1. LAI LỊCH CỦA KINH DỊCH

    
ứ như Tiên nho - từ Hán nho đến Minh nho, đã nói thì Kinh Dịch bắt đầu ra đời từ vua Phục Hy, một ông vua về đời thần thoại trong sử Tàu, cũng gọi Bào Hy, không biết cách đây mấy nghìn hay mấy vạn năm. Lúc ấy Hoàng Hà có con long mã(1) hiện hình lưng nó có khoáy thành đám, từ một đến chín, vua ấy coi những khoáy đó, mà hiểu được lẽ biến hoá của vũ trụ, mới đem lẽ đó vạch ra thành nét. Đầu tiên vạch một nét liền, tức là “vạch lẻ”, đế làm phù hiệu cho khí Dương, và một nét đứt, tức là “vạch chẵn” để làm phù hiệu cho khí Âm. Hai cái vạch đó gọi là hai Nghi. Trên mỗi Nghi thêm một nét nữa, thành ra bốn cái “hai vạch”, gọi là bốn Tượng. Trên mỗi Tượng lại thêm một vạch nữa, thành ra tám cái “ba vạch”, gọi là tám Quẻ(2). Sau cùng, vua ấy lại đem Quẻ nọ chồng lên Quẻ kia, điên đảo khắp lượt, thành ra sáu mươi tư cái “sáu vạch”, gọi là sáu mươi tư Quẻ(3).
Từ đời Phục Hy đến cuối nhà Thương, Kinh Dịch vẫn chỉ là một mớ vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu chữ nghĩa gì cả(4).
Sang đầu nhà Chu (Trước lịch Tây độ hơn nghìn năm), Văn vương mới đem những quẻ của Phục Hy mà đặt từng tên và diễn thêm lời ở dưới mỗi quẻ để nói về sự lành dữ của cả quẻ, như chữ 元亨利貞(nguyên hanh lợi trinh) ở quẻ Kiền, hay chữ 元亨利 牛匕, 莓之貞(nguyễn hanh lợi tẫn mã chi trinh) ở quẻ Khôn v.v…
Lời đó vẫn gọi Lời Quẻ 卦辭[quái từ) hay Lời Thoán 彖辭 (thoán từ)(5).
Kế đó, Cơ Đán, tức Chu công, con trai thứ Văn vương, lại theo số vạch của các quẻ mà chia mỗi quẻ ra làm sáu phần, mỗi phần gọi là một hào, và dưới mỗi hào đều có thêm một hoặc vài câu, để nói về sự lành dữ của từng hào, như câu 初九:潜龍勿用(7) (Sơ Cửu: tiềm long vật dụng) hay câu 九二:見龍在田(Cửu Nhị: hiện long tại điền), trong quẻ Kiền và câu 初六:履霜堅冰至 (Sơ Lục lý sương kiên băng chí) hay câu 六三:含章可貞…(Lục Tam: Hàm chương khả trinh) trong quẻ Khôn… Lời đó vẫn gọi Lời Hào (文辭 Hào từ) vì nó phần nhiều đều căn cứ vào hình tượng của các hào, cho nên cũng gọi Lời Tượng (象辭 Tượng từ).
Tiếp đến Khổng tử lại soạn ra sáu thứ nữa, là: Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái. Thoán truyện có hai thiên: Thượng Thoán và Hạ Thoán; Tượng truyện có hai thiên: Thượng Tượng và Hạ Tượng; Hệ từ cũng có hai thiên: Thượng Hệ và Hạ Hệ; tất cả mười thiên, Tiên nho gọi là “Thập dực” (mười cảnh).
Sáu thứ đó tuy đều tán cho ý nghĩa Kinh Dịch rộng thêm, nhưng mỗi thứ có một tính cách.
Thoán truyện thích Lời Quẻ của vua Văn, tức là những câu dưới chữ “Lời Thoán nói rằng”.
Tượng truyện thích hình tượng của các quẻ và các hào, tức là những câu dưới chữ “Lời Tượng nói rằng”; thích chung cả quẻ gọi là Đại Tượng, thích riêng từng hào gọi là Tiểu Tượng.
Văn ngôn chuyên thích hai quẻ Kiền, Khôn.
Hệ từ nói về đại thể, phàm lệ của Kinh Dịch và công phu cùng ý nghĩa trong việc làm Kinh Dịch của Văn vương Chu công.
Thuyết quái nói về đức nghiệp, pháp tượng và sự biến hoá của tám quẻ.
Tự quái nói về những cớ tại sao quẻ này lại để ở dưới quẻ kia.
Tạp quái nói về những ý vụn vặt của các quẻ.
Những thiên của Khổng tử, trước vẫn tách riêng, không phụ hẳn vào lời quẻ, lời hào của Văn vương Chu công. Đến đời Hán, Phi Trực mới đem Thoán truyện, Tượng truyện và Văn ngôn thuộc về quẻ Kiền hợp với Kinh Dịch của Văn vương Chu công, để thay vào lời chú thích. Rồi, Trịnh Huyền lại sáp nhập nốt những câu Văn ngôn của quẻ Khôn và Thoán truyện, Tượng truyện của các quẻ kia. Từ đó bảy thiên Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn mới xen vào trong các quẻ. Còn ba thiên kia thì để phụ riêng ở cuối sách. Tới đời Tống, Chu Hy làm sách Chu Dịch bản nghĩa đã sắp đặt lại như cũ, nhưng mà người ta không theo. Những bản được thịnh hành trong hồi gần đây, vẫn là thể tài của bọn Phí Trực, Trịnh Huyền.
Nay nói chính văn Kinh Dịch, tức là gồm cả: vạch quẻ của Phục Hy, lời quẻ của Văn vương, lời hào của Chu công, và Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái và Tạp quái của Khổng tử.
Đó là theo lời tựa truyền của Tiên nho mà thuật ra, để độc giả biết qua lai lịch Kinh Dịch là vậy.