Dịch Giả: Nguyễn Xuân Hiến
Những khó khăn đầu tiên
Phần thứ hai: Giấc mơ

Một hôm loài người tìm ra rằng những triệu chứng bệnh hoạn của những người thần kinh không vững, chắc chắn có một ý nghĩa. Đó là điểm khởi đầu của phương pháp trị bệnh bằng phân tâm học. Trong lúc chữa chạy người ta thấy rằng các người bệnh thường coi những giấc mơ như những dấu hiệu chứng bệnh hoạn. Vì thế người ta đồn rằng những giấc mơ đó cũng có một ý nghĩa gì.
Đáng lẽ phải theo thứ tự lịch sử trong công việc khảo sát, chúng ta lại bắt đầu bằng cách đi từ dưới lên trên, từ sau ra trước. Để chuẩn bị cho việc khảo sát các bệnh thần kinh chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của những giấc mơ. Sở dĩ chúng ta có thể đảo lộn trật tự trước sau như thế là vì giấc mơ không những giúp nhiều trong công việc chuẩn bị khảo sát về bệnh thần kinh mà giấc mơ còn là một triệu chứng của bệnh thần kinh này. Đó là một triệu chứng rất tốt vì chúng ta có thể quan sát thấy gần như ở khắp mọi người kể cả những người sức khoẻ bình thường. Khảo sát những người khoẻ mạnh bình thường mà nằm mơ, chúng ta cũng thu lượm được những kết quả như khi khảo sát người mắc bệnh thần kinh.
Chính vì thế nên giấc mơ trở thành đối tượng khảo sát của môn phân tâm học. Giấc mơ là một hiện tượng tầm thường, một hiện tượng không được coi là quan trọng, bề ngoài có vẻ chẳng có giá trị thực tế gì, cũng như những người khoẻ mạnh bình thường, vì thế nên giấc mơ không hiến cho chúng ta những điều kiện khảo sát có giá trị. Những hành vi sai lạc không được khoa học để ý đến và mọi người chỉ hơi để ý đến thôi; nhưng dù sao khảo sát các hành vi sai lạc này chả có gì đáng xấu hổ, người ta có thể tự nhủ là những hành vi sai lạc cũng có thể hiến cho chúng ta những dữ kiện để khảo sát những công trình quan trọng hơn. Nhưng khảo sát các giấc mơ thường được coi như làm một công việc chẳng có ích lợi gì trong thực tế đã vô ích mà còn bị coi như một trò giải trí đáng xấu hổ nữa, một công việc phản khoa học chứng tỏ người muốn khảo sát là một người muốn làm một chuyện thần bí. Làm sao một bác sĩ lại có thể khảo sát về giấc mơ được trong khi môn bệnh lý thần kinh học và môn thần kinh học hiến cho chúng ta những hiện tượng đúng đắn hơn nhiều: những cái nhọt bọc trong cơ năng thần kinh hệ, những sự xuất huyết, những chứng viêm mạn v v...không được! Giấc mơ là một thứ vô nghĩa không đáng cho chúng ta khảo cứu.
Ngoài ra giấc mơ còn là một thứ gì phản trái hẳn với những đòi hỏi của khoa học, mà nhà khảo cứu không thể có một yếu tố gì chắc chắn. Ví dụ như một ý tưởng cố chấp cũng có những giới hạn rõ ràng. Một người bệnh tuyên bố rầm rĩ: “Tao là Hoàng đế nước Trung Hoa đây”. Chứ còn giấc mơ! Nhiều khi người ta không kể cho ta nghe giấc mơ nữa. Khi một người kể cho ta nghe giấc mơ của họ, có gì chứng tỏ rằng những điều anh ta kể là đúng, rằng trong khi kể anh ta lại không tìm cách phóng đại ra, có gì chứng tỏ anh ta lại không thêm thắt một vài điều tưởng tượng bởi vì anh ta không nhớ rõ. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều khi người ta không nhớ lại cả giấc mơ nữa, chỉ nhớ được một vài mảnh vụn chả có nghĩa lý gì. Vậy mà, người ta tạo lập cả một khoa học tâm lý và một phương pháp trị bệnh trên những nền móng mỏng manh như thế?
Chúng ta bao giờ cũng nên ghi nhớ những lý luận hơi quá đáng. Quả là những điều đưa ra để bài bác giấc mơ có đi hơi quá xa.. Người ta bảo rằng những giấc mơ có một ý nghĩa chả có gì. Thì chúng ta chẳng có cơ hội để trả lời bài bác tương tự như thế rồi sau khi khảo cứu các hành vi sai lạc sao? Lúc đó chúng ta đã tự nhủ là những việc quan trọng nhiều khi cũng được phát hiện bằng những dấu hiệu rất tầm thường. Còn việc giấc mơ có tính cách mơ hồ thì đó cũng chỉ là một đặc tính như những đặc tính khác; chúng ta làm sao có thể bắt buộc sự việc phải có những đặc tính mà chúng ta muốn. Vả lại cũng có những giấc mơ rõ ràng và có giới hạn nhất định. Ngoài ra chính những nhà thần kinh học cũng khảo sát những hiện tượng cũng có tính chất mơ hồ như thí dụ những trường hợp có những ý tưởng cố chấp mà nhiều vị bác sĩ thần kinh học nổi tiếng thường khảo cứu. Tôi nhớ đến một trường hợp đã gặp trong thời kỳ chữa bệnh. Người bệnh bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe: “ Tôi có cảm tưởng muốn làm hại một sinh vật nào đó.. Hại một đứa trẻ con! Không phải, hình như là hại một con chó thì phải. Tôi có cảm tưởng là vừa vứt một con chó xuống sông hay làm gì cho nó bị đau đớn lắm”. Để sửa chữa tính cách mơ hồ của những giấc mơ, chúng ta phải nói ngay là chúng ta chỉ coi là những giấc mơ những điều mà người nằm mơ kể lại cho chúng ta nghe thôi chứ không để ý đến việc người đó có thể nhớ không kỹ hay sửa đổi những điều anh ta nhớ lại. Sau cùng người ta không có quyền cho rằng giấc mơ là một hiện tượng không quan trọng. Ai cũng đều biết có những trường hợp trong đó căn bệnh bắt đầu bằng một giấc mơ và người bệnh cứ giữ mãi một ý tưởng bắt nguồn trong giấc mơ. Người ta kể rằng có nhiều nhân vật lịch sử đã tìm thấy trong giấc mơ động lực thúc đẩy mình làm nên những chuyện to tát. Vì thế chúng ta có thể tự hỏi xem sự coi khinh các giấc mơ trong giới khoa học bắt nguồn từ đâu?
Tôi cho rằng nó bắt nguồn ở chỗ ngày xưa người ta lại gán cho những giấc mơ một tầm quan trọng quá đáng. Ai cũng biết là chúng ta không thể dễ dàng quay trở lại quá khứ nhưng chúng ta có thể không ngần ngừ gì mà không cho rằng tổ tiên của chúng ta cách đây hai ngàn năm hay hơn nữa cũng nằm mơ như chúng ta vậy. Theo chỗ chúng ta biết thì tất cả những dân tộc cổ xưa đều gán cho các giấc mơ giá trị rất cao và coi những giấc mơ như một thứ gì có thể dùng được việc, ví dụ như dùng để đoán trước tương lai hay coi đó là một điềm báo trước một sự gì. Đối với người Hi lạp ngày xưa cũng như đối với một số người dân tộc Phương Đông, đi đánh trận mà không đem theo những người chuyên môn giải các giấc mơ là việc không thể có được, cũng như ngày nay chúng ta đi đánh trận mà không có máy bay trinh sát. Khi Đại đế Alexandre đi chinh phục mọi nơi, bao giờ ngài cũng đem theo những nhà chuyên môn giải các giấc mơ nổi tiếng nhất. Trong cuộc tấn công thành Tyr, trước sức chống giữ mãnh liệt của thành này, nhà vua định không bao vây nữa, nhưng đột nhiên nằm mơ thấy một con quỷ nhảy nhót điên cuồng. Người thầy bói đoán rằng đó là một điềm chiến thắng. Vua liền ra lệnh tiếp tục tấn công và hạ được thành. Dân tộc Etrusques và La Mã tuy có dùng những phương pháp khác nhau để dự đoán tương lai nhưng cũng dùng những giấc mơ trong suốt thời gian La Hy. Về vấn đề này chúng ta chỉ còn giữ lại được một cuốn Artémidore ở Ephesé từ thời Hoàng đế Adrien.
Tại sao nghệ thuật đoán mộng lại suy sụp và những giấc mơ không còn được tin cậy nữa? Tôi chịu không thể nói cho các bạn nghe được. Người ta có thể cho rằng học vấn chính là nguyên nhân của sự suy sụp và coi khinh nó vì Thời trung cổ hãy còn giữ lại được những điều khó hiểu gấp bội sự đoán mộng. Nhưng sự thực là giấc mơ dần dần trở thành một thứ mê tín dị đoan chỉ còn được những kẻ vô học để ý đến mà thôi. Mãi tận ngày nay người ta vẫn hay còn tin tưởng vào giấc mơ để mua vé số. Trái lại khoa học ngày nay lại càng để ý đến những giấc mơ, nhưng với ý định áp dụng vào đó những lý thuyết về tâm lý học. Các thầy thuốc coi giấc mơ không phải là một hoạt động tinh thần nhưng là một sự phát biểu của các sự kích thích về cơ thể có dính dáng đến tinh thần. Năm 1987, Binz tuyên bố rằng “giấc mơ là một sự hoạt động của thể xác, chẳng có ích lợi gì nhiều khi còn có tính cách bệnh hoạn nữa. Đối với linh hồn bao quát và sự bất tử, giấc mơ ở vào địa vị của một mảnh đất cát đầy cỏ dại, dưới một cái vực nào đó với bầu không khí trong xanh trên nền trời cao vút”. Maury coi giấc mơ như những sự nhảy nhót điên cuồng của vũ điệu Saint Guy, trái với những hành động có trật tự của những con người bình thường. Ngày xưa người ta còn so sánh những giấc mơ với những thanh âm do một người thông thạo về âm nhạc phát ra trên phím đàn.
Giải thích tức là tìm những ý nghĩa chưa rõ rệt: nhưng người ta không thể nói đến chuyện giải thích các giấc mơ khi người ta khinh chúng như thế. Các bạn hãy đọc trong tác phẩm của Wund, Jodt và các triết gia khác: tất cả đều chỉ liệt kê những điểm khác nhau giữa giấc mơ và tình trạng thức, hay chú ý đến những sự phân hoá của các liên tưởng, sự biến mất của trí óc phê bình, của mọi trí thức và những dấu hiệu tỏ ra rằng giấc mơ không có giá trị gì hết. Khoa học chỉ đóng góp vào việc tìm hiểu giấc mơ bằng mỗi một điểm, đó là việc xét ảnh hưởng của những sự kích động về cơ thể trong khi ngủ đối với nội dung giấc mơ. Một tác giả người Na uy đã để lại cho chúng ta hai cuốn sách về những thí nghiệm về giấc mơ liên quan đến các kết quả của sự chuyển động chân tay thôi. Người ta cho rằng những công trình khảo cứu đó là những công trình có giá trị về giấc ngủ. Nhưng khoa học sẽ nói thế nào nếu biết rằng chúng ta đang tìm hiểu ý nghĩa của những giấc mơ? ý kiến của khoa học ra sao thì mình đã biết rồi, nhưng tôi không hề thấy nản lòng trước ý kiến đó. Một khi các hành vi sai lạc cũng có một ý nghĩa thì chẳng có gì ngăn cản các giấc mơ cũng có một ý nghĩa và trong nhiều giấc mơ chúng ta đã thấy là quả thực là chúng có một ý nghĩa mà khoa học không tìm ra được. Vì vậy chúng ta hãy công nhận làm của riêng của chúng ta và cái quan niệm của người xưa về các giấc mơ, và chúng ta hãy đi lại con đường của họ về cách đoán mộng.
Trước hết, chúng ta phải tìm hướng đi cho công việc của chúng ta và duyệt lại phạm vi của giấc mơ. Vậy giấc mơ là gì? Thực khó trả lời câu hỏi đó bằng một định nghĩa. Vì thế nên chúng ta sẽ không cố gắng đưa ra một định nghĩa trong khi không ai là người không biết đến giấc mơ cả. Nhưng chúng ta phải đưa ra ánh sáng những đặc tính của giấc mơ. Nhưng tìm đâu ra bây giờ? Trong phạm vi các giấc mơ có biết bao nhiêu thứ. Những đặc tính cần thiết chúng ta nêu ra sẽ là những đặc tính chung cho mọi giấc mơ.
Đặc tính chung thứ nhất là chúng ta chỉ nằm mơ khi chúng ta ngủ thôi. Dĩ nhiên những giấc mơ chỉ là một sự hoạt động của tinh thần trong khi ngủ, và nếu đời sống tinh thần này có một vài điểm gì giống như đời sống trong trạng thái thức tỉnh thì trái lại cũng có những điểm khác với đời sống này. Đó là định nghĩa của Aristote. Giữa giấc ngủ và giấc mơ có thể có những liên quan chặt chẽ. Nhiều khi chúng ta bị giấc mơ đánh thức dậy, nhiều khi đang mơ chúng ta đột nhiên tỉnh dậy, hay bị đánh thức dậy một cách đột ngột. Như vậy tức là giấc mơ là một tình trạng trung gian giữa giấc ngủ và tình trạng thức tỉnh. Như thế tức là chúng ta lại quay về với giấc ngủ. Vậy giấc ngủ là gì?
Giấc ngủ là một vấn đề của sinh lý hay của đời sống, đến nay người ta hãy còn bàn cãi chưa dứt khoát. Chúng ta phải tìm những đặc tính của giấc ngủ về phương diện sinh lý.. Giấc ngủ là một trạng thái mà trong đó người ta ngủ không muốn biết gì về đời sống bên ngoài nữa, quyền lợi của người ngủ thoát hẳn ra thế giới bên ngoài, muốn thoát khỏi sự kích động của thế giới bên ngoài vào. Tôi đi ngủ khi mệt mỏi vì đời sống bên ngoài và vì sự kích động đó. Khi đi ngủ tôi bảo đời sống bên ngoài biết nên để cho tôi yên vì tôi muốn ngủ. Đứa bé con, trái lại lại nói: “tôi chưa muốn đi ngủ, tôi không mệt, tôi muốn thức nữa”. Vậy khuynh hướng đời sống của giấc ngủ là sự không thèm để ý đến đời sống bên ngoài nữa. Đối với thế giới mà chúng ta bị bắt buộc phải bước vào mà không hề muốn, chúng ta ở vào một trạng thái làm cho chúng ta không thể nào chịu đựng được một cuộc sống liên tục mãi mãi không ngừng. Vì thế cho nên thỉnh thoảng ta lại phải ru mình vào trạng thái của chúng ta trước khi ra đời trong lúc còn đang nằm trong dạ con. Ít nhất trong tình trạng đó chúng ta cũng tự tạo cho ta những điều kiện của đời sống: nào nhiệt độ, nào bóng tối, nào sự vắng mặt của mọi sự kích động. Nhiều người trong chúng ta nằm ngủ co quắp như khi đang còn nằm trong bụng mẹ. Người ta có thể cho rằng khi đã trưởng thành chúng ta chỉ sống hai phần ba đời người trong trạng thái trưởng thành thôi còn phần ba kia chúng ta sống như chưa ra đời. Trong những điều kiện đó, mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy chúng ta có cảm tưởng như vừa mới sinh ra đời vậy. Chúng ta chẳng vẫn thường nói về trạng thái của chúng ta khi tỉnh dậy rằng chúng ta như một đứa trẻ sơ sinh sao? Nói như thế thực ra chúng ta có một ý niệm rất sai về đứa bé sơ sinh. Sự thực là ta phải đồ rằng đứa bé lúc mới ra đời chẳng có gì là dễ chịu cả. Nói về sự sinh ra đời chúng ta chẳng thường nói là ra ngoài ánh sáng đó sao?
Nếu giấc ngủ như chúng ta vừa nói thì giấc mơ không thể là một thành phần trong giấc ngủ mà lại còn là một cái gì rất khó chịu. Chúng ta thường cho rằng những giấc ngủ không mơ là những giấc ngủ tốt đẹp nhất, đó mới chính là một giấc ngủ độc nhất thực sự; không có một hoạt động tinh thần nào được có trong giấc ngủ. Nếu có một hoạt động tinh thần nào thì tức là chúng ta không thành công trong công việc quay lại trạng thái của bào thai, chưa rũ bỏ lại được những cái gì còn sót lại trong đời sống bên ngoài. Giấc mơ không gì khác hơn là những cái gì còn sót lại đó, và có vẻ như những giấc mơ không có ý nghĩa gì cả. Những hành vi sai lạc, những hoạt động của tình trạng tỉnh có tính chất khác hẳn. Nhưng khi tôi ngủ sau khi đã thành công trong việc chấm dứt mọi hoạt động tinh thần ngoài một dư âm còn sót lại, thì những dư âm này cần gì phải có ý nghĩa. Dù rằng có ý nghĩa thì tôi cũng chẳng thể dùng được vào việc gì cả, vì đời sống tinh thần của tôi đã ngừng lại khi tôi ngủ. Giấc mơ có thể chỉ là những phản ứng xuất hiện dưới hình thức những sự co quắp, những hiện tượng tinh thần do sự kích động cơ thể gây nên. Những giấc mơ có thể là những cái gì còn sót lại của đời sống tinh thần lúc đang thức, những cái còn sót lại có thể làm cho giấc ngủ không yên; và như thế chúng ta chỉ còn có việc bỏ rơi vấn đề coi như không thuộc môn phân tâm học.
Dù cho rằng những giấc mơ chẳng có ích lợi gì cả, đó vẫn là những sự gì có thực mà chúng ta cần cố gắng cắt nghĩa sự có thực này. Tại sao đời sống tinh thần lại không ngủ nhỉ? Chắc chắn là có một vài sự gì chống lại giấc ngủ đó. Có lẽ có những sự kích động làm cho đời sống tinh thần phản ứng lại.
Vậy giấc mơ chính là sự phản ứng của linh hồn chống lại những sự kích động phát sinh ra trong giấc ngủ. Đến đây chúng ta đã nhìn thấy một con đường bỏ ngỏ trong việc tìm kiếm giấc mơ. Chúng ta có thể tìm xem có những kích động nào đã làm cho giấc ngủ không yên và người ngủ phản ứng lại. Như thế chúng ta sẽ đưa ra được đặc tính chung thứ nhất cho các giấc mơ.
Ngoài ra còn đặc tính chung nào nữa không? Tất nhiên là có nhưng khó nắm được và mô tả được. Sự hoạt động tâm lý trong lúc ngủ khác hẳn trong khi thức. Trong lúc ngủ, người ta chứng kiến những biến cố mà người ta tin tưởng trong khi thực tế đó có thể chỉ là những sự kích động cơ thể làm cho giấc ngủ không yên. Người ta nhìn thấy các hình ảnh nhiều khi có kèm theo những tình cảm, ý kiến và cảm giác do các giác quan khác hơn là thị giác cung cấp, nhưng dù sao thì những hình ảnh bao giờ cũng trội hơn. Cho nên khi chúng ta kể lại một giấc mơ, điều khó cho chúng ta là làm sao diễn tả những hình ảnh đó thành lời nói. Có nhiều khi một người nằm mơ bảo là: tôi có thể vẽ lại cho ông xem giấc mơ của tôi chứ tôi không thể kể lại được. Đó không phải là một hoạt động tinh thần sút kém như trong trường hợp những người kém tinh thần bên cạnh những người có tài: hình như có một sự khác biệt về phẩm nhưng không ai biết khác biệt ra sao. G.Th.Fisher cho rằng sân khấu của giấc mơ khác hẳn sân khấu của tình trạng thức tỉnh. Đó là một điều chúng ta không hiểu, không biết nghĩ ra sao nhưng cũng biết diễn tả được cảm giác lạ lùng khi ta nằm mơ rồi thức dậy. Sự so sánh những hoạt động trong giấc mơ với những thanh âm phát ra từ các phím đàn do tay của một người không hiểu biết về âm nhạc đối với chúng ta chẳng có ích lợi gì hết, vì dù không thạo về âm nhạc đi chăng nữa thì trường hợp khi đặt tay lên phím đàn người ta cũng làm phát ra những thanh âm, và những thanh âm này không cần du dương cho lắm. Đó là đặc tính chung thứ hai của các giấc mơ, dù chưa được hiểu rõ.
Còn có những đặc tính chung nào khác nữa không? Tôi không tìm ra nữa, tôi chỉ thấy những sự khác biệt về mọi điểm: về điểm thời gian nằm mơ cũng như về tính cách rõ ràng hay không, về vai trò của các sự xúc động, về sự kéo dài ra.. Theo tôi thì sự việc xảy ra chẳng khác gì người ta phải chống lại một sự kích động dù là bị bó buộc, dù chỉ có tính chất chốc lát, giành giật. Có những giấc mơ rất ngắn, có khi chỉ có một hình ảnh, một tiếng nói; có những giấc mơ rất dài, rất dồi dào, kéo dài như một cuốn tiểu thuyết. Có những giấc mơ rất rõ ràng chẳng khác gì đời thực, rõ đến nỗi nhiều khi người ta tự hỏi không biết mình mê hay tỉnh; có những giấc mơ rất yếu, mơ hồ, mờ mịt, có khi lại rõ ràng lại vừa mờ mịt, có những giấc mơ có nhiều ý nghĩa, vui vẻ, đẹp đẽ; có những giấc mơ trái lại loạn xạ, ngớ ngẩn, khó hiểu, ly kỳ. Có khi chúng ta thờ ơ với giấc mơ nhưng có khi chúng ta thấy cảm động, đau đớn, có khi phát khóc, xúc động, ngạc nhiên, thích thú... Nhiều giấc mơ bị quên ngay sau khi thức dậy và nếu có còn được nhớ lại thì cũng mờ dần đi; trái lại có những giấc mơ mà người ta nhớ mãi, nhất là những giấc mơ trẻ con, đến nỗi ba mươi năm sau mà còn rõ ràng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Có những giấc mơ chỉ xảy ra có một lần; có những giấc mơ xảy đi xảy lại cho một người nhiều lần, hoặc y nguyên như lần trước, hoặc có thay đổi chút ít. Nói tóm lại, sự hoạt động của tinh thần này thực ra có rất nhiều hình thức, có khả năng diễn lại những gì đã xảy ra ban ngày nhưng không bao giờ giống nhau cả.
Chúng ta có thể cắt nghĩa những hình thức khác nhau này của những giấc mơ bằng cách cho rằng chúng tương ứng với những trạng thái trung gian giữa giấc ngủ và tình trạng thức tỉnh, hoặc với những giai đoạn khác nhau của giấc ngủ không hoàn toàn. Nhưng nếu thực như thế thì mỗi khi giấc mơ càng ngày càng có giá trị hơn, rõ ràng hơn, có nội dung dồi dào hơn, chúng ta phải cho rằng đó không phải là một tình trạng nửa thức nửa ngủ mà là một giấc mơ thực sự, bởi vì trong những giấc mơ loại này, đời sống tinh thần càng ngày càng gần với đời sống tinh thần lúc thức hơn. Điều cần là những giấc mơ đó phải thực rõ chứ không thể có lúc rõ lúc mờ hay có lúc hợp lý rồi có lúc lại ngớ ngẩn vô nghĩa. Nếu chúng ta chấp nhận điều giải thích nói trên tức là chúng ta đã gán cho đời sống tinh thần khả năng thay đổi tính chất say sưa của giấc ngủ theo một tốc độ và một cách rõ ràng không có trong thực tế. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng cách giải thích đó không đứng vững được. Thường thường sự việc không đơn giản như thế.
Bây giờ cho tới khi có quyết định mới, chúng ta sẽ không tìm hiểu ý nghĩa của những giấc mơ nữa, nhưng sẽ tìm cách hiểu rõ những giấc mơ bằng cách dựa vào những đặc tính của nó. Nói về liên quan giữa giấc mơ và giấc ngủ, chúng ta đã nói rằng giấc mơ là một phản ứng đối với một sự kích động trong giấc ngủ, làm cho giấc ngủ không yên. Đó chính là điểm độc nhất mà môn Tâm lý học thực nghiệm có thể giúp đỡ chúng ta bằng cách hiến cho chúng ta bằng chứng rằng những sự kích động xảy ra trong giấc ngủ cũng xuất hiện trong giấc mơ. Chúng ta có nhiều công trình khảo sát về vấn đề này kể cả công trình Maury Vold đã nói trong những dòng trên, và mỗi người chúng ta có thể xác nhận điều đó dựa vào những kinh nghiệm cá nhân. Tôi đơn cử những thí nghiệm chọn trong những thí nghiệm cũ nhất. Chính Maury đã thí nghiệm ngay trên bản thân mình. Trong lúc ông ta ngủ có người cho ông ta ngửi nước Cologne: ông ta mơ thấy mình ở Cario kinh đô xứ Ai cập, trong tiệm Jean Maria Farina, rồi từ đó phát sinh ra bao nhiêu chuyện ly kỳ. Người ta bấm nhẹ vào gáy ông: ông luôn mơ thấy một miếng thuốc dán và đến ông thầy thuốc săn sóc ông trong lúc ông còn nhỏ. Người ta nhỏ lên trán ông một giọt nước: ông mơ thấy mình ở bên Ý mồ hôi ra như tắm và uống rượu vang Orvieto.
Điều đáng chú ý trong những giấc mơ do những sự kích thích gây ra sẽ xuất hiện rõ ràng hơn trong một loại giấc mơ khác. Đó là ba giấc mơ gây ra do một tiếng động của một chiếc đồng hồ báo thức (thí nghiệm của Hildebrant).
“Một buổi sáng mùa xuân, tôi đi dạo qua một cánh đồng đến một làng bên cạnh, thấy dân làng kéo nhau đi nhà thờ, quần áo đẹp, tay cầm cuốn kinh. Hôm đó là chủ nhật và có dự thánh lễ bắt đầu rồi, tôi quyết định vào xem lễ nhưng vì trời nóng quá nên tôi ngồi nghỉ trong nghĩa địa chung quanh nhà thờ. Vừa chăm chú đọc những dòng chữ trên mộ tôi vừa nghe tiếng người kéo chuông nhỏ sắp gióng lên để báo hiệu là buổi cầu kinh sắp bắt đầu. Lúc đầu chuông còn đứng im, nhưng sau đó những tiếng chuông lanh lảnh làm tôi tỉnh giấc. Thì ra chính chiếc đồng hồ bắo thức đã vừa kêu lên”.
“Một chuyện nữa: Hôm đó là một ngày mùa đông trong sáng. Tuyết rơi đầy đường, tôi định đi xe trượt tuyết nhưng phải chờ xe. Trước khi lên xe, tôi phải sửa soạn lại áo ấm, đem lò sưởi theo. Rồi tôi ngồi vào xe, lại phải chờ nữa cho đến khi ngựa bắt đầu đi. Ngựa bắt đầu đi, tiếng nhạc vang lên nghe rất khó chịu làm tôi tỉnh giấc. Thì ra lần này cũng vẫn là cái đồng hồ báo thức lanh lảnh”.
“Thí dụ ba: tôi nhìn cô người làm mang một chồng đĩa từ bếp theo hành lang vào phòng ăn. Chồng đĩa quá cao, tôi chỉ sợ không giữ thăng bằng thì vỡ hết. Tôi bảo chị ta nên cẩn thận. Lần nào chị cũng trả lời là chị quen rồi. Nhưng tôi vẫn nhìn chị ta bằng con mắt e ngại. Quả nhiên chị vấp ngã, đĩa rơi xuống đất kêu nghe kinh khủng. Nhưng tôi có cảm tưởng như đó không phải là tiếng đĩa vỡ, nhưng là một tiếng gì kéo dài mãi như tiếng chuông. Lúc tỉnh dậy, tôi mới thấy đó là tiếng chuông đồng hồ báo thức”.
Những giấc mơ này thực đẹp, đầy ý nghĩa, có mạch lạc hẳn hoi. Vì thế nên chúng ta chả có gì trách chúng được. Chúng có đặc điểm chung là bao giờ cũng kết thúc bằng một tiếng chuông đồng hồ báo thức. Thế là chúng ta thấy rõ một giấc mơ đã phát sinh ra như thế nào. Nhưng chúng ta còn biết một vài điểm khác nữa. Người nằm mơ không nhận ra tiếng chuông đồng hồ báo thức (không có trong giấc mơ) nhưng mỗi lần hễ nghe tiếng chuông là ông ta thay tiếng chuông bằng một thứ tiếng khác và giải thích theo một lối khác. Tại sao? Không trả lời được. Người ta có thể cho rằng đó là một cái gì hết sức võ đoán. Nhưng tìm hiểu một giấc mơ tức là tìm hiểu xem tại sao người nằm mơ lại chọn tiếng động này chứ không chọn tiếng khác để giải thích sự kích động làm cho bừng tỉnh dậy. Người ta có thể hỏi Maury rằng nếu trong giấc mơ người ta thấy rõ ràng sự kích động là sự nào thì người ta không thể hiểu tại sao sự kích động này lại xuất hiện dưới một hình thức không liên can gì đến tính chất sự kích động cả? Vả lại trong những giấc mơ của Maury người ta thấy nhiều biến cố kỳ lạ gắn liền vào sự kích động như trong trường hợp ngửi nước Cologne, những biến cố này không thể cắt nghĩa được.
Các bạn cần để ý rằng chính trong các giấc mơ có sự bừng tỉnh dậy di theo mà chúng ta có thể nhìn thấy ảnh hưởng của những kích động làm tan giấc mơ. Trong nhiều trường hợp khác sự việc khó khăn hơn nhiều. Không phải lúc nào nằm mơ người ta cũng tỉnh dậy ngay, và khi sáng dậy nhớ lại giấc mơ làm sao người ta biết được sự kích động nào đã gây ra giấc mơ? Có một lần nhờ một trường hợp đặc biệt tôi tìm ra được một sự kích động âm vang thuộc loại này. Một buổi sáng tại Tyrol tôi tỉnh dậy sau khi nằm mơ rằng Đức giáo hoàng vừa từ trần. Tôi đang tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ đó thì bà vợ tôi đột nhiên hỏi: “ Sáng nay anh có nghe tiếng chuông ở khắp các nhà thờ không?” “Không, tôi không nghe thấy gì hết, tôi ngủ rất say”. Nhưng sự kích động làm cho mình nằm mơ có tần số nào mà sau đó người nằm mơ tỉnh dậy không hề hay biết gì về sự kích động đó? Tần số này có thể rất cao mà cũng có thể không cao. Khi không có cách nào để biết được có kích động hay không thì không làm sao biết được tần số đó. Vả lại chúng ta chẳng cần thảo luận về giá trị của các sự kích động bên ngoài, bởi vì những sự kích động này chỉ có thể cắt nghĩa được một phần nào trong giấc mơ thôi chứ không cắt nghĩa toàn thể giấc mơ.
Nhưng không thể vì thế mà chúng ta có quyền bỏ rơi thuyết này, một thuyết có phát triển sâu rộng. Vấn đề tự hỏi xem nguyên nhân nào làm cho giấc ngủ không yên và làm cho người ta nằm mơ không phải là vấn đề quan trọng. Nếu nguyên nhân không phải là một sự kích động từ bên ngoài thì có lẽ là một sự kích động từ bên trong do giác quan gây nên. Quan niệm này được người dân thành phố tin tưởng rất nhiều. Chúng ta chẳng thường nghe nói rằng những giấc mơ thường do bao tử gây nên hay sao? Nhưng khổ nỗi là trong trường hợp này nữa có thể rằng có một sự kích động nội tâm xảy ra trong ban đêm nhưng sáng ra không còn để lại dấu vết gì nữa và do đó không chứng minh được. Tuy vậy chúng ta không muốn tỏ vẻ lơ là vối những thí nghiệm cho rằng những giấc mơ thường gắn liền với những sự kích động bên ngoài. Không ai phủ nhận rằng trạng thái của các cơ quan nội tâm có ảnh hưởng đến các giấc mơ. Người ta không thể bỏ qua sự liên quan giữa một vài giấc mơ với việc nước tiểu chất đầy trong bàng quang hay sự kích động các cơ quan sinh dục của phụ nữ. Từ những trường hợp rõ ràng này người ta qua những trường hợp khác chứng tỏ rằng những sự kích động bắt nguồn từ các cơ quan nội thể quả có ảnh hưởng tới các giấc mơ và những sự xảy ra trong giấc mơ chính là sự phác hoạ, sự thành hình, sự giải thích những sự kích động đó.
Scherner đã khảo cứu nhiều về các giấc mơ, đặc biệt nhấn mạnh đến sự liên quan giữa những sự kích động nội thể này và những giấc mơ. Ông đã cho chúng ta nhiều thí dụ rất hay để chứng minh ý kiến của mình. Ví dụ như khi ông ta nằm mơ thấy hai hàng em bé xinh trai tóc nâu, đứng trước mặt nhau trong thái độ đấu tranh, nhảy xổ vào đánh nhau, ông nghĩ rằng đó là hai hàm răng. Sự giải thích này được xác nhận sau đó vì khi tỉnh dậy ông đã phải đi nhổ một cái răng dài hơn những cái khác. Khi người ta nằm mơ thấy một hành lang dài, ngoằn nghèo chật hẹp thì người ta nghĩ ngay đến một sự kích động trong ruột. Cách cắt nghĩa này không phải là không có lý. Chúng ta có thể chấp nhận ý kiến của Scherner cho rằng giấc mơ thường hình dung cơ quan gây ra sự kích động bằng những đồ vật giống cơ quan đó.
Vì thế chúng ta không công nhận rằng những sự kích động nội thể có thể ảnh hưởng tới các giấc mơ y như những sự kích động từ bên ngoài vào. Khổ một điều, sự giải thích đó cũng bị lý lẽ như đối với những sự kích động bên ngoài bài bác. Trong rất nhiều trường hợp sự giải thích bằng sự kích động bên trong không chứng minh được và không chắc chắn. Chỉ có một vài giấc mơ làm cho người ta nghi rằng có một sự kích động bên trong cũng như bên ngoài chỉ cắt nghĩa được một phần nào giấc mơ chứ không cắt nghĩa được toàn thể.
Tuy nhiên chúng ta cần để ý đến một điểm đặc biệt của những giấc mơ do sự kích động bên trong gây nên. Giấc mơ không gợi lại sự kích động nguyên vẹn mà thay đổi đi, bằng một sự ám chỉ xếp loại dưới một hình thức nào đó, thay thế bằng một sự kích động khác. Chúng ta phải để ý đến những sự biến dạng đó trong những giấc mơ tiếp diễn, bởi vì làm như thế chúng ta có nhiều hy vọng hiểu được tính chất thực sự của các giấc mơ. Khi chúng ta làm một hành động nào đó trong một trường hợp nào đó, đâu có phải khi trường hợp đó không có nữa thì hành động của chúng ta bị triệt tiêu luôn. Vở Macbeth chẳng hạn được viết trong trường hợp đăng quang của một ông vua đầu tiên quy tụ trên đầu mình ba vương miện của ba nước. Nhưng có phải trường hợp triệt tiêu hết nội dung của vở kịch đâu, có phải trường hợp đó đủ cắt nghĩa được giá trị cao cả của những bí ẩn của vở kịch không? Có thể là sự kích động bên trong và bên ngoài tác dụng đến người nằm ngủ chỉ dùng để mở đầu cho giấc mơ thôi chứ không hề cho chúng ta biết gì về tính chất thực sự của nó.
Tính chất chung kia của các giấc mơ, tính chất đặc biệt tinh thần của chúng rất khó hiểu và không đưa ra một chỗ dựa nào cho một cuộc khảo sát sau đó. Thường thường những biến cố trong giấc mơ hiện ra dưới hình thức thị giác. Những sự kích động có thể giải thích được sự kiện này không? Có đúng là chúng ta đã bị kích động trong mơ hay không? Nhưng tại sao giấc mơ lại xuất hiện dưới hình thức thị giác trong khi những sự kích động vào mắt lại rất ít khi gây nên giấc mơ? Hay là chúng ta nằm mơ thấy nói chuyện hay nghe diễn văn làm sao chứng minh được rằng trong khi ta ngủ những tiếng nói chuyện hay tiếng động đã đập vào tai ta? Tôi cương quyết gạt bỏ giả thuyết này.
Nếu đặc tính chung cho mọi giấc mơ không giúp gì cho chúng ta trong việc cắt nghĩa các giấc mơ thì biết đâu chúng ta lại chẳng may mắn hơn khi xét đến các sự khác biệt giữa các giấc mơ. Thường thường các giấc mơ lộn xộn, khó hiểu, không có ý nghĩ gì; nhưng cũng có những giấc mơ đầy đủ ý nghĩa, rõ ràng. Chúng ta thử xem xét những giấc mơ này có cắt nghĩa được giấc mơ kia không? Tôi kể cho các bạn nghe một giấc mơ hợp lý do một thanh niên kể lại cho tôi nghe: “Trong lúc đi dạo phố tôi gặp ông X và đi với ông một quãng đường, rồi sau đó tôi vào một tiệm để ăn cơm thấy có hai người đàn bà và một người đàn ông đến ngồi ngay vào bàn tôi. Tôi bực mình không thèm nhìn họ nhưng rồi sau cũng nhìn và thấy họ là những người rất lịch sự”. Sau đó người kể chuyện nói rằng chiều hôm đó anh ta quả có đi phố thực và có gặp ông X.. thực. Nhưng phần kia giấc mơ không do những điều nhớ lại trực tiếp nhưng gắn liền vói một biến cố xảy ra trước đó ít ngày. Và đây là một giấc mơ cùng loại của một bà. Chồng bà ta hỏi: “Mình có cần phải căng lại dây cho cái đàn dương cầm không?” Bà ta trả lời: “Vô ích, vì còn phải thay cả da bọc nữa”. “Giấc mơ này gợi lại một câu chuyện của hai vợ chồng buổi chiều hôm đó. Hai giấc mơ ngắn ngủi cho ta biết những gì? Chúng ta có thể tìm thấy trong giấc mơ những giai đoạn gắn liền vào các biến cố đó. Nếu đó là kết quả của tất cả các giấc mơ thì đó là điều đáng kể lắm rồi. Nhưng sự thực không phải như thế vì điều chúng ta vừa nói chỉ áp dụng cho rất ít giấc mơ. Trong đa số trường hợp chúng ta không thấy có ý nghĩa gì liên quan đến biến cố xảy ra trong khi thức và không hiểu những yếu tố nào gây nên những giấc mơ khó hiểu và vô nghĩa đó. Chúng ta chỉ thấy rằng chúng ta lại đứng trước một vấn đề mới. Không những chúng ta cần biết giấc mơ có những ý nghĩa gì, chúng ta còn cần biết là trong những trường hợp nào những giấc mơ rõ ràng đầy ý nghĩa, tại sao và vi mục đích nào mà chúng ta lại thấy trong giấc mơ những biến cố vừa xảy ra trong ngày”.
Chắc các bạn cũng như tôi thấy chán nản trong công việc khảo cứu như thế. Dù chúng ta có để hết tâm trí vào một vấn đề cũng chẳng có ích gì một khi chúng ta chưa biết hướng công cuộc khảo cứu của chúng ta về phía nào. Tâm lý học thực nghiệm chỉ hiến cho chúng ta một số rất ít những dữ kiện về vai trò của các sự kích động bên ngoài dù những dữ kiện đó rất quý báu đối với chúng ta. Triết học chẳng có thể cung cấp cho cái gì khác hơn là thái độ khinh thường vì công việc của chúng ta bị coi chẳng có lợi ích gì cho tri thức hết. Sau hết chúng ta không muốn vay mượn gì các khoa học thần bí. Lịch sử và sự không ngoan của các dân tộc dạy chúng ta rằng những giấc mơ có ý nghĩa, có tính chất quan trọng, báo trước được tương lai nhưng đó là điều rất khó chấp nhận vì không chứng minh được. Chính vì thế mà những cố gắng đầu tiên của chúng ta đã không đưa lại kết quả gì, như nước chảy qua cầu.
Nhưng trong khi không chờ đợi, chúng ta lại được giúp đỡ từ một hướng khác đến, một hướng chưa bao giờ ngờ tới. Tiếng nói, một thứ tiếng không bao giờ có tính cách ngẫu nhiên cả, như sự kết tinh của tất cả những điều hiểu biết của loài người, tiếng nói mà người ta phải dùng một cách rất thận trọng biết có “những giấc mơ trong khi thức”: đó là kết quả của trí tưởng tượng, những hiện tượng rất phổ thông, có thể xảy ra đối với những người đau ốm mà bất cứ ai cũng khảo sát được bằng chính bản thân mình. Điềm đặc biệt ở đây là tuy được gọi là “những giấc mơ trong khi thức”, những giấc mơ đặc biệt này lại không có tính chất nào chung cho những giấc mơ thực sự cả. Đúng như tên gọi, chúng không có liên quan gì đến giấc ngủ. Những giấc mơ trong khi thức này không có một chút gì liên quan đến tính chất chung thứ hai trong các giấc mơ thực sự vì không hề có những biến cố, không hề có những ảo tưởng mà chỉ có những hình dung thôi: người ta biết rằng mình tưởng tượng, người ta không hề trông thấy mà chỉ suy nghĩ thôi. Những giấc mơ này thường xảy ra ở tuổi dậy thì, trong thời niên thiếu, biến mất khi đứng tuổi, rồi lại xảy ra lúc tuổi già. Nội dung của những giấc mơ, kết quả của sự tưởng tượng này thường có những lý do rất rõ ràng. Đó là những khung cảnh về uy quyền, những ham muốn về tình ái của người mơ mộng được thoả mãn. Đối với những người trẻ tuổi thì đó là những giấc mơ về tham vọng; đối với những đàn bà thích có những thành công về tình ái thì đó là những giấc mơ về tình ái. Nhưng luôn luôn người ta gặp những nhu cầu về tình ái đằng sau những giấc mơ của đàn ông: những sự thành công và những hành vi anh hùng của những người mơ mộng đều tập trung vào những sự thành công về tình ái, có mục đích nhằm đạt được sự thán phục và lòng yêu của người đàn bà. Ngoài những tính chất đó ra những giấc mơ trong khi hình ảnh có nhiều hình thức khác nhau và chịu nhiều hậu quả khác nhau. Có những cơn mộng bị bỏ rơi và bị thay thế bằng những giấc mơ khác; có những cơn mơ được giữ lại, phát triển mạnh mẽ và trở thành những câu chuyện dài dằng dặc và biến đổi theo những biến cố của cuộc đời. Người ta có thể cho rằng chúng ta đi theo cùng với thời gian và in dấu vết của thời gian như là bằng chứng của những tình trạng mới. Chúng là đề tài cho các tác phẩm thi văn thường thay đổi, biến hoá các giấc mơ trong khi thức này thành những trạng thái rồi đặt vào trong các tiểu thuyết, truyện ngắn, hay kịch bản. Bao giờ người mơ mộng cũng là nhân vật chính trong tác phẩm đó dù xuất hiện dưới hình thức của chính mình hay dưới hình thức của một nhân vật tạo nên.
Những giấc mơ trong khi thức này sỡ dĩ được gọi như thế là vì những sự liên quan với đời thực chúng không có thực hơn gì những giấc mơ chính thức. Có thể rằng cả hai loại đều được gọi là những giấc mơ vì cả hai đều có căn bản trên một tính chất tinh thần nào đó mà chúng ta chưa biết và đang tìm kiếm. Cũng có thể là cái danh từ chung người ta dùng để gọi chúng chẳng có gì quan trọng đáng chú ý. Đó là tất cả những vấn đề chỉ được giải đáp trong những phần sau thôi.