Cái gì phải đến, ắt sẽ đến! Nhưng người ta chẳng cần súng sính văn chương chữ nghĩa, mà cũng chẳng cần nhọc công chờ đợi. Ngay chiều mồng một Tết, sự đã sinh. Vào lúc cửa nhà cô Vui còn đóng kín mít. Tiếng ngáy rền như sấm, lên bổng xuống trầm như giọng hò kéo gỗ của cô còn vang khắp năm gian nhà. Cái sự sinh, sinh sự. Cái cảnh màn hai trong tấn tuồng của gia đình ông Quảng mà cô thầm chờ đợi đã đến. Tiếc thay cô không được chứng kiến tấn tuồng ấy, dẫu cô là người duy nhất trong Xóm Củi đã trèo đèo lội suối đi đến tận làng Khoai xa xôi kia. Theo lệ thường, sáng mồng một Tết mọi người khăn áo chỉnh tề thay hương trên bàn thờ, cúng gia tiên. Cúng xong, trời ắt đã non trưa, họ được quyền ngả cỗ ra đánh chén một bữa tuý luý để cả năm có cơ dồi dào chè rượu. Cỗ xong, là thời khắc đón khách trong gia tộc. Thời khắc ấy, gia chủ đón con trai kèm theo con dâu, con gái kèm chàng rể và đàn đàn lũ lũ cháu nội cháu ngoại. Phải có mâm ngũ quả ê hề để trẻ con được quyền ăn thoả sức. Phải có hộp phong bao đỏ chót để phân phát một cách đồng đều tiền mừng tuổi cho đám hậu duệ, không kể gái hay trai, ngoại hay nội. Phải có bánh kẹo, các loại mứt khác nhau để mọi người nhấm nháp với nước trà. Năm nay, nhà ông Quảng chỉ có hai vợ chồng son. Cậu Quỳnh vẫn sống dưới thôn Hạ với bà ngoại. Sau buổi thương thuyết thất bại của hai cậu, chính Quỳnh phải lên xin bố áo quần và mọi thứ vật dụng kèm theo một khoản tiền đủ trả học phí lẫn sinh hoạt phí. Chỉ một tuần lễ sống dưới mái nhà ngoại, chàng trai đã hiểu rằng những lời nói tốt đẹp không ve vãn được túi tiền. Bà ngoại cũng như hai cậu chỉ có thể cung cấp những lời khuyên giải xuông hoặc những kích động không hiệu lực. Họ không thể làm gì hơn. Và Quỳnh đành chấp nhận sống ở đó như khách trọ, góp tiền ăn hàng tháng. Chàng trai không muốn quay lại mái nhà cũ, phần vì sĩ diện của kẻ đã tự ý khăn gói ra đi, phần vì nhan sắc của bà mẹ kế khiến cậu điên đảo. Chắc chắn hiểu lòng dạ con, ông bố không nài ép: - Được, anh muốn thế nào được thế nấy. Còn năm gian nhà dành cho anh, anh tính sao? - Bố hãy giành cho mẹ kế và các em. Con không có ý định quay trở lại. - Hãy nghĩ cho kĩ. - Con chỉ xin tiền bố học hết đại học. Học xong, con tự liệu thân. - Nếu được vậy, tôi lấy làm mừng. Chỉ e anh không vào nổi cửa trường trung cấp. - Con biết. Từ giờ con sẽ ra công học. - Được, tôi sẽ lo cho anh đủ tiền. - Con xin bố. Cuộc đối thoại chấm dứt và cậu con út xách chiếc hòm véc-ni vàng óng ra đi. Ắt là một cuộc chia ly tốt đẹp vì sau đấy, Quỳnh bỗng nhiên trở thành chín chắn, học đến đâu nhớ đến đấy. Thành tích vượt bực của cậu ta khiến cả trường kinh ngạc. Ông bố ở lại với tình yêu mới của mình. Cả một dinh cơ rộng mênh mông, năm gian nhà chính, mười gian nhà ngang cả bên tả lẫn bên hữu chỉ có anh với ả. Như thế Tết năm nay, ắt hẳn là ông Quảng sẽ là người được quyền mừng tuổi cho cô Ngân. Quà mừng tuổi của cô không phải là chiếc phong bì đỏ đựng mấy đồng bạc mới mà là một hộp nhung màu cánh hồng. Khi cô mở hộp, mắt cô sáng lên như điện và cô nhảy bổ đến bá cổ ông chồng: - Anh chàng kháu lão! Thật tuyệt vời. - Quà này liệu có xứng với cô gái làng Khoai? Hay là cô văn công quân khu tả ngạn?... - Văn công tả ngạn hay hữu ngạn cũng chẳng bằng về làm chủ trại nhà ông Quảng nơi xóm Thượng. - Mình có chắc không đấy? - Chắc như cột lim. - Hễ lão giáo Tường quay về đây rủ rê bỏ tớ mà đi thì tớ sẽ treo cổ lên cây mít đầu vườn. - Phỉ thui cái mồm nói láo. Mà anh nói treo cổ ai? - Treo cổ cô ả trước, rồi đến lượt tớ sau. Cùng một giờ không hơn không kém. Để sau này con cái tiện làm ma. - Nói gớm chết. - Sao non gan thế? Tôi đùa một chút thôi... - Đừng đùa dại như thế. Mình đã cay đắng bao nhiêu rồi. Mình sẽ sống cùng nhau đến lúc bước xuống mồ. Cô ôm chặt lấy ông, nước mắt rưng rưng tưởng như sự chia cách đang rình rập bên ngoài khuôn cửa. Ông ôm chặt lấy cô, để xác định sự chở che vô điều kiện của mình. Vào khoảnh khắc ấy, ông lại có một cảm giác hết sức chính xác, hết sức mãnh liệt như cảm giác trong lần gặp đầu tiên, khi cô bối rối đặt hai chai rượu xuống bàn, trong căn phòng trọ nơi thành phố: Cô chính là một phần xương thịt của ông, một phần đời của chính ông, phần đời mà ông đã quên lãng, đã đánh rơi từ bao nhiêu kiếp trước ở một vùng xa lơ xa lắc phía bên kia chân trời. Họ đứng như thế hồi lâu, trong không gian yên ả của đầu xuân, vừa đinh ninh vừa ngạc nhiên vì sao bỗng dưng họ lại gắn bó với nhau đến thế, vì sao bỗng dưng họ lại yêu nhau tha thiết thế, sợi dây thần bí nào của định mệnh đã ràng trói họ, hai con người vừa còn là những kẻ không quen biết trong một quãng thời gian chưa xa?... Rồi tiếng chó sủa và tiếng chân bọn trai trẻ đi chơi xuân sớm ngoài đường thôn khiến họ bừng tỉnh giấc mê tình ái. Cô Ngân vội vã mắc đôi nụ mặt đá ru-bi đỏ lên tai: - Thôi chết, đã đến giờ làm cơm cúng tổ tiên. - Không việc gì phải vội? Tổ tiên chứng dám rằng chúng ta cùng có lòng thành. Nửa trưa bưng cỗ lên là được. Ông đáp. Tuy chỉ có hai người nhưng cỗ cúng vẫn phải đủ lệ bộ. Dẫu xuất thân từ làng nghèo, nhưng đã nếm nhiều thứ cơm thiên hạ lại vốn dĩ thông minh nên cô Ngân đủ tay nghề lo liệu. Không cần chồng hỗ trợ cô vẫn làm được mâm cỗ mười món trong vòng hai tiếng đồng hồ: Gà luộc lá chanh, gà rán ướp mật ong, thịt bò xào măng, cá quả xào cần, thịt lợn xào bông cải, mọc gà, mọc lợn mộc nhĩ, chân giò nấu đông, tôm nấu bóng, xương sườn om măng. Còn các loại giò lẫn bánh nếp bánh chưng không tính. Đúng ngọ, cỗ bưng lên bày la liệt mặt bàn thờ. Mười tám đĩa lẫn bát cho món chính lẫn món phụ. Ông Quảng đứng vê râu trầm trồ khen vợ. Hương trầm bốc khói thơm ngát khắp mấy gian nhà. Có một thứ nồng ấm của ngọn lửa vô hình lan toả trong không gian, có một gương mặt tươi cười vô hình của vị thần hạnh phúc ngự trị dưới những mái nhà mà người ta yêu thương nhau.... Vào đúng lúc ông Quảng áo xống chỉnh tề, đứng ngay ngắn trước bàn thờ tổ tiên chuẩn bị khấn, Quý dẫn vợ và hai đứa con gái bước vào. Anh ta mang đến hai trái bưởi đào vườn nhà với mấy chồng bánh gai là thứ bánh bà Quảng thích ăn nhất khi còn sống. Đặt lễ vật trên bàn thờ xong, Quý nói: - Con xin được khấn mẹ con trước, xong việc con còn phải đi chúc tết các đoàn thể và dân xã. Ông Quảng quay lại, nhìn con trai: - Lui ra kia! Trên bàn thờ này có tổ tiên tôi năm bảy đời về trước. Sau đấy đến cụ kị, ông bà bên nội bên ngoại của tôi. Rồi đến cha mẹ, chú cô, cậu dì của tôi. Thứ nữa, đến người anh trai tôi chết trẻ. Mẹ anh, tức là vợ tôi còn phải chờ sau lượt ông ấy. Thứ tự đó là niêm luật, không có quyền đảo ngược. - Nhưng con... - Lui ra kia. Ông bố quát. Không nói ra nhưng ông biết rằng cả nhà Quý không ai chào cô Ngân, và cô đã lui ngay xuống bếp khi thấy vẻ sinh sự trên những gương mặt của họ. - Đây là nhà tôi. Không phải trụ sở uỷ ban xã. Quyền của anh dùng ở chỗ khác, không phải dưới mái nhà này. Vẻ quả quyết của ông khiến Quý chùn bước. Vợ anh ta, luôn luôn nép vào một xó nào đấy, thò tay kéo áo chồng. Quý đành hậm hực đứng yên, chờ ông Quảng khấn vái. Bài khấn của ông Quảng khá dài vì ông phải triệu hồi theo thứ tự từ cao xuống thấp vong linh tất cả những người thân thuộc, từ năm bảy đời trước cho tới bà vợ vừa chết mùa xuân năm vừa rồi. Quãng thời gian ấy quả là khó chịu đựng nổi với một đứa con thích sinh sự mà lại đang có quyền lực trong tay. Chủ tịch Quý hết dậm chân nọ lại đến chân kia. Dường như có một ổ kiến lửa đốt dưới bàn chân khiến anh ta không đứng yên nổi. Khi ông Quảng vừa dứt lời, anh ta liền nhào đến trước bàn thờ, vái hai vái cúi gập lưng kiểu như phường tuồng rồi cất tiếng gào thật to: - Mẹ ơi, mẹ ở dưới tuyền đài có khôn thiêng xin quay trở lại, mở mắt mà nhìn mọi sự nhiễu nhương dưới mái nhà này. Mẹ ơi, nhục nhã cho các con lắm. Tại sao mẹ vội ra đi để cho cóc nhái nhảy lên bàn, để gà tha rác vào nhà, quạ về đậu trên ngọn buởi ngọn cam làm tổ? - Ối mẹ ơi là mẹ... - Ối bà ơi là bà, bà đi đâu? Bà bỏ lại con cháu như vậy bà ơi? Vợ con Quý, hẳn đã được chuẩn bị sẵn ; lên tiếng kêu khóc như dàn đồng ca nhạc kịch hoà theo giọng độc tấu. Tiếng kêu gào của họ vang lên trong không gian yên tĩnh của xóm thôn. Vào giờ này, mọi người đang còn chuẩn bị quần áo trước khi ra đường. Theo cổ tục, trừ lũ trai thích chơi xuân sớm, không ai ra khỏi ngõ trước giờ Mùi. Do đó, mọi lời qua tiếng lại cũng như tiếng kêu khóc của gia đình ông chủ tịch xã lọt tuốt tuột vào những cái tai lúc nào cũng sẵn sàng giỏng lên của láng giềng bốn phía. Ông Quảng sững sờ chết lặng. Ông không chuẩn bị để đón nhận sự việc này. Nói cho đúng, chẳng một ai đủ sức tưởng tượng một sự việc như thế. Người ta lam làm cả năm, chờ đợi năm mới với tất cả những hy vọng mới. Ngày mồng một tết, là ngày thứ nhất của thời gian tương lai, của đoạn đời sắp tới, có tính chất đặc trưng thiêng liêng của sự khởi đầu. Bởi thế, không ai cãi nhau với ai ngày này, láng giềng dù có thù ghét nhau đến mấy cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà chào hỏi, chúc tụng vì nếu nói lời không hay, ý không đẹp thì sự rủi ro sẽ đến cho cả hai phía. Người ta kiêng mặc quần áo cũ, kiêng đi giầy dép cũ, kiêng chửi tục, kiêng quát tháo lẫn nhau, kiêng lườm nguýt nhau, kiêng khóc, kiêng làm bát đĩa vỡ, kiêng làm đổ nước tương, nước mắm, kiêng ném vỏ chuối hay vỏ cam ra sân, tất thảy những gì có thể gợi ý đến một rủi ro hay thiếu may mắn. Ngay cả đến những kẻ thù địch còn không dám sinh sự ngày tết, huống chi người thân thích, ruột rà? Vậy nên ông đứng bàng hoàng khi nhìn đứa con trai đầu và gia đình nó gào khóc trước bàn thờ tiên tổ, biến ngày Tết thiêng liêng thành một đám ma. Nhưng qua một khoảnh khắc kinh ngạc, hoang mang, ông hiểu rằng ông cần phải hành động. Rút phắt cây trượng dựng trong góc nhà, vật bất ly thân gần hai mươi năm khi đi rừng, ông trỏ vào mặt Quý và quát: - Cút ngay! Cút ngay lập tức! Đây là bàn thờ tiên tổ của tôi chứ không phải bàn thờ riêng cho mẹ anh. Nếu anh có lòng hiếu đễ, tôi cho phép anh mang ảnh bà ấy về nhà anh mà thờ. Lũ vợ con anh nữa, cút ngay khỏi nhà này, tôi cần con cần cháu, nhưng không cần bọn lưu manh phá rối. Tôi không cho phép lũ bất nhân biến mái nhà này thành cái chợ. - Trời đất ơi, ông đuổi con đuổi cháu ra khỏi nhà, ông ơi... Vợ Quý tiếp tục gào, trong khi anh chồng giương đôi mắt đỏ vằn nhìn bố. Hơi thở anh ta sặc sụa rượu ; chắc hẳn đứa con trai đã phải mượn hơi men trợ sức trước khi tới gây sự với ông bố già: - Mẹ tôi đã sống ở đây, ông không có quyền đuổi tôi ra khỏi cửa nhà này. Ông Quảng đứng ngây người trong giây lát, dường như không tin vào đôi tai mình...Trong gia tộc của ông, con không được quyền xưng tôi với bố, bất luận tình cảnh nào. Tất cả đám con ông, cũng như con cái của những người em trai ông và chị ông, đều biết rõ luật lệ này và coi đó như một thứ đạo luật của gia đình, phân biệt họ với những dòng họ khác, ít nghiêm minh hơn trong nền nếp gia phong và sự giáo dục. Chưa bao giờ trong dòng họ nhà ông xảy ra sự ô nhục này. Quý biểt rõ điều ấy. Bây giờ, chính anh ta là kẻ đầu tiên khạc nhổ lên lề thói của gia tiên. Ông Quảng đứng lặng như thế hồi lâu. Những cơn nhói liên tục chạy qua tim như có kẻ liên tục đâm những nhát gươm xuyên qua nó. Lần đầu tiên trong đời, ông hiểu rằng trái tim một người bố cũng vô cùng mong manh và dễ bị tổn thương. Lần đầu tiên trong đời, ông biết nỗi đớn đau chua chát khiến hai mắt ông như mờ đi, và những cơn rung động lướt qua toàn thân ông như những cơn run của người sốt rét. Ông biết rằng sự thay đổi cách xưng hô là dấu hiệu của giới hạn cuối cùng. Rằng sau đây, họ sẽ không bao giờ còn là cha con như thuở trước. Không bao giờ còn như xưa. Cơn đau đớn vẫn nhói lên không ngừng nhưng cùng lúc ấy tấm thân ông đột nhiên cứng lại như đá, một cảm giác giống hệt cảm giác của lần đầu, khi ông mười bảy tuổi, lần đầu đặt lên vai cây cột nhà trước những con mắt thách thức của đám trai xóm Thượng. Người cha nhìn bộ mặt đứa con trai, biến dạng bởi hận thù và men rượu. Một khoảnh khắc yên lặng nữa trôi qua. Rồi đột ngột, ông bố cất tiếng cười: - Ông chủ tịch say rồi... Ông tiếp tục cười gằn và giọng nói của ông bỗng trở nên lạ lùng khiến đứa con trai ông lẫn gia đình nó đưa mắt nhìn nhau kinh ngạc: Chưa bao giờ họ nghe ông nói với mọi người bằng cái giọng ngọt ngào, trịnh trọng như thế: - Bà chủ tịch đưa ông về nhà nếu không tôi sẽ đem chuyện này lên thưa kiện huyện. Chủ tịch say rượu đến quấy rối nhà dân. - Ông nói gì? Chủ tịch Quý hỏi lại, mắt trừng trừng nhìn bố. Có lẽ anh ta say, hoặc đúng hơn là anh ta thiếu thông minh để hiểu rằng người cha đã chuyển giọng, đó cũng chính là dấu hiệu của giới hạn cuối cùng: Ông đã phải đối đáp với đứa con rứt ruột đẻ ra bằng thứ ngôn ngữ ngọt ngào, thớ lợ. Thứ ngôn ngữ của kẻ chuyên đi kiếm cơm đất khách. Buông từng tiếng thong thả, ông Quảng đáp: - Ông chủ tịch say rượu đến quấy rối nhà dân. Như thế, là làm tổn hại danh dự của đảng và chính quyền. - Ông nói gì? - Bây giờ, ông không còn là con tôi nữa. Ông là chủ tịch xã, đại diện chính quyền. Ông say rượu, dẫn đồng bọn đến phá rối nhà dân. - Tôi không say, tôi nhục vì ông lấy một con điếm về làm vợ. - Xưa nay, các cụ vẫn dạy ―Người ta lấy đĩ về làm vợ, không ai lấy vợ về làm đĩ. Nếu cô Ngân là đĩ, tôi cũng chưa làm sai lời dạy của người xưa. Nhưng nếu vợ tôi không phải là điếm, ông chủ tịch sẽ chịu tội vu khống và nhục mạ công dân. Ông có hiểu điều đó không? - Vợ ông không là điếm thì cũng là con đĩ chửa hoang. Ông tưởng rằng không ai biết chuyện thày ngủ với trò, con Ngân ễnh bụng với lão giáo Tường hay sao? Ông nghĩ rằng cứ quắp một con đĩ ở hang cùng ngõ hẻm, hay cuối núi cùng sông về đây là có thể bít bùng mọi sự, che mắt được thế gian hay sao? - Xưa nay, tôi vốn hành xử giữa thanh thiên bạch nhật, không có điều gì cần che mắt thế gian...Ông chủ tịch chui từ mái nhà này ra mà mau quên đến thế thì trí khôn ngắn ngủi thật. Đúng, cô Ngân chửa hoang. Cô ấy chửa với người cô ấy yêu là ông giáo Tường. Cũng như hàng vạn người đàn bà khác chửa với người đàn ông họ chọn. Cô ta chửa hoang vì cô ta mắn như gà ri. Còn nhiều người đàn bà khác không chửa hoang vì họ may mắn không thuộc loại máu bồ câu mà máu vịt. Ví như mẹ anh chẳng hạn. Bà ấy không chửa hoang vì không thuộc nòi mắn đẻ chứ chẳng phải vì cầm thật chặt chữ trinh. Trước khi cưới mẹ anh tôi đã đưa bà ấy lên núi Trúc vàng chơi cả năm rồi Anh có muốn tôi chỉ cho anh chỗ nào tôi ngả bà ấy ra không? Đến đây, chính đứa con trai há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Giống như kẻ bị sét đánh ngang tai. Rồi khi đã hiểu rõ những lời lẽ ông bố vừa nói, anh ta tru lên như con lợn bị chọc tiết: - Không đúng, ông đổ điêu cho mẹ tôi! Tôi không tin! - Tôi với mẹ anh đang tuổi xuân thì, đi củi đi rừng với nhau quanh năm, ai cấm nổi chúng tôi? Việc gì chúng tôi phải nhịn thèm nhịn nhạt, việc gì chúng tôi phải chờ đợi cho đúng ngày đúng tháng, bề nào ăn hỏi rồi, hai gia đình kết giao rồi, sớm muộn chúng tôi cũng lên giường với nhau. -..... - Anh đắng họng không trả lời được vì anh quen giả dối. Bản thân anh chị nữa, anh chị chẳng đã no xôi chán chè với nhau cả năm trời trước khi tôi lo đủ tiền cưới hay sao? Cái bận anh chị lén lút đưa nhau đi nạo thai dưới huyện, anh tưởng mắt tôi thong manh chắc? Tiền mẹ anh dúi cho anh là tiền móc từ túi quần tôi, sao tôi không biết? May mà còn đẻ được. Nhiều trường hợp nạo thai đứa đầu lòng gây vĩnh viễn vô sinh. Vợ Quý đang há hốc mồm ra nhìn bố chồng tới đó bật khóc vì hổ thẹn. Hai đứa con gái đến tuổi cập kê lẫn cậu con trai cúi mặt xuống. Tất cả đều hành động dưới cây gậy chỉ huy của ông bố. Và lúc này, ván bài lật ngược, ông bố lẫn bà mẹ bị bóc mẽ khiến cho cả lũ con không dám ngửng đầu lên. Ông Quảng hạ giọng: - Thôi nhé, đã sinh sự thì sự sinh. Đẻ ra anh nhưng từ khi anh mười ba tuổi, tôi đã hiểu anh là hạng người nào. Tôi đã cố tìm mọi cách xoay chuyển nhưng không lại. Chẳng ai chống được mệnh trời. Từ nay anh đừng bao giờ đặt chân đến cửa nhà tôi nữa. Chúng ta không còn là bố cũng chẳng còn là con. - Đấy là tự ông muốn thế. - Anh nhầm tưởng, người ta không thể muốn hay không muốn. Nhưng một khi đã xô đẩy nhau đến nông nỗi này, mọi sự ắt phải đổi thay. -.... - Bây giờ, tôi hỏi điều cuối: Anh có muốn được độc quyền cúng giỗ mẹ anh hay không? -.... - Anh không dám mở mồm vì anh tiếc của. Làm người khó lắm anh Quý ạ. Mở mồm thì dễ còn mở bàn tay khó hơn nhiều. Lòng hiếu đễ nơi bọt mép ai cũng có cả. Nếu anh không muốn, tôi sẽ tiếp tục làm giỗ cho mẹ anh, như thường lệ. Bà ấy đã từng là vợ tôi và bây giờ vẫn là vợ đã chết của tôi. Bà ấy không có lỗi với tôi. Nhưng anh lại khác. Từ ngày này trở đi, tôi không có anh. Đám người đứng đờ đẫn. Có thể vì sự việc diễn biến quá nhanh và họ chưa kịp hiểu hồi kết thúc. Có thể vì con người thường có thói quen nhận biết mọi sự theo những ước định đã tồn tại trong óc não họ. Những ước định cổ nói rằng tình huyết mạch là sợi dây không bao giờ đứt, rằng: ― Anh em có chém nhau cũng chém nhau đằng sọng, không ai chém nhau đằng lưỡi! Và với những ước định ấy, họ tin rằng dù họ làm gì chăng nữa, ông Quảng cũng không thể đẩy họ ra ngoài ngưỡng cửa ngôi nhà này, ngôi nhà mà họ tin chắc đứa con trai duy nhất của họ mai đây sẽ là chủ nhân. Nhưng ông Quảng đã ném cây trượng trở lại góc nhà, nhìn họ và hạ giọng: - Đi đi! Đi khỏi đây! Ông nói nhỏ, gần như thì thầm, nhưng trong giọng thì thầm ấy, sự đã thành, nước đã chảy, thuyền đã trôi. Không có gì quay ngược lại.