ANH EM HỌ HÀNG

     ự bản chất, cuộc sống mang đặc tính liên hệ giữa con người với con người. Sự liên hệ thân hay sơ tùy thuộc sự đối xử giữa người này với người kia và ngược lại. Tuy nhiên sự liên hệ huyết thống mặc dầu cũng phần nào tùy thuộc vào sự đối xử của con người trong cảm tình thân thiết hay không nhưng không giống như sự thân sơ quen biết bạn bè. Thế nên cho dù những người trong cùng dòng họ đối xử với nhau thân hay sơ thì vẫn có mối dây huyết thống ràng buộc. Mối dây huyết thống này liên kết những người trong giòng tộc với nhau dù gần hay xa trong liên hệ họ hàng. Bởi vậy, ông bà ta có câu: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã."
Xét về mối liên hệ họ máu, anh em ruột là gần nhất cho dù đồng bào hay dị bào theo quan niệm phụ hệ. Phan Kế Bính ghi lại anh em đồng mẫu dị phụ "Không thân thiết gì mấy, cũng như người ngoài mà thôi" (Việt Nam Phong Tục; Phan Kế Bính; Sống Mới, 1983; tr. 29) xem ra hơi quá vì quan niệm này không đếm xỉa gì đến vai trò người mẹ trong sự liên hệ giữa con cái. Làm sao hai người dẫu khác bố, cùng mẹ sinh ra lại có thể được coi như người ngoài mà thôi trong khi dù chỉ là họ hàng mà sự liên hệ gia tộc còn được kể tới. Trên thực tế, anh em cùng mẹ khác bố tình thân thiết vẫn gấp mấy lần họ hàng con chú bác. Nói cho cùng, nhiều khi tâm tình con người bị ảnh hưởng quan niệm một cách quá đáng; chẳng hạn "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô," hoặc "Con gái ngoại tộc đánh tốc đuổi đi;" âu đó cũng bởi ý thức sai lầm về trọng nam khinh nữ. Hơn nữa, trong thực tế, anh chị em cùng mẹ khác bố thân thiết nhau hơn anh chị em cùng cha khác mẹ bởi "Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá gặm xương."
Qua kinh nghiệm sống ai cũng nhận thấy: "Anh em như chân tay." Chỉ trừ trường hợp đặc biệt với một số người cố chấp bởi thiếu ý thức hoặc chỉ biết coi mình là trọng hay ỷ vào vị thế có thể bất cần đến thân thuộc để rồi khinh khi hay coi thường anh chị em. Tình máu mủ ruột thịt nơi anh em họ hàng trong giòng tộc bao giờ cũng được coi trọng hơn bất cứ sự liên hệ nào. Thói đời thường "Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai," nhưng anh em họ hàng thì dù mình có "Lên voi xuống chó," hoặc chẳng may gặp lúc "Giậu đổ bìm leo," thân tình giòng tộc vẫn còn đó và cũng là nơi nhờ cậy căn bản nhất chẳng may trong những lúc sa cơ thất thế. Đồng ý rằng tình thân nơi anh em họ hàng đôi khi không được bằng tình bạn nhưng thử hỏi trong cuộc đời một cá nhân được bao nhiêu người được gọi là bạn thân. Có chăng may ra chỉ một người mình có thể đặt hết tin tưởng, dám sống chết cho tình bạn hữu, còn chung chung chỉ là bạn bè qua lại hay thân hữu. Thử xét lại kinh nghiệm sống, khi một người có công chuyện cần người giúp đỡ, ai là những người dám lăn xả vào những công việc cần thiết phải giải quyết; ai là người gắn bó lo lắng, coi việc mình cũng như việc của họ. Đối với bạn bè, sự giúp đỡ chỉ trong một giới hạn nào đó; còn anh em họ hàng, sự giúp đỡ được thực hiện đến mức tối đa mà chẳng cần đòi hỏi dù chỉ một lời cảm ơn.
Sự liên hệ anh em họ hàng tự nó mang tính chất linh thiêng huyết thống nên dù có thờ ơ, lãnh đạm đến đâu chăng nữa người ta cũng không thể xóa nhòa đi được mối giây liên hệ này dẫu có những trường hợp do cuộc sống đem đến sự đụng chạm bất hòa để một người cố quên hay phải chấp nhận đành lòng dứt bỏ bởi "Đắng cay cũng thể ruột rà, ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng." Đồng thời kinh nghiệm họ hàng cũng nói lên: "Có máu có đau." Mối liên hệ anh em họ hàng cảm thấy thì chất ngất nhưng diễn tả lại khó mà nói lên được gì. Nó cũng giống như tình yêu, chẳng ai định nghĩa được, mà đem ra phân tích thì lại càng rắc rối bởi có thước nào làm mẫu mực chung để đo mức độ lòng con người.
Trong mối liên hệ gia đình, "Anh em thuận hòa là nhà có phúc." Sự đối xử giữa anh em họ hàng quí nhất là sự thuận hòa, chị ngã em nâng, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thăng tiến cuộc sống. Tuy nhiên, giúp đỡ không mang nghĩa một chiều mà trong cuộc sống, "Có đi có lại mới toại lòng nhau." Cuộc đời tự nó đã mang tính chất phấn đấu để sống vươn lên; ai không nhận thức được điều này thì dù có nâng, có giúp cũng chẳng thể nào làm ăn nên. Muốn có được gì phải chấp nhận làm một cái gì là lẽ thường, chẳng chi mới lạ. Bởi vậy cổ nhân ta không chấp nhận có những chuyện ganh đua giữa anh em họ hàng: "Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" vì chỉ có  "gà què" mới "ăn quẩn cối xay." Hoặc hơn nữa, "Làm tôi thằng hủi hơn chịu tủi anh em." Khi đã chịu tủi anh em, đã bị anh em coi thường thì chắc chắn rằng mình cũng chẳng ra gì đối với xã hội bởi lẽ nếu đã bị "Anh em khinh trước," thì chắc chắn "Làng nước khinh sau."
Xét về quan niệm thân sơ họ hàng, ông bà ta có câu: "Con cô con cậu thời xa, con chú con bác thật là anh em." Có lẽ quan niệm này cũng bị lệ thuộc vào chế độ phụ hệ. Thực tâm mà nói, mấy ai trong chúng ta cảm thấy anh em con chú bác gần hơn con cô con cậu? Nói cho đúng, đàng nào cũng là anh em, và tình cảm thân sơ tùy thuộc sự đối xử qua lại với nhau mà chớ. Không hiểu những người theo chế độ mẫu hệ cảm thấy thế nào và quan niệm của họ ra sao. Quan niệm "xa gần" này không được coi là mẫu mực cho tình thân sơ; có chăng chỉ sinh thêm lắm phiền toái về ngôi thứ nơi đình đám hoặc vấn đề mời mọc theo lệ tục... Nếu xét về cá tính chung để xác định tình thân sơ thì quan niệm gần, xa trong mối liên hệ con chú bác và con cô cậu lại càng phi lý. Theo tâm lý, nhiều trường hợp người đàn ông dành cảm tình cho con của em gái hay chị gái mình có khi nhiều hơn cho chính con mình, và đàn bà dành cảm tình cho con của anh hay em trai mình nhiều hơn cho chính con mình. Thế nên, con cô gần với bố, con cậu gần với mẹ mà xa với mình có lẽ cũng là một điều dị kỳ, khó chấp nhận. Còn nếu nói theo tục lệ phải giữ "Con cô con cậu thời xa" càng vô lý hơn bởi tục lệ nào không có người đề xướng ra để dùng riết rồi quen. Mà đã có người đề xướng ra thì cũng có thể sửa đổi sao cho hợp lý hợp tình là tốt nhất.
Xét về sự liên hệ trong gia tộc, những người gần nhất với mình bằng vai với bố là anh chị em ruột của bố; bằng vai với mẹ là anh chị em ruột của mẹ. Bởi thế: "Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ ấp vú dì." Tình cảm họ máu về đàng mẹ còn được diễn tả: "Dì ruột thương cháu như con, rủi mà không mạ (mẹ) cháu còn cậy trông." Sự liên hệ họ hàng giòng tộc có thể phần nào được coi như một bảo đảm cho con người vì dầu thế nào chăng nữa, "Chín đời họ mẹ vẫn hơn người ngoài."
Ngoài ra, có những người không mang liên hệ huyết thống cũng được coi như và chấp nhận nơi liên hệ họ hàng trong trường hợp hôn nhân. Sự liên hệ giòng họ với người ngoài dòng họ này đã xảy ra lắm cảnh trái ngang như trong trường hợp mẹ chồng con dâu hay nàng dâu và "bà cô" bên chồng. Nhìn về khía cạnh tâm lý, mẹ chồng và các "bà cô" cảm thấy thiệt thòi, mất mát vì người con, anh em trai đang bỗng dưng thân thiết với người ngoài mới cưới về hơn với mẹ và các chị em gái mình nên mối ghen tự tiềm thức được nảy sinh; do đó, "Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng" cũng chẳng có gì lạ mà ảnh hưởng nhiều khi tàn khốc. Cũng may mắn, mấy chú "gà tồ" em trai chồng nếu chị dâu biết điều thì chỉ có lợi chứ chẳng bao giờ bị phiền hà: "Một trăm ông chú không lo, lo về một nỗi mụ o nỏ mồm." Tình thân sơ chị em dâu chỉ như bầu nước lã, phận ai nấy lo hãy còn êm cửa êm nhà. Riêng trường hợp mấy chàng rể thì chàng nào cũng giỏi, cũng hay nên sinh ra thích gáy. Bởi thế có câu: "Yêu nhau chị em gái, khái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể."
Mặc dầu "Có cây mới có dây leo, có cột có kèo mới có đòn tay," tâm tình đối xử giữa họ hàng được thiết lập qua mối liên hệ hôn nhân có nhiều trường hợp cách xa bởi quan niệm phụ hệ: "Chồng cô với lại chồng dì, tiếng kêu bằng dượng, tình thì lãng quên." Chẳng những thế, liên hệ tang ma cũng chẳng có gì khác đối với người ngoài: "Chồng cô vợ cậu chồng dì, trong ba người ấy chết thì không tang." Hoặc: "Cậu chết mợ ra người dưng." Tuy nhiên, "Chú tôi có chết thím đừng lấy ai." Quan niệm này có thể cũng do ảnh hưởng từ chế độ phụ hệ mà ra.