TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (6)

Tuy nhiên, mẹ Ngân là người thực tiễn. Bà hiểu rằng con gái mình đã lỡ trớn không thể nào tìm lại được cơ hội cũ. Như con thuyền bị lũ cuốn xuôi chẳng thể quay ngược dòng. Nếu cô cảm thấy sung sướng với những người đàn ông hơn cô nhiều tuổi chắc chắn vì số mạng của cô đã định sẵn một lối kết duyên trái khoáy, ngược đời như vậy. Không ai chống lại được luật trời. Từ ông giáo Tường đến ông Quảng, đường đời của cô đã vạch sẵn theo những đường chỉ kẻ trên lòng bàn tay. Bà thở dài, nhưng bà chấp thuận tất thảy những gì không thể thay đổi được. Thêm nữa, đối với người làng Khoai, vật chất có giá trị mạnh mẽ. Người chồng tương lai của Ngân sẽ đem lại cho cô một đời sống vật chất tối đa. Và đó là sự bù trả của định mệnh.
Ngày thứ tư, bà mẹ khệ nệ xách hai chiếc hòm quay về làng. Bà không nói gì với ông giáo về cuộc gặp gỡ cô con, chỉ lẳng lặng thu dọn đồ đạc và dáo dác:
- Ít bữa nữa thế nào cậu cháu cái Ngân cũng gửi thợ về làm nhà. Dưới đó, nó dành dụm được ối tiền.
- Tôi đã bảo mình là đừng bao giờ nhắc lại tên nó trước mặt tôi.
- A, tôi quên. Vậy từ giờ tôi chỉ nhắc tới cậu nó. Tháng tới cậu ấy sẽ giúp chúng ta sửa nhà.
- Làm gì tuỳ ý. Nhà này quyền ở mình từ xưa đến nay.
Ông giáo đáp chủng chẳng rồi chắp tay sau đít đi ra ngõ.
Hai tuần sau, em bà giáo dẫn một tốp thợ tám người về làng Khoai. Kèm theo họ là ba xe tải chở gỗ, gạch, xi-măng lẫn các phụ liệu khác. Dân làng xúm lại xem như đêm rằm tháng tám trẻ con xem đèn kéo quân.
Làng Khoai chưa từng có một mái ngói. Cả làng thuần một kiểu nhà lợp rơm hoặc lá cọ, tường xây bằng đủ loại chum vại sành, tiểu sành hư hỏng, mua ở làng bên. Làng láng giềng là Quách Thổ, một làng bề thế với trên bốn ngàn dân, giàu có từ nhiều đời đổ lại. Họ giàu vì họ không làm ruộng mà chỉ chuyên làm đồ sành. Đất vùng Quách Thổ là thứ đất sét tuyệt hảo để chế tác các loại vật dụng bằng sành, trước hết là tiểu. Tiểu lại là mặt hàng đời đời kiếp kiếp cần thiết cho chúng sinh. Dù giàu hay nghèo, bất luận muốn hay không muốn, nhà nào cũng có người chết, qua ba bốn năm phải rửa xương cốt cho vào tiểu sành chôn lại lần thứ hai. Lần này mới thực là lần hoàn tất thủ tục ma chay, và như thế chiếc tiểu sành được coi như nơi trú ngụ cuối cùng của vong linh, ngôi nhà vĩnh cửu nếu vong linh đó không có cơ may đi đầu thai lại. Bởi thế, tiểu sành là thứ mặt hàng bắt buộc phải tiêu dùng đối vớ tất thảy dân cư. Nghề làm tiểu sành được coi như thứ nghề danh giá nhất trong vùng. Người ta không cho phép kẻ ngoại nhân được học nghề ấy. Con gái con trai làng Quách Thổ buộc phải kết hôn nội trong ba dòng họ thống lĩnh nghề này. Nếu kẻ nào dám mạo muội vượt qua lề luật, buộc phải đi biệt xứ, hoặc vào Nam kì, hoặc ngược lên biên giới phương Bắc. Nếu quanh quẩn trong vùng châu thổ sông Hồng, thế nào cũng bị phát hiện và rượt đuổi. Còn trường hợp hãn hữu, những kẻ bạo phổi to gan dám mở lò nung tiểu sành hay chum vại theo nghề cũ ; ắt phải liệu thân ; cuối mọi ngả đường đều có kẻ rình đánh cho tàn tật. Vì lý do ấy, cả vùng nhìn dân làng này như nhìn những kẻ thù bất dung thứ, vừa là lũ giàu sang ngạo ngược vừa là những kẻ độc ác, tay dính máu người. Để mua lại đôi chút tình cảm vờ vĩnh của dân các vùng phụ cận, tức khách hàng vĩnh cửu của mình, dân làng Quách Thổ bán lại những chum vại nổ, vỡ, méo mó hoặc non lửa hoặc già lửa và những chiếc tiểu không đủ tiêu chuẩn với giá rẻ như bèo. Khách hàng đầu bảng của họ chính là dân làng Khoai, làng bần cùng nhất trong đám làng bần cùng. Xây cả một ngôi nhà năm gian bằng những thứ chum méo, vại thủng hay tiểu sành vỡ đáy này chỉ tốn bằng tiền mua một chiếc tiểu đúng chất lượng. Thế là ngôi nhà dành cho cả chục người sống cũng chỉ trị giá như nấm mộ cỏn con dành cho người dưới tuyền đài. Dân làng Khoai quen với hình dáng kinh dị của những ngôi nhà xây bằng đồ phế thải. Nhưng nếu khách giang hồ lạc đường ghé qua đây, ắt hẳn phải giật mình kinh sợ vì những bức tường cong queo, lồi lõm, khi phình ra như những chiếc bụng ỏng, khi dúm lại như vỏ quả bóng xì hơi. Chúng đem lại nỗi ngần ngại hãi hùng, vì với hình dạng kì dị như thế, chúng gần với hang hốc, nơi trú ngụ của gấu ngựa hay hùm beo chứ không phải những ngôi nhà dành cho con người. Vì lẽ đó, hình ảnh những ngôi nhà ngay ngắn, đẹp đẽ, với mái ngói đỏ au là giấc mơ tót vời của người dân ở đây. Và là một giấc mơ bất khả trong hiện tại. Như thế, đủ hiểu vì sao người ta xúm đen xúm đỏ xem những chiếc xe chở vật liệu và toán thợ tỉnh về làng như du khách xem bảo tàng.
Công việc xây dựng tiến hành một cách hối hả. Cậu em bà giáo ở lại trực tiếp chỉ huy. Ngôi nhà hai tầng hiện lên như trong chuyện cổ tích. Nó vượt qua trí tưởng tượng của mọi người. Nhà mình xây xong, bà giáo có nhã ý tặng cho ông cậu chồng đương kim chủ tịch xã nửa xe gạch và xi-măng còn thừa, động viên ông cậu: « Dấn lên, cháu ghé vai gánh đỡ một nửa ». Ông chủ tịch dấn lên thật, vì cơ hội ngàn năm có một mà bỏ qua thì hoạ là điên... Bà giáo hỗ trợ ông để có thể thay đủ bốn bức tường gạch với lên một mái ngói. Còn cậu em bà tự nguyện chờ đến năm sau.
Hôm khánh thành nhà mới, bà giáo làm hai mươi mâm cỗ mời họ hàng. Một tuần sau, ông chủ tịch quyết định cho cửa hàng kinh doanh xã dời về tầng chệt nhà bà bởi không thể tìm đâu ra một nơi lý tưởng đến thế cho dân làng tụ họp, nhận các phần tem phiếu và mua mọi loại nhu yếu phẩm, từ mắm muối, len vải sợi, đến sách bút cho trẻ em, thuốc thang cho người ốm, từ quần đùi, may-ô, sơ-mi dệt cho các ông cho đến gương lược, kim chỉ, sáp chống nẻ môi và nước hoa rẻ tiền cho các cô các bà. Bốn gian phòng thênh thang khả dĩ vừa làm cửa hàng, vừa làm kho chứa, vừa là nơi khách ngồi chuyện gẫu. Như thế, đương nhiên bà giáo được bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng, thay cho cô cửa hàng trưởng cũ vừa bị kỉ luật vì tham ô. Ông giáo lẫn hai cậu con trai rút lên tầng trên. Tầng này, cũng có ba gian rộng rãi, ngoài nơi làm việc, ăn uống của ba bố con, ông vẫn còn nơi thờ cúng tổ tiên, hoặc ngồi ngắm cảnh. Cuộc đổi đời xảy ra gần như trong chớp mắt, giống như chiếc đũa thần của bà tiên chạm vào mớ áo quần rách rưới của nàng Lọ Lem và biến chúng thành xiêm y lộng lẫy, chạm vào quả bầu để biến nó thành cỗ xe ngựa xa hoa chở nàng đến với Hoàng tử trong Vương quốc của những chiếc giầy thuỷ tinh.
Dân làng Khoai dù đã được mời ăn cỗ nhưng vẫn điên lên vì bỗng dưng chuyện cổ tích hiện về. Mà nếu chuyện cổ tích đã hiện về thì những nén vàng thoi bạc phải chia đều cho chúng sinh, cớ sao bao nhiêu ân sủng dồn cả cho lão giáo làng ngơ ngẩn? Thế là người ta cố công moi cho ra bí ẩn của sự việc.
Cuộc dò tìm không mấy khó khăn bởi tám gã thợ kia trong lúc làm nhà đã đủ thời gian để liếc các cô gái làng và chết mê chết mệt vì nhan sắc của họ. Trong đám thợ ấy ngoài những gã đã hai ba mụn con với một nái xề giữ chuồng gà chuồng lợn nơi quê nhà cũng còn được hai chàng chưa vợ. Hai gã thợ xây trẻ nếm cơm thiên hạ đã mòn môi, nhận ngay ra vẻ đẹp của các cô gái trong cái làng nghèo xa lắc xa lơ, nơi cùng sông cuối núi này. Cả hai quyết tâm cưa bằng đổ các cô, quyết tâm « đi theo gót ông già kháu lão chịu chơi tên là Quảng ». Vài bữa cơm rượu trong nhà người đẹp đủ cho hai chàng trai phun ra tất thảy mọi bí mật về tình sử ―cô Ngân, ông Quảng, kèm theo những bình phẩm của mọi loại dân trên công trường. Sau rốt, người ta được thoả mãn vì đã tìm thấy chiếc đũa thần của bà tiên, chiếc đũa biến những con cóc thành cặp giầy thuỷ tinh tuyệt mỹ.
Lần này, mọi dư luận không còn chạm tới ông giáo làng được nữa, bởi ông cố thủ trên căn gác, suốt ngày ngồi đọc sách. Cậu em vợ khuân hai thùng sách cũ thư viện công trường thải ra đem về làng, làm quà tặng cho ông anh rể, kèm theo ngọn đèn điện chạy ắc-quy. Người ta thường xuyên nhìn thấy ông qua khuôn cửa sổ thênh thang của căn gác, nghiêng đầu trên chồng sách, thay vì hì hụi đánh dậm ban đêm hoặc chổng mông lên mò cua giữa trưa hè một thuở chưa xa. Bà giáo tươi cười như hoa, càng ngày càng béo phây phây, má đỏ hồng như má con gái. Bà mặc vải phin nõn hoa, tai đeo nụ chân đi dép Trung Quốc tím trong suốt, kể như thế đã là giấc mơ tột đỉnh của đám đàn bà cầy cuốc đương thời.
Tuy nhiên, bà không bao giờ dám nhắc đến tên con gái. Vài tuần sau ngày khánh thành nhà mới; nghe đâu ông Quảng cô Ngân về làng đăng kí kết hôn. Nếu quả thực như vậy, chắc chắn chủ tịch xã sẽ đích danh làm thủ tục. Còn nhân chứng hẳn không thể là ai khác ngoài bà mẹ vợ và cậu em trai của bà. Tất thảy diễn âm thầm và vô cùng mau lẹ, người ngoài cuộc chẳng thể biết. Bởi chính chủ tịch xã không hé môi nói nửa lời. Người ta đồn thổi hoặc suy đoán như vậy vì bắt gặp cặp vợ chồng mới quay trở lại chiếc xe ô-tô chờ họ bên kia sông để trở về thành phố. Đưa chân họ là bà mẹ và ông cậu. Chủ tịch xã tươi cười vẫy tay chào. Cô Ngân nhỏ nước mắt trước khi trèo lên xe. Cô nhìn vài lượt làng cũ, con sông, cánh đồng...nơi chôn rau cắt rốn, nơi đớn đau thân thiết, nơi cô sẽ không còn có cơ quay trở lại.

*

- Đã giao thừa rồi sao? Vui chuyện quên cả đường về.
- Gọi là Tết thì cũng phải được thoải mái. Quanh năm đầu tắt mặt tối còn gì?
- Nhưng lẽ ra tôi phải về đốt pháo.
- Đốt pháo là việc của trẻ ranh, sao ông lại tranh với chúng nó?
- Nhưng con tôi còn bé quá.
- Bé quá thì vợ ông làm, bề nào thì cũng đã quá giờ. Ông có đi bây giờ cũng bằng vô tích sự.
- Ờ...ờ...
- Vui thật, nghe pháo nổ sướng cả tai. Dù sao Tết cũng vẫn là Tết!
- Tết năm nay xôm ra trò. Mà cũng lạ lùng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chẳng bao giờ tôi qua giao thừa ở nhà hàng xóm.
- Tôi cũng vậy. Nhưng sống mãi cũng phải tìm cái gì mới lạ. Mà dẫu ngồi dưới mái nhà mình hay nhà láng giềng thì cũng vẫn rượu, vẫn thịt, vẫn bánh chưng xanh với đồ nhắm. Có thiệt miếng nào đâu?
- Chẳng thiệt miếng nào đã đành mà còn được nếm rượu thượng đẳng nữa. Phải công nhận rằng tay nghề của cô Vui đáng kính nể. Cô ấy học được phép bí truyền của bà cụ thân sinh ông Đô. Cùng một thứ men, cùng một thứ nếp nhưng rượu nhà này say êm hơn rượu nhà tôi.
- Không chỉ có rượu ngon mà còn trà ngon và chuyện hay nữa chứ! Này cô Vui, tôi tưởng cô chỉ giỏi làm nhưng không ngờ cô còn giỏi nói nữa. Lẽ ra cô nên làm nghề giáo học.
- Không dám, ông quá khen! Tôi nghe được ra sao thì kể lại nguyên si như vậy, không thêm không bớt.
- Kể nguyên si cũng phải biết rút lưỡi ra mới đổ được nhời. Thiếu gì kẻ hiểu rành rẽ mọi sự mà không nói được cho ra nhẽ.
- Ôi dào, các ông khen phò mã tốt áo. Cô ấy làm bí thư chi đoàn đương nhiên phải biết nói năng.
- Bí thư chi đoàn thì cũng chỉ biết phổ biến nghị quyết, biểu dương thành tích hay công bố kỉ luật chứ làm sao biết tả cảnh tả tình lên bổng xuống trầm như thế?
- Đúng đấy. Rõ rành rành là cô Vui có năng khiếu kể chuyện. Nhưng phải công nhận rằng tình sử của cặp vợ chồng này cũng hay.
- Ông có lý. Chuyện tình của ông Quảng xôm ra trò. Năm nay vui đáo để! Bởi năm nào cũng chỉ có một vở chèo. Năm nay, những hai tích chèo lận. Này cô chủ, cho thêm rượu với...
- Chờ tôi một chút.
- Chúng tôi không nói cho được lòng chủ nhà đâu, nhưng quả thực cô có tài ăn nói. Tiếc rằng cô xuất đầu lộ diện hơi muộn. Cô mà là giáo viên dạy văn cấp hai thì khối kẻ xin chết đấy.
- Không dám đâu.
- Cô đừng tưởng trên đời này chỉ đơn thuần là ― Gái tham tài, giai tham sắc. Nhiều khi cánh đàn ông cũng tham tài nữa đấy. Tôi là đàn ông tôi hiểu bụng dạ đàn ông.
- Thôi, tôi xin các ông! Không dám!...
- Tôi nói thực tình chứ không nịnh rượu của cô đâu. Đói ngày giỗ cha no ba ngày tết, nhà chúng tôi cũng đầy rượu thịt, bánh trái. Nhưng ăn mà không có người cùng ngâm nga, không có chuyện mà tán tỉnh thì vô duyên quá. Tôi nói có phải không các ông?
- Đúng như vậy ; chuyện cô kể thật tuyệt vời. Điều đó đáng giá hơn ngàn lần hai mâm cỗ của cô.
Cô chủ mang tiếp ra hai chai rượu nữa. Không rõ những lời khen của khách là thật hay dỡn nhưng hai má cô đỏ ửng lên, mắt cô long lanh và rõ ràng trông cô xinh gấp bội ngày thường. Cánh đàn ông tiếp tục rót rượu, nhưng những người đàn bà đã nháo nhác đứng lên:
- Thôi đi chứ, Tết nhất mà ăn uống như thuồng luồng ba ba, quá bằng kẻ đói năm Ất Dậu.
- Ô hay, cứ để các ông ấy được tự nhiên. Tết có đông khách đến nhà ăn uống ra giêng chắc chắn sẽ làm ăn thịnh vượng.
- Sông nào cũng có bờ có bến, vườn dẫu hẹp dẫu rộng cũng có rào có dậu. Tiệc nào rồi cũng phải tàn. Về đi cho cô chủ nghỉ ngơi.
- Về đi! Tôi sốt ruột lắm rồi.
Những người đàn ông tuy có oai phong lẫm liệt nhưng sau rốt cũng phải hiểu rằng khi các bà lên tiếng có nghĩa rằng giờ đã điểm. Một ông dốc tuột chén rượu cuối cùng vào họng rồi hắng giọng:
- Nào các ông, cạn chén đi rồi đứng lên. Người xưa bảo:―Lệnh ông không bằng cồng bà. Người thời nay thêm vào: ― Nhất vợ, nhì trời.Thôi, chúng ta cũng phải nhìn người đời mà hành xử.
- Ông đúng là đồ râu quặp.
- Tôi đích thực râu quặp, xin nhường cho ông vểnh râu. Ở đây ai mắc bệnh râu quặp như tôi?
- Tôi.
- Tôi nữa.
- Tôi cũng vậy...
Các bà vừa vỗ tay tán thưởng, vừa cười sặc sụa khi nhìn các đức lang quân nghiêng ngả đứng lên. Sau rốt, chỉ còn lại hai ông râu vểnh. Hai ông này ngó xuôi ngó ngược thấy xung quanh đã đứng lên hết cũng đành dằn chén xuống mâm:
- Nào thì về! Rõ thật chán mớ đời cái bọn đàn bà. Chuyện đang rõ là vui.
Một bà đanh đá ngứa mồm đối đáp:
- Chuyện vui đến mấy cũng đến lúc chấm hết. Hát cô đầu hay đến mấy cũng đến lúc phải hạ trống chầu. Không kẻ nào cả gan tom chát suốt ngày dài đến đêm thâu. Chẳng qua vợ các ông quá hiền nên mới chịu bị bắt nạt.
- Việc ấy chẳng dây dưa đến nhà bà. Tôi có lấy bà làm vợ đâu?
- Ồ, may thật là may, phúc nhà tôi to bằng cái đình nên tôi không phải chui vào cửa nhà ông. Trên đời này ai ghét tôi thế nào tôi ghét hạng đàn ông vểnh râu như thế.
 
- Tôi cũng ghét...
Bà vợ ông râu vểnh đứng nép sau đám chị em, im lặng từ đầu giờ mới lên tiếng:
- Lòng vả cũng như lòng sung các bà ạ. Khốn nỗi các cụ đã dạy: « Ghét của nào trời trao của ấy » Chịu nhịn mãi rồi cũng thành quen...
- A....a....Con mẹ này hôm nay to gan nhỉ?
Ông râu vểnh quay lại nhìn vợ với đôi mắt trợn trừng, nửa như kinh ngạc nửa đe doạ. Bà vợ được kích thích bởi khí thế của láng giềng, cũng sửng cồ lên:
- Ai cũng da cũng thịt. Chị em người ta dám như thế, tôi cũng phải vùng lên chứ?
Đến đây thì cô chủ ra tay can thiệp vì không khí bắt đầu căng thẳng. Bước hai bước, cô xen giữa cặp vợ chồng, cười nụ cười tươi chưa bao giờ thấy:
- Bà ấy nói đúng đấy, tất cả loài người đều hát khúc hát vùng lên!
Rồi cô tủm tỉm nhìn quanh. Khi thấy mọi người đang ngẩn tò te trước cách diễn đạt quá văn chương của mình, cô liền cao giọng:
- Trong số các vị ở đây tôi điểm thấy tám đảng viên cả thẩy. Chẳng lẽ các vị đã quên bài hát tuyên thệ dưới đảng kì hay sao?
Tám ông đảng viên nhìn nhau, người này cầu cứu trí nhớ của người kia nhưng rốt cuộc tất cả đều ậm ừ, ngắc ngứ trong họng. Lúc đó cô Vui mới dõng dạc đọc từng lời từng chữ:
-― Vùng lên hỡi các nô lệ của thế gian ;
Vùng lên những ai cực khổ bần hàn ;
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành...
Thế nào, các ông đã nhớ ra chưa?
- Quên tiệt.
- Chịu cô thật. Ngày kết nạp thì phải cố học vài câu mà ư hữ cho qua chuyện. Xong thì thôi chứ có phải cơm áo gạo tiền đâu mà nhớ?
- Thế mà tôi cuộc rằng các ông nhớ không sót mảy may chuyện nhà ông Quảng. Điều đó đúng hay sai?
- Chả phải bàn. Cũng chả cần chối. Chuyện trong làng trong thôn thì chẳng cần vắt óc cũng nhớ như nhớ cái gối đầu giường. Còn những bài hát tận đẩu tận đâu, từ những bên Tầu bên Tây đưa về hơi sức đâu mà bận tâm cho nhọc?
- Chính phải.
Lúc ấy, một trong hai ông vểnh râu lên tiếng:
- Tôi đố các vị chuyện đã chấm hết chưa?
Vẫn là chị chàng đanh đá trả lời trước:
- Chẳng chấm hết thì còn gì nữa. Kết thúc, anh lấy ả, ả chui vào giường anh...Ông còn muốn gì hơn?
- Rõ thật là đồ đàn bà, óc không to hơn quả bưởi, mắt nhìn không quá hai sải tay.
- Phải chúng tôi ngu, nhường cho ông khôn hết...Rõ ra đồ sĩ diện, lòng tự ái to bằng cái bồ.
- Nghe cho rõ đây này: Chuyện bây giờ mới bắt đầu. Mọi người không thấy thể sao?
- Chúng tôi chẳng thấy gì hết. Người ta đã thương nhau, đã đi cuối núi cùng sông, đã làm thủ tục kết hôn hợp pháp, còn ai dám xen vào?
- Đã làm thủ tục chưa cô Vui?
- Tôi không rõ. Nghe người ta đoán già đoán non thế thôi.
- Mà không có thủ tục thì trai chết vợ, gái chưa chồng, làm gì được họ? Mấy ngàn năm trước tổ tiên mình vẫn lấy nhau vẫn sinh con đẻ cháu, có ai cần đến tấm giấy kết hôn với con dấu đỏ của chính quyền đâu?
- Tấm giấy kết hôn không to nhưng củ tỏi lại to. Vấn đề là ở đấy.
- Cái gì là củ tỏi? Ông định nói đến cái cặp ngọc hành lủng lẳng trong đũng quần chúng ta phải không?
- Sao mà tối dạ đến thế? Bìu dái là bìu dái còn củ tỏi là củ tỏi ; thứ nào đi thứ nấy. Ban đêm ông có sờ nhầm con hến của bà ấy thành cái ấm pha chè đặt trên bàn hay không?
- Ông ví von rắc rối bỏ mẹ.
- Rắc rối mới là sự đời. Bây giờ ai dám đánh cược với tôi là chuyện nhà này chấm hết? Còn tôi, tôi cho rằng màn vừa khép sau hồi một. Mà hồi hai mới thực xôm trò...Nào, ai dám chơi?
-.......
- Các vị nhát như cáy đồng. Không ai dám lên tiếng hay sao?
- Thôi, tôi chẳng dại.
- Cược với ông làm gì? Nhỡ đến tai người ta, miếng chẳng được lại nghe câu chửi. Xưa nay nhà ông ấy có hại ai bao giờ đâu?
- Thôi, đừng có bé xé ra to! Chuyện gì đến khắc đến. Xin thay mặt bà con cảm ơn cô chủ. Giao thừa năm nay vui thật là vui!
Đám người lục tục chuẩn bị đốt đuốc, rọi đèn, khoác áo ấm rồi kéo nhau ra về. Khi những ánh lửa bập bùng trên các ngả đường thôn Trung, gà đã cất tiếng gáy chào canh một. Chó sủa ran lên theo bước chân người. Trời đen như mực và không gian ắng lặng. Cô Vui tắt cây đèn măng-xông, bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa dưới ánh sáng của một dãy nến sáp ong tự chế.
Trong thâm tâm, cô phập phồng chờ đợi:
― Chuyện gì đến khắc đến!
Cô biết những người khác cũng đang chờ đợi như mình. Do tính thận trọng lưu truyền, người dân quê không bao giờ dám tham gia vào một vụ cá cược nhưng họ thầm kín theo rõi mọi câu chuyện và cũng thầm kín mong đợi nó xảy ra theo sự phán xét của mình. Luôn luôn ấp ủ giấc mơ trở thành kẻ phán xét, kẻ có quyền hành nơi những con người sống chật vật và đơn điệu. Cô Vui cảm thấy giấc mơ thầm kín ấy đang cựa quậy trong tâm hồn mình, tựa hồ cái bào thai đang quẫy đạp trong bụng một người mẹ. Cô linh cảm thấy ―...cái gì đó sẽ đến, không chóng thì chầy.... Cô nhớ đôi mắt vằn lên của chủ tịch Quý khi cô mô tả ngôi nhà hai tầng, bảy buồng của vợ chồng ông giáo làng Khoai. Bởi nhà của chính ông Quảng vẫn chỉ là kiểu nhà cổ truyền một tầng tuy rộng mênh mông và xương khung kết thuần gỗ tứ thiết. Còn nhà của Quý kém nước hơn nhiều. Vậy mà giờ đây bố con đĩ Ngân lại thượng trên tầng gác suốt ngày ngồi đọc sách, cảnh tượng ấy làm sao chịu nổi? Linh cảm mách cho cô Vui hiểu rằng cuộc tình này ắt dẫn đến bão tố. Nhưng bão tố theo kiểu nào, gió thổi từ núi cao hay từ biển xa tới, cô không thể dự đoán.
Bỗng nhiên, con mèo già trong bếp xồ ra, khoèo vào chân Vui:
- Cút ngay, con điên này...
Cô quát, tiện chân thượng cho nó một đạp.
- Ngoeo....ngoeo...eo...
Con vật nhảy phóc sang một bên, cất tiếng kêu ai oán, đôi mắt nó hướng về phía cô, tròn xoe nỗi kinh hãi và ngạc nhiên. Cô chủ tặc lưỡi:
- Mình quên, nó chưa được ăn. Suốt tối bận khách khứa, quên cả mèo.
Bỏ mớ bát đĩa đang dọn dở, cô vào trạn, lấy ra con cá kho, đặt vào chiếc đĩa mẻ dành riêng cho mèo ăn:
- Nào, giờ mới đến lượt mày...
Con vật vừa tiến đến đĩa cá vừa tiếp tục kêu, mắt không rời cô chủ. Dường như nó chưa hiểu và chưa thể bỏ qua hành vi lỗ mãng của Vui. Cô bỗng nhiên bật cười:
- Thôi, ngoeo ngoeo gì nữa, ăn đi cho rồi...
Rồi cô ngồi xuống, đối diện với con vật để cho nó yên tâm rằng cơn thịnh nộ của cô đã qua. Khi con mèo già cúi đầu xuống đĩa cá, cô bỗng nhiên có ý tưởng lạ lùng rằng cô cũng giống như một con mèo. Một con mèo đang ngồi rình mồi trong bóng tối. Nhưng không phải là một con mèo già mà là một con mèo cái, đang còn rất trẻ và tràn trề sinh lực. Ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy khiến cho cô tủm tỉm cười mãi một mình.
Con mèo ăn xong, liếm mép với vẻ hài lòng rồi tót lên nhà trên, khoanh mình trên cái ổ khâu bằng vải vụn. Cô Vui tiếp tục dọn nhà, rửa bát. Những ngọn nến đại cháy bùng bùng từ trên nhà xuống bếp, ánh sáng thừa thãi hoang tàng. Ong nhà nuôi, sáp làm nến quanh năm dư dả. Hơn nữa, bố cô đã dạy:
― Sống dầu đèn, chết kèn trống ―
Cô không việc gì phải tùng tiệm như những người đàn bà nheo nhóc một nách năm bảy đứa con. Bữa tiệc tất niên này khiến cô mãn nguyện.Vừa rửa bát, cô vừa lẩm nhẩm bài: Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian. Tự thán phục mình vì trí nhớ siêu việt và vì khả năng văn chương bỗng nhiên dạt dào tuôn chảy. Khi cô rửa xong bát đĩa, dọn nhà láng bóng như gương thì vừa rạng sáng. Trời lạnh, nhưng mồ hôi nhơm nhớp chảy dọc sống lưng. Cô tặc lưỡi:
- Tắm cái đã!Thế là năm nay, trước lẫn sau giao thừa, ta tắm cả thảy hai lần!
Đó là một sự bất thường. Vì người ta thường kiêng tắm sau giao thừa. Nhưng những kẻ sống độc thân thích thờ vị thần sạch sẽ. Vị thần này mang cho họ niềm kiêu hãnh mà những ai bìu díu con con, cháu cháu, chồng chồng vợ vợ không có quyền hưởng thụ.
Vui tắm xong, đồng hồ chỉ bảy giờ kém mười lăm. Sương hãy còn trùm phủ núi non nhưng những rặng cây quanh vườn đã lờ mờ hiện lên với những vòm lá ướt sũng. Cô chủ đứng nhìn vườn cây trong chốc lát, mơ màng. Rồi cô khoá cửa, lên giường ngủ:
― Cái gì sẽ đến, ngày mai?
Cô tự hỏi, khi khoan khoái duỗi tấm thân đồ sộ dưới tấm chăn bông.