CẦN MẪN và CẦN KIỆM

     à con dân của một nước nghèo, cả đời cũng tội! Đa số dân chúng Việt nam chuyên về nông nghiệp mà mùa màng lại tùy thuộc vào sự thay đổi của thời tiết. Những năm mưa thuận gió hòa thì không sao nhưng chẳng may thiên nhiên bất ổn gây thiệt hại tới mùa màng, con dân trăm chiều khổ sở mới may ra kiếm đủ lương thực cho cuộc sống thường ngày. Hơn nữa, thực phẩm chính yếu của dân Việt là lúa gạo, mà nơi những vùng đất cao, trồng lúa còn đỡ tốn công; cấy lúa nơi các ruộng thấp không dễ dàng chi. Nào chuẩn bị ruộng trưa mạ, ngâm thóc giống, gieo mạ, nhổ mạ đoạn mới cấy lúa. Thế đâu đã xong, còn làm cỏ, xịt thuốc sâu, thuốc rầy... Rồi những cơn giông bão phũ phàng bất chợt kéo tới giáng tai họa cho dân nông nghiệp. Năm nào được mùa, có được lúa đã là may và rồi còn chà lúa thành gạo như những năm sau này từ thập niên 60, 70 trở đi thì dễ dàng, không quá phiền hà. Ngày xưa, nào xay, đâm, giần, sàng mới có thể biến lúa trở thành gạo không phải là những chuyện dễ làm. Do đó, qua kinh nghiệm nhà nông, bưng chén cơm nuôi dưỡng sự sống con người gợi lại nhiều vất vả làm lụng: "Ai ơi bưng bát cơm đầy; dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần."
Qua kinh nghiệm sống, ai cũng hiểu rằng "Có khó mới có mà ăn." Tuy nhiên, với bản tính tự nhiên ngại khó, đã dễ chi ai có thể tự chấp nhận khó khăn khổ cực. May mắn thay, quan niệm đạo đức thánh hiền truyền lại ăn sâu tận tâm khảm mỗi người đã là năng lực giúp cho dân nhà nông cần mẫn đối diện với những thực tại khó khăn trong cách sinh sống. Phụ vào đó, niềm tin tưởng vào sức mình, chấp nhận sự chịu đựng cũng như cố gắng vượt qua những trắc trở do thiên nhiên... cũng đã giúp nhà nông hy vọng vào tương lai khấm khá hơn: "Người đời ai khỏi gian nan; gian nan có thuở thanh nhàn có khi."
Qua kinh nghiệm làm lụng vất vả mới có của mà ăn "Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm," lại không có máy móc, tất cả những công việc nặng nhọc đồng áng đều được hoàn thành bởi sức người, may ra có được trâu bò kéo cày hay chuyên chở, nhà nông cần nhiều thời giờ làm lụng mới có đủ lương thực nuôi sống gia đình. Mờ sáng đã có mặt nơi ruộng rẫy và thường khi trời nhá nhem tối mới vác cuốc trở về nhà. Nhà nông "Canh một chửa nằm, canh năm đã dậy." Hơn nửa thời gian của một đời người chăm chuyên làm việc đã đúc kết nơi tâm hồn người Việt sự cần mẫn kiên trì. Từ đời này qua đời khác, và hơn nữa, sống trong hoàn cảnh đất nước nghèo khó và chậm tiến, những công việc khác cũng đòi hỏi nhiều sức lao động và bền chí của con người. Từ đó, tâm hồn người Việt qua nhận thức từ kinh nghiệm nảy sinh ý chí cương quyết kiên trì "Có chí thì nên."
Không ai vừa sinh ra đã biết làm hết mọi sự. Tài năng dù có là thiên bẩm cũng cần thời gian và cơ hội phát triển do đó lại cũng cần sự kiên trì luyện tập: "Ai ơi đừng chóng chớ chầy, gắng công mài sắt có ngày nên kim." Sự cần mẫn của một người được thực hành lâu dần trở thành cá tính và tạo nên nơi tâm hồn tính chất nhẫn nại, chịu đựng. Chính điểm này giúp người Việt có khả năng phấn đấu cao, đồng thời nảy sinh ý thức giá trị của sự làm việc. Làm việc không phải chỉ giúp cho con người sự sống mà còn sống vươn cao hơn hiện tại mình đang sống: "Vất vả mới có thanh nhàn; không dưng ai dễ cầm tàn che cho." Dĩ nhiên không có gì tự trời rơi xuống mà những gì mình có đều là kết quả những điều kiện đã được thực hiện hoặc có được những gì mình muốn đều phải trả với giá nào đó: "Hay học thì sang, hay làm thì có," hoặc "Có chí làm quan, có gan làm giàu." Sự cần mẫn cộng thêm mối tính toán sắp đặt sao cho hợp lý, hợp tình là điều kiện cần thiết đạt thành mong ước cuộc đời mình dễ thở hơn hay chuẩn bị cho những biến cố sắp tới: "Nắng đan đó, mưa gió đan gầu."
Không quen cần mẫn, mọi sự đều khó bởi thường thì "Khoan thổi vội ăn" là khuyết điểm chung của mọi người. Tuy nhiên, nhận thức giá trị cần thiết của sự làm việc kiên trì để bảo tồn cuộc sống, những câu Ca Dao mộc mạc vừa khuyến khích vừa răn dạy đã trở thành phương châm diễn tả giá trị của sự cần mẫn dính liền với cuộc sống con người: "Có khó mới có mà ăn, không dưng ai dễ mang phần tới cho." Hoặc "Ngồi rồi sao chẳng xé gai, đến khi có cá mượn chài ai cho." Hơn nữa, mặc dầu tình tương thân tương trợ nơi người Việt rất cao nhưng không phải vì thế mà dễ ai có thể lạm dụng tâm tình này bởi "Giúp lời không ai giúp của, giúp đũa không ai giúp cơm." Vả lại, sống trong hoàn cảnh nghèo, cuộc sống khó khăn, đặc tính tự lập được tạo thành do phải đối diện với thực tại nhiều trắc trở, người Việt cực chẳng đã mới dám nhờ vả người khác chứ đừng nói tới lạm dụng lòng tốt kẻ hay xót thương. Do đó chính cuộc sống đã tạo nên nơi người Việt đặc tính cần mẫn thì đồng thời cũng giúp người Việt có thêm đặc tính cần kiệm.
Bức tường nào không do sự kết hợp của những viên gạch ráp nối, gắn bó với nhau bởi hồ. Bồ thóc nào không gồm những hạt thóc... "Năng nhặt chặt bị," hoặc "Kiến tha lâu cũng đầy tổ" đã trở thành phương châm cần kiệm và nhận thức giá trị của sự cần kiệm nơi người Việt. Sự cần kiệm phải được đi kèm với cần mẫn bởi mẫn mà không kiệm thì cũng chỉ như gió lọt nhà trống; có làm lụng được đến mấy chăng nữa, tay trắng vẫn hoàn trắng tay: "Thủng thẳng mà lượm hoa rơi, ở cho có chí hơn người trèo cao." Có chí không chưa chắc đã đủ mà có chí và thực hiện ý chí lại là cần mẫn. Cần kiệm là xử dụng đúng mức giá trị của nhu cầu với ý thức nhân bản làm chủ. Việc gì đáng tiêu xài và nếu có thể được, tiêu xài không hoang phí và ngược lại cũng không keo kiệt, hà tiện. Cần kiệm là một đặc tính của lối sống cận nhân tình, không thái quá cũng không riết ráu. Không chạy theo vật chất để chỉ biết "Có tiếng không bằng có miếng" cũng chẳng đua đòi danh tiếng hão huyền: "Tiền không bằng tiếng," mà sự tiêu dùng tùy việc, tùy hoàn cảnh và điều kiện cho phép, nói cách khác, "Tùy gia phong kiệm."
Sự cần mẫn và cần kiệm có thể được sinh ra từ nhận thức tự lập. Ở một nước nghèo khổ, khi cá nhân nào phải đương đầu với những trắc trở khó khăn trong cuộc sống cần phải giải quyết, ngoài sự tìm đến thân nhân, gia đình, anh em họ hàng, họ không còn biết chạy đâu nhờ vả. Hơn nữa, chính cuộc sống khổ cực lầm than tạo nên "Anh em kiến giả nhất phận" bởi có đâu mà giúp, mà che chở. Chính vì thế, ai cũng phải nhận thực nằm lòng "Đời cua, cua máy; đời cáy cáy đào." Căn bản tự lập một cách nào đó cũng khuyến khích con người phải cần mẫn và biết cần kiệm. Người Tây phương có câu: "Trời chỉ giúp những kẻ tự giúp mình" (cách ngôn Mỹ); ông cha ta thực tế hơn: "Đại phú do thiên, tiểu phú do cần." Nói nôm na theo người miền Nam: "Giàu nhỏ hay mần, giàu lớn Trời cho." Hơn nữa, niềm tin vào Trời, vào số mạng một phần nào khuyến khích con người thêm cần mẫn và cần kiệm: "Không ai giàu ba họ; chẳng ai khó ba đời."
Cần kiệm xét ra cần thiết hơn cần mẫn, "Buôn tầu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm," bởi không có kiệm mà chỉ có cần, cuộc đời chỉ có ba chìm bảy nổi, biết làm chẳng biết lo. Kiệm mang nghĩa tiết giảm, dè giữ; cần bao gồm chăm chỉ, chuyên chú, sức lao động, sự cần thiết. Cần kiệm bao gồm cần mẫn và tiết kiệm. Cần kiệm không những giúp cho cuộc sống con người đều hòa, tránh khỏi những khi bất cập, xo xíu, mà lại còn mang nghĩa quí trọng lộc trời cũng như biết nhận ra giá trị công lao sức lực của mình: "Làm người cho biết tiệm tần; đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi. Những người đói rách rạc rời; bởi phụ của trời làm chẳng nên ăn," hoặc "Phí của trời mười đời chẳng có." Cho nên những người cần kiệm "Ăn tham chắc, mặc tham bền." Dĩ nhiên, nhiều khi không phải "Ăn tham chắc" mà "Ăn lấy hương lấy hoa;" trường hợp này thuộc về lối cư xử giao tiếp để giữ phong thái của con người chứ không phải cần kiệm hoặc khách sáo.
Người cần kiệm biết nhìn xa trông rộng, biết chuẩn bị cho tương lai lỡ có lúc này lúc khác "Làm khi lành để dành khi đau." Cần kiệm còn giúp người ta biết "Liệu cơm gắp mắm, liệu bò đo chuồng." Nó mang nghĩa "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm." Lẽ đương nhiên, những người có của phải là những người biết cần kiệm, không hoang phí, lại chăm chỉ làm ăn không cách này thì cũng cách khác: "Nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn." Hơn nữa, "Tiết kiệm mới giầu, cơ cầu mới có." Người không biết cần kiệm, "Ăn không lo, của kho cũng hết," bởi "Miệng ăn núi lở."
Lẽ đương nhiên, dù công việc sinh sống của một người trong bất cứ nghành nghề nào cũng đều cho kinh nghiệm tương tự như nơi nhà nông: "Có cấy, có trông; có trồng, có ăn," hoặc "Có làm mới có mà ăn." Tuy nhiên đôi khi có làm mà chẳng may bị thất bại cũng như nhà nông không may gặp thời hạn hán. Qua những thăng trầm bất thường trong cuộc sống, ông cha ta nhận ra rằng mỗi người còn có số phận riêng. Bởi thế đôi khi lắm cảnh cười ra nước mắt; kẻ làm lụng thâu đêm tối ngày, vất vả cực khổ lại có khi không đủ ăn; còn người làm ăn khơi khơi thì lại tiền dư thóc đống. Cho nên đôi khi số phận hẩm hiu của một người làm cho họ "Tránh trời không khỏi nắng." Vì vậy, ông cha ta tin tưởng rằng "Làm giàu có số, ăn cỗ có phần." Mặc dầu thế, bởi "Không ai giầu ba họ, chẳng ai khó ba đời," ông cha ta lại cũng tin rằng "Bĩ cực, thái lai," khi số phận hẩm hiu, vận đen hết thì vận đỏ tới. Bởi thế, cần kiệm luôn luôn nên được nuôi dưỡng bởi "Sông có khúc, người có lúc." Cuộc đời muốn được an toàn, tránh cảnh túng quẫn nên cần kiệm, thực hành cần kiệm chứ không phải chỉ nói hoặc biết cần kiệm: "Được như lời nói, làm nhà ngói mà ở." Dĩ nhiên ai không mơ ước cuộc đời mình dễ thở, khấm khá hơn mà mơ ước không chưa đủ; cần mẫn và cần kiệm phải được áp dụng trong cuộc đời mới có thể tạo số cho chính mình: "Chuông có gõ mới kêu, đèn có khêu mới rạng."
Do nhận thức được phận số ngoài tầm tay với của mình, sự khôn ngoan của tâm tình chấp nhận nảy sinh "Giàu cũng ăn ngày ba bữa; khó cũng đỏ lửa ba lần." Hơn nữa, còn sự kiên trì, cần mẫn, và cần kiệm, tương lai sẽ tươi sáng hơn bởi "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay." Cần mẫn và cần kiệm giúp con người tránh thoát những khi "Hai mắt dồn một," hoặc lúc phải "Giật gấu vá vai," hay "Giật đầu cá vá đầu tôm," hơn thế nữa, còn giúp con người cơ hội sống liêm chính vì "Bần cùng sinh đạo tặc," hoặc "Lúc túng làm liều," làm hư hại tâm đức cũng như thanh danh nhân vị con người. Ông bà ta cũng tin tưởng rằng "Mất trâu thì lại tậu trâu; những quân cướp nợ có giàu hơn ai." Người sống đức độ, cần mẫn phụ họa thêm cần kiệm, không thể nào lâm vào cảnh cướp nợ làm tổn hại thanh danh không những cho cá nhân mình mà còn ảnh hưởng tới gia đình họ hàng. Chính vì thế, ông bà khuyên ta: "Sinh không tử lại hoàn không, khó ta ta chịu, đừng mong giầu người."
Kinh nghiệm đời, "Của phù vân không chân hay chạy," vả lại cuộc sống có lúc nọ lúc kia, ông cha ta nhận thấy "Chẳng ai nắm tay thâu ngày đến tối" hoặc "Không ai giang tay thâu đêm đến sáng." Do đó nên cần kiệm vì lẽ "Hay làm mà chẳng hay lo, làm chi cho lắm, làm cho nhọc mình." Những người làm ăn nên tất nhiên biết cần kiệm, biết suy trước tính sau cho cuộc đời mình: "Làm người ăn tối lo mai, việc mình hồ dễ để ai đo lường." Nói cách khác, thường tình, ít ai tránh thoát những kinh nghiệm nghèo khó, những lúc túng quẩn trong cuộc đời; và hơn nữa, "Ai nên khôn không khốn một lần;" người xưa nhẹ nhàng nhắc nhở "Ăn cơm mắm ngắm về sau; ăn cơm rau nhớ sau nhớ trước." Cần mẫn, cần kiệm giúp đời sống con người vươn lên tránh cảnh khốn cùng bất cập, đồng thời bổ túc tâm tình đạo đức cũng như bảo tồn danh dự con người.