XỬ THẾ

     o nhận ra sắc thái đặc thù về luân lý cũng như phổ quát ứng dụng nơi Tục Ngữ, Ca Dao, một vấn đề được đặt ra: Tiền nhân dân Việt đã nhận xét tâm lý cuộc đời và có quan niệm xử thế ra sao cũng như điều nên và cần biết của một người trong cuộc sống theo chiều hướng vươn lên để làm đẹp cuộc đời chẳng những riêng cho cá nhân mà còn sinh phần lợi ích thiết thực tới những người chung quanh; nói cách khác, góp tay xây dựng xã hội Việt Nam mỗi ngày một hoàn mỹ hơn. Tuy  nhiên, muốn có một cái nhìn trung thực thế nào là nên và không nên trong cách xử thế đòi hỏi sự nhận biết điều kiện sống hay là thực trạng cuộc đời mà con người phải đối diện cũng như quan niệm, chiều hướng phổ quát về nhận xét hoặc phản ứng của con người về cuộc đời. Chắc hẳn rằng không ai có thể nói lên rõ ràng và bao quát về cuộc đời như thế nào bởi cuộc đời gồm nhiều cá nhân "Người ta năm bảy người ta, kẻ thì tiền rưỡi người ba mươi đồng;" cũng là những con người sống trong một xã hội nhưng không ai giống ai và không điều kiện sinh hoạt, môi trường nào có thể tạo nên cho những con người khác biệt phản ứng giống nhau "Đòng đong theo đạo đòng đòng, trẻ vui đạo trẻ già dong đạo già." Hơn nữa, mặc dầu ai cũng được ban cho sự sống nhưng xét ngay như bản chất tâm lý và điều kiện cơ thể đã là những nguyên nhân tạo nhiều phản ứng khác biệt trong cách sống hoặc xử thế. Bởi vậy, không thể nào có được một khuôn mẫu cố định, cứng ngắc để mọi người rập theo. Mặc dầu, qua cơ cấu xã hội người Việt, chúng ta thấy có những khuôn mẫu luân lý: Tam Cương, Ngũ Thường; Tam Tòng, Tứ Đức; Đạo Hiếu; hay những luật lệ thành văn hoặc bất thành văn đã bao nhiêu đời giúp mang lại trật tự và nề nếp luân lý cũng như đạo đức con người, nhưng chắc chắn rằng cũng không thiếu chi con dân Việt đã bị những khuôn mẫu đó được áp dụng trong hoàn cảnh khác biệt gò ép họ phải ngậm đắng nuốt cay chịu trận cả một cuộc đời khổ ải "Ngậm bồ hòn làm ngọt" không đường đào thoát bởi điều đúng và lý tưởng cho đa số chưa chắc đã là điều tốt cho một người trong hoàn cảnh và điều kiện bản thân cũng như tâm lý khác biệt. Không nói gì chuyện xa vời, ngay như vấn đề ăn uống, đối với nhiều người, không có ớt thì mùi vị đồ ăn mất ngon, trái lại người khác chẳng may vô tình ăn phải ớt lại cảm thấy cay như xé cổ họng, hoặc âm nhạc rất phổ thông và được hầu như mọi người ưa thích; trái lại có những người thà đi cuốc đất còn hơn ngồi đó thưởng thức một bản nhạc... Xét rộng thêm chút nữa, ngay như đối với một thú tiêu khiển, biết bao nhiêu người có những phản ứng và tâm trạng khác nhau.
Qua tư tưởng Tây Âu, con người cũng có nhiều quan niệm khác nhau về cuộc đời bởi tùy thuộc những điều kiện và lối nhìn khác nhau. Có ai đã không nhận thấy "Khi bàn soạn hoặc đọc trong sách vở thì cuộc sống là một sự tuyệt vời nhưng khi phải đối diện với thì nó lại là điều khổ ải?" (Jean Anouilh, 1939). Ernest Renan cay đắng hơn trong những nỗi thất bại: "Tôi thử hỏi bạn, cuộc đời con người là gì? Phỏng nó không phải là niềm hạnh phúc què quặt, đầy nỗi lo lắng ưu tư vô vọng, một sự lừa dối lạ lùng của một ngày mai tươi sáng hơn ư?" (1880). Chính vì khao khát những ước vọng không bao giờ có thể đạt tới đã là khởi điểm cho ưu uất tâm tư; từ đó con người đổ lỗi cho cuộc đời: "Bạn có thể nhận ra rằng cuộc sống tự nó là một lỗi lầm lớn lao nhất trong đó chính sự sống là chủ động của những đau khổ không?" (Ugo Betti, 1953). Như một lẽ thường, ít ai nhận ra niềm hạnh phúc mình đang nắm giữ nhưng lại cứ cố gắng chạy theo những gì ngoài tầm tay với thế nên "Cuộc sống là một sự dính liền những góc cạnh rộng lớn thôi thúc bởi những nỗi thống khổ," (Ugo Betti). Bởi vậy, chẳng lạ gì, những tham vọng không đạt được đã bị gán ép vào cuộc đời thay vì tự đặt vấn đề về chính mình để tìm phương liệu chữa trị hoặc thăng tiến, "Cuộc đời là viên thuốc đắng không ai có thể nuốt trôi nếu không được bọc đường," (Samuel Johnson, 1786). Với những cái nhìn yếm thế này, cho dù bất cứ ai dám tự đối diện với lòng mình thì giá trị của cuộc đời xét theo phương diện xây dựng cho con người cũng chẳng có gì đáng nói: "Cuộc sống được coi như một món đồ chơi làm bằng thủy tinh giá trị khó thể đo lường nhưng trong thực tế lại rất rẻ tiền," (Pietro Aretino, 1537). Và đương nhiên được coi như món nợ đeo đẳng phải trả cho kiếp làm người: "Cuộc đời giống như một củ hành tây mà con người vừa bóc vừa chảy nước mắt," (Cách ngôn Pháp), hay là nỗi thống khổ không phương chạy trốn hoặc vứt bỏ: "Cuộc sống là con bệnh bất trị," (Abraham Cowley, 1656).
Tuy nhiên, dẫu cho yếm thế tới độ nào chăng nữa, "Con người vẫn khư khư bám lấy cuộc sống dù phải trả giá mắc mỏ để chống trả với số phận hẩm hiu," (Aristotle, thế kỷ 4 B.C.) để rồi khi nhận ra thực trạng yếm thế không đem lợi ích gì cho cuộc sống, họ mới đặt vấn đề về cuộc đời và thái độ hoặc chiều hướng của con người đối với cuộc đời: "Chỉ có ba vấn đề đáng nói về con người: sinh, sống, và chết. Người ta không tự biết gì về ngày sinh, đau khổ về sự chết, và không để ý đến sự sống của mình," (La Bruyère, 1688). Cách ngôn Pháp đưa lên điểm thiếu sót của đa số chúng ta: "Con người ta đã sống cả nửa cuộc đời trước khi biết đời là gì." Hơn nữa, vì không nhận thức được giá trị cũng như thực trạng của cuộc sống chúng ta đã nhắm mắt theo những điều mơ tưởng một cách vô căn cứ: "Cuộc sống là sự ngoắc ngoéo nơi đó chúng ta chọn sự sai lầm trước khi thực hành," (Cyril Connollly, 1945). Dĩ nhiên, khi nhận ra sự sống hoặc giá trị của sự sống thì đã đang sống do đó ai cũng gặp cảnh trái ngang không ngờ: "Cuộc sống là một nghệ thuật chúng ta bị đòi hỏi thực hiện mà sự không được chuẩn bị, không được dẫn dắt, đầy sai lầm và thiếu sót đã là hành trang cho buổi ban đầu," (Lewis Mumford, 1951). Tuy nhiên, cho dù có lầm lỗi, thiếu sót, hoặc phải mang những khổ ải, ai cũng nhận ra ít nhất giá trị của sự sống bởi: "Đối với những người còn sống thì còn hy vọng vì một con chó sống vẫn hơn một con sư tử chết," (Giảng viên, 9:4) bởi "Cuộc đời này tùy thuộc người sống chứ không phải kẻ chết," (Thomas Jefferson, 1813). Hơn nữa, ước muốn sinh tồn cũng như cầu sống nơi con người thuộc về bản năng chứ không phải là sản phẩm của lý trí; bởi vậy cho dù ở trình độ kiến thức nào và hoàn cảnh nào, ai ai cũng muốn được sống: "Sống cũng như yêu, mọi lý lẽ đều chống nghịch lại nhưng tất cả bản năng lại hùa theo," (Samuel Butler, 1912).
Nhận ra giá trị của sự sống, con người mới tìm kiếm phương cách để sao cho cuộc đời có ý nghĩa hơn bởi bình thường "Chúng ta mới sinh ra đã cất tiếng khóc, sống càm ràm không hài lòng với thực tại, và chết một cách tiếc nuối," (Thomas Fuller, 1732). Kiếm tìm điều gì tức là chưa có điều đó; thế nên, "Một điều hiển nhiên là nếu chúng ta không biết cách sống nên đã mơ mộng sống, cũng như không có hạnh phúc chúng ta mơ mộng được hạnh phúc," (Pascal, 1670). Chân thành nhìn lại thái độ cũng như mức độ xử dụng cuộc đời để rồi đem so sánh ước mơ với thành quả chuỗi ngày đã sống, J. M. Barrie đưa ra nhận định: "Cuộc sống con người là một thiên nhật ký trong đó bao gồm những câu chuyện thực tiễn mà ít khi chủ nhân dám so sánh thành quả của mình đạt được với điều mình mơ ước thực hiện," (1891). Hơn nữa, sao có thể nhận ra ánh sáng nếu không có bóng tối hoặc hạnh phúc nào có thể thỏa mãn được tâm hồn không bao giờ kinh nghiệm đau khổ. Cũng thế đối với sự nhận thức cuộc đời, người hiểu được giá trị cuộc đời cần kinh nghiệm thực tiễn bao gồm nhiều giá trị cho dù giá trị nào đó đòi hỏi điều kiện trải qua những đau thương: "Có câu nói cho rằng không ai nhận thức thực sự đời là thế nào cho tới khi họ biết thế nào là nghèo khổ, yêu thương, và chiến tranh," (O. Henry, 1908). Xét như thế, "sự không được chuẩn bị để sống thì đã sống" lại trở thành cơ hội tuyệt vời nhất rèn luyện con người lần hồi tìm ra chiều hướng cuộc đời: "Phương cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc sống là hãy bắt đầu sống," (Elbert Hubbard, 1927). Không kinh nghiệm, không sở trường mà "tay vo" bước vào cuộc đời chắc chắn sẽ bị vùi dập lăn lóc, đắng cay chua xót nhiều hơn sướng vui hạnh phúc. Có lẽ đó là lý do tại sao hạnh phúc lại quí giá, và sự kiến tạo cuộc đời hạnh phúc được nâng lên hàng nghệ thuật. Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ là những phút giây ngắn ngủi khó kiếm; bởi thế, cuộc sống hạnh phúc đòi hỏi cố gắng cũng như nghệ thuật hay phương pháp bảo vệ và xây đắp những niềm vui nhỏ bé: "Nghệ thuật sống là làm thế nào để biết kiếm tìm một chút niềm vui và ráng kéo dài niềm vui ấy," (William Hazlitt, 1817). Ngược lại, kinh nghiệm cho thấy, niềm vui nào cũng chóng qua, trận cười nào cũng đều được nối tiếp bằng những mảng buồn tênh vô nghĩa khi ý thức giá trị cuộc sống trở về dày vò tâm não: chẳng lẽ mình được sinh ra, sống cho qua rồi chết để đi vào quên lãng hư vô? Phải còn một cái gì! Ai cũng muốn trở thành một "cái gì" và đó là giá trị của cuộc sống đời mình. Tất nhiên, mơ ước có một điều gì cần công sức thực hiện và một đường hướng để theo cũng như mục đích đạt tới; thế nên: "Cuộc đời một người chỉ có giá trị khi có một lý tưởng," (Hegel, 1820). Lý tưởng hay mục đích của đời người là điều cần thiết mà năng lực để thực hiện hành trình đạt tới lý tưởng lại càng cần thiết hơn; nếu không, trèo cây đến lúc gần được hái trái đã hết sức thì còn tệ hơn đừng trèo. Muốn cuộc đời có giá trị, cần có lý tưởng để theo đuổi; muốn bền bỉ theo đuổi, cần ý chí và can trường. Như vậy, không phải cuộc đời làm nên giá trị con người mà con người làm nên giá trị cuộc đời mình tùy thuộc năng lực và ý chí nơi chính bản thân: "Tôi xét sự sống chỉ qua một vấn đề: sức mạnh tâm hồn của một người," (Robert Browning, 1855). Tất nhiên, cũng có những người không bao giờ đi tới đích có thể vì đã không tự lượng sức mình hoặc ước mơ quá tầm với. Ngược lại, mục đích có thể đạt tới dễ dàng sao có thể gọi là lý tưởng; bởi vậy, "Cuộc đời là cả một sự cố gắng liên tục để trở thành điều mình muốn và thực hiện những gì mình không thể tiến tới," (William Hazlitt, 1820). Dù sao chăng nữa, đạt thành hay thất bại, sự cố gắng liên tục theo đuổi niềm ước mơ vẫn có giá trị riêng của nó bởi chính sự cố gắng này giúp con người "Chẳng thành thân cũng thành nhân;" nó tạo cho bản thân năng lực tâm hồn cầu tiến: "Nói rằng sống tức là nói rằng chúng ta tự tìm kiếm cho mình những cơ hội để vươn lên," (José Ortega Y Gasset, 1930).
Tiền nhân dân Việt không nhìn cuộc đời để đóng khung và đưa ra lời quyết đoán tổng quát bởi đặc tính đa dạng tùy theo trường hợp và hoàn cảnh cũng như cơ cấu phức tạp của đời sống được gom góp lại bởi những con người khác biệt, mà trái lại, hòa mình trong cuộc sống để nói lên những thực trạng qua kinh nghiệm sống tùy theo hoàn cảnh riêng biệt. Lẽ tất nhiên, cuộc đời được tạo thành do tổng hợp những cá nhân có liên hệ, chung đụng bao gồm nhiều thành phần và cá tính khác nhau từ thánh thiện tốt lành đến xấu xa bỉ ổi. Cuộc đời không thể nào chỉ được xét theo chiều hướng, lối nhìn cố định một chiều theo mẫu mực nào đó hoặc cắt xén hay thêm thắt cho hợp với lý luận dẫn tới bất cứ một lý thuyết nào. Cuộc đời cần được nhận định và trình bày một cách trung thực để rồi từ đó đề nghị phương thức thăng tiến.
Phật gia tin rằng, "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí;" nếu đã là phúc thì tất nhiên không phải là họa; ngược lại, phúc đến không biết giữ thì mất; còn nếu đã là họa thì không phương tránh khỏi. Kinh nghiệm người xưa cho thấy: "Sông có khúc, đời người có lúc," cuộc đời một người có thời vinh cũng có lúc nhục; khi lên voi cũng có cơ bị xuống chó chứ không phải kẻ được sinh ra trong số mạng bọc điều luôn luôn được sung sướng, may mắn; trái lại kẻ chẳng may suốt đời mang kiếp trầm luân khổ ải. Có được nghe chăng, hầu hết từ hèn đến sang hoặc phú quí tới nghèo khổ, ai ai cũng chỉ thấy điều chẳng hài lòng luôn luôn ở trước mặt còn những gì sung sướng đã vội qua mau. Âu đó cũng là tính chất chung nơi loài người bởi ít ai để ý đến tính cách sinh động của cuộc sống. Bình tâm nhận xét, ai cũng nhận thức hoặc kinh nghiệm "Hay làm thì giầu, có chí thì nên;" tuy nhiên, cũng không thiếu gì trường hợp "Bôn ba chẳng qua thời vận." Tính cách sinh động của cuộc sống nhiều khi khiến con người nản chí, tiêu tan nghị lực muốn đành chấp nhận phận số chẳng may, nhưng đồng thời vẫn còn niềm hy vọng làm động lực chịu đựng qua cảnh gian nan bởi "Nước dưới sông hết trong còn phải đục, vận người đời hết lúc nhục phải vinh;" đâu phải luôn luôn "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa;" vì "Một khi trời nổi can qua, con vua thất thế lại ra ở chùa." Mặc dầu thời gian hiện hữu của đời người thật là ngắn ngủi "Đời người chẳng khác gì hoa, sớm còn tối mất, nở ra rồi tàn;" nào mấy ai chưa hề nhận thấy khi: "Trời làm một trận lăng nhăng, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông." Cuộc đời là thực trạng luôn luôn biến đổi, sinh động; đã có sinh phải có tử và từ thời sinh đến lúc tử, những thay đổi kế nhau chuyển tiếp không ngưng nghỉ như thời gian không bao giờ trở lại hai lần bởi dù cho sự việc xảy ra giống hoàn cảnh cũ thì cũng đã bị pha trộn những yếu tố mới cũng như điều kiện thực trạng không giống nhau, "Dưới đời ai rẻ bằng bèo, chờ khi nước lụt bèo trèo lên sen. Dưới đời ai tốt bằng sen, quan yêu dân chuộng dã bèn cũng hư."
Thế nên nào ai lạ gì, sống là gặp nhiều thử thách bởi nếu không có những thử thách làm chi có người được gọi là anh hùng hào kiệt, đâu ai bị liệt vào phường giá áo túi cơm, "Nếu đường đời cứ bằng phẳng mãi, anh hùng hào kiệt có hơn ai!" Hoặc qua những cơn phong ba bão táp, phải đối diện với thăng trầm cuộc sống người ta mới rõ: "Thui ra mới biết béo gầy, đến khi cả gió biết cây cứng mềm;" hay "Gió lung mới biết tùng bá cứng, có ngọn lửa hừng mới rõ thực vàng thau." Có câu nói: "Sống là tranh đấu" bởi thực ra, cuộc đời này không gì tự nhiên mà có nên con người phải tranh đấu với thiên nhiên để bảo tồn sự sống còn. Tranh đấu với chính mình thắng vượt những thái độ ươn hèn và sống vươn lên, tranh đấu với những phong ba cuộc đời khi lên voi lúc xuống chó rèn luyện con người, "Cây cao thì gió càng lay, càng cao danh vọng càng dày gian truân;" tranh đấu với bản chất lười lĩnh hầu kiến tạo mức sống khá hơn: "Vất vả mới có thanh nhàn, không dưng ai dễ cầm tàn che cho" bởi thật ra, "Mưu toan thì dễ, sự thành thì không dễ làm nên." Ai không cố gắng bon chen với cuộc đời, dĩ nhiên, tự chấp nhận thua thiệt: "Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo." Mặc dầu cũng có những trường hợp may mắn "Chó ngáp phải thịt quay, mèo mù vớ cá rán" hoặc "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ," hay "Lù khù có ông Cù độ mạng;" bình thường, dù lười lĩnh đến đâu chăng nữa, "Đói thì đầu gối hay bò, cái chân hay chạy cái giò hay đi." Bởi sự tranh đấu trong cuộc đời không đâu là bến bờ vì có nhiều động lực tùy theo chiều hướng và mục đích cá nhân hoặc những ước mơ hướng thượng hay lòng tham vô đáy của con người nên cuộc đời thường bị coi là ngắn ngủi; ai mà không cảm thấy thế, "Đời người chỉ một gang tay, ai hay ngủ ngày chỉ được nửa gang." Ngược lại, có những trường hợp tréo cẳng ngỗng nơi vị thế kẻ vô liêm xỉ bị mọi người coi khinh, người xưa mai mỉa: "Đắc thời đắc thế thì khôn, sa cơ rồng cũng như giun khác nào."
Con người với bản năng sinh tồn tranh đấu giành sự sống do đó khi đối diện với thực tại sinh động của cuộc đời đã tạo nên thực trạng sống. Hơn nữa, kiếp làm người nào phải chỉ cần sao cho đủ cơm ăn áo mặc là chấp nhận sống yên phận, con người còn mang thêm một nhu cầu thiết yếu tinh thần. Có câu nói: "Khi loài thú ăn no, chúng lo đi ngủ; còn con người, trái lại, khi đã có đầy đủ cơm ăn áo mặc, họ suy nghĩ." Chính nhu cầu này đã đưa đến những kết quả thay đổi lớn lao nơi cuộc đời và biến điều kiện sống cũng như sự liên hệ của con người trở thành môi trường phức tạp.
Chẳng những cuộc đời hàm chứa tính cách sinh động tạo thành môi trường tranh sống trong đó con người tạo dựng cuộc sống của mình tùy theo cá tính, ý chí, và ước mơ hay mục đích riêng tư, thêm vào đó, con người thì "Phong lưu mỗi người một cách, lịch sự mỗi người một kiểu," không ai giống ai nên khó có bất cứ khuôn mẫu nào phù hợp cho tất cả. Bởi lý do xã hội được tạo thành do những thành phần cá nhân khác nhau, những gì được coi là đặc tính chung của xã hội chỉ có thể nói lên phần nhỏ nào của tập thể chứ không phải mọi người đều mang những đặc tính thực trạng này. Xét về xã hội, Tục Ngữ, Ca Dao trình bày thực trạng tâm lý thường xảy ra trong cuộc đời do đó nhiều câu có vẻ bươi móc những điều không nên hoặc đáng chừa sửa cũng như có những câu mang tính chất khuyên răn người ta nên sống theo. Về mặt luân lý, sự tranh đấu giành sống của con người có thể so sánh với sự ngụp lặn giữa dòng nước để rồi hoặc là xuôi theo bản ngã yếu hèn cho qua kiếp nhân sinh, hoặc bơi ngược lại những ham muốn tầm thường kiến tạo giá trị đáng sống. Kinh nghiệm cho thấy, "Anh hùng đa nạn;" ý thức và cố gắng sống sao cho tốt lành hơn tất nhiên không những phải chiến đấu với bản ngã tầm thường nơi chính mình mà còn phải chống trả những chấp nhận quen sống thấp hèn đầy quyến rũ của cuộc đời. Người dám và quyết chí sống vươn lên mang vai trò thức tỉnh để nhận định những giá trị luân lý và sống theo; mà những giá trị này thường đòi hỏi cố gắng sống ngược lại những giá trị giả dối do cái nhìn thiên lệch được thúc đẩy bởi lòng ham muốn bình thường như danh vọng, lợi lộc tạo nên luôn luôn vây bọc, ảnh hưởng khiến con người lấy đó làm sự thường tình.
Nhìn vào thực trạng cuộc đời, ngay như hình dáng, cách ăn mặc bên ngoài thường gây ấn tượng sai lầm cho người khác buổi ban đầu mới gặp vì "Quen dái dạ, lạ dái áo." Điều này là kết quả của cái nhìn thiên lệch, vội vã nơi con người. Không những thế, tính cách "Giàu trọng, khó khinh" kèm theo tình cảm nhất thời ảnh hưởng không ít tới thái độ giao tế cũng như lối cư xử của một người: "Thương nhau nước đục nói trong, ghét nhau nước chảy giữa dòng cũng dơ" vì thói thường, "Yêu ai thì bốc lên trời, ghét ai thì dìm xuống đất." Cái nhìn thiên lệch còn bị ảnh hưởng do thói quen "Suy bụng ta ra bụng người" hoặc "Có tật giật mình, có tình kinh trong bụng." Lẽ tất nhiên, không những lòng dạ thế nào thì mình sẽ nghĩ cho người khác như vậy: "Tôm tép thì nhảy lên bờ, bụng mình có thế mới ngờ cho ta;" mà nhiều khi chỉ vì muốn che lấp sự chẳng nên tự bản thân, con người kiếm cách vạch lá tìm sâu, bới móc kẻ khác mong lấp liếm điều thấp hèn nơi chính mình: "Lươn ngắn lại chê trạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm."
Chính vì "Cây vạy ghét mực tàu ngay" đã sinh ra nhiều dư luận hoặc cái nhìn đố kỵ làm nản lòng những người có ý chí muốn sống vươn lên: "Tiểu nhân quen thói phô bày, những điều xấu của kẻ này người kia." Thật ra, sự việc, hành động tự nó không xấu không tốt; xấu hay tốt tùy theo trường hợp và ý định của chủ thể. Tuy nhiên, thói đời đâu cần biết đến lý do hay nguyên nhân phát sinh hành động mà những lời phê phán lại tùy thuộc kẻ mang tình ý thầm kín: "Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, kẻ vô tình lủi thủi mà đi." Kinh nghiệm sống cho thấy, một khi đã cố tình để xoi mói một người thì dù cho người đó có tốt lành đến mấy chăng nữa cũng bị cái nhìn thiên lệch lên án một cách sai lầm hoặc bất công. Hơn nữa, thế gian đâu thiếu kẻ "Càng làm đĩ càng già mồm" trong khi lại lắm người tò mò đồn thổi "Bưng miệng vò miệng lọ, ai bưng được miệng thiên hạ." Tuy nhiên, dẫu biết rằng "Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm, trời còn thay đổi huống mồm thế gian," nhưng phỏng những ai điềm đạm đủ để khỏi bị dư luận thiên kiến, bất công này ảnh hưởng làm nhụt nhuệ khí?
Người xưa dùng hai chữ "thói đời" nghĩ cũng cay. Ngoài ảnh hưởng nản lòng do những dư luận bất công, sản phẩm của ý đồ hèn kém, con người còn phải đối diện với thực trạng phũ phàng "Cá lớn nuốt cá bé," mạnh được yếu thua "Mèo tha miếng thịt thì đòi, kễnh tha con lợn mắt coi chừng chừng," hay bợ trên đạp dưới, nhiều khi trơ tráo đến độ "Càng quen càng rèn cho đau," hoặc tham bôi "Con gà béo bán bên ngô, con gà khô bán láng giềng." Thói đời đâu ai lạ gì nào "Phú bất nhân, bần bất nghĩa;" nào "Chức thấp dèm xiểm quyền cao, kẻ nghèo đố kỵ, người giàu kiêu căng;" nào bon chen kiếm lợi lộc: "Khó khăn thì chẳng ai nhìn, đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em," và "Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai;" hoặc vụ lợi "Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly," hay "Lúc làm thì chẳng thấy ai, lúc ăn ông xã ông cai đầy nhà." Có chăng: "Thế gian giúp miệng lao xao, ai cho đồng nào mà đỡ khó khăn." Tệ hơn nữa, "Lúc suy hiệp sức chung lo, đến khi thạnh đạt so đo tranh dành;" rồi hô lên: "Vô tiểu nhân bất thành quân tử."
Gẫm cho cùng, cuộc đời đâu thiếu những kẻ "Được thể dễ nói khoác," mà thật ra có chăng chỉ "Hẳn hoi lỗ miệng" vì "Lòng người ví tựa biển sâu, chỉ trong gang tấc biết đâu mà lường." Nôm na hơn, "Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò." Chính vì thực trạng rắc rối khó nhận định đâu là ngay đâu là gian cho nên dù muốn sống sao cho phải chăng cũng là một vấn đề nan giải. Ngược lại nhiều khi không dám sống thật mà đành chấp nhận giả hình: "Đói lòng ăn trái khổ qua, nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười;" bởi chưng sự thật nhiều khi chẳng những mất lòng mà dám sống thật lại gặp cảnh rầy rà phiền phức: "Cây muốn lặng gió chẳng muốn ngừng;" đến nỗi không thiếu gì người chỉ còn biết chấp nhận trong than van: "Làm kiếp trâu kéo cày trả nợ;" mà nào đã chắc gì được yên bởi ách oái oăm sống sượng tham, sân, si của thói đời muốn biến mình thành nấc thang cho kẻ khác bước lên đài danh vọng: "Tượng chết vì ngà, điểu chết vì lông." Do đó, có lẽ những ẩn sĩ thời xưa đã có lý khi khoác lên mình chiếc áo an phận tìm chốn thâm sơn vui cùng cây cỏ, chấp nhận xa lánh chốn thế tục bon chen cho khỏi bị phiền hà bởi thói đời đua đòi đố kỵ "Mồ cha cái áo rách này, mất chúng mất bạn vì mày áo ơi." Từ những lý do ấy, không lạ gì, người thức thời nhiều khi có quan niệm và thái độ ngược hẳn những gì được coi là nên của lẽ bình thường, "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người tới chốn lao xao;" bởi cũng chẳng lạ gì thói đời: "Nghèo hèn giữa chợ không ai đến, phú quí sơn lâm lắm kẻ tìm."
Dĩ nhiên sống là có sự liên hệ; mà đã có sự liên hệ tất nhiên phải đối diện với thực trạng cuộc đời, đối diện với cái nhìn thiên lệch, những quan niệm giá trị sai lầm, những lạm dụng, mưu đồ che dấu tham sân si, những thực trạng đau lòng cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua, những ham danh vụ lợi đưa đến gian xảo lừa lọc. Chẳng những xã hội ngoại tại rắc rối chèn ép, thúc đẩy nhử con người chìm sâu trong bể dâu khó bề chống trả, thực trạng nội tâm đầy mâu thuẫn cũng không kém phần dập vùi kiếp nhân sinh. Thử hỏi ai có thể hài lòng với chính mình hoặc ai khi đối diện với bản ngã đã không một lần ăn năn và nhận ra mình tự mâu thuẫn: "Trách thân chẳng dám giận trời, trách thân lắm lắm giận trời bao nhiêu;" điều mình nhận ra chẳng nên lại tự nhào vô gắng sức tranh dành, "Ai xui ai khiến trong lòng, mau chân nhạy miệng mắc vòng thế gian;" còn điều mình thấy nên thực hiện thì lần lữa ngại ngùng để rồi cho vào quên lãng nhiều khi gây ra lắm nỗi bi ai: "Ngồi buồn trách lẫn Ông Xanh, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười." Ai không cho rằng chạy theo danh lợi cho lắm cuối cùng cũng chỉ: "Hơn nhau tấm áo manh quần, nếu đem bóc trần ai cũng như ai;" thế tại sao "Kẻ hòng ra khỏi người mong chui vào" cái vòng danh lợi. Còn những yếu hèn chẳng ra gì phỏng ai chưa một lần cảm thấy: "Bực mình chẳng muốn nói ra, muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời!" Chẳng những thế, đến Trời cũng không thể chiều vừa lòng con người: "Đói thì nặng mặt sa mày, no thời tức bụng trời hay chăng trời!" Nào ai có thể theo kịp sự thay đổi tâm tính ý thích của mình: "Khi vui thì muốn sống dai, khi buồn lại muốn thác mai cho rồi." Hoặc "Chửa được thì hứng bằng rá, đã được thì đá bằng chân." Thế nên con người luôn luôn bị đối diện với điều mình không muốn: "Ghét của nào trời trao của đó," và cũng có thể cầu được ước thấy mà chính điều mơ ước lại là điều bất lợi cho mình: "Chưa được nay ước mai ao, được rồi trắng mắt như tao mới chừa." Lẽ đương nhiên, "Ai chẳng muốn đẹp, muốn giòn, muốn đi tháo dạ cho mòn lỗ trôn?" Nhưng nào lạ gì "Cực lạc" thì "sinh ai" cho nên con người không bao giờ có thể hài lòng với chính mình: "Sự đời lắm chuyện lăng nhăng, trăm năm để nỗi bất bằng cho ai." Bởi vậy, không nhận thức được thực trạng cuộc đời mà luôn luôn "Kén cá chọn canh" thì chỉ "Chê tôm lại phải ăn tôm, chê rau muống héo lại ôm dưa già." Do đó không lạ gì đã có ước mơ: "Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo." Thật ra, ai nhận thức được điều nên hay không nên tùy theo điều kiện hoàn cảnh mới có thể nhận ra niềm vui của cuộc sống trong sự liên đới với tha nhân cũng như giá trị bản thân: "Cá không ăn câu nói rằng con cá dại, vác cần câu về nghĩ lại con cá khôn."
Xét như thế, nào đâu phải chỉ cuộc đời biến động thay đổi khó lường; cá nhân, khi dám chân thành nhận thực bản thân, lại càng thấy mình cũng khó tự hiểu nổi bởi cuộc sống mang tính chất động và chỉ ngừng lại khi con người về cõi chết. Thế nên, con người cần sửa đổi để được lớn lên trong hành trình tiến tới chân thiện mỹ từ thế hệ này trải qua thế hệ khác. Nguyên tắc xử thế chỉ giúp con người một phần nào quy luật căn bản làm nồng cốt hoặc những nấc thang trong tiến tình sống vươn lên. Bởi đó, điều kiện tiên quyết vẫn tùy thuộc tâm tính con người, hoặc mở rộng chấp nhận thực trạng xã hội kiếm tìm cho mình đường hướng đi tới, hay tự dồn mình vào con đường bất mãn nhìn đời qua cặp kính tối đen của những hố thẳm không mảy may hy vọng có mầm sống tiêu pha tháng ngày một cách vô ích, hoặc tự định giá trị sai lầm về chính mình cũng như cuộc sống để rồi đi lạc vào ngõ chẳng nên, hủy hoại hồng ân đã được làm người.
Kinh nghiệm sống cho thấy, sẽ không hy vọng có được niềm vui ngoài sự liên hệ giữa con người với con người do đó cần sự liên hệ. Tuy nhiên, một thực trạng không thể chối cãi đó là hầu hết sự liên hệ giữa con người đều bắt đầu và được tiếp tục dưới hình thức lạm dụng dẫu về tinh thần hay vật chất và chấm dứt khi thấy người khác đã chẳng còn đem lại lợi lộc gì cho mình, "Thế gian chuộng của chuộng công, nào ai có chuộng người không bao giờ." Bởi đó, sự liên kết hòa hợp giữa hai người trong việc xử thế chỉ có thể xảy ra nơi ý nghĩ vì "Khôn ngoan kiếm ăn người, mạt đời kiếm ăn quanh;" những lạm dụng vật chất hay tiếng tăm, vị thế đều bị coi rẻ bởi tự mình làm mất thể diện "Thua năm quan không tiếc, điếm mắc điếm mới rầu" và mất vị thế bình đẳng trong giao tế: "Nhà giàu yêu kẻ thật thà, nhà quan yêu kẻ vào ra nịnh thần;" hoặc "Người đời ai có dại chi, khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông;" khi đã phải "tùy khúc sông" tức tự mình đã chấp nhận phần thua thiệt do nỗi khó khăn không tránh thoát. Hơn nữa, bởi con người thay đổi nên chỉ có thể có sự liên hệ hòa hợp khi "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" cho nên ý nghĩ và sự liên hệ giữa con người với con người không có chi là bền vững, có chăng chỉ là phiếm diện, nay còn mai mất tùy theo quan niệm và tâm tình của đôi bên. Ngược lại, điều phũ phàng của sự liên hệ như một cá tính tâm lý không thể chối bỏ là nếu thực sự hiểu một người tức là vừa cảm mến và vừa coi thường người đó nếu không muốn nói là coi khinh, "Năng mưa thì tốt lúa đường, năng đi năng lại xem thường xem khinh." Nói cách khác, khi mình mới biết một người nào, mình chỉ có thể thấy được nét phiếm diện nhưng càng có sự liên hệ lâu dài bao nhiêu, mặt trái thật sự của người đó theo thời gian và tình thân biểu lộ trong khi ai không hoan hỉ chung hưởng những điều tốt trái lại nào ai muốn chấp nhận sự chẳng ra gì của người khác. Bởi đó, bài học đầu tiên về xử thế là hãy để người khác an hưởng niềm vui của họ và nếu có thể, giúp họ trong môi trường đó chứ đừng bắt hay ước muốn họ phải theo kiểu cách của mình vì thật ra "Ai làm người nấy chịu." Cho nên, do những sự khác biệt giữa con người và con người, thực tình mà nói, nếu không giả hình, chúng ta cần đối xử với mỗi người một cách khác nhau.
Lấy gì làm quy luật cho con người giao tiếp với sự biến động của cuộc đời trong khi con người cũng thay đổi, lúc thế này lúc thế khác tùy thuộc tình cảm, hoàn cảnh, tâm lý? Nếu chỉ cuộc đời thay đổi, con người không đổi hoặc con người thay đổi và hoàn cảnh cuộc đời bất biến thì may ra những quy luật được tạo thành dựa trên thành phần chuyên nhất hy vọng có thể áp dụng được. Đối diện với thực trạng này, người xưa sâu sắc: "Thiên hạ đa sự, người ngu tự quấy nhiễu mà nên;" hay đơn giản hơn trong câu nói nhưng mang ý tứ khó hiểu: "Đình đám người, mẹ con ta." Đại khái cả hai câu khuyên nhủ: "Người đời phải xét thiệt hơn, đừng nghe tiếng sáo tiếng đờn mà sai." Tuy thế, mới nghe tưởng là dễ mà bắt tay thực hiện không dễ chi bởi sống thế nào để có thể hòa hợp hai trường hợp đối nghịch: "Áo năng may năng mới, người năng tới năng thương;" và "Càng thắm lại càng mau phai, thoang thoảng hoa nhài càng được thơm lâu"? Chính những yếu tố biến động gây ảnh hưởng nhiều khi khó thể hòa giải; do đó Tục Ngữ, Ca Dao được người xưa dùng để dạy con người về phương diện tu thân làm nền tảng cho cách xử thế. Như vậy, Tục Ngữ, Ca Dao về xử thế là phương cách tu thân trong liên hệ xã hội.
Xét đặc tính chung của các động vật hiện hữu trên mặt đất, chỉ con người mới có được mục đích tự mình nhắm tới cho cuộc đời ngoài bản năng sẵn có như sinh tồn, mưu sống... Trần Tuấn Khải cũng đã nêu lên đặc điểm này của con người khi khuyến khích lòng yêu nước: "Loài súc vật chỉ được no béo lấy thân là ngoe nguẩy đắc chí với nhau, còn thiết đâu đến nghĩa vụ với non sông. Vậy làm người phải nên khác loài súc vật." (Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến; Quyển Hạ; soạn giả Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng; tr. 14; Xuân Thu xuất bản.) Dĩ nhiên, mỗi người có đường hướng riêng để đạt điểm tới mình chọn; đó là lý tưởng theo ý mình; không có lý tưởng, con người cảm thấy cô đơn nên kiếm tìm, chạy theo những niềm vui nhất thời bên ngoài. Muốn đạt tới lý tưởng đòi hỏi một ý chí kiên quyết "Chặt mà không đứt không rời, người như dòng nước ấy người trượng phu." Cổ nhân khuyên: "Ai ơi giữ chí cho bền, dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai." Chẳng may khi phải đối diện với phong ba cuộc đời, con người nên giữ vững lập trường: "Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo," hoặc "Chớ thấy sóng cả mà lo, sóng cả mặc sóng chèo cho có chừng." Cuộc sống con người không những có ảnh hưởng liên đới tới những người khác và vì không phải chết là hết như các loài sinh thú; kết quả cuộc sống của một người còn ảnh hưởng tới thế hệ hậu sinh mai sau: "Chữ rằng hổ tử lưu bì, làm người phải để danh gì hậu lai." Hoặc "Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ." "Danh gì" là danh dự thực sự một người tạo nên, là "tiếng thơm" nơi Ca Dao: "Người đời hữu tử hữu sinh, sống lo xứng phận thác dành tiếng thơm." Một con vật như con trâu chết đi bộ da còn hữu dụng; cuộc đời con người nên góp phần hữu ích cho cuộc đời sau này: "Trâu chết để da; người ta chết để tiếng." Có lý tưởng để tiến tới định hướng cho cuộc đời vẫn chưa đủ; con người cần những điều kiện đạt tới, nói cách khác, đó là lối sống phù hợp với sự liên hệ giữa người và người, cá nhân với cuộc đời. Lối sống này tạm gọi là đạo xử thế hay đạo bình thường. Gọi là "Đạo Bình Thường" vì ai cũng có thể thực hiện được và áp dụng trong đời sống.