Dịch Giả: Nguyễn Xuân Hiến
Tinh thần bất an
Phần thứ ba: Thuyết tổng quát về chứng bệnh thần kinh

Trong những bài trước chúng ta đã giải quyết những vấn đề thực khó khăn. Bây giờ tôi muốn nói thẳng với các bạn.
Tôi biết là các bạn bất bình, vì đã tự cho mình một quan niệm khác hẳn về phân tâm học nhập môn. Các bạn chờ đợi tôi đưa đến cho các bạn những thí dụ lấy trong cuộc sống chứ không trình bày một lý thuyết. Các bạn tự nhủ là khi tôi nói cho các bạn nghe câu chuyện: ở tầng dưới và tầng lầu một, các bạn cũng đã biết được một vài điều về căn bệnh thần kinh, nhưng tiếc rằng tôi đã đưa ra một chuyện tưởng tượng thay vì một chuyện lấy trong cuộc sống thực. Hay khi tôi nói cho các bạn nghe về hai triệu chứng, lần này có thực chứ không phải tưởng tượng cho các bạn xem chúng mất đi như thế nào bằng cách nói rõ liên quan của chúng với người bệnh, các bạn đã hé nhìn thấy ý nghĩa của triệu chứng và hy vọng tôi cứ tiếp tục đường lối đó mãi. Nhưng rồi tôi lại đưa ra trình bày những lý thuyết dài lê thê không bao giờ đủ cả, luôn luôn bị thêm thắt điều này điều nọ, làm việc với những khái niệm mà tôi chưa hề nói cho các bạn nghe bao giờ, đi từ lối trình bày có tính cách mô tả sang quan niệm di động, rồi quan niệm kinh tế. Chắc các bạn tự hỏi không biết có phải tôi dùng những chữ cùng một nghĩa và sở dĩ có thay đổi trong chữ dùng là vì muốn tránh nhắc đi nhắc lại mãi nguyên lý khoái lạc, nguyên lý thực tế, di sản di truyền dự phòng: và đáng lẽ phải đưa bạn đi sâu vào một chủ thuyết tôi lại chỉ đưa ra những điều càng ngày các bạn càng thấy đi xa dần khỏi tầm mắt các bạn.
Tại sao tôi lại không bắt đầu công việc nhập môn về lý thuyết về căn bệnh thần kinh bằng cách trình bày những điều mà chính các bạn đã biết về những bệnh đó, những điều mà các bạn đã quan tâm từ lâu. Tại sao tôi lại không bắt đầu bằng cách nói đến thực chất đặc biệt của những người tinh thần bất an, về phản ứng không thể nào hiểu được của họ trong sự giao thiệp với người khác và với những ảnh hưởng bên ngoài, về sự cáu kỉnh của họ và về việc họ không hề biết lo xa và thích ứng là gì? Tại sao tôi lại không đưa các bạn từ sự hiểu biết những hình thức giản dị được quan sát hàng ngày đến sự hiểu biết những vấn đề dính dáng đến sự phát triển cực đoan và bí ẩn trong tinh thần bất an.
Tôi không phủ nhận điều hợp lý của những lời đòi hỏi đó. Tôi không hề có ảo tưởng về nghệ thuật trình bày của tôi đến nỗi gán cho cả những lỗi lầm của mình một vẻ gì duyên dáng. Đặc biệt, tôi công nhận rằng trình bày theo lối khác lối tôi thường làm hẳn có lợi cho các bạn hơn, và quả thực tôi cũng có ý đó. Nhưng thực hiện được những điều mình muốn dù là những điều hợp lý đâu có phải dễ dàng. Trong các vấn đề đưa ra nghiên cứu có một cái gì làm cho mình không thể theo được con đường mình muốn lúc đầu. Ngay cả công việc vô nghĩa lý như việc xếp đặt vật liệu nhiều khi cũng không tuỳ thuộc ý muốn của tác giả: các vật liệu tự chúng xếp hạng lấy và chỉ mãi sau đó chúng ta mới tự hỏi tại sao những vật liệu đó lại xếp theo thứ tự này chứ không theo thứ tự khác?
Có thể là đầu đề của cuốn sách này: phân tâm học nhập môn, không phù hợp với phần nói về những bệnh thần kinh. Phân tâm học nhập môn chỉ giải quyết vấn đề những hành vi sai lạc và giấc mơ thôi, còn lý thuyết về bệnh thần kinh chính là phân tâm học rồi còn nhập môn gì nữa. Tôi không tin rằng trong một thời gian ngắn như thế và dưới một hình thức cô đọng như thế tôi đã hiến cho các bạn những điều hiểu biết đủ dùng về thuyết bệnh thần kinh. Tôi chỉ có ý cho các bạn biết một ý niệm toàn thể về ý nghĩa, và tầm quan trọng, sự hoạt động và sự thành lập các triệu chứng bệnh thần kinh thôi. Đó chính là điều mà phân tâm học có thể dạy chúng ta. Có rất nhiều điều cần nói về tình dục và sự phát triển của nó cũng như về sự phát triển của cái tôi. Còn về những điều cần biết trước tiên về kỹ thuật làm việc và những khái niệm về vô thức và dồn nén thì các bạn đã được biết ngay từ buổi đầu của những bài học này rồi. Trong một bài sau, các bạn sẽ thấy công việc nghiên cứu của phân tâm học tiến đến đâu rồi khi tôi trở lại với vấn đề. Tôi không giấu giếm các bạn rằng tất cả những diễn dịch của chúng ta đều tập trung vào một loại bệnh thần kinh; bệnh thần kinh hoán chuyển. Ngay cả khi nghiên cứu sự thành lập triệu chứng tôi chỉ nói đến bệnh náo loạn thần kinh. Cho rằng các bạn chưa tiếp thu được một điều hiểu biết gì vững chắc, không nhớ được những chi tiết chăng nữa thì ít nhất các bạn cũng có một khái niệm về phương tiện hoạt động của môn phân tâm học và những kết quả đã đạt được.
Tôi nghĩ rằng các bạn muốn tôi bắt đầu bằng việc trình bày về bệnh thần kinh bằng cách mô tả thái độ của những người tinh thần bất an về cách họ đau khổ vì bệnh thần kinh và chính họ cho là không bị và không thấy khó chịu. Đó chính là vấn đề thú vị giúp cho ta học hỏi được nhiều, không khó nghiên cứu nhưng nếu bắt đầu bằng vấn đề đó thì kể cũng hơi nguy hiểm. Bắt đầu bằng những bệnh thần kinh tầm thường, quen thuộc, chúng ta sẽ không tìm ra được những điều kiện không biết. Phủ nhận tầm quan trọng của tình dục, bị ảnh hưởng bởi đường lối mà những bệnh này đã dùng để trình diện trước cái tôi của người tinh thần bất an. Tất nhiên cái tôi này còn lâu mới trở thành một vị thẩm phán vô tư và chắc chắn. Trong khi cái tôi có quyền phủ nhận vô thức và dồn ép nó, làm sao chúng ta có thể chờ đợi cái tôi có thể phán đoán công bình về vô thức được? Trong các đối tượng bị dồn ép, chúng ta phải nói trước tiên đến những sự đòi hỏi không được tán thành của tình dục; điều này có nghĩa rằng nếu dựa theo lối cái tôi quan niệm về những sự đòi hỏi này chúng ta không bao giờ bihuynh hướng tình dục như sự thỏa mãn đầu tiên. Triệu chứng thay thế một sự thay đổi của thế giới bên ngoài bằng một sự thay đổi của thế giới bên trong, nghĩa là một hành động bên ngoài bằng một hành động bên trong, một hành vi bằng một sự thích ứng, và điều này về phương diện phòng bệnh quả là một sự thụt lùi có nhiều ý nghĩa. Chúng ta sẽ chỉ hiểu những điều đó khi nào có một dữ kiện mới do những công trình nghiên cứu về sau này đưa ra ánh sáng, về sự thành lập của các triệu chứng. Chúng ta nên nhớ lại rằng các triệu chứng được thành lập là nhờ ở sự cộng tác của những hoạt động vô thức giống như những hoạt động đã cộng tác trong việc thành lập giấc mơ, nghĩa là sự cô đọng và di chuyển. Giống như giấc mơ, triệu chứng cũng là hình dung của một cái gì được thực hiện, một sự thỏa mãn có tính cách trẻ con, nhưng nếu có sự cô đọng đến cực độ thì sự thỏa mãn này có thể biến thành một cảm giác hay một sự kích động duy nhất, và nếu có một sự di chuyển cực độ, sự thỏa mãn có thể được giới hạn vào một chi tiết duy nhất của tất cả phức thể tình dục. Cho nên sẽ không có gì ngạc nhiên cả nếu chúng ta cảm thấy sự khó khăn khi muốn tìm thấy trong triệu chứng sự thỏa mãn tình dục mà người ta nghi là có nhưng bao giờ cũng được xác nhận.
Tôi vừa báo cáo các bạn biết các bạn sắp được học một điều mới lạ. Đó là một cái gì không những mới mà còn làm cho chúng ta ngạc nhiên và bối rối nữa. Các bạn biết rằng trong khi phân tích các triệu chứng, chúng ta biết rõ những biến cố trong thời thơ ấu phát sinh ra tình dục và triệu chứng. Vậy mà điều ngạc nhiên là những biến cố trẻ con này không phải bao giờ cũng có thực. Đúng thế, trong phần lớn trường hợp những biến cố này không thực và trong một vài trường hợp chúng lại còn trái lại hẳn sự thực lịch sử nữa. Sự khám phá ra điều này, hơn hết mọi lý lẽ có thể làm cho ta mất lòng tin cậy đối với lời kể của người bệnh mà chúng ta dùng làm căn bản để phân tích và tìm hiểu bệnh thần kinh. Sự khám phá này làm chúng ta bối rối đến cực độ. Nếu những biến cố trong đời sống trẻ con lúc nào cũng có thực, chúng ta cảm tưởng như đang hoạt động trên đất rắn, nếu chúng không có thực, chỉ là trò bịa đặt của người bệnh, chúng ta lập tức phải rời bỏ chúng để đi tìm một con đường khác. Nhưng chúng ta không phải theo con đường nào trong hai con đường đó cả: những biến cố trong thời thơ ấu do phân tích lập lại hay gợi ra được, khi thì sai hoàn toàn, khi lại đúng hoàn toàn và trong phần lớn trường hợp chúng vừa sai vừa đúng. Vì vậy những triệu chứng khi thì hình dung đúng những biến cố có thể xảy ra thực và trong trường hợp này chúng có ảnh hưởng đến sự định cư của khát dục, khi thì chỉ là những điều bịa đặt của người bệnh không có một tính chất căn bệnh gì cả. Tình trạng này làm cho chúng ta bối rối ghê gớm. Nhưng tôi nhắc để các bạn nhớ rằng một vài kỷ niệm trong thời thơ ấu mà con người giữ lại được trong ý thức cũng có thể không đúng sự thực hay ít nhất cũng vừa đúng vừa sai. Vậy mà trong những trường hợp đó rất ít khi chúng lại không tìm ra bằng chứng về sự sai lầm, thành ra chúng ta cũng có thể tự an ủi khi nghĩ rằng điều làm cho chúng ta bối rối không phải do công trình phân tích gây ra mà chính do người bệnh gây ra.
Chỉ cần nghĩ ngợi một chút là ta hiểu ngay cái gì đã làm cho chúng ta bối rối trong tình trạng này: đó chính là lòng khinh ghét sự thực, không chú trọng đến sự khác biệt giữa sự thực và tưởng tượng. Chúng ta có vẻ như khó chịu với người bệnh vì anh ta đã bịa chuyện ra để làm cho chúng ta bực mình. Chúng ta có cảm tưởng như sự thực bị ngăn cách với tưởng tượng bằng một hố sâu không thể lấp bằng được và chúng ta muốn sự thực phải xuất hiện dưới hình thức khác. Đó chính là ý kiến của người bệnh khi họ nghĩ ngợi bình thường. Khi người bệnh đưa cho chúng ta những vật liệu nấp sau triệu chứng hé ra cho chúng ta biết những trạng thái được bóp nặn theo những biến cố trong đời sống trẻ con mà tâm điểm chính là một sự ham muốn được thỏa mãn, chúng ta bao giờ cũng bắt đầu bằng cách tự hỏi không biết những điều đó đúng sự thực hay là những tưởng tượng. Sau đó có một vài dấu hiệu giúp cho ta trả lời được câu hỏi đó và chúng ta cho ngay người bệnh biết nhưng việc cho người bệnh biết không phải là không gặp khó khăn. Nếu ngay lúc đầu chúng ta bảo họ là họ đang kể chuyện tưởng tượng để che giấu việc xảy ra trong thời thơ ấu y như những dân tộc ngày xưa thường đem huyền thoại thay thế lịch sử của họ thì người bệnh lập tức không còn muốn tiếp tục câu chuyện đang kể nữa, mà điều đó không phải là điều ta mong muốn. Chính người bệnh cũng muốn có kinh nghiệm về những điều thực sự đã xảy ra và tuyên bố ghét cay ghét đắng những gì đã tưởng tượng. Nhưng nếu muốn đạt được kết quả, chúng ta phải cho người bệnh cảm tưởng là những điều họ kể đúng với những biến cố thực sự xảy ra trong thời thơ ấu thì biết đâu sau đó người bệnh chẳng trách móc và cười vào mũi chúng ta vì chúng ta đã tỏ ra quá dễ tin. Người bệnh khó lòng hiểu được tại sao chúng ta lại coi việc đúng hay sai là không quan trọng, không cần biết xem những biến cố xảy ra trong thời thơ ấu của họ đúng hay sai sự thực. Vậy mà thái độ của chúng ta đối với sản phẩm của tinh thần không thể nào khác được. Bởi vì những sản phẩm này cũng có nhiều điều đúng sự thực: chỉ có điều là chính người bệnh đã bịa ra những chuyện tưởng tưởng; nhưng đứng về phương diện bệnh thần kinh thì việc người bệnh tưởng tượng ra những câu chuyện cũng không kém phần quan trọng so với việc chính người bệnh đã sống qua những biến cố mà họ kể cho ta nghe. Chính những câu chuyện bịa đặt cũng có một thực thể tinh thần trái với thực thể vật chất và dần dần chúng ta tìm ra chân lý này: trong thế giới của bệnh thần kinh thì thực thể tinh thần giữ vai trò quan trọng hơn cả.
Thực là một điều sai lầm nếu cho tất cả những điều đó đều là tưởng tượng, không có một căn bản thực sự nào cả. Trái lại chúng ta có thể hỏi bà con nhiều tuổi hơn của người bệnh để biết rõ những điều có thực hay không? Ví dụ như một đứa bé vạch chim ra chơi mà không biết rằng đó là một điều cấm, có thể bị cha mẹ hay người lớn dọa sẽ cắt chim hay cắt bàn tay làm bậy đi. Cha mẹ được hỏi về việc này sẽ công nhận là có ngay vì họ cho rằng làm như vậy là phải; nhiều người bệnh nhớ rõ sự đe dọa này lắm nhất là khi sự đe dọa xảy ra vào lúc trẻ con đã hơi lớn. Khi người đe dọa là người mẹ hay thuộc phái nữ, họ thường nói là nếu không thôi họ sẽ bảo người cha hay người thầy thuốc thiến. Vị bác sĩ chuyên về nhi khoa ở Franfurt ghi lại trong một cuốn sách nổi tiếng là khi đứa bé mút tay người ta thường dọa ngắt tay của nó. Sự thực là trường hợp trẻ con bị người lớn dọa thiến không nhiều như những người bệnh thần kinh thường kể cho nhà phân tâm học nghe. Có thể là đứa bé tưởng tượng ra sự đe dọa đó nhờ vào một vài điềm ám chỉ đã được nghe, hoặc là vì nó biết người lớn không cho nó nghịch ngợm như thế hoặc vì đã nhìn thấy bộ phận sinh dục của con gái. Ngay cả trong những gia đình không nghèo nàn, rất ít khi trẻ con được chứng kiến sự giao hợp của cha mẹ hay người lớn để sau này nhớ lại, chúng thường phản ứng lại với cảm giác đã nhận được khi chứng kiến những cảnh đó. Nhưng khi trẻ con tả lại những cuộc giao hợp mà nó có thể đã chứng kiến với quá nhiều chi tiết có thể quan sát được, nhất là nó lại tả như chính nó trông thấy tận mắt cảnh tượng giao hợp đó, người ta sẽ không còn nghi ngờ gì nữa là những điều nó tả là những điều nó trông thấy trong khi chứng kiến sự giao hợp của giống vật (ví dụ như giống chó) trong khi chính đứa bé đến tuổi dậy thì cũng thấy rạo rực trong lòng khi chứng kiến cảnh tượng giao hợp. Trường hợp đặc biệt hơn cả là đứa bé cho rằng chính mắt mình nhìn thấy rõ ràng cha mẹ đang giao hợp với nhau khi chính nó còn đang ở tuổi còn bú mẹ. Việc bị người lớn quyến rũ cần được quan tâm đặc biệt hơn vì thường thường nó không phải là trường hợp tưởng tượng mà chính là kỷ niệm còn giữ được của một sự việc có xảy ra thực. Nhưng dù có hay không xảy ra chăng nữa thì con số những sự việc này cũng ít hơn người ta tưởng khi người bệnh kể lại. Việc một đứa bé gái bị những trẻ trai lớn hơn hay cùng tuổi quyến rũ hay xảy ra hơn trường hợp bị người lớn quyến rũ nhất là trong khi chính đứa bé gái kể lại người quyến rũ nó chính là người cha, chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là những chuyện tưởng tượng và chúng ta không còn nghi ngờ gì về lý do tại sao chúng ta buộc tội người cha như thế. Trẻ con vào tuổi bị tình dục giày vò thường bịa ra chuyện bị quyến rũ để chứng minh việc mình thủ dâm. Các bạn cũng đừng tin rằng việc người lớn tìm cách thỏa mãn tình dục với những đứa bé hoàn toàn do trí tưởng tượng thêu dệt ra. Phần lớn các nhà phân tâm học đều đã phải chữa chạy những trường hợp như thế rồi và lạm dụng tình dục này quả đã có xảy ra nhiều lần không ai chối cãi được: chỉ có điều là những sự lạm dụng này thường xảy ra chậm hơn là thời gian mà con trẻ thường kể.
Người ta có cảm tưởng rằng tất cả những biến cố xảy ra trong thời thơ ấu này là yếu tố cần thiết của mọi bệnh thần kinh. Nếu những biến cố này phù hợp với sự thực thì càng hay, nếu không đúng với sự thực tất nhiên là chúng được hình thành bằng một vài dấu vết rồi được trí tưởng tượng bổ túc thêm thắt vào. Kết quả thì vẫn như nhau dù điều kể ra đúng sự thực hay không. Ở đây chúng ta có một liên quan bổ túc đã được nói đến rất nhiều nhưng liên quan ở đây là liên quan lạ lùng nhất trong các liên quan mà chúng ta biết từ trước tới giờ. Tại sao trẻ con lại cần phải bịa ra những chuyện đó và nó lấy tài liệu ở đâu để bịa như thế? Về lý do tại sao chúng lại bịa thì chẳng còn gì hồ nghi nữa, điều cần cắt nghĩa là tại sao, bao giờ cũng chỉ có từng ấy chuyện bịa xuất hiện, nội dung giống hệt như nhau? Tôi biết các bạn sẽ cho câu trả lời của tôi là quá táo bạo. Tôi nghĩ rằng những chuyện bịa đó đều có tính cách sơ khai và do ý muốn dự phòng được ông bà truyền lại cho. Do những chuyện bịa này, người bệnh lại ngập đầu trong đời sống cổ sơ khi thấy đời mình hiện đang sống cổ lỗ quá. Có thể là những điều bịa đặt đó chuyện bị quyến rũ, chuyện bị kích thích khi nhìn thấy cha mẹ giao hợp, chuyện bị đe dọa đem thiến hay chuyện bị thiến thực - đều là những chuyện có thực, đã xảy ra trong thực sự trong những giai đoạn sơ khởi của nhân loại, và khi dùng trí tưởng tượng bịa đặt ra những chuyện đó đứa bé chỉ dùng sự thực của thời tiền sử để lấp một chỗ trống trong sự thực của người đời. Tôi luôn luôn có cảm tưởng rằng tâm lý của những bệnh nhân thần kinh có thể cho chúng ta biết nhiều điều về những giai thoại đầu tiên của loài người lớn hơn bất cứ một tài liệu nào.
Những vấn đề vừa được nghiên cứu buộc chúng ta phải xét đến vấn đề nguồn gốc và vai trò của sự hoạt động trí thức mà người ta gọi là “sự tư tưởng trong ngông cuồng này”. Người ta chú trọng nhiều đến trí tưởng tượng ngông cuồng này nhưng không biết rõ vị trí thực sự của nó như thế nào trong đời sống tinh thần. Đây là những điều tôi có thể nói với các bạn về vấn đề. Vì bị sự cần thiết của cuộc đời thôi thúc nên con người dần dần biết phán đoán sự thực một cách đúng hơn, biết dung hòa thái độ của mình với điều mà người ta gọi là “nguyên lý thực tế” và tạm thời rời bỏ những đối tượng và mục đích của các khuynh hướng hưởng lạc, kể cả khuynh hướng tình dục. Sự rời bỏ này đối với con người là một điều khổ sở và con người luôn luôn tìm cách để đền bù vào đó. Vì thế cho nên con người tự dành cho mình một sự hoạt động tinh thần, để làm sao cho những sự hưởng lạc mà anh ta bị bắt buộc phải rời bỏ vẫn tồn tại dưới một hình thức khác không trái với sự đòi hỏi của thực tế và điều mà chúng ta gọi là “sự thử thách của cuộc đời”. Lúc đó mọi khuynh hướng đều lấp dưới hình thức mà nó cho đã được thỏa mãn, con người lúc đó cũng cảm thấy được thỏa mãn với những điều mà trí óc tưởng tượng là thỏa mãn và không thấy thắc mắc gì cả. Vì vậy con người vẫn tiếp tục được tự do hoạt động trong trí tưởng tượng của mình trong khi trong đời sống thực tế không còn được tự do nữa. Con người đã là, được một điều vô cùng khó khăn là có thể vừa sống như con vật đi tìm khoái lạc vừa sống như một con người có đủ lý trí. Nhưng sự thỏa mãn ít ỏi mà anh ta có được không chịu dừng lại ở đó. Th.Fontane đã nói: “Chúng ta không thể nào bỏ qua được những sự xây dựng phụ thuộc”. Sự sáng tạo ra vương quốc tinh thần của trí tưởng tượng tinh thần giống hệt như sự dự trữ tài nguyên thiên nhiên trong những nơi mà đòi hỏi của canh nông, giao thông và kỹ nghệ đã biến đổi hẳn tính chất sơ khai của đất màu, đến nỗi người ta không còn nhận ra một dấu vết gì của tình trạng sơ khởi nữa, mà người ta đã bị bắt buộc phải hy sinh vì lợi ích của thực tế. Trong sự dự trữ đó, mọi điều kể cả những điều vô ích nguy hại đều được tự do phát triển. Vương quốc tinh thần của trí tưởng tượng ngông cuồng chính là sự dự trữ tài nguyên thiên nhiên như thế và không chịu sự kiểm soát của thực tế.
Sản phẩm được biết rõ nhất của trí tưởng tượng chính là những “giấc mơ trong khi thức” hiện thân cho những sự thỏa mãn tưởng tượng của những tham vọng to lớn, tình ái, càng đầy đủ, huy hoàng bao nhiêu khi đời sống thực tế khiêm nhường và đòi hỏi kiên nhẫn bấy nhiêu. Trong các giấc mơ trong khi thức này người ta nhận thấy thực chất của cái hạnh phúc tưởng tượng làm cho con người được hưởng mọi sự khoái lạc bất cần những thực tế của cuộc đời. Chúng ta biết những giấc mơ trong khi thức đó chính là trung tâm điểm và điển hình cho những giấc mơ ban đêm. Một giấc mơ ban đêm chẳng khác gì hơn là một giấc mơ trong khi thức được đơn giản hóa nhờ các khuynh hướng được tự do hoạt động trong đêm, bị biến dạng bởi sự hoạt động ban đêm của tinh thần. Chúng ta đã quen với ý tưởng cho rằng những giấc mơ trong khi thức không phải lúc nào cũng nằm trong ý thức và có những giấc mơ trong khi thức vô thức này cũng có thể trở thành nguồn gốc của những triệu chứng bệnh thần kinh chẳng khác gì những giấc mơ ban đêm.
Điều đó chính là giúp cho các bạn hiểu rõ về địa vị của trí tưởng tượng ngông cuồng trong việc thành lập triệu chứng. Tôi đã nói rằng trong những trường hợp bị thiếu thốn, tình dục thường lùi về dĩ vãng, chiếm lại những vị trí đã vượt qua, nhưng vẫn để lại trong những vị trí đó một cái gì của chính mình. Không muốn thay đổi một điều gì trong điều khẳng định đó, tôi muốn đưa cho các bạn xem một mấu chốt ở giữa cái dây chuyền đó. Khát dục là cách nào tìm thấy lại con đường đưa nó quay về những điểm định cư? Những đối tượng và chiều hướng vẫn còn tồn tại với một cường độ nào đó trong sự phát hiện của trí tưởng tượng ngông cuồng. Khát dục chỉ cần tìm lại những sự phát hiện đó để tìm thấy con đường dẫn mình về điểm định cư, bị dồn ép. Những sự phát hiện này đã thả lỏng một phần nào và không xung đột với cái tôi, tuy vẫn luôn luôn đi ngược đường với cái tôi với một điều kiện nào đó, một điều kiện có tính chất lượng hơn là phẩm, và chính điều kiện này đã bị xáo trộn khi khát dục quay trở lại với những đối tượng tưởng tượng. Chính vì có sự quay về này nên năng lượng của những đối tượng đột nhiên tăng lên và đòi hỏi một sự thỏa mãn. Do đó mới phát sinh ra sự xung đột với cái tôi. Dù trước kia chúng có tính chất ý thức hay tiềm thức chăng nữa thì bây giờ chúng bị cái tôi dồn ép và hướng về vô thức. Từ những sự tưởng tượng ngông cuồng vô thức đó, khát dục quay trở về nguồn gốc của chúng trong vô thức đến những điểm định cư của chính mình.
Sự thụt lùi của khát dục về những đối tượng tưởng tượng chính là một giai đoạn ở giữa trên con đường dẫn tới sự phát sinh ra triệu chứng. Và giai đoạn này đáng được gọi bằng một tên riêng. C.G. Jung đề nghị một cái tên rất hay là một sự “tái nhập nội tâm”. Ta gọi sự tái nhập nội tâm là việc khát dục xa lánh các sự thỏa mãn thực sự để quay về với những sự tưởng tượng ngông cuồng mà từ trước tới nay người ta thường cho là vô hại. Một người “tái nhập nội tâm” chưa hẳn là bị bệnh thần kinh nhưng cũng ở vào một tình trạng bất định: một khi không tìm được lối thoát cho sự thỏa mãn tình dục, anh ta sẽ trở thành người bệnh. Trái lại với tính cách không thực của sự thỏa mãn trong bệnh cùng với sự xóa bỏ các sự khác biệt giữa trí tưởng tượng và sự thực có mặt ngay từ giai đoạn đầu tiên của sự tái nhập nội tâm.
Các bạn hẳn đã nhận thấy rằng trong những lời giải thích gần nhất, tôi đã đưa ra một yếu tố mới trong việc tìm căn bệnh đó là năng lượng, độ lớn của nghị lực đem dùng, một yếu tố mà chúng ta phải coi trọng. Phân tích mà chỉ nói đến phẩm chất của các điều kiện căn bệnh thôi thì không đủ. Hay nói cho rõ hơn một quan niệm thuần túy di động của các hoạt động tinh thần là thiếu sót: chúng ta còn phải có một quan niệm kinh tế nữa. Chúng ta phải tự bảo là sự xung đột giữa hai khuynh hướng chỉ bùng nổ khi chúng đạt tới một cường độ nào đó thôi, dù rằng những điều kiện thuộc về nội dung của các khuynh hướng đó có từ lâu rồi. Tầm quan trọng về phương diện của các yếu tố cấu tạo bản chất cũng tùy thuộc ở sức mạnh về lượng của khuynh hướng này hay khuynh hướng khác liên quan đến những tính tình cấu tạo bản chất. Người ta có thể cho rằng những cấu tính của con người đều giống nhau về lượng mà thôi. Ngay cả các yếu tố về lượng của những sự chống đối về căn bệnh thần kinh mới xuất hiện cũng có tính chất quyết định không kém. Mọi sự đều tùy thuộc vào số lượng tình dục không được dùng đến mà có một người có thể tích lũy được và vào cái phần to hay nhỏ của tình dục mà người đó có thể hướng dẫn ra khỏi con đường tình dục về sự hoán chuyển. Về phương diện phẩm chất mục đích cuối cùng của sự hoạt động tinh thần được mô tả như một khuynh hướng tìm khoái lạc và tránh sự khó nhọc, nhưng về phương diện kinh tế, mục đích này phải được coi như một cố gắng để chế ngự được sự kích động ở trung tâm guồng máy tinh thần và như một cố gắng để tránh sự khó nhọc xảy đến vì tính cách tù túng của những sự kích động đó.
Đó là tất cả những điều tôi muốn nói với các bạn về sự phát sinh ra triệu chứng bệnh thần kinh nhưng tôi cần nhất mạnh rằng tôi chỉ nói đến sự phát minh ra các bệnh bị ám ảnh, tuy những sự kiện căn bệnh náo loạn thần kinh giữ một địa vị quan trọng bậc nhất trong bệnh ám ảnh với tư cách của những sự thành lập có tính cách phản ứng. Trong các bệnh thần kinh khác đang được nghiên cứu, chúng ta cũng thấy có những sự khác biệt giống y như thế và có khi còn sâu xa hơn.
Trước khi chấm dứt bài này tôi muốn các bạn để ý đến một khía cạnh thích thú nhất trong đời sống tưởng tượng. Có một con đường ngược trở lại dẫn từ trí tưởng tượng ngông cuồng quay về với thực tế đó là nghệ thuật. Người nghệ sĩ chính là một con người tái nhập nội tâm gần giống như người bệnh thần kinh. Bị thúc đẩy bởi những khuynh hướng vô cùng mạnh mẽ, người nghệ sĩ muốn chiếm đoạt được danh vọng, quyền hành, của cải, vinh quang và tình ái. Nhưng nghệ sĩ không có phương tiện để đạt mục tiêu đó. Vì thế nên, cũng như những người không được thỏa mãn khác, nghệ sĩ quay mặt đi để không nhìn thực tế nữa, tập trung hết mọi quan tâm, tình dục của mình vào những sự ham muốn mà trí tưởng tượng của mình đã tạo ra và điều đó có thể làm cho anh ta bị bệnh thần kinh được. Muốn khỏi đi đến chỗ đó cần có nhiều điều kiện thuận lợi khác: và đã có biết bao nhiêu nghệ sĩ khổ sở vì bệnh thần kinh nên phải ngừng hoạt động. Có thể là bản chất nghệ sĩ dễ đưa đến những sự hoán chuyển hơn và yếu ớt hơn trong việc dồn ép các khuynh hướng gây bệnh. Và đâu là lối mà những nghệ sĩ đã dùng để thấy lại con đường của thực tế. Tôi không cần nói cho các bạn biết nghệ sĩ không phải là những người duy nhất sống một cuộc đời tưởng tượng. Phạm vi của trí tưởng tượng ngông cuồng là con đường trung dung được mọi người trong thế giới quí mến và tất cả những người nào thiếu thốn một cái gì thường (phàm nhân) chỉ được trí tưởng tượng ngông cuồng dành cho một khoái lạc giới hạn. Những sự dồn ép không thương hại trong họ bắt buộc họ phải tạm hài lòng với những giấc mơ trong khi thức mà nhiều khi học không ý thức được. Người nghệ sĩ thực sự có thể làm hơn thế. Ông ta gán cho những giấc mơ trong khi thức của mình một hình thức mấy hết tính cách cá nhân làm cho người khác khó chịu và trở thành một nguồn hưởng thụ cho người khác. Nghệ sĩ cũng biết làm cho sự vật đẹp lên để che giấu nguồn gốc đáng nghi. Nghệ sĩ còn có quyền lực bí ẩn nhào nặn các vật liệu để trở thành hình ảnh trung thành của trí tưởng tượng vô thức là cho trí tưởng tượng này gây ra một nguồn khoái lạc đủ để che giấu bản hay hủy bỏ, dù chỉ là tạm thời những sự dồn ép. Thực hiện được những điều đó, nghệ sĩ có thể hiến cho người khác niềm an ủi trong nguồn hưởng thụ của vô thức của chính họ: nghệ sĩ vì thế được mọi người cảm ơn và kính phục, bằng cách đó đã đạt được những điều trước kia chỉ có trong tưởng tượng của mình thôi: đó là danh vọng, quyền lực và tình ái.