Dịch Giả: Nguyễn Xuân Hiến
Sự thực của ham muốn
Phần thứ hai: Giấc mơ

Không biết tôi có phải nhắc lại cho các bạn biết về con đường mà chúng ta đã đi qua không? Không biết tôi có cần nhắc lại là vì sự áp dụng kỹ thuật của chúng ta đã đặt chúng ta trước sự biến dạng của giấc mơ mà chúng ta đã có ý định tạm gác sự biến dạng sang một bên để tìm trong những giấc mơ trẻ con những dữ kiện có tính quyết định về tính chất giấc mơ không? Tôi có cần phải nhắc lại là sau khi đạt được những kết quả này chúng ta đã tấn công sự biến dạng trong giấc mơ và loại dần từng khó khăn một đi không? Bây giờ thì chúng ta bị bắt buộc phải công nhận rằng những kết quả đạt được theo con đường thứ nhất không phù hợp với những kết quả trong con đường thứ hai. Do đó chúng ta phải kiểm điểm lại hai loại kết quả này cho phù hợp với nhau.
Trong cả hai trường hợp chúng ta đều biết rằng công việc xây dựng giấc mơ chính là một sự biến đổi những ý tưởng thành những biến cố ảo giác. Sự biến đổi đó là cả một điều bí mật, nhưng đó là một vấn đề thuộc phạm vi tâm lý học tổng quát không liên can gì đến chúng ta. Nhưng giấc mơ trẻ con đã cho thấy là công việc xây dựng giấc mơ có mục đích dùng sự thực hiện một ham muốn để huỷ diệt một sự kích động gây rối trong giấc mơ. Chúng ta không thể nói như thế đối với sự biến dạng của giấc mơ trước khi có thể giải thích được sự biến dạng đó. Nhưng ngay từ lúc đầu chúng ta đã chờ đợi để có thể đem những giấc mơ bị biến dạng về cùng một phương diện với những giấc mơ trẻ con. Kết quả thứ nhất của sự chờ đợi đó là chúng ta đã tìm ra rằng mọi giấc mơ đều là những giấc mơ trẻ con, hoạt động với những vật liệu trẻ con, những khuynh hướng và diễn biến trẻ con. Vì vấn đề biến dạng của giấc mơ được coi là đã giải quyết xong, chúng ta cần xét đến vấn đề xem sự thực hiện những ham muốn có thể áp dụng được cho những giấc mơ bị biến dạng hay không?
Trong phần trên chúng ta đã đem nhiều giấc mơ ra giải thích nhưng không để ý đến sự thực hiện các điều ham muốn. Tôi tin rằng hơn một lần các bạn đã tự hỏi: “Sự thực hiện các điều ham muốn đi đến đâu rồi, khi giáo sư cho rằng đó chính là mục đích của việc xây dựng?”. Câu hỏi đó có nhiều ý nghĩa: đó là câu hỏi của tất cả mọi người dù không chuyên môn. Nhân loại thường ghê sợ những sự mới mẻ trong bình diện tri thức, cho nên sự mới mẻ nào cũng bị thu hẹp lại thành một cuốn phim rất nhỏ. Trong lý thuyết về giấc mơ, sự thực hiện các điều ham muốn chính là cái phim thu nhỏ đó. Vừa nghe nói giấc mơ là sự thực hiện các điều ham muốn, người ta đã vội vã hỏi ngay xem sự thực hiện đó ở chỗ nào? Và cả ngay khi vừa mới đặt vấn đề xong người ta đã trả lời bằng một lời phủ nhận. Sực nhớ lại những kinh nghiệm của chính mình trong đó người ta gặp bao nhiêu sự khó chịu lo âu vì những giấc mơ, người ta tuyên bố ngay rằng thuyết của phân tâm học về giấc mơ không đúng sự thực. Chúng ta trả lời dễ dàng rằng trong những giấc mơ bị biến dạng, sự thực hiện những điều ham muốn thường không rõ ràng, cần phải tìm ra cho nên không thể chứng minh được trước khi đem ra giải thích giấc mơ. Chúng ta cũng biết rằng những điều ham muốn trong những giấc mơ thường là những sự ham muốn bị cấm đoán, bị kiểm duyệt dồn ép, chính là nguyên nhân của sự biến dạng, lý do cho sự can thiệp của kiểm duyệt. Nhưng khó làm cho những người không chuyên môn hiểu được là trước khi giải thích giấc mơ người ta không thể đi tìm sự thực hiện các điều ham muốn được. Họ sẽ luôn luôn quên điều đó. Thái độ của họ đối với vấn đề thực hiện các điều ham muốn thực ra chỉ là kết quả của sự kiểm duyệt trong giấc mơ. Thái độ đó thay thế cho những sự ham muốn bị kiểm duyệt và là hậu quả của sự phủ nhận sự có mặt của những điều ham muốn này.
Tất nhiên chúng ta còn phải giải thích những giấc mơ nặng nề, lo sợ phập phồng, những ác mộng. Đây là lần đầu tiên chúng ta đứng trước vấn đề tình cảm trong giấc mơ, một vấn đề quan trọng nhưng chưa thể đem ra phân tích ở đây được. Nếu quả giấc mơ là sự thực hiện các điều ham muốn thì không thể có các giấc mơ nặng nề được: những nhà phê bình không chuyên môn có vẻ như đã nói đúng. Nhưng có ba điều phức tạp mà họ không để ý tới.
Điều thứ nhất: công việc xây dựng có thể không thành công hoàn toàn do đó có một số cảm giác nặng nề từ những ý tưởng tiềm tàng đi qua giấc mơ rõ ràng. Sự phân tích sẽ có nhiệm vụ chứng minh rằng, những ý tưởng tiềm tàng này nặng nề hơn những ý tưởng trong giấc mơ rõ ràng. Đến lúc đó chúng ta phải công nhận rằng công việc xây dựng chưa đạt được mục đích cũng như người ta không hết khát khi thấy mình uống trong giấc mơ. Người ta tha hồ mơ thấy mình uống nước trong giấc mơ nhưng muốn cho hết khát phải thức dậy mới được. Tuy vậy giấc mơ đó vẫn là giấc mơ thực tuy sự ham muốn không được thực hiện. Chúng ta phải nói: “Dù sự ham muốn chưa được thực hiện nhưng ý đó vẫn là ý đáng khen”. Những trường hợp không thành công không hiếm. Vì những tình cảm rất dai dẳng nên công việc xây dựng rất khó khăn trong việc tìm cách thay đổi ý nghĩa của chúng. Chính vì thế mà ngay cả khi công việc xây dựng đã thành công trong việc biến những ý tưởng tiềm tàng thành những sự thực hiện ham muốn, những tình cảm nặng nề vẫn len lỏi qua giấc mơ rõ ràng. Trong những giấc mơ như thế, có sự mâu thuẫn giữa tình cảm và nội dung mà các nhà phê bình có thể cho rằng giấc mơ không phải là thực hiện những ham muốn là vì nội dung không có gì quan trọng cũng có thể có một cảm tưởng nặng nề. Để bài bác lý luận này chúng ta nói rằng chính trong những giấc mơ đó những khuynh hướng thực hiện sự ham muốn xuất hiện rõ ràng hơn hết vì ở trong tình trạng cô độc. Sở dĩ có sự lầm lẫn là vì những người không biết gì đến các chứng bệnh thần kinh tưởng tượng rằng giữa tình cảm và nội dung giấc mơ có một dây liên lạc chặt chẽ, không hiểu rằng nội dung có thể bị thay đổi mà tình cảm thì vẫn y nguyên.
Một điều rắc rối nữa quan trọng, sâu xa hơn là như sau: Sự thực hiện ham muốn chắc chắn là một điều khoan khoái. Nhưng cho ai? Tất nhiên cho kẻ nào có sự ham muốn đó. Nhưng chúng ta thấy thái độ của người nằm mơ đối với sự ham muốn này rất đặc biệt. Anh ta gạt bỏ, kiểm duyệt chúng, không muốn nghe nói đến chúng. Vậy sự thực hiện không thể gây cho anh ta một sự khoan khoái nào, trái lại nữa. Kinh nghiệm cho ta thấy là điều mâu thuẫn này xuất hiện dưới hình thức một điều lo ngại phập phồng. Người nằm mơ có vẻ như hai người tuy vẫn bị ràng buộc vào với nhau. Tôi kể cho các bạn nghe một giấc mơ thuộc loại đó. Có một bà tiên hứa hẹn thực hiện cho một cặp vợ chồng ba điều ước muốn đầu tiên của họ. Người vợ muốn có một cặp xúc xích. Loáng một cái là xúc xích có ngay trước mặt: một điều đã thực hiện. Giận dữ người chồng muốn những chiếc xúc xích đó treo toòng teng trên mũi vợ. Vừa nói xong là điều ước của người chồng thực hiện ngay. Tất nhiên người vợ chẳng khoái gì tình trạng đó. Câu chuyện tiếp tục ra sao khỏi phải nói. Vì vợ chồng tuy hai nhưng chỉ là một nên điều ước thứ ba của họ là những miếng xúc xích rời khỏi mũi người vợ. Câu chuyện này chứng tỏ rằng điều mong muốn của người này không phải là điều mong muốn của người khác mỗi khi có sự bất hoà giữa hai bên.
Bây giờ thì chẳng còn một khó khăn trong việc tìm hiểu những cơn ác mộng nữa. Những cơn ác mộng thường không bị biến dạng, không bị kiểm duyệt. Ác mộng thường là sự thực hiện của một giấc mơ, nhưng sự ham muốn này không được hoan nghênh, mà bị dồn ép, xua đuổi. Nỗi lo âu phập phồng thay thế cho sự kiểm duyệt. Giấc mơ trẻ con là sự thực hiện thành thực một ham muốn được chấp nhận, giấc mơ bị biến dạng thường thường là sự thực hiện giả tạo của một ham muốn bị dồn ép, cơn ác mộng là sự thực hiện thành thực của một sự ham muốn bị xua đuổi. Sự lo âu phập phồng là dấu hiệu chứng tỏ rằng lòng ham muốn mạnh hơn cả sự kiểm duyệt, cứ việc thực hiện mặc dù có sự kiểm duyệt. Do đó đối với chúng ta, những người luôn luôn đứng về phe kiểm duyệt, sự thực hiện này chỉ gây ra những cảm giác nặng nề và là một cơ hội cho chúng ta đề phòng. Sự lo âu phập phồng trong giấc mơ là sự lo âu trước sức mạnh của lòng ham muốn mà trước đây người ta đã kìm hãm được.
Cái gì đúng với những cơn ác mộng không biến dạng cũng đúng với những cơn ác mộng có biến dạng chút ít và những giấc mơ khó chịu khác trong đó những cảm giác nặng nề cũng gần những nỗi lo âu phập phồng. Sau cơn ác mộng người ta thường thức dậy trước khi lòng ham muốn bị kìm hãm được thực hiện hoàn toàn. Trong trường hợp này, giấc mơ không làm xong nhiệm vụ tuy tính chất chẳng có gì thay đổi. Chúng ta đã so sánh giấc mơ như một người gác đêm có nhiệm vụ bảo vệ cho giấc ngủ khỏi bị quấy rối. Mỗi khi thấy mình quá yếu không bảo vệ được giấc ngủ, người gác đêm thường đánh thức người đang ngủ dậy. Ngay cả khi nằm mơ bắt đầu xoay chiều, đáng nghi ngờ, sắp trở thành nỗi lo âu, chúng ta vẫn tiếp tục ngủ, vừa ngủ vừa tự nhủ: “Mình nằm mơ đấy mà”.
Làm sao lòng ham muốn đủ sức mạnh để có thể không chịu sự kiểm duyệt? Điều đó có thể vì lòng ham muốn cũng như sự kiểm duyệt. Vì những lý do chưa được biết, lòng ham muốn có thể tăng cường độ lên rất nhiều: nhưng người ta vẫn có cảm tưởng rằng chính sự kiểm duyệt đã gây ra sự thay đổi trong mối liên quan giữa những động lực có trong giấc mơ. Kiểm duyệt thường thay đổi tuỳ theo trường hợp, mỗi yếu tố đều được duyệt xét tuỳ theo mức độ nghiêm trọng. Nhiều khi sự thay đổi còn đi xa hơn nữa và không phải lúc nào sự kiểm duyệt cũng tỏ ra nghiêm khắc đều đều với một yếu tố. Nếu trong một trường hợp nào đó, sự kiểm duyệt thấy mình bất lực trước một lòng ham muốn nào đó, sự kiểm duyệt ngoài sự biến dạng ra còn có một phương sách cuối cùng là gây ra sự lo âu.
Chúng ta không hiểu tại sao những sự ham muốn bị kìm hãm lại xuất hiện ban đêm để quấy rối giấc ngủ? Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi đó bằng cách chú trọng đến tính chất của giấc ngủ. Ban ngày, những sự ham muốn này bị kiểm duyệt gắt gao nên không xuất hiện được. Nhưng ban đêm sự kiểm duyết này bị gạt ra một bên hay ít nhất cũng kém mạnh đi để cho giấc mơ được dễ dàng. Do đó những sự ham muốn bị kìm hãm mới có cơ hội xuất hiện. Có những người mất ngủ thường thú nhận rằng sự mất ngủ đó nhiều khi có tính cách cố ý ngay từ đầu, người ta mất ngủ vì sợ nằm mơ, sợ sự kiểm duyệt bị yếu đi. Sự bãi bỏ kiểm duyệt không phải là một sự thiếu tiên liệu thô lỗ, điều đó thực dễ nhận ra. Giấc ngủ làm cho tính cơ động của chúng ta bị tê liệt; những ý nghĩ xấu xa chẳng phát sinh ra cái gì được ngoài giấc mơ, mà giấc mơ thì chẳng làm hại ai cả, do đó người nằm mơ có thể tự nhủ: “Dù sao đó chỉ là giấc mơ”. Vì chỉ là giấc mơ nên chúng ta chẳng cần quan tâm đến, cứ việc ngủ khì.
Điều thứ ba, nếu các bạn nhớ lại sự tương tự giữa người nằm mơ chống lại những sự ham muốn của mình và con người giả tạo gồm có hai người khác biệt nhưng gắn liền vào nhau chặt chẽ, các bạn sẽ thấy có một lý do khác để cho sự thực hiện ham muốn có một hậu quả khó chịu ghê gớm, đó là sự trừng phạt. Trở lại câu chuyện ba điều ước muốn: những miếng xúc xích trên đĩa là sự thực hiện điều ước thứ nhất của người đàn bà: xúc xích nhảy lên mũi người đàn bà là sự thực hiện điều ước thứ hai của người chồng, nhưng cũng là một sự trừng phạt đối với người đàn bà về điều ước muốn vô nghĩa lý của chị ta. Trong các chứng bệnh thần kinh, chúng ta thay lý do cắt nghĩa điều ước muốn thứ ba trong câu chuyện. Những khuynh hướng trừng phạt như thế có rất nhiều trong đời sống tinh thần, những khuynh hướng rất mạnh và chịu trách nhiệm về phần lớn những giấc mơ hãi hùng. Các bạn sẽ bảo là dù có công nhận các điều này đi nữa thì sự thực hiện sự ham muốn chẳng còn có gì cả. Nhưng nếu xét lại thực kỹ các bạn sẽ thấy là các bạn nghĩ lầm. Nếu các bạn nghĩ rằng giấc mơ có thể có thiên hình vạn trạng, và tính chất thực sự của nó là gì thì định nghĩa của chúng ta: “giấc mơ là sự thực hiện sự ham muốn, một sự sợ hãi, một sự trừng phạt” chính là một định nghĩa có giới hạn. Ngoài ra lại còn sự việc là những sự sợ hãi, sự lo âu trái ngược hẳn với ham muốn, và trong sự liên tưởng những điều trái ngược nhau thường rất gần nhau, có khi trùng hợp với nhau ở trong vô thức. Tất nhiên sự trừng phạt cũng là một ham muốn, ham muốn của một người khác, người giữ vai trò kiểm duyệt.
Như thế tức là tôi không nhượng bộ các bạn chút nào về thái độ thiên vị của các bạn đối với việc thực hiện sự ham muốn. Nhưng tôi có bổn phận cho các bạn hay rằng giấc mơ biến dạng nào cũng không là gì khác hơn sự thực hiện điều ham muốn. Các bạn hãy nhớ lại giấc mơ về 1 fl 50 lấy ba vé. Một bà ban ngày vừa được chồng cho biết là bạn bà ta tên là Elise, chỉ kém bà ta có ba tháng vừa đính hôn, ban đêm nằm mơ thấy cùng chồng đi xem hát. Một phần lớn trong rạp trống, không có khách. Người chồng nói là Elise cũng muốn cùng vị hôn phu đi xem hát nhưng không đi được vì chỉ lấy được ba chỗ thôi với giá1 fl 50. Bà ta nghĩ rằng chả có gì đáng tiếc rẻ cả. Chúng ta thấy là những ý tưởng trong mơ gắn liền vào sự không thích chồng mình. Chúng ta phải tìm hiểu xem những ý nghĩ buồn bã đó đã thành hình như thế nào, được biến đổi thành sự thực hiện ham muốn như thế nào và chúng có dấu vết gì trong giấc mơ rõ ràng không? Chúng ta thấy những yếu tố “quá sớm”, “quá vội vã” đã bị kiểm duyệt gạt bỏ. Việc một phần lớn rạp hạt trống ám chỉ đến sự kiện bị kiểm duyệt. Điều bí mật về con số 3 (3 chỗ với trị giá 1 fl 50) bây giờ trở nên dễ hiểu, nhờ có tính cách tượng trưng trong giấc mơ. Con số 3 tượng trưng cho người đàn ông và giấc mơ rõ ràng có thể được giải thích như sau: dùng tiền hồi môn mua một tấm chồng (với số hồi môn của mình, đáng lẽ mình phải mua được một tấm chồng mười lần hơn). Hôn nhân rõ ràng được thay thế bằng việc đi xem hát. “Việc mua vé quá sớm” nguỵ trang cho ý nghĩ: “Mình đã lấy chồng quá sớm”. Nhưng sự thay thế này là hậu quả của sự thực hiện ham muốn. Người nằm mơ chỉ bực mình vì đã lấy chồng quá sớm khi nghe người bạn gái chỉ kém mình có ba tháng vừa đính hôn xong. Có một thời bà ta tự hào vì lấy chồng và tự cho mình hơn Elise. Những người con gái ngây thơ thường tự hào vì đã đính hôn và cho rằng mình có quyền làm đủ mọi thứ, đi xem mọi vở tuồng, tham dự mọi sinh hoạt xã hội. Sự tò mò được biết hết này chắc chắn lúc đầu có tính tình dục, hướng về phía tình dục, nhất là đời sống tình dục của cha mẹ. Sau này sự tò mò trở thành một lý do vững chắc để cho người con gái đi lấy chồng sớm.
Vì thế nên việc đi xem hát thành một sự thay thế ám chỉ tình trạng đã có chồng. Trong lúc hối tiếc vì lấy chồng quá sớm, bà ta quay trở lại thời xa xưa lúc việc lấy chồng là sự thực hiện một ham muốn vì lấy chồng xong bà ta có thể mặc sức đi xem hát. Vì thế trong giấc mơ nhớ lại sở thích ngày xưa bà ta mới lấy việc đi xem hát thay thế cho sự lấy chồng.
Chúng ta có thể cho rằng vì muốn chứng minh sự có mặt của sự thực hiện một ham muốn bị che dấu, chúng ta sẽ dùng một thí dụ tiện cho chúng ta nhất. Chúng ta cũng sẽ làm như thế đối với những giấc mơ biến dạng khác. Tôi không làm được công việc đó trước các bạn nhưng tôi đoán chắc rằng nếu có làm chúng ta sẽ thành công hoàn toàn. Tuy nhiên tôi muốn dừng lại một chút nơi chi tiết này. Kinh nghiệm cho thấy rằng chi tiết này hay bị tấn công nhất và nó chính là nguyên nhân của bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu sự hiểu lầm. Ngoài ra các bạn có thể có cảm tưởng rằng tôi đã rút đi một phần các sự khẳng định khi nói đến giấc mơ là một ham muốn được thực hiện, hay điều trái lại của nó nghĩa là một điều lo âu hay một sự trừng phạt được thực hiện, và các bạn có thể cho rằng đó là cơ hội tốt để tôi phải nhượng bộ hơn nữa. Người ta trách tôi vì lối trình bày vắn tắt quá, hay để làm cho người ta tin, những điều quá đúng đối với tôi.
Có nhiều bạn đã theo tôi trong việc giải thích giấc mơ và chấp nhận những kết quả của sự giải thích này dừng lại ở điểm chót khi tôi chứng minh xong là giấc mơ chính là một ham muốn được thực hiện, rồi hỏi: “Giấc mơ bao giờ cũng có ý nghĩa và ý nghĩa này kỹ thuật phân tâm có thể tìm ra được, tại sao chúng ta lại bị bó trong cái công thức của sự thực hiện một sự ham muốn? Tại sao những ý nghĩa ban đêm lại không có nhiều nghĩa khác nhau như những ý nghĩ ban ngày? Nói khác đi, tại sao lần này giấc mơ tương ứng với một sự ham muốn được thực hiện, mà lần khác lại không tương ứng với điều trái lại, nghĩa là một sự lo âu được thực hiện, tại sao giấc mơ lại không diễn tả một dự định, một sự cảnh cáo, một sự suy nghĩ đắn đo có điều phải điều trái, hay là một lời trách móc, một lời hối hận, một mưu toan làm một việc gì cần kíp, v.v….? Tại sao giấc mơ bao giờ cũng chỉ diễn tả một thứ là sự ham muốn hay ít nhất điều trái ngược lại sự ham muốn?
Các bạn có thể nghĩ rằng một sự bất đồng ý về phương diện này chẳng có gì quan trọng, một khi người ta đồng ý về các điểm khác, chúng ta chỉ cần tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ, tìm ra phương sách giúp ta làm được điều đó, còn việc chúng ta có ấn định cho ý nghĩa đó một giới hạn nào hay không, không phải là điều quan hệ. Nhưnng sự thực không phải thế. Một sự hiểu lầm có thể tai hại cho tất cả những điều chúng ta đã thu lượm được về giấc mơ, giảm giá trị những điều này khi chúng ta muốn tìm hiểu những căn bệnh thần kinh. Trong công việc thương mại chúng ta có thể buông trôi, nhưng về khoa học một thái độ như thế không thể chấp nhận được, có thể có hại nữa.
Vậy tại sao giấc mơ lại không gì khác hơn là sự thực hiện một ham muốn? Câu trả lời của tôi là: tôi chịu không biết tại sao. Sự việc xảy ra như thế quả chẳng có gì bất tiện cả. Nhưng sự việc lại không xảy ra như thế và chi tiết này là chi tiết duy nhất chống đối lại quan niệm rộng rãi hơn và tiện hơn về giấc mơ. Câu trả lời thứ hai là giấc mơ cũng có thể tương ứng với những hình thức tư tưởng và trí thức khác nhau. Tôi đã kể cho các bạn nghe là có một giấc mơ xuất hiện liền trong ba đêm, tôi đã giải thích là giấc mơ đó tương ứng với một dự tính và khi dự tính đó đã thành hiện thực thì giấc mơ không còn lý do gì để tái xuất hiện nữa. Sau đó tôi có đưa ra thí dụ một giấc mơ mà nội dung là một sự thú tội. Vậy tại sao tôi lại tự mâu thuẫn khi nói rằng giấc mơ chỉ là một ham muốn đã được thực hiện.
Sở dĩ phải như thế là muốn tránh một sự hiểu lầm tai hại có thể làm cho mọi cố gắng của chúng ta từ trước tới nay về giấc mơ trở thành nước lã ra sông, một sự hiểu lầm lẫn lộn giấc mơ với những ý tưởng tiềm tàng trong đó rồi đem áp dụng cho cái kia những điều chỉ có thể đem áp dụng cho những cái này thôi. Đúng ra là giấc mơ có thể biểu thị cho tất cả những gì đã kể trên và thay thế cho chúng: dự tính, cảnh cáo, suy nghĩ, sửa soạn, giải quyết một vấn đề nào đó, v.v…. Nhưng xét cho kỹ thì nhận xét trên chỉ đúng với ý tưởng tiềm tàng bị biến dạng thành giấc mơ mà thôi. Tư tưởng vô thức của con người luôn luôn chú trọng đến những dự tính, những sự sửa soạn suy nghĩ mà công việc xây dựng biến thành giấc mơ. Nếu đến một lúc nào đó, bạn không chú trọng đến công việc xây dựng nữa mà chỉ chú trọng đến việc làm cho vô thức trở thành một ý nghĩ của con người thì bạn sẽ gạt bỏ công việc xây dựng rồi mới nói một cách hợp lý là giấc mơ chính là một dự tính, một sự cảnh cáo.v.v…Trường hợp này xảy ra luôn trong hoạt động của phân tâm học: người ta tìm cách huỷ diệt hình thức của giấc mơ và thay vào đó bằng những ý tưởng tiềm tàng, nguyên nhân phát sinh ra giấc mơ.
Do đó khi chỉ chú trọng vào những ý tưởng tiềm tàng, chúng ta tình cờ tìm ra rằng tất cả những hành vi vừa nói đều xảy ra ngoài ý thức của chúng ta: một kết quả thực huy hoàng nhưng cũng làm ta bối rối không kém.
Nhưng ngay cả khi cho rằng giấc mơ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau, các bạn chỉ có quyền nói đến những ý nghĩa đó khi biết chắc rằng mình đang dùng những từ ngữ vắn tắt chứ không thể mở rộng nhận xét đó cho toàn thể tính chất giấc mơ. Khi nói đến giấc mơ bạn phải nghĩ đến giấc mơ rõ ràng, nghĩa là để kết quả công việc xây dựng, hay đến chính công việc đó nghĩa là đến sự hoạt động tinh thần do giấc mơ rõ ràng và những ý tưởng tiềm tàng họp thành. Dùng hai chữ giấc mơ vào một công việc gì khác là chỉ có thể gây ra những sự hiểu lầm, lẫn lộn thôi. Nếu những điều khẳng định của các bạn liên quan đến những ý tưởng tiềm tàng, bạn nên nói rõ ngay chứ đừng gói ghém nó sau những danh từ mơ hồ thường dùng. Những ý tưởng tiềm tàng, chính là nguyên liệu mà công việc xây dựng biến thành giấc mơ rõ ràng. Tại sao bạn cứ lẫn lộn nguyên liệu với chính công việc đã nặn nguyên liệu này thành một thứ có hình thức? Nếu có người nào không biết đến kết quả của công việc đó, không thể giải thích được kết quả đó từ đâu mà có và đã thành hình như thế nào thì bạn có khác gì kẻ đó.
Yếu tố duy nhất cần thiết của giấc mơ là công việc xây dựng giấc mơ tác dụng trên nguyên liệu do những ý tưởng hợp thành. Về phương diện lý thuyết, ta không có quyền không biết đến điều đó, tuy về phương diện thực tế nhiều khi chúng ta phải bỏ qua. Công việc xây dựng không phải chỉ gán cho những ý tưởng này một sự phát biểu có tnh cách cổ lỗ hay thụt lùi: nó còn thêm vào một vài điều tuy không thuộc những ý tưởng tiềm tàng trong ngày nhưng cũng là động lực phát sinh ra giấc mơ. Điều thêm vào rất cần thiết này không làm gì khác hơn là ham muốn, và nội dung giấc mơ chịu một sự biến dạng mà mục đích là sự thực hiện ham muốn này. Một khi bạn coi giấc mơ như biểu thị cho những ý tưởng giấc mơ có thể có bất cứ ý nghĩa nào mình gán cho nó: cảnh cáo, dự tính, sửa soạn, v.v… nhưng giấc mơ bao giờ cũng chỉ là sự thực hiện một ham muốn vô thức và chỉ là thế thôi nếu ta coi nó như kết quả của một công trình xây dựng. Vậy giấc mơ không bao giờ chỉ là một dự tính, một cảnh cáo không thôi, nhưng bao giờ cũng là một dự tính, một sự cảnh cáo nhờ sự có mặt của một ham muốn vô thức, đã nhận được một sự phát biểu có tính cách cổ lỗ bị biến dạng để cho sự ham muốn được thực hiện. Một trong các đặc tính của giấc mơ, sự thực hiện ham muốn, là một đặc tính, bất biến không thay đổi, đặc tính khác có thể thay đổi, nó có thể là một ham muốn nhưng trong trường hợp này giấc mơ biểu thị cho một sự ham muốn tiềm tàng trong ngày được thực hiện nhờ sự giúp đỡ của một ham muốn vô thức.
Tôi hiểu rõ những điều đó lắm nhưng không biết đã làm cho bạn hiểu được chưa? Thực khó chứng minh quá. Muốn chứng minh, không những chúng ta phải phân tích thực nhiều giấc mơ mà ngoài ra điểm gai góc và nhiều ý nghĩa nhất trong quan niệm của chúng ta về giấc mơ không thể được trình bày gây lòng tin cậy của các bạn không gắn liền vào những điều sắp nói dưới đây. Khi nhiều phần trong một sự gì lên quan với nhau thực chặt chẽ, làm sao chúng ta có thể tìm hiểu sâu rộng tính chất của một phần mà không cần chú trọng đến những phần khác cũng có tính chất giống như thế? Vì chưa biết gì đến những điểm gần giấc mơ nhất, nghĩa là những triệu chứng của căn bệnh thần kinh, chúng ta đành phải hài lòng với những điểm đã thu lượm được. Tôi kể cho các bạn một thí dụ khác và đưa ra một điều nhận xét mới.
Một lần nữa chúng ta lại quay lại giấc mơ về ba vé hát với giá 1 fl 50. Tôi đoán chắc rằng khi chọn thí dụ đó ngay từ đầu tôi không có một hậu ý nào cả. Bạn biết những ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ đó: hối tiếc vì đã lấy chồng quá sớm, ý nghĩ rằng mình có thể lấy được một người chồng khá hơn nếu biết chờ đợi. Bạn cũng biết sự ham muốn nào đã làm cho những ý đó trở thành giấc mơ: lòng ham thích xem hát, bắt nguồn ở chỗ cho rằng mình sẽ biết thêm rất nhiều sau khi lấy chồng. Người ta biết rõ rằng đối với những đứa trẻ thì lòng ham biết này hướng về đời sống tình dục của cha mẹ: đó là một lòng ham biết của trẻ con và nếu sau này nó có tồn tại thì đó chính là một khuynh hướng có cội rễ từ thuở xa xưa trong thời thơ ấu. Nhưng tin nhận được trong ngày không liên can gì đến việc thích đi xem hát cả: nó chỉ có tính chất gợi lên sự hối tiếc thôi. Sự ham muốn đó ngay lúc đầu không thuộc hoàn toàn vào những ý tưởng tiềm tàng và chúng ta không cần biết đến nó trong sự giải thích giấc mơ. Nhưng ngay những điều làm trái ý mình tự nó cũng không đủ gây ra giấc mơ. Ý tưởng: “Mình lấy chồng quá sớm” thực ra là vô lý chỉ có thể phát sinh ra trong giấc mơ khi làm thức dậy sự ham muốn biết rõ những gì sẽ xảy ra sau khi lấy chồng. Sự ham muốn này họp thành nội dung giấc mơ, thay thế cuộc hôn nhân bằng một cuộc đi xem hát và gán cho nó hình thức của một giấc mơ đó: phải rồi, tôi có thể đi xem hát và biết tất cả mọi điều thường bị cấm chỉ, trong khi chị không làm được như thế. Tôi có chồng rồi, chị còn phải chờ. Vì thế mà tình trạng hiện thời được thay thế bằng tình trạng trái ngược của nó và một sự đắc thắng ngày xưa thay cho một sự thất vọng hiện thời. Có một sự hài lòng vì được đi xem hát bên cạnh một sự hài lòng vì đã thắng một người bạn vì biết nhiều điều hơn bạn. Chính sự hài lòng sau gây ra giấc mơ rõ ràng, và nội dung giấc mơ đó là mình đi xem hát được trong khi bạn mình chưa được phép đi. Gắn liền vào sự hài lòng này còn có bao nhiêu phần khác của giấc mơ, nhưng phần này che dấu những ý tưởng tiềm tàng. Sự giải thích giấc mơ cần bỏ qua những ý tưởng nặng nề trong giấc mơ chỉ bằng những ám chỉ nói trong phần trên.
Làm như trên tôi chỉ muốn các bạn để ý đến những ý tưởng tiềm tàng giữ một địa vị quan trọng. Xin các bạn đừng quên rằng: 1) người nằm mơ không có một ý niệm gì về những ý tưởng đó cả. 2) những ý tưởng đó rất dễ hiểu, có mạch lạc hẳn hoi, nên mới có thể được coi như những phản ứng tự nhiên của biến cố trong ngày phát sinh ra giấc mơ. 3) những ý tưởng đó cũng có giá trị như bất cứ một khuynh hướng tinh thần và hoạt động tri thức nào. Vì thế nên tôi gọi những ý tưởng này là “những cái gì còn sót lại trong ngày” và gán cho danh từ này một ý nghĩa chặt chẽ hơn trước. Sau đó cần phân biệt những cái gì còn sót lại trong ngày này với những ý tưởng tiềm tàng là tất cả những cái gì chúng ta thu lượm được bằng cách giải thích giấc mơ, còn những cái gì còn sót lại chỉ là một phần trong các ý tưởng tiềm tàng thôi. Có một cái gì góp phần vào những cái gì còn sót lại trong ngày và cái đó chính là một sự ham muốn mạnh mẽ, nhưng bị dồn ép và chỉ có sự ham muốn này mới gây ra giấc mơ thôi. Tác dụng của sự ham muốn này làm cho nhiều ý tưởng tiềm tàng khác xuất hiện, những ý tưởng này không thể coi là hợp lý có thể giải thích được bằng đời sống khi thức.
Để hiểu rõ liên quan giữa những cái gì còn sót lại và sự ham muốn vô thức, tôi đã dùng một sự so sánh. Doanh nghiệp nào cũng cần có một nhà tư bản bỏ tiền ra chi tiêu và một nhà thầu khoán để thực hiện những sáng kiến của anh ta. Sự ham muốn vô thức giữ một vai trò của nhà tư bản trong giấc mơ: chính anh ta cung cấp những nghị lực cần thiết cho sự thành lập giấc mơ. Người thầu khoán được hình dung ở đây bằng cái gì còn sót lại trong ngày quyết định về mọi sự chi tiêu và dùng nghị lực này. Nhưng trong một vài trường hợp chính nhà tư bản cũng có thể có sáng kiến, và những điều hiểu biết cần thiết để thực hiện cũng như người thầu khoán cũng có thể có tư bản cần thiết. Điều này đơn giản hoá khía cạnh thực tế của vấn đề nhưng không giúp cho sự hiểu biết về lý thuyết được dễ dàng. Trong kinh tế học, người ta chia con người duy nhất này thành hai người khác, một về phương diện nhà tư bản và một về phương diện người thầu khoán: làm như thế nào người ta lập lại tình trạng cơ bản sơ khởi của sự so sánh. Trong sự thành lập giấc mơ cũng có những ý tưởng như thế.
Trong lúc này chúng ta không thể đi xa hơn nữa vì có lẽ từ lâu các bạn đã thắc mắc về một vấn đề cần được xét đến. Các bạn sẽ hỏi: “Những cái gì còn sót lại trong ngày có phải cũng có tính cách vô thức như sự ham muốn vô thức cần thiết cho sự thành lập giấc mơ không? Hỏi như thế không còn gì chính đáng hơn, bởi vì đó là vấn đề chính trong câu chuyện này. Nhưng cái gì còn sót lại không vô thức theo nghĩa của sự ham muốn vô thức. Sự ham muốn thuộc vào một vô thức khác, bắt nguồn trong thời thơ ấu có sự hoạt động riêng biệt. Cần phân biệt hai loại vô thức đó, mỗi loại đều có ý nghĩa riêng biệt. Nhưng chúng ta hãy chờ cho tới khi nào quen với hiện tượng của các chứng bệnh thần kinh đã rồi sẽ phân biệt. Trước kia người ta thường trách chúng ta ở chỗ chúng ta chỉ có một vô thức thôi. Bây giờ chúng ta sẽ nói như thế nào nếu chúng ta nhận rằng phải có hai vô thức mới thoả mãn được.
Thôi hãy dừng lại ở đó. Các bạn chỉ mới nghe thấy những điều chưa được đầy đủ, nhưng chả là một điệu khích lệ sao khi nghĩ rằng những điều hiểu biết của chúng ta có thể phát triển được nhờ những công trình khảo cứu của chính chúng ta hay của những người sẽ đến sau chúng ta? Và những điều chúng ta đã học hỏi được không phải là những điều mới lạ và kỳ diệu ư?