Dịch Giả: Nguyễn Xuân Hiến
Những hành vi sai lạc(tt)

Lần trước chúng ta đã xét đến hành vi sai lạc không phải về phương diện liên quan giữa chúng với cơ năng ý muốn, mà về phương diện với chính hành vi đó thôi. Có vẻ như hành vi sai lạc trong vài trường hợp có mang vài ý nghĩa đặc biệt. Chúng ta đã tự nhủ là nếu có thể khẳng định được điều đó trên một quy mô rộng lớn hơn thì ý nghĩa của những hành vi này đối với chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn là những trường hợp phát sinh ra những hành vi đó.
Một lần nữa chúng ta phải đồng ý với nhau về những điều chúng ta hiểu khi ta nói đến ý nghĩa của một sự hoạt động tinh thần. Đối với chúng ta, “ý nghĩa” đó không có gì khác hơn là diễn tả một ý muốn và địa vị của nó trong đời sống tinh thần. Trong các công trình khảo cứu của chúng ta, chúng ta có thể thay chữ “ý nghĩa” bằng chữ “ý muốn” hay “khuynh hướng”. Nay thì ta tự hỏi không biết cái “ý muốn” đó có phải chỉ là một bề ngoài lừa dối hay một điều quá đáng có tính cách thi văn hay không?
Vậy chúng ta hãy xét những trường hợp lỡ lời và khảo cứu những sự quan sát liên can đến những trường hợp đó. Chúng ta sẽ tìm ra hàng loạt những sự lỡ lời có ý nghĩa. Thoạt tiên là những sự lỡ lời trong đó người ta nói ra những điều trái hẳn với những điều muốn nói. Ông chủ tịch nói trong diễn văn khai mạc: “Tôi tuyên bố bế mạc buổi họp”. Chả còn có gì để người khác hiểu nhầm được. Lời nói đó chứng tỏ rằng ông chủ tịch trong thâm tâm muốn bế mạc buổi họp. Thì chính ông nói ra miệng mà, chúng ta cứ việc tin lời ông nói. Đến đây các bạn đừng làm tôi lúng túng bằng cách cãi lại rằng sự thực không thể nào như thế được bởi vì chúng ta biết rằng ông ta muốn khai mạc chứ không phải là bế mạc, nhất là khi hỏi lại thì chính ông ta muốn khai mạc. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đã quyết định là chỉ khảo cứu hành vi sai lạc với tính chất của nó thôi, còn chuyện nó có liên quan thế nào với ý muốn mà nó đã làm rối loạn hay không thì đó là một chuyện khác sẽ được nói đến sau. Làm khác đi, chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm bất hợp lý, làm sai lạc hẳn vấn đề đang khảo cứu.
Trong trường hợp khác trong đó người ta không nói hẳn những điều trái với ý muốn nhưng sự lỡ lời vẫn diễn tả một ý nghĩa trái ngược. Ich bin nicht die Verdienste meines Vorgagers zu wurdigen. Chữ Geneigt không phản nghĩa với chữ geegnets (sẵn sàng và được quyền); nhưng đó là một lời thú nhận trước công chúng trái hẳn với địa vị của diễn giả.
Trong những trường hợp khác sự lỡ lời thêm một ý nghĩa mới vào ý nghĩa định nói. Mệnh đề đó xuất hiện như một sự co rút, rút ngắn hay dung hoà nhiều mệnh đề lại. Đó là trường hợp của con người giàu nghị lực nói trong những dòng trên “chồng tôi có thể ăn uống những món gì tôi muốn”. Có vẻ như bà ta muốn nói: “Chồng tôi muốn ăn gì tuỳ ý anh muốn. Nhưng anh cần gì phải muốn. Chính tôi muốn thay anh!”. Nhưng sự lỡ lời luôn luôn cho người ta cái cảm tưởng rút ngắn thuộc loại sau đây. Ví dụ: Một giáo sư về cơ thể học sau khi giảng xong một bài về lỗ mũi, hỏi các sinh viên là họ có hiểu không. Sau khi họ trả lời là họ hiểu, giáo sư hỏi tiếp: “Tôi không tin như thế vì số người hiểu được sự cấu tạo của lỗ mũi, trong một thành phố một triệu người có thể đếm trên đầu một ngón tay... chết nỗi, trên các đầu ngón tay”. Câu nói rút ngắn này có ý nghĩa: giáo sư muốn nói chỉ có mỗi một người hiểu được sự cấu tạo của lỗ mũi thôi.
Cạnh những trường hợp vừa kể, trong đó ý nghĩa của sự lỡ lời hiện ra rõ ràng, còn có những trường hợp lỡ lời không có ý nghĩa gì cả và do đó trái hẳn với những điều chúng ta chờ đợi. Khi một người nói sai một danh từ riêng hay phát ra những âm thanh chẳng có nghĩa gì hết cả thì tất nhiên tất cả những hành vi sai lạc này chẳng có nghĩa gì hết. Nhưng khi xét kỹ người ta sẽ thấy những tiếng hay những câu ngay cả khi sự khác biệt giữa những trường hợp còn nghi ngờ với những trường hợp thực rõ ràng không to tát như người ta đã tưởng.
Có người hỏi thăm sức khoẻ của con ngựa của một người, người này trả lời: “Jan das draut.. das dauert.. ” ông ta muốn nói: “Bệnh nó có thể kéo dài một tháng”. Hỏi ông nói draut nghĩa là gì (mà ông suýt nữa đã dùng thay chữ dauert) ông trả lời là, vì cho rằng việc con ngựa ốm đối với ông là điều rất buồn (traurig) ông đã dùng lầm hai chữ dauert và traurig và ông lỡ nói ra chữ draut.
Một người khác nói về một vài lối làm việc làm cho ông phẫn nộ đã nói: “Dann aber dind Tatsachen zum Vorwwchein gekommen” (người ta tìm ra những sự việc..) Nhưng vì trong thâm tâm ông cho các lối làm việc như vậy là đồ con heo (cochonneries, Schweinerrein) nên vô tình lẫn hai chữ Vorschein và Schweinerrein. Do đó ông nói lỡ lời ra Vorschein (Meringer và Mayer).
Bạn hẳn còn nhớ trường hợp anh chàng muốn đi cùng với một bà chưa quen biết bằng chữ begleigt- digen. Chúng ta đã phân chữ đó thành hai chữ begleinten (đi cùng) và beleidigen (kính trọng). Chúng ta cho là cách giải thích như thế là đúng lắm rồi nên chúng ta không thấy cần kiểm lại. Các bạn thấy rõ là ngay cả những trường hợp lỡ lời không được rõ ràng lắm cũng có thể cắt nghĩa được bằng sự trùng phùng của những phát biểu của hai ý muốn. Sự khác biệt độc nhất giữa các trường hợp đó là ở chỗ đối với một số trường hợp như trong các sự lỡ lời bằng sự trái ngược thì một ý muốn này được thay hẳn bằng một ý muốn khác, còn trong một số trường hợp nữa thì một ý muốn chỉ thay đổi một ý muốn khác thôi. Do đó, có một số chữ có hai hay nhiều nghĩa.
Chúng ta tưởng như đã vén được bức màn bí mật với một số lượng lớn sự lỡ lời. Và bây giờ vẫn bằng lối lý luận đó chúng ta có thể hiểu được nhiều loại còn bí mật hơn nhiều. Ví dụ như trong trường hợp đọc sai các tên riêng, chúng ta không thể cho rằng nguyên nhân của chúng là sự có mặt của hai tiếng vừa khác nhau lại vừa giống nhau. Nhiều khi sự sai lầm diễn ra không liên can gì đến sự lỡ lời cả. Bằng cách đó người ta tìm cách nói lên một danh từ kêu sai hay gán cho nó một thanh âm làm cho người ta nhớ lại một vật gì rất tầm thường. Đó là một lối chửi rủa rất quen thuộc mà những người lịch sự không dám dùng tuy nhiều khi trong thâm tâm họ cũng muốn dùng lắm. Lời chửi bới này thường làm cho người ta có vẻ thông minh nhưng là cái thông minh hạ cấp. Vậy chúng ta có thể cho rằng sở dĩ có sự lỡ lời là vì trong thâm tâm người ta muốn chửi bới bằng cách nói sai chữ dùng. Nói rộng thêm ra, chúng ta có thể dùng cách giải thích đó với những trường hợp lỡ lời rất buồn cười hay khó hiểu: “Xin mời các ngài ợ lên để chúc thọ ông chủ của chúng ta” (trong khi muốn nói: uống mừng aufstossen và anstossen). ở đây quang cảnh trang nghiêm bị phá rối bằng một tiếng gợi lên một cảm giác khó chịu. Trong trường hợp này quả có một khuynh hướng xuất hiện trái hẳn với dáng điệu cung kính bề ngoài của diễn giả. Thực ra diễn giả muốn nói: các bạn đừng tin lời tôi, tôi không muốn nói như thế đâu, tôi chỉ muốn nhạo ông chủ thôi vvv.. Đó cũng là trường hợp của sự lỡ lời trong đó những tiếng rất thường biến thành những tiếng thô tục.
Khuynh hướng biến đổi hay đọc sai này thường thấy có ở những người muốn đùa chơi hay muốn tỏ ra mình thông minh. Và mỗi khi gặp trường hợp này thì chúng ta thường phải tìm hiểu xem có phải là người nói câu đó muốn pha trò hay không hay chính đó là một sự lỡ lời thực sự.
Như vậy tức là chúng ta đã giải quyết được một cách tương đối dễ dàng những điều bí mật của những hành vi sai lạc. Đó không phải là một sự bất thường mà là những hành vi tinh thần đúng đắn, có ý nghĩa phát sinh ra do sự trùng hợp hay nói đúng hơn sự phải trái giữa hai ý muốn khác nhau. Nhưng tôi đoán trước rằng nhiều bạn sẽ nghi ngờ và sẽ hỏi nhiều câu mà tôi sẽ phải trả lời trước khi có thể hài lòng về kết quả đầu tiên này. Tôi không hề có ý đưa bạn đến chỗ quyết định hấp tấp.Chúng ta hãy thảo luận từng điểm theo một thứ tự một cách bình tĩnh.
Bạn sẽ hỏi gì tôi? Tôi cho rằng những lời giải thích nói trên có giá trị đối với mọi trường hợp hay chỉ đối với một số trường hợp không thôi? Một quan niệm như thế có đúng với mọi hành vi sai lạc không như: đọc sai, viết sai, quên, lầm, không tìm lại được một vật mà mình đã cất.. Trước tính chất tinh thần của những hành vi sai lạc này thì sự mệt nhọc, sự kích động, sự đãng trí, sự rối loạn trong sự chú ý giữa những vai trò nào? Người ta nhận thấy rằng trong hai khuynh hướng kình địch nhau, có một khuynh hướng là hiển nhiên còn khuynh hướng kia thì không. Làm thế nào cho khuynh hướng này rõ rệt ra và trong trường hợp là được thì làm sao chứng tỏ được khuynh hướng sau này, dù không xác thực là thái độ độc nhất phát sinh ra được? Các bạn còn hỏi gì tôi nữa không? Nếu không thì chính tôi cũng còn nhiều câu đặt ra nữa. Tôi nhắc lại rằng những hành vi sai lạc tự chúng đối với chúng ta chẳng có lợi lộc gì nhưng chúng ta chỉ muốn dựa vào đó để tìm ra được những kết quả có thể áp dụng vào môn phân tâm học thôi. Vì thế nên tôi đặt câu hỏi như sau: những ý muốn, những khuynh hướng có thể làm rộn những ý muốn và khuynh hướng khác là thế nào và giữa một khuynh hướng bị gây rối và một khuynh hướng gây rối có liên quan gì? Như thế tức là chỉ sau khi giải đáp tất cả những câu hỏi này thì công việc thực sự của chúng ta mới bắt đầu.
Vậy: sự giải thích của chúng ta có giá trị với mọi trường hợp lỡ lời hay không? Tôi tin là có vì mỗi lần xét đến một sự lỡ lời chúng ta lại quay trở lại lối giải thích đó. Nhưng không có gì chứng tỏ rằng không có những sự lỡ lời phát sinh từ những lối khác. Có thể được. Nhưng đứng về phương diện lý thuyết thì dù có những sự đó nữa thì cũng chẳng quan hệ gì mấy, bởi lẽ những điều kết luận của chúng ta trong những dòng trên vẫn còn nguyên giá trị ngay cả khi những sự lỡ lời phù hợp với quan niệm của chúng ta chỉ là số ít, nhưng thực sự không phải như thế. Còn về câu hỏi sau đó là chúng ta có nên đem những kết quả thu lượm được về những sự lỡ lời áp dụng vào những hành vi sai lạc khác không, câu trả lời của tôi là có. Các bạn sẽ thấy tôi làm thế là phải khi chúng ta xét đến những thí dụ về viết sai, tôi đề nghị cùng các bạn hãy tạm gác vấn đề đó lại cho đến khi xét xong vấn đề lỡ lời.
Và bây giờ đến các sự mệt mỏi, kích động, đãng trí, rối loạn trong sự chú ý và tuần hoàn đóng những vai trò gì trong sự hoạt động tinh thần? Vấn đề này cần được xem xét cẩn thận. Chúng ta không hề phủ nhận những điều các môn khác khẳng định; thường thường môn này chỉ đưa thêm vào những điều khẳng định đó những yếu tố mới, và trong nhiều trường hợp những điều đưa thêm vào này lại là những điều cần thiết. Ảnh hưởng của các sự kiện sinh lý do những khó chịu, những sự rối loạn trong bộ máy tuần hoàn, những tình trạng cơ thể suy đồi gây ra đối với sự phát sinh các lỡ lời phải được công nhận hoàn toàn không dè dặt. Những kinh nghiệm bản thân của bạn đủ để bạn công nhận ảnh hưởng đó. Nhưng giải thích như thế là giải thích quá ít. Trước hết, những trạng thái vừa kể không phải là những điều kiện cần thiết cho những hành vi sai lạc. Ngay cả những người khoẻ mạnh bình thường cũng lỡ lời. Những yếu tố cơ thể này chỉ có giá trị khi chúng làm dễ dàng cho sự phát sinh của những sự lỡ lời.
Để chứng minh sự có liên quan đó, có một lần tôi đã dùng một sự so sánh và ngày nay lại phải đem dùng lại vì không còn sự gì tốt hơn. Ví dụ như một hôm đi chơi ban đêm trong một nơi vắng vẻ tôi bị kẻ gian chặn lại trấn lột đồng hồ và túi tiền, tôi đến đồn cảnh sát trình rằng sự vắng vẻ và bóng tối đã trấn lột đồng hồ và tiền bạc của tôi thì chắc chắn ông cảnh sát sẽ trả lời rằng: “Ông không thể cắt nghĩa một cách máy móc như thế được. Nếu ông muốn, tôi sẽ giải thích như sau: vì được bóng tối và sự vắng vẻ che chở, một tên cướp vô danh đã cướp của ông những vật đáng giá. Theo ý tôi điều cần đối với ông là tìm được tên cướp; và chỉ lúc đó chúng ta mới có hy vọng tìm thấy những đồ đã mất”.
Những yếu tố vừa tâm lý vừa sinh lý như sự kích động, sự đãng trí, sự rối loạn trong sự chú ý, tất nhiên không có ích gì trong việc cắt nghĩa những hành vi sai lạc. Đó chỉ là một cách nói, những bình phong không làm cho chúng ta không nhìn được. Người ta có thể tự hỏi: trong một trường hợp đặc biệt nào đó, nguyên nhân của sự kích động, của sự lệch lạc trong sự chú ý là gì? Ngoài ra những ảnh hưởng của thanh âm, giống nhau của lời nói, những sự liên tưởng quen thuộc của tiếng nói cũng có một vài phần quan trọng. Tất cả những yếu tố đó làm dễ dàng cho sự phát sinh của sự lỡ lời bằng cách chỉ đường cho hươu chạy. Nhưng có phải trước mắt tôi có sẵn một con đường là chắc chắn tôi phải theo con đường đó không? Cần phải có một lý do gì, một động lực nào thúc đẩy tôi. Vậy những liên quan về âm thanh, những sự giống nhau về chữ dùng, cũng như những yếu tố về cơ thể chỉ phụ họa vào sự phát minh ra các sự lỡ lời thôi chứ không cắt nghĩa được.
 Ngay khi tôi đang nói chuyện với các bạn, trong đa số các trường hợp, bài nói chuyện của tôi không hề bị rối loạn bởi sự kiện là các chữ tôi dùng có thể giống các chữ khác về âm thanh hay liên lạc chặt chẽ với các tiếng phản nghĩa hay gây ra những sự liên tưởng thường dùng. Cần đến người ta có thể nói như Wundt rằng sự lỡ lời xảy ra khi sau một cơn suy đồi cơ thể, khuynh hướng liên tưởng át hẳn các khuynh hướng khác trong việc nói năng. Lời giải thích này sẽ hoàn toàn đúng nếu không có những thí nghiệm trái lại cho rằng nhiều khi trong những sự lỡ lời không hề có bóng dáng của những yếu tố cơ thể hay sự liên tưởng.
Nhưng tôi thấy câu hỏi của bạn về phương sách người ta nhận thấy hai khuynh hướng có liên quan đến nhau. Có lẽ các bạn không ngờ rằng tuỳ theo câu trả lời như thế nào mà câu hỏi đó sẽ đưa đến những kết quả vô cùng quan trọng có thể xảy ra được.Về khuynh hướng bị rối loạn thì không còn nghi ngờ gì nữa: người nào có hành vi sai lạc thường cho rằng mình bị rối loạn thực. Những điều nghi ngờ chỉ có thể xảy ra đối với những khuynh hướng gây ra rối loạn mà thôi. Tôi đã trình bày và hẳn các bạn cũng chưa quên: có rất nhiều trường hợp trong đó những khuynh hướng này rất rõ ràng. Sự có mặt của khuynh hướng này tỏ rõ với kết quả của sự lỡ lời. Ông viện trưởng đã nói những điều trái hẳn với những điều mà ông ta muốn nói. Ông muốn khai mạc hội nghị, nhưng điều rõ ràng là nếu có thể bế mạc được thì ông cũng không lấy gì mà khó chịu. Điều này quá rõ ràng đến nỗi không cần lời giải thích nào khác nữa. Nhưng trong trường hợp khuynh hướng gây ra sự rối loạn chỉ làm sai lạc đi một chút khuynh hướng sơ khởi thì chúng ta làm thế nào để cho nó thoát khỏi sự lệch lạc đó được?
Trong một loại thứ nhất chúng ta có thể làm công việc đó một cách dễ dàng y như đối với những khuynh hướng bị rối loạn. Ví dụ như trong trường hợp đã kể với người có con ngựa đau sau khi lỡ lời đã nói lại chữ đáng lẽ được đem dùng. Khi được hỏi tại sao lại dùng chữ draut thì người đó trả lời: người đó định nói câu chuyện đó là câu chuyện buồn (trauring) nhưng ông ta vô tình đã liên tưởng đến những chữ Traurig và draut, do đó lỡ lời nói ra chữ draut. Đó là trường hợp mà khuynh hướng làm rối loạn được chính người lỡ lời nói ra. Trường hợp chữ Voschwein (xem chương 2) cũng thế. Trong trường hợp này chính khuynh hướng gây quan trọng chẳng kém gì khuynh hướng bị rối.
Tôi đem các trường hợp nói trên ra dẫn chứng, tuy rằng không phải do tôi hay các đệ tử của tôi tìm ra, không phải là không có ý. Trong cả hai trường hợp muốn giải thích được dễ dàng phải có sự can thịêp nào đó. Chúng ta đã phải hỏi những đương sự tại sao họ lại lỡ lời như thế và ý kiến của họ về vấn đề này ra sao? Nếu không hỏi có lẽ họ sẽ bỏ qua không để ý gì đến những sự lỡ lời đó. Khi được hỏi họ đã trả lời bằng ý kiến đầu tiên hiện ra trong óc họ. Các bạn thấy chưa: sự can thiệp và kết quả lượm được chính là môn phân tâm học đó, đó chính là môn phân tâm học thu nhỏ.
Có phải là tôi quá đa nghi không khi cho rằng ngay trong lúc môn phân tâm học xuất hiện ra trước mặt các bạn thì sự chống đối của các bạn lại càng trở lên mạnh mẽ hơn. Biết đâu các bạn lại chẳng muốn nói rằng những bằng chứng do các người nói trên đưa ra không có gì chắc chắn. Các bạn nghĩ rằng những người đó cố nhiên sẽ giải thích theo lời mời của nhà phân tâm học và nói lên ý tưởng đầu tiên hiện ra trong óc họ nếu họ cho rằng ý đó cắt nghĩa được sự lỡ lời. Điều đó không chứng tỏ rằng sự lỡ lời thực sự có ý nghĩa như thế. Có thể có nghĩa như thế nhưng có thể có nghĩa khác. Họ cũng có thể có trong đầu họ những ý khác.
Tôi ngạc nhiên khi thấy các bạn không hề dành cho các sự kiện tinh thần những kính trọng cần thiết. Các bạn có tưởng tượng rằng có một người làm một phân tích hóa học về một chất nào đó ra một số lượng nào nhất định, ví dụ như mấy miligam. Từ một số lượng đó người ta có thể đưa ra một số kết luận. Có nhà hoá học nào lại dám phủ nhận những kết luận đó bằng cách nói rằng biết đâu số lượng đó lại không đúng không? Mọi người đều công nhận rằng số lượng lấy ra chính là số lượng thực mà người ta không hề ngần ngừ một giây để dựa vào đó mà đưa ra những kết luận. Vậy mà đứng trước một sự kiện về tinh thần gây nên do một ý tưởng nhất định của một người được hỏi đến, người ta không áp dụng quy luật đó nữa và cho rằng người được hỏi có thể có ý kiến khác. Các bạn có ảo tưởng là mình tự do và không muốn rời bỏ tự do đó. Tôi tiếc là không thể đồng ý với bạn về vấn đề đó.
Cũng có thể là các bạn nhượng bộ về điểm này nhưng lại chống đối điểm khác. Các bạn sẽ nói: “Chúng tôi hiểu rằng kỹ thuật của môn phân tâm học là làm sao tìm được giải đáp cho các vấn đề bằng cách hỏi ngay những người đem ra thí nghiệm. Nhưng ta thử xét lại trường hợp của người diễn giả trong bữa tiệc mời mọi người ợ lên để chúc mừng ông chủ. Ông cho rằng trong trường hợp này khuynh hướng gây rối là một khuynh hướng chửi rủa, phản đối lại khuynh hướng kính trọng. Nhưng đó chỉ là lối giải thích riêng của ông thôi, lối giải thích này dựa trên những dấu hiệu bề ngoài của sự lỡ lời. Ông hãy hỏi người đã nói ra những lời lỡ lời đó xem, không đời nào người đó lại thú nhận là có ý muốn chửi bới, trái lại ông ta sẽ từ chối và chối một cách cương quyết. Trước những lý luận chính xác như thế tại sao ông ta lại cứ giữ mãi lối giải thích của mình khi không có gì chứng minh được”.
Lần này thì lý lẽ của bạn có vẻ vững chắc. Tôi hình dung ra con người đó, biết đâu anh chàng chẳng là phụ tá được quý mến của ông chủ, đó là một anh chàng trẻ tuổi có nhiều hứa hẹn về tương lai. Tôi sẽ hỏi anh xem anh có khó chịu khi người ta nói những lời cung kính đối với ông chủ không? Nhưng tất nhiên tôi không được đón tiếp nồng hậu. Anh sẽ tỏ vẻ khó chịu và giận dữ: “Xin ông đi đi, ông đừng hỏi lôi thôi nữa. Tôi bắt đầu bực mình rồi, vì những câu hỏi của ông sẽ làm tiêu tan sự nghiệp của tôi. Tôi đã dùng chữ aufstossen (ợ) thay vì anstossen (uống) là vì trong một câu tôi đã hai lần dùng tiếp đầu ngữ auf rồi. Đó là điều mà Meriger gọi là Nachklang và không cần giải thích gì hơn nữa. Ông đã hiểu chưa? Tôi tưởng như thế là quá đủ rồi”. Trời ơi, sao mà ông này lại nổi giận ghê vậy? Tôi thấy là chả có thể khai thác gì hơn được và anh chàng này có vẻ cũng muốn cho người ta đừng gắn cho sự lỡ lời của anh một ý nghĩa gì cả. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ rằng anh chàng này đã tỏ ra thô lỗ trước một sự tìm hiểu lý thuyết thuần tuý nhưng chắc là anh ta biết mình định nói gì và không muốn nói gì. Đúng vậy hả? Đó là điều còn cần phải xét.
Lần này chắc là bạn cho là tôi đã chịu thua rồi. Tôi như nghe tiếng bạn nói: đó, kỹ thuật của ông như thế đó. Khi một người nói lỡ lời, nói một vài lời gì hợp ý ông thì lập tức ông tuyên bố rằng sự phán đoán của người đó có tính cách quyết định, bởi vì chính mồm ông nói ra mà. Nhưng nếu lời nói không hợp ý ông thì ông bảo là cách giải thích của người đó không có giá trị gì cả, không đáng tin tý nào.
Sự việc tất nhiên xảy ra theo thứ tự đó. Nhưng tôi trình bày một trường hợp tương tự trong đó sự việc xảy ra cũng kỳ lạ như thế. Khi một người ra trước toà thú thực tội trạng của mình, ông quan toà tin ngay, nhưng khi anh ta chối tội thì ông quan toà không tin. Nếu sự việc không xảy ra như thế thì làm sao xử kiện được, cho nên dù có nhiều sự nhầm lẫn người ta vẫn bị bó buộc phải theo cách đó.
Nhưng bạn có phải là ông quan toà không? Và người nói lỡ lời có phải là người ra toà không? Sự lỡ lời có phải là một tội không?
Có lẽ chúng ta không thể không nói tới sự so sánh này được. Nhưng bạn có thấy là ngay khi đi sâu vào những vấn đề có vẻ như không có gì quan trọng của những hành vi sai lạc là lập tức thấy ngay sự khác biệt giữa hai lối lý luận trên không, những khác biệt mà chúng ta chưa khắc phục được. Tôi đề nghị bạn hãy tạm giữ nguyên sự so sánh giữa môn phân tâm học và việc xử án. Bạn phải công nhận với tôi rằng khi chính người làm một hành vi sai lạc mà nói ra thì chúng ta không còn điều gì nghi ngờ về ý nghĩa của sự sai lạc đó nữa. Trái lại tôi công nhận rằng, khi người làm hành vi sai lạc không chịu nói chuyện hay khi người đó không có mặt để nói chuyện thì chúng ta không thể có bằng chứng trực tiếp về ý nghĩa của hành vi đó được. Chúng ta đành phải làm như trong một cuộc điều tra về vụ án, nghĩa là tìm ra các dấu hiệu làm cho sự quyết định của chúng ta có vẻ sát sự thực tuỳ theo trường hợp. Vì lý do thực tế, một toà án phải tuyên bố một người bị đưa ra toà là có tội tuy chỉ có những bằng chứng dự đoán mà thôi. Chúng ta không cần phải làm điều đó, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dùng các dấu hiệu. Thực là một điều sai lầm khi cho rằng một khoa học chỉ gồm toàn những luận đề đã được chứng minh và chúng ta sai lầm khi bắt buộc như thế. Đòi hỏi như thế là sự đòi hỏi của những người muốn có uy quyền, muốn thay những giáo điều tôn giáo bằng những giáo điều khác dù là giáo điều khoa học. Giáo điều khoa học chỉ gồm có một số rất ít vấn đề có tính chất giáo điều: phần lớn những sự khẳng định của khoa học đều có tính cách không hoàn toàn xác thực tới một mức nào đó, điểm đặc biệt của khoa học là hoàn toàn có thể tiếp tục công cuộc tìm kiếm được dù nhiều khi thiếu những bằng chứng quyết định.
Nhưng trong trường hợp chúng ta không có được những lời xác nhận của người có hành vi sai lạc thì chúng ta dựa vào đâu mà giải thích và tìm đâu những dấu hiệu này để chứng minh. Những điểm tựa và những dấu hiệu này đến từ nhiều nguồn lắm. Trước hết bằng cách so sánh với những hiện tượng không liên quan gì đến các hành vi sai lạc, ví dụ như việc nói sai một danh từ trong một hành vi sai lạc cũng có tính chất chửi bới như trong việc cố ý nói sai. Sau nữa bằng cách xét tình trạng tinh thần phát sinh ra hành vi sai lạc, hiểu rõ tính nết của người làm hành vi này, khảo sát những cảm tưởng của người đó trước khi hành vi xảy ra và phản ứng của người này sau khi có hành vi sai lạc. Trước hết chúng ta đưa ra những phương thức giải thích hành vi sai lạc bằng cách dựa vào những nguyên tắc có tính chất chung. Điều thu lượm được trong trường hợp này chỉ là điều ước đoán, một dự định thích hợp cần được khẳng định bằng cách xét tình trạng tinh thần. Nhiều khi chúng ta phải chờ đợi những sự diễn biến tiếp theo của hành vi sai lạc mới có thể khẳng định được.
Không phải là tôi có thể dễ dàng cung hiến các bạn những bằng chứng về những điều nói trên nếu tôi cứ trì trệ mãi trong phạm vi những sự lỡ lời, dù rằng ngay trong phạm vi này cũng có nhiều thí dụ rất tốt. Anh chàng trai trẻ đề nghị với một bà để “begleitdigen” (liên hợp giữa hai chữ begleiten (đi cùng) và belidigen (thất lễ) bà ta, quả là một anh chàng nhút nhát). Người đàn bà muốn chồng ăn uống những thứ mình muốn chính là một người đầy nghị lực biết nắm quyền cai quản trong nhà. Còn trường hợp này nữa: một hội viên trẻ tuổi của hội Concordia đọc một bài diễn văn giọng rất mạnh mẽ, trong đó anh ta gọi ban giám đốc là ban “cho vay” (Vorschuss) trong khi đáng lẽ phải gọi là “ban chỉ huy” (Vorstand) hay uỷ ban (ausschuss). Anh chàng đã vô tình liên kết giữa hai chữ Vor- stand và Aus- schuss. Người ta có thể ước đoán rằng sự phản đối của anh ta là do một khuynh hướng gây rối có dính dáng tới một chuyện vay mượn. Sau này chúng tôi biết rằng anh ta cần tiền ghê lắm và đã nạp đơn xin vay tiền. Chúng ta có thể thấy nguyên nhân của khuynh hướng gây rối là ở chỗ: mày cần phải thận trọng trong việc phản đối vì mày đang nói chuyện với những người có thể quyết định cho mày vay tiền hay không?
Tôi sẽ hiến cho bạn nhiều thí dụ về những dấu hiệu bằng chứng này khi nói đến những hành vi sai lạc khác.
Khi một người quên một người nào đó và mặc dù đã cố gắng hết sức cũng không nhớ lại được cái tên rất quen, ta có quyền dự đoán rằng người đó có điều gì khó chịu với người có tên đó cho nên không nghĩ đến anh ta. Bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ về những điều dưới đây về một trạng thái tinh thần trong một hành vi sai lạc.
Ông Y yêu một bà nhưng không được yêu lại. Bà này lấy ông X. Dù ông Y rất quen ông X từ lâu và đã giao dịch buôn bán với ông này nhiều lần, vậy mà không bao giờ ông Y nhớ được tên ông X, lúc nào cần viết thư cho ông này, ông Y vẫn phải hỏi các người quen rồi mới nhớ ra.
Rõ ràng là ông Y không muốn biết gì về người đã thắng ông trên phương diện ái tình. Đúng như Heine đã viết trong câu thơ: “Ta hãy xoá hẳn đi trong trí nhớ của chúng ta ”.
Hay trong trường hợp này nữa: một bà nói chuyện với một bà bác sỹ về một người bạn gái mà hai người quen nhưng bao giờ cũng chỉ gọi bạn bằng tên thời con gái, còn tên chồng bạn thì bà quên mất từ lâu. Hỏi bà thì bà trả lời rằng bà ta rất khó chịu về chuyện lấy chồng của bạn và không chịu được ông chồng của bạn.
Chúng ta còn nhiều điều muốn nói nữa về sự quên tên. Điều quan trọng đối với chúng ta ở đây là trạng thái tinh thần trong lúc người ta quên.
Thường thường người ta hay quên những điều dự định vì có một làn sóng gì trái lại làm cho những điều dự định không thực hiện được. Đó không những là ý kiến của các nhà phân tâm học mà là của cả mọi người trong đời sống thường ngày kể cả những người không công nhận môn phân tâm học.
Người giám hộ xin lỗi người con đỡ đầu của mình vì quên không thoả mãn lời yêu cầu, không phải vì thế mà được người này tha thứ ngay vì hắn nghĩ: ông ta nói không thực đâu, ông chỉ không muốn giữ lời hứa với mình thôi. Vì thế cho nên trong đời sống thường ngày người ta không được phép quên, và về điểm này giữa quan niệm của mọi người và quan niệm của các nhà phân tâm học không còn khác nhau nữa. Bạn cứ tưởng tượng xem một bà chủ nhà nói với người khách mình mời đến ăn cơm như sau: “Thế nào, tôi mời anh hôm nay sao? Tôi quên mất là đã mời anh đến xơi cơm hôm nay”. Liệu có được không? Một thí dụ nữa: một anh chàng đang yêu mà quên không đến chỗ hẹn với người yêu: anh ta sẽ không nhận rằng mình đã quên mà sẽ bịa đặt ra hàng bao nhiêu lý do chứng tỏ rằng anh ta không đến được và anh ta cũng không có cách nào khác báo cho người yêu biết. Trong đời sống nhà binh người ta không có quyền quên và dù có quên thực cũng vẫn bị phạt như thường: đó là điều ai cũng biết, và cho là làm thế là phải vì ai cũng nhận là trong đời sống nhà binh, một vài hành vi sai lạc có ý nghĩa và trong đa số trường hợp chúng ta biết rõ ý nghĩa đó là thế nào. Vậy tại sao người ta lại không đem áp dụng lối lý luận đó cho mọi hành vi sai lạc khác để công nhận các hành vi đó không còn dè dặt gì nữa. Tất nhiên về vấn đề này thì người ta vẫn trả lời được.
Nếu ý nghĩa của sự quên các điều dự định không còn gì đáng gì đáng nghi ngờ đối với những người ngoài phố nữa thì các bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi thấy các nhà thơ nhà văn thường dùng những hành vi sai lạc đó trong thơ văn của mình. Trong các bạn nếu đã có người nào xem trình diễn vở kịch César và Cléopâtre của B.Shaw chắc hẳn còn nhớ cái cảnh cuối cùng trong đó César trước khi ra đi bị ray rứt về một điều gì mà ông ta không nhớ ra được. Sau đó chúng ta thấy dự định của ông ta là từ biệt Cléopâtre. Bằng xảo thuật nhỏ bé đó kịch sĩ muốn gán cho César một tấm lòng cao thượng mà ông không có và không hề muốn có. Bạn hẳn biết rõ là theo các tài liệu lịch sử thì César đã cho đưa Cléopâtre về La Mã và nàng ở đó với con trai César cho tới khi César bị ám sát, rồi sau đó mới trốn khỏi thành phố.
Những trường hợp quên các điều dự định rõ ràng đến nỗi chúng ta không thể dùng vào mục đích của chúng ta được, nghĩa là không thể tìm ra trong trạng thái tinh thần những dấu hiệu gì có dính dáng đến ý nghĩa của hành vi sai lạc. Vì thế nên chúng ta sẽ đi tìm một hành vi không rõ ràng một tý nào, không thể hiểu lầm được: đó là sự mất đồ vật, không thể nào tìm lại được những đồ vật đã được sắp xếp có thứ tự. Điều mà bạn sẽ không thể nào cho là có thực là ý muốn của chúng ta lại có thể đóng một vai trò gì trong công việc đánh mất một đồ vật làm cho chúng ta bực mình hết sức. Nhưng có rất nhiều điều được nhận thấy thuộc loại sau đây: một anh chàng trẻ tuổi đánh mất một cái bút chì mà anh ta rất thích, ngay chiều hôm trước anh ta nhận được bức thư của người anh rể trong đó có viết: “Tôi không có thì giờ và cũng chẳng muốn khuyến khích sự nhẹ dạ và sự lười biếng của cậu”. Thế mà cái bút chì bị mất lại chính là cái bút chì do ông anh rể biếu. Nếu không biết rõ trường hợp này tất nhiên chúng ta không thể cho rằng ý muốn vứt bỏ một đồ vật nào đó lại có thể đóng vai trò gì trong việc đánh mất đồ đó. Sự đánh mất loại này xảy ra luôn. Chúng ta đánh mất đồ đạc khi chúng ta có bất hoà với người đã cho chúng ta đồ vật đó, và khi chúng ta không muốn nghĩ đến chúng nữa. Tất nhiên khi chúng ta không thích thì chúng ta có thể có ý muốn vứt bỏ, bẻ gãy đồ vật đó đi. Ví dụ như một cậu học sinh đánh mất đồ đạc của mình, hay tìm cách huỷ bỏ chúng trước ngày sinh nhật của mình, hành động này có phải là ngẫu nhiên không?
Những người thấy bực mình hết sức khi đánh mất không tìm lại được một món đồ do chính tay mình đã cất không bao giờ chịu công nhận là trong công việc mất mát đó có ý muốn của anh ta tham dự vào. Vậy mà những trường hợp mất đồ trong một lúc hay mãi mãi không phải là hiếm. Tôi thuật lại với các bạn một câu chuyện sau đây được coi là trường hợp tốt đẹp nhất từ trước tới nay.
Một hôm, có một anh chàng còn trẻ kể cho tôi nghe rằng cách đây vài năm vợ chồng anh ta hiểu lầm nhau tai hại: “Tôi thấy vợ tôi lạnh lùng quá, chúng tôi sống bên nhau mà chẳng có gì nồng nàn, những điều đó không ngăn cản tôi công nhận rằng nàng có nhiều đức tính. Một hôm nàng đi chơi về đưa cho tôi một cuốn sách nàng mua cho tôi vì tưởng tôi rất thích. Tôi cảm ơn nàng và bảo là tôi sẽ đọc cuốn sách đó nhưng rồi để đâu quên mất. Tôi đã cố tìm trong nhiều tháng nhưng không tìm ra được. Sáu tháng sau, mẹ tôi mà tôi rất quý mến đã bị ốm, nàng rời nhà đi chăm sóc mẹ chồng. Bệnh của mẹ tôi khá nặng và đó là dịp để nàng chứng tỏ rằng nàng có nhiều đức tính đáng quý. Một hôm tôi trở về nhà lòng rộn ràng vì biết ơn về những điều mà nàng làm cho mẹ tôi. Tôi lơ đãng mở một cái ngăn kéo, chẳng có mục đích gì nhất định và điều đầu tiên trông thấy trong ngăn kéo là một cuốn sách đã bị mất từ lâu”.
Khi không còn lý do gì nữa thì đồ vật đó sẽ không còn là một thứ không tìm thấy nữa.
Tôi có thể kể mãi không hết những trường hợp như thế này nhưng tôi không làm. Trong cuốn Tâm lý đời sống thường ngày của tôi, các bạn sẽ tìm thấy rất nhiều trường hợp để khảo sát hành vi sai lạc. Kết luận chung cho tất cả các trường hợp đó là như sau: Những hành vi sai lạc bao giờ cũng có một ý nghĩa gì, và chỉ cho chúng ta biết cách dựa vào ý nghĩa đó để tìm hiếu xem các hành vi đó đã xảy ra trong trường hợp nào? Hôm nay tôi sẽ nói ngắn hơn vì chúng ta chỉ có ý muốn tìm thấy trong việc khảo sát này những yếu tố để sửa soạn đưa các bạn vào con đường của phân tâm học. Vì thế nên tôi chỉ nói cho các bạn nghe về hai loại quan sát thôi: những quan sát về hành vi sai lạc chồng chất lên nhau và kết hợp vào nhau, và sự xác nhận các điều giải thích của chúng ta bằng các biến cố xảy ra sau đó.
Những hành vi sai lạc chồng chất và kết quả thực là những trường hợp dồi dào nhất trong loại này. Nếu chỉ cần chứng tỏ rằng những hành vi sai lạc có ý nghĩa thôi thì có thể từ lúc đầu chúng ta chỉ cần nói đến chúng ta là đủ rồi bởi vì ý nghĩa đó quá rõ ràng ngay cả đối với những bộ óc ương ngạnh nhất, ưa phê phán nhất, việc có nhiều hành vi sai lạc liên tiếp xảy ra chứng tỏ đó không phải là những sự ngẫu nhiên mà chính là có ý muốn hẳn hoi. Sau cùng sự thay thế một hành vi sai lạc này bằng một hành vi sai lạc khác chứng tỏ rằng điều quan trọng và cần thiết trong các hành vi này không phải là hình thức cũng như những phương cách đem dùng mà chính là ở trong ý muốn của những hành vi này muốn thoả mãn, và ý muốn này có thể được thực hiện bằng những phương cách khác nhau.
 Tôi thuật lại cho các bạn nghe trường hợp quên liên tiếp: E. Jones kể lại rằng một hôm, vì lý do gì ông không biết, đã để lại trên bàn trong một vài ngày một bức thư viết xong. Rồi một hôm ông gửi bức thư đó đi nhưng bị gửi trả lại vì quên không viết địa chỉ trên phong bì. Viết xong địa chỉ, ông lại gửi đi nhưng lần này quên không dán tem. Mãi lúc đó ông mới chịu thú nhận với mình là ông không hề muốn gửi bức thư đó đi.
Trong một trường hợp khác chúng ta có sự liên kết giữa việc cầm nhầm một đồ vật rồi không sao tìm ra được nữa. Có một bà đi du lịch cùng ông em chồng sang La Mã, ông này là một nhà danh hoạ. Ông này được các người Đức ở La Mã mời ăn uống tiệc tùng luôn và được biếu một cái huy chương cổ bằng vàng. Bà bực mình khi thấy em chồng không biết rõ giá trị của món đồ biếu đó. Lúc người em gái đến thay mình ở La Mã, bà ta về nhà và lúc mở rương ra thấy cái huy chương nằm trong đó mà chẳng hiểu tại sao. Bà báo ngay cho ông em và nói rằng ngay ngày hôm sau sẽ gửi trả lại cái huy chương đó. Nhưng hôm sau cái huy chương được cất kỹ đến nỗi không sao tìm được và do đó không thể gửi đi được. Đúng lúc đó bà ta mối hiểu tại sao bà ta lại đãng trí như thế: thì ra bà ta muốn giữ cái huy chương đó làm của riêng.
Trong những dòng trên, tôi đã kể cho bạn nghe trường hợp trong đó có sự kết hợp giữa một sự lầm lẫn và một sự quên: đó là một trường hợp của một người đã trót lỡ hẹn một lần, nhất định không lỡ hẹn lần thứ hai nữa, nhưng trong lần thứ hai này lại đến sai giờ. Một người bạn tôi vừa khảo cứu khoa học vừa viết văn kể cho tôi nghe về một trường hợp tương tự của chính bản thân ông. Ông kể: “ Cách đây vài năm tôi nhận gia nhập hội văn chương vì tin rằng hội có thể giúp tôi trong việc trình diễn một vở kịch của tôi. Thứ sáu nào tôi cũng tham dự vào các cuộc hội họp của uỷ ban mà chẳng lấy gì làm thích lắm. Cách đây vài tháng tôi được người ta cho biết là một vở kịch của tôi sẽ được đem diễn và ngay sau đó tôi quên phắt không dự các phiên họp nữa. Nhưng khi đọc các bài của anh viết về vấn đề đó tôi thấy xấu hổ tự trách rằng mình đã không thèm đi dự các phiên họp khi không cần đến họ nữa, và tự nhủ là thế nào cũng phải quay trở lại cuộc họp như trước. Tôi suy nghĩ mãi về vấn đề cho đến khi đến trước phòng họp và ngạc nhiên thấy phòng họp đóng cửa chẳng có ma nào cả. Thì ra phiên họp đã khai diễn từ hôm qua là thứ sáu ngày họp thường lệ. Tôi đã lầm ngày họp và đến vào hôm thứ bảy”.
Nếu có thêm nhiều quan sát nữa, có lẽ cũng hay nhưng thôi. Tôi muốn trình bày thêm cùng các bạn một loại trường hợp khác trong đó muốn xem mình giải thích có đúng không, chúng ta phải chờ đến biến cố sau đó xác nhận.
Khỏi phải nói là điều kiện cần thiết của những trường hợp này là chúng ta không hề biết đến tình trạng tinh thần trong lúc này hay tình trạng đó ở ngoài tầm khảo sát của chúng ta. Sự giải thích của chúng ta vì thế chỉ có giá trị một sự dự đoán mà chúng ta không cho là quan trọng. Nhưng sau đó có một sự việc xảy ra chứng tỏ rằng cách giải thích đầu tiên của chúng ta là đúng. Một hôm, trong một cuộc đi thăm một cặp vợ chồng, tôi được người vợ vừa cười vừa kể cho nghe rằng ngay sau hôm đi trăng mật về, nàng dẫn người em gái đi mua sắm, người em gái này chưa có chồng. Trong khi đó chồng nàng đi việc riêng. Hai chị em đang đi đột nhiên trông thấy một người đàn ông đi bên kia đường, nàng bảo em gái: “Kìa ông X..”.. Nàng không hề thấy rằng người đàn ông đó chẳng phải ai khác hơn là chồng nàng vừa mới cưới chừng vài tuần. Câu chuyện đó gây cho tôi một cảm giác khó chịu, nhưng tôi không muốn tin vào điều mà mình nghĩ về vấn đề. Chỉ vài năm sau tôi mới nhớ lại câu chuyện vì tin rằng cuộc hôn nhân giữa hai người đã đưa đến kết quả tai hại.
A.Maeder kể chuyện một bà trước hôm cưới quên không đi thử áo cưới và mãi đến tối mới nhớ lại. Ông ta cho rằng việc này và sự ly dị của hai người sau đó có liên quan đến nhau. Tôi biết có một bà tuy đã có chồng nhưng vẫn ký những tài liệu về quản trị tài sản bằng tên thời con gái, rồi sau đó ly dị với chồng. Tôi biết một bà đã đánh mất nhẫn cưới trong thời kỳ trăng mật, những biến cố sau đó chứng tỏ là sự việc đó có một ý nghĩa đặc biệt không sao lầm được. Lại còn trường hợp một hoá học gia danh tiếng người Đức quên cả giờ cử hành hôn lễ của mình và đáng lẽ phải ra nhà thờ thì lại đi thẳng vào phòng thí nghiệm. Sau đó ông ta đổi ý và chết già trong cảnh độc thân.
Chắc các bạn cũng muốn rằng, trong tất cả các trường hợp đó những hành vi sai lạc thay thế cho linh tính người xưa. Mà đúng thế, nhiều khi những linh tính đó chỉ là những hành vi sai lạc, ví dụ như khi người ta vấp ngã. Nhiều trường hợp khác có tính chất khách quan chứ không chủ quan. Nhưng bạn không thể tưởng tượng được rằng thực rất khó phân biệt xem một biến cố thuộc vào loại nào. Nhiều khi hành vi sai lạc lại đeo cái mặt nạ của một biến cố có tính cách tiêu diệt.
Những người nào trong các bạn có ít nhiều kinh nghiệm đủ dùng có lẽ cũng tự nhủ là mình sẽ tránh cho mình được nhiều điều thất vọng và ngạc nhiên đau đớn, và nếu có can đảm nhìn vào sự thực giải thích những hành vi sai lạc trong sự giao thiệp giữa loài người như là những linh tính báo trước, dùng những linh tính này để tìm hiểu những ý muốn còn nằm trong vòng bí mật. Nhiều khi người ta không dám làm điều đó. Người ta sợ rằng mình quay trở lại tin dự đoán, vượt qua mặt khoa học. Không phải là linh tính nào cũng thành sự thực và khi các bạn hiểu rõ những thuyết của chúng ta hơn, bạn sẽ thấy là không cần gì các linh tính đó phải thực hiện hết.