Chương 8 (tt)


MẶC BÍCH:
MẶC BÍCH: CÂY BÚT CỦA TUỔi TRẺ CỦA NỘI TÂM VÀ GIÀU TƯỞNG TƯỢNG

    
ọc xong truyện xếp sách lại, lần này cộng với những lần khác tôi có cảm nghĩ Mặc Bích là một cây bút biểu hiện rõ rệt ý chí vươn lên nền văn học hiện đại trong lối hành văn lẫn cách diễn đạt.
Chuyện của Mặc Bích thuộc loại chuyện không kể lại được mà phải đọc và đọc chậm. Khung Trời Của Lài là một chuyện tình yêu của một cô gái Việt Nam lai Mỹ sang Mỹ sống với cha là ông James.
Bên cạnh Lài còn có các nhân vật phụ là ông Larry, bà Sharon, cô April... là người Mỹ và Vĩnh, Phượng, Ngọc Anh, Vĩnh Đệ … là ngưòi Việt Nam. Tất cả những người này đều có quan hệ tình cảm với Lài hoặc với nhau. Nhưng không phải chỉ tình cảm bình thường mà là loại tình cảm trái ngang. Mặc Bích chọn loại tình cảm này để đặt bút vào cũng như bác sĩ cầm dao mổ những "ca" khó chớ không phải chỉ chữa bịnh nóng lạnh nhức đầu thường. Và đây là nét đặc sắc của ngòi bút Mặc Bích. Nó mô tả nội tâm, tình cảm, những biến chuyển tâm hồn trước tạo vật và trong những tình huống đổi thay. Tôi đọc chỉ thấy chân dung bên trong của các nhân vật chứ không nhìn thấy chân đung thể chất (portrait physique). Có chăng chỉ là đôi nét phớt qua. Nếu hoạ sĩ muốn vẽ chân dung của Lài thì rất khó (Lài chỉ có cái mũi thừa hưởng của mẹ. Lài kiêu hãnh vì nét Việt Nam đó. Muốn mô tả Lài, họa sĩ phải tạc cái nội tâm của nàng. Một điều rất khó. Mặc Bích không vừa lòng với sự dễ dàng ai làm cũng được mà tìm cái khó ít ai làm. Phải vậy chăng? Nhưng đó là cái cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đọc xong chuyện.
"Lài chỉ sợ cái hình ảnh đẹp trong tâm tưởng sẽ không gần với sự thật". Đó là ý nghĩ của Lài về người cha khi chưa gặp mặt.
"Nàng đã chọn lựa... sao lại bối rối?"
"Khoảng cách từ chỗ nàng ngồi đến khung cửa chính gần lắm, nhưng sao Lài thấy xa vời vợi?"
"Chỗ ngồi (trên máy bay) bỗng dưng trở nên thân thuộc..."
Tình cảm cô gái sắp đến Mỹ gặp người cha cách mặt từ bé, không suông sẻ, đều đặn, một chiều như người ta thường mô tả -mà nó gút mắc, xuôi ngược - đó là ngòi bút của Mặc Bích.
Vào đầu truyện, Mặc Bích đã gieo vào lòng độc giả một nghi ngờ, một điều khác thường giữa ba người James, An và Justin. An vợ của James nói về Justin bạn của James: "Đôi mắt (của Justin) có ma lực làm đắm say lòng người". Còn James có lần hỏi Justin về An, Justin trả lời: "An cũng chỉ là một khám phá mới lạ đối với tao. An vẫn là vợ mày, chỉ có thế thôi." -Thế nhưng... hình bóng của An không làm cho hai người chia rẽ... (Và) kết thúc của năm 1975 đẩy James và An chia xa hoàn toàn.
... (Rồi bây giờ) James quyết định nhận ngay Lài...
Rước Lài sang, James chăm sóc Lài và thấy Lài càng lớn càng đẹp ra thì yêu thầm và sợ Lài yêu người khác... nhưng rồi đột nhiên... Tình thế lại đổi thay...
Cái đặc sắc của ngòi bút Mặc Bích cho độc giả tin một đàng, nhưng sự việc lại xảy ra một nẻo. (Cũng như cô Lauren trong truyện ngắn Trong Hạnh Phúc Riêng trong quyển truyện in chung với Nguyễn Đình Phùng. Cô... lừa người bạn với 2 chữ thật bất ngờ: "Vẫn thế!". Chỉ hai chữ nhưng là 2 chữ làm nên giá trị của cả chuyện. Ở đây Mặc Bích cũng "vẫn thế" nhưng "ác" hơn nhiều. Mặc Bích "lừa" độc giả sâu hơn.
Như tôi đã thưa cùng độc giả ỏ trên, Mặc Bích không phải là cây bút của sự suông sẻ, dễ dàng. Mặc Bích thích thú đi vào gai góc, hóc hiểm, tức là cái nội tâm phức tạp của nhân vật. Muốn cho nhân vật có nhiều nét phong phú của nội tâm thì người ta phải đặt nó vào những hoàn cảnh éo le ngang trái - thậm chí bi đát. Tôi xem phim dựng từ truyện của Shakespeare thấy ông cho nhân vật đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Một nhà văn Nga (Lermontov) đã từng viết "Chuyện vui mau quên, chuyện buồn nhớ mãi!". Thật là một tổng kết sự đời một cách quá gọn ghẽ, thoáng đọc tưởng chừng đơn sơ nhưng nghĩ lại thấy rất đúng. Othello bóp cổ người yêu rồi tự vận, Cléopâtre cho rắn độc cắn mình, Hamlet cả nhà chết, Romeo Juliette chết cả hai bên nhau. Những nét bi thảm đó in hoài trong trí tôi.
Cái còn lại trong trí người đọc từ một quyển sách là cái nội tâm của nhân vật, Còn cảnh vật chỉ được nhớ lâu khi nào nó kết hợp với nội tâm, còn cảnh vật suông thị khó nhớ, dễ quên. Viết văn thì ai chẳng tả cảnh được. Chỉ hơn là khi ngoại với nội tâm kết hợp được nhau. Cuộc đời như một chuyến du lịch mà cái chết là cổ xe. Kìa xe đến, ta đi vậy - Nhân vật của Lermontov lý luận về cái chết và cuộc đời như thế. Và câu văn này không bao giờ tôi quên. Ở trong quyển truyện của Mặc Bích có 2 chương làm tôi rớm nước mắt. Đó là chương nào không nhớ nhưng là những đoạn mô tả Ngọc Anh gặp lại James, đi uống cà phê và nàng ngủ ở sopha nhà James. Rồi James mời nàng ở lại mà nàng vẫn về. Tuy Ngọc Anh có một đời sống ngắn trong truyện nhưng tôi rất thích thú nhân vật này ở cả hai lần nàng xuất hiện. Hay thiệt hay.
Đoạn đó lạ lắm và cũng sống lắm, hay lắm. Nếu có ai bảo tôi phân tích cái hay ở chỗ nào thì tôi cũng chịu thôi. Tôi chỉ là độc giả không phải là giáo sư văn chương. Trên trang sách độc giả bao giờ cũng nhỏ bé hơn tác giả.
Đoạn thứ hai là đoạn cuối chỗ Lài nCon xin lỗi ba! Con xin lỗi ba!"... Hai người đã khóc với nhau, một thứ nước mắt lạ kỳ: tình yêu? Cha con? Khó tả. Đây mới là cái khó. Mong Mặc Bích tả cái khó ấy ra. Đó là cái khác người của tác giả mà!
Mộ James nằm cạnh mộ Justin, hai người lính từng chiến đấu ở Việt Nam, từng yêu một người con gái Việt Nam. Bây giờ cả ba đều gặp nhau ở suối vàng. Họ lại tiếp tục một cuộc sống như trước ở trần gian? Có phải khi đặt nấm mộ James bên mộ Justin, tác giả niệm ý :
Tất cả những người yêu nhau đều chỉ yêu nhau vĩnh viễn và yên lành ở một nơi khác, ngoài trái đất?
Mấy dòng chữ ngắn ngủi trong trang sách sao gợi cho tôi lắm ý nghĩ?
Cái hay của một quyển sách là ngoài sự gây xúc động cho tác giả trong lúc đọc, nó còn gợi những ý nghĩ xa hơn ngoài những dòng chữ.
Tôi không kể lại được truyện của Mặc Bích, nhưng tôi nhớ những đoạn truyện gây ấn tượng, hoặc xúc động. Cậu Vĩnh yêu Lài nhưng Lài không yêu, April và Phượng yêu Vĩnh nhưng cả hai đều không được Vĩnh đáp lại. Ngọc Anh không yêu Steven nhưng vẫn ở với Steven. Nàng hỏi James đã bao năm qua: "Anh có yêu em không?" mà vẫn chưa nhận câu trả lời để đến lúc James sắp chết, lại đến. Hai người vẫn dừng lại ở cái mức cũ. Văn hay là ở chỗ đó. Đi quá mức đó sẽ không hay.
Tất cả những nhân vật của Mặc Bích đều sống trong cảnh éo le. Không có một trường hợp nào suông sẻ cả. Nhưng chính những trường hợp ngang trái này là địa hạt để cho tác giả múa ngọn bút hoa. Nếu không vậy thì Mặc Bích cũng chỉ là cây bút tả tình yêu suông. Độc giả muốn tìm những trang sách đọc để suy nghĩ, để thấm thía chớ không để đọc rồi thôi. Cái con bướm bằng nhôm của Mặc Bích - một tĩnh vật hết sức tầm thường, nhưng cũng có linh hồn... đau khổ. Nó vốn là của Ba cậu Trí gọt giũa rất nhiều công phu trong trại cải tạo để đem về cho Mẹ cậu, nhưng khi ra tù về nhà thì mẹ Trí đã bỏ nhà đi mất. Ba cậu quăng con bướm ra vườn. Trí lén lượm lên, một hôm ném:
- "Cho Lài đó!" “(Lài mang nó sang tận Mỹ để nhớ... quê)
Con buớm có đôi cánh vươn lên không đều. Hai chữ "không đều" là cả một nội tâm: Ba, Má cậu Trí như đôi cánh kia: không đều, kẻ vầy người khác. Và là một nét tinh vi của ngòi bút.
Như tôi cũng đã thưa trên kia. Cây bút của Mặc Bích là cây bút của tưởng tượng. Đọc truyện tôi có cảm giác tác giả toàn dùng trí tưởng tượng, cái sự tưởng tượng rất đúng với thực tế. Đó là một yếu tố không thể thiếu được của một cây bút. Đọc Mặc Bích tôi có cảm giác là Mặc Bích thấy đâu đó một cô bé Việt Nam hay một cô gái Mỹ đáng thương rồi tạo ra Lài và April, một ông già một bà già Việt Nam rồi nặn thành ông Larry và bà Sharon, một nhạc sĩ nào đó bỗng nhiên bị tác giả "cho" mù mắt, để gây sự đau xót cho độc giả. Nghĩa là Mặc Bích đã bịa ra tất cả nhân vật và câu chuyện hơn là sống thực tế. Thế nhưng, đọc truyện người ta vẫn thấy nó thực. Nguyễn Công Hoan bậc thày của văn học Việt Nam, đã từng nói (với tôi) rằng: "Truyện là bịa in như thực". Từ câu nói, cũng là một nguyên lý viết truyện đó ta có thể hiểu rằng không phải có tài liệu thực tế hay là có truyện hay. Muốn có truyện hay người viết phải giàu tưởng tượng chứ không thể cứ đem thực tế lên trang giấy là thành truyện. Sự tưởng tượng của một nhà văn còn thực hơn cả sự thực. Hãy mạnh dạn bịa. Đừng sợ bịa. Xin lặp lại: Mặc Bích đã tưởng tượng nhiều hơn là dùng thực tế trong truyện này.
Do đó tôi mới đề tựa "Mặc Bích là cây bút của tuổi trẻ của nội tâm và giàu tưởng tượng".
Tháng 9,1997
 Xuân Vũ

Xem Tiếp: ----