Chương 3

12 giờ trưa. Đang sửa soạn ăn trưa An Hóa nghe điện thoại nhà của mình reo.
- Alo...
An Hóa lên tiếng. Một giọng cười thanh thanh vang lên.
- Dạ chào bác. Bác mạnh hôn bác...
An Hóa hơi mỉm cười vì biết đó là Hương Điểm.
- Dạ bác cũng mạnh, còn cháu?
- Dạ... Cháu mạnh. Bác nói chuyện với cháu mà bác dạ thưa làm cháu tổn thọ...
Dứt câu nói là tiếng cười hắc hắc cùng với âm thanh là lạ vang trong điện thoại.
- Cháu đang làm gì đó?
- Dạ cháu đang ăn trưa. Cháu gọi cho bác biết là tối mai 7 giờ cháu mời bác tới nhà ăn tiệc với ba cháu... Như vậy có gì phiền không bác?
Hương Điểm nghe đầu giây điện thoại bên kia có tiếng cười khẽ vang cùng giọng nói trầm và chậm rãi.
- Không có gì phiền đâu cháu. Bác cũng muốn có dịp tới nhà thăm ba cháu. Có bạn trò chuyện chắc ba cháu sẽ bớt buồn và cô đơn hơn...
- Dạ cháu cám ơn bác…
- Không có gì… Chiều mai bác sẽ tới…
- Dạ... Cháu chào bác và sẽ gặp bác...
Dứt cuộc nói chuyện Hương Điểm ngồi im nhìn ra khung cửa sổ rộng. Nắng vàng hực dọi trên nóc tầng lầu phía bên kia. Hơi lạnh của máy điều hòa không khí toát ra thành âm thanh rì rầm dìu dịu. Bỗng dưng nàng khe khẽ thở dài. Đời sống nhàm chán, vô vị, trống rỗng và hầu như không có một mục đích hay cái gì để cho mình đeo đuổi hoặc cố gắng thực hiện. Nàng cảm thấy như mất hướng đi khiến mình phải lao đao, ngã ngiêng hoặc bối rối. Nàng cảm thấy như đời sống của mình thiếu đi một cái gì không rõ rệt. Một ngày như mọi ngày, được lập đi lập lại như một công thức, riết rồi nàng có cảm tưởng mình là một '' robot '' biết suy nghĩ. Sáng. 6 giờ thức dậy. Tắm rửa. Làm vệ sinh. Trang điểm. Ăn điểm tâm bằng một chén cereal, một ly sữa tươi hoặc nước cam. 7 giờ 15 ra khỏi nhà. 7 giờ 45 tới sở làm. Đi thang máy lên tầng lầu ba vào văn phòng làm việc. 5 giờ rưởi chiều ra khỏi sở. Đi bộ nửa giờ xong về nhà. Hỏi thăm sức khỏe của ba. Thay quần áo. Nấu bữa cơm chiều. 7 rưởi giờ ăn tối. 8 giờ đọc sách báo hoặc đàn hát. 9:45 giờ đi tắm. 10 giờ xem tin tức. 10 rưởi đi ngủ. 6 giờ sáng thức dậy. Tất cả được làm đi làm lại. Ngày này sang ngày khác. Một ngày 24 giờ. Một tuần lễ bảy ngày. Một năm 52 tuần lễ. Một năm 365 ngày. Như thế đời sống đều đặn trôi đi trong lặng lẽ và rỗng tuếch. Cũng may là công việc của hãng khá bận rộn khiến cho thời giờ qua mau hơn nếu không chắc tâm hồn của nàng phải lâm vào cơn khủng hoảng càng ngày càng gia tăng tới mức độ trầm trọng. Nàng biết có hai điều giữ thăng bằng cho tâm hồn của mình là lòng thương yêu người cha già và một chút tin tưởng vào một điều gì tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai. Điều này thật mơ hồ, như là điểm sáng lung linh, nhạt mờ song cũng đủ chiếu rọi để nàng làm điểm tựa mà tin tưởng và tiếp tục sống, dù đời sống trống rổng và vô vị.
An Hóa mở mắt. Sau giấc ngủ trưa ngắn anh cảm thấy khỏe khoắn hơn. Chống tay ngồi dậy anh nhìn đồng hồ trên tường. 2 giờ 37 phút. Không hiểu nghĩ sao anh lại buông mình xuống nệm. Chiếc giường king size rộng thênh thang. Tấm vải trải giường nhầu nát, cũ kỹ và bốc mùi hăng hăng. Anh tự hỏi bao lâu rồi mình chưa giặt tấm vải trải giường, mền và áo gối. Có lẽ từ lâu lắm rồi. Có lẽ hơn một năm. Trần nhà và bốn bức vách màu trắng bây giờ biến thành màu ngà ngà vì lâu ngày không được sơn sửa lại. Sống một mình trong căn nhà nhỏ hai phòng ngủ mấy chục năm anh đâm ra không quan tâm lắm về chuyện sửa chữa hoặc tân trang lại ngôi nhà của mình. Từ khi được tin vợ và hai con chết trong chuyến vượt biên thời mọi việc và mọi sự đối với anh không còn quan trọng nữa. Sống cũng được mà chết cũng được. Sở dĩ anh còn sống tới ngày hôm nay vì anh không thể chết. Anh không thể tự tử hoặc không muốn tự tử. Do đó anh phải kéo lê đời sống của mình. Nhiều khi anh mong ước mình bị bệnh để được chết. Đó như là một lối thoát.
Hơi nghiêng người An Hóa nghe tiếng gió rì rào hàng cây thông sau nhà. Tiếng thông reo gợi anh nhớ Đà Lạt. Tuy thời gian lâu mấy chục năm song trong tâm tưởng của anh tiếng thông reo của Đà Lạt vẫn còn âm hưởng như mới hôm nào. Hè năm học đệ tam chấm dứt. Thằng bạn thân ngồi cạnh rủ anh lên Đà Lạt chơi. Nó có người cậu dạy học trên đó. Được má cho phép anh khăn gói theo thằng bạn thân lên Đà Lạt nghỉ hè ba tháng. Đây là kỹ niệm đẹp nhất mà anh còn nhớ hoài. Thằng bạn thân có một người chị bà con cũng học đệ tam và cùng bằng tuổi của anh. Do đó suốt ba tháng hè cô ta và anh trở thành đôi bạn thân, rong chơi khắp nơi và hình ảnh của cô ta còn lưu lại trong anh cho tới ngày hôm nay.
An Hóa ngồi dậy. Cuối cùng anh cũng phải ngồi dậy vì không thể nằm trên giường lâu hơn nữa. Nằm nhiều quá anh cảm thấy người mỏi mệt và yếu ớt. Huống chi anh cần làm xong cái bồn bông bên hông nhà đã bị bỏ dở dang mấy tuần nay vì mưa và vì mệt nhọc. Ăn tô bún bò xào dằn bụng xong anh thay bộ quần áo cũ rồi mở cửa bước ra sân. Tuy còn mấy ngày nữa mới bắt đầu mùa hè song trời đã nóng nực. Nắng rực rỡ làm chóa mắt khiến cho anh phải nhắm lại rồi lát sau mới mở ra. Mở cửa sau của nhà xe, đội lên đầu cái nón lưỡi trai, anh bước ra sân cỏ rồi đi chậm ra hông nhà bên trái. Hơn nửa tháng trước đây, đứa cháu gọi bằng cậu ở Denver đi nghỉ hè ở Orlando, trên đường về nhà đã ghé thăm anh. Hai cậu cháu trò chuyện nhiều và nó nêu ý kiến với anh trồng bông hồng bên hông. Dù không muốn nhưng để làm vui lòng cháu anh ưng thuận. Hai cậu cháu hì hục đi mua cây về làm bồn bông. Tuy nhiên thằng cháu trai chỉ ở chơi có hai ngày thành ra phần còn lại anh phải làm. Cũng vì vậy mà công việc chậm lại nhiều vả lại anh cũng không có gì phải gấp rút. Làm cỏ cho sạch, xới đất cho nhuyễn xong trộn phân; công việc không có gì nặng nhọc nhưng lại mất thời giờ. Hôm nay anh phải làm nốt phần cuối cùng là đào lỗ để đặt các cây bông hồng xuống. Mới đào có ba cái lỗ mà mồ hôi nhễ nhại vì nhiệt độ hơn 90 độ F. Nghỉ mệt giây lát anh tiếp tục đào tiếp cho tới khi không còn chỗ trống. Tạm hài lòng anh đặt tất cả bụi hồng vào lỗ xong lấp đất lại rồi tưới nước ướt đẫm trên mặt. Nhìn đồng hồ chỉ 5 giờ rưởi anh thu dọn dụng cụ xong trở vào nhà. Không khí trong nhà mát lạnh làm cho anh khỏe khoắn. Uống cạn ly nước anh bắt đầu tắm rửa rồi thay quần áo. 6 giờ rưởi anh rời nhà. Nắng chói chang. Mặt trời còn ở trên đọt cây cao. Chừng mười lăm phút sau anh quẹo vào con đường nhỏ có tên Cherry Wood và sau cùng ngừng trước ngôi nhà gạch mang số 1125. Mở cửa xe anh đứng nhìn quanh quất. Bước lên tam cấp anh dừng lại trước cánh cửa sơn màu xanh nhạt. Cửa mở khi anh định đưa tay bấm chuông. Hương Điểm hiện ra với mái tóc vấn cao bày cái cổ trắng ngần. Đôi mắt long lanh, nụ cười tươi vui, cô chủ nhà chào khách bằng giọng nói thanh thanh.
- Dạ bác… Mời bác vào…
- Chào cháu…
Liếc nhanh ông bác già cô chủ nhà cười nói đùa.
- Bác diện đẹp cháu thấy bác còn phong lắm…
An Hóa cười nhẹ bước vào phòng khách trang hoàng giản dị. Ba cái ghế da cũ. Chiếc bàn hình chữ nhật cũng cũ. Trong góc phòng cái đèn có chụp tỏa ánh sáng mát dịu. Ba bức vách có ba bức tranh, một khảm xa cừ, một bằng lụa và một sơn mài. An Hóa chú ý tới bức tranh lụa vẽ hình một thiếu nữ mặc áo dài.
- Dạ bác ngồi… Để cháu vào đón ba cháu…
Nghe tiếng chân An Hóa ngước nhìn. Ánh chống gậy chậm chạp bước ra. An Hóa đứng lên vui vẻ chào đón.
- Chào anh… Lâu quá tôi mới gặp lại anh…
Ánh run rẩy bắt tay An Hóa.
- Chào anh… Tôi không thấy anh già đi chút nào hết…
An Hóa nói trong tiếng cười vui.
- Già chứ anh. Tóc bạc gần hết. Bởi vậy cháu Hương Điểm mới gọi tôi là ông bác già…
Hương Điểm bật cười. Nhìn An Hóa nàng nói đùa.
- Từ nay cháu không gọi là ông bác già nữa mà gọi là ông chú già được hôn bác?
Ngồi xuống ghế An Hóa trả lời.
- Cháu gọi gì cũng được. Bác không sợ già đâu…
Để cho hai ông già ngồi ôn lại chuyện xưa cũ, Hương Điểm vào trong bếp sửa soạn cho xong bữa ăn tối. Hai ông lính già nhắc từ chuyện hồi còn học tiểu học ở Bến Tre, trung học rồi lan man sang chuyện lính. Người ở hải quân, người thuộc sư đoàn 7, họ vừa uống trà vừa cười nói huyên thiên. Vừa bày chén dĩa lên bàn ăn Hương Điểm thầm cám ơn An Hóa khi nghe tiếng cười sảng khoái của ba. Ít khi nào nàng nghe ba của mình cười vui như vậy. Bước ra phòng khách, đứng sau chiếc ghế da, ôm vai ba nàng cười nói.
- Con xin lỗi ba với bác ngưng câu chuyện một chút. Mời ba và chú…
Nàng cười nhìn An Hóa khi nói tới tiếng '' chú ''.
-... vào ăn để thức ăn nguội mất ngon…
Hai ông già đứng lên. Hương Điểm ngồi đầu bàn còn An Hóa ngồi bên trái.
- Cháu có chả giò cho bác lai rai… Bác uống được rượu chát?
An Hóa gật đầu cười.
- Cháu cho bác một ly nhỏ thôi…
Hương Điểm rót cho ba ly nước cam, An Hóa ly nhỏ rượu chát và mình một ly nước lạnh. Vừa ăn nàng vừa chăm sóc cho hai ông già trong lúc lắng nghe câu chuyện lính của hai người. Nàng biết muốn nói chuyện với An Hóa nàng phải tìm hiểu về quá khứ của ông ta. Vì vậy nàng chú tâm vào câu chuyện và cố gắng nhớ những gì ba và An Hóa nói với nhau. Bữa ăn tối kéo dài gần một giờ đồng hồ mới xong. Hai ông già lại kéo nhau ra phòng khách uống trà và tiếp tục chuyện lính đã bị đứt quãng. Dọn dẹp nhà bếp xong thấy đã hơn 8 giờ rưởi Hương Điểm vào phòng riêng thay quần áo rồi trở ra cười nói với ba của mình.
- Tới giờ rồi ba…
Ông Ánh cười với con gái.
- Hôm nay ba gặp bác An Hóa nói chuyện vui quá…
Hương Điểm hướng về chỗ ông bác già đang ngồi.
- Dạ… Con sẽ mời bác An Hóa tới chơi với ba thường xuyên hơn… Bây giờ đã tới giờ ba uống thuốc và đi nghỉ…
Run rẩy đứng lên Ánh bắt tay An Hóa.
- Anh ngồi chơi. Tôi xin phép anh đi nghỉ trước. Con nhỏ này coi vậy mà khó tính lắm anh…
An Hóa cười nhìn Hương Điểm và thấy cô cháu gái cũng đang nhìn mình cười với vẻ tinh nghịch.
- Bác ngồi chơi để cháu cho ba cháu uống thuốc xong sẽ ra đây nói chuyện với bác…
- Cháu cứ thong thả lo cho ba đi… Bác không có trốn đâu mà sợ…
Cười thánh thót Hương Điểm dìu ba đi vào phòng ngủ. Lát sau nàng trở ra phòng khách.
- Bác uống thêm rượu nghen bác…
Hương Điểm hỏi và An Hóa lắc đầu.
- Cám ơn cháu nhưng một ly đủ rồi…
- Bác cứ việc uống có gì cháu đưa bác về cũng được. Cháu cũng muốn uống một ly vậy bác uống một ly với cháu nghen…
Hương Điểm nhõng nhẽo và An Hóa gật đầu ưng thuận. Bỏ vào trong bếp giây lát nàng trở ra với hai ly rượu chát. Hai người im lặng uống rượu. Hương Điểm không hiểu lý do gì mà lần này nàng cảm thấy ngượng ngùng không biết nói chuyện gì. Phần An Hóa cũng vậy. Anh cũng cảm thấy không được tự nhiên và thoải mái khi ngồi đối diện với Hương Điểm.
- Ngày mai cháu không có đi làm?
- Dạ không. Bởi vậy cháu mới dám cụng ly với bác…
Nói xong nàng cất tiếng cười và An Hóa cũng cười theo. Nhờ tiếng cười mà hai bác cháu cảm thấy thoải mái hơn một chút. Nâng ly rượu lên nàng đưa ra trước mặt ông bác già như tỏ ý mời. Mỉm cười An Hóa đưa cái ly rượu của mình chạm nhẹ vào ly của Hương Điểm.
- Cháu tính nhậu với bác hả. Bác già rồi mà còn gân lắm…
Hương Điểm bật cười thánh thót. Liếc về phòng ngủ của ba thấy đã tắt đèn nàng nói nhỏ với An Hóa.
- Cháu mời bác xuống phòng giải trí. Cháu sợ làm ồn…
- Đúng đó. Mình không nên làm ồn vì ba cháu khó ngủ…
Hương Điểm đi xuống cầu thang trước còn An Hóa theo sau. Chiếc đèn đặt trong góc phòng tỏa ánh sáng mờ mờ. Căn phòng nhỏ ấm cúng, ngăn nắp và sạch sẽ.
- Bác thích nghe nhạc hôn bác?
Hương Điểm hỏi trong lúc ngồi xuống ghế nệm. An Hóa ngồi xuống cái ghế bên cạnh.
- Thích… Mặc dù nghe nhạc thì buồn nhưng bác vẫn thích…
Đưa ly rượu lên nhấp môi Hương Điểm cười.
- Cháu cũng vậy. Mỗi lần nghe nhạc cháu lại nhớ má cháu…
Khẽ gật đầu An Hóa nhìn quanh quất căn phòng. Thấy cái mike đặt trên đầu tivi anh cười hỏi.
- Chắc cháu hát hay lắm hả?
Hương Điểm cười thánh thót lắc lắc mái tóc huyền.
- Dạ hông… Dở lắm bác ơi…
- Như vậy là cháu biết hát?
An Hóa nhấn mạnh câu nói của mình. Hương Điểm cười nhìn ông bác già.
- Có thể là như dzậy…
An Hóa bật cười vì câu trả lời mơ hồ của người đối thoại.
- Chuyện cháu hát hay hoặc dở để người nghe phê bình. Bác chưa nghe nên không có ý kiến…
Hiểu ý của An Hóa muốn nghe mình hát Hương Điểm nói với giọng buồn buồn.
- Má cháu hát hay lắm. Lúc còn nhỏ má cháu dạy cháu hát thành ra cháu cũng biết chút ít. Sau đó vì ở xa ba má nên cháu bỏ không có hát cho tới khi về lại mái nhà xưa. Khi nào buồn cháu hát để quên buồn, để nhớ má…
Với tay lấy cái remote control Hương Điểm mở tivi và dàn stéreo.
- Cháu xin hát bài Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của Võ Tá Hân cho bác nghe thử… Dở bác đừng có cười nghen…
An Hóa gật đầu cười thay cho câu trả lời. Hương Điểm bấm nút. Nhạc cất lên buồn chơi vơi trong căn phòng im lặng.
- Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Hôm ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về…
Con đi góp lá ngàn phương
Ðốt lên cho đời tan khói sương
Con đi xin mẹ hãy chờ
Ngậm ngùi con dấu trong thơ
An Hóa cúi nhìn xuống thảm màu xanh. Tiếng hát của Hương Điểm mường tượng như tiếng nghẹn ngào và than khóc khiến cho anh phải ngước lên nhìn. Ánh đèn mờ mờ từ trên tường dọi xuống mái tóc huyền buông lơi trên vai áo trắng. Nửa khuôn mặt nhìn nghiêng với sóng mũi cao, làn da mặt trắng và cái miệng mở ra thành tiếng hát ngọt mềm chở chất tình cảm.
- Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Con đi xin mẹ hãy chờ
Ngậm ngùi con dấu trong thơ
Nghe tiếng me như tiếng nghẹn ngào
Tiếng người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao với
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Nghe tiếng mẹ ơi bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà con đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười...
An Hóa cảm thấy hụt hẫng khi tiếng hát của Hương Điểm từ từ nhỏ dần rồi mất hẳn. Âm thanh dứt song âm hưởng còn đọng lại trùng trùng trong căn phòng dường như phảng phất mùi nước hoa của người đàn bà ngồi cúi đầu xuống. An Hóa thở dài nhè nhẹ.
- Cháu hát làm bác buồn muốn khóc. Nhớ má bác dù bà mất đã lâu rồi...
- Cháu xin chia buồn với bác...
An Hóa cười hiền.
- Có gì đâu. Sinh, bệnh, lão, tử mà cháu. Chết là thoát được phiền não. Như bác đây...
Nói tới đó An Hóa ngừng lại. Nhìn Hương Điểm anh cười tiếp.
- Bác có người quen có studio nhạc ở Atlanta. Nếu cháu muốn bác đưa cháu tới gặp ông ta để thâu...
Hương Điểm lắc đầu cười.
- Cháu hát dở mà thu dĩa người ta cười chết...
Uống một hớp nhỏ rượu chát An Hóa đùa.
- Cháu có một người ái mộ đủ rồi...
Hương Điểm cười thánh thót vì hiểu ý của An Hóa.
- Bác muốn nghe nữa hôn cháu hát cho bác nghe...
An Hóa gật đầu liền.
- Muốn... Bác có thể ngồi nghe cháu hát suốt đêm...
Hương Điểm cười chúm chiếm cầm lấy cái mike đoạn bấm nút remote control. Nhạc nổi lên buồn nhưng cũng không buồn bằng tiếng hát lất lây sầu của Hương Điểm. An Hóa cảm thấy mắt mình cay cay khi nghe bốn câu đầu.
- Ðêm nay trên lũng hoa vàng
Lấy bình rượu uống cho tan nỗi buồn
Một ly để nhớ quê nhà
Còn ly này nữa tủi hờn tuổi xanh
Trăng soi quán vắng một mình
Sương cài mái tóc mặc tình gió hôn
Rót thêm đi rượu vẫn còn
Chưa tan nỗi nhớ chưa mòn cơn điên
Uống đi rượu với ưu phiền
Ðầy ly ta cạn cho mềm môi nâu
Hỏi ngày mai biết về đâu
Ðố ai biết được vó câu bụi mờ...
Hương Điểm hơi chúm chiếm cười khi thấy An Hóa đưa ly rượu lên tỏ ý mời mình cụng ly. Gật đầu nàng cầm ly rượu đưa lên. An Hóa đọc trong mắt của cô cháu gái một ý nghĩ như hẹn hò, như mời mọc khiến cho anh cũng mỉm cười gật đầu uống một ngụm nhỏ. Tự nhiên anh cảm thấy rượu ngọt và ngon vô cùng.
- Ðêm nay uống rượu với thơ
Ngả nghiêng trời đất vẫn chưa lịm hồn
Ta chìm giữa vũng cô đơn
Bình tan ly nát vẫn buồn rượu ơi!
Ðêm nay dưới ánh sao trời
Riêng mình ta giữa quãng đời quạnh hiu
Uống bao nhiêu, sao vẫn buồn
Rượu vào lệ mãi giọt theo chán chường
Quê hương xa khuất chân trời
Trăng vàng xưa cũ lạnh lùng hiên ngoài
Mênh mông đất khách đoạn trường
Bước chân nẻo lạ dặm về xa xăm...
Tiếng hát dứt làm cho An Hóa nghe như có cái gì mất mát.
- Mời bác...
Hương Điểm đưa ly rượu lên. An Hóa nhẹ lắc đầu.
- Thôi bác còn phải lái xe về...
Hương Điểm cười thánh thót.
- Nhà cháu có ba phòng. Cháu đã soạn sẵn một phòng rồi nếu bác không chê...
- Chê thời bác không chê... nhưng '' uống bao nhiêu sao vẫn buồn... bình tan ly nát vẫn buồn rượu ơi...''
- Có thể tại bác không có người đối ẩm...
Hương Điểm uống cạn ly sau khi nói. An Hóa nhận thấy làn da mặt của nàng hồng lên dưới ánh đèn. Mắt của nàng long lanh hơn. Nụ cười cũng tươi hơn. An Hóa cạn ly rượu. Đứng lên Hương Điểm đưa tay ra như có ý nói An Hóa đưa ly cho mình lấy thêm. Chần chừ giây lát An Hóa đưa ly rượu cho nàng và cười nói.
- Chắc bác phải ngủ nhờ nhà cháu đêm nay. Ngày mai ba của cháu có hỏi thời bác sẽ nói '' Hương Điểm phục rượu tôi say không lái xe về được...''
Hương Điểm cười. Tiếng cười như tiếng reo vui. Quay lưng đi ra tới cửa nàng nói vọng lại.
- Ba cháu không tin bác đâu bác ơi...
Lát sau Hương Điểm trở lại với hai ly rượu đầy nửa. An Hóa trợn mắt.
- Cháu không sợ say à?
- Sợ chứ nhưng...
Ngừng nói nàng trao ly rượu cho An Hóa xong tới ngồi trên cái ghế đối diện.
- Cháu muốn cụng ly với bác cho bác vui...
An Hóa thở dài. Giọng nói của anh trầm xuống thấp.
- Cám ơn cháu... Mình sống tự do nhưng mà buồn. Có thể đó là cái giá của tự do...
- Tại sao sống ở đây mà bác buồn...
An Hóa cúi nhìn vào ly rượu đang cầm trên tay. Hương Điểm im lặng nhìn người bác già. Ông ta là hình tượng của cô đơn, của nỗi buồn và của tuổi già. Mái tóc điểm sương hơi dài vì không được cắt tỉa thường xuyên. Khuôn mặt xương xương gầy nếu không muốn nói là hốc hác. Ánh mắt u uẩn, thấp thoáng một vẻ gì như băn khoăn, thấp thỏm và cam chịu số phận hẩm hiu của mình. Nó như sự nhẫn nại và một chút buông xuôi.
- Mình buồn vì không có gì vui, không có gì để cho mình vui. Quá khứ đẹp mà xa xăm. Hiện tại thời rỗng trống còn tương lai là nấm mồ. Đối với một người đợi chết, chờ đi hết một đời người thời có gì mà vui...
Hương Điểm ứa nước mắt. Nàng hiểu tâm trạng của An Hóa. Đó cũng là tâm trạng của ba nàng, chú nàng, của những người lính thua trận. Dĩ vãng của họ đẹp. Quá khứ của họ hào hùng. Bởi vậy mà họ không chịu từ bỏ. Có người nói người ta sống cho hiện tại và tương lai. Điều đó có lý. Tuy nhiên đối với An Hóa điều này không thích hợp và không cần thiết. Thứ nhất anh không thể hội nhập vào xã hội mà anh đang sống. Đúng hơn anh không muốn hội nhập vào. Anh từ chối nó. Anh như một kẻ đứng bên lề đường nhìn dòng người lũ lượt đi mà không muốn bước chân vào. Đối với xứ sở này anh là kẻ tạm trú. Rồi một lúc nào đó kẻ tạm trú sẽ trở về nơi chốn mà hắn đã bỏ đi. Tạm trú thời hội nhập làm gì để mình không còn là mình. Hội nhập vào xã hội này dù ít hay nhiều mình cũng mất đi cái của mình, sẽ bị cái guồng máy lôi cuốn và nghiền nát. Điều đó nàng đã thấy ở một số người. Cộng sản dùng súng ống để kiềm chế con người, còn tư bản thời xử dụng nhu cầu để trói buộc con người. Hai đường lối khác nhau song tựu chung cùng nhằm một mục đích. Chỉ có một điều khác biệt là trong xã hội tư bản con người tự do làm nô lệ cho những ước vọng của chính mình. Nhu cầu nhiều quá do đó chúng ta phải làm nhiều để thỏa mãn nhu cầu của mình. Bởi vậy mới có người nói tự do là từ bỏ mọi ước vọng của mình. Hương Điểm không biết An Hóa có nghĩ như vậy không nhưng xuyên qua cách ăn mặc nàng biết ông bác già không chú trọng tới y phục. Cái áo sơ mi không rách nhưng cũ. Chiếc quần xộc xệch. Đôi giày cũng cũ. Cái xe cũng cũ. Bởi vậy người cũng cũ luôn. Hương Điểm mỉm cười vì ý nghĩ của mình.
- Nói đúng ra thời bác cũng có những lúc vui...
- Như lúc nào?
Hương Điểm lên tiếng. An Hóa cười đưa ly rượu lên.
- Như đang ngồi nghe nhạc và uống rượu với cháu đây. Dù không lấp được nỗi buồn nhưng cũng là niềm vui thấp thoáng...
- Vậy hả bác... Vậy thì mỗi tuần cháu mời bác tới nhà...
An Hóa lắc đầu cười.
- Cực cháu thôi. Cháu vừa đi làm, vừa lo cho ba bây giờ lại lo giải trí cho bác nữa...
Hương Điểm cười thánh thót.
- Chuyện đó bác để cháu lo. Còn nếu bác sợ cháu cực thời bác tới đây nấu cơm mời ba cháu và cháu ăn...
An Hóa cười lớn vì câu nói của cô cháu gái.
- Cháu có ý kiến hay... Để bác tính lại xong cho cháu biết... Bây giờ mình đi ngủ chưa cháu...
Hương Điểm liếc nhanh đồng hồ treo trên tường. 10 giờ. Nàng biết mấy người già như An Hóa thường đi ngủ sớm nhưng không hiểu nghĩ gì mà nàng lại lắc đầu nói với giọng đùa giỡn pha nũng nịu.
- Chưa bác ơi... Bác phải ngồi đây babysit cháu cho tới khi nào cháu buồn ngủ...
An Hóa cười hớp ngụm rượu.
- Hồi nhỏ chắc cháu nhõng nhẽo dữ lắm...
- Dạ... Tới bây giờ vẫn còn nhõng nhẽo mà đôi khi còn nhiều hơn nữa...
Muốn cho An Hóa quên chuyện đi ngủ nên Hương Điểm phải tìm cách gợi chuyện.
- Bác đi lính thủy chắc bác đi nhiều nơi lắm hả bác?
- Nhiều lắm. Từ ngoài trung vào tới trong nam chỗ nào bác cũng có đi, có ghé. Nhất là trong miền nam...
- Bác biết lội hôn bác?
Hương Điểm cười hắc hắc sau khi hỏi.
- Tại sao cháu hỏi vậy?
- Dạ tại cháu nghe nói nhiều người đi lính hải quân mà không biết lội... Họ nói họ đi tàu thời cần gì biết lội...
An Hóa cười hắc hắc.
- Bác lội cũng được...
- Để hôm nào cháu rủ bác đi tắm hồ xem bác lội giỏi hơn cháu không...
Nói tới đây thấy An Hóa đưa tay lên che miệng ngáp Hương Điểm cười đứng dậy.
- Bác buồn ngủ rồi. Thôi cháu tha cho bác không phải babysit cháu nữa. Để cháu chỉ phòng cho bác...
Hương Điểm đi trước. Nàng cảm thấy có chút dao động vì biết có người đàn ông đi sau lưng của mình. Dù đã già, dù được nàng gọi bằng bác, An Hóa vẫn là đàn ông. Đàn ông. Cái sinh vật đực này đối với nàng là thứ đáng thương mà cũng đáng ghét nhưng ghét nhiều hơn thương. Có nhiều đàn bà không may mắn về chồng con và nàng là một trong số những người đàn bà đó. Lấy chồng chỉ được hơn một năm là ly dị bởi vì không thể sống chung với nhau lâu hơn nữa. Cho tới giờ phút này nàng vẫn không hiểu tại sao mình có thể lấy một người mà mình không yêu. Có lẽ lúc đó nàng nghĩ là nàng yêu. Đó là một sai lầm. Tình yêu không là ý nghĩ. Tâm hồn của nàng được chia ra hai phần khác nhau là lý trí và tình cảm. Tình yêu là một rung động của tình cảm. Cũng như âm thanh của nốt nhạc là rung động của tình cảm bởi vì người đàn đã gởi gấm hay ấp ủ tình cảm của mình trong âm thanh đó. Sau khi ly dị xong nàng ở vậy dù mới ngoài 30 tuổi. Sống một mình nàng khám phá ra nhiều điều hay ho. Tự do. Nàng muốn làm gì thời làm. Dĩ nhiên có đôi lúc cũng buồn vì cảm thấy trơ trọi; nhưng so với '' đôi lúc cũng buồn '' này nàng cảm thấy tự do đáng giá hơn nhiều. Từ khi về ở chung nhà với ba nàng cảm thấy bớt đơn độc hơn vì ít ra nàng có một người thân yêu kề cận và cần tới sự chăm sóc của mình.
An Hóa im lặng đi sau lưng của Hương Điểm. Anh ngửi được mùi hương dịu dàng toát ra từ mái tóc đen dài của nàng. Tóc của nàng thật đẹp. Đen bóng và mịn màng. Anh không thích màu đen trừ một điểm duy nhất nơi đàn bà. Đó là tóc đen, áo đen và mắt đen. Bây giờ đi sau lưng Hương Điểm nhìn mái tóc huyền mượt mà trong ánh đèn từ trên trần nhà dọi xuống anh nhớ tới người vợ quá cố. Đông cũng có mái tóc gần giống như của Hương Điểm, chỉ dài hơn, có lẽ dài hơn nhiều. Lúc mới yêu nhau anh thường hay thắc mắc về cái tên của nàng. Đông. Cái gì đông. Tại sao lại đông mà không là thu, xuân. Dễ nghe hơn. Hoặc hạ. Tới chừng nàng nói thêm chữ lót là dạ thành ra Dạ Đông thời anh mới hiểu. Nàng còn thêm dạ là đêm chứ không phải dạ là dạ thưa đâu anh đừng hiểu lầm. Sau này thành vợ chồng và có con với nhau anh thường hay chọc vợ và đôi khi làm cho nàng giận vì nói lái hai tiếng Dạ Đông thành dộng đa. An Hóa thở dài nhớ tới vợ con. Họ chết ba mươi năm rồi mà họ vẫn ở trong lòng anh. Người chết không khổ. Chỉ có người sống mới nhớ. Nhớ là khổ.
- Có chuyện gì mà bác thở dài vậy bác?
Hương Điểm lên tiếng hỏi. Dường như nàng cảm thấy được tiếng thở dài thầm lặng của ông bác già.
- Bác đâu có thở dài?
An Hóa chối liền. Có lẽ anh không muốn gợi lòng thương hại của Hương Điểm.
- Có... Cháu nghe bác thở dài...
Anh Hóa cười nhỏ.
- Lạ à nghe... Bác không nghe bác thở dài mà cháu lại nghe... Hay là cháu thở dài mà cháu không biết...
Hương Điểm bật cười. Nàng biết ông bác già ngụy biện.
- Phải hôn đó... Bác thở dài mà bác không dám nhận...
An Hóa cười lên tiếng. Giọng của ông ta trầm và khàn khàn.
- Bác nhớ vợ của bác. Đi sau lưng cháu nhìn mái tóc của cháu bác nhớ vợ của bác...
Hương Điểm quay đầu lại cười. An Hóa cũng nhìn nàng rồi tiếp.
- Mái tóc của cháu và Dạ Đông giống nhau...
- Bác gái tên Dạ Đông hả bác. Tên đẹp và lạ... Cháu thích tên của bác gái...
- Ừ... Bả không đẹp nhưng được cái duyên dáng và hiền...
- Ba cháu nói mấy người hiền hay chết sớm. Má cháu hiền lắm. Có phải vậy hôn bác?
- Có lẽ vậy... Chết là sướng...
- Như vậy sống là khổ hả bác?
- Hẳn là vậy... Có thể không sướng mà cũng không khổ. Tuy nhiên có thể không khổ không sướng mới là khổ...
- Như vậy đang lúc này bác khổ hả bác?
An Hóa cười vì lời bắt bẻ của Hương Điểm. Hai người dừng trước cửa phòng khép hờ. Cô chủ nhà bật đèn lên. Cái giường full size phẳng phiu. Tủ đựng quần áo trong góc. Chiếc bàn nhỏ đặt cạnh giường. Tất cả giản dị và sạch sẽ. Bước vào phòng Hương Điểm cười thốt.
- Bác ngủ tạm đêm nay. Mai mốt cháu sẽ dọn phòng đầy đủ hơn cho bác...
An Hóa nhìn Hương Điểm. Hiểu ý nàng cười tiếp.
- Bác nghe cháu hát, mình đối ẩm mỗi cuối tuần thời bác đâu có lái xe về được. Bác ngủ lại đây thời bác phải có phòng riêng cho bác...
- Cám ơn cháu... Vậy là bác phải nấu ăn cho cháu mỗi cuối tuần hả...
Hương Điểm cười thánh thót.
- Chắc là vậy bác ơi...
An Hóa cười.
- Bác hân hạnh lắm. Ít nhất bác cũng có hai người thân biết thưởng thức tài nấu ăn của mình.
Bác thích nghe cháu hát...
Hương Điểm cười lui ra khỏi phòng. An Hóa ngồi xuống giường. Anh có vẻ tư lự.