Đúng như Quý dự đoán: Vào đêm tất niên, cả Xóm Tiều Phu đến xem ― Thị Mầu lên chùa, trừ vợ chồng ông Quảng. Họ không đi vì nhiều lẽ. Trước hết họ đang ở thời kì nóng bỏng ái ân. Cô Ngân còn ở tuổi thanh xuân, ắt hẳn. Nhưng ông Quảng cũng đã nhịn đàn bà gần hai năm, kể từ ngày vợ bị bệnh Ma đói. Cuộc hôn nhân này, với cả đôi là nắng hạn gặp mưa rào. Lẽ thứ hai, họ làm việc dưới tỉnh quanh năm, và ở dưới đó, tuồng chèo, ca nhạc mới, chiếu bóng, các hội thi hát dân gian diễn ra gần như từng tuần, từng tháng, họ không phải nhịn thèm nhịn nhạt như dân Xóm Tiều Phu. Lẽ đương nhiên là thế. Kể ra, việc ấy chẳng động chạm đến ai. Nhưng thói đời, sự chênh lệch nào cũng gợi nên những ganh ghen, dù muốn hay không, dù nói toạc móng heo hay vờ vĩnh che đậy. Ngay từ lúc màn chưa mở, dân làng đã đưa mắt tìm kiếm cặp vợ chồng oái oăm này, sốt sắng như sự hiện diện của họ sẽ làm cho vở chèo thành công hay thất bại: - Không thấy cả anh lẫn ả!...Chắc họ ở nhà! - Chắc với lép gì nữa. Họ không thèm xem thứ chèo về xóm. Dưới tỉnh thiếu gì? Mà dưới đó, rạp hát rộng bằng mấy cái đình làng, màn trướng thuần bằng nhung đỏ, oách lắm. - Sao cậu Quý không mời đoàn chèo hạng một về cho dân xem?...Đắt thì đắt nhưng cả năm một lần, ai cũng bấm bụng mua được vé. - Có mời họ cũng chẳng về, đường xá xa xôi gập ghềnh, mà những thứ màn trướng bằng nhung bằng gấm như thế muốn di chuyển phải dùng xe ca loại đặc biệt. Rách một vết phải đền cả đống tiền. - Thôi, phận đũa mốc thì cứ yên bề đũa mốc, đừng có rửng mỡ đòi màn nhung màn gấm làm gì?... - Ông nói ngang như con cặc! Ai cũng da cũng thịt, ai cũng muốn được được ăn cơm với cá. Có đồ điên mới từ chối của ngon vật lạ. - Chính ông mới là thằng nói ngang như con cặc! Muốn nhưng lại đéo có tiền. Thèm của ngon nhưng túi lại rỗng! Đã thế thì im đi, nói ra làm gì cho thêm hổ thẹn? - Thôi, tôi xin các ông, đêm nay là đêm tất niên, chớ có sinh sự. Cuộc vui sắp bắt đầu lại cãi nhau thì còn nghĩa lý gì nữa? Người ta can nhau. Các bà dấm dúi cấu véo các ông chồng để họ nguôi đi cơn bốc hoả. Rồi tiếng trống nổi lên rộn ràng mời gọi. Hai tấm màn lụa, tuy đã lỗ chỗ thủng vì gián nhấm nhưng vẫn còn giữ được màu đỏ hoa mẫu đơn, từ từ mở ra và cô đào váy áo xênh xang như làn gió ngũ sắc lướt trên sân khấu: ― Tôi lên chùa thấy tiểu mười ba, thấy sư mười bốn vãi già mười lăm...‖ Dàn nhạc sau cánh gà rộn lên tiếng đế. Một cây sáo lảnh lót vút lên trên tiếng nhị, tiếng sáo và tiếng trống đệm nhịp. Khuôn mặt tươi cười của cuộc sống khiến cho người ta tạm quên đi những dồn nén và những cơn xung động. Sau hơn hai giờ, muốn hay không tích chèo cũng kết thúc. Dân làng đứng ngẩn ngơ hồi lâu trước sân khấu, tiếc nuối. Cuộc vui thật nhanh tàn. Và sau cuộc vui bao giờ cũng là nỗi buồn thường trực. Khi đám diễn viên đã thay trang phục, dỡ sân khấu, gấp lại mớ phông màn để chuyển lên chiếc xe tải nằm chờ sẵn phía sau, đồng hồ mới chỉ tám giờ. Còn những bốn tiếng nữa mới đến giao thừa. Còn những bốn tiếng nữa mới được nổ pháo, hạ cỗ. Còn những bốn tiếng nữa phải chịu đựng thứ im lặng trường niên nơi sơn khuê heo hút, sau khi được tẩm đẫm trong không gian đầy ắp ánh sáng, mầu sắc, hình ảnh và âm thanh của vở chèo, quả là rất nặng nề, quả là rất đỗi khó khăn. Người ta đứng xem cảnh thu dọn cuối cùng của đội văn công, nhìn chiếc máy nổ hai mươi lăm ngựa chạy ầm ầm toả ánh điện lên màn trời đen kịt. Bỗng nhiên, nỗi luyến tiếc dâng đầy tâm hồn. Bỗng nhiên, sự cảm nhận mơ hồ về một nỗi thiếu hụt, mất mát khiến con tim khắc khoải. Người ta biết chắc chắn chẳng có gì mới chờ đợi họ ở cuối đường, nơi bóng tối đêm đông hoà cùng mầu đen của rừng cây bóng núi, nơi lát nữa, họ sẽ tìm về dưới ánh lửa bập bùng của cây đuốc dầu hoả hay ánh lập loè của ngọn đèn pin. Nơi ấy, là cuộc sống cũ mòn như tấm vải đã trơ lõi sợi... Trong lúc đám đông còn tần ngần, Quý đã lo xong các khoản thù lao cho đội văn công huyện. Anh ta bảo Vui: - Bây giờ, tôi phải lo dẫn đội chèo đi ăn cháo gà trước khi họ quay về huyện. Dân làng còn đứng đầy bãi chưa muốn đi. Có tiện thì cô mời bà con đến chơi trước giao thừa. Năm có một lần, cũng phải tạo cho mọi người một đêm ấm cúng. - Có ngay thôi, chẳng khó với em. Nhưng lát nữa anh đến chứ? - Có thể... Quý đáp nước đôi: - Tôi sẽ đến nếu mọi việc xong xuôi. - Thôi được, anh cứ lo phận sự của anh. Cô Vui trả lời. Đoạn cô đi tới trước đám đông, lên tiếng: - Bà con chưa thích về xin mời đến nhà tôi uống nước chè, ăn mứt Tết...Đợi giao thừa, quay về tự xông nhà cho chắc ăn! - Hoan hô, được thế thì cô là người sang nhất hạng! - Mứt nhà cô tự làm hay mua dưới phố? - Mứt xịn dưới phố. Hạt dưa, hạt bí cũng là hàng cấp một, xin đảm bảo chất lượng. Còn chè mạn thơm, chính hiệu Hồng Đào. - Ai đến nhà cô Vui với tôi nào? - Chẳng phải rao! Người nào có chân, người ấy tự biết đi!... Không ai nói ra, nhưng người ta ngầm hiểu rằng cuộc tụ tập ở nhà cô Vui chính là màn hai của đêm tất niên, sau tích chèo ―Thị Mầu lên chùa‖, ắt là tình sử của cặp vợ chồng chênh lệch. Bởi họ giàu nhất làng, bởi họ sống một cuộc sống khác biệt với đám đông, nên chắc chắn họ phải biến thành con mồi cho những cuộc đàm tiếu. Đàm tiếu, xưa nay vốn là thứ món ăn tinh thần gần như duy nhất nơi làng xóm, và là thứ độc dược kinh niên ngấm vào xương tuỷ chúng sinh. Đêm ấy, nhà cô bí thư chi đoàn thắp đèn măng-xông. Cô sắm cây đèn này từ khi cô ý thức rằng cô đã trở nên có vai có vế, nghĩa là từ khi cô nổi lên trong xã như một bậc Mạnh thường Quân, dù đối với ông Quảng cô cũng chỉ tương tự như võ sĩ lông gà lông vịt so với hạng gấu, hạng voi...Tuy nhiên, đó vẫn là niềm tự hào mà không mấy người đàn bà được quyền nếm trải...Thêm nữa; cô thầm nghĩ rằng mọi thành công của cô đều do cha cô phù trợ nên cô muốn cho ông ở dưới suối vàng được hãnh diện. Như vậy khắp Xóm Tiều Phu, sau ông Quảng giờ cô là người thứ hai có máy nổ bốn ngựa, có đèn măng-xông, những đồ vật được coi là biểu tượng của cuộc sống thịnh vượng. Với người dân vùng này, sau nhà cao sân lớn ắt đến xe ngựa, vừa là thứ tài sản vừa là phương tiện kiếm tiền. Sau xe ngựa ; có máy nổ gia đình để tưới vườn ruộng, và cây đèn măng-xông để thắp sáng tưng bừng trong những dịp lễ tết là niềm ước mơ tột đỉnh. Tết năm nay, cô Vui lại mua thêm được ba bộ ấm chén sứ Hải Dương loại một với chiếc bình pha trà cỡ đại quai đồng. Cô đem ra pha trà thết khách. Chiếc bình đại chứa hai lít nước, mỗi lần pha hết nửa gói Hồng Đào. Dân làng chỉ nhìn thôi cũng đã khiếp. Ở thôn quê, người ta vốn có thói hà tiện. Một gói trà Hồng Đào, với những nhà bình thường, uống dè sẻn ít nhất cũng mươi hôm. Như thế là, dưới ánh sáng trắng rực của ngọn đèn măng-xông, chén tách sứ mới lóng lánh, trà thơm ngào ngạt bốc hơi, đĩa lớn đĩa nhỏ đựng mứt sen, hạt bí, hạt dưa, và các loại bánh kẹo. Tất cả được bày kín mặt hai chiếc bàn lớn kê sát nhau, trên phủ khăn hoa như bàn đám cưới. Một không khí nồng ấm, hội hè bao phủ khắp hai gian nhà, nơi người làng ngồi túm tụm nhau theo xóm hoặc theo dây mơ rễ má họ hàng. Không khí ấy khiến con người tự nhiên hào hứng và cởi mở. Người ta chuyện trò như pháo ran, từ chuyện cô con dâu nhà bà Côi ở xóm Thượng đẻ sinh ba đến chuyện con nghé nhà lão Tự say ở thôn Hạ bị cố ý đánh què để ngả ra thịt. Từ chuyện cô diễn viên đóng vai Thị Mầu có cặp vú lép đến nỗi mỗi khi cô ta cử động thì những miếng mút đệm trong su-chiêng trồi lên trụt xuống trông đến là buồn cười, đến chuyện con gái ông Huân ở xã bên chửa ngoài dạ con đem xuống bệnh viện tỉnh, tốn một tạ tiền cũng không cứu được thai...v...v... Rồi một ông bỗng lớn tiếng gọi: - Bà chủ ơi, tôi vốn có thói xấu là bụng cao dạ dốc...Chẳng hay có thể kiếm được miếng bánh hay khúc giò ở đây không? Cô chủ đứng lên: - Có ngay... Nhưng vợ ông ta lên tiếng trấn áp: - Nhà ông này rõ vô duyên, không nhịn được đến giao thừa hay sao? Ông chồng vặc lại: - Việc gì phải nhịn? Đói ngày giỗ cha no ba ngày tết. Chỗ láng giềng, cô ấy lại có bụng mời. Bà vợ phân bua: - Miếng ăn chẳng to, nhưng người ta lại phải đụng vào dao vào thớt, lại phải dọn dẹp, rửa tay. Trời rét thế này!... Đến đó, làng xóm ùn ùn hùn vào: - Kệ ông ấy. Đói thì làm sao mà ngồi uống nước chè ăn bánh kẹo như mấy bà cho được? - Đúng đấy! Tôi tán thành. Cô Vui ơi, cho tôi chén rượu. Lũ đàn ông cứ phải có chén rượu mới xôm trò được. Các cụ dạy: Phi tửu bất thành lễ. Tôi xin phép nói trại đi: Phi tửu bất thành đêm tất niên. Ai tán thành ý kiến của tôi? - Tôi. - Tôi cũng vậy. - Tôi nữa! - Cả tôi nữa, cô chủ ạ... - Được thôi, không có gì khó khăn. Nhưng trong đám các bà, ai sẵn lòng đứng lên giúp tôi một tay nhỉ? - Vâng, có tôi đây! Tôi đã trót lấy một cục nợ thành ra phải đèo bòng. Đấy là giọng bà vợ có ông chồng háu ăn đòi cỗ mặn trước tiên. Đương nhiên, sau lượt bà ấy là ba bà khác, phu nhân của các đức lang quân chủ trương:phi tửu bất thành đàn ông. Một thứ lo-gic ngầm ẩn chỉ định họ phải đứng lên, gánh bớt những phiền nhiễu cho gia chủ.Và, như thế, một phần đêm tiệc trà đã biến thành cỗ mặn với đầy đủ giò, rượu, bánh chưng, măng nấu sườn, thịt kho và hành muối. Tuy là một thứ cỗ tuỳ hứng, chỉ được chuẩn bị trong vòng mười lăm phút, nhưng cũng đủ món cho các ông nâng đũa lên hạ đũa xuống một cách sung sướng. Khi hai mâm cỗ đầy, mỗi mâm kèm theo hai chai rượu lớn được bưng lên và đặt trên hai chiếc phản lớn kê đối diện nhau thì cánh đàn ông háo hức sà xuống. Mỗi cỗ sáu người, vị chi mười hai người. Cô chủ kê một chiếc ghế chính ở lối đi giữa hai tấm phản để cùng một lúc có thể tiếp rượu cả hai bên: - Các bà tự pha trà, thỉnh mứt nhé. Tôi đành phải hầu chuyện đám các ông vậy. Cô chủ tuyên bố. Các bà nhao nhao đáp: - Cứ tiếp họ, chẳng phải lo cho chúng tôi. Nói thế thôi nhưng các bà cũng bưng bánh kẹo, trà nước tới chầu rìa sau lưng đám đàn ông để hóng chuyện. Người ta không quên rằng, đấy mới chính là phần cốt lõi nhất của buổi tối hôm nay, sau tích hát chèo.Làng Khoai là làng nghèo nhất xã Hưng Mỹ. Tỉnh Hà Tây khá rộng, nhưng sự phân bố ruộng đất cũng như nghề nghiệp giữa các vùng vô cùng chênh lệch. Người giàu nhất làng Sơn nam cũng chỉ ngang với kẻ cùng đinh ở làng Nam lộc, tuy hai làng cách nhau chưa đầy mười lăm cây số. Cứ như thế mà so sánh, làng Khoai ắt hẳn là làng nghèo nhất trong đám các làng nghèo. Cái tên làng Khoai chỉ ra rằng từ xửa từ xưa, dân ở đây làm quen với khoai hơn là với gạo và các thứ thực phẩm khác. Đương nhiên dạ dầy họ phải thích ứng để quanh năm xơi các loại khoai luộc, khoai nướng, khoai nấu độn cơm, cả thứ khoai Vàng Anh bở tung như đỗ xanh đồ lẫn khoai mật nghệ trong suốt như thạch, cả thứ khoai ngọt như mía lùi được gọi là khoai Hoàng hậu, đến thứ khoai tăng sản được dặm vào cuối mùa, vỏ trắng ruột cũng trắng nhạt như nước ốc, thường gọi là khoai Trung-Hoà ; cả khoai lang lẫn khoai sọ, khoai môn. Thế nhưng đời nào cũng vậy, làng Khoai đều có mỹ nhân. Đấy là niềm tự hào duy nhất của dân sở tại. Đấy cũng là niềm an ủi duy nhất để bù lại sự khắc nghiệt của số phận mà họ phải chịu đựng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Con gái làng Khoai dù chẳng là mỹ nhân cũng có nước da trắng muốt. Dù họ dãi dầu ngoài ruộng bãi cũng chỉ hai bàn tay bị mặt trời làm đen đi chút đỉnh nhưng so với đàn bà con gái tất thảy mọi làng, da họ trắng và đẹp một cách lạ kì. Người ta cho rằng làng Khoai nửa cận sông, nửa gần núi, khí trời thanh thoáng khiến cho da dẻ đàn bà con gái tươi nhuận quanh năm. Thứ nữa, mắt họ từa tựa như mắt đàn bà Chàm, mênh mông thăm thẳm, với những cặp mi dài ngút ngát, cong veo. Người ta nhắc rằng thời trước, có một toán tù binh Chàm bị đầy về tận đây để khai đất khẩn hoang cho một tướng công được triều đình phong tước. Toán tù binh này ăn chung ở lộn với đám dân sở tại, rồi vì họ có tay nghề thợ mộc thợ nề giỏi, mang lại nhiều lợi tức cho vị tướng mà họ được phép dựng vợ gả chồng với các gia nhân. Hậu duệ của những cặp vợ chồng này vì thế có những cặp mắt lớn, trong vẻo trong veo mà lại buồn như cảnh tàn thu vậy. Tóm lại, nhan sắc con gái làng Khoai đã trở thành truyền thuyết từ bao nhiêu đời, làm nức lòng đám con trai các vùng lân cận và gây nên mối hiềm khích với các cô gái khác làng, khác xã. Người làng Khoai có thể kể vanh vách thời Trần triều bà nào được tuyển vào làm chánh hậu, đời Hậu Lê ai được kết duyên với quan tể tướng, đời Minh Mạng ai được tuyển vào làm ái thiếp, đời Tự Đức ai được làm thứ phi....Cho tới thời cách mạng này, cũng có bà Lan lấy được ông bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình, còn cô Nga được tuyển vào đoàn văn công tổng cục chính trị, nay đi Liên-xô, mai đi Tiệp-khắc như cơm bữa... Cô Ngân sinh ra trong một làng nghèo với bao nhiêu niềm tự hào về dung nhan của các ái nữ. Mẹ cô đã từng là cô gái xinh đẹp nhất huyện nhưng chưa kịp được một vị quan tỉnh hay vị nha lại đầu huyện dòm ngó đã phải lòng bố cô, anh giáo làng. Anh giáo quèn lại lớn lên trong một gia đình nghèo rớt mùng tơi giữa một làng nghèo, nhưng vì là đứa con duy nhất nên cả cha lẫn mẹ đều thắt lưng buộc bụng cho anh học đủ chữ để trở thành giáo viên cấp một. Như thế, anh giáo quèn vô cùng biết ơn vợ vì cô đã lấy anh, chứ không vào đoàn văn công quân khu hay chờ đợi một vị hôn phu sang giàu nào khác. Từ thuở nhỏ cho đến khi trở thành thiếu nữ, có đến cả ngàn lần Ngân được nghe bố kể: ― Mẹ con đã được tuyển vào đoàn văn công quân khu tả ngạn rồi đấy. Có kém cạnh ai đâu. Chẳng qua bố tốt số nên lấy được mẹ thôi! Khi cô lớn lên, nhan sắc còn đậm đà hơn mẹ. Bố cô vừa dạy học, vừa đánh dậm hoặc đan cói vào buổi tối để cô đủ tiền theo học cho đến hết cấp hai. Ông nuôi một niềm ước mơ không che đậy: ― Con xinh đẹp hơn cả mẹ con ngày trước. Con lại được học hành. Sau này nhất định con còn sung sướng hơn cô Nga xóm Mới, nay cưỡi máy bay mai lên tầu thuỷ vượt biển khơi... Như vậy, tương lai cô gần như đã được định sẵn, giống như một bức hoạ đã được phác thảo kĩ lưỡng, chỉ chờ ngày hoạ sĩ đủ cảm hứng để phết lên đó những nhát sơn dầu: Cô sẽ được tuyển vào đoàn văn công trung ương hoặc đoàn văn công tổng cục chính trị, sẽ đi Liên xô, Trung quốc và hàng trăm nước khác như cơm bữa, làm vinh hiển cho toàn gia! Nhưng trong lúc cả ông bố lẫn bà mẹ đang còn bận lo toan nuôi hai đứa con trai và đinh ninh trong dạ rằng Ngân sẽ thực hiện đúng chương trình của họ thì cô đã lớn. Tuy mới mười sáu tuổi, nhưng nhan sắc lộng lẫy của cô quyến rũ không biết bao nhiêu bạn đồng môn, và không ít các anh giáo trẻ trong trường cấp hai của huyện. Tựa ngọn đèn bắt sâu ban đêm giữa cánh đồng, mời gọi lũ bướm đêm bay tới, múa lượn, say sưa mà chết thiêu chết rụi ; vẻ tươi cười nhí nhảnh của Ngân khiến cho bao nhiêu bạn học bị kỉ luật, bởi nhà trường cấm học sinh được tự do yêu đương khi chưa tới tuổi thành niên. Tuổi thành niên, theo quy định luật pháp, là mười tám. Nhưng sau khi đã thiêu chết hằng hà sa số bướm đêm, ngọn lửa đèn ắt phải tắt. Vì một lẽ nào đấy, vì lũ bướm tội nghiệp kia chất chồng khiến nó thiếu ô-xy, vì cạn dầu, vì gió thổi? Cũng như vậy, sau khi đã chứng kiến bao nhiêu chàng trai ngã ngựa vì mình, đến lượt chính Ngân bị đánh gục, không phải với những gã trai khờ khạo đồng lứa, nhưng bởi ông giáo dạy văn, người mực thước, một vợ ba con. Ông giáo Tường. Không ai biết đầu cuối tình sử của họ. Bởi ông giáo Tường sống với vợ con ngay trong khu gia đình giáo viên trường huyện. Một dãy nhà lợp ngói chạy dài với hàng hiên hẹp, chia thành từng lô nhỏ, giống nhau cả về hình dáng lẫn chất liệu, được xây cất một cách tùng tiệm và ẩu tả, trông hệt như một dãy hộp các- tông.Trước khu nhà đó là khoảng đất trống với dăm cây bàng, được dùng làm sân chơi bóng chuyền, bóng rổ của giáo viên lẫn học sinh. Sau khu nhà ấy là vườn tăng gia của các giáo viên giúp cho họ cải thiện đời sống vì đồng lương không bao giờ đủ, nhất là với những ai đã có gia đình. Người ta vẫn thấy ông giáo Tường cầm ô-doa tưới su hào bắp cải vào các buổi chiều, vẫn thấy vợ ông quần ống thấp ống cao te tái lùa gà vào chuồng lúc nhọ mặt người hoặc vẫn thấy chị ta cầm đèn pin đi nhặt trứng lúc gần nửa đêm. Đấy là một người đàn bà nhỏ bé, gầy nhẳng, vẻ buồn rầu không lúc nào thiếu vắng trên gương mặt nhọn như mặt chim. Họ đã sống trong khu tập thể ấy từ khi mới cưới nhau, anh Tường được bổ nhiệm về trường huyện sau khi tốt nghiệp sư phạm trung cấp tỉnh, còn chị vợ bán thuốc trong cửa hàng dược phẩm. Từ bấy đến nay họ đã có ba đứa con trai, đứa lớn nhất mười ba tuổi, đứa thứ hai mười một, đứa út, chắc là vỡ kế hoạch nên mới lên ba. Trong tình cảnh như vậy, không ai tưởng tượng nổi có một mối tình lãng mạn, say đắm nảy nở giữa một cô thiếu nữ mười sáu, đẹp lồng lộng như trăng rằm, với một ông giáo sắp sửa tứ tuần, râu một ngày quên cạo thì mặt tối như hũ nút, áo quần cũ nát, răng lẫn ngón tay ám thuốc lá vàng khè. Khi mọi chuyện vỡ lở, nghĩa là khi Ngân có thai, thiên hạ gần như cuồng lên vì sửng sốt. Đám học sinh đã đành. Nhưng những người lớn, giáo viên, cán bộ huyện, công nhân các nhà máy trung ương đóng trong vùng, và cả dân thường....tất cả đều muốn biết căn nguyên một mối tình phi lý hoàn toàn, theo ý họ. Chuyện thầy trò yêu đương lan khắp nơi cùng chốn, ào ào như lửa bỏng, nước sôi: - Quỷ ám, đích thị là quỷ ám! - Làm chó gì có quỷ, chuyện dị đoan. Tôi cho rằng thằng cha này dẻo mồm tán. Người ta bảo:đàn ông yêu bằng mắt ; đàn bà yêu bằng tai. - Mắt với tai thì cũng phải có lý. Đời thuở nhà ai con bé lại tự nguyện yêu một lão bằng tuổi bố nó bao giờ? Hoạ là điên! Nếu không điên, ắt hẳn thằng cha này bỏ bùa yêu cho nó. Trước đây, em họ tôi đi dân công trên Tây bắc, bị một đứa con gái Thái đen bỏ bùa yêu. Cứ mỗi lần tìm cách quay về đồng bằng là lên cơn điên, mắt trợn trừng, mồm lảm nhảm nói toàn tiếng Thái. Gia đình đành phải đưa lên sống với đứa con gái kia. - Cho đến tận bây giờ? - Chính thế. Con vợ nó chờ đến năm năm rồi cũng phải xin xã làm thủ tục ly dị để đi lấy chồng. Hai đứa con gửi cho chú thím tôi nuôi. - Tôi không tin chuyện bỏ bùa yêu. - Tôi tin. - Tôi cho rằng lão giáo này có thuật chài đàn bà con gái mà chúng ta không biết được. - Thuật gì? - Thôi miên chẳng hạn. Thằng cha này trông hom hem thế nhưng khi nó nhìn ai, người ta cứ như bị đóng đinh câu rút, không động cựa nổi. Tôi cho là con bé bị cặp mắt nó hút hồn. - Có thể! Nhưng nếu thế sao từ trước tới nay nó không chài những đứa khác? Khoá học nào chẳng có vài cô xinh? - Đúng vậy. Từ trước đến nay ông ta có chuyện trăng gió nào đâu? Nếu là kẻ chuyên mồi chài ong bướm hẳn mọi sự đã phải xảy ra từ lâu. Mười lăm năm qua, thiếu gì học trò đẹp, tại sao phải chờ đến lượt con Ngân? - Vì số mạng định thế. Đến ngày đến tháng, cái thai mới chui ra khỏi bụng mẹ. Cũng như vậy, đến ngày đến tháng, tai hoạ mới hiện hình. - Ông cho thế là tai hoạ à? Tôi lại cho là phúc cơ đấy. Đương nhiên, được ngủ với một đứa con gái còn trinh tiết, lại xinh đẹp như tiên. Chẳng khác chi được bước vào thiên đường. - Nhưng sau thiên đường là địa ngục. Mọi người chưa biết chuyện bố con Ngân lồng lộn kiện nhà trường, vác dao đòi giết lão giáo Tường. LãoTường phải trốn lên tỉnh. Bây giờ, nghe đâu đã nhận kỉ luật chuyển đi nơi khác. - Chuyển đi đâu? - Tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn là một tỉnh biên giới. Trên đó, ông ta bị phân công tới một nơi khỉ ho cò gáy, dạy đám tân binh trong trường đào tạo hạ sĩ quan. Các trường đào tạo sĩ quan cao cấp thường ở gần thành phố lớn, nhưng các trường đào tạo hạ sĩ quan bao giờ cũng bị tống vào những miền chó ăn đá, gà ăn sỏi. Ở những nơi ấy, ngọn rau muống cũng hiếm. Thức ăn đầu bảng quanh năm là cá khô với mắm tôm. - Đáng kiếp thằng dê già. Luật nhân quả chẳng bao giờ sai. Đã hưởng lộc trinh tiết, đã nếm da thịt con gái trắng như trứng gà bóc thì sau đó mãn kiếp mút cá mắm khô cũng là phải. - Địa vị tôi là bố con bé Ngân, tôi cũng vác dao cho thằng cha này một nhát. Hết một đời con gái. Uổng một kiếp giai nhân! - Ông cho nó một nhát thì ông cũng phải ngồi bóc lịch trong tù. Mà đã dan díu nhau ắt hẳn phải tự cả đôi bên, cả anh lẫn ả...can cớ chi đâm chém người ta? - Ông ngu thật. Theo luật, mười tám tuổi mới thành niên. Con cái Ngân mới mười sáu...Ngủ với nó tức là thằng cha kia phạm luật. Tội ấy gọi đích danh là: Quyến rũ trẻ vị thành niên. Đáng lẽ nó phải bị truy tố và tù ngồi ít nhất bốn năm. Nhưng bác ruột nó là chánh án toà án tỉnh.Vì lẽ ấy mới thoát được cửa tù. - Ra thế, tôi không biết. - Ông không đọc luật à? - Thời giờ đâu mà đọc luật. Ngày làm hai ca, có khi ba ca thông tầm. Tuần làm sáu buổi, có khi chủ nhật còn phải lao động công ích xã hội chủ nghĩa. Về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ. Trèo lên bụng vợ còn lười huống chi ngồi đọc luật? - Thế con gái ông lên mấy rồi? - Mười hai. - Vậy thì hãy lo đọc luật từ bây giờ. Có ngủ chỉ nên nhắm một mắt, mắt kia phải mở mà ngó nghiêng, mà liếc ngang liếc dọc. Nếu không lại có thằng cha nào bằng tuổi ông nó ngấp nghé gọi ông là bố vợ bây giờ. - Đồ đểu! Tại sao ông độc mồm độc miệng thế? Ông cầu cho tôi khốn nạn như lão giáo làng Khoai hay sao? - Tôi không cầu cho ông khốn khổ như vậy. Nhưng biết lo xa thì tránh được cái hoạ gần. Quả tình, tất cả những gia đình có con gái tuổi dậy thì đều nháo nhác sau câu chuyện tình oái oăm trên. Người ta hiểu được nỗi đau đớn của ông giáo làng Khoai. Vì sao một con người hiền lành nhu thuận như thế lại vác dao lên huyện giữa thanh thiên bạch nhật. Ông giáo Tường chỉ kém bố cô Ngân hai tuổi, nhưng vì mắt sâu, râu rậm nên trông mã còn có vẻ già hơn. Giá như ông ta là đại gia đại phú, hoặc là quan lớn đầu tỉnh hoặc bậc lương đống triều đình, người ta còn có thể châm chước. Nhưng đằng này, ông giáo dạy văn trường huyện lại là kẻ ―trên răng dưới dái, mà đã thế lại là dái già....nên thiên hạ bất khoan dung. Lúc ấy, cái thai trong bụng cô Ngân đã sang tháng thứ tư ; kể thì cũng khá muộn nhưng nhà trường vẫn cho giấy giới thiệu vào bệnh viện huyện xin ― nạo thai cho nữ sinh vì lý do tai nạn đạo đức ―. Mẹ Ngân đưa con gái nhập viện buổi tối, cả hai đều lấy khăn bịt mặt chỉ để hở hai con mắt, nón đội sụp xuống ngang mày. Bố Ngân tuyên bố từ con gái. Ông giáo làng bảo vợ: ― Giá nó cầm dao đâm thẳng vào tim tôi còn hơn là nó đẩy tôi vào tình cảnh này. Kể từ nay, dưới mái nhà này có nó thì chẳng có tôi, và ngược lại. Tuỳ mình chọn... Vợ ông không dám chọn, bởi bên chồng bên con đều là máu thịt cả. Đưa Ngân vào viện nạo thai xong, bà giáo dẫn con về gửi mẹ. Ở đó, Ngân sống với cậu mợ và bà ngoại. Hơn một năm sau, cậu Ngân vốn là thợ nề tay nghề cao xin cho cô chân thợ quét vôi dưới công trường. Còn ông giáo Tường, không nghe thấy tin tức gì nữa. Có tới một năm ròng, người ta thấy vợ ông, người đàn bà teo tóp như cây rau cải phơi nắng vẫn bán thuốc trong cửa hàng phố huyện. Gương mặt vốn dĩ nhọn như mặt chim nay càng quắt lại, trơ cả xương hai gò má lẫn xương sống mũi. Qua tết, không còn thấy chị ta trong cửa hàng dược phẩm huyện. Bốn mẹ con nghe đâu dắt díu nhau về tỉnh Thanh, quê ngoại. Gian nhà của ông giáo Tường khoá cửa một vài tháng rồi được phân cho giáo viên thể dục mới về.