Chương 2

Nắng tháng 6 chói chang. Gió mát từ mặt sông rộng bốc lên làm cho Hương Điểm cảm thấy dễ chịu. Mỗi buổi chiều, bất kể xuân hạ thu đông, trừ những ngày có tuyết rơi nhiều và hai ngày cuối tuần, nàng đều ra River Park đi bộ. Đối với nàng, đi bộ có nhiều cái hay ho và bổ ích. Vừa là môn thể dục lành mạnh, đi bộ còn là một hình thức an dưỡng tinh thần sau một ngày làm việc mệt nhọc. Con đường chạy dọc theo bờ sông được nàng ưa thích nhất vì mát mẻ, phong cảnh đẹp và không có đông người lắm.
Đang nhàn nhã tản bộ Hương Điểm hơi ngừng lại rồi mỉm cười thích thú. Trên cái băng gỗ có một người đang ngồi im lặng nhìn ra dòng sông lặng lờ nước chảy.
- Bác An Hóa…
Hương Điểm gọi nhỏ. An Hóa quay đầu lại. Cô gái hơi ngạc nhiên vì thoáng thấy ánh mắt của ông ta long lanh như muốn khóc.
- Cháu đó à… Cháu làm gì ở đây?
- Dạ cháu đi bộ… Cháu ra đây đi bộ mỗi chiều… Còn bác làm gì ở đây?
An Hóa cười. Hương Điểm thấy nụ cười của ông ta thật buồn.
- Bác ra ngồi đây nhìn dòng sông…
Ngừng lại giây lát ông ta nói như để làm rõ ý câu nói của mình.
- Bác nhớ nhà nên ra đây nhìn dòng sông cho đỡ nhớ nhà…
Hương Điểm tự động ngồi xuống cạnh An Hóa. Nàng cũng nhìn ra dòng sông rồi lát sau mới thở dài nhè nhẹ.
- Cháu qua Mỹ lúc cháu được bảy tuổi. Vì còn nhỏ nên cháu không nhớ được nhiều. Cháu chỉ còn nhớ là nhà bà ngoại cất ở bên cạnh con sông nhỏ. Buổi trưa tắm sông thật mát…
An Hóa quay qua nhìn Hương Điểm. Anh thấy một khuôn mặt thanh thú, ánh mắt long lanh, cái trán rộng hơi gồ lên và nụ cười có pha chút gì tinh nghịch.
- Quê ngoại của cháu ở Giồng Trôm. Bác biết Lương Hòa hôn?
An Hóa gật đầu cười.
- Như vậy con sông mà cháu nói là sông Bến Tre bởi vì làng Lương Hòa nằm cạnh sông Bến Tre. Hồi trước năm 75 bác đi lính hải quân thành ra đi nhiều nơi lắm. Sông Đồng Nai ở Biên Hòa, sông Sài Gòn, sông Lòng Tảo, sông Nhà Bè, sông Vàm Cỏ Đông và Tây, sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bác đều có đi qua…Nước mình sông rạch nhiều lắm đi hoài cũng chưa hết…
- Vậy hả bác… Chắc tại vì bác đi nhiều nên bác mới nhớ con sông, mới nhớ nhà hả bác?
An Hóa cười buồn khi nghe câu hỏi của Hương Điểm. Hơi gật đầu anh cười nói.
- Có lẽ như vậy. Ngoài ra còn một lý do khác…
- Lý do gì hả bác?
Trước khi hỏi Hương Điểm thầm đoán đó là lý do cá nhân, nhưng nàng vẫn muốn hỏi để thỏa mãn sự tò mò và cũng để có chuyện để nói với An Hóa, một người mà ngay lần đầu tiên chuyện trò nàng sớm cảm nhận có cái gì khác lạ không giống như những người bình thường mà nàng gặp gỡ hằng ngày.
- Lý do cá nhân…
An Hóa trả lời úp mở như không muốn thố lộ tâm tình.
- Bác nói cho cháu nghe đi rồi cháu mời bác đi ăn kem. Đằng kia có chỗ bán kem ngon lắm bác…
Câu nói của Hương Điểm làm cho An Hóa bật cười một cách vui vẻ.
- Bác có phải con nít đâu mà cháu đem kem ra dụ. Ăn kem không chưa đủ. Ăn cơm tối nữa…
Hương Điểm gật đầu liền.
- Dạ ăn cơm tối. Đây là dịp để cho cháu cám ơn bác vá bánh xe của cháu.
- Hồi tháng 4 năm 75 bác đi có một mình còn vợ bác và hai đứa con bị kẹt ở lại. Mấy năm sau vợ bác và hai đứa nhỏ vượt biên nhưng bị chết trên biển. Từ đó bác sống một mình...
An Hóa ngừng nói có lẽ vì nghẹn lời.
- Cháu xin chia buồn với bác…
Trong lúc nói Hương Điểm nhìn An Hóa. Nàng thấy ánh mắt của người lính thủy già nua như mất hút vào dòng sông. Ánh mắt của ông ta thật buồn.
- Từ đó tới nay bác sống một mình. Cứ mỗi lần nhớ nhà, nhớ vợ con, bác lại ra đây nhìn dòng sông, nói chuyện với dòng sông. Bác có cảm tưởng như bác gái đang chờ đợi…
Hương Điểm chợt đưa tay ra nắm lấy bàn tay của An Hóa và giữ chặt lại như sợ ông ta sẽ nhảy xuống sông để quyên sinh. Ông ta cười buồn nhìn cô gái.
- Cháu đừng có sợ. Bác không tự tử đâu…
Hương Điểm cười rụt bàn tay của mình lại rồi đứng lên.
- Đi bác… Cháu với bác đi ăn kem xong rồi mình đi ăn tối. Cháu đi bộ ba dặm rồi cháu đói bụng muốn xỉu nè bác…
Thấy An Hóa vẫn còn ngồi yên nàng cười hăm he.
- Bác mà không đứng dậy là cháu sẽ bợ đít bác đó… Bác nghe chưa…
Hương Điểm cười hắc hắc như để che đậy ý nghĩ nào đó đã làm cho khuôn mặt trắng xanh của nàng hồng lên. An Hóa chậm chạp đứng dậy. Nhìn cô gái tuổi vào khoảng đứa con đầu lòng của mình ông ta thở hắt hơi dài.
- Đi ăn kem thời cháu trả tiền còn đi ăn tối thời bác trả tiền. Chịu hông?
Hương Điểm chưa kịp nói lời nào An Hóa chắc giọng.
- Chịu thời bác mới đi bằng không bác đi về nhà khò…
- Chịu… Bác nghiêm mà khó tính còn hơn ba của cháu nữa…
- Ba của cháu mạnh?
Hương Điểm nói với giọng buồn buồn.
- Dạ mạnh thời cũng mạnh nhưng yếu lắm…
An Hóa lẩm bẩm. Mặc dù anh lẩm bẩm song cô gái đi bên cạnh cũng nghe được.
- Người quen lần lượt về lại với quê hương chỉ còn trơ lại mình… Biết bao giờ mới tới phiên mình…
Ăn kem xong An Hóa hẹn bảy giờ tối sẽ lại nhà đón Hương Điểm đi ăn.
7 giờ tối. Nghe tiếng chuông reo nàng bước ra mở cửa.
- Bác vào nhà ngồi chờ cháu một chút…
Hơi ngần ngừ giây lát rồi An Hóa cũng chậm rãi bước vào nhà của Hương Điểm. Phòng khách nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ. Cách trang hoàng cũng giản dị.
- Ba cháu đâu?
- Dạ ngủ…
- Cháu có bạn trai hay bồ bịch gì chưa?
Tiếng cười trong trẻo của Hương Điểm từ trong phòng ngủ vọng ra.
- Bác hỏi để làm gì. Bác đâu phải là ba của cháu đâu…
An Hóa cười nhỏ nói như để bào chữa cho thái độ và câu hỏi có hơi đi sâu vào đời tư của cô cháu gái mới quen.
- Bác là bạn với ba của cháu cho nên nghe tin ổng đang bịnh hoạn bác cảm thấy có bổn phận thay thế ổng tạm làm ba của cháu…
- Cám ơn…
Hương Điểm kéo dài hai tiếng cám ơn nhất là tiếng ơn với vẻ gì tinh nghịch và chế diễu.
- Cháu mấy tuổi rồi?
- Dạ ba mươi lăm… Có phải người ta nói ba mươi lăm là con dê phải hôn bác…?
Tránh trả lời câu hỏi An Hóa lãng sang chuyện khác.
- Vậy à. Cháu lớn hơn đứa con út của bác hai tuổi. Nó sanh năm 77…
Hương Điểm ló đầu ra nhìn. Nàng thấy một ông già tóc lốm đốm bạc, mặc cái áo sơ mi cũ đang cúi đầu nhìn xuống thảm. Tự dưng nàng liên tưởng tới ba của mình. An Hóa cũng giống ba của nàng và nhiều người bạn của ba. Tất cả đều có chung một điểm là sống với kỹ niệm và ôm ấp quá khứ. Đối với họ quá khứ dù đẹp hay không đẹp, như cánh tay cụt hay cái chân cụt hoặc vết thương trên thân thể vẫn còn gây nhức nhối dù thời gian ba mươi mấy năm đã trôi qua. Gặp nhau họ chỉ ôn lại chuyện cũ, trong khi chuyện hiện tại ở đây họ làm lơ hoặc có nói cũng chỉ là những lời bâng quơ trời mưa trời nắng. Họ không muốn hội nhập vào đời sống dù con cái của họ có đứa sinh ra và lớn lên ở đây. Họ không thể hội nhập vào xã hội này dù đôi khi cháu nội ngoại lại là những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt-Mỹ. Nàng còn nhớ trong dịp Tết Nguyên Đán lúc nàng còn đang học trung học, ba của nàng đã nói với mấy anh chị một câu: '' Tụi bây có thương tao thời ráng kiếm người mình mà lấy vợ lấy chồng. Tụi bây mà lấy người ngoại quốc là tao gặp con rể hay ông bà sui chỉ có nói hai tiếng '' Hello và Good Bye…''. Tuy nhiên điều đó cũng không cản được anh của nàng lấy người vợ Mỹ. Dù ông không nói ra song nàng biết ba buồn lắm. Ông không có kỳ thị màu da hoặc chủng tộc. Điều mà ông muốn nói là con rể hoặc ông bà sui không hấp thụ một nền văn hóa như ông, không cùng chung tập quán, phong tục, lễ nghi và suy tư. Nói tóm lại là đôi bên khác biệt quá nhiều để có thể ngồi đấu láo và tâm tình hằng giờ. Ngay cả con cái trong nhà cũng vậy. Anh trai kế nàng, dù sinh ra ở Việt Nam, nhưng sang đây lúc mới có mười tuổi do đó anh chịu ảnh hưởng của Mỹ nhiều hơn Việt. Anh nói tiếng Việt giọng Mỹ mà mỗi khi nghe ba của nàng phang một câu: '' Mày người Việt mà nói tiếng Việt nghe còn tệ hơn mấy thằng chệt ở Chợ Lớn…'' Khi con cái lớn lên, khoảng cách giữa hai bên càng ngày càng rộng ra cũng như mối cảm thông cũng nhạt dần. Rồi từ đó tình thân thiết cũng không có nhiều. Thương thời thương mà thân thời không có thân. Chỉ có nàng là con gái, quanh quẩn bên ba má nhiều hơn và may mắn hơn khi nàng học trung học thời lại có bạn Việt Nam nhiều hơn. Các gia đình qua đây theo diện HO nhiều thành ra họ tụ họp và gặp gỡ thường xuyên. Nhờ vậy con cái của họ còn giữ được chất '' nước mắm '' trong người nhiều hơn con cái của những gia đình qua đây hồi năm 75.
- Bác…
An Hóa ngước lên cười. Hương Điểm cảm thấy thương nụ cười buồn, ngu ngơ, xa lạ, lạc loài của ông bác già.
- Mình đi chưa bác… Cháu đói bụng muốn xỉu rồi…
An Hóa cười bước ra cửa. Hương Điểm nói trong lúc khép cửa lại.
- Để cháu làm tài xế cho bác. Cháu biết một nhà hàng này yên tịnh. Mình có thể nói chuyện nhiều…
- Việt Nam hả?
Hương Điểm lắc lắc mái tóc huyền thoang thoảng mùi nước hoa.
- Thái… Thành phố này nhỏ như cái lỗ mũi thời làm gì có nhà hàng Việt Nam…
- Lỗ mũi của cháu hay lỗ mũi của bác?
An Hóa nói giỡn. Hơi chun chun cái mũi dọc dừa của mình xong Hương Điểm quay qua nhìn người bên cạnh rồi cũng giỡn một câu.
- Chắc là lỗ mũi của cháu chứ lỗ mũi của bác thời phải lớn hơn nhiều… Ba cháu nói cháu có cái mũi dọc dừa. Mũi dọc dừa là mũi gì dậy bác?
An Hóa cười rồi ấp úng.
- Giảng nghĩa thời hơi dài dòng nhưng bác có thể nói mũi dọc dừa là cái mũi đẹp...
- Đẹp như thế nào hả bác?
- Khi nhìn người ta thích. Ngắm lần thứ nhất người ta muốn ngắm lần thứ nhì rồi ngắm hoài không chán...
Hương Điểm cười hắc hắc. Xe lên cây cầu cao. Nhìn hồ nước xanh An Hóa nói chậm.
- Để mai mốt bác mời cháu lại nhà ăn tối…
- Bác nấu hả?
- Ừ… Bác biết nấu…
Hương Điểm nhấn ga cho chiếc Accord chạy nhanh hơn.
- Cháu làm việc ở đâu?
- Dạ làm ở nhà thương. Bác biết Memorial Hospital không?
An Hóa cười nhẹ.
- Biết… Ở đây ba mươi mấy năm mà không biết nhà thương đó à. Cháu chê bác cù lần hả?
Hương Điểm bật thành tiếng cười. An Hóa cũng cười lớn khi nghe tiếng cười vui vẻ của cô tài xế.
- Cháu làm gì trong nhà thương. Bác sĩ hả?
Hương Điểm lắc đầu lia lịa.
- Cháu không ham làm bác sĩ bác ơi. Học cực mà làm còn cực hơn. Cháu làm phòng điều hành nhân viên, có giờ giấc đàng hoàng. Tuần lễ năm ngày, ngày tám tiếng thôi. Thời giờ còn lại để '' enjoy '' cuộc đời bác ơi…
An Hóa cười hắc hắc. Anh cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi nói chuyện với Hương Điểm. Dường như cũng nhận ra điều đó nên nàng lên tiếng hỏi.
- Nói chuyện với cháu bác vui hôn?
An Hóa trả lời một cách thành thực.
- Vui… Cháu nói chuyện có duyên lắm. Vậy mà hổng có bồ. Hơi lạ à nghen...
Đổi vào đường bên trong cùng Hương Điểm cười nhẹ.
- Tại cháu kén. Trong sở cũng có nhiều anh theo mà cháu không thích. Anh thì mặt búng ra sữa… Anh thì mở miệng ra là tiền bạc. Anh thì quen nhau mới tuần lễ đã đòi lên giường. Chán lắm bác ơi…
- Vậy thì ý trung nhân của cháu phải như thế nào?
Hương Điểm có vẻ đắn đo và suy nghĩ về câu hỏi của ông bác già.
- Cháu không biết… Chỉ biết là lòng mình dửng dưng khi gặp người lạ. Không rung động là không có tình yêu. Bác có như vậy không?
An Hóa chậm chạp gật đầu. Vì quay nhìn ra cửa kính nên anh không thấy được Hương Điểm cười. Sở dĩ nàng cười vì nghĩ mình cũng hơi lạ. Tại sao lại đi hỏi một ông già đầu đã hai thứ tóc về tình yêu của lứa đôi. Hỏi ổng về tình quê hương, tổ quốc thời còn nghe lọt lỗ tai chứ tình trai gái thời ổng lão rồi.
- Mình lẩm cẩm…
Nàng nghĩ thầm. Tiếng của An Hóa vang lên chậm và mệt.
- Bộ cháu nghĩ người già không yêu à?
Hương Điểm cười thánh thót.
- Cháu đâu có nghĩ người già không yêu mà cháu nghĩ…
An Hóa hớt lời cô gái.
- Cháu nghĩ bác già nên không biết yêu à… Bác đã biết yêu từ hồi cháu còn mặc tả lận…
Hương Điểm rũ ra cười khiến cho bánh xe cán lane gây thành tiếng kêu bụp bụp.
- Coi chừng cháu… Coi chừng hun đít người ta…
Hương Điểm cười sằng sặc, cười tới chảy nước mắt. Giảm tốc độ xuống còn 45 nàng từ từ rẽ vào exit chỉ Lee Highway & Brainerd Road. Nhằm ngày thứ tư nên xe cộ thưa thớt. Chừng mười lăm phút sau xe quẹo vào một nhà hàng Thái nằm bên phải.
- Bác có cần cháu mở cửa cho bác hôn?
Hương Điểm nói trong tiếng cười. Hiểu cô gái cố ý chọc mình già lụ khụ cần phải có sự dìu dắt nên An Hóa cũng cười đùa lại.
- Cần chứ… Không những mở cửa mà cháu còn phải nắm tay dẫn đi nữa…
- Ok… Bác đã thay bánh xe cho cháu thời cháu phải giúp lại…
Nói xong Hương Điểm mở cửa đi nhanh qua phía bên kia rồi kéo rộng cửa ra xong ló đầu và khom người vào trong xe. Vì mùa hè nóng nực, lại áo thun hở cổ do đó An Hóa thấy được phần da thịt mịn màng của người đàn bà đã qua một đời chồng. Có lẽ cũng biết điều đó nên Hương Điểm cười nói lảng.
- Để cháu đỡ bác ra xe…
Lắc đầu Anh Hóa nói nhỏ.
- Cháu lí lắc quá bác chịu thua…
- Có gì đâu. Cháu coi bác như ba của cháu mà…
- Như vậy thời được…
An Hóa đưa tay ra cho Hương Điểm nắm rồi nương theo cái kéo tay của nàng anh bước ra xe một cách lẹ làng. Hai người bước song song vào cửa.
- Ông bà có hai người…
Cô '' host '' của nhà hàng hiểu lầm khi thấy Hương Điểm cặp kè với An Hóa. Liếc nhanh người bên cạnh nàng cười nói bằng tiếng Anh.
- Đây là ba của tôi…
- Tôi xin lỗi cô… Kính mời ông và cô…
Hai người được đưa vào cái bàn trong góc. Vài phút sau người hầu bàn tới. An Hóa gọi ly trà nóng còn Hương Điểm chọn trà đá.
- Bác có thử thức ăn Thái chưa?
Hương Điểm hỏi nhỏ và An Hóa lắc đầu cười.
- Chưa… Bác ít khi đi ăn ngoài…
Thấy người đối diện ngước lên nhìn mình như chờ nghe tiếp ông ta cười.
- Đi một mình cũng buồn. Hơn nữa thức ăn lại không hợp thành ra…
Hương Điểm gật đầu như thông cảm. Cười chúm chiếm nàng hỏi một câu.
- Như vậy nếu có người rủ bác đi thời bác cũng đi hả?
Hiểu hai tiếng '' có người '' của cô cháu gái An Hóa cười ý nhị.
- Bác thích nấu và ăn ở nhà hơn. Nấu ăn nhiều bác nghiệm ra cái thi vị của sự tự mình nấu và tự mình ăn. Đó là triết lý đơn giản của sự sống…
Hương Điểm cười nhẹ khi nghe ông bác già nói về triết lý của nấu ăn và ăn.
- Nấu ăn cho mình hoặc người thân quen là mình đặt cái tâm của mình vào đó thành ra thức ăn nó có cái tình. Nó ngon là nhờ có cái tình…
- Tình gì bác?
Giọng hỏi của Hương Điểm nhuốm chút tinh nghịch.
- Tình cảm giữa người với người. Mình đi ăn tiệm thời họ làm vì tiền thành ra…
Hương Điểm làm thinh không hỏi nữa. Ở góc cạnh nào đó nàng biết ông bác già có nhận xét sâu sắc. Liếc nhanh mấy người ngồi bàn bên cạnh An Hóa nói nhỏ.
- Xã hội mà chúng ta đang sống đây có thể tiến tới mức hoàn hão hơn nếu người ta đừng nghĩ tới tiền nhiều quá…
An Hóa ngừng nói khi cô hầu bàn trở lại. Nhìn Hương Điểm anh cười nhẹ.
- Cháu muốn ăn gì cứ việc gọi. Cháu gọi luôn cho bác cũng được…
Khẽ gật đầu Hương Điểm gọi thức ăn. Đợi cho cô hầu bàn đi xa nàng thì thầm.
- Cháu gọi để mình ăn chung. Như vậy có vẻ gia đình hơn…
An Hóa cười gật đầu đồng ý. Uống ngụm nước trà Hương Điểm hỏi một câu dò đường.
- Bác làm ở đâu hả bác? Bác về hưu rồi hả bác?
- Bác làm ở TVA. Tuy chưa tới tuổi chính thức nhưng bác về hưu non…
- Rồi ở nhà bác làm gì?
- Chẳng có gì đặc biệt hết. Đọc sách, nghe nhạc, làm vườn và ngủ…
Hương Điểm hơi nhăn nhăn mặt.
- Như vậy buồn chết…
- Riết rồi cũng quen. Cũng như hồi vợ bác mới chết bác khổ sở tới độ muốn tự tử nhưng dần dần cũng nguôi ngoai…
- Lúc vợ bác chết bác được bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi…
- Còn trẻ mà sao bác không lấy vợ khác?
- Ma nào thèm lấy bác…
Không nhịn được Hương Điểm bật cười thánh thót vì câu nói của An Hóa.
- Ma thời không thèm chứ cháu nghĩ người thời thèm. Ba mươi tuổi bác còn '' phong '' lắm mà…
Cười thành tiếng An Hóa nhìn cô cháu gái.
- Ai dạy cháu tiếng đó?
- Ba… Ổng nói hoài thành ra cháu thuộc lòng. Ba hay nói giỡn với má là '' tuy già nhưng ba còn phong lắm…
An Hóa lắc đầu cười. Ba mươi bốn năm sống nơi đất khách quê người đây là lần đầu tiên anh nói chuyện nhiều và lâu với một người đàn bà nhỏ hơn mình nhiều tuổi. Có lẽ vì Hương Điểm nói chuyện vui vẻ, duyên dáng và có nhiều chất '' nước mắm '' hơn các cô cậu trẻ tuổi khác. Một điều nữa là tuy sống ở đây khá lâu song nàng nói tiếng Việt lưu loát, không có giọng trọ trẹ của giới trẻ Việt ở Mỹ nói tiếng mẹ đẻ.
- Bác thích đọc sách lắm hả?
- Thích lắm. Nó là bạn của bác…
- Bác đọc sách gì?
- Gì cũng đọc. Truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, địa lý, sử ký. Gặp cuốn nào đọc cuốn đó…
- Mai mốt bác cho cháu mượn vài cuốn nghe. Cháu muốn biết về văn hóa của nước mình…
An Hóa cười gật đầu nói với giọng sắm nắm.
- Ừ khi nào rảnh cháu lại nhà bác đi. Bác nấu cho cháu ăn rồi bác chỉ cho cháu sách về sử địa. Bác có nhiều lắm…
Thức ăn được mang ra. Gắp thức ăn bỏ vào dĩa của An Hóa trước rồi sau đó mới gắp cho mình, Hương Điểm vui vẻ nói.
- Bác ăn đi bác… Bác vừa ăn bác vừa kể chuyện cho cháu nghe…
- Kể chuyện gì?
- Chuyện gì cũng được. Chuyện đi lính, chuyện gia đình…
An Hóa cười cười nhìn người đàn bà trẻ tuổi đang ngồi ăn trước mặt mình. Mái tóc huyền bóng mượt. Vầng trán rộng thông minh mà bướng bỉnh, đôi mày rậm và cong một cách tự nhiên. Mũi cao và kín. Miệng nhỏ với đôi môi dày. Da mặt mịn màng. Cặp mắt to dài long lanh và tinh anh.
- Bộ bác coi tướng cháu à?
Hương Điểm hỏi và An Hóa cười cười.
- Ừ… Cháu muốn bác kể chuyện thời bác kể chuyện về tướng số cho cháu nghe. Cháu tin tướng số không?
Ngần ngừ giây lát Hương Điểm cười.
- Cháu hổng biết. Có lẽ không tin mà nếu có cũng không nhiều lắm…
Uống một ngụm trà cho thấm giọng An Hóa cười cất tiếng.
- Kể về tướng số thời câu chuyện về ông Mạc Đỉnh Chi là câu chuyện lý thú nhất. Theo lời truyền tụng thời ông ta xuất thân nơi cùng đinh nghèo khổ nhưng thông minh xuất chúng. Có thuyết còn nói là mẹ của ông ta nhà nghèo, ở ven rừng, một bữa đi vào rừng lượm củi bị khỉ đè nên sinh ra ông ta…
Hương Điểm ré lên cười hắc hắc khi nghe ông bác già kể tới chỗ '' bị khỉ đè nên sinh ra ông ta…''
- Sở dĩ người ta đồn cha của Mạc Đỉnh Chi là khỉ vì tướng của ông ta như khỉ. Có lẽ ông ta xấu trai và tướng điệu giống như khỉ. Tuy hình dung xấu xí và tướng tá dị hợm song Mạc Đỉnh Chi lại thông minh, học một biết mười nhờ vậy mới thi đậu trạng nguyên…
- Trạng nguyên là gì hả bác?
Hương Điểm ngắt lời. Nhân đó An Hóa mới gắp miếng thịt gà bỏ vào miệng rồi mới trả lời.
- Trạng nguyên là tiến sĩ… là ông tiến sĩ đậu hạng nhất...
- Như vậy thời đâu có gì đặc biệt. Cháu…
Nói tới đó Hương Điểm chợt đưa tay lên bụm miệng mình lại không cho nói nữa. An Hóa nhìn cô cháu gái mới quen đăm đăm.
- Bộ cháu là tiến sĩ hả?
- Dạ hông… Cháu muốn nói là cháu cũng có thể học lấy bằng tiến sĩ nếu cháu chịu khó học…
An Hóa cười gật gù.
- Tiến sĩ thời bây giờ học đã khó mà ngày xưa còn khó gấp trăm lần. Mấy ngàn học sinh trong nước đi thi mà người ta chỉ lấy có một người…
- Một người…?
Hương Điểm lập lại với vẻ hoài nghi. An Hóa quả quyết.
- Một người. Người giỏi nhất trong mấy ngàn sĩ tử đó được gọi là trạng nguyên. Để bác nói tiếp chuyện về tướng của ông Mạc Đỉnh Chi. Sau khi đậu trạng nguyên và ra làm quan thời gian, ông ta được lệnh dẫn đầu sứ bộ đi sang Tàu. Qua bên đó bằng trí thông minh tột đỉnh và sức hiểu biết của một ông trạng nguyên, ông ta đã làm cho triều đình nước Tàu nể phục và vua Tàu phong cho ông ta chức lưỡng quốc trạng nguyên. Điều mà từ vua chí quan của Tàu thắc mắc là nếu theo thuật tướng số thời tướng của Mạc Đỉnh Chi không thể nào đậu trạng nguyên được. Cái tướng của ổng, ngày xưa thì có nước ở đợ hay cày ruộng, còn bây giờ thời '' drop out high school '' và đi chiên French fried với hamburger mà thôi…
Hương Điểm ré lên cười hắc hắc. Nhờ đưa cái khăn ăn lên che miệng nên tiếng cười của nàng mới không làm phiền những người ngồi bàn bên cạnh. Lau nước mắt nàng nhìn An Hóa.
- Cháu thích nghe bác kể chuyện…
Ăn tiếp miếng thịt gà trong dĩa, uống ngụm nước đá lạnh An Hóa tiếp tục kể.
- Để giải tỏa sự thắc mắc đó vua Tàu triệu các ông thầy tướng số giỏi nhất nước tới coi tướng cho Mạc Đỉnh Chi. Theo tướng số thời con người ta ai cũng có tướng và có tới ba thứ tướng. Thứ nhất là lộ tướng, thứ nhì là ẩn tướng và cuối cùng là tiềm tướng. Lộ tướng của ông tiến sĩ họ Mạc thời không có gì đặc biệt vì ổng có tướng đi như khỉ đột, mặt như khỉ già, tay chân khều khào như khỉ con…
Dù đã lấy khăn che miệng mà tiếng cười của Hương Điểm vẫn phát ra khiến cho ba người ngồi bàn bên cạnh phải quay nhìn.
- Coi lộ tướng không có gì đặc biệt, các ông thầy tướng của Tàu mới xin với Mạc Đỉnh Chi cho phép họ coi ẩn tướng, tức là các dấu vết đặc biệt ẩn trong người. Mạc Đỉnh Chi ưng thuận liền vì chính ổng cũng thắc mắc muốn biết trong người mình có cái gì đặc biệt hoặc khác thường. Trút bỏ quần áo xong, các ông thầy tướng đua nhau xem xét khắp thân thể. Rốt cuộc họ cũng không tìm ra cái gì để dẫn tới kết luận là nhờ lộ tướng, ẩn tướng hay tiềm tướng mà Mạc Đỉnh Chi được phong cho chức trạng nguyên của cả hai nước. Mọi người đều thất vọng và bỏ cuộc. Chỉ riêng có một ông thầy tướng già chưa chịu thua. Qua kinh nghiệm ông ta biết trong người của Mạc Đỉnh Chi phải có một điểm gì khác người thường và vô cùng đặc biệt mới làm cho ông ta trở thành một nhân vật xuất chúng. Nhờ kinh nghiệm và kiên nhẫn nên cuối cùng ông ta mới khám phá ra cái tiềm tướng của Mạc Đỉnh Chi…
An Hóa ngừng nói tủm tỉm cười. Hương Điểm cũng nhìn người kể chuyện một cách chăm chú như chờ nghe mà dù suy nghĩ nàng cũng không đoán ra kết cuộc.
- Đoạn cuối này hơi kỳ kỳ. Cháu làm ở nhà thương chắc quen với cảnh máu me và dơ dáy…
- Bác cứ nói, nói hết. Cháu không ngại chuyện đó đâu dù đang ăn uống…
Khẽ gật đầu An Hóa cười kể tiếp.
- Sau mấy ngày rình rập mọi cử động, theo dõi sinh hoạt thường ngày của Mạc Đỉnh Chi ông thầy coi tướng tìm ra giải đáp. Số là hai ba bữa vị trạng nguyên họ Mạc bị bón, nên khi ổng đi cầu thời phân của ổng còn nguyên hình dáng. Cũng nhờ hình dáng của cục phân mà ông thầy Tàu mới biết cái tiềm tướng quái lạ, trên đời có một không hai của ông Mạc. Thường thường cục phân của chúng ta đều hình tròn còn của ông Mạc Đỉnh Chi lại hình vuông…
Không nhịn được Hương Điểm ré lên cười hắc hắc. Nàng cười nhiều tới chảy nước mắt và mặt đỏ au. Dù biết ông bác già xạo mà nàng vẫn cười vì nhận ra điểm thâm thúy trong câu chuyện kể của ông ta.
- Vậy mai mốt chắc cháu phải nhờ bác coi tướng của cháu để kiếm xem cháu có ẩn tướng hay tiềm tướng…
Nói tới đó nàng kịp dừng lại đúng lúc. Mặt của nàng hồng lên vì mắc cỡ. Muốn xem ẩn tưởng hay tiềm tướng là nàng phải thoát y. Ý tưởng đó làm cho nàng mắc cỡ dù đã gọi An Hóa bằng bác. May mà ông bác già, có lẽ vì lãng tai không nghe nên im lặng ăn hết thức ăn trong dĩa. Ăn xong Hương Điểm đòi trả tiền song An Hóa nhất định không chịu. Cuối cùng nàng giành cho '' tip ''. Khi trở về nhà thấy hơn 9 giờ và biết Hương Điểm ngày mai còn phải đi làm nên An Hóa không muốn vào nhà.
- Cháu sẽ gọi và mời bác tới nhà gặp ba cháu. Thỉnh thoảng nếu buồn bác gọi nói chuyện với cháu. Cháu thích nói chuyện với bác…
- Nếu không có gì phiền cho cháu…
An Hóa nói nhỏ. Hương Điểm cười nhẹ.
- Dạ không có gì phiền. Nhà chỉ có cháu với ba mà ba già lẫn thành ra cũng không có nói chuyện nhiều…
- Ừ… Vậy thì bác sẽ gọi rủ cháu đi River Park ăn kem…
Hương Điểm cười vui vẻ. Đứng nhìn theo chiếc xe của An Hóa mất nơi khúc quanh nàng mỉm cười nhớ tới câu chuyện coi tướng của ông bác già.