Dịch giả: Cô Liêu
Chương XX

     raber tỉnh giấc. Có bước đi rón rén làm đá sỏi kêu lạo xạo. Y khẽ vạch mền ra. Elisabeth cũng cựa mình nhưng vẫn ngủ. Có lẽ thầy Pohlmann, cũng có thể là kẻ cắp hay Mật vụ - vì giờ này là giờ họ hay đi qua. Nếu là Mật vụ thì phải báo cho Pohlmann biết kẻo mắc lưới họ.
Y trông thấy hai bóng người. Y cố lẳng lặng đi theo. Chân không đi giày; nhưng đi được vài thước thì vấp phải một hòn gạch. Một trong hai cái bóng quay lại. Graber vội cúi xuống.
- Hình như có ai ở đây!
Graber nghe rõ tiếng Pohlmann, y đứng dậy.
- Tôi đây. Graber đây, thầy.
- Graber, có chuyện gì đây?
- Không. Chúng tôi bị nạn. Chúng tôi không biết đi đâu, tôi chợt nghĩ thầy có thể cho chúng tôi ở tạm vài ngày.
- Ai nữa mà chúng tôi?
- Vợ tôi và tôi. Tôi mới lấy vợ mấy ngày nay.
- Được, anh cứ ở lại.
Pohlmann đi lại gần. Bộ mặt nhợt nhạt của ông hiện ra một điểm trắng trong chỗ tối.
- Anh trông thấy tôi đi vào đây à?
Graber ngập ngừng một chút. Nhưng nghĩ lại, cần gì phải cẩn thận vô ích đối với Elisabeth và người lạ mặt chắc là nấp sau bức tường.
- Vâng, nhưng thầy có thể tin tôi.
Pohlmann đưa tay lên trán.
- Hẳn rồi, tôi tin anh.
Ông ra vẻ lưỡng lự:
- Anh trông thấy ai nữa không?
- Có một người nữa.
Pohlmann như quyết định cái gì:
- Được, cứ lại đây. Anh nói vài ngày? Không được rộng chỗ lắm. Nhưng bây giờ không nên đứng đây.
Hai người đi sang phía bên kia bức tường.
- Xong rồi, không sao cả.
Pohlmann nói vào trong tối.
Một người hiện ra. Pohlmann mở cửa đi vào rồi hỏi.
- Vợ anh đâu?
- Ở ngoài kia. Chúng tôi mang theo nệm và căng lều.
Pohlmann dừng lại trong tối.
- Tôi phải nói cho anh biết. Nếu người ta trông thấy anh ở đây có phải là nguy hiểm cho anh không?
- Tôi biết.
Pohlmann đằng hắng.
- Vì tôi bị tình nghi. Anh cũng hiểu chứ. Anh có nghĩ đến vợ anh không?
- Có.
Graber nghĩ một lát mới trả lời.
Cho đến bây giờ người lạ mặt vẫn đứng yên sau Graber. Chỉ nghe tiếng thở của ông ta thôi. Pohlmann đi trước, dẫn hai người đến cái hầm và thắp ngọn đèn để trên bàn sau khi đã kéo kín màn cửa.
- Không nên gọi tên nhau. Người ta không biết gì về mình thì người ta không nói đến mình... Anh này là Ernst. Ông này là Joseph. Gọi như thế là đủ rồi.
Joseph là một người độ bốn mươi tuổi, mặt mảnh mai, kiểu mặt người xứ Israel. Ông ta rất bình tĩnh, mỉm cười với Graber. Rồi ông ta phủi quần áo để rũ bụi cát.
- Chỗ này không chắc chắn lắm. Nhưng Joseph vẫn phải ở đây suốt ngày. Nhà ông ở trước bị phá rồi. Phải kiếm chỗ ở chiều nay, chỉ vì cái hầm này không còn kín đáo như trước nữa.
- Tôi biết.
Giọng của Joseph bỗng trở nên thận trọng bất ngờ.
- Còn anh. Tôi nhắc lại cho anh nhớ, tôi bị tình nghi. Anh thừa hiểu rằng người ta thấy anh ban đêm ở với một người bị tình nghi sẽ nguy hiểm cho anh thế nào.
- Vâng, tôi biết.
- Có lẽ đêm nay cũng không sao. Trong tỉnh còn lộn xộn vì mới dội bom. Nhưng ai biết đâu mà nói trước được. Anh có chịu nhận lấy sự nguy hiểm ấy chăng?
Graber không trả lời. Pohlmann và Joseph nhìn nhau.
- Riêng tôi, tôi không sợ gì cả. Vài ngày nữa tôi ra mặt trận, đối với vợ tôi thì khác. Tôi không nghĩ đến điều ấy thật.
- Tôi nói vậy không phải để từ chối đâu.
- Vâng, tôi biết.
- Cùng lắm ông có thể nằm ở ngoài không? - Joseph hỏi.
- Vâng chúng tôi trú mưa ở ngoài kia.
- Thế thì ở đây, cứ nằm đây. Ngày mai đem đồ đạc vào gửi đây, có lẽ cái đó làm ông bận tâm hơn cả. Hẳn là ông có thể đến nhà thờ. Nhà thờ bị phá rồi nhưng hầm còn nguyên vẹn. Đem đồ đến đấy gửi thì ban ngày được rảnh rang đi kiếm chỗ ở.
- Có lẽ ông Joseph nói phải. Ông có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta.
Graber cảm mến ông thầy học già như những năm về trước. Y nói:
- Vâng, tôi cũng nghĩ thế, tôi rất tiếc đã làm thầy sợ hãi lúc nãy.
- Sáng mai anh đến đây nếu cần cái gì. Gõ hai tiếng cách xa rồi hai tiếng gần nhau. Không cần mạnh lắm tôi cũng nghe thấy.
- Vâng, cám ơn thầy.
Graber trở lại lều vải căng. Elisabeth vẫn ngủ. Nàng khẽ rên khi y chui vào nằm gần, lát sau y cũng ngủ.

*

Sáu giờ sáng hôm sau nàng tỉnh dậy. Một chiếc xe ngựa lắc lư đi qua phố.
- Em ngủ ngon quá. Chúng ta nằm chỗ nào thế này.
- Công trường Jahn.
- Tối nay ngủ đâu?
- Ngày hôm nay đi kiếm.
Nàng lại nằm xuống gần chàng. Một tia sáng ban mai chiếu qua miếng vải lều. Chim hót quanh đấy. Nàng giơ tay kéo vải ra coi. Trời đã ửng hồng, không gợn chút mây.
- Thật đúng là đời sống bô-hê-miêng. Đầy thú vị phiêu lưu.
- Như thế gọi là nhìn đời dưới góc cạnh lạc quan. Tối hôm qua anh gặp thầy Pohlmann. Có thể nhờ thầy nếu có gì cần.
- Chúng ta không cần gì cả. Không biết có còn cà phê không? Nấu bếp ở đây có được không?
- Hẳn là bị cấm, cái gì hợp lẽ phải mà không bị cấm? Nhưng cần gì. Dù sao chúng ta cũng là bô-hê-miêng!
Elisabeth định chải đầu.
- Đằng sau nhà có cống nước mưa. Đủ để rửa mặt.
Nàng mặc áo vào.
- Y như ở nhà quê, ra máng nước rửa ráy. Ngày xưa mình thấy thế này rất thơ mộng!
Graber cười.
- Bây giờ cũng vẫn thơ mộng nếu so sánh với đời sống ngoài mặt trận. Cái gì cũng là tương đối cả.
Y lấy mền bọc nệm lại, đốt bếp rượu đặt ga-men đun nước. Thình lính y chợt nhớ ra quên mất thẻ thực phẩm ở nhà. Nàng vừa trở lại sau khi rửa mặt xong, mặt nàng tươi tỉnh trẻ trung.
- Em có giữ thẻ thực phẩm không?
- Không, để ở ngăn kéo chiếc bàn con gần cửa sổ.
- Trời! Anh lú ruột quên mất rồi. Ấy thế mà ngồi lần chần mãi đây!
- Anh phải nghĩ đến những chuyện khác quan trọng hơn. Thí dụ áo dài mặc dự hội của em. Thôi để làm đơn xin thẻ khác. Hẳn là hôm qua có nhiều người cháy mất thẻ.
- Đành là xin nhưng biết bao giờ được. Dù có đến lúc tận thế người công chức nước Đức cũng không chịu làm sai thể thức.
Elisabeth cười.
- Đến xưởng em xin nghỉ một giờ để xin thẻ. Viên trưởng xóm sẽ nhận thực cho mình cháy nhà.
- Hôm nay em trở về xưởng à?
- Phải trở về chứ. Cháy nhà thì có gì quan trọng!
- Thế này thì muốn cho xưởng may một mớ lửa không?
- Nhưng rồi họ lại tống mình đi nơi khác, đã chắc đâu bằng ở đây. Em không muốn làm súng đạn.
- Cứ lẳng lặng thế mà chuồn. Họ biết đâu hôm qua mình có yên lành không hay bị thương.
- Phải cho xem vết thương. Trong xưởng có thầy thuốc và cảnh sát. Khai bậy là họ phạt: làm việc thêm hay mất nghỉ phép - nếu cưỡng lại thì đi học tập công dân giáo dục trong một trại tập trung. Đã đi học về một lần thì không ai muốn đi học lại nữa.
Elisabeth cầm ga-men nước sôi đổ chậm lên vung, dưới để chút bột cà phê.
- Anh cũng chớ quên rằng em được nghỉ ba ngày để lấy chồng. Không nên đòi hỏi nhiều quá.
Y biết rằng vì cha bị bắt mà nàng chịu theo kỷ luật ấy. Đó là cách hạ nhục thân nhân những người bị giam.
- À! Đồ súc sinh! Họ làm cho chúng ta đến nỗi này!
- Thôi uống cà phê đi và hãy bình tâm. Chúng ta không có thời giờ để than thở.
- Quả như thế. Chúng ta chẳng còn bao nhiêu thời giờ!
Nàng gật đầu.
- Em biết, em biết. Anh gần hết phép rồi, mà mất bao nhiêu thời giờ để chờ đợi nhau. Em phải có can đảm không trở lại xưởng cho đến ngày anh đi.
- Em có đủ can đảm. Chẳng thà có người chờ đợi còn hơn chẳng có ai để chờ đợi cả.
Nàng mỉm cười ôm lấy chàng hôn.
- Kể ra anh học ăn học nói cũng chóng. Nhưng em phải đi đây. Tối nay gặp nhau ở đâu?
- Ừ nhỉ! Ở đâu! Chúng ta không cửa không nhà. Phải làm lại từ đầu. Anh đến xưởng đợi em.
- Nếu vì lẽ gì không gặp nhau, báo động hay bị ngăn cản?
Graber nghĩ ngợi.
- Anh sẽ mang đồ đạc đến nhà thờ. Ta lấy chỗ ấy làm nơi hẹn.
- Đêm cũng mở cửa à?
- Tại sao lại đêm? Không lẽ đến đêm em mới về?
- Biết đâu đấy. Có hôm phải ở trong hầm đến sáu giờ đồng hồ. Tốt hơn hết là kiếm một người mà chúng ta cũng có thể gặp để nhắn tin. Chỗ hẹn bây giờ cũng không chắc nữa.
- Em muốn nói đến trường hợp xảy ra cái gì bất thần cho một người.
- Vâng.
Graber gật đầu. Bây giờ y hiểu rằng rất dễ bị thất lạc.
- Ngày hôm nay sẽ nhờ thầy Pohlmann... À không, bây giờ không chắc nữa rồi. Nhà Binding thì không đến nỗi. Anh đã chỉ cho em biết nhà rồi. Hẳn là hắn chưa biết tụi mình mới thành hôn, nhưng không sao. Để anh đi qua báo tin cho hắn biết.
- Anh lại đến Binding làm một mẽ nữa?
Graber cười.
- Anh không nghĩ đến đấy. Nhưng mình cũng phải kiếm cái gì để ăn chứ. Sống mãi trong tình trạng này rồi mình cũng trở thành hèn nhát!
- Đêm nay còn ngủ đây không?
- Mong rằng không, ta có một ngày trời để đi tìm chỗ ở.
Mặt người thiếu phụ sa sầm lại giây lát.
- Anh thì có thời giờ nhưng em phải đến xưởng đây. Giờ thu xếp đồ đạc đem gởi thấy Pohlmann rồi anh đưa em đen xưởng.
- Không có thời giờ đâu. Em phải chạy mới kịp. Thôi, đến tối anh nhé, ở xưởng, hay nhà thờ, hay nhà Binding. Chà, cuộc sống phiêu lưu khá hấp dẫn!
- Gớm, phiêu lưu như thế này thì ngán lắm!
Nàng đi qua công trường, y đứng nhìn theo. Buổi ban mai sáng sủa. Trời xanh ngắt cao thẳm. Sương phủ cảnh hoang tàn một tấm màn bạc.
Nàng quay lại gửi chàng cái hôn tay rồi cắm đầu đi.
Graber thầm khen dáng đi nàng thật là đẹp. Hai chân lần lượt đặt thẳng đường se chỉ như nàng men theo một làn bánh xe. Bên Phi châu y đã thấy những người đàn bà có dáng đi ấy. Nàng quay lại một lần nữa trước khi mất hút sau căn nhà cuối phố “Chẳng khác nào ở mặt trận, không biết rồi có gặp nhau nữa không. Ngán với lối sống phiêu lưu hấp dẫn này!”
Đến tám giờ thì Pohlmann ở trong nhà ra đến chỗ Graber:
- Tôi đến xem hai người có gì ăn không. Tôi có thể cung cấp bánh mì.
- Cám ơn thầy, chúng tôi cũng có. Thầy cho chúng tôi gửi va-li và chăn mền cho đến lúc chúng tôi ở nhà thờ về.
- Ừ, mang vào đi.
Graber mang đồ đạc vào. Joseph ngồi khuất mặt đâu đấy không thể thấy được.
Pohlmann nói:
- Lúc trở lại nếu không thấy tôi cứ gõ cửa hai tiếng mau hai tiếng khoan. Joseph sẽ ra mở.
Graber mở một chiếc va-li.
- Càng ngày càng hóa ra người bô-hê-miêng. Lúc về nghỉ phép có ngờ đâu lại ra thế này!
Pohlmann sẽ mỉm cười:
- Joseph sống như vậy đã ba năm nay. Ông ta ngủ trên xe điện trong nhiều tháng. Suốt ngày ông đi khắp nơi trong tỉnh. Dĩ nhiên ông ta chỉ có thể ngủ ngồi độ mười lăm phút mà thôi. Bấy giờ chưa có ném bom. Nhưng bây giờ làm thế không thể được nữa rồi.
Graber lấy một hộp đồ ăn ra tặng Pohlmann.
- Anh cho Joseph thì hơn. Tôi, tôi không cần lắm.
- Thịt đây! Thầy không cần thật à?
- Không. Để cho Joseph thì hơn. Phải giúp những người như ông ta thoát cơn nguy biến. Nếu không thì khi tan cơn ác mộng này nước Đức còn ai là nhân tài? Ai xây dựng lại đất nước?
Ông già lặng yên một lát, rồi ra đứng gần quả địa cầu đặt trên kệ đưa tay xoay đi.
- Anh thấy cái chấm đen này không? Đấy, nước Đức đấy. Một ngón tay tôi cũng đủ che lấp. Đó chỉ là một phần nhỏ nhoi của thế giới.
- Nhỏ nhoi thật, nhưng nước Đức đã thôn tính những phần đất quan trọng hơn trong mấy năm gần đây.
- Chiếm đóng thì có nhưng chưa chắc đã giữ nổi.
- Nhưng nếu giữ được những đất đã chiếm thì sao? Mười năm hay hai mươi năm? Chiến thắng và thành công là những sự kiện gây tin tưởng cho chúng ta một cách ác nghiệt. Cứ xem nước nhà thì thấy.
- Chúng ta chưa thắng.
- Đó không phải là một bằng chứng.
Pohlmann trả lời:
- Có chứ. Đó là một băng chứng. Một bằng chứng hùng hồn.
Tay ông nổi gân lớn vẫn xoay quả địa cầu.
- Cuộc đời vẫn tiếp tục. Khi người ta không tin tưởng nước mình người ta phải nhìn sang các nước khác. Nhật thực có thể xảy ra nhưng không phải đêm dài vĩnh viễn ở trên trái đất này. Thất vọng chỉ là một cách nhìn cận thị.
Ông xoay quả đất lại chỗ cũ.
- Anh tự hỏi ai là người xây dựng lại đất nước? Anh thử nghĩ xem. Thiên Chúa giáo lúc đầu chỉ có một số người sống chết với đạo ở trong hầm hố và những người sống sót sau cuộc tàn sát ở La Mã.
- Nhưng, thưa thầy, đảng Quốc xã cũng chỉ ra đời với một số thợ thất nghiệp cuồng tín ở Munich.
Pohlmann mỉm cười.
- Anh nói có lý. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng bạo chúa không bao giờ ngồi lâu. Nhân loại không bao giờ tiến triển một cách liên tục và đều đặn. Phải có thăng trầm, nhảy vọt và thoái lui. Chúng ta đã phạm tội vì kiêu ngạo, chúng ta đã tự hào rằng vượt khỏi được quá khứ nhân loại tàn ác bạo lực, nhưng bây giờ chỉ vì một cơn khủng hoảng qua loa chúng ta lại trở lại tàn ác bạo lực.
Ông cầm lấy mũ:
- Tôi phải đi đây.
- Xin trả thầy quyển sách về nước Thụy Sĩ. Nó hơi ướt. Tôi đã đánh mất nhưng lại tìm thấy.
- Thà mặc cho nó “chết” vì bom đạn còn hơn, không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng.
- Nên chứ. Nếu không cứu vớt những giấc mộng thì cứu vớt gì bây giờ?
- Niềm tin. Còn những giấc mộng thì tự chúng sẽ hồi sinh lại.
- Thế cũng là may nếu không thì treo cổ mà chết cho rồi.
- Anh còn trẻ thật! Tôi vẫn tưởng tượng ra tuổi trẻ bây giờ khác.
- Tôi cũng vậy.

*

Joseph nói đúng. Ở nhà thờ người ta nhận cho gửi đồ đạc. Graber gởi ba lô rồi đến Sở Gia cư. Người ta đã dọn sang phòng giảng Tự nhiên học của nhà trường. Vết tích ngày xưa còn lại là một cái giá đựng bản đồ và một tủ đựng chai lọ. Người công chức làm việc ở đây lấy một mớ chai lọ ra làm đồ chặn giấy. Rắn, ếch, thằn lằn ngâm rượu trong cóng được hân hạnh canh giữ hồ sơ của dân bị nạn. Một con sóc nhồi rơm hai chân giữ viên hạt dẻ, giương hai mắt thủy tinh nhìn Graber. Bà công chức đã già, tóc hoa râm, mặt tươi cười.
- Tôi sẽ ghi tên ông vào sổ những người không có nhà ở. Ông có địa chỉ không?
- Không.
- Thế thì lúc nào trở lại đây xem có kiếm được chỗ nào ở cho ông không.
- Có hy vọng gì không?
- Không. Trước ông đã có sáu ngàn người, cố gắng đi kiếm lấy thì hơn.
Y trở lại nhà Pohlmann. Gõ cửa không ai trả lời. Y đợi một lúc rồi trở lại phố Marie để xem nhà còn lại gì không.
Nhà cháy đến lầu giữa. Lính chữa lửa mãi đến lúc cuối cùng mới tới nơi. Nước còn ướt đầm khắp nơi.
Phòng Elisabeth không còn gì cả. Cái ghế y khuân ra ngoài đã biến mất. Một đôi găng tay xanh ướt nhèo bỏ quên dưới cống, tất cả chỉ còn lại có thế.
Graber trông thấy khuôn mặt lão trưởng xóm đằng sau màn cửa. Y chợt nhớ ra mình đã hứa cho lão mấy điếu xì gà. Lời hứa ấy và tất cả mọi sự việc hình như đã thuộc về quá khứ xa vời; tuy nhiên đã biết đâu mà nói trước sau này sẽ thế nào. Y định trở lại nhà Binding - vả chăng y cũng cần tảo ít đồ ăn.

*

Chỉ có một căn nhà trúng bom. Vườn tược chan hòa ánh nắng ban mai, lá trên cành rung ào ào, lấp lánh sương đêm; ánh vàng bông thủy tiên kín đáo giữa bụi cỏ; cây cối mới trổ hoa nom như bám đầy bươm bướm trắng và hồng; chỉ có căn nhà của Binding biến thành một đống gạch ngói rác rưới ở trên một cái hố như miệng núi lửa phản chiếu nền trời xanh thẳm. Graber đứng ngoài hàng rào nhìn vào mà không tin mắt mình trông thấy thực, y yên chí rằng không thể xảy ra cái gì cho Binding được. Y đẩy cổng bước vào. Hồ tắm cho chim tan ra từng mảnh vụn. Cửa vào bật tung ra chỗ bụi xoan. Sừng hươu cắm xuống cỏ như con hươu bị chôn tại đây. Một cái thảm vắt ngang trên cành cây như lá cờ của một chiến sĩ Mọi. Một chai rượu còn nguyên vẹn cắm thẳng xuống luống hoa như một trái bí mọc bất ngờ. Graber nhặt lấy vuốt ve rồi bỏ vào túi áo. Y nghĩ rằng hầm còn nguyên vẹn, họ chuyển đồ đi và bỏ quên chai rượu.
Y đi quanh nhà một lượt. Lối vào bếp còn nguyên. Y mở cửa bếp ra thì thấy có người động đậy.
- Bà quản gia!
Bà quản gia nấc lên khóc và đứng dậy đi ra.
- Tội nghiệp ông chủ quá!
- Sao thế bà? Ổng bị thương à?
- Ông ấy chết rồi. Tội nghiệp quá!
- Chết rồi!
- Vâng, thật là bất ngờ, phải không ông?
Graber gật đầu. Không ai tin cái chết, dù chết trở thành cái gì thường quá rồi.
- Đầu đuôi thế nào bà?
- Ông ta ở trong hầm nhưng hầm không chịu nổi bom.
- Dĩ nhiên hầm xây sơ sài không chịu được bom hạng nặng. Nhưng tại sao ông ấy không xuống hầm công trường. Đây ra đấy mất có vài phút.
- Ông ấy tưởng rằng đây yên ổn, vả chăng...
Bà quản gia ngập ngừng:
- Ông ấy còn có bạn.
- Mới trưa đã có bạn đến à?
- Cô ta ở đây từ hôm qua. Một cô tóc vàng cao lớn. Ông ấy thích những cô tóc vàng. Tôi nấu cho ông ấy một món gà hầm rượu. Ăn xong thì còi báo động.
- Cô ta cũng chết à?
- Vâng, mà cả hai người ăn mặc không đàng hoàng. Ông ấy bận áo ngủ còn cô ta bận áo trong nhà, chiếc áo dài bằng lụa. Ông ấy chết như thế đây, không mặc đồng phục.
- Tôi thiết tưởng đồng phục cũng chẳng làm gì. Ông ấy có kịp ăn sáng không?
- Ông ấy ăn rồi, tôi làm cho món bánh kem mà ông ấy thích nhất.
- Như vậy thì ông ấy chết sướng rồi còn gì. Tôi, tôi cũng muốn được chết như vậy. Bà cũng chớ buồn phiền.
- Vâng, nhưng ông ấy còn trẻ. Chết sớm quá!
- Ai thì cũng tưởng mình chết sớm quá, mặc dù đã chín mươi tuổi. Bao giờ thì đưa đám?
- Ngày mốt, chín giờ. Hòm mua rồi, để kia.
- Đâu?
- Trong phòng chứa lương thực. Phòng ấy mát hơn cả. Hòm đã đậy nắp rồi. Phía này căn nhà còn đỡ, đằng tnước đổ nát hết.
Hai người đi qua bếp sang phòng chứa lương thực. Mảnh chai vỡ đã thu gọn vào một góc. Mùi rượu vang, mùi mứt kẹo xông lên khắp nhà. Các hòm gỗ chiếm một khoảng lớn. Kệ đóng trên tường chất đầy hũ và hộp, nước rớt xuống đầy nhà.
- Bà mua đâu được cái hòm đẹp thế?
- Đảng cấp cho đây.
- Đám tang sẽ khởi hành từ đây?
- Vâng.
- Tôi sẽ lại đưa đám ông ấy.
- Ông ấy sẽ được vui sướng lắm.
Graber nhìn bà, bà vội nói thêm:
- Ông ấy ở trên thiên đàng sẽ vui sướng lắm. Lúc sống ông ấy vẫn mến ông lắm.
- Tôi à? Tại sao thế?
- Ông ấy nói rằng chỉ có ông là người bạn không nhờ vả gì ông ấy cả. Mấy lại ông ở ngoài mặt trận luôn luôn.
Graber đứng một lúc trước áo quan. Y cảm thấy một nỗi buồn mờ mịt nhưng không có gì hơn và y phải ngượng ngịu với người đàn bà sụt sịt khóc chủ này, bà ta tỏ vẻ thương tiếc thật tình.
Y chỉ tay lên tường mà hỏi:
- Những thứ này bây giờ tính sao?
- Ông cứ lấy mà dùng không thì họ cũng khuân đi hết
- Bà cũng cất lấy mà dùng chứ, chính tay bà làm mà.
- Tôi đã để riêng ra rồi, không thể mang hết được. Ông lấy được bao nhiêu thì lấy. Đảng viên đã đến thăm rồi, họ giương mắt chầu ra dòm ngó. Tốt hơn hết là nên để lại đây một tí thôi, không thì họ lại cho rằng ông Binding làm chợ đen.
- Có thể thế lắm.
- Vả lại còn bao nhiêu thì rồi họ cũng lấy hết. Ông là bạn của ông nhà, chẳng thà tôi để cho ông còn hơn.
- Ông Binding không còn thân nhân à?
- Ông thân sinh còn sống nhưng hai cha con bất bình nhau. Vả chăng ông cụ vẫn đủ ăn. Hầm trong còn nhiều chai nguyên vẹn. Ông muốn lấy bao nhiêu thì lấy.
Graber nói:
- Nếu lấy được thì bà để tôi chọn lựa cẩn thận.
Y nhìn các hộp:
- Măng Hòa Lan, không cần. Cũng không ưa cá mòi và cá thu ngâm rượu.
- À phải, tôi rối ruột không kịp suy nghĩ.
- Nhiều quá, mang sao hết?
- Ông qua đây vài chuyến mà lấy, tội gì để cho ai hưởng? Ông là quân nhân, ông đáng hưởng hơn những đảng viên Quốc xã kia chỉ biết no cơm ấm cật ở nhà.
Graber nghĩ thầm: “Mà đúng như thế thật, Elisabeth, Pohlmann và Joseph cũng đáng được hưởng nhiều hơn. Mình sẽ ngu như lợn nếu không biết nhận lấy: Binding đã chết rồi cũng chẳng cần gì nữa”.
Mãi sau, khi đã đi xa rồi, y mới nghĩ đến sự ngẫu nhiên xui khiến, y không đến ở với Binding và không chết như anh ta.

*

Joseph ra mở cửa.
- Ông biết tôi đến à?
- Tôi trông thấy ông đi lại.
Joseph vừa nói vừa chỉ một lỗ hổng khoét ở cánh cửa.
- Như thế có ai đến mình đỡ lúng túng.
Graber đặt gói đồ xuống bàn.
- Tôi đã đến nhà thờ. Người ta nói rằng đêm có thể đến ngủ được. Cám ơn ông đã mách giúp.
- Đó là ông thầy dòng trẻ?
- Người này già.
- Ông gặp người già thì may, ông ta tử tế lắm. Tôi đã ở nhà thờ được một tuần lễ nhờ ông nhận tôi là người giúp việc. Một hôm lính đến khám xét, tôi phải nấp trong cây đàn lớn. Người thầy dòng trẻ đã tố cáo tôi. Người ấy thù Do Thái. Thù Do Thái vì tin đạo. Có sự căm thù ấy thật. Chỉ vì trước đây hai ngàn năm người Do Thái đã đóng đinh câu rút chúa Giêsu.
Graber mở một gói ra. Y đặt lên bàn một chồng hộp cá và ba tê gan. Y cũng lấy mấy chai rượu trong túi ra. Joseph thản nhiên nhìn y hành động, chỉ nói qua loa:
- Một kho tàng.
- Bây giờ chia mỗi người một ít.
- Ông có nhiều mà chia thế à?
- Ông thấy đấy, thế cũng là nhiều đấy. Tôi được thừa hưởng một gia tài. Đồ này của một người Mật vụ. Ông nghĩ sao?
- Ăn thế càng thêm thú. Ông quen họ thân lắm không mà họ cho quà?
Graber nhìn Joseph.
- Người này thì tôi quen. Y không có gì là độc ác.
Joseph không trả lời.
- Ông cho là không thể có chuyện ấy được à?
- Còn ông, ông cho là có thể có?
- Có thể lắm. Có người phải theo người khác vì lo sợ yếu ớt hay không có đủ cương nghị.
- Vì thế mà người ta trở thành Mật vụ à?
- Có lẽ thế.
Joseph mỉm cười mà rằng:
- Lạ thật, người ta tưởng tượng ra một kẻ giết người thì ở đâu và lúc nào cũng là kẻ giết người. Tuy nhiên, một người chỉ yếu ớt vì một khía cạnh nào đó cũng dám làm những tội ác tày trời.
- Vâng. Một con thú dữ chỉ là thú dữ, nhưng con người có nhiều tiềm năng để hành động khác.
Joseph gật đầu.
- Ở trại tập trung có nhiều người chỉ huy nhiều tinh thần hài hước, có những anh mật vụ tỏ ra rộng lượng và thân hữu với nhau lắm, vả chăng còn có quần chúng mê hoặc vì những cái họ cho là nhu cầu tối thượng, họ nhắm mắt lại mặc nhà cầm quyền tàn bạo, họ cho là sự đau khổ cần thiết. Như thế gọi là lương tâm co giãn.
- Và cũng có những người sợ sệt.
Joseph nhắc lại với giọng nhã nhặn:
- Cũng còn những người sợ sệt.
Graber yên lặng một lát rồi nói:
- Tôi muốn làm cái gì để giúp ông.
- Không cần gì nhiều, tôi sống có một mình. Một là tôi bị bắt, hai là tôi thoát nạn, chỉ có thế thôi.
- Ông không có gia đình?
- Gia đình tôi chết hết rồi, một em trai, hai em gái, cha tôi vợ tôi, con tôi đều chết hết. Hai người bị đập chết, một người chết cái chết tự nhiên, còn thì chết trong phòng hơi ngạt.
Graber nhìn ông ta.
- Ở trại tập trung à?
- Trại tập trung.
Joseph nói với giọng lạnh lùng.
- Trại tập trung tổ chức thật là chu đáo.
- Ông đã thoát ra được?
- Tôi thoát được.
- Chắc ông căm thù chúng tôi lắm!
Joseph nhún vai.
- Ai còn dám nghĩ đến chuyện căm thù? Căm thù làm cho người ta bất cẩn, dễ bị lộ.
Graber liếc mắt nhìn cửa sổ che lấp hẳn bởi đống gạch ngói. Ánh sáng ngọn đèn con càng như yếu đi. Ánh sáng nhợt nhạt rọi vào quả địa cầu để trong góc tường.
Joseph nhã nhặn hỏi:
- Ông sắp trở về mặt trận?
- Vâng. Tôi ra mặt trận để giúp những kẻ giết người giữ được địa vị ít lâu nữa. Có lẽ đủ thời gian để người ta bắt ông và đem xử giảo.
Joseph lẳng lặng tán đồng.
- Tôi phải đi nếu không họ sẽ xử bắn tôi.
Graber nói vậy nhưng Joseph không trả lời.
- Nếu tôi đào ngũ có lẽ cha mẹ tôi và vợ tôi bị bắt và giết chết.
Joseph vẫn không nói gì.
- Tôi phải đi tuy biết rằng lý lẽ của tôi không còn là lẽ phải tuy rằng đó là lý lẽ của hàng triệu người như tôi. Chắc ông khinh bỉ chúng tôi.
- Tôi làm gì được cái vinh dự ấy.
Graber nhìn Joseph, không hiểu.
- Còn ai nói đến khinh bỉ, chỉ có mình ông thôi! Tại sao chú trọng nhiều đến vấn đề ấy? Tôi có khinh bỉ Pohlmann đâu? Tôi đâu có khinh bỉ những người cho tôi ẩn núp và mỗi đêm họ liều mạng vì tôi? Nếu không có họ tôi sống sao được đến ngày nay? Kể ra ông cững ngây thơ!
Bất thần, ông ta mỉm cười, cái mỉm cười lạ hẳn đối với khuôn mặt của ông.
- Chúng ta đi xa đề tài quá, và chúng ta nói nhiều quá. Không nên nói nữa và cũng không nên suy nghĩ nữa. Đừng nên suy nghĩ vội, suy nghĩ làm cho yếu người. Việc cũ cũng làm cho người ta ủy mị. Bây giờ chưa đến lúc suy nghĩ. Bây giờ chỉ có một mục tiêu không được xao lãng: sống cái đã.
Joseph ngoảnh mặt lại đống đồ hộp.
- Cái này giúp mình sống. Tôi nhận, cám ơn ông.
Ông ta cầm lấy đồ hộp định cất vào sau chồng sách. Graber nhận thấy ông ta có cử chỉ ngượng ngập, mấy đốt ngón tay cong lại và mất cả móng. Joseph trông thấy mắt Graber bèn nói:
- Một chút kỷ niệm ở trại tập trung. Trò chơi hấp dẫn nhất của tụi mật vụ. Họ gọi như thế là đốt nến Noel. Nến là que diêm vót nhọn. Chẳng thà họ chọc vào ngón chân, đỡ lộ hơn. Ở ngón tay thì dễ thấy quá, không lẽ lúc nào cũng đeo găng.
Graber đứng dậy.
- Bộ quân phục và sổ quân bạ của tôi có giúp được việc gì cho ông không? Ông đem thay đổi chút ít đi mà dùng, còn tôi, tôi bảo cháy mất rồi.
- Cám ơn, tôi không dùng đến. Tôi sắp sửa trở thành người Lỗ-ma-ni đây. Pohlmann đã có sáng kiến ấy và đang vận động giúp tôi. Nom bề ngoài thì không ngờ ông ta có tài riêng ấy nhỉ? Tôi sẽ trở thành người Lỗ, nhân viên Mặt trận sắt, nghĩa là bạn của đảng Quốc xã. Diện mạo của tôi dễ cải trang ra người Lỗ, còn vết thương thì đổ tội cho tụi Cộng sản. Ông có muốn lấy va-li và chăn mền bây giờ không?
Graber hiểu rằng Joseph muốn ngồi một mình không phải tiếp khách. Y hỏi:
- Ông còn ở đây lâu không?
- Sao lại cần biết?
Graber đưa cho Joseph một phần đồ hộp rồi nói:
- Tôi còn có thể lấy nữa được.
- Nhiều quá rồi. Tôi không thể mang theo được nhiều. Vả chăng tôi cũng phải đi đây. Tôi không thể đợi được.
- À còn thuốc nữa, tôi quên mất thuốc. Mà thuốc thì thiếu gì. Để tôi mang lại.
- Thuốc lá à!
Ông ta nói như nói đến một người bạn.
- Thuốc lá đáng kể hơn hết mọi thứ khác. Được rồi tôi ngồi đây đợi.