Dịch Giả: Nguyễn Xuân Hiến
Sự phát triển của khát dục (libido) và những tổ chức tình dục
Phần thứ ba: Thuyết tổng quát về chứng bệnh thần kinh

Tôi có cảm tưởng là chưa thuyết phục được các bạn về tầm quan trọng của sự sa đọa trong quan niệm tình dục của chúng ta. Vì thế nên tôi muốn bổ túc và hoàn bị vấn đề này trong giới hạn có thể được.
Các bạn không nên cho rằng chỉ vì những sự sa đọa mà chúng ta phải thay đổi quan niệm của chúng ta về khái niệm tình dục và bị phản đối ghê gớm như thế. Sự khảo sát về tình dục của trẻ con cũng giúp vào đó rất nhiều và những kết quả đạt được trong việc khảo cứu song song về vấn đề sa đọa và vấn đề tình dục trẻ con đối với chúng ta có tính cách quyết định. Nhưng những sự phát biểu về tình dục trẻ con, dù đã được chứng minh rõ ràng đối với những đứa bé khá nhiều tuổi, có vẻ hãy còn mơ hồ bất định lắm. Những người không để ý đến phân tâm học không công nhận là những sự phát hiện đó có tính chất tình dục và chỉ gán cho chúng tính chất có liên quan đến giống đực hay giống cái thôi. Các bạn không nên quên rằng chúng ta chưa hề có một dấu hiệu nào được mọi người công nhận để nhận dạng tính chất một hoạt động tình dục; chúng ta chỉ nghe nói đến tình dục về phương diện sinh sản thôi và thấy là danh từ này có một định nghĩa quá hẹp. Những tiêu chuẩn về sinh lý, như những chu kỳ 23 hay 28 ngày của W. Fliess không được mọi người đồng ý; người ta đang chờ để khám phá ra những đặc điểm hóa học của hoạt động tình dục. Trái lại, những sự sa đọa về tình dục của người lớn là những điều ai cũng thấy được, không còn nghi ngờ gì nữa. Những sự sa đọa này thuộc phạm vi tình dục là một điều không còn ai phủ nhận nữa. Dù được gọi bằng danh từ dấu hiệu của sự suy nhược hay bằng tên gì nữa, người ta cũng không dám xếp chúng vào loại nào khác hơn là những hiện tượng trong đời sống tình dục. Ngay cả khi chỉ có những sự sa đọa thôi, chúng ta cũng vẫn có quyền cho rằng tình dục và sinh sản là hai điều không giống nhau vì ai cũng biết rằng sa đọa tức là phủ nhận mục đích của sự sinh sản.
Ở đây tôi thấy có một sự song hành đáng chú ý. Trong khi mọi người thường lẫn lộn tinh thần và ý thức, chúng ta đã phải mở rộng khái niệm tinh thần và cho rằng có một tinh thần vô thức. Nhiều người thường đồng hóa tình dục và những cái gì dính dáng đến sự sinh sản, hay nói vắn tắt hơn cơ quan sinh dục hay đến sự sinh sản. Sự đồng hóa nói trên chỉ có hình thức và không có cội rễ sâu xa.
Nhưng nếu sự có mặt của các sự sa đọa tình dục đưa ra một lý lẽ có tính cách quyết định về vấn đề này, tại sao lý lẽ này không được mọi người công nhận và tại sao vấn đề lại chưa được giải quyết? Tôi không thể nói cho các bạn nghe được, nhưng theo tôi thì có lẽ vì những sự sa đọa tình dục không được nhìn bằng con mắt có thiện cảm và điều này có ảnh hưởng đến lý thuyết ngăn cản không cho khoa học khảo sát sâu rộng. Có lẽ loài người coi những sự sa đọa này không như những cái gì đáng ghê tởm, phải tránh xa, mà còn có tính chất nguy hiểm, kinh khủng, sợ cho chính mình cũng bị cám dỗ, bị bắt buộc phải kìm hãm mình ngay từ khi mới nghe nói đến, y như lòng ghen tuông bí ẩn trong vở Tannhauser trong đó thần Công lý đã thú nhận là:
“Ở Venusberg, nó đã quên hết danh dự và bổn phận! Chao ôi! Không phải sự đó có thể đến với chúng ta được đâu”.
Sự thực những sự sa đọa là những con người khổ sở phải trả giá rất đắt sự thỏa mãn mà họ phải mất bao nhiêu công trình mới có được.
Mặc dù mục đích và đối tượng của những sự sa đọa có vẻ hết sức lạ kỳ, điều làm cho những sự sa đọa này có tính chất tình dục chính là sự thỏa thích tuyệt đỉnh và sự xuất tinh trong những hành động này. Đó tất nhiên chỉ là trường hợp của những kẻ sa đọa đứng tuổi: đối với trẻ con sự thỏa thích và sự xuất tinh không phải lúc nào cũng xảy ra; chúng được thay thế bằng những hiện tượng mà người ta không thể gọi được là có tính chất tình dục.
Để bổ túc những điều tôi vừa nói về tầm quan trọng của những sự sa đọa, tôi cần thêm điều này. Dù người ta thù ghét quan điểm này, dù người ta muốn ngăn cách những sự sa đọa và tình dục bình thường bằng cái hố sâu chừng nào chăng nữa, người ta vẫn phải cúi đầu trước nhận xét cho thấy trong đời sống tình dục bình thường vẫn có một vài điều sa đọa. Ngay cả cái hôn cũng bị coi như sa đọa vì đã hòa hợp hai miền tình dục nơi mồm thay vì sự hòa hợp của hai cơ quan sinh dục khác nhau. Vậy mà không ai cho là sa đọa hết, người ta còn dùng nó trên sân khấu để che lấp hành vi giao cấu. Chính cái hôn, khi lên đến tột độ cũng có thể gây nên một sự thỏa thích tuyệt đỉnh và làm cho xuất tinh, và do đó dễ biến thành sa đọa. Có khi người ta phải nhìn thực chăm chú hay sờ soạng vào thân thể mới thỏa mãn được, có người trước khi bị kích thích đến tột độ lại cắn cấu người tình mới thỏa mãn được, và đối với người tình nói chung, sự kích thích mạnh nhất không phải do cơ quan sinh dục gây nên mà do phần khác trong thân thể người khác phái. Chúng tôi có thể kể thực nhiều thí dụ về điểm này. Chúng ta không thể không coi là sự sa đọa những hành vi như thế. Càng ngày người ta càng nhận rõ rằng đặc tính cần thiết của những sự sa đọa không phải là chúng vượt qua mục đích tình dục hoặc thay thế cơ quan tình dục bằng những cơ quan khác hoặc thay đổi đối tượng luôn luôn, mà chính vì tính cách biến dạng tuyệt đối và bất biến, một đặc tính không thể đi đôi với sự giao cấu, điều kiện của sự sinh sản. Trong trường hợp hành vi sa đọa chỉ có mục đích sửa soạn hay giáo đầu cho hành vi giao cấu thì chúng ta không thể gọi đó là hành vi sa đọa được và tất nhiên cái hố chia rẽ những hành vi sa đọa và sự giao cấu bình thường được lấp đi một phần lớn. Từ những sự kiện này chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng tình dục bình thường chỉ là sản phẩm của một cái gì đã có trước nó và nó chỉ giành được trong những vật liệu có sẵn từ trước để giữ lại những cái gì còn dùng được trong việc sinh sản.
Trước khi lợi dụng các điều hiểu biết của chúng ta về những sự sa đọa để khảo cứu một cách mới mẻ và sâu rộng hơn về tình dục trẻ con, tôi phải yêu cầu các bạn chú ý đến một sự khác biệt rất quan trọng giữa sự sa đọa và tình dục trẻ con. Tình dục sa đọa thường được tập trung hoàn toàn vào một mục đích duy nhất, một trong các khuynh hướng lẻ tẻ trội hơn các khuynh hướng khác nên đứng lên cầm đầu hoặc gạt bỏ hết mọi khuynh hướng khác để phát hiện một mình, hay bắt các khuynh hướng kia phải lệ thuộc vào mình. Về phương diện này, giữa tình dục bình thường và tình dục sa đọa chẳng có điểm khác biệt nào khác hơn điểm khác biệt giữa những khuynh hướng lẻ tẻ trội hơn các khuynh hướng khác và tất nhiên giữa mục đích tình dục của chúng. Người ta có thể cho rằng ở cả hai nơi đều có một sự độc tài chuyên chế được tổ chức hoàn hảo, chỉ khác nhau ở đảng được lên cầm quyền thôi. Trái lại trong tình dục trẻ con không hề có tổ chức hay tập trung gì cả, mọi khuynh hướng lẻ tẻ đều có quyền như nhau và đều được tìm cách hưởng thụ riêng cho phần mình. Sự vắng mặt của mọi sự tổ chức và tập trung có thể phù hợp với nhau ở chỗ cả hai lối tình dục bình thường và sa đọa đều bắt nguồn ở tình dục trẻ con. Có những trường hợp tình dục sa đọa rất giống tình dục trẻ con ở chỗ tại cả hai nơi những khuynh hướng lẻ tẻ đều theo đuổi những mục đích riêng không liên quan gì đến những khuynh hướng khác. Đó có thể là trường hợp tình dục ấu trĩ chứ không phải sa đọa.
Biết rõ những điều đó chúng ta bắt đầu thảo luận về một đề luận mà người ta đưa ra. Người ta sẽ nói tại sao ông cứ cứng đầu, cứng cổ nhất định gọi một vài hành vi của đứa bé sơ sinh là tình dục trong khi chính ông cũng công nhận rằng những hành vi đó không thể định nghĩa được và chỉ trở thành tình dục trong giai đoạn sau của cuộc đời thôi? Tại sao ông không chịu chỉ dựa vào sự kiện sinh lý thôi để cho rằng những hành vi của đứa bé sơ sinh như mút vú, hay giữ phân lại chỉ chứng minh rằng đứa bé chỉ tìm những khoái cảm mà một vài cơ quan trong thân thể có thể đưa lại cho nó thôi. Nói như thế ông sẽ không gây khó chịu cho thính giả và độc giả của ông khi cho rằng ngay cả những đứa bé ra đời khỏi bụng mẹ cũng đã có tình dục rồi. Tôi không tìm cách bài bác lý luận cho rằng người ta có thể tìm thấy khoái cảm trong cơ thể, tôi biết rằng khoái cảm có cường độ mạnh nhất, khoái cảm do sự giao hợp chỉ là một khoái cảm kèm theo sự hoạt động của các cơ quan tình dục. Nhưng tại sao và như thế nào một sự khoái cảm lúc đầu chỉ tập trung vào một vài cơ quan lại trở thành tình dục trong những giai đoạn sau của cuộc đời? Chúng ta có biết gì hơn về sự khoái cảm của từng cơ quan hay so với tính chất tình dục xuất hiện đúng lúc các cơ quan sinh dục bắt đầu đảm nhiệm vai trò của mình khi tình dục trùng hợp với cơ quan sinh dục. Và dù sao thì mục đích của các sự sa đọa cũng là tìm kiếm sự khoái cảm tuyệt đỉnh bằng phương tiện khác việc giao hợp. Nói như thế bạn sẽ trả lời được lời bài bác của tôi về sự sa đọa vì gạt bỏ được liên quan giữa tình dục và sự sinh sản trong khi liên quan này không thể đi đôi được với sự sa đọa. Các bạn sẽ đẩy lùi sự sinh sản vào hậu trường để dành cho sự hoạt động của cơ quan sinh dục một địa vị quan trọng bậc nhất. Nhưng lúc đó, sự khác biệt giữa tôi và các bạn lại không quá to như các bạn tưởng: chúng ta đã xếp cho các cơ quan sinh dục đứng cạnh các cơ quan khác. Các bạn sẽ nghĩ sao về những lời khẳng định từ trước là với tính cách gây khoái cảm, cơ quan sinh dục có thể được thay thế bằng các cơ quan khác, y như trong cái hôn, trong việc sử dụng các cơ quan khác trong cơ thể để làm những hành vi tình dục sa đọa hay trong triệu chứng của những kẻ náo loạn thần kinh. Trong sự náo loạn thần kinh chẳng hạn nhiều khi những sự kích động, cảm giác, ngay cả sự cương dương vật lên được di chuyển từ các cơ quan sinh dục đến những cơ quan khác nhiều khi ở rất xa cơ quan sinh dục (như đầu, mặt chẳng hạn). Làm như thế các bạn sẽ không còn gì để có thể gọi là tình dục nữa, các bạn sẽ bị bắt buộc phải làm theo tôi và mở rộng khái niệm về tình dục đến những hành vi trong thời thơ ấu để tìm khoái cảm mà cơ quan này hay cơ quan nọ có thể gây nên được.
Tôi sẽ hoàn toàn có lý khi đưa ra hai luận điểm nữa. Các bạn đã biết cái chúng ta gọi là tình dục là những hành vi không thể định nghĩa được trong những năm đầu tiên của thời thơ ấu, có mục đích gây khoái cảm, bởi vì khi phân tích các triệu chứng bệnh thần kinh, chúng ta đã có được những vật liệu có tính chất tình dục. Nhưng các bạn sẽ trả lời là dù những vật liệu đó có tính chất tình dục thực chăng nữa thì cũng không có gì chứng tỏ rằng hành vi của trẻ con hướng về sự tìm khoái cảm có tính chất tình dục. Đồng ý, nhưng hãy xét đến một trường hợp tương tự. Các bạn hãy tưởng tượng là chúng ta không có cách nào để quan sát sự phát triển của hai cây song tử diệp, như cây lê và cây hồ đậu, bằng cách quan sát hạt giống của chúng, nhưng chúng ta có thể quan sát bằng trái lại được, nghĩa là đi từ cái cây đã thành hình hoàn toàn rồi, quay trở lại hạt giống đầu tiên có hai tử diệp. Hai tử diệp giống nhau như đúc, trông chẳng khác gì nhau cả. Chúng ta có thể dựa vào nhận xét đó mà kết luận rằng giữa hai hạt giống đó có sự đồng nhất thực sự được không và sự khác biệt giữa hai cây lê và cây hồ đậu chỉ xuất hiện sau này thôi không? Về phương diện sinh lý chúng ta chẳng hợp lý hơn khi cho rằng sự khác biệt đã có sẵn trong hai hạt giống rồi tuy bề ngoài chúng có vẻ đồng nhất ư? Đó là điều chúng ta làm khi cho rằng khoái cảm của đứa bé sơ sinh là khoái cảm của tình dục. Còn vấn đề cho rằng phải có mọi khoái cảm do các cơ quan gây nên đều có tính chất tình dục không hay là cạnh khoái cảm tình dục còn có những khoái cảm khác không, đó là điều tôi không muốn đem ra thảo luận ở đây. Tôi biết rất ít về những sự khoái cảm do các cơ quan gây nên và những điều kiện của các sự khoái cảm đó, và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng nếu chúng ta phân tích ngược trở lại chúng ta sẽ thấy ở đằng cuối đường đi có những yếu tố nào chưa định nghĩa được.
Thêm một nhận xét nữa. Nói cho thực các bạn chẳng được lợi gì khi khẳng định tính cách thuần túy trong sạch của tình dục trẻ con, trong khi đáng lẽ các bạn phải thuyết phục được tôi là chúng ta có nhiều lý do rất hay để cho rằng những hành vi của trẻ con không có tính chất tình dục. Ngay từ năm thứ ba trở đi thì chúng ta chẳng còn gì nghi ngờ về tính chất tình dục của trẻ con nữa. Ngay từ tuổi này dương vật của chúng đã có thể cương lên được rồi và có nhiều khi có xảy ra trường hợp thủ dâm tức là có sự thỏa mãn tình dục. Sự phát hiện có tính cách tinh thần và xã hội của đời sống tình dục không còn có điều gì khiến cho người ta nhầm lẫn được: sự lựa chọn đối tượng, đặc biệt thích người này hơn người khác, thích phái nam hay phái nữ, ghen tuông, đều là những sự kiện được các nhà quan sát vô tư công nhận ngoài môn phân tâm học, trước môn này nữa, những sự kiện có thể được chứng thực bởi bất cứ người nào có thiện chí. Các bạn sẽ trả lời là không bao giờ các bạn nghi ngờ sự có mặt của một lòng âu yếm xảy ra ngay trong thời còn nhỏ nhưng không cho rằng đó là tình dục. Tất nhiên trong khoảng từ 3 đến 8 tuổi đứa bé đã biết che đậy lòng âu yếm của mình, nhưng càng quan sát kỹ các bạn càng thấy rõ rằng lòng âu yếm đó quả có tính chất tình dục. Mục đích tình dục của thời kỳ này gắn liền vào sự tìm hiểu tình dục của trẻ con trong tuổi đó, tôi đã kể cho các bạn nghe một vài ví dụ rồi. Tính chất sa đọa của những mục đích này có thể cắt nghĩa được vì trẻ con vào tuổi đó chưa biết rõ được mục đích của sự giao hợp.
Giữa năm lên 6 và lên 8 sự phát triển của tình dục có một thời kỳ ngừng trệ có thể được coi là thời kỳ tiềm tàng. Thời kỳ tiềm tàng này có thể không có, nhưng dù có hay không thoái kỳ đó cũng không đưa đến sự ngừng hẳn của mọi hành vi tình dục. Phần lớn các biến cố và khuynh hướng tinh thần xảy ra trước thời kỳ tiềm tàng này đều bị lãng quên hết, rơi vào trong sự lãng quên mà chúng ta đã có dịp nói đến, làm cho chúng ta không còn nhớ gì về những năm đầu tiên trong thời thơ ấu nữa. Nhiệm vụ của phân tâm học là làm sống lại kỷ niệm của thời kỳ nay, và người ta không thể không nghi ngờ rằng sự lãng quên này chính là hậu quả của sự dồn ép.
Từ năm thứ ba trở đi, đời sống tình dục của đứa bé có nhiều điểm rất giống đời sống tình dục của người lớn, chỉ khác ở chỗ các cơ quan sinh dục phát triển chưa đều, tính chất tình dục là tính chất sa đọa rõ ràng và tất nhiên ở chỗ cường độ tình dục đó không mạnh bằng của người lớn thôi. Nhưng những giai đoạn hay ho nhất của sự phát triển tình dục, hay của sự khát dục này chính là những giai đoạn trong thời kỳ xảy ra trước thời kỳ 3 tuổi này. Sự phát triển này tiến hành nhanh đến nỗi sự quan sát trực tiếp không thể có được những hình ảnh cố định rõ ràng. Chỉ nhờ vào môn phân tâm học, chúng ta mới có thể dựa vào các chứng bệnh thần kinh để tìm ra những giai đoạn xa xôi nhất của sự phát triển khát dục (libido). Tất nhiên đó chỉ là những công trình xây dựng, nhưng nhờ thực hành môn phân tâm học các bạn sẽ thấy những công trình xây dựng này thực có ích và cần thiết. Các bạn sẽ hiểu tại sao bệnh lý học lại có thể tìm ra được những sự kiện mà chúng ta không biết được trong các điều kiện bình thường.
Bây giờ chúng ta có thể biết rõ đời sống tình dục của trẻ con trước khi chúng chú ý đến cơ quan sinh dục, sự chú ý này được sửa soạn trong thời gian đầu tiên của đứa bé trước khi thời kỳ tiềm tàng và bắt đầu được tổ chức chặt chẽ trong thời kỳ dậy thì. Trong thời kỳ đầu tiên có một thứ tổ chức lỏng lẻo hơn mà chúng ta gọi là thời kỳ tiền sinh dục… Nhưng trong thời kỳ này chính những khuynh hướng sa đọa và dùng hậu môn chiếm địa vị độc tôn chứ không phải những khuynh hướng sinh dục lẻ tẻ. Sự khác biệt giữa giống đực và giống cái chưa giữ vai trò gì hết, thay vào đó chỉ có sự khác biệt giữa tích cực và tiêu cực, sự khác biệt này báo trước tính cách phân cực của tình dục. Trong những hoạt động của thời kỳ này, điều chúng ta có thể gọi là giống đực xuất hiện dưới hình thức một khuynh hướng muốn ngự trị chẳng mấy lúc biến thành độc ác. Những khuynh hướng tiêu cực gắn liền vào một miền tình dục chung quanh hậu môn và hậu môn bắt đầu giữ một địa vị quan trọng. Ý muốn xem và biết được phát hiện mạnh mẽ; yếu tố sinh dục chỉ tham dự vào đời sống tình dục với tư cách là cơ quan bài tiết nước tiểu. Những đối tượng tình dục trong giai đoạn này không thiếu, nhưng những đối tượng này không cần thiết phải họp lại để thành một đối tượng duy nhất. Giai đoạn cuối cùng của thời kỳ này là thời kỳ chú ý đến hậu môn đi trước thời kỳ chú đến các cơ quan sinh dục. Rất nhiều yếu tố trong giai đoạn đầu tiên này sẽ tụ lại để thành lập đời sống tình dục cuối cùng sau đó và nhiều khuynh hướng đầu tiên sẽ dùng đủ mọi cách để len lỏi vào đời sống này. Trước cả giai đoạn sa đọa - hậu môn trong quá trình phát triển khát dục chúng còn một thời kỳ tổ chức sơ khai nữa trong đó miền tình dục sẽ ở nơi mồm. Đặc điểm của thời kỳ này là tình dục được biểu hiện bằng hành vi mút tay, cho nên những người Ai Cập thời cổ đã tỏ ra rất sâu sắc khi hình dung đứa bé bằng hình ảnh cho tay vào mồm mút. Nhất là chú Horus. Abraham đã cho ta biết những dấu hiệu đó sẽ được thấy lại trong những giai đoạn sau đó của tình dục.
Tôi sợ những điều vừa nói chỉ làm các bạn mệt nhọc thêm chứ chẳng hiểu biết gì thêm. Có thể tôi đã đi vào quá nhiều chi tiết. Nhưng các bạn hãy kiên nhẫn: sau này các bạn sẽ hiểu hết tầm quan trọng của những điều tôi vừa nói. Trong khi chờ đợi, các bạn hãy tạm chấp nhận rằng đời sống tình dục, hay sự hoạt động của lòng khát dục, không phải tự nhiên mà thành, phải trải qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, chẳng giai đoạn nào giống giai đoạn nào y như những giai đoạn giúp cho một con ngài trở thành con bướm. Chỗ rẽ của sự phát triển đó chính là lúc các khuynh hướng lẻ tẻ chịu lệ thuộc vào cơ quan sinh dục, nghĩa là lúc tình dục chịu lệ thuộc vào sự sinh sản. Vậy lúc đầu chúng ta chỉ có một đời sống tình dục rời rạc, do các khuynh hướng lẻ tẻ họp thành để tìm được khoái cảm do các cơ quan trong cơ thể gây nên, những khuynh hướng này hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào nhau. Sự vô trật tự này được giảm bớt nhờ những tổ chức tiền sinh dục dẫn đến giai đoạn sa đọa - hậu môn, sau khi qua giai đoạn bằng mồm, giai đoạn thô sơ nhất. Thêm vào đó có nhiều hoạt động khác chưa được biết đến đầy đủ làm gạch nối giữa giai đoạn sau và giai đoạn trước và cao hơn. Sau này chúng ta sẽ hiểu rõ hết tầm quan trọng của sự phát triển lâu dài và đều đặn của sự khát dục trong quan niệm về các chứng bệnh thần kinh.
Ngày nay chúng ta xét đến một khía cạnh khác của sự phát triển này, nghĩa là những liên quan giữa những khuynh hướng lẻ tẻ và đối tượng. Hay nói cho đúng ra chúng ta xét nhanh sự phát triển này để rồi dừng lại lâu hơn trước một trong các kết quả chậm chạp đạt được. Vậy một vài yếu tố cấu thành của bản năng tình dục có ngay từ lúc đầu một đối tượng mà nó cầm giữ thực chặt; đó là khuynh hướng ngự trị, muốn biết và xem xét. Nhiều yếu tố khác liên quan đến nhiều miền tình dục trong thân thể, ngay lúc đầu cũng chỉ có một đối tượng, một khi còn bám vào những nhiệm vụ không có tính chất tình dục, nhưng rồi bỏ rơi đối tượng đó ngay khi rời bỏ những nhiệm vụ đó. Đối tượng tình dục thứ nhất dùng miệng là đôi vú của bà mẹ thỏa mãn nhu cầu nuôi ăn của đứa bé sơ sinh. Sau đó một khi đứa bé đã thỏa mãn được cả tình dục và nhu cầu nuôi ăn, nó sẽ không cần đến vú mẹ nữa, mà thay vào đó bằng ngón tay nghĩa là một phần trong thân thể nó. Khuynh hướng dùng mồm trở thành tự thỏa mãn cũng như khuynh hướng dùng hậu môn hay dùng những miền tình dục khác. Sự phát triển sau đó theo đuổi hai mục đích: 1) thoạt tiên rời bỏ tính cách tự thỏa mãn, thay đối tượng lấy trong thân thể mình; 2) đồng nhất hóa mọi đối tượng khác nhau của nhiều khuynh hướng khác nhau, thay chúng bằng một đối tượng duy nhất. Kết quả này không thể đầy đủ hay giống như đối tượng lấy trong thân thể được, và chỉ đạt được với điều kiện là một số khuynh hướng sẽ bị tiêu hủy vì không dùng được việc gì.
Sự diễn tiến đưa đến việc chọn lựa đối tượng này hay đối tượng khác khá phức tạp và chưa mô tả theo ý muốn. Chúng ta chỉ cần dẫn chứng bằng sự kiện là khi chu kỳ ấu trĩ, đi trước giai đoạn tiềm tàng gần hoàn thành rồi thì đối tượng được chọn gần giống như đối tượng gây nên khoái cảm trong thời kỳ còn dùng mồm. Đối tượng này không phải là đôi vú người mẹ nữa nhưng vẫn là người mẹ. Vậy người mẹ chính là đối tượng dầu tiên của tình yêu. Chúng ta nói đến tình yêu khi những khuynh hướng tinh thần của bản năng của tình dục giữ địa vị quan trọng nhất trong khi những sự đòi hỏi về thân thể hay tình dục căn bản của bản năng tình dục bị dồn ép hay bị quên đi trong chốc lát. Trong thời kỳ người mẹ là đối tượng đầu tiên của tình yêu sự hoạt động của tinh thần để dồn ép đã bắt đầu làm cho đứa bé không biết gì đến một phần trong các mục đích tình dục nữa. Sự lựa chọn người mẹ làm đối tượng đầu tiên của tình yêu này gắn liền vào điều mà chúng ta gọi là mặc cảm Oedipe, sau này sẽ có một tầm quan trọng rất lớn trong cách giải thích căn bệnh thần kinh của môn phân tâm học, và có lẽ là một trong các nguyên nhân chính của sự chống đối của xã hội đối với phân tâm học.
Các bạn hãy nghe một câu chuyện lặt vặt xảy ra trong thời chiến tranh. Một trong những người can đảm bênh vực phân tâm học được động viên với tư cách bác sĩ quân y tới một nơi nào đó trong xứ Ba Lan và được các đồng nghiệp chú ý vì những quan sát của ông đối với một bệnh nhân. Khi được hỏi, ông ta trả lời là sở dĩ đạt được kết quả bất ngờ như thế là vì ông đã dùng phân tâm học và sẵn sàng chỉ bảo cho đồng nghiệp về phương pháp này. Từ đó chiều nào các bác sĩ trong đơn vị, đồng nghiệp hay cấp trên của ông ta đều tụ họp để nghiên cứu phân tâm học. Mọi việc trôi chảy như thường cho tới hôm vị bác sĩ của chúng ta nói về mặc cảm Oedipe: một cấp trên của bác sĩ đứng dậy tuyên bố là ông không tin một chút nào về mặc cảm này và ông không thể cho phép nói đến mặc cảm đó đối với những người đã có gia đình, những người rất đáng kính trọng trong khi họ chiến đấu cho tổ quốc của họ. Và ông ra lệnh cấm không cho nói đến phân tâm học nữa. Vị bác sĩ phân tâm học nói trên không còn điều gì phải làm khác hơn là xin đổi sang một đơn vị khác. Phần tôi, tôi cho rằng nếu muốn chiến thắng mà người Đức phải cần đến một “tổ chức khoa học” như thế thì quả là một đại họa và tất nhiên giới khoa học Đức không thể nào tha thứ cho một quan niệm lỗi thời như thế lâu hơn nữa.
Mặc cảm Oedipe là cái gì ghê gớm vậy? Chỉ cái tên Oedipe đủ cho các bạn đoán ra rồi. Ai mà chẳng biết huyền thoại về đức vua Hi Lạp Oedipe bị số phận bắt phải giết cha và lấy mẹ đã phải dùng đủ mọi cách để thoát khỏi số phận độc ác đó nhưng không được nên đã tự trừng phạt bằng cách chọc mù đôi mắt của chính mình khi biết mình đã vô tình phạm cả hai tội to lớn nhất là giết cha và lấy mẹ. Chắc nhiều bạn đã vô cùng xúc động khi đọc vở kịch của Sophocle về vấn đề đó. Vở kịch này trình bày cho ta biết tội ác của Oedipe đã dần dần được lôi ra ánh sáng như thế nào khi cuộc điều tra bị đình trệ nhiều lần và được tiếp tục ra sao nhờ có nhiều dấu hiệu mới xuất hiện: vở kịch như có vẻ như diễn tiến trong cuộc khảo sát của phân tâm học. Người mẹ và người vợ đau khổ Jocasta nhiều lần ngăn cản không cho cuộc điều tra tiếp diễn, viện cớ rằng có rất nhiều người đã nằm mơ thấy mình ngủ với mẹ mình, nhưng đó chỉ là những giấc mơ không đáng để ý. Chúng ta không coi khinh giấc mơ, nhất là những giấc mơ điển hình mà nhiều người đã có, chúng ta tin rằng giấc mơ mà Jocasta nói đến có liên quan chặt chẽ đến câu chuyện kinh hoàng và kỳ lạ của huyền thoại.
Có điều đáng ngạc nhiên là vở kịch của Sophocle không hề gây xúc động hay giận dữ cho bất cứ một khán giả nào, trong khi những lý thuyết vô hại của vị bác sĩ quân y nói trên lại làm cho cấp trên của ông ta giận dữ và phản đối dữ dội như thế. Vở bi kịch này thực ra có tính cách vô luân vì hủy bỏ trách nhiệm tinh thần luân lý của con người, cho rằng chính các thần linh đã có sáng kiến về tội ác, đưa ra ánh sáng sự bất lực của những khuynh hướng luân lý trong con người trước sự tấn công của tội ác. Giá nằm trong tay một nhà thơ như Euripide, vở kịch đó có lẽ sẽ là một dịp bày tỏ sự phẫn nộ đối với thần linh và số mệnh. Nhưng đối với con người ngoan đạo như Sophocle thì không làm gì có chuyện phẫn nộ, ông ta né tránh khó khăn bằng cách tuyên bố rằng tinh thần luân lý cao độ đòi hỏi con người tuân theo ý chí của thần linh ngay cả khi thần linh ra lệnh phạm tội. Tôi không thấy cái luân lý này có thể là một sức mạnh của vở kịch, nhưng thực ra luân lý không hề ảnh hưởng để kết qua của vở kịch. Khán giả không hề chống đối lại luân lý của vở kịch nhưng phản ứng lại ý nghĩa và nội dung vở kịch. Khán giả phản ứng y như chính họ đang có mặc cảm Oedipe, như nhìn thấy trong ý chí của thần linh và trong lời tiên tri những cái gì có trong vô thức của họ và đang được lý tưởng hóa, y như chính họ đang có ý muốn gạt bỏ người cha đi và lấy mẹ mình. Tiếng nói của thi sĩ như bảo họ: “mày không thể chống lại trách nhiệm của mày. Mày có trần tình rằng mày đã làm đủ mọi cách để cưỡng lại ý muốn phạm tội của mày cũng vô ích. Lỗi của mày vẫn còn đó vì chính mày đã không rũ bỏ được những ý muốn phạm tội, những ý đó vẫn tiềm tàng trong vô thức của mày”. Đó chính là một sự tâm lý. Ngay cả khi đã dồn ép nhưng khuynh hướng xấu xa vào trong vô thức rồi, trong miệng vẫn nói là mình không có trách nhiệm gì cả, nhưng trong thâm tâm con người vẫn cho rằng mình có trách nhiệm mà không hiểu vì sao?
Sự thực mặc cảm Oedipe là một trong các nguyên nhân gây ra lòng hối hận giày vò những người mắc bệnh thần kinh. Hơn thế nữa: trong cuốn sách của tôi về “những buổi đầu của tôn giáo và luân lý con người”, xuất bản năm 1913 dưới nhan đề: “Vật tổ và kiêng kỵ” tôi đã đưa ra giả thuyết là chính mặc cảm Oedipe đã làm cho toàn thể nhân loại trong những ngày đầu tiên ý thức được sự phạm tội của mình trong khi chính sự phạm tội này là nguồn gốc cuối cùng của mọi tôn giáo và mọi luân lý. Tôi có thể nói nhiều đến chuyện đó nhưng thôi để khi khác. Vì một khi đã nói đến, chúng ta khó mà thôi không nói được trong khi tôi muốn quay lại vấn đề tâm lý cá nhân.
Sự quan sát đứa bé trong thời kỳ chọn lựa đối tượng trước khi đi vào thời kỳ tiềm tàng đã cho ta biết gì về mặc cảm Oedipe. Chúng ta thấy dễ dàng rằng, đứa bé chỉ muốn độc chiếm người mẹ, khó chịu vì sự có mặt của người cha, tỏ vẻ giận dỗi mỗi khi người cha tỏ vẻ âu yếm mẹ và không giấu vẻ hài lòng mỗi khi cha đi xa, có lúc nói rõ cảm tình của mình và hứa là sẽ lấy mẹ. Người ta bảo đó chỉ là những ý kiến trẻ con không liên can gì đến Oedipe, nhưng dù sao đó vẫn là những sự kiện, đại diện cho mặc cảm Oedipe. Người ta hơi ngạc nhiên khi thấy chính đứa bé đó trong một vài trường hợp tỏ ra âu yếm đối với cha; nhưng những tình cảm này, tuy đối lập nhau ở người lớn, lại có thể hòa hợp nhau, đi cạnh nhau rất lâu dài trong vô thức của đứa bé, Người ta còn nói rằng những tình cảm đó tính cách ích kỷ của đứa bé gây ra thôi chứ không hề có tính chất tình dục. Chính người mẹ chăm sóc đứa bé và đứa bé cũng muốn ngoài người mẹ ra không ai làm việc đó cả. Điều này rất đúng nhưng thực ra trong tình trạng này cũng như trong bao nhiêu tình trạng khác tương tự, tính ích kỷ chỉ mở đường cho tình dục sau này thôi. Khi đứa bé tỏ ra tò mò về phương diện sinh lý, khi nó muốn ngủ đêm cạnh người mẹ, muốn xem mẹ tắm rửa hay dùng nhiều hình thức khác thường làm cho người mẹ cười như nắc nẻ về sự ngây thơ của con, thì tính chất tình dục không còn có điều gì đáng nghi ngờ nữa. Chúng ta không nên quên rằng người mẹ cũng săn sóc đứa bé gái như thế mà không đưa đến kết quả tương tự, và nhiều khi người cha cũng tỏ vẻ âu yếm đứa bé trai chẳng kém gì người mẹ nhưng không phải vì thế mà được nó mến yêu như đối với mẹ nó. Nói tóm lại, người ta không thể nào gạt bỏ ý nghĩ về tình dục trong tình trạng nói trên. Vả lại, nếu đứa bé quá ích kỷ thì nó sẽ có lợi hơn nếu được cả hai cha mẹ cùng âu yếm, nó chẳng có lợi gì nếu chỉ tìm tình yêu ở người mẹ thôi.
Tôi chỉ nói đến thái độ của đứa bé trai đối với cha mẹ thôi. Thái độ của em gái cũng tương tự. Lòng âu yếm đối với cha, ý muốn gạt bỏ người mẹ đi, với những dáng điệu làm đỏm, em bé gái nhiều khi hiến cho chúng ta một bức tranh đẹp mắt khiến cho chúng ta quên những hậu quả quan trọng của tình trạng này. Chính các bậc cha mẹ nhiều khi cũng giúp vào việc gây cho con mặc cảm Oedipe này bằng cách chiều theo khuynh hướng đối với người cùng phái, thành ra trong những gia đình đông con người cha tỏ vẻ thích con gái hơn, trong khi người mẹ lại thích con trai. Tuy vậy dù rất quan trọng, yếu tố này cũng chưa đủ là một lý lẽ chống lại thực chất của mặc cảm Oedipe đối với đứa bé. Mặc cảm này trở thành mặc cảm gia đình khi có nhiều con lên. Những kẻ đến trước cho những kẻ đến sau là một đe dọa cho quyền lợi của mình, vị thế nên trẻ con thường không đón tiếp các em một cách nồng hậu mấy và chỉ mong cho em mất đi thôi. Những tình cảm thù ghét này thường được trẻ con nói ra miệng. Khi ý muốn xấu xa của đứa bé thực hiện, khi đứa em bất thần bị chết thì việc đó đối với đứa bé là một biến cố quan trọng tuy nhiên khi chính nó cũng chẳng nhớ gì cả. Khi có em mới sinh, đứa bé thường ở vào địa vị phế đế nên khó lòng quên được sự việc đó; nó đối với em có những tình cảm mà về sau này người lớn thường cho là tình cảm bất mãn, những tình cảm này có thể là khởi điểm cho một tình cảm lạnh lùng đối với mẹ. Chúng ta đã nói rằng những công trình khảo cứu về tình dục và những hậu quả của nó gần liền vào kinh nghiệm về đời sống trẻ con. Khi anh em của chúng lớn lên, thái độ của đứa bé thay đổi một cách có ý nghĩa. Nó sẽ đem tình yêu mẹ đổi thành tình yêu đối với em gái khi thấy mẹ đối với mình có vẻ lạnh lùng: ngay trong khi còn nhỏ các anh đã quây quần chung quanh em gái và tỏ vẻ ghen tức nhau. Đứa bé gái thường đem anh lớn thay vào người cha mà nó cho là không tỏ vẻ âu yếm nó như ngày xưa nữa, hay đem lòng yêu em gái như yêu một đứa con mà nó muốn có đối với cha nhưng không được.
Sự thực xảy ra như thế đó. Tôi có thể dựa vào sự quan sát trực tiếp các trẻ con, sự giải thích những kỷ niệm của chúng để kể cho các bạn nghe nhiêu thí dụ tương tự nữa. Kết quả là địa vị của một đứa bé trong một gia đình có nhiều con có một tầm quan trọng đối với đời sống sau này của nó và bao giờ nói đến tiểu sử của nó người ta không thể bỏ qua sự kiện này. Trước những sự giải thích thu lượm được không khó nhọc gì này, các bạn sẽ phì cười khi nghĩ đến những cố gắng của khoa học để lên án sự loạn luân. Chúng ta chẳng đã nói rằng đời sống chung của thời thơ ấu có tính chất làm cho đứa bé không chú ý đến sự hấp dẫn tình dục do những người trong nhà gây nên, rằng khuynh hướng sinh lý tránh sự giao hợp của những người cùng máu mủ đã được bổ túc bằng lòng kinh tởm sự loạn luân đó sao? Nói như thế chúng ta quên rằng nếu quả thực thiên nhiên đã đặt ra những ngăn trở không thể vượt qua cho sự loạn luân thì việc gì chúng ta còn phải đặt ra luật nọ để nghiêm cấm nó nữa. Chính điều trái lại mới là sự thực. Đối tượng thứ nhất về tình dục của loài người - người chị hay người mẹ - có tính cách loạn luân và loài người đã phải dùng những luật lệ thực nghiệm khác mới diệt trừ nổi. Những dân tộc bán khai ngay nay hãy còn tồn tại cũng bài trừ sự loạn luân rất nghiêm khắc. Th.Reik còn cho rằng lễ nghi của những dân tộc mọi rợ trong tuổi dậy thì có mục đích kéo đứa bé ra khỏi tình trạng loạn luân bằng cách kéo nó ra xa người mẹ để gây lại cảm tình của nó đối với người cha.
Thần thoại học đã chẳng cho chúng ta hay rằng loài người thường gán cho các vị thần tính cách loạn luân trong khi chính họ lại rất sợ loạn luân, và trong những dân tộc (như dân Pharaons và dân Incas ở Pérou) lễ cưới loạn luân giữa hai chị em hay anh em được coi như thiêng liêng. Vậy sự loạn luân là một đặc ân mà người thường không được quyền hưởng.
Một trong hai tội của Oedipe là tội loạn luân, tội kia là tội giết cha. Hai tội ác to lớn này đã bị chế độ tôn giáo và xã hội đầu tiên, chế độ vật tổ, lên án. Bây giờ từ quan sát trực tiếp đứa bé, chúng ta hãy qua sự phân tích bệnh trạng của người lớn bị bệnh thần kinh. Sự phân tích này giúp cho ta hiểu thêm những gì về mặc cảm Oedipe? Sự phân tích cho ta thấy mặc cảm này xuất hiện đúng như trong huyền thoại, mỗi bệnh nhân đều là một Oedipe hay là một Hamlet chống đối lại mặc cảm này, nghĩa là cũng như nhau. Mặc cảm Oedipe trong người lớn chỉ là bản cũ soạn lại của mặc cảm đó trong trẻ con thôi. Sự thù ghét người cha, mong muốn cho cha chết đi không còn được diễn tả một cách rụt rè nữa, lòng âu yếm đối với mẹ và lòng mong muốn được lấy mẹ cũng được nói ngay ra miệng. Chúng ta có quyền gán cho thời thơ ấu những tình cảm sống sượng quá đáng đó không? Hay chúng ta đã bị sai lầm vì một yếu tố mới? Tìm ra được yếu tố mới này không phải là chuyện dễ dàng. Mỗi khi có một người nói về dĩ vãng của mình, dù người đó có là một sử gia chăng nữa chúng ta có quyền chấp nhận không suy tính mọi điều ông ta nói về hiện tại hay về thời kỳ ngăn cách giữa dĩ vãng và hiện tại hay không? Trong trường hợp người bệnh thần kinh chúng ta có quyền tự tin xem sự lẫn lộn giữa dĩ vãng và hiện tại có vô tình hay không? Sau này chúng ta sẽ biết vì duyên cớ gì người bệnh đã lẫn lộn như thế, và chúng ta sẽ phải chú trọng đến việc trí tưởng tượng đã hoạt động như thế nào đối với những biến cố và sự kiện xảy ra trong một dĩ vãng rất xa. Chúng ta sẽ không khó khăn gì mà không thấy là lòng thù ghét người cha còn trở nên mạnh mẽ hơn nhờ nhiều nguyên nhân do các thời sau đã cung cấp và những ham muốn tình dục đối với người mẹ thường xuất hiện dưới những hình thức mà đứa bé không thể biết đến. Nhưng chúng ta sẽ cố gắng vô tình khi tìm cách cắt nghĩa mặc cảm Oedipe bằng sự hoạt động của trí tưởng tượng đưa chúng ta quay trở lại dĩ vãng, đưa vào trong dĩ vãng những yếu tố lấy trong hiện thời. Người bệnh thần kinh còn giữ cái nhân của thời thơ ấu đúng như sự quan sát trực tiếp đã cho ta biết.
Mặc cảm Oedipe xuất hiện như một sự kiện trong bệnh viện có một tầm quan trọng to lớn trong thực tế. Chúng ta sẽ thấy là trong tuổi dậy thì, khi bản năng tình dục xuất hiện mạnh mẽ, người bệnh lại thấy lại những đối tượng thời xưa khiến cho những đối tượng này có tính chất tình dục. Sự lựa chọn đối tượng của đứa bé chỉ là một sự giáo đầu rụt rè, nhút nhát nhưng có tính chất quyết định của sự lựa chọn trong tuổi dậy thì. Vào tuổi đó sẽ có nhiều sự hoạt động tinh thần, tình cảm rất mạnh, có khi hướng về mặc cảm, có khi về sự phản ứng chống lại mặc cảm đó, nhưng những bước đầu của hoạt động vì không thể nói ra được nên đều bị dồn ép vào trong vô thức. Bắt đầu từ tuổi đó con người đứng trước một công việc quan trọng là công việc tự tách rời ra khỏi cha mẹ, chỉ sau khi sự tách rời này đã làm xong, đứa bé mới không còn là đứa bé nữa và trở thành một người trong cộng đồng xã hội. Nhiệm vụ của đứa con trai là rời khỏi người mẹ, đem tình dục của mình đặt vào một đối tượng khác, làm lành lại với người cha tùy theo trường hợp. Nhiệm vụ đó trở nên bắt buộc đối với tất cả mọi người không trừ ai. Nhiệm vụ này không bao giờ được hoàn thành theo lý tưởng cả, nghĩa là đúng với sự đòi hỏi của xã hội và tâm lý. Nhưng người bệnh thần kinh thường không bao giờ làm nổi nhiệm vụ này vì họ suốt đời phải chịu phục tùng dưới quyền người cha và không thể đem tình dục của mình đặt vào một đối tượng nào mới cả. Số phận của người con gái cũng chẳng hơn gì. Chính theo nghĩa đó mà chúng ta có thể cho rằng mặc cảm Oedipe chính là trúng tâm của những người bệnh thần kinh.
Chắc các bạn cũng đoán ra rằng tôi đã cố ý gạt ra ngoài nhiều chi tiết quan trọng về lý thuyết cũng như thực hành, liên quan đến mặc cảm Oedipe. Tôi không nói nhiều hơn nữa về những biến đổi của mặc cảm này cũng như sự lật ngược tình trạng của nó. Tôi chỉ nói rằng mặc cảm này là nguồn cảm hứng dồi dào cho bao nhiêu nhà thơ. Oto Rank đã cho thấy là những nhà soạn kịch trứ danh của mọi thời đã khai thác mặc cảm này rất nhiều, cũng như mặc cảm về sự loạn luân và biến thể của nó. Chúng ta cần ghi nhận rằng ngay cả trước khi phân tâm học ra đời, hai tội ác của mặc cảm Oedipe được công nhận như những ham muốn có tính cách tượng trưng nhất cho đời sống bản năng không bị kìm hãm. Trong một cuộc đối thoại trứ danh của Điderot nhan đề “Người cháu của Rameau” mà Goethe đã dịch ra tiếng Đức, chúng ta thấy có đoạn sau đây: “Nếu một đứa bé mọi rợ được mặc sức muốn làm gì thì làm, nếu nó vẫn giữ nguyên sự tồi tệ của nó, nếu nó dung hòa được một số ít lẽ phải của đứa bé còn nằm trong nôi với sự độc ác của con người ba mươi tuổi thì nó sẽ vặn cổ cha nó và ngủ với mẹ nó”.
Nhưng còn một chi tiết mà tôi không thể bỏ qua được. Không phải vô tình mà người mẹ và vợ của Oedipe làm cho chúng ta nghĩ đến giấc mơ. Các bạn hẳn còn nhớ là trong khi phân tích giấc mơ những sự ham muốn cấu thành giấc mơ thường có tính cách sa đọa, loạn luân hay đưa ra ánh sáng một lòng thù ghét không ai ngờ đối với một vài người thân cận rất được yêu mến. Lúc đó chúng ta chưa cắt nghĩa nguồn gốc của những khuynh hướng này. Bây giờ nguồn gốc đó hiện ra ngay trước mắt chúng ta không cần tìm tòi nữa. Đó chính là sản phẩm của sự khát dục của một vài biến dạng của những đối tượng mất đi từ lâu nhưng lúc này lại hiện ra trong ban đêm có thể có tác dụng được. Nhưng ngay người khỏe mạnh bình thường cũng có những giấc mơ sa đọa, loạn luân độc ác như thế, những giấc mơ này không phải là độc quyền của những người bệnh thần kinh, cho nên chúng ta có quyền kết luận là người phát triển bình thường cũng qua những giai đoạn sa đọa, biến dạng y như trong mặc cảm Oedipe, đó chỉ là một tình trạng bình thường, không có gì đặc biệt, chỉ có điều đối với những người bệnh thần kinh thì những sa đọa, biến dạng đó được phóng đại lên thôi. Đó chính là một trong các lý do khiến cho chúng ta phải khảo sát về giấc mơ trước khi khảo sát về các triệu chứng bệnh thần kinh.