i cũng thường mơ ước hay cố gắng thực hiện để đạt được những gì mình thích, hoặc muốn vì chưa có mặc dầu chưa biết chắc điều mơ ước có đem lại lợi ích hay không, ngược lại, coi thường những gì mình có và đang được thụ hưởng. Chẳng hạn, dùng chiếc xe cũ, chúng ta muốn có chiếc xe mới, tiện nghi hơn, đẹp hơn và coi bộ oai hơn... nên đâu để ý hoặc nhận ra chiếc xe cũ đã và đang giúp chúng ta rất nhiều về phương tiện di chuyển. Chiếc xe của tôi đã bước vào tuổi "lão thành," sơn tróc nham nhở, kiếng trước rạn nứt hai đường ngoằn ngoèo; mỗi khi đóng cửa xe, tôi lại có cơ hội tập thể thao cho đôi cánh tay. Nhưng khi chở gỗ sửa nhà trên mui, ý nghĩ so sánh giữa công dụng xe cũ và mới chợt đến bởi nếu nó là chiếc xe mới có lẽ không bao giờ tôi dám chở trên mui như thế mà lại phải tốn tiền mướn chở. Thực tế hơn, có lẽ ít khi chúng ta nghĩ đến giá trị của không khí trong cuộc sống, coi sự thở hít khí trời là chuyện bình thường, không có chi đáng nói. Đôi khi nghẹt mũi cũng chỉ lo giải quyết sao cho mũi thông chứ ít người đặt vấn đề giả sử không có không khí. Có phải sự thở hít không khí là một sự tự nhiên của mọi sinh vật nên vì thế hiếm ai để ý đến?Cũng vậy, là người Việt Nam, được nuôi dưỡng trong gia đình Việt, lớn lên trong ý thức người Việt, được hun đúc, dạy dỗ từ nơi gia đình, xã hội, môi trường sống với tâm tình Việt nên có thể chúng ta không để ý đến giá trị của mình. Thử đặt câu hỏi, giá trị của gia đình Việt Nam gồm có những điểm nào và ảnh hưởng thế nào đối với cuộc đời của một người Việt? Dù cố gắng cách mấy, tôi cảm thấy, chúng ta chỉ có thể nghĩ tới được vài phần trăm là cùng.Có điều hay mà không biết thì làm sao biết được điều dở của mình? Không biết điều hay của mình làm sao nhận định được điều hay của người khác để học theo. Viết về Hương Hoa Dân Việt, tôi muốn dùng Tục Ngữ, Ca Dao để nêu lên những điểm cao đẹp sẵn có nơi văn hóa dân Việt cùng với hệ thống gia đình mà chúng ta đang thừa hưởng và bảo vệ hầu mong truyền thống tốt lành này được nhận ra rõ hơn đồng thời nâng cao niềm hãnh diện về giá trị dân tộc; giá trị đang chất chứa trong từng lớp xương, từng thớ thịt nơi mỗi người mang dòng máu đỏ da vàng dân Việt.Cắp sách đến trường lúc còn nhỏ, không ai có thể quên những tấm bảng bìa cứng xinh xắn dán nơi lớp học. Đại khái những bảng hiệu này được ghi lên những câu Tục Ngữ, Ca Dao về luân lý; chẳng hạn: TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN; KHÔNG THÀY ĐỐ MÀY LÀM NÊN; UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN, v.v... Những bảng cách ngôn luân lý ghi lại những châm ngôn cao đẹp về giá trị đặc tính người Việt với mục đích giúp cho học sinh ghi nhớ nằm lòng tâm tình luân lý sống mà một người Việt Nam "đúng nghĩa" nên noi theo và thực hiện trong cuộc đời của mình. Đây chính là một phần văn hóa tinh thần mọi người thường nói đến nhưng ít khi để ý vì đã quá quen thuộc nằm lòng và bởi hay lộn nghĩa chữ văn hóa và văn minh. Văn hóa bao gồm văn minh. Văn hóa là lối sống biểu hiệu tâm tư luân lý. Văn hóa bao gồm phong tục tập quán, ngôn ngữ và những sản phẩm cao đẹp của cuộc sống luân lý nơi con người. Cuộc sống con người được uốn nắn bởi văn hóa dầu văn hóa do chính cuộc sống nội tâm và thực tại tạo thành.Những dân tộc Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, tư tưởng và cuộc sống đi đôi với nhau. Mình trọng cuộc sống minh chứng quan niệm, chiều hướng, tư tưởng chứ không tách rời tư tưởng khỏi cuộc sống như Tây Âu. Điều này được nhận thấy rõ ràng nơi chính cuộc sống thường ngày. Chúng ta không cần giấy tờ, chỉ một lời nói đơn sơ, người khác có thể tin mình hay không tùy thuộc vào xưa nay mình đã sống thế nào. Do đó, người Việt không có sách dạy sống mà chỉ có Tục Ngữ, Ca Dao. Chẳng hạn: "Có đi có lại mới toại lòng nhau," "Yêu nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo," hay "Gắp lửa bỏ bàn tay," hoặc "Một câu nhịn bằng chín câu lành." v.v... Những sách mệnh danh "học làm người" sau này, xét ra mang đặc tính quá hạn hẹp nếu không muốn nói là đã coi con người như những bộ máy rập khuôn các công thức theo lối nhìn, quan niệm một chiều. Tâm tình con người đâu phải như những bộ máy được chế sẵn theo một khuôn mẫu thì làm sao có thể rập vào những công thức như một cộng với một là hai của Đắc Nhân Tâm, của Làm Thế Nào Để Trở Thành Người Đàn Bà Tuyệt Vời, v.v... Cuộc sống không phải chỉ có những mẫu mực đúng và sai đối nghịch như trắng với đen, mà thường thì trong cái đúng bao hàm cái không hợp lý. Nguyên nhân của một sự việc đem đến sự sai lầm lại cũng chứa đựng những yếu tố đúng. Sự sai lầm có thể là kết quả của sự thiếu hòa hợp của các phần tử, yếu tố mà thôi. Kinh nghiệm sống cho chúng ta biết, những sự việc chúng ta phải đương đầu giải quyết, cũng như cách đối xử giữa người với người chẳng hoàn toàn trắng mà cũng không hoàn toàn đen; chúng nửa nọ, nửa kia, hoặc già bên này, non bên kia. Như thế, một cộng với một đối với cuộc sống có thể không phải là hai mà là ba hay bốn hoặc hơn kém. Lấy một thí dụ điển hình về giáo dục con cái. Cha mẹ tùy từng lúc, tùy nơi chốn hay môi trường mà nghiêm ngặt hay khoan hòa đối với con cái chứ không phải lúc nào cũng khó khăn, hùng hổ như quân hằn quân thù hoặc ngược lại lúc nào cũng nhẹ nhàng dễ chịu làm lơ cho con cái hư đi. Cha mẹ nào không thương con; thế tại sao phải sửa phạt? Không có lý thuyết nào coi bộ nghịch lý, nghịch tình như câu: "Thuốc đắng đã tật" hay "Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi." Thế tại sao những câu coi bộ bất thường này lại là mẫu mực bất hủ cho giáo dục gia đình Việt Nam. Không một người ngoại quốc nào có thể am hiểu được giá trị của câu tục ngữ nghịch thường này vì họ không là người Việt, không mang dòng máu và không được hấp thụ văn hóa Việt. Câu nói tuy nghịch thường nhưng bao hàm súc tích những chân lý giáo dục cho bất cứ dân tộc nào. Hơn nữa, lối sống, tư cách con người có thể phần nào so sánh với nghệ thuật trang điểm hay ăn mặc..., đâu phải bất cứ ai nếu khoác lên chiếc áo màu vàng rực rỡ của Đắc Nhân Tâm hay hở nách của Làm Thế Nào Để Trở Thành Người Đàn Bà Tuyệt Vời đều trở nên duyên dáng hấp dẫn...! Chúng chỉ là những đồ trang sức cần phải được lựa chọn cho tùy người, tùy trường hợp để phù hợp với cuộc đời sống động.Từ kinh nghiệm sống; chúng ta suy ra triết lý sống, và triết lý sống lại hội nhập rồi ảnh hưởng chính cuộc sống thường ngày và những thế hệ tiếp nối. Sản phẩm của triết lý thực dụng này nơi dân tộc Việt Nam là Tục Ngữ, Ca Dao, Phong Dao... Chúng ta biết nằm lòng khá nhiều Tục Ngữ, Ca Dao. Nói đúng hơn, những câu nói thường tình hằng ngày, chúng ta đang lặp lại Tục Ngữ, Ca Dao mà không để ý. Như thế, dùng Tục Ngữ, Ca Dao để minh chứng giá trị người Việt không có gì hợp tình và hợp lý hơn.Minh Hương trong cuốn Hoa Đồng Cỏ Nội dùng Tục Ngữ, Ca Dao với mục đích "tìm về nguồn cội" (tr. 9) "Giới thiệu... cái độc đáo, cái cao đẹp, cái thâm thúy và cả muôn vàn kinh nghiệm xác thực quí báu chứa đựng trong những bài thơ nhỏ một bộ phận của nền văn chương truyền miệng" (tr. 7). Minh Hương cho rằng Tục Ngữ, Ca Dao, nền thi ca truyền miệng đã có từ thời lập quốc: "Như chúng ta đã biết, văn chương truyền khẩu đã xuất hiện rất sớm, vào cái thuở bình minh của dân tộc mới thành hình..." (tr. 8). Tác giả cuốn Hoa Đồng Cỏ Nội đưa ra nhận xét Tục Ngữ, Ca Dao là một phần văn chương bình dân (tr. 9) hay văn chương đại chúng (tr. 8) "do tập thể sáng tác, bổ xung, sửa chữa và phổ biến liên tục." Nền văn chương này "đã góp phần đánh ngã được chánh sách đồng hóa thâm độc của người ngoài và đã kiên quyết bảo tồn được nền văn hóa dân tộc" (tr. 9). Mặc dầu tên gọi "văn chương dân gian," tác giả nhận xét Tục Ngữ, Ca Dao "là bộ bách khoa bình dân truyền miệng. Trong khi góp nhặt, phân tích, xếp loại và tìm hiểu những câu thơ truyền miệng ấy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên mà nhận thấy nền Văn chương dân gian đã đề cập gần đủ các ngành, các khoa: Y Dược, Sinh lý, Canh nông, Nghề nghiệp, Thiên văn, Vạn vật, Kinh tế, Di truyền, Tâm lý, Phân tâm v.v..." Theo Minh Hương, Tục Ngữ, Ca Dao phát xuất từ giới bình dân: "Người bình dân thường gần gũi với thiên nhiên, tháo vát với công việc lao động hằng ngày, không bị tiêm nhiễm sâu sắc một giáo lý, một tư tưởng nào trong sách vở nên họ rất đổi thực tế trong tư tưởng và trong cả hành động nữa. Sống thì đơn sơ, nói năng thì bình dị nên văn chương đối với họ cũng phải 'Văn hay chẳng lọ đặt dài, vừa mở đầu bài đã biết văn hay.' Thật thế, họ có thì giờ đâu mà 'con cà, con kê, con dê, con ngỗng' họ chỉ 'ăn một đọi, nói một lời.' Nói như thế, văn của họ đâu có phải cộc cằn, lúng túng, trái lại họ rất sành sỏi trong việc lựa chọn chi tiết thích thú để lôi cuốn người nghe. Nhiều khi họ lại táo bạo dùng nhiều hình thức mỹ từ để câu thơ trôi chảy một cách duyên dáng ý nhị hơn" (tr. 253).Bảo Vân quan niệm Tục Ngữ, Ca Dao có trước thời kỳ Trung Hoa đô hộ và do những người bình dân diễn tả tư tưởng, tâm tình bằng những câu văn truyền miệng: "Riêng về mặt Văn học, Tổ tiên chúng ta đã học chữ Nho, viết chữ Nho, hấp thụ tư tưởng và học thuật của bọn người thống trị. Mãi tới đầu Thế kỷ thứ 13 (đời nhà Trần) mới có một số Nho sỹ Việt Nam, mô phỏng theo văn thơ chữ Hán mà sáng tác ra một số thi ca bằng chữ Nôm. Tuy vậy trước đó, những người bình dân đã đem tư tưởng, tâm tình của mình ra mà diễn tả bằng những câu văn vần rồi truyền miệng đi với nhau. Đó chính là hình thức đầu tiên của Tục Ngữ và Ca Dao. Trải qua năm, tháng, các câu đó được thêm bớt, sửa chữa, gọt giũa để rồi tới ngày nay, chúng ta đã có một kho tàng vô cùng quý giá trong nền Văn học Bình dân..." (Tục Ngữ Ca Dao và Dân Ca; tr. 3).Nơi phần "Nhận Xét Chung về Ca Dao," Đào Vân Hội cũng cho rằng Ca Dao là sản phẩm của dân quê: "Ca dao tức là những câu hát thông thường của dân gian, là sản phẩm chung của dân tộc, truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ kia, là tiếng nói của tâm hồn nam nữ ở những nơi đồng lúa, rừng rú, núi đồi" (Phong Tục Miền Nam qua Mấy Vần Ca Dao; tr. 7). Nguyễn Tấn Long và Phan Canh có đồng quan điểm về văn học bình dân như tiếng nói phản ảnh của giới bình dân: "Trái ngược với văn học bác học, nền văn học bình dân phản ảnh tâm tư đại đa số quần chúng nghèo khổ, dốt nát, tiếng nói của họ là tiếng nói chung của lớp người cùng sống trong một hoàn cảnh, mà cũng là tiếng nói chân thành nhất của mỗi dân tộc trong sinh hoạt xã hội" (Thi Ca Bình Dân Việt Nam; tập 1; tr. 12).Nguyễn Hữu Nghĩa, Diệu Tần, Minh Đạo, và Triều Khê trong những bài viết nơi Nguyệt San Làng Văn số 102 tháng 2 năm 1993; Toronto, Canada có những quan điểm hơi khác về Tục Ngữ, Ca Dao. Theo Nguyễn Hữu Nghĩa, "...bên cạnh đó, văn chương truyền khẩu lại rất phong phú, và là phương tiện phổ biến một phần các sáng tác của nhà nho..." (Làng Văn; số 102; "Sơ Thảo về Tục Ngữ, Ca Dao;" tr. 12). Diệu Tần cho rằng: "Không như văn chương bác học, văn thi sĩ thường chọn câu lựa chữ đẽo gọt lời ý rất chau chuốt; văn chương bình dân đơn giản, mộc mạc nhưng không thô tục." (Làng Văn; số 102; tr. 41). Nơi phần cuối bài viết khi đưa lên "cái khôn, cái nghịch ngợm dí dỏm của phái nam," Diệu Tần viết tiếp: "Tuy là tưởng tượng nhưng anh nông dân đã khéo dùng ngoa ngữ để biểu lộ tình thương yêu..." (Làng Văn; số 102; 1993; "Những Chữ Tài Tình Trong Ca Dao;" tr. 43). Có thể nói Diệu Tần cũng đồng ý kiến Ca Dao phát xuất từ giới bình dân mặc dầu quan niệm "Ca dao là thơ là nhạc của đại chúng được gạn lọc qua nhiều văn thi nhạc sĩ khuyết danh" (tr. 41). So sánh một số câu Tục Ngữ, Phong Dao được phổ biến nơi miền Nam và miền Bắc Việt Nam, Minh Đạo xác quyết văn chương bình dân do người bình dân sáng tác: "Người bình dân miền Nam dùng nhiều câu, nhiều tiếng gốc Hán hơn người bình dân miền Bắc..." (Làng Văn; số 102; 1993; "Vai Trò của các Tiếng, các Câu Gốc Hán trong Văn Chương Bình Dân VN;" tr. 45). Minh Đạo đưa ra nhận xét văn chương bình dân là thành lũy ngăn chận văn hóa Hán cho nên ngày nay chúng ta có ngôn ngữ Việt mà không phải học tiếng Tàu: "Trong gần 1000 năm đô hộ người Việt, văn hóa Trung Hoa đã ảnh hưởng rất sâu đậm nơi triều đình và các tầng lớp sĩ phu, nhưng lại không thấm nổi xuống tầng lớp quần chúng. Cuối cùng người Trung Hoa bại cả về quân sự lẫn văn hóa. Nhờ thế ngày nay chúng ta mới có ngôn ngữ văn tự mà nói, mà viết, không cần phải học tiếng Tàu." (tr. 47-48). Trong khi Triều Khê lại quan niệm hơi khác qua bài viết "Cụ-Thể-Hóa và Kịch-Tính Trong Ca-Dao": "Trái với văn chương bác học, văn chương quần chúng là ca dao, không đủ từ ngữ trừu tượng để diễn tả ý tình, cho nên các tác giả khuyết danh của ca dao đã lấy những gì tả thực, có đủ kích thước ba chiều, để đưa vào những câu thơ bình dị." (Làng Văn; số 102; tr. 48). Tuy thế, qua bài viết, Triều Khê cho rằng hai đặc tính cụ thể hóa và kịch tính của Ca Dao có thể đã là nguồn phát xuất cho các bộ môn khác: "Thế mới biết, người Việt chẳng những đã giàu hồn thơ, mà ca-dao còn có kịch tính. Có lẽ chính vì hai đặc-tính này mà sau ca-dao, các bộ môn ca nhạc kịch bình dân như tuồng, chèo, hát bộ, cải-lương,... đã phát-triển mạnh và phổ-biến rất nhanh" (tr. 51).Xét về nguồn gốc Tục Ngữ, Ca Dao, không ai có thể xác quyết rõ ràng từ đâu ra. Nói rằng từ giới dân quê "chân lấm tay bùn" nơi miền đồng ruộng hay nương rẫy có cuộc sống nghèo nàn, suốt ngày vất vả vật lộn với miếng cơm manh áo và không bao giờ có cơ hội đặt chân tới lớp học, chỉ qua lời nói đối đáp tự nhiên nẩy sinh từ tâm hồn chất phác mộc mạc khi đối diện với cảnh vật thiên nhiên mà phát sinh ra được những câu nói có vần điệu, mang ý nghĩa sâu sắc là một điều phản tự nhiên, không hợp lý luận, suy nghĩ. Hơn nữa, chữ "dân gian" hay "bình dân" được dùng ghép chung với hai tiếng "văn học" không thể được hiểu theo nghĩa chỉ riêng cho lớp người quê mùa mộc mạc mà bao gồm tất cả dân chúng từ giới dân quê chất phác tới những thành phần học thức khoa bảng bởi chữ "văn học" tự nó đã mang ý nghĩa nhận thức văn chương. Thử xét hai câu tiếng lóng "Bỏ đi Tám" và "Cho cái búa" được dùng rất thịnh hành vào đầu thập niên bẩy mươi của thế kỷ hai mươi, mang cả một giai thoại xuất xứ nhưng đã không được xếp vào văn chương bình dân do tính chất thiếu phổ quát của chúng. "Bỏ đi Tám" bắt nguồn từ chương trình truyền thanh mang ý nghĩa "chuyện không ra gì chẳng nên để ý tới." "Cho cái búa" nẩy sinh từ nhóm lính gác đánh phé (xì tố) bắt đầu từ lối nói diễn tả hơn kém con tẩy: "thua tí li tây (già), tí li đầm (đĩ)" trong trường hợp hai người chơi bài có hai đôi giống nhau (chẳng hạn hai đôi xì) trên mặt bài được lật ngửa. Với tính chất lỳ lợm của những tay thua bạc lúc cùng, cho dù hơn tí li tây hay tí li đầm thì cũng thua "tí li vồ" (chộp tiền rồi chạy). Vồ (danh từ) là dụng cụ dùng để đập chân cột bằng gỗ có cán cho dễ cầm. Vồ và chộp (động từ) dùng trong câu nói có nghĩa tương đồng chỉ hành động trong khi cái vồ và cái búa là hai vật có cùng công dụng để đập. Lối diễn tả "Cho cái vồ" hay "Cho cái búa" nơi kiểu nói thông thường mang ý nghĩa không đồng ý tùy theo từng trường hợp... Đã được xử dụng một cách quảng bá nơi dân gian miền Nam Việt Nam thời đó nhưng vì không mang đặc tính phổ quát của câu nói nên "Cho cái búa," "Bỏ đi Tám" bị chìm vào lãng quên, không thể so sánh với những câu mộc mạc chẳng hạn: "Ăn như hổ," "Mèo cậy chó xơi," "Râu ông cắm cằm bà," hay "Ao sâu tốt cá" v.v... Đặt vấn đề như thế, những câu Tục Ngữ, Ca Dao có thể có xuất xứ đặc biệt nào đó để được truyền tụng rộng rãi nhưng những giai thoại xuất xứ này không được ghi chép lại. Tục Ngữ, Ca Dao có thể là những câu nói gọn gàng thuận vần luật thi phú, trích từ truyện hay văn thơ. Chẳng hạn câu: "Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng" được cho rằng phát xuất từ truyện ngụ ngôn "Chó Đá Vẫy Đuôi," hoặc câu "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" là câu trong Đoạn Trường Tân Thanh. Những câu này được dân gian dùng nhiều, diễn tả ngắn gọn nhưng hàm chứa khá đầy đủ ý nghĩa đồng thời đó cũng là một điều đúng phổ quát. Hơn nữa, có thể so sánh Tục Ngữ, Ca Dao với lối nói điển tích; điển tích nhắc lại ý câu truyện áp dụng trong trường hợp nói đến tương đương với ý nghĩa ám chỉ chất chứa nơi câu truyện; Tục Ngữ, Ca Dao nói lên điều chung ai cũng có thể nhận thấy.Xét về nguồn gốc Tục Ngữ, Ca Dao lại cần đặt vấn đề tại sao câu nói được quảng bá rộng rãi trong dân gian. Một điều nào đó muốn cho nhiều người biết tới đòi hỏi không những vị thế nguồn gốc phổ biến mà môi trường phổ biến đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu câu nói phát xuất từ trường hợp đối đáp giữa hai người, làm sao kẻ khác có thể nhận ra và ai để ý rồi đem phổ biến? Do đó, một điều chắc chắn, Tục Ngữ, Ca Dao thoạt đầu được phổ biến bắt nguồn từ những vị thế có tầm ảnh hưởng đại chúng. Đồng thời điều kiện cho một câu nói được dân gian hấp thụ rồi đem ra xử dụng cần có đặc tính phổ quát ai cũng có thể nhận ra giá trị qua kinh nghiệm sống. Bao nhiêu vần thơ ý nhị, bao nhiêu bài hát xuất sắc chỉ được nhận ra sau cả một thời gian dài trước khi được đem lên báo chí hay những chương trình văn nghệ hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng... Một bác nông dân có ý nghĩ tuyệt vời muốn đem ra phổ biến phỏng đã được ai để ý? Rồi cơ hội nào cho bác phổ biến tư tưởng mình? Kiến thức phổ quát đâu cho bác có tư tưởng phù hợp đại chúng để xếp thành câu nói cho có vần điệu dễ nghe, dễ nhớ...?Tục Ngữ, Ca Dao thường dùng ngôn từ đơn giản mộc mạc diễn tả những hình ảnh ai cũng có thể nhìn thấy nơi miền thôn quê để đưa lên tiếng nói tâm tình của dân Việt nên đã bị cho rằng đó là sản phẩm của giới bình dân. Trái lại, đọc những câu Tục Ngữ, những vần Ca Dao, dẫu được dùng bối cảnh và sự việc xảy ra chốn dân quê, những câu này vẫn hàm chứa sắc thái luân lý sâu đậm có thể nói đó là túi khôn vô tận của một dân tộc; bởi vậy chẳng lạ gì Tục Ngữ, Ca Dao đã được nâng lên hàng "Kinh Việt Nam." Xét như thế, Tục Ngữ, Ca Dao dưới hình thức thơ văn hoặc vè v.v... phải là sản phẩm của giới thức giả, tức cảnh sinh tình trong nhận thức luân lý. Thử hỏi làm sao giới bình dân không học hành có cơ hội nói lên được cảm nhận "Làm giàu có số, ăn cỗ có phần"? Dẫu tin vào Trời, dẫu kinh nghiệm "Số khó làm chẳng nên giầu," nhưng dựa vào đâu làm gốc gác cho câu nói hoàn chỉnh gọn gàng đến độ dù thêm vô bất cứ chữ nào cũng thừa hoặc bỏ bớt chỉ dấu phẩy đã là một sự thiếu sót không thể chấp nhận. Hơn nữa, xét tính chất câu tục ngữ "Làm giàu có số, ăn cỗ có phần," giới bình dân sao có thể đặt vấn đề ăn cỗ có phần nơi hệ thống làng xã ngày xưa. Mới chỉ thoáng qua nhận xét đơn giản này đã có thể nói Tục Ngữ, Ca Dao là sản phẩm của ý thức luân lý cao độ được phát xuất từ tâm hồn văn chương thi phú lồng trong bối cảnh sống dân quê giúp cho người bình dân dễ nhớ để truyền đạt... hay nói cách khác, một thứ văn chương truyền khẩu, một loại kinh đi sâu tận lòng dân tộc... nói lên tâm tình, luân lý, triết lý sống, cách xử thế mà dân Việt nên theo cũng như trình bày thực trạng tâm lý con người và cuộc sống.Được gọi là văn chương bình dân bởi dùng bối cảnh miền dân quê, Tục Ngữ, Ca Dao không mang tính chất bình dân chút nào; có chăng cách dùng chữ chính xác lại phù hợp với luật bằng trắc của thơ khiến cho vần điệu đối ứng hòa hợp đồng thời hàm chứa nhận thức sâu xa nên có thể dùng trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn câu ca dao: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn." Hai chữ "bầu" và "bí" mang tính cách đại diện phổ quát cho nhiều phe phái đối nghịch. Tiếng "ơi" nhân cách hóa giới "bầu, bí," và nếu không có tầm nhìn bao quát dựa trên lòng nhân hậu, thương yêu pha đặc nét gần gũi nhưng xót xa vì thực trạng xã hội sao có thể đặt vào miệng tiếng "ơi" sinh động hóa, than thở, nhưng nhẹ nhàng trìu mến này? Hơn nữa, đối với giới bình dân trong một cơ cấu xã hội được đặt dưới quan niệm sống hòa hợp theo thứ tự lớp lang của "Tam Cương, Ngũ Thường và Tam Tòng, Tứ Đức," lối đối xử, sinh hoạt được khuôn mẫu hóa theo những tập tục xã hội cũng như giáo điều luân lý, con dân chỉ có thể nghĩ tới những gì phải theo, những lệ phải giữ do đó bị ảnh hưởng nơi cách phát biểu. Câu ca dao, "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" không đượm dù chỉ phảng phất tính chất giáo điều phải theo mà ngược lại nói lên sự đề nghị gợi ý. Lẽ tất nhiên, xét theo tâm lý chung, không ai muốn "bị" hoặc "phải" làm theo một điều gì, hay trong trường hợp chẳng đặng đừng phải theo một khuôn mẫu nào đó thì cũng chỉ là miễn cưỡng. Câu ca dao thoạt nghe mang tính chất mơ màng của lẽ "nên" lại bao dung không bắt buộc để người nghe tự hướng lòng chấp nhận. Bình thường trong khuôn mẫu luân lý, hai chữ "thương lấy" hay được dùng theo lối bình dân "phải thương" hoặc là "nên thương." Thoạt nghe "Bầu ơi thương lấy bí cùng" ai không cảm thấy câu nói đơn sơ có giọng điệu a á phát xuất tự lối nói dân quê như "Ông phải, ông nên mua lấy, giành lấy, đòi lấy..." Đàng này động từ "thương lấy" được đi liền theo lời mời gọi "bầu ơi" mang tính chất thôi thúc đánh động tâm hồn chứ không bó buộc, bắt làm theo khiến người nghe có khuynh hướng chiều theo mà không có ý nghĩ phản kháng vô tình thường có nơi lối nói bình dân luôn luôn kèm theo tiếng "phải" hoặc để ý cho lịch sự hơn thì tiếng "nên" hay "cần".Như thế, dẫu câu lục bát "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" tuy dùng những chữ bình dị, được phát sinh từ cảm ứng tức cảnh nơi một giàn bầu bí cùng leo nhưng mang đầy hùng khí của một sĩ phu tâm can nặng nợ với tình tự quê hương. Bình thường, khi nói đến hai tiếng quê hương, người ta chỉ có thể nghĩ tới nơi "chôn nhau cắt rốn" được gọi là làng, xã, hay cùng lắm là miền, vùng mình ở. Đàng này, tác giả câu ca dao đã có cái nhìn vượt hẳn quan niệm bình thường mà đồng hóa chiếc giàn với một quốc gia trong đó bầu và bí tượng trưng cho những nhóm đối nghịch tranh giành để rồi từ đó vô tình hay hữu ý mang ẩn ý thêm nghĩa xây dựng nơi động tự "thương" cho đất nước được ám chỉ bởi chiếc giàn. Giới nào có thể nhìn chiếc giàn bầu, giàn bí liên tưởng tới giải sơn hà? Giới nào mới có thể cảm nhận được niềm đau tranh giành của các phe phái trong một quốc gia...?Thử xét thêm câu: "Đầu ngòi có con ba ba, kẻ gọi con trạnh, người la con rùa." Mới thoạt nghe, câu lục bát có vẻ rất tầm thường và hiển nhiên theo kinh nghiệm sống hằng ngày. Nhưng nếu đặt vấn đề tại sao lại đưa lên sự nhận định khác biệt về một con ba ba qua những tên gọi không giống nhau, câu ca dao mang ý nghĩa rộng lớn hơn. Sống trong vùng gần đầu ngòi, người dân tất nhiên rất quen thuộc với những lời nói thường dùng hoặc tên các con vật, cây cỏ, địa danh hay tiếng lóng; như vậy con ba ba và con rùa chẳng có gì lạ lùng đối với dân chúng có cuộc sống nghèo nàn phải mò cua bắt ốc kiếm thêm thực phẩm phụ thuộc làm đồ ăn với cơm gạo. Hỏi thử bất cứ người bình dân nào sống nơi miệt đồng ruộng, họ sẽ nói cho biết nếu con ba ba đã cắn thì dù có sấm sét nổi lên cũng không nhả hoặc muốn "thịt" ba ba phải làm sao, nấu ba ba cần những gì, ăn được những phần nào, hay mu con rùa khác mu con ba ba thế nào. Như thế, nơi miền quê, nếu có con ba ba ở đầu ngòi chưa chắc đã có tiếng đồn cho người khác biết mà ngược lại chỉ có tiếng đồn ai đã bắt được con ba ba ấy về làm thịt.Vậy tại sao lại đặt vấn đề "kẻ gọi con trạnh, người la con rùa?" Và dù cho nó là con ba ba hay là con gì đi nữa thì có chi đáng nói. Thế nên câu ca dao nhấn mạnh nơi phần tám chữ kẻ nói là con này và người tuyên bố con kia, tỏ ra mình biết nhưng biết trật bởi nó chẳng phải là con trạnh cũng không phải là con rùa. Tất nhiên, điều ám chỉ của câu ca dao "Đầu ngòi có con ba ba, kẻ gọi con trạnh, người la con rùa" không được dùng cho giới dân quê mộc mạc mà mang tính chất diễu cợt nhạo cười những người cổ võ cho điều mình không biết... Xét về lối dùng chữ, hai cặp "kẻ gọi, người la," không mang tính chất bình dân của người miệt vườn tược, đồng ruộng chút nào. "Kẻ gọi" và "người la" mang cùng một ý nghĩa nhưng đối nhau chỉnh vận như hai thành phần chẳng đội trời chung, không phải là lối nói thông thường lại ngược cách phát biểu của người dân quê. Câu ca dao lục bát được bậc thức giả dùng bối cảnh nơi miền quê để diễu cợt về điều chướng tai gai mắt nơi những người miệng hô hào, tuyên bố một cách đao to búa lớn, hay lạm dụng chuyện gì với mưu đồ thầm kín nào đó. Thế mới biết, người xưa nói vậy, nhưng mang ý tứ bao hàm chưa chắc đã vậy... Cách dùng chữ đơn sơ ghép ý nhẹ nhàng lại thâm thúy đi sâu vào tâm lý con người mọi thời mọi nơi phải là sản phẩm từ những bộ óc tuyệt vời của giới sĩ phu thức thời lăn lóc kinh nghiệm đời.Xét về đặc tính của thơ văn hay giảng thuyết, chỉ những người thực sự am tường một vấn đề nào đó mới có thể diễn tả bằng những lời nói đơn giản, bình dị ai cũng có thể hiểu được. Người nào càng dùng những lời đao to búa lớn hoặc sáo ngữ bao nhiêu càng không hiểu rõ điều mình nói bấy nhiêu. Hơn nữa, sự cảm nhận trạng thái luân lý hay tư tưởng qua dữ kiện thực tại được phát xuất từ tâm hồn chứ không do mức độ thăng hoa hoặc uốn nắn dữ kiện. Đưa lên hình ảnh tự nhiên một cách đơn sơ "Tung tăng như cá trong lờ" ai cũng có thể nhận thấy để rồi nói lên nhận thức về hoàn cảnh nào đó nơi cuộc đời "Trong không ra được ngoài ngờ rằng vui" không thể được cho là đơn sơ, chất phác, mộc mạc, đơn giản, bình dân, bình dị, v.v... Dùng dữ kiện đơn sơ nói lên qua lời mộc mạc, bình dị để diễn giải nhận thức luân lý, tâm lý... cuộc đời như thế mới thực sự chứng tỏ tài năng văn chương tuyệt vời của hàng thức giả. Không dễ gì hiểu nổi hai chữ "bình dân" hoặc "dân gian."