Chương 4

Sau đó là những ngày hết sức bận rộn. Đưa tiễn mẹ về quê, mua một ngôi nhà trong một con hẻm, rồi dọn nhà... Biết bao nhiêu là chuyện làm cho Tố Như mệt phờ. Mới có mấy ngày thôi mà trông nàng hốc hác và gầy gộc đi.
Xong chuyện dọn nhà, tính toán lại tiền bạc trong nhà chẳng còn bao nhiêu, Tố Như lại quáng quàng chạy đi tìm việc. Mãi đến bây giờ nàng mới biết không phải có tấm bằng đại học có thể tìm việc dễ dàng. Nộp đơn liền mấy chỗ, chờ đợi cũng khá lâu nhưng chẳng được gì. Cuối cùng Tố Như phải đi làm công việc “chép tranh” ở một tiệm tranh lớn trong thành phố.
Hàng ngày, công việc của nàng là sao chép lại những bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ danh tiếng trong nước lẫn ngoài nước. Tuy đó chẳng phải là công việc mà Tố Như mong muốn, nhưng ít ra nó cũng giúp nàng kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống của hai cha con trong những lúc khó khăn.
Điều mà Tố Như lo sợ là ba sẽ lại cờ bạc. Nhưng xem ra ông đã một lòng vứt bỏ cái thứ cám dỗ đáng ghê sợ đó rồi. Gần đây, ông hay uống rượu, không uống với ai, chỉ uống một mình, và tâm trạng rất buồn.
Đối mặt với người cha tối ngày say xỉn, tâm trạng của Tố Như cũng chẳng khá hơn. Vì thế mà có một giây phút rảnh rỗi, nàng đều rúc vào phòng vẽ tranh.
Liên tục những bức tranh đủ thể loại, đủ màu sắc, đủ cảm xúc ra đời, và cứ thế mà xếp gần chật ních cả gian phòng. Ngày tháng trôi qua đi, Tố Như cứ lặng lẽ với công việc “chép tranh” và tiêu khiển bằng việc vẽ tranh... Cho đến một ngày...
Hôm đó, ông Vĩnh Thành thật sự tỉnh táo không say mèm như mọi khi. Ông đợi Tố Như về và khi hai cha con ngồi bên mâm cơm, ông liền nói:
– Tố Như à! Ba có chuyện này nói với con.
Tố Như điềm tĩnh gắp bỏ vào chén của ba một ít thức ăn, rồi ngước nhìn ông hỏi:
– Có chuyện gì vậy hả ba?
– Ba... ba...
Ông Vĩnh Thành ngập ngừng rồi cũng nói ra được:
– Ba muốn rước một người về nhà ta ở.
Đôi mắt Tố Như đầy vẻ ngạc nhiên. Nàng bỏ đôi đũa trên tay xuống bàn, lặng im một lúc mới nói:
– Là ai vậy ba?
– Là cô Xuân. Cô Xuân ở cuối xóm này.
“Cô Xuân?” Tố Như lặp lại rồi im bặt. “Cô Xuân” đó là phụ nữ chưa chồng ở cuối xóm. Đôi lần ở ngoài về, Tố Như trông thấy ba và cô Xuân đứng trò chuyện với nhau, nhưng lập tức thấy Tố Như thì tan ra ngay lập tức.
Hóa ra là thế! Có tình ý với nhau và bây giờ đã quyết định sống chung. Ba đúng là người luôn mang tới những bất ngờ cho người khác. Đàn ông dễ thay lòng như vậy đó. Trong khi Tố Như mong chờ cái ngày mẹ sẽ tha thứ thì ba lại vô tư tự quyết định chung sống với phụ nữ khác. Ba quả là tác tệ, quả là vô tình.
Tố Như im lặng trong nỗi buồn giận không biết phải nói như thế nào. Nàng cầm đũa lên, nhìn ba rồi nói:
– Ba ăn cơm đi!
Hai cha con lặng lẽ ăn cơm không nói một lời nào. Tố Như nuốt vội cơm, nuốt cả nước mắt vào lòng. Nàng cố ăn cho xong chén cơm đắng ngắt rồi buông đũa xuống bàn lên tiếng:
– Ba nói cho con biết, ba có nghĩ đến mẹ của con không?
– Có Ông Vĩnh Thanh rụt rè ngước mắt nhìn con gái rồi cúi gằm mặt nói:
– Nhưng ba và mẹ không có đường nào để quay lại với nhau. Mẹ không tha thứ cho ba đâu, ba cũng cảm thấy mình không còn xứng đáng... Và ba mẹ cũng đã tiến hành các thủ tục ly dị rồi, còn gì nữa mơ mộng. Cô Xuân thương ba, ba muốn làm một bữa tiệc nhỏ gọi là thủ tục để đón cô ấy về.
Đúng thật là một tấn tuồng đời cười ra nước mắt. Giây phút này, Tố Như không biết nên cười hay nên khóc, nhưng quyết định của ba khiến cho nàng cảm thấy cuộc sống sao mà đầy cay nghiệt. Nỗi đau này chưa dứt, nỗi đau khác đã đến.
Tố Như chỉ muốn hét lên một tiếng cho thật lớn, cho vỡ toang lồng ngực, nhưng rồi lại không thể được.
Tố Như nhìn ba chán nản:
– Chúng ta mới dọn đến đây được mấy tháng, ba quen cô Xuân cũng chừng ấy thời gian thôi đã quyết định sống chung. Con cảm thấy hơi vội vàng đó ba à.
– Ba không nghĩ như vậy. Tuổi ba đã lớn, cô Xuân cũng không còn trẻ, nào phải trẻ trung gì nữa mà yêu đương tìm hiểu nhau. Cô Xuân tuy là gái lỡ thời nhưng cũng là con nhà đàng hoàng. Cô ấy không chê ba, ba đã thấy vui. Nói thật với con là ba đã có bạn đời hủ hỉ. Ba có cô Xuân lo rồi sẽ đỡ gánh nặng cho con. Con cũng nên tìm người vừa ý mà lấy chồng đi thôi.
Vậy đó, có phải mình đã quá uổng công đi theo chăm lo cho ba hay không?
Giờ thì ba chỉ biết đến người đàn bà khác thôi.
Tố Như giận dỗi đứng bật lên, vừa dọn dẹp bàn ăn vừa nói:
– Ba lấy vợ thì lấy, nhưng cũng đâu cần bắt con đi lấy chồng cho rảnh mắt ba chứ.
– Tố Như à! Ý ba không phải thế đâu con. Ba vì lo cho con thôi.
– Con không biết. Từ nay con không lo cho ba nữa đâu, ba muốn làm gì thì làm đi.
Tố Như dọn bàn ăn đi thẳng ra nhà sau. Nàng vừa rửa chén bát vừa khóc.
Mấy tháng nay nàng chưa kịp vui trở lại thì buồn bã tiếp tục rồi. Chẳng hiểu mẹ nghe tin này sẽ thế nào? Chắc là giấu chặt nỗi buồn vào trong lòng thôi, dù sao đấy cũng là người bạn đời mấy mươi năm của mẹ. Tố Như hiểu, mẹ làm tất cả, từ việc rời ba đến nộp đơn ra tòa ly hôn, mẹ làm đủ thứ cũng chỉ để đã nư cơn giận mà thôi. Trong thâm tâm mẹ, chắc chắn có một con đường cho ba quay về sau này. Nhưng ba đúng là một người đàn ông quá vô tâm. Đúng như mẹ nói, ba chỉ nghĩ cho mình chứ không biết nghĩ cho người khác.
Tố Như khóc thật nhiều.
Từ ngày hôm đó, giữa nàng và ba vô hình có một khoảng cách.
􀂐 􀂐 􀂐 Đi du lịch. Tố Như không muốn nàng bị chết ngạt trong vô số những lo buồn và hàng ngày phải đối mặt với sự xuất hiện thường xuyên hơn của cô Xuân trong ngôi nhà của mình. Nàng quyết định đi du lịch.
Ngày mai, ba và cô Xuân sẽ đãi tiệc ra mắt. Hôm nay, Tố Như bỏ đầy hành lý vào ba lô rồi bỏ đi. Trước khi đi, nàng để lại một số tiền và một bức thư ngắn cho ba. Nội dung của bức thư chỉ vỏn vẹn mấy lời:
“Ba! Đây là số tiền còn lại mà con gìn giữ, nay giao cho ba để lo liệu cuộc sống của mình. Con đi du lịch nhiều ngày mới về. Con chúc ba hạnh phúc!
Tố Như!”.
Không biết phải đến đâu đây? Tố Như mua vé tàu cánh ngầm đến thành phố Vũng Tàu.
Nàng thuê một căn phòng ở khách sạn đối diện với biển. Buổi sáng, nàng ra biển ngắm mặt trời mọc. Buổi chiều nàng ra biển ngắm hoàng hôn. Lắm khi nàng một mình lang thang khắp tận hang cùng ngõ hẹp của phố biển, rồi nàng vẽ tranh. Một vài bức tranh hùng vĩ về biển. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày...
nàng vẫn cô độc một mình giữa phố và chưa có ý định trở về. Nàng cứ thế mà lang thang.
Chiều nay, nàng leo tận lên núi cao rồi từ trên cao quay trở xuống thì hoàng hôn đã nhập nhoạng.
Hoàng hôn ở biển có vẻ đẹp mờ ảo. Thích thật! Nước biển mát lạnh và êm ái quá. Để đôi giày đang cầm trên tay lên bờ cát, Tố Như chợt có ý nghĩ dầm mình vào nước biển một lúc rồi mới trở về khách sạn.
Tố Như đi thẳng xuống biển. Cứ đi thẳng, đi thẳng... Biển rộng bao la như sẵn sàng nuốt chửng lấy nàng. Vài cánh hải âu chao lượn vút ngang đầu nàng.
Nàng vẫn bước thẳng. Bao nhiêu hình ảnh về một thời quá khứ huy hoàng của cô gái con nhà giàu hiện về nhanh trong ký ức.
Ngày ấy, nàng chỉ biết sống cho vui vẻ và không có gì để nghĩ ngợi. Thế rồi chỉ sau một đêm, nàng như kẻ từ trên núi cao rơi mình xuống vựa sâu. Gia đình tan vỡ. Cô gái nhà giàu biến thành một kẻ thiếu thốn và đầy lo toan. Vậy đó, bỗng chốc mất hết chẳng còn gì.
Nước dâng lên đến ngang ngực Tố Như, nàng vẫn chưa chịu dừng lại. Khi mà nàng có cảm giác chân không còn chạm đáy cát và nàng chuẩn bị bơi, thì một bàn tay từ phía sau vươn tới túm lấy nàng. Và nhanh thật nhanh nàng bị kéo xệch vào bờ.
Quái lạ! Tố Như quay phắt lại, nàng nhìn sửng người đàn ông trước mặt bằng đôi mắt mở to. Người đàn ông quần áo chỉnh tề giống như nàng và cũng bị ướt như chuột... giống nàng.
Anh cũng đang nhìn lại nàng bằng đôi mắt mở to. Rồi khi mở lời thì cả hai mở lời một lượt:
– Anh!
– Cô!
– Cô nói trước đi.
– Tôi muốn hỏi anh làm gì vậy? Sao lại kéo tôi vào bờ? Anh làm cho tôi hết hồn, tôi tưởng mình bị con cá lớn nào lôi rồi.
– Tôi không thể thấy chết mà không cứu. Tôi không biết cô đang gặp phải chuyện buồn gì mà ngay đến mạng sống của mình mà cũng hủy hoại. Nhưng tôi đã nhìn thấy cô, tôi không thể không cứu cô.
– Tôi...
Đôi mắt Tố Như mở to hơn, nàng vẫn nhìn người lạ trước mặt, rồi nói:
– Anh nghĩ rằng tôi muốn chết à?
– Cô không muốn chết thì đi thẳng ra biển để làm gì vào cái lúc trời như thế này?
Hiểu lầm! Hóa ra anh ta đã hiểu lầm. Anh ta tưởng mình tự sát. Tố Như bật cười:
– Anh nghĩ sai rồi. Tôi không phải đi tự sát. Tố như bật cười:
– Cô tắm biển?
– Ừ. Tôi vừa định bơi vào thì bị anh tóm lấy rồi. Thú thật là anh làm tôi hoảng đấy. Tôi cứ ngỡ mình bị cá lôi rồi.
– Cá nào mà lôi cô vào bờ? Cá phải lôi ra biển mới đúng chứ.
Người lạ phì cười. Tố Như cũng cười. Hai người đột nhiên im lặng và trời cũng sụp tối thật nhanh. Gió từ ngoài khơi thổi vào thật mạnh. Tố Như cảm thấy lạnh, nàng tìm đôi giày ở dưới cát cầm lên tay, rồi nói:
– Dẫu sao tôi cũng muốn nói lời cảm ơn anh. Cảm ơn anh vì nghĩa cử tốt đẹp của anh. Cảm ơn anh vì một người không quen như tôi mà ướt cả quần áo. Tôi thấy lạnh. Chắc là anh cũng lạnh rồi... Tôi phải về đây. Cảm ơn anh. Chào anh!
Tố Như nhìn người lạ rồi bước thẳng. Nàng vừa đi được vài bước thì nghe người lạ hỏi:
– Tôi có thể biết tên cô được không?
Tố Như quay lại:
– Tên của tôi là Tố Như.
– Tôi tên Hải Sơn.
Tố Như mỉm cười rồi quay đi. Một thoáng tình cờ thôi biết tên nhau cũng chẳng để làm gì mà cũng chẳng gây hại gì. Ít ra anh ta biết thêm được cái tên và mình cũng thế.
Nhưng lại chẳng đơn giản như thế khi Tố Như cứ vương vấn mãi nụ cười của người lạ đó. Rồi nàng bắt đầu có những ý nghĩ:
Anh ta cũng đẹp trai đấy chứ. Có vẻ vui tính...
“Hải Sơn... Hải Sơn... ” Trong đầu nàng bắt đầu nhai đi nhai lại cái tên Hải Sơn.
Và rồi nữa đêm hôm đó, nàng khó ngủ, vùng dậy theo trí tưởng tượng mà vẽ một bức họa. Nàng vẽ say sưa, vẽ một cách rất rất ưa thích. Đến sáng thì bức họa hoàn thành. Một bức họa không đề vẽ một người, tay bế một phụ nữ từ trong biển cả ra.