Dịch giả: Văn Hòa
Chương 6

     ertha bước những bước nặng nề trên con đường rải sỏi. Ông bà William nghe tiếng bước chân của bà ta nên mở mắt ra. Bà ta đang nóng nực, mặt bà bừng đỏ dưới cái mũ cài hoa tím đã nhăn nheo, là món trang sức ngày chủ nhật của bà. Ông bà William thấy ngay có chuyện gì đó mới xảy ra. Bà Bertha dừng lại trước bậc cấp, và hỏi:
- Jessica và Herbert có đến đây không?
- Có. - Bà Elinor trả lời xởi lởi.
- Tôi cũng nghĩ vậy, mà phải, phải, - Bà càm ràm - chúng nó thấy tôi đi ngang qua mà chẳng thèm hỏi một tiếng!
Bà Bertha nói xong liền đi vòng ra nhà bếp. Ông bà William lại nằm dài ra sưởi nắng, quyết quên đi tất cả.
- Thật anh chưa từng nghe - Ông William nói mà không mở mắt - Tại sao chúng ta giữ họ lại làm gì? Chúng ta trả công cho họ để họ làm việc, mà họ lại làm khổ chúng ta!
- Tại chúng ta quá dễ dãi mới làm khổ mình - Bà Elinor nói, hai mắt vẫn nhắm - Chúng ta phải tàn nhẫn...
Tuy nói thế, nhưng khốn thay họ không thể tàn nhẫn.
Họ vẫn là những người không chịu chấp nhận con người có thể độc ác hay bất công một cách có ý thức. Và những con người dốt nát ấy đã dày xéo lên những tình cảm tha thiết mà không hiểu, hoặc không quan tâm đến những vết thương mà họ đã gây ra. Ở đây, thế giới được thu hẹp lại trong bốn bức tường của ngôi nhà của họ. Họ mơ ước được sống một cuộc đời tươi đẹp, đầy lòng nhân ái đối với những kẻ khổ đau, nhưng không để mình bị lôi cuốn vào chuyện riêng của những người đó. Điều này dễ chấp nhận hơn. Ông William bị xúc phạm, một con giận dữ xâm chiếm ông, tràn ngập người ông như một dòng nước lũ. Ông đứng dậy và bỗng cảm thấy nghị lực dồi dào. Bà Elinor mở mắt ra, hỏi:
- Anh làm gì đấy?
- Anh đi đuổi bà Bertha. - Ông nói một cách bình tĩnh có ý thức.
- Ồ, không! - Bà Elinor kêu lên - Chúng ta không thể làm như vậy được, sau bốn mươi năm...
- Theo lẽ, chúng ta phải cho họ thôi việc từ lâu rồi. Họ đeo dính gia đình chúng ta như những con đỉa đói, phá hoại gia đạo của chúng ta, lợi dụng lòng nhân hậu của chúng ta, tự bào chữa chính mình bằng các hành động trơ trẽn. Cứ cho bà ta thôi việc đi, anh sẽ làm bếp lấy.
- Đừng nói dại.
- Anh thà chịu dại còn hơn là tiếp tục như thế này.
Bà nhìn ông bước đi, lo sợ. Bà là người của dòng họ Winsten, ông William hiểu điều ấy, và bà lớn lên dưới sự giám hộ của bà Bertha. Bà Bertha đã giương đôi bàn tay lớn và đỏ au trên tất cả mọi thành viên của gia đình. Chỉ mình bà ta biết nhà có bao nhiêu chăn màn, số muỗng nĩa bằng bạc, thứ nào do di sản của ông bà tổ tiên để lại, thứ nào là quà cưới của ông bà William. Bà Bertha là đầu bếp, nhưng thực tế bà ta là giám đốc, là một kẻ chuyên chế, một kẻ tiếm quyền, và hơn nữa, bà ta đã nuôi sống mình bằng linh hồn và trí khôn của dòng họ bà Elinor. Bà ta đã lợi dụng thời cơ để trút lên họ những tai ương, đặt một bóng đen lên hạnh phúc của họ, hủy hoại sự bình an của họ, và không bao giờ họ có can đảm để đuổi bà ta đi, bởi vì họ đã được giáo dục để tỏ lòng nhân ái với những kẻ yếu hèn. Ông William sắp chấm dứt mọi chuyện đó. Ông đòi làm bếp là chuyện phi lý, nhưng ông sẽ có nhiều đầu bếp khác, và ông sẽ đuổi hết người nọ đến người kia, khi vừa thấy họ vượt quá vai trò làm bếp của họ.
Ông bước vào nhà bếp một cách cương quyết, và gặp bà Bertha đang buộc cái tạp dề lớn quanh thân mình to tướng của bà ta. Môi của bà ta đang run rẩy, và nước mắt đang chảy xuống trên má bà. Bà ta cầm cái chéo tạp dề lên lên chặm nước mắt.
- Ông có cần gì không, ông Asher?
- Có đấy, Bertha. Tôi muốn bà về nhà của bà.
Ông William nói giọng bình tĩnh mà bà Bertha lại tưởng là ông nói lịch sự, muốn thấy bà đi nghỉ một ngày. Nhưng bà ta lại than thở:
- Tôi không có nhà. - Gương mặt bà ta nhăn lại và nước mắt lại bắt đầu tuôn ra.
- Vậy thì kiếm một nhà dưỡng lão và đi đến đó đi.
Ông William vẫn giữ tiếng nói bình tĩnh, nhưng không dễ gì lay chuyển.
Bà Bertha bỗng nín khóc, cằm bà xệ xuống:
- Ông muốn nói là ông đuổi tôi đi, có phải không, thưa ông Asher?
- Đúng. Đó chính là điều tôi muốn.
Hai mắt bà Bertha ráo hoảnh, bà giật dây cái tạp dề:
- Thế thì, tôi đi ngay bây giờ! - Bà thét lên, lảnh lót.
- Không, - Ông William nói - tôi sẽ đưa bà đi Manchester.
- Không. Ông tưởng tôi muốn đi với ông sao? Không, tôi không muốn, tôi đi gọi tắc xi, tôi không đi chiếc xe chết bằm của ông đâu.
Một cơn giận điên cuồng nổi lên khiến bà ta như người mất trí. Bà ta siết hai nắm tay lại dứ dứ trước mặt ông William. Ông mong bà ta thay đổi thái độ, nhưng thái độ của bà ta lại càng quái gở hơn. Tuy thế, ông vẫn giữ vẻ ôn hòa và nhìn bà một cách tò mò. Có thể là bà ta đã thật sự có đánh đập Jessica. Ông bắt đầu tin chuyện ấy.
- Ông, - Bà ta la lên - ông tưởng tượng ông là gì ở đây? Ông không là gì cả, trừ ra... - Bà ta khạc nhổ xuống nền gạch mà bà ta thường chùi rửa.
- Ông là một ngài, a ha, tôi sẽ nói cho mọi người biết ngài là ai, mọi người sẽ biết ngài là thứ gì khác cơ!
- Không ai tin bà đâu! - Ông William nói, không chút nao núng - Đi thu dọn đồ đạc của bà đi, Bertha.
- Ông đuổi tôi sau bốn mươi năm trời phục vụ... Ông đuổi tôi, - Bà ta phục xuống, rên rỉ - Heinrich luôn luôn bảo tôi: “Chúng nó sẽ tống bà ra khỏi cửa, Bertha, mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm chẳng biết ngày nào”. - Bà ta bẻ ngón tay kêu răng rắc.
- Hoặc là bà đi, hoặc là chúng tôi đi, - Ông William nói cách nghiêm trọng - mà bởi vì nhà là nhà của chúng tôi, tôi nghĩ là chúng tôi sẽ ở lại, còn người ra đi chính là bà. Bà sẽ được trả công đúng cách.
- Trả công! - Bà Bertha lại la lên - Ai sẽ trả công cho tôi về tất cả những năm tháng tôi giặt giũ, chùi rửa, nấu bếp, để rồi mỗi tối tôi đi ngủ mệt rã rời?
- Chúng tôi đã trả công cho bà bằng tiền bạc và bằng thời gian. Bà đã được ăn ở tại đây, cơm ngày ba bữa, và hơn nữa bà có được một đời sống dễ chịu giữa những con người tốt bụng.
Bà Bertha nghe mà không hiểu. Bà ta nói:
- Tôi đi, - Bà khóc sướt mướt - tôi đi ngay bây giờ!
Bà ta lên thang gác, vào cái phòng ngay trên bếp. Ông William nghe tiếng bà ta lục đục. Trái tim ông thổn thức vì áy náy, vì tình cảm, vì đại lượng và đau khổ. Nhưng ông không muốn giữ bà ta lại trong nhà. Nhà ông phải được quét sạch, dọn sạch tất cả những con người đó. Phải chăng con Jessie, nerbert, Bertha và cả con bé đáng thương Monica nữa. Ông chẳng thể nào chịu đựng hơn được nữa. Ông phải dậy sớm vào sáng mai để được biết rằng sẽ không nhìn thấy gương mặt đần độn và tiếng càu nhàu của bà đầu bếp. Gia đình ông sẽ mua những cái máy, nhiều cái máy, và khi đã sử dụng xong, họ sẽ cất máy đi và khóa cửa lại, sống trong ngôi nhà yên tĩnh của chính họ mà không có ai khác. Sự hiện diện tai hại của lũ đầy tớ ăn bám sẽ không còn nữa, và họ sẽ được giải thoát khỏi các điều tiếng trong gia đình. Ông điện thoại gọi một xe tắc xi và ngồi trên cái ghế đẩu cao của nhà bếp, đang khi bà Bertha bước những bước đi nặng nề trong phòng trên đầu ông, than khóc, kêu xin Đức Chúa Trời. Ông William vẫn đợi. Những người tôi tớ già nua của gia đình... Họ không được văn minh hiện đại. Chất độc hay ân huệ của nền dân chủ, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, đã lẻn vào mỗi người trong bọn họ và họ nổi loạn với chính bản ngã của mình, đang khi phục vụ những con người thông hiểu hơn họ. Họ không có đủ khả năng am hiểu sự thật, chỉ vì sự ngu dốt của họ đã cầm giữ họ, không cho họ cất mình lên khỏi cái tầm mức mà họ đã có tự lúc mới sinh. Xem ra ông William đang phát kiến một vấn đề quan trọng, trong lúc chỉ có thể nói đến quyền hạn đơn thuần mà ai ai cũng có như chính ông, để bảo vệ tự do của mình. Gánh nặng của những con người ngu dốt và yếu hèn có thể trở thành bạo quyền, cũng không thể chịu nổi như bất cứ một bạo quyền nào khác, và nó không bị lật đổ như tất cả các bạo quyền đó sao?
Trước khi ông William có thì giờ đưa cái phát kiến này ra ánh sáng, thì bà Bertha đi cà lết trên thang lầu mang nặng hai chiếc va li và một bọc đồ to tướng cuộn trong một tấm dạ.
Ông đứng lên, nói một cách lễ độ mà không tương nhượng:
- Lát nữa xe tắc xi sẽ đến đây. Tôi đi ký cho bà một chi phiếu, đủ cho bà dùng trong hai tháng. Trong thời gian đó, tôi sẽ xem xét cẩn thận, coi sẽ phải cấp cho bà bao nhiêu để đủ sống hàng tháng. Số tiền này sẽ gửi đến cho bà mỗi tháng vào ngày mồng một và ngày mươi lăm, theo địa chỉ của bà. Số tiền sẽ đủ để sống thoải mái trong một nhà dưỡng lão thích hợp với bà.
Bà Bertha không trả lời. Bà ta cố cầm nước mắt lại, và một lần nữa, ông William phải chiến đấu với lòng nhân ái đang thúc đẩy ông. Nhưng không, nếu ông để cho lòng nhân ái thắng thì ông sẽ mất hết tự do. Ông bước những bước đi đường bệ ra khỏi nhà bếp, vào thư phòng, viết một chi phiếu năm trăm đô-la và thấm khô mực cẩn thận. Ông trở lại nhà bếp, để tấm chi phiếu trên bàn và nói:
- Xe tắc xi sắp đến rồi. Nếu bà muốn, bà hãy đến nói chuyện với nhà tôi. Chuyện này đã làm cho bà ấy đau lòng, nhưng chúng tôi đành cam chịu tất cả những gì có thể chịu được.
- Các người? Các người cam chịu? - Bà Bertha nói to như rống - Chính tôi đây, tôi đây mới là người cam chịu! - Bà ta đấm vào ngực mình và khóc thét lên vì tức giận.
- Tôi rất tiếc, - Ông William dịu dàng nói - nhưng tôi không mong gì bà hiểu tôi.
Ông âm thầm rút lui và trở ra sân hiên ngôi nhà chính. Bà Elinor không còn ngồi ở đó. Ông đi vào trong nhà, gọi bà Elinor, nhưng không một tiếng trả lời. Ông lên lầu, vào phòng bà, muốn mở cửa nhưng cửa đã khóa.
- Elinor! - Ông cất tiếng gọi.
Bà mở cửa ra ngay, nhìn ông từ tốn nói:
- Bỗng nhiên em sợ bà Bertha. Có phải là phi lý không! Khi anh bỏ em để đi xuống bếp, em bỗng hiểu ra rằng xưa nay em luôn luôn sợ bà ấy.
- Có bao giờ bà ấy hất hủi em không?
- Không, bà ấy không dám đâu. Nhưng dù em có bênh vực bà ta là không đánh Jessica, em vẫn cảm thấy khi em còn bé, bà ấy muốn đánh cả em nữa. Em tự hỏi, bà ấy có đánh mấy đứa lớn hơn không. Em không bao giờ nghe nói đến chuyện đó. Mẹ em bao giờ cũng nghiêm khắc với tôi tớ trong nhà, rồi sau khi em lấy anh, thì Bertha lại sợ anh.
- Thật thế sao?
Ông đang đứng bên cửa sổ, chờ tắc xi đến.
- Đúng vậy. - Bà Elinor cũng lắng tai nghe. Bà đã khóa cửa lại - Có lần bà ấy nói với em rằng anh là một người tài giỏi.
- Có nghĩa là?
- Là anh biết nhiều điều hơn là người ta tưởng, em nghĩ vậy. Nói tóm lại, bà ấy sợ các ông luật sư.
Bà Elinor đến gần ông bên cửa sổ. Bà Bertha đang đợi ở tầng dưới. Bà ta đi qua ngả hông tòa nhà, ra xe với hai cái va-li, và bảo người tài xế xách gói đồ. Họ thấy bà leo lên xe, rồi chiếc xe trở đầu trước sân và chạy ra cổng.
- Bà ấy chẳng quay đầu ngó lại lần nào - Bà Elinor buồn bã nói - Bốn mươi năm, em tưởng chẳng có nghĩa gì đối với bà ấy. Ôi, anh William! Sao anh can đảm thế?
Cả hai quỵ xuống trên cai ghế nệm dài.
- Anh không biết. Trái với em, trong khi em bị yếu mềm vì lòng nhân hậu, thì nó đòi hỏi nơi anh nhiều nghị lực. Nhưng anh đã cư xử công bằng dù anh có giận dữ. Những người như chúng ta, nếu vào cái phút giây, khi mà sự bực tức và cơn giận đã vượt quá cách sống đầy lòng nhân lành có nghĩ suy, thì cái gì ta cũng làm được. Nếu anh chờ thêm năm phút nữa, thì lòng nhân ái đã thắng vượt, anh không nỡ đuổi bà ấy đi, và anh biết là anh phải làm thế.
- Tội nghiệp bà Bertha! - Bà Elinor nói.
Ông William không đành nhìn thấy vợ buồn bực. Ông nói:
- Tội nghiệp, chẳng có tội nghiệp gì cả! Bà ấy đã có chỗ làm tốt, nơi ở thoải mái, qua nhiều thập kỷ dài, và rồi sẽ có tiền trợ cấp cho những ngày cuối đời. Thế là may mắn rồi, chẳng có gì là tội nghiệp cả.
Bà Elinor lại lắc đầu, nhưng bà đồng ý với ông. Ông nhận thấy có sự dịu dàng và cả sự thán phục trong đôi mắt bà nhìn ông.
- Em yêu quý - Ông nói một cách xúc động, vì đã từ lâu bà không còn nhìn ông với đôi mắt như thế - Hôm nay là một ngày trọng đại. Đội nón lên em. Chúng ta hãy đi ăn tối ở ngoài. Chúng ta nhất định phải ăn mừng biến cố này mới được.
Ông thích thú vì thấy bà vâng lời ông nhanh chóng. Bà đưa tay ra dấu cho ông hiểu rằng cái nón chưa đủ. Bà muốn làm đẹp cho bà, và bà rút lui về phòng để ngắm nhìn trong gương, bà muốn sửa soạn cho thật đẹp, thật xứng hợp với nhan sắc của bà. Ông thì chọn bộ đồ xám đẹp nhất để mặc vào, và chọn một cái cà vạt màu xanh lơ. Ông hãnh diện nhận thấy mình càng già càng đẹp ra. Mái tóc nâu của ông rất ăn với màu da rám nắng và không có dấu hiệu gì là bị hói đầu. Cha ông có đầu tóc rối bời và một bộ râu xồm xoàm. Bà Elinor không ưa râu hàm, bà chỉ đồng ý cho ông để râu mép tỉa thật ngắn, và bà đã có thể buộc ông cạo nhẵn nếu nhân trung của ông ngắn hơn.
Ông William trình diện vợ nơi cửa phòng của bà, và chiêm ngưỡng vẻ thanh lịch của cái áo dài màu xanh dương của bà. Ông nói:
- Chúng ta thật xứng đôi phải không em?
Bà cười, một nụ cười rạng rỡ, rất tươi trẻ và phản chiếu niềm vui nội tâm. Họ sắp được hạnh phúc... Theo lẽ, ông phải dọn sạch nhà sớm hơn. Tất cả các dòng biến cố có thể đã đổi chiều. Không có áng mây buồn nào đến khuấy động hạnh phúc của vợ chồng Vera - Edwin. Winsten, thì có thể đã không nhìn cha với cái vẻ nghi ngờ ấy, sự nghi ngờ vẫn còn tồn tại, ông biết chắc vậy qua cái vẻ thầm lặng của Madge, chắc chị ta cũng không quên. Còn Susan? A ha, Susan có thể đã chẳng bao giờ lấy Peter làm chồng! Ông đã bị thuyết phục sau khi suy nghĩ lâu dài, đêm này qua đêm khác, hoặc trong những giờ đầu bình minh, để tin chắc rằng Susan không có quyết định nhanh đến thế. Phải có sự va chạm tàn nhẫn và kinh khủng. Chuyện con chó đen nhảy bổ vào Peter, để khơi dậy niềm thán phục di truyền mà các cô gái thời nay mỗi ngày mỗi lệ thuộc vào. Ông không chịu nổi ý nghĩ này. Ông sẽ trở lại vấn đề ấy ban đêm, nhờ sự che chở của đêm tối, để suy xét về sự thiệt hại quá mức mà gia đình ông phải gánh chịu, và về phương cách để sửa chữa để phục hồi. Bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi.
- Chúng ta đi ăn tối ở đâu, anh? - Bà Elinor hỏi.
- Chúng ta cứ đi, tới đâu hay đấy, tìm chỗ nào ta chưa bao giờ đến. Chúng ta hãy tân trang mình lại, để chào mừng một sự tự do chính đáng.
Tay đỡ cánh tay, họ cất bước nhịp nhàng, nhanh nhẹn xuống cầu thang.