Cô cất tiếng đáp hồn nhiên và lại cười, nụ cười khiến gương mặt cô ngời sáng. Họ chào nhau, cô gái xuống cầu thang và Vũ trở lại phòng. Ông rảo bước, không khỏi tò mò vì chưa đoán được ai gửi thư cho ông: ― Ai có thể gửi thư cho ta vào lúc này?...Sáu chăng?...Y thường gửi những dòng chữ ghi nguyệch ngoạc trên trang giấy xé ra từ cuốn sổ, không bao giờ có phong bì để kẻ cầm thư dù là lái xe hay cần vụ đều có thể đọc được một cách tự do, một thứ thân ái xuồng xã được bộc lộ đầy dụng ý, làm như giữa hai người có một tình bạn thâm căn cố đế hay rất nhiều đồng loã, đồng tình...Nhưng thường y chỉ gửi những bức thư kiểu đó khi cần có một cuộc gặp gỡ đột xuất. Lúc này, ta đang nằm viện, điều đó là bất khả. Còn để thăm hỏi, ngay hôm ta vào viện y đã cử người mang quà bánh vào rồi, một sự chỉn chu theo nghi thức. Chắc chắn không thể là y, vậy thì ai?.....Ai có thể là tác giả bức thư này, bức thư đầu tiên kể từ ngày ta được đưa vào viện?... Vân chăng?...Hẳn là cô ấy muốn đề nghị ta tha lỗi hoặc dàn xếp lần chót cuộc thoả hiệp?...Trở lại mái nhà xưa, trong tâm hồn rách nát và một mối tình chẳng còn tình mà chỉ còn lại cặn bã?... Trở lại mái nhà xưa để tiếp tục ăn những bữa cơm lặng lẽ, một người nhìn ra sân còn người kia nhìn vào trong bếp. Sự liên kết bởi thói quen ẩm thực và bởi thiếu phương tiện bếp núc tự do?...Trở lại mái nhà xưa vì biệt thự đó là tiêu chuẩn của quan chức cách mạng và người đẹp Tố Vân vẫn cần đến danh nghĩa của ông chồng như cần đến một tiện nghi quen thuộc?...Hoặc vì nàng còn một đứa em trai tồi bại và một đứa con trai vô dụng mà nếu không có ta chắc chúng chẳng thể tìm được chốn dung thân?... Trong phòng, tiếng thìa bát lanh canh đã vang lên. Những người bệnh ngồi ăn ngay trên giường, người nhà của họ trải đụp các tấm nhật báo lên chăn để hứng thức ăn rơi vãi. Xuất cơm của Vũ đặt trên mặt chiếc tủ nhỏ, nhưng vì vừa uống bia và ăn bánh rán nên ông còn ngang dạ. Mở ngăn kéo tủ, ông lấy lên chiếc phong bì tự dán bằng giấy kẻ sọc ngang của học trò: ― Thư của thằng bé....Vậy là nó đã biết viết thư....Bức thư đầu tiên nó viết trong đời... Ông giữ nguyên chiếc phong bì trên tay, bồi hồi nhớ lại đứa bé trai lẫm chẫm bước trong phòng, giọng bập bẹ khi nó tập nói, bàn tay ngọng nghịu khi lần đầu nó giằng thìa trong tay người lớn để tự xúc cơm ăn.... Những hình ảnh ấy còn tươi mới như hôm qua, vậy mà giờ đây nó đã biết viết thư cho ông, đàng hoàng như một kẻ trưởng thành. Con trai: Trần Trung. Kính gửi cha: Trần Vũ. Ông nhìn lần cuối tấm phong bì dán bằng cơm nguội dầy cóc cách rồi xé ra, lấy thư đọc: « Cha yêu quý, Con viết thư này gửi cha, biết cha đang nằm trong viện mà chẳng có cách nào rời khỏi nơi đây để về. Từ trường sơ tán xuống huyện hơn bốn mươi cây số nhưng không có xe ca, chỉ có xe ngựa. Mỗi chuyến xe ngựa chở tám khách nên vé những năm ngàn đồng, vậy mà con để dành hai năm nay mới được ba ngàn rưỡi. Con có thể đi bộ xuống phố nhưng nếu vậy chẳng đủ thời gian quay lên và nhà trường sẽ kỉ luật. Không an ủi được cha lúc cha đang đau ốm như vầy, con thật là có lỗi. Xin cha tha thứ cho con. Con chỉ biết lậy trời cho cha mau lành bệnh trở về công tác như thường. Ở đây, chúng con vẫn học tốt. Thỉnh thoảng Vinh có nghỉ học vì đau bụng, nhưng con vẫn chép bài cho anh. Tuần trước, mẹ Vân lên đây thăm chúng con, có vẻ rất lạ lùng. Con chẳng hiểu chuyện gì xảy ra dưới Hà nội nhưng mẹ Vân nhìn con chằm chằm rồi bỗng nhiên nói: Chỉ vì anh mà gia đình chúng tôi tan nát... Cha yêu quý, con rất khổ tâm nếu con thật sự là nguyên cớ gây nên sự đổ vỡ trong gia đình. Con chỉ cần biết con là con đẻ của chính cha, điều đó đã là hạnh phúc. Đối với con, như thế đủ rồi. Chị Nghĩa cũng vậy. Chị ấy viết thư cho con, bảo rằng xin cha một tấm ảnh của mẹ, rồi giấu vào trong hòm đừng để mẹ Vân nhìn thấy. Khi nào ra viện, cha hãy cố gắng tìm cho chúng con cha nhé. Con sẽ làm đúng như lời chị Nghĩa. Con không muốn làm khổ mẹ Vân cũng như làm thiệt phần của anh Vinh. Cha có thể cho con về sống dưới thôn cùng với bác cả. Hết hè này, con chuyển về học ở tỉnh cũng không sao. Miễn là gia đình ta được êm ấm, mẹ Vân và anh Vinh được hài lòng. Con tin rằng chị Nghĩa sẽ rất vui vì có con, như thế ở nhà quê bác cả sẽ đỡ buồn. Như thế, cha cũng sẽ được nhẹ gánh và mọi người đều vui vẻ. Con cũng nói với cha rằng mẹ Vân lên đây với một chú to lớn, đeo kính đen. Chú ấy chưa từng đến nhà ta bao giờ và có vẻ cư xử rất kì lạ. Thừa lúc mẹ Vân đang đứng với anh Vinh chú ấy kéo tai con lên bảo ― Tao xem tai thằng này mềm hay cứng, rồi cầm tai mà xách bổng con lên. Con đau quá nước mắt chảy ràn rụa. Con suýt hét lên mà phải cố nghiến răng lại vì sợ mẹ mắng. Người đàn ông này khiến con vô cùng sợ hãi. Con chẳng hiểu vì sao ông ta lại độc ác với con như vậy....Cha yêu quý, cha hãy cho con về quê, rồi thi thoảng cha về thăm hai chúng con. Như thế, mọi việc sẽ ổn thoả hơn. Con vẫn luôn cố gắng học hành để cha khỏi lo buồn. Con cầu chúc cha mau lành bệnh để cha con ta mau đến ngày gặp mặt. Con trai của cha hôn cha: Trần Trung. Vũ vội vã tựa lưng vào tường vì choáng váng: « Ôi đứa con trai của ta....Tội nghiệp cho nó. Một đứa con hiếu nghĩa mà chẳng được làm con. Một đứa bé sinh ra đã đầy lòng nhân ái mà phải sống giữa thế giới của những kẻ bất nhân, bất nghĩa.. Ôi, tội nghiệp cho chính ta, kẻ nhân danh làm cha mà không bảo vệ được đứa con sống dưới vòng tay bảo trợ của mình.... ...Cũng tội nghiệp cho chính ta vì ta chẳng còn cơ hội để sinh ra một đứa trẻ có thiện tâm như vậy....Cuộc tình với người đẹp chỉ tạo nên một thứ sản phẩm không những vô đức vô năng mà còn đầy tì vết, dòng máu khốn khổ của ta đi lạc vào một thân xác tối tăm và một tâm hồn còn tối tăm hơn nữa. Đấy thật sự là một cuộc thất bại toàn phần... Người đàn bà của ta! Người đẹp Tố Vân.!..... Tại sao cô ta có thể hành động độc ác như vậy?..Người đàn bà ta đã ấp ủ hơn ba mươi năm trời....Một quãng thời gian dằng dặc với biết bao kỉ niệm....Nếu không còn tình ít ra cũng còn lại những níu kéo cuối cùng của nghĩa lý và đạo đức. Một thứ liên đới vô hình buộc con người phải dừng lại trước những giới hạn. Nhưng người đàn bà này không còn biết đến giới hạn. Thật kì lạ là cho đến tận giờ ta mới hiểu con người đã đầu gối tay ấp bấy lâu...Cuộc đời quả là một sân khấu trường kì mà đến lúc hạ màn người ta mới biết được trắng đen, bởi sự thật được dấu kĩ phía sau những mánh khoé của tích tuồng nhằm lừa bịp hoặc đánh đố khán giả....Cuộc đời cũng giống như trò phù thuỷ trong đó những loài cóc nhái có thể nhờ phù phép mà biến thành các mỹ nhân hoặc quả bí có thể biến thành cỗ xe ngựa thếp vàng....Ôi, chẳng phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa thiên hạ đã đọc đi đọc lại chuyện Liêu trai, bởi chẳng thiếu gì kẻ sống mê man trong vòng ân ái cho đến lúc giật mình thức tỉnh thì hoá ra đã chìm đắm bao nhiêu năm trong lạc thú với bộ xương người... Vợ ta!...Tố Vân....Cô ấy đã biến thành kẻ thù tự bao giờ vậy?...Gã đeo kính đen kia chẳng phải là ai khác mà chính là tay chân của Sáu. Chúng giở trò hành hạ thằng bé, đó là dấu hiệu chúng sắp triệu tập ta để đưa ra một yêu cầu nào đó, với người cha đích thực kia. Điều kiện sinh tồn của kẻ này trở thành cây gậy chỉ huy với người khác...Ngón đòn này chẳng có gì mới nhưng điều đáng kinh ngạc là chính cô ta chấp nhận hiệp đồng. Chính cô ta dẫn kẻ thù nghịch đi làm điều đê tiện ấy?... Tại sao, chính cô ta?...... » Những đợt sóng đen đột ngột hiện lên trước mắt ông. Khi ông vừa nhìn thấy chúng thì chúng đã vươn lên như những chiếc vòi bạch tuộc khổng lồ. Và rồi chúng tiếp tục dâng cao, cao hơn cả những mái nhà và khi dội xuống, chúng khiến ông có cảm tưởng như tấm thân ông tan nát thành bọt sóng. Tiếng gầm gừ của thuỷ triều dữ tợn và bí ẩn làm sao, dường như chẳng còn là tiếng biển động mà là tiếng gầm rú của những đàn thú khổng lồ thời hồng hoang. Đột nhiên, ngọn thuỷ triều biến mất và thay vào đấy là những đàn khủng long đang chạy rầm rập trên một thảo nguyên mênh mông. Đuổi theo chúng là những lưỡi lửa khổng lồ tràn lên nhau, chồng gối lên nhau như một đại dương đỏ rực tràn ngập đến chân trời. Gió dồn thổi tới đâu, mọi loài thảo mộc đều biến thành lò lửa rừng rực tới đấy. Những cơn bão lửa quây bọc, vây bắt, tàn sát bầy thú. Ông cảm thấy ngọn lửa ấy thiêu đốt chính ông và khiến mắt ông toé lên những đốm lửa than. « Tại sao ta lại hoá thân thành một con thú thời hồng hoang?...Thực hay mơ mà kì cục như vậy?... » Ông nghe rõ tiếng lửa bị gió táp phần phật quanh mình. Rồi lửa táp vào mặt ông, khiến ông muốn hét lên: « Nước....Cho tôi nước....Gọi xe cứu hoả.... » Nhưng hình như ông không thể há miệng ra nổi. Hình như ông ngã xuống, dưới bàn chân khổng lồ của khổng long khác và nhìn thấy trước ông sẽ biến thành một đống thịt xương vụn nát dưới bàn chân ấy.... Rồi ông nghe mơ hồ tiếng gọi vẳng đến từ đâu đó: - Bác sĩ....Gọi bác sĩ... - Cấp cứu đâu?.....Đem bình ô-xy đến đây... Một ý nghĩ mơ hồ thoáng qua óc ông: « Ô, họ lại đem bình ô-xy đến cho anh chàng sĩ quan thở khò khè, môi thâm như mận Lạng sơn....Ồ, anh này chết rồi mà còn ngốn khá nhiều bình ô-xy của viện... » Bất thình lình, ông nghe tiếng cá quẫy bên tai. Ông chợt nhớ đó là tiếng cá quẫy trong cái ang mẹ ông thường nhốt cá ở đầu hồi, những con cá chen thách nhau tanh tách suốt ngày đêm. Bên trên ang cá ấy là mái ngói chạy dài với đường máng. Còn bên trên mái ngói là bầu trời, một thinh không cao ngất tràn ngập ánh dương, một màu xanh lơ vô chung vô thuỷ....