuổi hơn mình mới học nơi họ mà bất cứ những gì người khác hơn mình cũng cần học thêm bởi "Ra đàng lắm kẻ còn giòn hơn ta." Khả năng cầu tiến không biết thế nào cho đủ cũng như sự học, chẳng biết bao nhiêu cho vừa. Tuy nhiên, muốn nhìn được điều hay lẽ phải nơi người khác để học hỏi trau dồi cho chính mình lại cần một điều kiện tối ư quan trọng: đó là dám chấp nhận thực sự mình là người thế nào. Điều này nói lên cần biết mình, biết người do đó "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe;" ngược hẳn với thói thường vì ai cũng đều cảm thấy mình là đúng, ít để ý nghe người khác, hoặc bởi sự thiếu sót kinh nghiệm, chưa kịp suy nghĩ chín chắn điều người khác nói mình đã vội cho là không hợp. Đôi khi theo tâm lý bình thường, có những người mặc dầu chỉ mới gặp lần đầu, tự nhiên mình không thích, không có dù một chút cảm tình, hoặc đối với người khác vì nghe những điều không ra gì về họ, mình không ưa hoặc không cần để ý xem họ thực sự như thế nào. Người có danh dự là người tìm hiểu và nhận chân giá trị kẻ khác không tùy thuộc lời đàm tiếu mình nghe được về họ. Hay, công nhận rằng hay; dở, tránh không bước theo vết xe đổ chứ không phải "Chẳng ưa thì dưa có dòi" hoặc "Không ưa đổ thừa cho xấu." Không coi thường những người bề ngoài kém mình "Chớ thấy áo rách mà cười" vì "Những giống gà nòi lông nó lơ thơ." Nhận biết điều hay lẽ phải và ý thức được trong cuộc sống, "Muốn ăn hét phải đào giun," đồng thời chính những khó khăn trong cuộc sống lại là môi trường đào luyện tâm hồn mình thanh cao hơn, ý chí kiên trì hơn, lý trí sáng suốt hơn, danh dự vững bền hơn "Lửa thử vàng, gian nan thử đức." Dầu người có danh dự không những sẵn sàng nhận lỗi khi mình sơ sót, lại còn sống sao cho đứng đắn ngay thẳng, có trước có sau, tránh khỏi những kinh nghiệm mắc mỏ tàn hại cuộc đời: "Ăn cơm mắm ngắm về sau, ăn cơm rau nhớ sau nhớ trước." Chính vì vậy tâm hồn được thanh thản, không ganh đua mà biết chấp nhận cuộc đời: "Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba." Dĩ nhiên sống sao cho hợp thời hợp cảnh "Đi nước Lào, ăn mắm ngóe" tránh bon chen làm tiêu hao giá trị, nhưng không phải người khác làm những điều chẳng ra gì mà mình nhắm mắt làm theo. Người có danh dự dù chỉ làm bạn, cũng không bạn bè với những người xằng bậy. Tuy nhiên, biết dung hòa để tránh thái quá cũng như biết tiến thoái để tránh bất cập "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy;" không kênh kiệu mà hòa hợp - hòa hợp chứ không hòa đồng.
Tạo danh dự đã khó, bảo vệ danh dự lại càng gian nan hơn vì "Khôn ba năm dại một giờ," hoặc "Cái sẩy nẩy cái ung." Bảo vệ danh dự đòi hỏi một người tuân giữ những điều cấm kỵ một cách tuyệt đối, nếu có thể nói, bởi "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng." Hơn nữa, những điều không nên thường hấp dẫn con người hơn những điều hướng thượng do bản tính tự nhiên yếu hèn nơi bất cứ ai. Bảo vệ danh dự không phải là "Đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy điệm" mà cần chân thành nhận thực con người mình thế nào; điều gì hay, điều gì dở nơi chính mình để thăng tiến hay sửa đổi. Sống sao cho tốt lành hơn vì càng tốt lành, danh dự càng cao; cũng như "Ao sâu tốt cá." Khi có những chuyện không hay xảy đến, người có danh dự tự kiểm điểm chính mình và biết mở rộng tâm hồn đặt vấn đề "Trách người một trách ta mười, bởi ta tệ trước nên người bạc sau."
Điều hiển nhiên, cuộc đời đôi lúc "Khôn như tiên, không tiền cũng dại;" tuy nhiên, "Khi nắng còn có khi mưa." Người trọng danh dự thà "Làm tôi thằng hủi hơn chịu tủi anh em;" vì họ quan niệm chỉ có "Gà què ăn quẩn cối xay." Họ chấp nhận "Chết trong hơn sống đục," và khi "Cái khó bó cái khôn," họ ý thức thân phận mình để rèn luyện kiên nhẫn, ý chí chứ không "Chó cùng bứt dậu," hoặc "Đói ăn vụng túng làm liều," mà "Đói cho sạch, rách cho thơm." Người trọng danh dự không bao giờ đối xử với kẻ khác "Chú khi ni, mi khi khác," nhưng lại nhận thức được "Măng mọc có lứa, người ta có thời." Hơn nữa, "Thời buổi nào, kỷ cương ấy," và họ hàng anh em thì "Vị tình vị nghĩa không ai vị đĩa xôi đầy;" gặp những khi chẳng đặng đừng họ "vuốt mặt" biết "nể mũi." Dĩ nhiên, người đời thường "Hay khen, hèn chê." Người có danh dự cần để ý dư luận mặc dầu dư luận nhiều khi bất công "Khôn ngoan thì bảo rằng ngoa, vụng dại thì bảo người ta rằng đần." Mọi người đều biết không ai có thể "Đo miệng cá uốn câu," cũng như không ai có thế làm vừa lòng hết mọi người vì người mà không ai thấy có nhược điểm, không ai có thể chê, lại coi chừng là tên đại bịp bởi đã là người, lầm lỗi là chuyện thường tình. Tuy thế, người trọng danh dự luôn luôn cho rằng "Tay đâu mà bịt miệng người thế gian," nhưng vẫn không coi thường dư luận bởi "Thấp cao mới biết tuổi vàng, gặp cơn lửa đỏ màu càng thắm tươi." Dư luận vừa là lò đào tạo danh dự lại cũng là nơi phá nát tiếng tăm một người vì đôi khi chỉ vô ý: "Sa chân bước xuống ruộng dưa, Dẫu ngay cho chết cũng ngờ rằng gian."
Mặc dầu "Tốt danh hơn lành áo" nhưng danh dự phải được đào tạo bởi chính cuộc sống mình chứ không phải "Bán gia tài mua danh diện," để rồi "Được tiếng khen, ho hen chẳng còn," hoặc vì "Con gà tức nhau tiếng gáy," hay "Có ăn có chọi mới gọi là trâu." Người có danh dự không "Đứng núi này trông núi nọ," không "Thấy sang bắt quàng làm họ" vì "Hèn mà làm bạn với sang, chỗ ngồi chỗ đứng có ngang bao giờ," không "Ra luồn vào cúi" hoặc "Bới lông tìm vết" bất cứ ai; không xét người một cách hời hợt vì có thể "Áo dài chớ tưởng là sang, bởi không áo ngắn phải mang áo dài," không "Được thể dễ nói khoác" hoặc "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng," không "Huýt chó bụi rậm" mà cũng không "Đòn xóc xọc hai đầu" hoặc "Đâm bị thóc, thọc bị gạo." Mình phải là chính mình chứ không phải "Ai nói làm sao, bào hao làm vậy."
Lẽ đương nhiên, "Ai đội mũ lệch thì xấu mặt người ấy," mà ảnh hưởng tăm tiếng của một người không phải chỉ vỏn vẹn nơi cá nhân và cuộc đời họ mà chính cuộc sống còn có sự liên đới nên danh dự của một người ảnh hưởng tới gia đình và họ hàng nữa, bởi trước tiên, gia đình là môi trường giáo dục căn bản về đức hạnh một người. Cứ xem con người đó ra sao có thể biết được giáo dục gia đình họ thế nào vì "Cha nào con nấy." Hơn nữa, mỗi người Việt có bổn phận xây dựng và bảo vệ danh dự gia đình họ hàng mình; chẳng thế mà có câu "Xem quả biết cây." Làm sao có thể cây đắng sinh trái ngọt vì "Nòi nào giống ấy." Do đó gặp trường hợp "Con sâu làm rầu nồi canh," thì người sống không ra gì trước tiên mất hết anh em họ hàng, lần lần đến bạn bè, rồi người thân quen, làng nước. Người sống tệ hại sẽ bị "Anh em khinh trước, làng nước khinh sau."
Tóm lại, danh dự ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống của con người.