rường hôn vợ trước khi ra xe đi làm như mọi ngày. Cái hôn vội vã, nhẹ nhàng và là một thói quen. Vợ chàng chỉ chấp nhận một cái hôn nhẹ trên má vào buổi sáng vì nàng đã tốn bao thì giờ sửa soạn trước khi đi làm. Một vệt son môi nhòe vào sáng sớm là một điều không ổn, đi ngược mọi thói quen tuần tự trong ngày của nàng.
Patty làm về điện toán. Nàng và Trường khác hẳn nhau về cá tính nhưng có lẽ chàng cần ở vợ sự cứng rắn chừng mực đó và ngược lại. Để làm gì nhỉ? Để quân bình. Đó chính là điều mà Trường khám phá ra sau 15 năm bên cạnh Patty. Và đây cũng chính là điều mà Trường hài lòng khi chọn Patty làm vợ. Nhưng tại sao sáng nay chàng thấy khó chịu trước những thói quen đó?
- Anh nhớ 5 giờ đón con.
Câu nói này sáng nào vợ chàng cũng nói. Brook 7 tuổi. Có lẽ vợ chàng đã nói câu này suốt gần 7 năm nay! Tại sao không phải là một câu nói gì khác âu yếm hơn nụ hôn từ giả ơ hờ và nhanh chóng? Có bao giờ Patty thấy mệt mỏi vì những thói quen của nàng không nhỉ? Trường thấy mệt mỏi và... chán chường! Hai chữ sau chàng dùng nó trong đầu mà hơi ngần ngại. Chàng muốn khẳng định với chính mình là hai chữ «chán chường» chỉ để dùng một cách thuần túy cho những thói quen mà vợ chàng hay làm chứ tuyệt nhiên Trường không... chán vợ.
Tại sao mình phải tìm cách chống chế như vậy chứ? Trường đâm bực mình ngang. Chàng đóng mạnh cửa và không trả lời vợ như mọi lần. Chàng tìm những băng nhạc cổ điển mà Trường hằng ưa thích nhưng rồi chàng cũng bực dọc tắt đi. Những tiếng nhạc ngoại quốc này sao nghe chán ngắt! Chàng không hiểu mình nữa. Có lẽ chàng đang chán ghét cả chính mình?
Tiếng Brook nhỏ xíu ở băng ghế sau làm Trường giật mình:
- Ba đi đâu vậy?
Chàng quên mất phải đưa con gái đến trường. Giọng nói nhỏ nhẹ của nó làm Trường dịu lại. Chàng trấn án con bé:
- Bữa nay ba đổi đường khác, không trễ giờ đâu con.
- Tại sao ba không đi đường cũ?
Tại sao nhỉ? Trường cũng không biết nữa. Có lẽ chàng muốn đi ra ngoài những thói quen thường nhật. Nhưng chàng không biết phải nói với Brook như thế nào. Chàng nói quanh quẩn:
- Lâu lâu mình đổi cưng.
- Đổi để làm gì vậy?
Lần này thì Trường bí thật. Chàng ấp úng trả lời:
- À... Thỉnh thoảng đổi cho nó khác đi.
Brook có vẻ không hài lòng với câu trả lời không đi đến đâu của ba nó nhưng không hỏi gặng tiếp. Riêng Trường thấy con bé không quay mình tiếp, vội thở ra một hơi dài khoan khoái. Chàng rất yêu quí Brook nhưng không biết chơi hay nói chuyện với con gái thế nào. Đôi lúc chàng muốn thành bạn nhỏ với con mà không biết phải làm gì. Nhưng Brook rất giản dị, nó rủ chàng chơi chung những trò chơi với nó. Bằng những ý nghĩ về đứa con gái yêu quí, Trường bỗng quên hẳn nỗi bực dọc không duyên cớ khi nãy. Ngay hình ảnh vợ chàng cũng nhu mì hơn bên cạnh Brook.
- Ba à!
Trường hơi nghiêng đầu ra sau hỏi lại con:
- Sao cưng?
- Sao ba có hai tên mà con có một tên?
Ờ! Sao vậy nhỉ? Patty đâu bao giờ phản đối việc mình đặt thêm tên Việt Nam cho Brook? Thế tại sao? Có lẽ vì Brook giống mẹ nó quá, chẳng có một chút nào là Á Đông cả.
- Con thích có hai tên hả?
- Con thích giống ba.
Trường nghe con nói mà thấy bồi hồi.
- Con thích tên gì?
- Tên gì đẹp mà bạn con gọi được.
Trường gật gù thầm nghĩ con bé này khôn thật, nó biết tiếng Việt khó phát âm nên nhắc nhở chàng. Trường nói với con:
- Để ba bàn với mẹ đã nhe?
- Đâu cần, đây là bí mật giữa ba và con.
Trường suýt phì cười nhưng cố làm mặt nghiêm.
- Chọn tên đâu phải dễ.
- Ba thích gọi con là Brook hay ba thích gọi con bằng tên Việt Nam giống ba?
- Ba không biết nữa cưng à.
- Ba biết mà ba không chịu nổi.
- Sao con nói vậy?
- Cái gì ba cũng biết hết, vậy ba mới làm thầy giáo được chứ.
Dưới mắt Brook, chàng ghê gớm thế kia à? Phải chi sau này lớn lên nó vẫn có ấn tượng tốt đẹp đó về chàng.
Trường hỏi con gái mà thực ra là tự hỏi mình:
- Thật hả cưng?
- Thật chứ. Cô giáo con đó. Cái gì cô giáo cũng biết hết. Bà không tin hỏi cô giáo con coi.
Tuổi thơ đẹp vậy đó. Tuổi thơ chẳng biết ngờ vực, nghi ngại. Ý nghĩ của Trường đến đó bị cắt ngang vì đã đến trường học của Brook. Chàng không thả con đi xuống một mình như mọi lần mà tìm chỗ đậu xe rồi dắt con vào trường. Chàng nắm chặt tay Brook như sợ bị vuột mất. Bàn tay nó bé nhỏ và mềm nhũn trong tay chàng. Tự dưng chàng thấy thương con vô chừng.
- Ba nhớ tìm tên cho con nhé?
- Ừ! Ba không quên đâu.
Chàng nhìn theo Brook đi vào lớp học rồi quay trở ra. Trong đám người lẫn lộn đó Trường không còn thấy hòa đồng như trước. Chàng không phải là một người Mỹ da vàng như chàng tưởng mà chàng vẫn thuần túy da vàng, mũi tẹt như từ xưa đến giờ, một anh Việt Nam một trăm phần trăm cho dù có ở trên đất nước này bao năm đi nữa! Đây là một anh da vàng rất quen thuộc bị Trường bỏ quên. Đó là một cảm giác khá chua chát mà Trường chưa bao giờ biết đến! Có lẽ ngày hôm nay trên bục giảng, trước đám học trò, thầy Richard Nguyễn đột ngột thay đổi. Mọi sự có vẻ không còn êm xuôi theo những thói quen cố hữu nữa. Chàng đang thay đổi hay chỉ là một sự trở về, trở về nguồn?
Cảm giác bẽ bàng đó theo Trường vào tận lớp học. Trong bài giảng ngày hôm nay, Trường ngưng nhiều lần vì bị phân tâm. Có những lúc chàng thấy mình nói một cách khó khăn, diễn đạt ý tưởng một cách chậm chạp như... một người ngoại quốc. Khi so sánh như vậy, Trường vẫn tự cho mình đã thành người bản xứ. Tuy nhiên, Trường dùng chữ «như». Đó vẫn là một sự dè dặt trong ngôn từ và cũng đồng thời chứng tỏ rằng Trường chưa thành một người Mỹ thực thụ. Bấy lâu nay chàng chỉ sống như một người Mỹ. Tự trong nền tảng và cội rễ, Trường vẫn là người Việt Nam. Chàng vẫn còn nhớ đến vạt áo dài lụa trắng của Minh Bắc, gót chân hồng thấp thoáng dưới ống quần sa-tanh đen bóng, và vẫn còn nhiều thứ nữa mà nhớ lại chỉ làm Trường thêm bồi hồi và bài giảng hôm nay chợt luộm thuộm đến độ ngạc nhiên.
Chàng nhìn đứa học trò mang hai giòng màu ngồi góc bên kia và tự hỏi: «Tại sao con bé này làm mình nhớ đến Minh Bắc?». Tuy khoảng cách không gần lắm nhưng Trường có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt Lài. Hoàn toàn không có một điểm gì gợi đến cô em họ của chàng cả. Tại sao trong lớp này ngoài Lài ra còn có những đứa học trò Việt Nam khác như Diễm, Trang... v.v.. mà chàng không chú ý đến? Tại sao? Đó mới là những khuôn mặt Việt Nam. Trường muốn tìm hiểu nguyên nhân và sự tò mò đó khiến Trường có ý định tìm hiểu cô bé này nhiều hơn.
Những ý nghĩ của Lài trong những bài viết khác hẳn với đám trẻ trong lớp này. Những ý tưởng ngộ nghĩnh đó làm Trường băn khoăn. Trong chiếc đầu bé nhỏ xinh xắn kia có những gì? Lài! Cái tên nghe quê mùa, mộc mạc, chẳng hợp với con bé gì hết. Chàng muốn nghe nó nhắc đến Việt Nam, nói tiếng Việt trong cung cách khép nép của nó. Đúng rồi! Chữ «khép nép», dáng điệu thẹn thùng của Lài làm chàng nhớ đến Minh Bắc. Con gái thời nay ngổ ngáo chứ đâu có như vậy? Chàng tưởng đâu chỉ có Minh Bắc và trong không gian, thời gian nào đó xa vời mới có những chữ «khép nép», «e thẹn» rất con gái và rất... Rất gì nhỉ? Rất... đáng yêu. Nhưng dùng chữ đó cho Lài không ổn! Thôi thì hãy tạm bỏ trống ngay đó cho đến khi nào chàng nghĩ ra một chữ gì khác thích hợp hơn.
*
Như mọi lần, Lài là người cuối cùng sửa soạn ra khỏi lớp học. Nàng đi ngang chỗ Trường ngồi và khẽ gật đầu chào. Chẳng có đứa học sinh nào ở xứ này lại gật đầu chào như vậy cả. Trường nghĩ như thế và không nén được nụ cười hóm hỉnh. Chàng buột miệng gọi tên Lài:
- Lài!
Cô học trò dừng lại và nhìn Trường chờ đời, đôi mắt Lài như tìm kiếm một cái gì đó. Trường cố giữ giọng thản nhiên hỏi Lài:
- Mai một nhờ Lài một việc được không?
Cô học trò chớp mắt và hơi có vẻ lúng túng:
- Dạ... được.
Đến phiên Trường ngắc ngứ. Chàng chỉ bày ra để hỏi cho có chuyện, không ngờ Lài mau mắn nhận lời.
- Lài có biết ai có nhiều sách Việt Ngữ... mượn hộ cho... thầy được không?
Con bé đáp một cách tự nhiên hơn:
- Em cũng có nhiều sách lắm... nhưng không biết thầy thích đọc loại nào?
Loại nào? Chàng toàn đọc sách báo ngoại quốc, có biết gì về sách Việt đâu? May sao Lài tiếp luôn:
- Sách khảo cứu em không có đâu, mấy loại đó thầy phải vào thư viện tìm may ra.
- Vậy Lài đọc loại sách nào? Tiểu thuyết?
Chàng hỏi một cách tự nhiên, không hề có ý chế diễu, thế mà cô học trò đỏ mặt:
- Dạ.
Tiếng «dạ» sao nghe ngọt ngào, không như vợ chàng hay nói: «OK», «That’s true», «yes» hay ậm ừ trong miệng, mặc dù sau đó đôi khi có kèm với chữ «cưng». Nhưng «cưng» thế nào đi nữa vẫn không nghe dịu hiền như tiếng «dạ» trong ngôn ngữ Việt. Không biết từ bao giờ chàng cứ hay so sánh cô học trò này với Minh Bắc, cả vợ chàng nữa. Trường thấy hình như mình đi hơi xa, chàng phải tự nhắc nhở mình. Sự «tự nhắc nhở» coi bộ hời hợt thế nào vì Trường vẫn còn muốn nói chuyện bâng quơ với cô học trò.
- Tiểu thuyết loại nào? Tình cảm ướt át, lãng mạn?
Trường đặt câu hỏi vẫn với giọng như khảo bài thí sinh. Chàng vừa hỏi vừa nhìn vào đôi mắt xanh có riềm mi nâu nhạt trước mặt. Lài trả lời một cách nghiêm trang:
- Em chỉ thích một quyển sách hay, còn loại nào cũng được. Đâu phải là chuyện tình mới hay. Cái hay do người đọc cảm nhận được phải không thầy cho dù bất luận cuốn sách đó là loại gì?
Trường nhìn cô học trò trước mặt với một vẻ ngạc nhiên và thích thú rõ rệt. Chàng hỏi nó một câu mà nó hỏi lại mình đến hai, ba câu. Con bé này ghê thật!
- Lài có hết những câu trả lời cả rồi đâu cần Thầy trả lời nữa.
Lài cười một cách cởi mở trước câu nói của Trường. Chàng khám phá thêm một điều, con bé có hàm răng thật đẹp và đều đặn. Nụ cười hiền hậu chứ không lém lĩnh như... Trường chợt dừng lại ở sau đó.
Cả hai đứng nhìn nhau như muốn tìm tòi thêm nữa về người đối diện. Trường thích nhìn cô học trò lúc rụt rè, ngượng ngập. Một cô học trò như những lời đối đáp vừa rồi lại khác. Đó là một thích thú bất ngờ.
Lài nhìn thầy Richard Nguyễn rồi tự tìm những câu trả lời cho những câu hỏi thầm kín mà nàng đang cố che đậy. Vầng trán rộng, gương mặt thông minh, không đẹp nhưng có một vẻ gì thu hút. Lài không run như nàng tưởng. Đây có phải là một sự tình cờ?
Trường tiếp tục vấn đề đang bị bỏ dở:
- Cuốn nào Lài thấy hay thì cho thầy mượn.
- Dạ.
Trường nhìn Lài và gật gù tỏ ý hài lòng:
- Nhớ nhé.
- Vâng.
Câu chuyện chỉ đến đó. Cả Trường và Lài không tìm ra câu gì khác để nói tiếp. Có lẽ chỉ nên đến đó, Trường nghĩ như thế nên đứng dậy thu dọn sách vở. Cô học trò cúi đầu chào rồi đi ra cửa. Trường nhìn theo mái tóc vàng nhún nhẩy theo nhịp bước của Lài mà bâng khuâng. Mái tóc vàng này hoàn toàn không giống những mái tóc vàng khác ở nơi đây. Nó e ấp một cách dịu dàng và ôm lấy bờ vai, lưng thon của đứa con gái. Mái tóc thẳng băng như một cánh đồng lúa vừa đương độ, chín mọng, vàng ánh và xô dạt vào nhau theo nhịp bước vội vã của cô bé. Trường có cảm giác mình không còn yên ổn. Chàng không chỉ nhìn về đằng trước như mọi ngày nữa vì cả một chuỗi dằng dặc nôn nao của quá khứ đang níu kéo Trường như muốn tranh dành cái địa vị cội rễ, cái phần cốt lõi nhất.
Trong lớp học chỉ còn mình chàng. Những bàn ghế vô tư này thế mà thân quen. Hàng biết bao nhiêu khuôn mặt đã thay phiên nhau ngồi đó trong những chiếc ghế có bàn dính liền bóng loáng và nằm xô lệch. Vật vẫn nằm yên chỉ có người đến rồi đi, thay đổi lớp lớp. Cô học trò ngày hôm nay là một tỷ dụ. Tuy nhiên Trường nghĩ cô học trò này sẽ nằm sâu trong trí nhớ chàng ở một nơi đặc biệt nào đó.
*
Những cơn gió cuối Thu đã rũ cho sạch một lần cuối những chiếc lá còn cố bám víu vào thân cây khô. Những chiếc lá đủ màu tắp vào lề đường, ép mình bên cạnh những chiếc lá khác cùng chung số phận. Trong bầu trời ẩm đục, không gian choàng lên những chiếc lá khô những chiếc áo đẫm sương mù làm mềm đi phần ngoài khô cứng. Những chiếc lá ép vào nhau, chen lẫn trong sự sợ hãi của giờ phút cuối. Lúc xanh tươi trên cành còn dập dìu, rào rạt ngả nghiêng vào nhau, khi lìa khỏi cành cũng tìm đến nhau mà nương dựa. Thế là sống không cô quạnh mà chết cũng chẳng quạnh hiu.
Lài chọn chiếc lá đẹp nhất. Không! Hai chiếc lá chứ, trong đám lá bên đường. Một chiếc mầu đỏ thẫm mà cuống lá hãy còn tươi, chiếc kia mầu vàng rực rỡ có những đốm nâu nâu. Nàng sẽ đem ép trong sách hay đặt trên bàn để nhớ đến ngày hôm nay. Nhớ đến sự tình cờ êm dịu vừa qua. Đó mới chỉ là một va chạm khẽ vào quả chuông đang treo lơ lửng trên kia, thế mà tiếng ngân đã đi suốt vào trong Lài làm nàng tê dại. Lài đã đứng chôn chân và lặng đi trước cái nhìn của thầy Richard Nguyễn. Cái nhìn gì mà nóng bỏng và... Lài nghĩ đến chữ «say đắm» để diễn tả nhưng thấy thế nào. Cái nhìn làm nàng phải chớp mắt và cúi đầu. Nếu đứng lâu hơn, câu chuyện sẽ thay đổi ra sao nhỉ? Chỉ biết bây giờ, gần về đến nhà rồi mà Lài vẫn còn bàng hoàng. Nàng sẽ nhắm mắt để chờ sự tình cờ thứ hai xảy đến. Sao nàng tin chắc sẽ có lần thứ nhì, và biết đâu lại còn lần thứ ba, thứ bốn...
*
Tiếng sấm sét nổ rền ngoài trời kèm theo những cơn mưa vội vã. Những giòng nước trắng xóa tạt xối xả vào cửa kính làm thành những tiếng rạt rào liên tục. April chợt tỉnh giấc, tay nàng còn đè lên ngực. April kéo chiếc chăn quấn quanh người. Những lằn chớp sáng xẹt nhanh ngoài khung cửa sổ càng làm cho April sợ hãi hơn.
Nàng còn nhớ khá rõ về giấc mộng vừa qua. April không muốn nghĩ đến giấc mơ nữa nhưng trăn trở phía nào nàng cũng thấy những hình ảnh trong mơ. Khuôn mặt Vĩnh và những đốm trắng chung quanh chàng. Không phải mầu trắng trong bệnh viện mà là mầu trắng của những cánh hoa. Người Vĩnh phủ đầy hoa trắng chỉ chừa khuôn mặt. Vĩnh vẫn ngủ say. April nhớ nàng đã đến gần Vĩnh rồi phải lùi lại. Mùi hương sực nức từ những bông hoa lạ tỏa mạnh và làm nàng chóng mặt. Những cánh hoa xòe rộng, nhụy hoa mầu vàng nhạt có điểm vài đốm tím hồng. Những cánh hoa dài như quấn lấy người Vĩnh, như giữ riêng cho chúng. Càng mỗi lúc mặt Vĩnh càng trắng bệch và rồi mãi... cho đến khi April không còn nhìn thấy Vĩnh đâu nữa mà chỉ thấy hoa. Nàng nhớ hình như mình có gọi tên Vĩnh. Tiếng kêu của nàng chìm hẳn trong tiếng gì như tiếng cầu kinh. Sao Vĩnh không dậy? Vĩnh đã hôn nàng mà chưa từng nói yêu. Anh tỏ tình như thế nào hả Vĩnh? Rồi nàng không còn nhìn thấy Vĩnh đâu nữa cả, ngay những bông hoa dị kỳ mầu trắng cũng không còn thấy nữa.
April nghĩ đến cái chết, nghĩ đến Vĩnh sẽ ra đi mãi mãi. Nàng đâm sợ hãi. Thà chết nhanh chết ngay, chứ nằm đó như Vĩnh tàn mục theo ngày tháng, quằn quại khoắc khoải cho đến lúc khô kiệt. Nàng muốn nghĩ đến điều gì tươi vui hơn cho quên đi sự sợ hãi.
Bên ngoài, cơn mưa tưởng chừng như bất tận. Vẫn những lằn sáng chớp chớp hắt vào một thứ ánh sáng quái dị: vừa trắng vừa sáng vừa có ánh xanh. Những ý nghĩ khi nãy vẫn không buông tha April. Nếu như Vĩnh chết thì sao? Nàng sẽ không thấy buồn hơn nữa. Nàng đã buồn cả bao lâu nay. Sự ra đi vĩnh viễn đó chỉ là một cái chấm hết to lớn. Vĩnh sẽ là người sung sướng nhất. «Em mong chờ anh sớm được cái hạnh phúc đó». April nghĩ thầm như thế mà mắt ráo hoảnh.
Sáng hôm ấy, gặp Diễm ở cửa trường, nó ôm April và khóc. April hỏi Diễm mà lòng lạnh như đá:
- Cậu Vĩnh đi rồi hả?
Diễm đẩy April ra và giận dỗi nhìn bạn:
- Tưởng April thương cậu Vĩnh chứ?
April nhìn bạn. Những giọt nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt Diễm:
- Thương chứ. Thương đến vô cùng tận... nhưng Diễm không thấy thà vậy còn hơn à?
Diễm sững sờ nhìn bạn rồi quay ngoắt đi. April thấy mình vừa mất Vĩnh, nay lại sắp mất thêm một người bạn.
Nàng nhớ đến giấc mơ đêm qua, chắc Vĩnh đi lúc nàng nằm mơ. Chắc chàng ra đi một cách êm ả như trong giấc mơ. Ngay lúc đó Vĩnh có nhớ đến nàng? April không ngờ mình dửng dưng và lạnh lùng đến độ đó. Cái đau đớn nó nằm ở tận đâu ấy, còn nỗi mất mát thì đã quá nhàm chán. Nàng mất Vĩnh từ lâu rồi kia mà?
April chợt nhớ đến gói đồ trên nóc tủ mà nàng đã gói ghém cẩn thận. Nàng đã sửa soạn tinh thần từ dạo đó. Nay không có lý do gì để giữ nó cả. Lài sẽ nghĩ sao nhỉ? Con nhỏ cũng dễ xúc động lắm.
April nhìn Lài đang đứng cạnh Diễm. Trong Lài có vẻ như muốn khóc. Chỉ có mình là không có một giọt nước mắt nào? Sao vậy? Chính nàng cũng ngạc nhiên cho sự dửng dưng của mình. Ồ không! Nàng dùng chữ bậy quá. Dửng dưng hồi nào? Đau đớn quá đi chứ. Đau đến lạnh ngắt cả người. Máu nàng đông lại đến nơi. Nhưng April sẽ không đi đưa đám ma Vĩnh đâu. Vĩnh trong trí nhớ muôn đời của nàng phải như ngày đầu tiên mới gặp. Vĩnh đằm thắm, reo vui trong trí nhớ đó.
Lài nói gì với Diễm một lúc rồi lại gần April. Lài vẫn có thói quen an ủi bằng cách nắm tay. Lần này cũng thế. Bàn tay Lài mềm và ấm áp. April nhìn bạn rồi nói:
- April không sao đâu!
Lài bóp tay bạn, ngập ngừng nói:
- Mọi chuyện sẽ qua hết.
- Chắc chắn phải như vậy, nếu không làm gì có cuộc đời?
Lài ngẩn người suy nghĩ về câu nói của bạn. Thà là nó khóc lóc ầm ĩ lại dễ chịu. Chưa bao giờ Lài thấy bạn khóc một cách buông thả. Nghe có vẻ kỳ cục nhưng hình như April luôn luôn kềm giữ những cảm xúc của nó. Luôn luôn nó tự níu lấy một cái vỏ cứng rắn. Để làm gì vậy chứ? Nàng thấy khó chịu vì thái độ của bạn. Cái thái độ đầy ngược ngạo và giả tạo. Đấy là sống một cách giả dối chứ gì nữa?
April đột ngột hỏi Lài:
- Sao hôm qua có gì lạ không Lài?
Lài không tưởng tượng nổi lúc này mà April có thể hỏi nàng như vậy. Có lẽ nó không còn yêu Vĩnh nữa thật à?
Lài đáp nhát gừng:
- Chẳng có gì?
April nhìn Lài ngạc nhiên:
- Sao vậy?
Tự nhiên Lài cáu kỉnh:
- Không tưởng tượng nổi April có thể thản nhiên như vậy!
April cười hực lên:
- Bộ muốn April phải làm sao? La khóc ầm ĩ, kể lể, vật vã à? Để làm gì chứ? Nước mắt có làm người chết sống lại được đâu? Bộ April phải chứng tỏ cho mọi người thấy cái buồn của mình sao? Nỗi đau đớn là một cái gì rất riêng tư, tại sao lại bắt April phải chia sẻ, phơi bày ra? Mà có đau hay không thì mặc April. Tại sao lại phải thắc mắc, khó chịu? Bộ Lài yêu cậu Vĩnh à?
Lài đứng chết trân nghe April nói. Nàng thấy mình vô lý thật. Và nàng yên lặng cúi đầu, không nhìn thấy là April đang ràn rụa nước mắt. Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt đanh lại. April mím môi đi vào lớp học.
Lài nhìn theo bạn. Đằng sau dáng điệu cứng cỏi kia là cả một thế giới dị kỳ. Nàng đã quá quen thuộc với tính nết April. Lài thấy thương bạn. Tất cả những tâm tư chất chứa trong chiếc đầu nhỏ bé kia sẽ có lúc phải tuôn trào ra nếu nó không muốn bị hủy diệt. April phải tập cách... biểu lộ ra ngoài. Nó phải sống như một người thường. Hơn bao giờ cả Lài thấy bạn mình thật cô độc! Mỗi khi Lài muốn gần bạn hơn một chút, nó lại lẩn đi xa. Dường như April muốn giữ riêng cho mình tất cả mọi sự. Nó còn kiêu ngạo nữa chứ, kiêu kỳ ngay trong sự đau đớn mà Lài biết chắc rằng April đang chịu đựng về sự ra đi của Vĩnh. Lài hậm hực khi nghĩ rằng bạn mình kiêu căng. Sự mềm yếu đâu phải là một điều xấu, tại sao nó phải dấu diếm? Nó như tảng đá. Đúng vây. Nó che đậy từ sự buồn sầu đến niềm vui. Sống như thế là sống một cách vô tri. Càng nghĩ Lài càng thấy giận bạn, nhưng mà thương lắm!
Cái chết của Vĩnh chỉ làm cho Lài hơi xúc động, chỉ hơi lao xao rồi lại thôi. Mình cũng trở thành vô tình từ bao giờ vậy nhỉ? Không, có lẽ đối với cậu Vĩnh, đó chỉ là một tiếng thở dài khẽ, hay một thoáng ưu tư nhẹ nhàng, có thế thôi! Chẳng vô tình đâu nhưng đối với Lài từ trước đến giờ cậu Vĩnh chưa bao giờ vượt khỏi ranh giới bình thường để tiến sang một cái gì khác lạ cả. Một người quen nằm xuống như mai này một người quen khác ra đi.
*
Ô cửa sổ rộng mở trước mặt. Cả bầu trời bao la chỉ bị chắn một góc nhỏ do cành cây bên góc nhà đâm sang. Những cành cây gầy guộc mầu đen lấp lánh ánh bạc dưới bóng trăng, vươn lên cùng trời cao như những tiếng kêu bi thương trong yên lặng thầm kín.
April nhìn bầu trời, nhìn bóng đêm mà thấy lòng mình mềm dịu hẳn đi. Cái mông lung huyền hoặc của thiên nhiên như những lời nhỏ to êm dịu làm nàng thấy yên ổn, yên ổn với chính mình. Suốt cả ngày hôm nay nàng cứ băn khoăn không biết có nên đến thăm Vĩnh lần cuối hay không? Nàng nhìn lên khoảng không gian thăm thẳm trước mặt mà hình dung Vĩnh đang ở đó, rất an lành và sung sướng. Vậy không có lý do gì để nàng phải buồn hết. Vĩnh sẽ tồn tại mãi mãi trong trí nhớ nàng, tươi sáng như April muốn và Vĩnh sẽ hiện đến trong tâm tưởng nàng bất cứ lúc nào April muốn, ở bất cứ nơi nào.
Cơn gió lạnh lùa đến đột ngột làm nàng rùng mình. Cành cây trụi lá bên hông nhà đong đưa nhè nhẹ, không gian chợt sinh động hẳn lên. April nhắm mắt lại thầm thì: «Anh đó ư? Vĩnh?». Và nàng chờ đợi. Trong đêm tối chỉ có tiếng gió thổi, tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng thở của chính nàng. Chưa bao giờ nàng mong được «thấy» Vĩnh như vậy. Sự nhớ nhung và yêu thương đó không chỉ là một cảm tưởng mơ hồ, huyền hoặc hay không giải thích được mà là một điều rất thực. Ngay sự đau đớn hiện tại là một điều thật. Ngực nàng nặng và hơi thắt lại, môi April tê dại đi. Nàng bấu tay vào khung cửa kính lạnh ngắt như muốn dồn hết cả sức nặng của thân hình vào đó. Cái lạnh ở mặt kính thấm và luồn sâu vào trong người nàng. April run lên. Nàng phải há miệng để thở. Câu hỏi lại được lập lại không thành tiếng: «Vĩnh! Anh đó ư?». Không gian vẫn rì rào lời ru của gió. Nàng co người lại vì lạnh. Thoáng giây vừa qua là do nàng tưởng tượng hay vì sự mong mỏi mạnh đến độ đánh lừa cả cảm giác nàng nữa?
Cũng ô cửa này, một đêm nào xa lắm, April nghĩ đến sự vắng mặt của cha nàng, và ngày hôm nay trên khung cửa này nàng u hoài về một người đàn ông đã vĩnh viễn ra đi. Tại sao không có người nào ở lại?
April khe khẽ khép cửa sổ lại như còn tiếc nuối. Những ngón tay trắng mượt của April vẫn còn mân mê nhẹ trên mặt cửa kính lạnh và vô tình. April hỏi nho nhỏ: «Anh muốn em đi tiễn anh lần cuối sao? Anh muốn em bỏ vào lòng huyệt hoa mầu gì? Đỏ hay trắng? Hồng hay vàng? Anh có mang theo được không? Anh giữ bông nào đẹp nhất và tươi nhất là của em.».
*
James hỏi Lài với vẻ tò mò:
- Có ai qua đời hở Lài?
Lài ngẩng lên nhìn ba, không dấu được vẻ ngạc nhiên:
- Sao ba biết?
- Nghe Lài nói chuyện với Diễm, ba đoán. Tiếng Việt của ba dở lắm.
Lài yên lặng một chút rồi từ tốn đáp:
- Cậu Vĩnh chết rồi ba. Ba con nhớ cậu Vĩnh chứ?
James chớp mắt liền mấy cái rồi nhỏ nhẹ hỏi Lài:
- Lài không sao chứ?
Lài lắc đầu đáp:
- Vâng, con hơi buồn chứ không sao cả.
James có vẻ ngỡ ngàng:
- Vĩnh còn trẻ quá!
- Cũng tội nghiệp cậu ta nhưng thà thế còn hơn ba à. Rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Chỉ tội cho April!
James hơi nhíu mày hỏi lại Lài:
- Bộ April nó mê anh chàng Vĩnh à?
Lài hơi ân hận vì đã lỡ lời. Nhưng với Ba nàng không sao dấu diếm điều gì được. Lài đáp gọn:
- Dạ.
Nàng không thể nào nói thêm gì được nữa. Nhắc đến April, Lài nhớ đến nỗi bực bội với bạn.
James kêu lên:
- Sao lại có thể thế được!
Đến phiên Lài ngạc nhiên:
- Con không hiểu ý ba.
James buột miệng nói:
- Không thể được. Ba không giải thích được nhưng Ba thấy rõ hai người đó không có gì giống nhau, hiểu nhau để có thể yêu nhau được.
Lài chợt phì cười:
- Ba nói kỳ. Ba thấy là khác còn người ta thấy là khác. April nó yêu Vĩnh ghê lắm.
- Còn Vĩnh.
Lài lúng túng tránh tia nhìn xoi mói của ba:
- Chắc cũng vậy.
- Ba thấy ngay sự tương phản trong hai câu trả lời của Lài.
Lài nhăn nhó nhìn James. Nàng nghĩ thầm sao ba hay để ý những chuyện lắt léo? Nàng muốn lái câu chuyện sang hướng khác.
- Thôi đừng nói chuyện chết chóc nữa Ba. Con nghe mấy chuyện đó sao sợ quá.
- Tại vì Lài còn trẻ. Lài còn ham sống.
- Chắc vậy ba nhỉ?
- Độ này ba thấy Lài vui tươi hơn trước. Có gì vui vẻ lắm hả?
Tự dưng Lài đỏ mặt. Đã cố chuyển hướng sang đề tài khác mà nay lại thành ra mắc cạn! Nàng giữ vẻ thản nhiên:
- Con còn trẻ mà. Ba bảo người trẻ yêu đời.
- Đúng thế, tuy nhiên ở tuổi mới lớn có rất nhiều thay đổi.
- Chẳng hạn như.
James vừa nói vừa nhìn Lài như muốn đọc suốt tâm can nàng:
- Mơ mộng, tình yêu, tiền tài, danh vọng... Trường hợp Lài chắc là giai đoạn một?
- Sao ba lại chia thành giai đoạn? Con thấy phần nhiều người ta muốn tất cả những thứ đó trong cùng một lúc.
- Thành ra người ta mới không có được gì hết.
- Một thứ đâu đủ hả ba?
James cười lớn tiếng:
- Không ngờ Lài tham lam đến mức đó.
- Con nói đùa. Ba nói đúng, con đang ở bước đầu tiên. Con không chịu chữ «giai đoạn một», nghe nó làm sao.
James lập lại:
- Bước đầu tiên... Lài yêu rồi à?
James hỏi câu sau mà không tin ở tai mình. Chàng không còn cười cợt như nẫy giờ mà chăm chú nhìn Lài.
Lài hơi ngượng nghịu khi trả lời:
- Không... chưa ba.
James lại hỏi vặn:
- Có nghĩa là sắp sửa?
Lài đỏ bừng cả mặt, thẹn thùng đáp nhỏ:
- Con không biết nữa.
James thấy hụt hơi. Chàng tưởng đâu mình... Chàng không ngờ nổi... chàng không chấp nhận được. Lài hãy còn bé bỏng, hãy còn trong tầm tay bảo bọc của chàng. Những ý nghĩ đó chỉ là một sự tự lừa dối. Lài đã trưởng thành. Lài như bông hoa đang hé nở. Chàng phải thấy điều đó. Chàng lẩm bẩm:
- Lài đang yêu...
Lài vẫn vô tình nói:
- Con chưa biết chắc, sao ba biết được?
James nhìn Lài:
- Tại sao ba biết được? Ba thấy điều đó, ba cảm nhận thấy... như... khi ta nhìn bầu trời và đoán trời sắp đổ cơn giông.
James nói mà hầu như không ý thức rõ điều mình vừa nói. Chàng vẫn còn ở trong trạng thái sững sờ khi thấy một vật mình yêu quí vô cùng đang bị người khác đoạt mất mà đành bất lực! Nhưng rồi chàng cũng hỏi câu hỏi phải hỏi:
- Ai vậy Lài?
Lài lắc đầu:
- Sao ba hỏi con điều khó nói?
James ngồi yên và cố giữ vẻ mặt bình thản. Sự cố gắng phi thường làm James thấy mình căng thẳng. Chàng không biết phải nói gì với Lài. Cái tình cảm lạ lùng chàng dành cho Lài vẫn là một điều bí ẩn mà James không sao giải nghĩa được. Nó không như tình yêu chàng dành cho An. Hình như nó vượt qua những tình cảm thông thường... hình như thế!
Trước những thay đổi đột ngột ở James, Lài đâm ngần ngại và hối tiếc là đã bày tỏ những tình cảm riêng tư của mình với ba. Mặc dù Lài chưa nói hết nhưng nàng đã hé mở. Ba chẳng tế nhị chút nào! Phải chi nàng còn mẹ hay ngoại. Và tự dưng lúc này Lài chợt nhớ đến cô Ngọc Anh.
James chợt gọi Lài:
- Lấy cho ba ly nước!
Lài dạ nhưng hơi ngạc nhiên. Bình thường chuyện gì ba cũng làm lấy, không bao giờ phải nhờ vả gì ai.
Phần James thấy hả hê phần nào trong hành động sai bảo ấy. Ít nhất Lài vẫn thuộc về chàng. Con bé vẫn thuộc về căn nhà này và mọi sự chưa có gì thay đổi.
*
Nằm gọn trong chăn nệm ấm áp Lài băn khoăn nhớ đến April và thương bạn. Đồng thời nàng cũng hơi sờ sợ khi liên tưởng đến cậu Vĩnh. Lài cố nghĩ đến chuyện khác để xua đuổi những hình ảnh chập chờn hiện đến trước mặt nàng.
Nàng nghĩ đến thái độ lạ lùng của ba lúc tối. Làm sao Lài có thể nói cho ba nghe về những... Ngay chính với mình nàng còn không dám dùng chữ mạnh bạo và rõ rệt để nói lên những điều nàng mơ ước huống hồ là nói với ai. Bọn con gái trong lớp nàng không vậy. Nghe chúng nó tả là Lài sợ cuống lên mặc dù nàng không chối cãi là mình vẫn muốn nghe, muốn biết. Một ánh mắt nhìn say đắm là đủ xốn xang rồi cần gì phải đi xa hơn nữa?
Nếu ba biết: «Chắc ba sẽ không chấp nhận nổi. Thầy Trường chỉ trẻ hơn ba vài tuổi. Có sao đâu? Nàng có làm cản trở, phiền hà gì ai đâu? Lài chỉ nuôi sự vui sướng, mơ mộng cho mình. Nàng sẽ không bao giờ đi xa hơn. Lài tự bảo mình như vậy vì chắc chắn chẳng có con đường nào mở ra cho nàng cả. Nàng sẽ chỉ lẩn quẩn trong mảnh đất nhỏ bé này và nuôi một trời mơ ước như ngày nào nàng đã ươm giấc mộng trong góc tôi nhỏ hẹp, nghèo nàn ở quê nhà xa vắng.
Lài chợt nghe thấy tiếng lục đục trong bếp, tiếng ba mở vòi nước, tiếng mở cánh cửa mặc dù nhẹ nhàng nhưng vẫn vọng vào tận đây. Ba không ngủ được? Nàng thấy ân hận cho rằng mình là nguyên do làm ba khó chịu. Tuy nhiên Lài vẫn tự bào chữa cho chính mình. Tất cả những riêng tư của nàng có phiền gì đến ba đâu? Nàng cần sự riêng tư đó. Đừng bắt Lài phải nói ra điều đó nhe ba? Có những điều nàng muốn giữ riêng cho mình. Làm sao ai có thể hiểu được những chiếc lá khô mà nàng ép trong trang sách kia có thể mang cho Lài một niềm vui khó tả. Giải thích ư? Lại càng không thể được. Và cứ miên man với những ý nghĩ không đầu, không đuôi nhưng tựu trung vẫn xoay quanh một khuôn mặt nhất định mà Lài cho đó gọi là niềm vui. Nàng quên nghĩ đến ba và những tiếng động văng vẳng lại trong ngôi nhà đang chìm dần trong bóng đêm dưới những đám mây vần vũ kéo lại, che khuất ánh trăng.
Tiếng mưa rơi đều đều trong đêm vắng, tiếng xe lửa hụ còi ở xa xa, tiếng máy sưởi chạy rì rì, tất cả chỉ làm đêm buồn và vắng vẻ hơn. Ly trà trong tay James nguội lạnh từ bao giờ. Chàng nhấp một ngụm rồi nhăn mặt. Vị trà còn đắng chát trên đầu lưỡi. Chàng pha đặc quá. An pha trà rất ngon... Lâu lắm James không nhớ đến An. Đêm nay lại tự nhắc nhở đến An, đến nỗi ám ảnh của mình. Mà lạ không, nghĩ đến thế thôi, không tìm đâu thấy những ray rức hay mê say như ngày trước. Nó tựa như viên đá chìm xuống hồ, có khua khoắng mấy vẫn chẳng tìm thấy, có chăng chỉ thấy bèo bọt, rong rêu. Chàng nhớ đến An mà không thấy nàng, chỉ thấy Lài. Hinh ảnh Lài gần gũi, thân cận và rõ nét bao trùm lên những kỷ niệm đã qua. Khuôn mặt Lài chồng lên An, che kín cả và đẩy An vào tận sâu... Nơi nào trong chàng nhỉ? Có còn chỗ cho An? An trở thành một hình dáng mờ nhạt, ngay cả những kỷ niệm dính liền với nàng cũng thế, rời rã và trôi dạt cho những hình ảnh cũ nay lạ lẫm và ngượng nghịu. Chàng đã trở thành người khách lạ hay những kỷ niệm đó đã bị quên lãng? James không muốn tìm hiểu thêm. Một Lài hiện tại rạng rỡ, tươi tắn với niềm vui ẩn dấu đã chẳng làm chàng phiền não đấy ư? Nụ cười bâng quơ của Lài làm chàng thấy khó chịu. Sự bực bội từ lúc nãy vẫn còn nguyên vẹn. Cái cảm giác đó thật kỳ lạ, nửa như bẽ bàng, nửa như tức tối vì bị lường gạt, phản bội, và còn có cả sự giận dỗi bên trong nữa.
James muốn biết niềm vui của Lài từ đâu, từ ai? Chữ Ai to lớn, dềnh dàng như một vật vô tri, xấu xí chặn ngay đường. James nhíu mày suy nghĩ về câu hỏi đó. James chợt rùng mình. Chàng đang đi trên con đường nào đây? Hiện tại này đang là một nỗi ám ảnh mới, mới tinh khôi như ánh mắt trong vắt và long lanh của Lài. Sự mới mẻ này đang chế ngự và sai khiến chàng làm James trở thành một con người khác. Nếu chàng có dửng dưng với dĩ vãng, với nỗi ám ảnh cũ cũng không có gì lạ, chàng đang quay mặt đi và khước từ cả một phần đời đã qua. À, té ra mình đang tự đánh lừa mình bằng cách chối bỏ chính mình đây mà.
James đứng dậy đổ tách nước trà vào chậu cây gần đó. Chàng dốc ngược chiếc ly và chăm chú nhìn những giọt nước trà cuối cùng đang chậm rãi níu lấy thành ly và dùng dằng mãi mới kéo dài giọt nước rồi nhỏ xuống đất mất tăm.
Chàng sẽ nói sự thật cho Lài biết trong một ngày gần đây. Nhất định phải như vậy. Hình như sự ám ảnh lớn hơn ước muốn của James. Ước muốn đó là một quả cầu trong veo và mỏng tanh. Quả cầu lung linh trăm ngàn mầu sắc trong vắt, liệu nó có vỡ tan trước khi James đụng tay vào hay nó sẽ không còn đẹp đẻ như chàng nhìn thấy nữa?
Chàng sẽ phải mở đầu khi nói sự thật cho Lài biết như thế nào? Không giản dị như với Ngọc Anh. Một nụ hôn lấp liếm để bù cho hàng chục câu nói. James không biết sẽ phải bắt đầu như thế nào. Tự dưng chàng đâm sợ hãi tuy vẫn không muốn bỏ cuộc.
Ngoài trời cơn mưa dứt từ bao giờ, chỉ có James là vẫn xao xuyến không yên. Đôi mắt James vẫn chong lên, chiếc tách trà trong tay chàng đã khô ráo, chỉ còn vài cặn trà li ti bám vào thành tách lì lợm và đen đủi. Giấc ngủ có lẽ còn lâu mới đến, trong khi đó tiếng còi hụ xe lửa xa xa lại vọng về đều đặn và buồn tẻ.
*
April nhìn đôi môi bạn và hơi nhếch mép cười. Lớp sơn hồng tô rất nhạt trên môi Lài thật vụng về vì không đều. Làm dáng lúc vội vã hay ngượng ngập, cuống quít đến lem luốc cả hai bên mép? Đó là sự làm dáng vụng về của những đứa con gái mới lớn như mình, April nghĩ thầm, nếu có đối tượng. Nàng chăm chú quan sát Lài. Có lẽ Lài là đứa học trò duy nhất trong lớp này có thái đó như vậy: say sưa theo dõi bài giảng, đặt câu hỏi, đối thoại với thầy giáo hăng say. Nàng thấy thầy Richard Nguyễn chỉ giảng bài hay hơn những người khác một chút thôi, không có gì là siêu việt như Lài thường mô tả. Nhất định là con nhỏ này yêu ông thầy. Và hình như ông thầy cũng chú ý đến nó. Nhưng April tin chắc Lài không dám tiến tới hơn, nó nhút nhát và quá thận trọng. Lài thụ động trong tình cảm nữa chứ. Đặc tính dân tộc ư? Vĩnh cũng thế.
Cái tên Vĩnh lúc này không mang lại những cảm giác buồn bã, đau đớn như trước. Nàng chỉ thấy trống vắng và lười biếng. Sự uể oải dai dẳng làm nàng quên cả chính mình. Tội nghiệp, mình bỏ quên cả mình nữa.
April nhìn người thầy giáo đang đi lên xuống giảng bài. Giọng thầy Richard Nguyễn lúc trầm lúc bổng và khá lôi cuốn. Một giờ sau là phần bài viết. April làm rất nhanh và cẩu thả. Đây là môn học mà nàng ghét nhất. Nàng vừa làm bài vừa lơ đễnh nhìn quanh. Những cái đầu cúi xuống, chăm chú gò trên trang giấy trước mặt, chẳng đứa nào giống mình. Ông thầy vẫn đi lòng vòng trong lớp, ngừng chỗ này một lát rồi lại đến chỗ khác. April tò mò muốn biết thầy Richard Nguyễn có dừng chân chỗ Lài không. Nó ngồi cách nàng một ghế.
Trường ngừng ngay chỗ Lài ngồi và nhìn vào bài viết mà cô học trò đang làm dở. Con bé ngượng ngùng nhìn chàng. Trường thấy thú vị không biết vì lẽ gì. Có nhiều lúc giảng bài chàng thấy như chỉ có mình cô bé này nghe. Sự chú ý và yêu thích môn học một cách... thế nào nhỉ? Nhiệt thành, say sưa. Đúng đấy! Chàng có cảm tưởng bao nhiêu lời nói của mình thấm hết vào tâm hồn non nớt này. Nó cho chàng cái cảm giác mình được tôn sùng. Có gì thêm nữa không đây? Cô bé này đáng được thưởng. Trường nghĩ vậy và trở lên bàn mình tìm tấm carte để kẹp đánh dấu trang sách mà chàng vẫn ưa thích. Trường nhớ chàng mua tấm carte có in hình bức họa «The Woman and the Roses» của Marc Chagall với những mầu sắc tươi tắn thật đẹp. Trường cầm lên ngắm nghía rồi bỏ túi áo và lại tiếp tục đi ngang các bàn học trò xem xét. Đến chỗ Lài, Trưởng bỏ tấm carte lên bàn học Lài và nói nhỏ bằng tiếng Việt:
- Cho Lài.
Lài nhìn tấm carte sững sờ. Sự bất ngờ làm nàng ngồi bất động. Hai tiếng «cho Lài» nghe như một điệu nhạc thần tiên. Thần tiên hơn nàng mơ tưởng.
Tất cả những điều đó không qua khỏi cặp mắt dò xét của April. April cười tủm tỉm và thầm nghĩ: «Sự khởi đầu nào cũng dễ thương». Nàng thấy Lài ngồi yên một lúc lâu mới cất tấm hình mà thầy Richard vừa để trên bàn vào folder đựng bài. Nàng dám chắc Lài sẽ không làm bài tiếp nổi, nếu có cũng sẽ rất dở. Nhưng ăn thua gì, ông thầy vẫn sẽ cho nó điểm cao như mọi khi. April nhìn ông thầy giáo để tìm kiếm xem còn điều gì khác quyến rũ hơn sau những lời giảng. Dưới mắt nàng, chiếc cầm bạnh ra thế kia trông thật khó ưa, người này chắc khó chịu lắm. Với số điểm ít ỏi mà April thường có chứng tỏ ông thầy này khó chịu lắm. Ông ta muốn gì ở cô bạn nàng? Đừng quên là thầy có vợ rồi nhé. Thầy muốn phiêu lưu à? Đừng mang tấm chân tình của bạn tôi ra mà đùa cợt nhé. À, còn cô bạn mình nữa, để xem cô nàng có còn chối đây đẩy: «Có gì đâu» nữa không.
Không như mọi lần ở lại sau giờ dạy học, lần này Trường vội vã cầm sách ra khỏi lớp. Chàng có nhiều việc phải làm chiều nay. Vợ chàng chia đều công việc để cả hai người cùng làm. Cứ nghĩ đến tính tình ngăn nắp cứng rắn của nàng là Trường khó chịu. Dĩ nhiên đó là ưu điểm của nàng nhưng vì nó đi ngược lại bản tính của chàng nên Trường thấy không thoải mái. Nàng lúc nào cũng phải chạy theo công việc và thì giờ. Điều đó có lẽ quan trọng với nàng hơn tất cả mọi sự. Dần dà Trường cảm thấy mình chỉ là một trong những yếu tố nàng cần có trong đời sống hàng ngày. Cũng như những thứ khác thôi, không có gì đặc biệt hơn. Đời sống bắt đầu nhàm chán thế cơ à? Những lúc bên cạnh con gái, Brook, hay trong môi trường dạy học, chàng thấy có ý nghĩa và thích thú hơn là đời sống vợ chồng chàng.
Mọi sự cứ sắp xếp sẵn, thẳng tắp, ngay đơ vào khuôn khổ thế này thì nản quá. Đời sống mà cứ như cái đồng hồ thì còn gì nữa nhỉ? Nghĩ thế và Trường đi chậm lại. Chàng đổi ý không làm những công chuyện như đã dự tính. Một cơn giận dữ của vợ chiều nay cũng là một sự thay đổi cần thiết. Nhưng thay vì vậy thì mình sẽ làm gì nhỉ? Đi đâu?
Trường lái xe xuống khu phố Tàu. Trong khu này có rải rác một vài tiệm thực phẩm cũng như sách báo Việt Nam. Lâu lắm chàng không đến đây. Đường phố vẫn chật hẹp và bẩn thỉu nhưng sầm uất. Những chậu cúc đại đóa vàng ửng, những chậu quất chín đỏ bầy đầy ngoài lề đường. Không khí có một vẻ gì quen thuộc. Chàng đi ngang tiệm tạp hóa Thiên Nam rồi ngừng chân nhìn vào. Trước cửa họ giăng một tấm ny-lông lớn mầu vàng có kẻ chữ «Cung Chúc Tân Xuân» đỏ chót. Tết đã đến đấy ư? Chàng quên mất cả ngày tháng. Trường chỉ nhớ ngày Christmas, Tết Tây, Valentine, Thanksgiving, v.v. Chàng bước vào tiệm cố ý tìm thêm hương vị quê nhà. Những chiếc bánh chưng vuông vắn xếp ngay phía ngoài, những hộp mứt, hạt dưa, bánh kẹo, chẳng thiếu thứ gì. Thế mới gọi là ăn Tết. Những tấm thiệp xuân, Việt có, Tàu có, bầy nhan nhản. Chàng phân vân không biết nên mua chậu cúc vàng hay mua chậu quất. Cây nào làm nên hương vị Tết? Phải chi có cành mai, cành đào, phải chỉ có câu đối, phải chi... có họ hàng thân thuộc. Chàng sẽ ăn Tết với Brook. Con bé chắc sẵn sàng ngồi nghe chàng kể chuyện xưa và nó cũng sẽ chịu nếm thử những thức ăn Việt Nam thuần túy trong dịp Tết. Vợ chàng thì không. Không nên nhớ tới nàng lúc này.
Trường nhìn những phong bao đỏ, chữ vàng mà thấy vui vui. Chàng nhớ đến con heo đất tròn trĩnh mầu gạch đỏ nặng trịch tiền của thời ấu thơ. Trường vẫn thấy con heo đất đựng tiền của mình thuở ấy đẹp hơn con piggy bank của Brook bây giờ, dù nó không trơn láng, vẻ tinh vi, đẹp đẻ như của con gái chàng, nhưng nó chứa cả triệu ước mơ của đứa bé mới lớn như chàng dạo đó. Kỳ ca kỳ cóp để mua vài quả táo tầu khô, quyển truyện sách hồng, mấy tấm hình để tạc hay vài hòn bi sặc sỡ. Đạt được ước mơ đó là phải hy sinh đập vỡ con heo đất. Những mảnh vỡ đó lại được truyền tay cho mấy cô em họ chơi lò cò. Rồi lại được mẹ mua cho con heo đất khác. Có đôi lúc cần tiền mẹ lại dụ Trường đập vỡ heo cho mẹ mượn rồi mẹ giả lời. Mẹ hẹn đến lớn, lúc cưới vợ mẹ sẽ trả cả vốn lẫn lời. Lời hứa đó chẳng bao giờ được thực hiện vì mẹ chàng mất sớm.
Trường mua một chậu cúc vàng, một hộp mứt thập cẩm và một chiếc bánh chưng. Chàng biết chắc vợ chàng sẽ ngạc nhiên vì Trường chẳng bao giờ mua hoa. Chậu cúc này Trường mua cho mình để nhớ về những ngày Tết xa xưa.
Những tấm thiệp Tết với mầu sắc tươi tắn, vui mắt, bầy trên kệ gần chỗ tính tiền làm Trường chú ý. Từ những thiếu nữ thướt tha trong áo dài sặc sỡ, cả những khuôn mặt bầu bĩnh trong tấm áo mới mùa Xuân cũng được chọn làm đề tài đẹp cho thiệp chúc Tết. Trường đứng ngơ ngẩn nhìn và lục lọi trong trí nhớ xem có ai thân thiết để chàng gửi thiệp, và chàng thấy buồn vu vơ vì không có đến một hình bóng nào rõ ràng để Trường chọn lựa. Sự liên lạc giữa chàng và họ hàng nội ngoại đã đứt đoạn từ lâu sau khi bố mẹ chàng qua đời. Giá có gặp nhau bây giờ, chưa chắc ai đã nhớ ra ai. Trường không giống mẹ chàng điểm này. Mẹ Trường đối với họ hàng xa gần thật gần gũi, thăm hỏi, đi lại luôn luôn. Thế mà đến đời mình chẳng còn gì hết. Chàng cấm thấy thật áy náy với mẹ, dù mẹ chàng không còn nữa. Chàng tưởng tượng đưa vợ đi thăm họ hàng. Chắc chẳng ai hoan hỷ gì mà vợ chàng cũng thế. Nàng chẳng bao giờ thắc mắc về những họ hàng của chồng. Trường không biết mình sẽ vui mừng khi gặp lại họ hàng hay chỉ ơ hờ thăm hỏi cho qua. Nhưng có một điều chắc chắn chàng thấy đó không phải là một nhu cầu. Cuộc sống của chàng khá đầy đủ, thì giờ của Trường cũng không nhiều, nghĩ gì chuyện xa xôi?
Tiếng người bán hàng đon đả vang lên làm Trường giật mình:
- Ông cần gì thêm không?
Trường nhìn ông chủ tiệm như để tìm câu trả lời. Ông ta trạc xấp xỉ 60, những nếp nhăn ở hai bên mép và ở giữa trán hằn khá rõ. Gương mặt tuy khắc khổ nhưng vui vẻ. Chàng hỏi lại ông ta:
- Ngần này thứ là đủ thấy Tết chưa ông?
Ông ta cười xòa:
- Ông thêm vài món nhậu, chai rượu Xuân đón bạn là Tết quá chứ còn gì nữa.
À thế ra Tết trong đầu mọi người một khác nhỉ. Ông ta vẫn vui vẻ nói tiếp:
- Chắc ông độc thân rồi, mới đi sắm Tết kiểu này?
- Không, tôi đã lập gia đình... nhưng Tết như thế này thì cũng coi như độc thân.
Ông ta tò mò nhìn Trường nhưng không hỏi tiếp. Khi Trường sắp ra cửa, ông ta nói với theo:
- Ông để bánh chưng vào microwave chừng 3, 4 phút trước khi ăn sẽ ngon lắm...
Trường gật đầu tỏ ý cám ơn. Năm nay chàng sẽ mang cái Tết về đến tận nhà. Ước gì chàng có thể nói với vợ chàng: «Anh mang cả mùa Xuân về cho em» mà nàng hiểu được ý nghĩa mùa Xuân đó như thế nào.
Trường vừa lái xe vừa bâng khuâng nghĩ về những điều đang hiện đến trong đầu chàng. Trước giờ có khi nào Trường đặt ra vấn đề «hiểu» giữa hai vợ chồng đâu. Chàng không thấy gì khác biệt nhiều giữa chàng và vợ chàng về vấn đề chủng tộc. Đó là một điều chàng không đặt ra. Nhưng gần đây chàng thấy mọi sự không đơn giản như vậy. Chàng không nói ra nhưng nó vẫn cứ lẩn quẩn đâu đó và làm chàng khó chịu vẩn vơ.
Mùi hoa cúc ngai ngái, nồng nồng và hơi có vị hắc làm Trường nhăn mặt. Chàng không dám lái xe nhanh sợ đổ chậu cây. Trường chợt đập tay vào vô-lăng và kêu lên: «Quên mất!». Mà chàng quên thật. Lẽ ra Trường phải mua phong bao đỏ về bỏ tiền lì xì cho Brook. Mình chỉ kể cho con nghe mà không thực hành, coi sao được? Trường vòng xe trở lại con đường khi nãy. Con gái chàng sẽ có một mùa xuân trọn vẹn. Trường tìm mãi mới có chỗ đậu xe. Chàng vội vã đến cửa hàng lúc nãy. Chàng đẩy mạnh cửa bước vào. Trường suýt đụng vào một người khách trong tiệm. Trường ấp úng nói mấy lời xin lỗi nhưng không quên nhìn người khách đối diện. Trông cô ta có một nét gì quen quá nhưng chàng không nhớ đã gặp cô ấy ở đâu. Người thiếu nữ trước mặt cũng nhìn thẳng vào mặt Trường không chút ngần ngại như tìm kiếm một cái gì đó trên gương mặt chàng. Hai ánh mắt nhìn nhau. Cô ta là người lên tiếng trước:
- Xin lỗi ông... trông ông quen quá.
Trường tủm tỉm cười:
- Tôi cũng thấy thế.
Cô ta vẫn tiếp tục nhìn Trường như dò xét. Ánh mắt bạo và thành thực như muốn bới móc, lục soát Trường. Trường cũng láu lỉnh nhìn lại. Cô ta không đẹp nhưng ưa nhìn và duyên dáng. Gương mặt trắng và thanh tú. Thông minh và sắc sảo làm ánh mắt cô ta sáng rực.
- Ông có ở Denver bao giờ không?
Trường lắc đầu:
- Tôi chưa khi nào đến nơi đó cả. Tại sao cô hỏi?
- Tại vì trông ông quen quá mà tôi không nghĩ ra đã gặp ở đâu. Ông tên gì?
Cô ta hỏi một cách tự nhiên không chút ngượng ngập như cảnh sát hỏi cung. Trường lạ lùng nhìn người thiếu nữ trước mặt và nghĩ thầm: «Cô ả này bạo dạn quá» nhưng rồi chàng cũng đáp:
- Tôi tên Trường. Còn cô?
Cô ta lại hỏi tiếp, giọng có vẻ tự tin hơn và đột ngột đổi cách xưng hô:
- Anh là con bác Sơn phải không?
Đến phiên Trường sững sờ. Chàng nhìn người thiếu nữ trước mặt để tìm những nét quen thuộc, chàng vẫn chưa nhớ ra cô ta là ai.
- Ngọc Anh, anh nhớ không?
- Ngọc Anh! Ngọc Anh và Minh Bắc, Bích Hải nữa... những cô em họ của chàng. Trường ấp úng:
- Sao em lạ quá, anh nhận không ra.
Ngọc Anh cười hóm hỉnh:
- Sửa mũi sao anh nhận ra được.
Cả hai cũng phì cười. Trường ngắm Ngọc Anh thật lâu. Quả thật cô em họ này của chàng khác xưa nhiều lắm, đẹp hơn và vẫn bạo dạn, lém lĩnh như ngày xưa.
- Anh không bao giờ ngờ gặp lại em ở đây.
Ngọc Anh bĩu môi trách:
- Từ lúc du học, anh quên hết họ hàng.
Trường lảng sang chuyện khác:
- Em ở đây từ bao giờ? Đã lập gia đình chưa?
- Không, em ở Denver. Lần này đi công việc. Thỉnh thoảng em vẫn ghé đây. Có một dạo em học ở đây. Còn về chuyện kia... cũng coi như yên bề hay hiểu sao cũng được.
Câu sau không mấy vui vẻ như lúc đầu. Trường hỏi tiếp:
- Bây giờ em làm gì?
- Luật sư. Còn anh vẫn dạy học chứ?
- Anh thuộc loài người chung thủy mà.
Ngọc Anh cười lớn, mắt nàng rạng rỡ:
- Nghe hai chữ «chung thủy» sao buồn cười.
Trường ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao vậy?
- Đàn ông là chúa lừa gạt!
Lần này Trường trêu lại:
- Bộ chàng của em cũng vậy hả?
Ngọc Anh lại bĩu môi:
- Không biết ai gạt ai à.
Trường lắc đầu:
- Em chẳng thay đổi!
- Đó là điều em hài lòng nhất. Em chỉ thay đổi nếu em muốn. Anh có vợ con gì chưa?
- Một vợ, một con.
Ngọc Anh nhạo lại:
- Chung thủy mà.
Cả hai cùng cười xòa. Trường quên mất mục đích trở lại tiệm này của mình. Ngọc Anh nhìn quanh tiệm và nói:
- Em kiếm một món quà cho người bạn.
- Em còn ở đây lâu không?
- Hai ngày. Cho em địa chỉ anh đi.
Trường hí hoáy viết địa chỉ và số điện thoại vào sau tấm danh thiếp rồi đưa cho Ngọc Anh. Chàng hỏi:
- Còn em nữa. Cho anh địa chỉ chứ?
Ngọc Anh viết vội số điện thoại của nàng và nói:
- Số điện thoại đủ rồi anh hả? Thì giờ đâu mà thư từ. Anh đi mua gì đây? Chị đâu?
Trường đáp:
- Anh tìm phong bao lì xì. Vợ anh là người Mỹ.
Chàng định bảo: «Vợ anh chẳng bao giờ bước chân đến tiệm Việt Nam» nhưng rồi lại thôi.
Ngọc Anh thản nhiên hỏi:
- Hợp không anh?
Trường ngần ngừ đáp:
- Cũng được. Ở đời có gì hoàn toàn đâu?
Trường thấy an ủi nhiều khi thốt ra câu đó. Chàng hỏi lại Ngọc Anh:
- Còn em?
- Đi tìm chút quà Tết cho một người bạn không phải là Việt Nam.
- Mai ghé anh đi nhé.
Ngọc Anh nheo mắt, nghiêng đầu làm bộ suy nghĩ:
- Em sẽ đến anh trước hôm em về. Đừng thắc mắc gì hết.
Trường ngập ngừng một lúc rồi hỏi:
- Còn Minh Bắc sao? Em có biết tin gì không?
- Minh Bắc còn kẹt ở nhà. Nó lập gia đình rồi nhưng không hạnh phúc, lại bỏ nhau. Giờ nó về ở với cậu mợ Hiển như thời con gái vậy.
Trường thấy bùi ngùi, chàng trầm giọng nói:
- Hồng nhan quả là đa truân!
- Nó qua đây được thì đời nó khá hơn nhiều. Cũng tội nghiệp! Ở đây, anh có nhiều bạn bè không?
- Chẳng có ai. Anh là người cô đơn nhất thế giới!
- Đâu có. Anh gàn chết đi mà!
Lâu lắm Trường mới nghe lại chữ gàn. Cái chữ khó thương thật! Cô em này nói ác quá.
- Thế mà...
Ngọc Anh dí dỏm cướp lời luôn:
- Thế mà ối học trò mê.
Trường cười cười không nói gì. Ngọc Anh lại hỏi tiếp:
- Em hỏi thật, anh có thích ai khác ngoài vợ anh không?
- Em vẫn như hồi xưa! Em đâu có tha ai nên hỏi toàn những câu ác. Anh đã bảo anh là loại người chung tình.
Trường nói câu đó mà cười thầm. Chàng chung tình cả với Minh Bắc nữa. Chàng hóm hỉnh hỏi lại Ngọc Anh:
- Em thì sao?
- Em cũng y như anh vậy.
Cả Trường và Ngọc Anh đều không nhịn được cười. Ông chủ tiệm ngơ ngác nhìn hai người khách trong tiệm.
Trường nhìn đồng hồ và khẽ bảo Ngọc Anh:
- Anh phải đi. Nhớ gọi cho anh trước khi về lại Denver. Anh em mình còn nhiều chuyện để nói.
Ngọc Anh nheo mắt nói nho nhỏ:
- Gặp lại anh sau.
Trường nhìn theo bóng Ngọc Anh đi ra cửa và lẫn vào đám đông. Thế là chàng sẽ có một cái Tết thực sự rồi đấy. Chàng muốn nghe thêm về Minh Bắc và những kỷ niệm ngày xưa. Cám ơn Ngọc Anh lắm lắm...
Một tay ôm chậu cúc, một tay ôm túi giấy đựng những thứ vừa mua ở tiệm Việt Nam trên phố Tàu, Trường dùng khuỷu tay đụng mạnh vào nút chuông trước cửa. Có lẽ đây là lần đầu tiên chàng bấm chuông ở nhà mình, cảm giác là lạ như ở một nơi nào khác. Chàng có cảm tưởng như mình là một người khách lạ, người khách với quà Tết đầy tay mà lòng nặng trĩu những u hoài của ngày cũ. Tấm màn ở cửa trước hơi hé mở: vợ chàng đang nhìn xem người khách bấm chuông là ai. Tiếng mở chốt khóa hơi khó khăn vì thiếu dầu. Pat hiện ra ở khung cửa, mắt nàng không dấu được vẻ ngạc nhiên:
- Anh đó hả? Sao anh không mở cửa, anh quên chìa khóa à?
Trường tủm tỉm cười:
- Không, đâu có. Anh chỉ muốn dành cho em một sự bất ngờ.
Pat đưa tay đỡ chậu cúc. Nàng hơi nhăn mặt vì mùi hăng hăng từ những bông cúc đại hóa tỏa ra thoang thoảng. Nàng hỏi chồng:
- Lý do gì làm anh tặng hoa em hôm nay?
Trường đón chờ ở vợ một cử chỉ âu yếm hay cảm động chứ không phải một câu hỏi thiếu phần ngọt ngào như vậy. Không, có lẽ chàng hơi khó tính chăng? Trường cố che đậy sự thất vọng vừa thoáng qua, chàng vui vẻ bảo Pat:
- Anh mua tặng em để mình cùng đón Xuân. Ngày mai là ngày Tết Việt Nam.
Câu nói của chàng hình như không diễn tả đủ những điều Trường muốn nói với vợ. Có cái gì đó, một khoảng cách mà chàng mơ hồ nhận thấy làm chàng lúng túng và ngượng nghịu. Tất cả những điều chàng nghĩ nãy giờ trên đường về không được Trường biểu lộ một cách tự nhiên. Có lẽ mình đang đóng vai người khách lạ thật.
Pat không mấy hào hứng gì, nàng hửng hờ nhìn chồng:
- Vậy à? Sao mọi năm không thấy anh nhắc đến ngày này? Em cứ tưởng người Tàu mới mừng lễ này?
Câu nói vô tình của Pat làm chàng ngượng. Mùa Xuân chàng mang về đây trở thành nhạt nhẽo và vô vị. Chàng trả lời vợ:
- Bởi vì ngày Tết thay đổi mỗi năm, anh không nhớ được. Hôm nay chỉ vì tình cờ...
Chàng bỏ lửng câu nói ở đó. Trường hơi ngạc nhiên khi thấy Pat không đá động gì đến công việc nàng nhờ Trường làm hôm nay mà cũng chỉ vì «sự tình cờ đó» mà chàng không làm. Chàng nhìn vợ đặt chậu hoa trên bàn. Pat ngắm nghía rồi tìm chiếc bát sứ lớn kiểu Tàu, đặt chậu cúc vào. Nàng có vẻ hài lòng. Pat quay lại nhìn Trường rồi tủm tỉm cười:
- Trông cũng đẹp đấy chứ. Mà này anh, em chưa thấy hoa cúc nào to như thế cả... Nhưng... sao anh không mua hoa lan? Anh biết em thích hoa lan mà.
- Người Việt Nam đón Xuân với hoa cúc, nó mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Anh hy vọng em thích?
Pat lại gần ôm chồng, nàng nói khẽ:
- Cho dù vậy đi nữa, em vẫn thích hoa lan hơn.
Trường khẽ hôn má vợ, không nói gì. Chàng vừa bầy các thứ mua lúc nãy lên bàn vừa hỏi vợ:
- Con đâu em?
- Nó đang xem cartoon. Anh mua mấy thứ gì vậy?
- Những món đặc biệt của người Việt Nam trong mấy ngày đầu năm mới. Chốc nữa em ăn thử coi.
Pat lắc đầu:
- Em không quen, đừng bắt em thử.
Trường không đáp, chàng nghĩ cuộc đối thoại về mấy ngày Tết Việt Nam với Pat có lẽ nên ngừng ở đây. Câu nói: «Anh mang cả mùa xuân về cho em» có lẽ chàng không nên nói ra vì nó sẽ trở thành trơ trẽn, vô nghĩa. Chàng nghĩ đến con gái, Brook, như một níu kéo cần thiết. Quả thật những lúc này Trường cần được chia sẻ, niềm vui hay nỗi buồn. Trường bỏ gói phong bao đỏ vào túi. Chàng sẽ dành cho Brook một ngạc nhiên vào sáng mai.
Trong bóng tối của căn phòng ngủ quen thuộc, Trường thao thức mãi không ngủ được. Chàng chờ đợi đón năm mới với đôi mắt ráo hoảnh mà lòng thì nặng trĩu. Chàng không muốn xoay người đổi tư thế nằm sợ Pat mất giấc ngủ. Cuộc đối thoại ngắn ngủi với Ngọc Anh hồi chiều làm Trường bâng khuâng. Chàng vẫn mong Minh Bắc được hạnh phúc, có một mái ấm êm đềm. Minh Bắc trong trí nhớ chàng sao bé bỏng và yếu đuối. Hình ảnh của nàng đã vĩnh viễn gắn liền với quãng thời gian đó. Chàng không tưởng tượng nổi những thay đổi của thời gian. Minh Bắc vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ Trường như một cuốn phim cứ quay đi quay lại.
Pat chợt trở mình, tay nàng vòng sang ôm lấy chồng. Hơi ấm từ người nàng tỏa sang, thoang thoảng mùi thơm quen thuộc. Trường ôm lấy vợ mà hình ảnh Minh Bắc vẫn còn lẩn quẩn đâu đó. Những cái bóng vô hình của quá khứ vẫn chập chờn ẩn hiện. Chàng vỗ nhè nhẹ lên lưng Pat mà tựa như vỗ về lấy chính mình. Chàng có nên hỏi Ngọc Anh về Minh Bắc nữa hay thôi? Mà để làm gì nhỉ?
Trong giây phút mà năm cũ qua đi, năm mới chợt đến, Trường thấy cô đơn ngay trong căn nhà của mình. Chiếc bánh chưng mua lúc ban chiều, túi hạt dưa, vài gói mứt chưa đủ đem lại cho Trường một cái Tết như chàng mong đợi. Đón Xuân một mình buồn thật! Thà cứ quên đi như những năm trước còn hơn. Sao tự dưng chàng lại nhớ và nghĩ nhiều về quá khứ như vậy nhỉ? À!... Tại con bé học trò. Nó chính là đầu dây mối nhợ cho mọi sự.
Trong giấc mơ đêm nay, hàng bao nhiêu khuôn mặt quen thuộc chất chồng lên nhau, có cả cô bé học trò nữa. Thế nghĩa là sao?