Mấy con ngựa thật là tốt. Chỉ già nửa tiếng đồng hồ một tí, Tsitsikôp đã qua hết cái khoảng mười verxta ngăn cách hai điền trang. Sau khi vượt qua khu rừng sồi, băng qua những cánh đồng lúa đã bắt đầu xanh tốt, cỗ xe men theo con đường chênh vênh bên sườn núi - từ đấy luôn luôn thấy hiện ra những chân trời mới - rồi qua một con đường rộng hai bên trồng hai cây bồ đề lá còn thưa thớt, và đi thẳng vào trung tâm trang ấp của vị tướng. Tiếp theo hai dãy bồ đề là những cây phong ở phía dưới thân quây một vòng rào đan bằng miên liễu. Con đường vòng sang phải, dẫn đến một cái cổng sắt; qua cánh cổng có thể trông thấy cái mặt hiên hình tam giác của tòa nhà chạm trổ rất đẹp, dựng trên tám cái cột kiểu Kôrintiakôx {Cột thuộc kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp lộng lẫy nhất, đầu cột trang trí}. Mùi sơn phảng phất tỏ ra rằng ở đây người ta không để cho một vật gì cũ đi cả. Cái sân sạch bóng như một sàn gỗ. Tsitsikôp kính cẩn xuống xe, cho người vào báo và được đưa vào phòng làm việc của vị tướng. Vẻ uy nghiêm của gian phòng khiến y phải sửng sốt. Tướng quân Bêtrisep mặc một chiếc áo trong nhà bằng xa tanh chần màu huyết dụ rất đẹp. Cái nhìn thẳng thắn, vẻ mặt quắc thước, bộ ria mép và bộ râu má rậm đã hoa râm, cái gáy cạo nhẵn dưới bộ tóc húi bàn chải, cái cổ phốp pháp, ở phía sau da dày cộm lên ba ngấn, có một nếp gấp ở quãng giữa: nói tóm lại, đó là một trong những viên tướng mà người ta gặp nhan nhản hồi năm 1812 bất hủ. Cũng như rất nhiều người trong chúng ta, tướng Bêtrisep có rất nhiều đức tính tốt bên cạnh một mớ tính xấu; cả hai thứ đó kết hợp, pha trộn lẫn nhau trong người ông ta thành một mớ hỗn mang rất thú vị. Vào những giờ phút quyết liệt, có thể thấy rõ tính đại lượng, lòng dũng cảm một lòng hào hiệp không bờ bến, một trí thông minh sâu sắc; bên cạnh đấy lại có những cơn dở chứng bất kỳ, tính tự ái và dễ mếch lòng mà không một người Nga nào thoát khỏi khi sống trong cảnh ăn không ngồi rồi. Ông không ưa tất cả những ai vượt qua mặt ông trên con đường thăng quan tiến chức, và khi nói đến họ ông dùng một giọng cay cú và đưa ra những lời châm chọc chua chát. Ông đặc biệt thù ghét một người bạn cũ mà ông cho là thua kém mình cả về tài lẫn trí; nhưng lại đã bỏ xa ông và nay đã lên đến chức tổng trấn hai tỉnh, mà lại đúng là hai tỉnh trong đó có những điền trang của ông, thành thử có thể nói là ông đang ở dưới quyền cai trị của hắn. Để trả đũa, bạ có dịp là ông công kích hắn ta, lên án những mệnh lệnh của hắn ta, và trong bất cứ hành động nào của hắn, ông cũng đều thấy thể hiện một sự phi lý đến cùng cực. Ở ông ta cái gì cũng kỳ cục, bắt đầu từ học vấn trở đi, tuy ông ta là một người bênh vực nền học vấn rất nhiệt thành. Ông thích nghi lễ hào nhoáng; ông cũng thích biết những điều mà người khác chẳng hề hay, và không ưa những kẻ nào biết được những điều mà ông không biết. Nói tóm lại, ông rất sẵn sàng phô trương trí thông minh của mình. Được hấp thụ một nền giáo dục mà một phần nửa là ngoại lai, đồng thời ông lại muốn đóng vai một đại lãnh chúa Nga. Với một tính khí thất thường như vậy, với những nét tương phản rõ ràng như vậy; dĩ nhiên trên bước đường sự nghiệp, ông phải gặp nhiều trắc trở. Ông bèn từ chức, đổ hết tội nợ cho một bè phái thù địch với ông; vì không có đủ tính cương trực để buộc tội mình bất cứ một điểm nào. Trong nhà, ông vẫn giữ nguyên tư thái lúc nào cũng uy nghi, dù khi mặc áo đuôi én, áo dài rộng hay áo ngủ. Từ giọng nói cho chí những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của ông cũng đều oai vệ, hách dịch, khiến người dưới nếu không kính nể thì cũng phải e dè. Tsitsikôp có cả hai cảm giác đó. Đầu kính cẩn cúi xuống, hai cánh tay dang ra như sắp sửa nâng một cái khay xếp đầy chén tách; y cúi gập mình xuống một cách rất đẹp mắt và nói: - Lòng đầy niềm tôn kính đối với những tranh anh hùng đã cứu quốc trên các chiến trường, chúng tôi tự thấy có bổn phận đến trình diện Tướng công. Mấy lời mở đầu này hình như không khỏi làm cho vị tướng hài lòng. Sau một cái nghiêng đầu đầy thiện cảm, ông ta nói: - Rất sung sướng được làm quen với ông. Mời ông ngồi. Ông đã tòng ngũ ở đâu? - Chúng tôi đã bắt đầu hoạn lộ trong ngành tài chính - Tsitsikôp vừa trả lời vừa ngồi xuống ghế bành; không phải ở chính giữa ghế, mà ngồi lệch sang bên mép, cánh tay tựa vào tay ghế - sau đó chúng tôi chuyển qua nhiều nơi: tòa án, thuế quan, lại cả một ủy ban xây dựng nữa. Bẩm Tướng công, đời chúng tôi có thể ví như một con thuyền bềnh bồng trên sóng. Chúng tôi được bao bọc trong tính kiên nhẫn, được khoác một bộ giáp kiên nhẫn; có thể nói chúng tôi là hiện thân của tính kiên nhẫn. Còn như những kẻ thù đã mưu hại chúng tôi thì dù là lời nói, dù là thuốc vẽ hay bút lông, cũng đều không thể nào gợi lên một hình ảnh đứng đắn được; thành thử trong buổi xế chiều của cuộc đời, chúng tôi chỉ tìm một nơi thanh vắng để sống nốt những ngày tàn. Hiện nay chúng tôi trú ngụ ở nhà một người láng giềng của Tướng công. - Ai thế? - Thưa, Tentietnikôp ạ. Mặt vị tướng sa sầm lại. - Ông ta rất hối tiếc đã không bày tỏ được lòng tôn kính xứng đáng với… - Với gì? - Với phẩm giá của Tướng công. Ông ta không tìm được lời lẽ… “Giá tôi có được cách gì… ông ta nói thế, vì tôi biết tôn quý những bậc anh hùng đã cứu quốc.” - Xin phép ông, tôi không giận đâu; vị tướng nói, trong bụng đã nguôi nguôi. Trong thâm tâm, tôi vẫn thành thật mến ông ta và tôi tin chắc rằng rồi đây ông ta sẽ trở nên một người rất hữu ích. - Thưa Tướng công, ngài dạy rất phải: một người tối ư hữu ích; ông ta có khiếu hùng biện và là người biết cầm bút. - Chắc ông ta viết những chuyện phiếm, làm thơ làm thiếc chứ gì? - Thưa Tướng công, không phải ạ… ông ta viết đúng đắn. Ông ta viết… sử. - Sử gì? - Sử…, Tsitsikôp ngừng một lát; rồi không biết vì đang đứng trước mặt một vị tướng, hay vì muốn cho câu chuyện có vẻ quan trọng hơn, y nói thêm: - Thưa Tướng công, lịch sử các tướng lĩnh ạ. - Tướng lĩnh nào? - Dạ, các tướng lĩnh nói chung ạ… Nghĩa là, nói cho đúng ra là lịch sử các tướng lĩnh của ta ạ. Tsitsikôp líu lưỡi lại, bực quá suýt nhổ toẹt một bãi và nghĩ thầm: “Chà, mình nói nhảm gì thế này…” - Xin lỗi ông, tôi chưa hiểu rõ… Đây là lịch sử một thời đại hay là lịch sử một số nhân vật riêng rẽ? Có phải là thân thế tất cả các tướng Nga hay chỉ là những vị tướng đã tham gia chiến dịch 1812? - Chính thế, thưa Tướng công, chính là các tướng hồi 1812 đấy ạ! Trong khi nói như vậy, y nghĩ thầm “Có giết chết, tớ cũng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao!”. - Thế sao ông ta không đến gặp tôi? Tôi cũng có thể cung cấp cho ông ta những tài liệu khá lý thú. - Bẩm Tướng công, ông ta không dám ạ. - Thật là vớ vẩn! Chỉ vì một câu nói vô nghĩa mà đâm ra thế… Nhưng tôi có phải hạng người như thế đâu. Tôi sẵn sàng đến thăm ông ta nữa là khác. - Ông ấy sẽ không để Tướng công nhọc lòng đâu, Tsitsikôp nói; bây giờ y đã lấy lại được lòng tự tin. Y nghĩ thầm: “Chà! Chà! Các vị tướng lĩnh của ta đến đúng lúc thật! Thế mà mình cứ tưởng là lỡ lời nói nhảm!”. Có tiếng sột soạt nhè nhẹ trong phòng làm việc. Cánh cửa bằng gỗ hồ đào của một chiếc tủ chạm mở ra; và bàn tay đặt trên quả đấm bằng đồng, một dáng người hiện ra trong khung cửa. Giả sử trong căn phòng tối mờ mờ này mà có một bức tranh sáng rực hiện ra, thì sự hiển hiện đột ngột ấy hẳn không làm cho người ta sửng sốt bằng người vừa vào. Có thể thấy rằng người ấy định đến nói điều gì, nhưng vì thấy có khách lạ nên lại thôi. Tưởng chừng như cùng vào với người đó, có cả một tia nắng tươi vui tràn ngập căn phòng làm việc khắc khổ của vị tướng. Không thể nào đoán ra xứ sở quê hương của nàng; không thể tìm thấy ở một nơi nào, họa chăng là ở những bức phù điêu cổ chạm trên ngọc thạch, những nét mặt thuần khiết, cao quý đến như vậy. Vóc thẳng và nhẹ như một mũi tên, nàng có vẻ như vượt lên cao hơn hẳn mọi người; sự cân xứng hoàn thiện của mọi bộ phận trên thân thể nàng khiến người ta có ảo giác như vậy. Chiếc áo dài nàng mặc vừa vặn ăn nhịp với vẻ đẹp của nàng đến nỗi có thể tưởng như tất cả các bà thợ khâu khéo léo nhất đã cùng góp sức lại bàn cách ăn mặc cho nàng. Lại một ảo giác nữa: dường như ở vài ba nơi nào đó, mũi kim đã kết lại một tấm hàng nguyên vẹn, và tấm hàng đã tự nó rập khuôn lên thân hình nàng một cách trang nhã; đến nỗi, giá có ai vẽ nàng đứng cạnh những tiểu thư ăn mặc theo thời trang mới nhất, thì so với nàng những tiểu thư ấy sẽ có vẻ những hình nhân buộc vải. Và giá có ai tạc hình nàng vào cẩm thạch với tất cả những nếp gấp của chiếc áo vừa vặn như đúc khuôn lên mình nàng, người ta sẽ có ngay một kiệt tác… Một khuyết điểm duy nhất là nàng quá mảnh và gầy. - Xin giới thiệu cô con gái rượu của tôi, vị tướng nói với Tsitsikôp. Xin lỗi, tôi vẫn chưa được biết tên thánh và phụ danh của ông. - Có cần gì phải biết tên của một kẻ chưa chút gì tỏ ra tài đức? Tsitsikôp khiêm nhường đáp. - Thế nhưng cũng phải biết chứ. - Thưa Tướng công, Paven Ivannôvits ạ; Tsitsikôp vừa nói vừa nghiêng mình một cách nhanh nhẹn, thoải mái, gần như một quân nhân và vụt ngẩng lên một cách nhẹ nhàng như một quả bóng cao su. - Ulinka ạ, vị tướng nói, Paven Ivannôvits vừa cho cha biết một tin khá thú vị. Ông Tentietnikôp, láng giềng của chúng ta, tuyệt nhiên không phải ngốc như chúng ta tưởng. Ông ta đang viết một bộ sách khá lớn: lịch sử các tướng lĩnh năm 1812. - Ai bảo ông ta ngốc? Người con gái nói nhanh. Ngốc thì họa chăng chỉ có Visnepôkrômôp, con người vô nghĩa và đê tiện mà cha vẫn tin cậy ấy. - Vô nghĩa thì được, nhưng đê tiện thì không phải đâu; vị tướng nói. - Không những vô nghĩa, mà còn hèn hạ và khả ố nữa. Một người mà đã làm hại các em trai và đuổi em gái ra khỏi nhà cha mẹ là một con người khả ố. - Toàn những chuyện đồn nhảm! - Không phải vô cớ mà người ta lại đồn như thế. Cha ạ, con không hiểu tại sao một người có tấm lòng trung hậu và tâm hồn cao cả như cha mà lại đi tiếp một kẻ thấp kém hơn cha đến như vậy, một người mà cha đã biết là tâm địa xấu xa. - Ông thấy chưa, vị tướng mỉm cười nói với Tsitsikôp; cha con chúng tôi vẫn cãi nhau như thế đấy. Rồi quay về phía con gái, ông nói tiếp: - Nhưng con ạ, chả lẽ cha lại tống cổ hắn ra khỏi nhà? - Thôi được. Nhưng tại sao lại tỏ ra ân cần với hắn như vậy. Sao lại yêu mến hắn? Đến đây, Tsitsikôp thấy cần chêm vào một câu. - Mọi sinh vật trên đời đều muốn được yêu mến, tiểu thư ạ. Ngay như con vật cũng thích được vuốt ve; qua các chấn song của chuồng bò, nó chìa mõm ra để cho người ta vuốt ve nó. Vị tướng cười lớn: - Đúng thế đấy; nó chìa mõm ra cho người ta vuốt ve!... Ha, ha, ha! Khắp mõm, khắp mình mẩy nó đều lấm bùn, nhưng nó cũng đòi hỏi một cử chỉ khuyến khích, như người ta thường nói… Ha! Ha! Ha! Một trận cười như phá làm rung cả nửa người trên của vị tướng. Hai vai của ông, trước kia đã từng đeo một đôi ngù vai nặng trĩu, rung lên như thể nay vẫn còn đeo đôi ngù vai đó. Tsitsikôp cũng bật cười theo; nhưng vì kính nể vị tướng, cho nên không mở to thành tiếng “a”, mà chỉ mở hé miệng thành tiếng “ê”: Hê! hê! hê! Nửa người trên của y cũng rung lên vì trận cười, nhưng hai vai y xưa nay chưa từng đeo ngù vai nặng cho nên không rung. - Ha! Ha! Con vật ấy ăn cắp, nó vục cả hai tay vào Ngân khố để ăn cắp, thế mà lại còn đòi hỏi một phần thưởng! “- Tôi cần được khuyến khích, hắn nói thế, công lao khó nhọc thì phải được đền bù”… Ha! Ha! Ha! - Thưa Tướng công, Tướng công đã có bao giờ nghe nói đến câu: “Hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi còn râu ria bờm xờm, đến khi cằm chúng tôi nhẵn rồi thì thiếu gì người yêu” chưa ạ? Tsitsikôp nói với vị tướng, môi nở một nụ cười tinh quái. - Không, tôi không biết chuyện ấy. - Một mẩu giai thoại rất lý thú, thưa Tướng công ạ. Trong điền trang của công tước Gukzôpxki, mà Tướng công chắc có biết… - Không, không biết. - Thưa Tướng công, xin Tướng công thử tưởng tượng là quản lý điền trang này là một anh chàng người Đức trẻ tuổi, nhân dịp tuyển binh và nhân một số việc khác, lên tỉnh gặp một số người có vai vế, và tất nhiên là có chút vi thiềng cho họ (Tsitsikôp nháy mắt, làm một điệu bộ ngụ rất nhiều ý nghĩa)… vả lại họ cũng thết đãi hắn ta, thành thử có một hôm đang ăn tiệc với bọn họ, hắn nói: “Ấy, thưa các ngài, sau này thế nào cũng xin mời các ngài đến chơi tôi, ở nhà công tước!”. Họ trả lời: “Được lắm!”. Ít lâu sau, tòa án phải điều tra tại chỗ, nhân một vụ lôi thôi xảy ra trên địa phận bá tước Triôkhmêtiep mà Tướng công chắc có biết. - Không biết. - Đáng lẽ đi điều tra thì họ lại kéo thẳng vào nhà lão quản gia và suốt ba ngày, ba đêm đánh bài liên miên. Ấm xamôva và liễn rượu pơns không rời khỏi mặt bàn. Lão quản gia của bá tước phát điên lên với họ. Lão nói: “- Thưa các ngài, xin các ngài sang thăm ông quản lý của công tước một chút; anh ta ở gần ngay đây thôi, và đang mong các ngài. - Phải đấy, anh ta có mời chúng mình nữa là khác!”. Lập tức cả bọn, mặt ngái ngủ, râu ria không cạo, lên xe têlêga đến nhà anh chàng người Đức. Thưa Tướng công, anh này lại vừa mới cưới vợ. Anh ta lấy được một cô thiếu nữ mới ở trường có nội trú ra, hết sức xinh xắn và tế nhị vô cùng (Tsitsikôp làm ra một vẻ mặt tế nhị). Bấy giờ có thể nói là họ đang giữa tuần trăng mật. Họ đang ngồi uống trà như hai con cừu non, thì cánh cửa vụt mở, và cả bọn ập vào. - Chắc bọn họ trông hay đáo để nhỉ! Vị tướng vừa cười vừa nói. - Thưa Tướng công, anh chàng người Đức ngạc nhiên quá, mất cả trí khôn. Anh ta bước tới, nói với họ: “Các ông cần gì?” - À ra thế đấy. Họ lập tức thay đổi thái độ: đã thế thì cho biết tay. - “Ta vào việc thôi. Trong điền trang này cất bao nhiêu rượu? Sổ sách đâu đưa xem!”. Anh kia muốn trì hoãn, nhưng lập tức bị trói gô lại, bắt giải lên tỉnh ngồi tù mười tám tháng. - Ái chà! - Vị tướng nói. Ulinka chắp hai tay lại. - Vợ anh ta cố chạy chọt, nhưng thưa Tướng công, một người thiếu phụ chưa có kinh nghiệm, có thể nói là chưa được thử thách ở trường đời như vậy, thì phỏng làm gì được? May thay có những người phúc hậu, người ta khuyên nhủ cách dàn xếp cho ổn thỏa. Anh chàng người Đức được tha sau khi đút lót hai nghìn rúp, và phải mở tiệc hậu tạ. Trong bữa tiệc, khi mọi người, kể cả khổ chủ, đều đã chếnh choáng hơi men, họ bảo anh ta: “Anh thấy chưa! Dạo ấy anh kinh tởm chúng tôi! Giá chúng tôi cạo râu tử tế thì anh thích hơn. Không được, hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi còn râu ria bờm xờm; đến khi cằm chúng tôi nhẵn rồi thì thiếu gì người yêu”. Vị tướng cười phá lên. Khuôn mặt đẹp đẽ và cao quý của người thiếu nữ đượm vẻ đau thương. - Ồ! Cha kìa! Con không hiểu tại sao cha lại có thể cười được! Những hành động bất lương ấy chỉ làm cho con buồn thôi. Khi con thấy sự gian dối diễn ra công khai trước mắt mọi người như vậy, mà những kẻ như thế lại không bị mọi người phỉ nhổ, con không còn biết trong lòng con ra sao nữa; con đâm ra cáu gắt và thậm chí trở thành độc ác… Nàng suýt khóc. - Nhưng xin con đừng giận cha và ông bạn đây, vị tướng nói. Chúng ta biết làm thế nào được, phải không ông? ông ta nói với Tsitsikôp. Hôn cha rồi về phòng đi con ạ. Cha sẽ đi mặc áo để ăn chiều đây. Anh ăn chiều với tôi chứ? Ông ta vừa nói vừa nhìn vào tận mắt Tsitsikôp. - Thưa Tướng công, con thật không biết… - Thôi đừng có khách khí nữa. Nhờ trời, tôi còn có đủ súp và thịt bò để thết khách. Hai tay dang ra, Tsitsikôp nghiêng đầu kính cẩn tỏ lòng biết ơn, thành thử trong giây lát y không còn trông thấy những đồ đạc ở trong phòng nữa, chỉ thấy có đôi mũi giày của mình. Sau khi giữ cái tư thế kính cẩn ấy một lát, y ngẩng đầu dậy thì không thấy Ulinka đâu nữa. Ở chỗ nàng đứng lúc nãy chỉ có một người hầu phòng to lớn, để râu má và ria mép rất rậm, tay bưng một cái chậu bạc và một bình nước. - Anh cho phép tôi mặc áo trước mặt anh chứ? - Thưa, Tướng công không những có thể mặc áo, mà còn có thể làm bất cứ việc gì trước mặt chúng tôi, cũng xin tùy ý ạ. Vị tướng dùng một tay hất chiếc áo mặc trong nhà xuống, xắn hai ống áo sơ mi trên đôi cánh tay lực lưỡng, rồi bắt đầu rửa mặt, vừa rửa vừa rung đầu lia lịa như con vịt, làm nước và xà phòng bắn ra tung tóe. - Thế nào ấy nhỉ? - ông ta vừa kì cổ vừa nói… Hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi nhẵn… - Thưa Tướng công, khi cằm chúng tôi hãy còn râu ria bờm xờm ạ. - Hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi còn râu ria bờm xờm đến khi cằm chúng tôi nhẵn rồi thì thiếu gì người yêu. Hay lắm! Quả tình, người ta thích được khuyến khích lắm. Người ta thích được khuyến khích lắm. Người ta thích được vuốt ve, vì không có ai khuyến khích thì người ta không ăn cắp được… Ha! Ha! Ha! Tâm trạng Tsitsikôp lúc này thật khó tả. Bỗng y nảy ra một ý: “- Vị tướng này vui tính đây, hay ta thử xem sao”, y tự nhủ, và khi thấy người hầu phòng đã bưng chậu ra ngoài rồi, y nói: - Thưa Tướng công, con thấy Tướng công đối với ai cũng nhân hậu, cho nên con dám mạo muội xin Tướng công giúp con một việc lớn. - Việc gì thế? - Con có một ông bác già nua lụ khụ. Ông ta có ba trăm nông nô và hai nghìn héc ta đất… Con là kẻ thừa kế duy nhất của ông ta; thế nhưng mặc dầu đã quá già yếu không cai quản được ấp nữa, ông ta vẫn không chịu giao lại cho con. Tướng công thử tưởng tượng, ông ta viện ra một cớ thật lạ lùng: “- Tôi không biết cháu tôi là người thế nào, ông ta bảo thế; có thể là đồ phá gia chi tử cũng nên. Hắn phải chứng tỏ rằng hắn là người chí thú bằng cách tự kiếm lấy ba trăm nông nô đã; đến lúc ấy, tôi sẽ cho ba trăm nông nô của tôi.” - Thế thì ông ta là một lão ngốc thực thụ rồi còn gì? vị tướng nói. - Nếu thế cũng chưa đến nỗi nào, nhưng khốn nỗi lại còn thế này nữa. Tướng công thử xét tình cảnh của con mà xem! Ông lão có một cô gia sư, cô này lại có mấy đứa con; con sợ rằng chúng nó sẽ được hưởng hết. - Lão già ngốc ấy mất trí rồi còn gì. Nhưng tôi không biết có thể giúp được gì cho ông; viên tướng vừa nói vừa nhìn Tsitsikôp, vẻ ngạc nhiên. - Đây, con nghĩ thế này ạ. Giá Tướng công để lại cho con tất cả các nông nô chết trong điền trang của Tướng công, làm như thể chúng đang còn sống, có làm văn khế hợp lệ; con sẽ đưa văn khế cho ông lão và ông ta sẽ cho con hưởng gia tài. Vị tướng cười phá lên; có lẽ trước ông ta chưa có ai cười to đến thế. Ông ta cứ thế ngả người ra ghế bành, đầu hất ngược ra phía sau và suýt ngạt thở. Cả nhà náo động lên. Người hầu phòng bước vào. Cô con gái hoảng hốt chạy đến. - Cha ơi, có việc gì thế? Nàng nhìn vào mặt cha, vẻ lo sợ. Hồi lâu, vị tướng không nói ra được một câu nào. - Không có gì đâu, cô bạn ạ. Con ra đi, lát nữa ta sẽ tới ăn chiều. Con cứ yên tâm. Ha! Ha! Ha! Và tiếng cười của vị tướng, bị nén mấy bận, lại bùng lên mạnh mẽ hơn, vang dội suốt từ tiền sảnh cho đến gian phòng trong cùng. Tsitsikôp thấy lo lo. - Cái ông bác ấy được một món bở nhé. Ha! Ha! Ha! Ông ta muốn nông nô, thì sẽ được một lũ xác chết. Ha! Ha! - Lại cười nữa rồi, Tsitsikôp nghĩ thầm. Ông ta mau cười thật. Miễn sao đừng có mệnh hệ nào! Vị tướng già càng cười. - Thật ngu như con lừa! Ai lại đòi hỏi như vậy bao giờ? “Hắn phải tự kiếm lấy ba trăm nông nô đã rồi ta sẽ cho hắn ba trăm nữa!”. Thật là một con lừa chứ còn gì nữa! - Thưa Tướng công, quả là một con lừa ạ. - Lại còn cái mẹo đem cống nông nô chết cho lão già của anh nữa! Ha! Ha! Ha! Nếu được chứng kiến lúc anh trình tờ văn khế cho lão già, thì mất gì tôi cũng chịu. Lão ta có già lắm không? - Tám mươi tuổi ạ. - Chắc là còn sung sức lắm, nên mới nuôi một cô gia sư trong nhà chứ. - Thưa Tướng công, không đâu ạ, cứ mủn ra như cám ấy. - Ngốc thật! Vì, lão là một thằng ngốc, phải không nào? - Thưa Tướng công, quả là một thằng ngốc! - Nhưng lão ta còn đi lại được không?... Lão vẫn lui tới các bạn bè chứ?... Đứng còn vững chứ? - Vâng ạ, nhưng chật vật lắm. - Ngu thật! Nhưng tuy thế hãy còn khỏe chứ? Răng có còn không? - Chỉ còn có hai chiếc thôi ạ. - Thật là con lừa! Đừng giận, anh bạn nhé… Tuy lão ta là bác anh, lão vẫn là con lừa như thường. - Thưa Tướng công, quả là một con lừa ạ. Là người có họ, con thật lấy làm khổ tâm khi phải nhận như thế, nhưng dù sao cũng phải tôn trọng sự thật trước đã. Tsitsikôp nói dối: y chẳng khổ tâm chút nào khi phải nhận như thế, hơn nữa có lẽ xưa nay y chưa hề có ông bác nào cả. - Thế thì xin Tướng công để lại cho con… - Nông nô chết ấy à? Để thưởng một sáng kiến như thế, tôi sẵn sàng cho cả đất, cả nhà nữa ấy chứ! Anh cứ lấy hết cả nghĩa địa đi cho tôi! Ha! Ha! Ha! Lão già! Ha! Ha! Ha! Ông bác được một vố ra trò nhé! Ha! Ha! Ha! Và tiếng cười của vị tướng lại vang dội khắp nhà… Bản thảo của Gôgôn, đến đây thì mất. L.J. Arnônđi kể lại nội dung phần sau chương thứ hai và các chương tiếp theo như sau: “…Nếu tôi nhớ không sai thì chương thứ hai của phần hai Những linh hồn chết mở đầu có khác và lời văn trau chuốt hơn, tuy nhìn chung thì nội dung vẫn là một. Một trận cười của Bêtrisep kết thúc chương này. Chương sau miêu tả một ngày sinh hoạt trong nhà vị tướng. Tsitsikôp ở lại ăn bữa cơm chiều. Đến bữa ăn, xuất hiện hai nhân vật mới: một nữ gia sư người Anh dạy học cho Ulinka,và một người Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha gì đấy, trú ngụ trên lãnh thổ của Bêtrisep từ đời nảo đời nào, chẳng ai hiểu tại sao. Nữ gia sư là một người đàn bà độc thân đứng tuổi, một con người tẻ nhạt, bề ngoài chẳng có chút gì hấp dẫn, mũi nhỏ và dài, hai mắt linh hoạt lạ thường. Bà ta ngồi thẳng đưỡn, im lặng suốt buổi, và chỉ luôn luôn nhìn khắp bốn phía với đôi mắt dò hỏi và ngơ ngác. Người Bồ Đào Nha tên là Ekxpantôn, Xitenđôn hay một cái gì đại loại như thế; nhưng tôi nhớ rằng các gia nhân gọi ông ta là Exkađrôn {Có nghĩa là đội kỵ binh}. Ông ta cũng im thin thít; chức vụ của ông ta là đánh cờ với vị tướng sau bữa ăn chiều. Trong bữa ăn không có gì đặc biệt xảy ra cả. Tướng Bêtrisep khá vui vẻ, luôn đùa cợt với Tsitsikôp. Tsitsikôp ăn rất ngon lành, và ăn rất nhiều. Ulinka thì đăm chiêu tư lự, và gương mặt nàng chỉ linh hoạt lên khi nào câu chuyện đả động đến Tentietnikôp. Sau bữa ăn, vị tướng đánh cờ với người Tây Ban Nha. Vừa nhấc quân cờ, ông ta vừa nói đi, nói lại luôn mồm: “Hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi nhẵn…” và mỗi lần như thế, Tsitsikôp lại nhắc: “Thưa Tướng công, khi cằm chúng tôi hãy còn râu ria bờm xờm ạ”. Viên tướng lặp lại: “À phải, hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi hãy còn râu ria bờm xờm, chứ đến khi cằm chúng tôi nhẵn rồi thì đã có đích thân Đức Chúa Trời yêu quý chúng tôi.” Năm phút sau, ông ta lại nói nhầm trở lại như cũ: “Hãy yêu quý chúng tôi khi cằm chúng tôi nhẵn…”. Tsitsikôp lại chữa, và vị tướng lại cười lớn, nhắc lại: “Hãy yêu quý chúng tôi khi chúng tôi hãy còn râu ria bờm xờm, chứ đến khi cằm chúng tôi nhẵn rồi thì đã có đích thân Đức Chúa Trời yêu quý chúng tôi.” Sau mấy ván cờ đánh với người Tây Ban Nha, vị tướng rủ Tsitsikôp đánh với ông ta một vài ván. Trong lĩnh vực này Tsitsikôp cũng tỏ ra điêu luyện. Y đánh rất cao làm cho đối thủ phải lúng túng với cái chiến lược của y, và cuối cùng y thua cuộc. Hởi lòng, hởi dạ vì đã thắng được một đối thủ cao tay như vậy, vị tướng càng mê Tsitsikôp; khi chia tay, ông ta khẩn khoản mời y sớm ghé lại chơi và đưa cả Tentietnikôp đến. Về đến nhà Tentietnikôp, Tsitsikôp kể cho chàng nghe nỗi buồn của Ulinka, nỗi nhớ tiếc của vị tướng lâu nay không được gặp chàng, lòng hối hận của ông ta, ý định của ông ta là chấm dứt câu chuyện hiểu lầm bằng cách thân hành đến thăm Tentietnikôp trước và xin lỗi Tentietnikôp. Dĩ nhiên đó là những chuyện do Tsitsikôp dựng đứng lên mà thôi. Nhưng Tentietnikôp vốn yêu Ulinka tha thiết nên lẽ đương nhiên là rất mừng khi nghe những tin đó. Chàng tuyên bố rằng đã vậy, thì chàng sẵn sàng đến nhà vị tướng ngay hôm sau, để vị tướng khỏi phải nhọc lòng đến thăm mình. Tsitsikôp tán thành quyết định đó; họ thỏa thuận với nhau là ngày hôm sau sẽ cùng đến nhà Bêtrisep. Cũng tối hôm ấy, Tsitsikôp đánh bạo thú thật rằng y đã làm cho vị tướng tưởng là Tentietnikôp đang viết một bộ sử về các tướng lĩnh. Tentietnikôp chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao; chàng sợ sẽ bối rối khi vị tướng nói đến việc này. Tsitsikôp đáp là chính y cũng không hiểu tại sao lại buột mồm nói ra như thế, nhưng dù sao thì cũng đã trót nói ra rồi; cho nên y van nài Tentietnikôp ít nhất phải hứa im lặng và đừng cải chính việc này, để y khỏi mất tín nhiệm của vị tướng. Sau đó là chuyến đi đến điền trang vị tướng, cuộc gặp gỡ giữa Tentietnikôp với Bêtrisep và Ulinka, và cuối cùng là bữa ăn chiều. Theo tôi thì đoạn miêu tả bữa ăn này là đoạn hay nhất trong tập hai. Vị tướng ngồi ở giữa, bên phải là Tentietnikôp và người Tây Ban Nha, bên trái là Tsitsikôp và Ulinka; bà gia sư người Anh ngồi giữa Ulinka và người Tây Ban Nha; ai nấy đều vui vẻ và hài lòng. Vị tướng rất sung sướng vì đã giảng hòa với Tentietnikôp và vì được dịp nói chuyện với một người đang soạn một bộ lịch sử các tướng lĩnh; Tentietnikôp thì rất sung sướng vì được ngồi gần ngay trước mặt Ulinka; hai người thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau; cô thiếu nữ thì rất sung sướng vì người mình yêu đã trở lại với gia đình và đã giảng hòa với cha mình. Tsitsikôp cũng thỏa lòng vì được đóng vai trò người hòa giải trong các gia đình giàu sang và đài các này. Bà gia sư người Anh đưa mắt nhìn quanh một cách sỗ sàng; người Tây Ban Nha thì chăm chú nhìn vào đĩa ăn và chỉ ngước mắt lên khi người nhà dọn lên một món mới: ông ta lập tức nhận ra miếng nào ngon nhất và đưa mắt dõi theo miếng ấy, trong lúc nó đi quanh bàn tiệc, mãi cho đến khi nó được trút sang đĩa ăn của một người nào đấy. Sau món thứ hai, vị tướng nói chuyện với Tentietnikôp về cuốn sách mà chàng đang soạn, và nhắc đến năm 1812. Tsitsikôp đâm hoảng và lo sợ chờ đợi câu trả lời. Nhưng Tentietnikôp đã khéo léo thoát ra khỏi tình trạng khó xử; chàng phân trần rằng việc soạn lịch sử chiến dịch và lịch sử những nhân vật đã tham gia chiến dịch không phải là việc của mình; vì đã có nhiều sử gia viết về thời đó. Nhưng năm 1812 không phải chỉ đáng ghi nhớ vì những chiến công oanh liệt; phải xét giai đoạn này theo một quan điểm khác kia. Theo ý chàng thì điều quan trọng hơn cả là lúc bấy giờ toàn dân đã nhất tề đứng dậy, muôn người như một, để bảo vệ tổ quốc; là mọi sự suy tính, mọi thủ đoạn bon chen, mọi dục vọng đều phải im hơi lặng tiếng; là tất cả các giai cấp đều ra sức thi thố lòng yêu nước, mỗi tầng lớp đều nô nức dốc hết tài sản cuối cùng và hy sinh tất cả để cứu nước. Đó chính là điều quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh này, và cũng là điều mà chàng có ý định miêu tả; cố sức đưa ra ánh sáng mọi chi tiết trong những chiến công vô danh đó, trong những sự hy sinh cao cả nhưng tối tăm đó! Tentietnikôp nói khá dài, và rất nhiệt thành. Bêtrisep hân hoan nghe chàng nói; đây là lần đầu ông được nghe những lời lẽ nồng nhiệt như vậy; một giọt lệ long lanh như một viên kim cương vô giá đọng trên bộ ria mép hoa râm của vị tướng. Ulinka đắm đuối nhìn Tentietnikôp; bao nhiêu tâm trí của nàng dồn hết vào những lời lẽ của chàng; nàng nghe say sưa, ngây ngất như nghe nhạc; nàng yêu Tentietnikôp; nàng tự hào về chàng! Người Tây Ban Nha càng chúi đầu vào đĩa ăn; bà gia sư người Anh đưa mắt ngơ ngác nhìn khắp mọi người, không hiểu lấy được một chữ. Tentietnikôp dứt lời, ai nấy trầm ngâm, xúc động… Tsitsikôp cũng muốn góp chuyện. Y là người đầu tiên lên tiếng phá tan sự im lặng, y nói: “Phải, năm 1812 lạnh ghê người! - Vấn đề không phải ở chỗ lạnh hay ấm”, vị tướng vừa đáp vừa đưa mắt nghiêm nghị nhìn Tsitsikôp, khiến y luống cuống. Vị tướng giơ tay cho Tentietnikôp và ôn tồn cảm ơn chàng; nhưng sự đồng tình mà Tentietnikôp đọc được trong đôi mắt Ulinka cũng đủ cho chàng thấy mình là người có diễm phúc. Câu chuyện các tướng lĩnh bị quên đi. Suốt ngày hôm ấy, mọi người đều thấy vui thích. Tôi không nhớ các chương sau kế tục nhau theo thứ tự nào; nhưng tôi nhớ rằng sau ngày hôm ấy Ulinka đã quyết định nói chuyện nghiêm trang với bố về Tentietnikôp. Trước cuộc nói chuyện có tính chất quyết định này, một buổi chiều Ulinka ra viếng mộ mẹ, cầu nguyện để củng cố thêm quyết tâm. Rồi nàng đến quỳ xuống dưới chân bố, van xin bố cho phép nàng lấy Tentietnikôp. Sau một thời gian do dự, rốt cục vị tướng cũng thuận. Việc này xảy ra sau cuộc giảng hòa mấy ngày. Thấy việc trăm năm đã quyết định xong, Tentietnikôp lòng đầy hạnh phúc, rời Ulinka một lát và chạy ra vườn. Chàng cần đứng riêng một mình. Hạnh phúc làm cho chàng nghẹt thở… Ở đây Gôgôn có được hai trang trữ tình tuyệt tác. Vào một buổi trưa hè nồng nực, Tentietnikôp đứng trong một khu vườn um tùm râm mát, chìm sâu trong im lặng. Bằng một bút pháp điêu luyện, Gôgôn gợi lên từng cành cây, làn không khí nóng hầm hập như lò lửa, những con dế và những côn trùng khác bò trong đám cỏ, và cuối cùng là những cảm xúc của Tentietnikôp, kẻ đang yêu và được yêu. Đoạn miêu tả này đẹp đẽ, nhiều màu sắc, nên thơ đến nỗi - bây giờ tôi vẫn còn nhớ - tôi nghẹt thở khi nghe Gôgôn đọc; Gôgôn đọc rất hay {Gôgôn nổi tiếng về đọc tác phẩm văn học một cách diễn tình: nguyên thời thanh niên Gôgôn đóng kịch rất giỏi, được các bạn bè công nhận là có “một tài hoa đặc biệt lớn lao” nhất là đóng vai nữ; có người cho là không có một nữ diễn viên nào, dù là ở Mạc-tư-khoa hay Pêterbua, đã đóng được vai Prôxtakôva trong hài kịch Thanh niên quý tộc của Fônvizin đạt như Gôgôn hồi mười sáu tuổi}. Lòng tràn đầy hạnh phúc, Tentietnikôp khóc, nguyện sẽ hiến cả cuộc đời mình cho người yêu. Vừa lúc ấy Tsitsikôp hiện ra ở cuối lối đi trong vườn. Tentietnikôp ôm chầm lấy y, cảm ơn y. “Ông là ân nhân của tôi. Tôi có được hạnh phúc cũng là nhờ ông; tôi biết làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với ông?... Cả cuộc đời của tôi cũng chưa chắc đã báo đền được…” Tsitsikôp lập tức nảy ra một ý tài tình: “- Ồ không phải, y đáp, toàn là do tình cờ mà nên cả; và tôi rất lấy làm mừng; nhưng nếu ông muốn trả ơn cho tôi thì dễ lắm. - Thế nào? Trả ơn ông bằng cách nào? Xin ông mau mau cho tôi biết?”. Tsitsikôp liền đưa chuyện ông bác tưởng tượng của y ra, và nói rằng mình cần phải có ba trăm nông phu, ít nhất là trên giấy tờ. “Nhưng tại sao ông lại cần những nông phu đã chết làm gì?” Tentietnikôp chưa hiểu rõ Tsitsikôp muốn gì, nên hỏi lại; đoạn nói tiếp: “Tôi có ba trăm nông phu: tôi sẽ làm giấy bán cho ông cả ba trăm, ông sẽ đưa tờ giao kèo cho ông bác xem, và khi ông ta đã để lại điền trang cho ông, thì chúng ta sẽ hủy nó đi.” Tsitsikôp ngẩn cả người ra. “- Ô kìa! thế ông không sợ tôi lừa… lạm dụng lòng tin cậy của ông hay sao?” Nhưng Tentietnikôp không để cho y nói hết đã kêu lên: “Sao? Tôi mà lại đi ngờ ông, ngờ một người đã đem lại cho tôi một cái còn quý giá hơn cả đời sống!”. Hai người ôm choàng lấy nhau, và công việc giữa đôi bên như vậy là đã thỏa thuận. Tối hôm ấy, Tsitsikôp đi ngủ với một cõi lòng thanh thản. Hôm sau, vị tướng mở một cuộc hội nghị gia đình. Cần phải báo cho họ hàng biết lễ đính hôn của Ulinka như thế nào đây? Nên gửi thư, phái người nhà đi báo tin, hay thân hành đi lấy? Bêtrisep có vẻ băn khoăn lo lắng về thái độ của công tước phu nhân Yuziakina và những người bà con tai to, mặt lớn khác khi biết tin này. Một lần nữa Tsitsikôp lại tỏ ra mình là một người rất quý; y tình nguyện đi thăm tất cả bà con của vị tướng để báo cho họ biết tin. Lẽ dĩ nhiên, thâm ý của Tsitsikôp vẫn là tìm cơ hội thực hiện âm mưu mua nông phu chết. Đề nghị của y được chấp nhận với những lời cảm ơn nhiệt thành. Vị tướng nghĩ thầm: “- Còn gì hơn nữa? Anh chàng này thông minh, lịch thiệp; mọi người sẽ phải hài lòng”. Để thực hiện chuyến đi này, vị tướng giao cho Tsitsikôp một chiếc xe kiệu hai chỗ ngồi và Tentietnikôp cho y mượn thêm một con ngựa cho đủ bốn. Vài ngày sau Tsitsikôp sẽ lên đường. Từ đấy y được coi như một người bạn của gia đình, một người thân thuộc trong nhà Bêtrisep. Trở về nhà Tentietnikôp, y lập tức gọi Xêlifan và Pêtruska đến bảo chuẩn bị lên đường. Trong thời gian vừa qua, sống ở nông thôn, Xêlifan đã thay đổi rất nhiều; hắn xoay ra rượu chè và chẳng còn cung cách gì của một anh xà ích nữa; mấy con ngựa bị thả lỏng, không ai trông coi. Còn Pêtruska thì tỏ ra rất trai lơ đối với các thiếu phụ nông dân. Trong khi đó, bên nhà tướng Bêtrisep đã đưa sang một chiếc xe kiệu nhẹ gần như mới tinh… Thấy mình sẽ được ngồi chễm chệ trên một chiếc ghế rộng như chiếc ngai, đánh bốn con ngựa thắng ngang, Xêlifan cảm thấy cái tâm hồn xà ích của mình sống dậy: hắn xem xét tỉ mỉ cỗ xe ra vẻ thành thạo, và đòi người nhà của vị tướng giao những thứ đinh vít dự trữ và những thứ lặc lè gì gì chưa từng thấy đâu có cả. Tsitsikôp cũng khoái trá nghĩ đến chuyến đi: y đã tưởng tượng mình ngồi trên đống đệm êm ru, trong cỗ xe nhẹ mà bốn con ngựa sẽ kéo dễ dàng như kéo một chiếc lông. Đó là nội dung những đoạn mà tôi đã được nghe Gôgôn đọc trong tập hai của Những linh hồn chết. Theo chỗ tôi biết thì hình như Gôgôn có đọc chín chương cho chị tôi nghe…” Về phía mình, Xmirvnôva phu nhân có kể lại cho L.J. Arnônđi em trai bà, rằng: “Trong một chương sau có một nhân vật được miêu tả rất thần tình; đó là một giai nhân sống phúng túng, được xã hội nuông chiều, một người đàn bà ưa làm dáng, suốt thời niên thiếu đã sống ở cung đình và ở nước ngoài. Đến năm ba mươi lăm tuổi, số phận đã dun dủi đưa nàng về thôn quê; nàng buồn chán, đời sống trở thành một gánh nặng. Vừa lúc ấy nàng gặp Platônôp, con người lúc nào cũng buồn chán không nguôi, cũng đã từng phung phí tuổi trẻ trong những phòng khách thời thượng. Gặp nhau ở một nơi hẻo lánh, giữa những con người nhạt nhẽo, vô nghĩa ở xung quanh; hai người cảm thấy cuộc hội ngộ này là một hạnh phúc vô biên. Họ bắt đầu quyến luyến nhau; đây là một cảm xúc mới mẻ đối với cả hai người, nó làm cho họ hồi sinh. Họ say sưa buông mình vào cuộc tình duyên mới. Nhưng một tháng sau khi họ thổ lộ tâm tình lần đầu, cả hai đều nhận thấy rằng đây chỉ là một ngọn lửa rơm, một ý thích nông nổi nhất thời, và họ là những kẻ đã mất khả năng có được một tình yêu thực sự. Rồi sau đó hai người dần dần nhạt tình đối với nhau, và nỗi buồn chán bất tuyệt lại đến với họ; dĩ nhiên là một nỗi buồn chán còn tệ hơn trước kia”. Theo chú thích trong bản dịch của Mônggô thì hình như qua nhân vật này - "nàng giai nhân phóng túng” - Gôgôn có ý định miêu tả chính Xmirnôva phu nhân.”