CHƯƠNG MƯỜI

Trời mưa như trút đã hơn hai ngày nay trên thành phố Huế, mùa gió đông bắc thổi mạnh từ biển Nam Hải mang theo không khí ẩm ướt rít rát khó chịu. Lá cây bàng hai bên đường Thành nội bay trong gió lộng theo ngược chiều đồng hồ, trước khi rơi xuống dính sát trên con đường đất sét, nhầy nhụa.
Nguyên suýt té mấy lần vì bánh sau chiếc xe đạp sterling cứ quay tròn trên bùn mỗi lần anh nhấn mạnh chân lên hai bàn đạp.
Chiếc áo mưa bằng ny lông ướt sủng dính sát vào người vướng víu, bực bội, hạt mưa tạt mạnh vào mặt, bật tung chiếc nón áo mưa về phía sau, Nguyên cũng mặc kệ vì nếu thả tay gi đông ra thì bị té liền.
Kể từ ngày anh Nghĩa được trả tự do ra khỏi nhà giam Thừa Phủ, cũng hơn sáu tháng rồi, ngày nào anh cũng kể cho Nguyên nghe những mẫu chuyện kháng chiến, về những chuyến di hành kham khổ và nguy hiểm trên con đường mòn trong núi Trường Sơn.
Anh Nghĩa còn đem về một tin mừng của Trung cho thầy Phương và vợ của ông, ít nhất là cho hai ông bà biết Trung vẫn còn sống sót khi gặp anh Nghĩa tại làng Vân Trình.
Mẹ của Trung khóc ròng khi nghe anh Nghĩa cho biết tin tức con mình, bà hỏi thăm rối rít về tình trạng của Trung, nào là “ Trung có ốm lắm không? có đen lắm không? có nhắc nhở gì đến hai ông bà không?”
Anh Nghĩa muốn hai ông bà Phương vui lòng nên anh nói là Trung nhớ nhà lắm và rất khỏe mạnh, Trung còn gửi lời về thăm viếng cha mẹ nữa. Anh Nghĩa biết mình phải nói như vậy, chứ ngày hôm đó khi gặp Trung, anh đâu dám nói cho Trung biết về ý định ra hồi chánh với chính phủ Quốc gia đâu.
Hàng ngày anh Nghĩa ngồi viết lại những bản nhạc mà anh đã sáng tác hay học thuộc lòng từ những nhạc sĩ kháng chiến khi còn ở trong bưng.
Nguyên còn nhớ anh dùng biệt hiệu Quang Lục, không biết đây là tên của một nhạc sĩ Việt Minh hay là của anh, Nguyên cũng không muốn hỏi thêm.
Qua những câu chuyện giữa anh Nghĩa và cha mẹ, Nguyên nghe anh dự trù tình nguyện nhập ngũ, xin vào trường Thủ Đức theo học khóa Sĩ quan Trừ bị, để áp dụng kinh nghiệm chiến đấu của mình giúp quân đội quốc gia.
Cha Nguyên biết tính tình ưa tự lập và thích hoạt động của cậu con trai trưởng nên cũng không ngăn cản ý muốn của anh Nghĩa.
Cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc không bao giờ ngừng trong tâm tư người thanh niên đã lớn lên và nuôi nấng bởi chính dòng sữa của Mẹ Việt Nam.
Nguyên vừa mở cửa hông để lấy chiếc xe đạp ra dựng phía trước sân nhà, chuẩn bị đi học, con Berna đã đứng chờ sẳn như thường lệ.
Nó luôn luôn dậy thật sớm và đánh thức mọi người với tiếng sủa thật lớn của loài German Shepherd, khi chú Tứ đẩy chiếc xe bán bánh mì xa xíu đi ngang qua nhà Nguyên với tiếng leng keng quen thuộc.
Con Berna là chó của anh Nghĩa, người anh cùng cha khác mẹ, vừa trở về với chính nghĩa Quốc gia sau hơn mười năm theo kháng chiến chống Pháp.
Anh Nghĩa rất thích nuôi chó, nghe nói anh có một con Berger lúc anh vừa mới 15 tuổi khi mẹ mới sinh ra Nguyên. Con Berna rất cao lớn, có thể gần bằng chiều cao của chiếc xe đạp cuốc sterling của Nguyên.
Kể từ ngày anh Nghĩa chuẩn bị để vào trường Thủ Đức học khóa Sĩ quan Trừ bị, anh giao con Berna cho Nguyên chăm sóc và dẫn đi chơi.
Nguyên rất thích thú và hãnh diện vì đây là lần đầu tiên anh ta có môït con chó riêng để chạy chơi với mình như con chó Lassie mà anh đã xem trong phim ảnh.
Nguyên hãnh diện với mấy thằng Hoàng, thằng Nông trong xóm vì chó của tụi nó lùn và nhỏ xíu, đuôi cong vòng, chổng đựng lên trời.
Chúng nó cũng thích con Berna lắm, cứ vuốt lông và ôm cổ nó hoài. Con Berna rất thích chơi với trẻ nít và thật là hiền với người quen biết, ngoài ra nó rất muốn được cưng chìu như con gái vậy mặc dù nó là chó đực.
Thằng Hoàng hay để dành xương xí quách từ tiệm bán cao lầu mì của ông già nó, còn thằng Nông thì hay cho Berna ăn bánh biscuit loại cứng mà lính Pháp thường ăn. Cha của thằng Nông trước làm tiếp liệu cho cơ quan Pháp nên ông vẫn còn thức ăn và rượu Tây sau khi Pháp rút về nước cách đây khoảng sáu tháng.
Kễ từ ngày Nguyên có con Berna, ba đứa trở thành thân thiết hơn, không còn đánh lộn nhau vì những chuyện không đâu. Thí dụ như thằng Hoàng chơi xấu, gạt chân bất hợp pháp trong trận đá banh tại sân Lạc Hồng trong Thành nội, hay là khi thằng Nông chọc quê Nguyên về những bài thơ trữ tình mà Nguyên đọc trong thơ Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử.
Nó nói Nguyên mơ mộng như con gái làm Nguyên phát tức và đánh cho một trận cho nó biết sức trai mạnh khỏe của mình.
Chúng nó cũng bớt đi đá banh vì cuối tuần thường dẫn con Berna về Bao Vinh, qua Bãi Dâu cho chạy thả dàn trên cánh đồng trống.
Nó rất thích chạy đua với ba chàng thanh niên, khi chạy miệng thở hốc, lâu lâu lại sủa “gầu gầu” như thách đố ba đứa con trai đang còng lưng trên những chiếc xe đạp. Con Berna chạy theo sau, có lúc vượt lên trước nhìn lại rồi giảm tốc lực và chạy chậm lại để chờ ba cậu thanh niên đang mệt phờ.
Thân hình nó tuyệt đẹp, lông đen tuyền, ngực nở eo thon, bắp thịt cứng rắn, dáng dấp như một con ngựa đua khi chạy nước rút. Khách bộ hành qua đường đứng lại nhìn chiêm ngưỡng rồi vẫy tay về phía con Berna đang vừa sủa vừa chạy.
Sáng hôm đó, trong một ngày chúa nhật đẹp trời, ánh nắng tỏa dìu dịu và gió nhè nhẹ thổi, tơ trời bay lờ lững như màng nhện bị đứt, giăng đầy trời.
Con Berna sủa ồn ào vì bị Nguyên xích lại trong nhà. Nó muốn chạy ra xem người ta đi bỏ phiếu bầu tín nhiệm vị Thủ Tướng của nền Cọng hòa đầu tiên của nước Việt Nam và truất phế vua Bảo Đại.
Từng chiếc xe lô mười bánh của quân đội và xe đò chở đầy học sinh với biểu ngữ “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì ” đi cổ động cho cuộc trưng cầu dân ý.
Nguyên đã biết sơ qua về lý do của cuộc bầu cử để chọn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thay thế Hoàng Đế Bảo Đại đang ở bên Pháp.
Nguyên tham gia vào việc vận động này tại trường và hôm nay sẽ tháp tùng trên những chiếc xe dành cho trường để đi cổ động cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Cha Nguyên không thích việc truất phế vua Bảo Đại, ông là người quen lớn của Đức Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại và thường dẫn Nguyên vào Đại Nội để ông đánh bài với Đức Từ.
Nguyên còn nhớ bà Từ Cung thường cho anh ăn những trái vải khô của Tàu, ngọt lịm với hột vải nhỏ xíu.
Trưa hôm đó, sau khi đứng mỏi nhừ trên xe lô chung với các học sinh khác chạy khắp thành phố Huế, miệng khô đắng và khan cả cổ họng vì hoan hô và đả đảo, Nguyên trở về nhà thả con Berna cho chạy chơi quanh nhà.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau khi Nguyên vừa tắm xong và đang chải đầu, bỗng nhiên Nguyên nghe tiếng la cầu cứu của ông bán bánh mì rong “ cứu tôi với, chó dữ, chó dữ...”.
Nguyên vội vàng chạy ra trước cửa nhà thì thấy ông này đang đứng sát lưng vào tường, mặt mày tái mét, bao đựng bánh mì nằm lăn lóc trên nền nhà còn con Berna thì người nó đứng thẳng lên, hai chân trước chống vào vách tường, mặt nó nhìn kế sát vào mặt của ông này.
Nguyên nạt lớn “ Berna xuống, Berna xuống”, nó mới chịu bỏ hai chân xuống đất, miệng còn gầm gừ như tức giận.
Ông bán bánh mì chửi thề rồi bảo Nguyên từ nay phải xích chó lại kẻo nó hại người khác. Nguyên xin lỗi ông ta và đem con Berna vào nhà.
Sau chuyện đó, Berna không được tự do chạy rông như trước nếu không có Nguyên bên cạnh.
Anh Nghĩa ra trường khoảng hơn chín tháng sau, thuyên chuyển về Đà nẳng. Anh ấy quyết định đem con chó Berna vào Đà Nẳng, suốt ngày hôm đó Nguyên bỏ ăn, đóng cửa phòng lại và không nói chuyện với ai cả.
Nguyên cảm thấy buồn vô cùng như vừa đánh mất cái gì thật quý giá của đời mình.
Trung trở về đến đơn vị khi trời đứng bóng, chiếc áo lạnh không đủ giữ hơi ấm của thân thể. Người ta nói ở ngoài này lạnh buốt da thịt thật không sai. Họ còn nói vào mùa đông tuyết phủ đầy trên đỉnh ngọn núi Hoàng Liên Sơn- Fan Si Pan- cách đây không xa lắm.
Trung tình nguyện theo học chương trình dành cho chính trị viên tương lai trong các chiến đoàn, anh đã tuyên thệ và chính thức trở thành một đảng viên của đảng Cọng sản Việt Nam.
Những giây phút hội ngộ bất ngờ với người bạn gái tại Hà Nội hôm đó xẩy đến quá nhanh làm Trung bất mãn với chính mình, anh thấy oán ghét cuộc đổi đời, hờn giận Huyền, đã thay lòng đổi dạ, theo thực dân Pháp vì ham chuộng xa hoa phù phiếm.
Trung không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một năm, người con gái Huế dịu dàng ngày nào đã trở thành một me Tây, cười nói lả lơi với Tây đầm trước mắt người đồng hương Việt Nam, ngay giữa công chúng trên đại lộ chính của thành Thăng Long.
Trong những ngày kế tiếp, Trung cố thăm dò và đi tìm tin tức của Huyền, anh đứng hàng giờ trước khách sạn với hy vọng là với may mắn nào đó, anh có thể bắt gặp Huyền tại đây để mắng cho nàng một trận cho thỏa cơn tức giận rồi đến đâu thì đến.
Nhưng biết khách sạn nào đây, có đến năm sáu khách sạn dành cho người ngoại quốc ở tại Hà Nội, hơn nữa Trung lại không quen thuộc đường sá nên anh chọn và chờ đợi tại một cái gần chỗ anh gặp Huyền ngồi trên xe hôm trước. Trung dựng chiếc xe đạp ngồi trên chiếc ghế đá trong công viên đối diện với khách sạn này cho đến chiều tối.
Khách ngoại quốc vào ra liên tục, mỗi lần như vậy, anh đứng dậy để nhìn xem có người con gái Việt Nam tóc dài, da ngâm đen, thân hình cân đối, nhỏ nhắn không.
Thời gian trôi qua chầm chậm, Trung cảm thấy thất vọng, bất mãn và cuối cùng khi đèn đường bật lên, công viên bắt đầu vắng bóng người, anh đành bỏ cuộc. Trung dắt chiếc xe đạp cũ, quay người nhìn thêm một lần cuối cùng về hướng chiếc cửa khách sạn, gương đồng bóng loáng, rồi chậm rãi nhấn bàn đạp đi về nơi tạm trú.
Ngày hôm sau, anh đi đến khách sạn lớn ngay trung tâm thành phố, cũng ngồi chờ cả ngày nhưng vẫn không thấy bóng dáng người bạn gái ngày xưa. Anh buồn suốt mấy ngày sau đó, khi ngồi trên chuyến xe lửa xình xịt di chuyển trên con đường sắt đi về hướng tây bắc.
Khóa học chính trị dự trù kéo dài suốt mùa đông, sau đó những học viên người miền nam vĩ tuyến 17 sẽ được thuyên chuyển về các căn cứ hậu cần bí mật tại các địa phương, từ Bến Hải đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước khi biên giới hai miền Nam Bắc khép lại sau 300 ngày trao đổi quân đội, dân chúng được tự do di chuyển, ký kết trong Hiệp định Genève.
Những chính trị viên có trách nhiệm tổ chức và duy trì hoạt động của các cán bộ nằm vùng do đảng Cọng sản cố ý để lại tại miền nam, hầu tái xữ dụng khi cần thiết trong tương lai.
Tia sáng từ ngọn hải đăng trên đỉnh núi Tiên Sa mờ dần khi chiếc Bệnh Viện Hạm đổi hướng chính nam. Trăng thượng tuần đã lên cao trên bầu trời trong, rọi ánh sáng bàng bạc phía bên tả hạm. Biển hơi động làm con tàu lắc nhiều và chạy nhanh hơn với những đợt sóng chếch xuôi từ hướng đông bắc.
Nhóm thứ nhất gồm khoảng năm thủy thủ Việt Nam quê quán tại vùng Quảng Nam, Thừa Thiên...đã rời tàu, họ ngậm ngùi chia tay với những người ở lại. Vị Hạm Trưởng già cảm động khi trao quà lưu niệm cho các cựu thủy thủ đã phục vụ với ông.
Bạch Lan cũng buồn không kém, nàng đứng trên bong tàu, một lần nữa vẫy tay chào từ biệt những người đồng hương và thầm cầu khấn cho họ được may mắn hơn người Y tá yêu mến tên Quang của nàng.
Lá thư cuối của Quang đến tay Bạch Lan quá trễ, mãi đến khi tàu rời Hải Phòng về đến vịnh Đà Nẳng là nơi thư tín được chuyển đến tàu khi ghé bến. Trong thư Quang báo tin buồn cho Bạch Lan và nói về đám táng của mẹ anh.
Bà đã từ trần tại giường bệnh vì vết thương trên đầu quá nặng, bà ngủ luôn không tỉnh dậy từ cơn hôn mê. Do đó bà cũng không biết là đứa con trai độc nhất đã ở bên cạnh giường hàng ngày cho đến giờ phút bà lìa trần.
Đám táng được gia đình tổ chức đơn giản trong một ngày trời nhiều mây. Sau đó Quang nhận được thư thông báo của ông Y sĩ Trưởng về việc nhân viên Việt Nam không mang quốc tịch Pháp. Ông này thay mặt các Bác sĩ và nhân viên trên tàu cám ơn Quang về tất cả mọi việc mà anh đã giúp họ. Vị Y sĩ Trưởng chúc Quang may mắn và đính kèm chi phiếu trả lương cuối cùng cho Quang.
Bạch Lan cũng đã gửi thư chia buồn và mong sẽ gặp lại Quang trong tương lai và yêu cầu Quang tiếp tục viết thư cho nàng.
Chuyến ghé bến cuối cùng tại Nha Trang không kéo dài bao lâu, chỉ đủ thời gian để cho Bệnh Viện Hạm tiếp tế nhiên liệu và dụng cụ cần thiết cho cuộc hành trình dài không nghỉ. Những bồi bếp, lao công Việt Nam có nhiều thì giờ thu xếp từ biệt bạn bè ở lại rồi kế tiếp nhau xuống thuyền máy rời tàu.
Vịnh Cam Ranh, rồi ngọn hải đăng trên đỉnh núi Vũng Tàu lần lượt khuất dần về phía sau lái tàu đang tăng tốc độ trực chỉ về hướng tây.
Trời hôm đó vẫn trong xanh, sóng nước quê Mẹ Việt Nam chỉ còn lưu lại trong tâm tư, kỷ niệm của Bạch Lan, đang đứng thờ thẫn nhìn về phía bờ biển bên hữu hạm chiếc tàu Bệnh Viện.
Trong suốt ba tuần lễ sau đó, những ưu tư thắc mắc ám ảnh trí óc của nàng. Cô Y tá Catherine luôn luôn khuyến khích và giao việc cho Bạch Lan làm để nàng bận rộn với nhiệm vụ lo lắng chăm sóc cho bệnh nhân, hầu có thể quên đi phần nào nổi nhớ nhà.
Sinh hoạt trên tàu chậm hơn khi đang còn biệt phái cho quân đội Pháp tại Việt Nam. Biển bắt đầu động mạnh khi tàu vượt qua eo biển Malacca giữa Singapour và Sumatra, hải hành vào biển Ấn Độ Dương.
Có nhiều ngày Bạch Lan say sóng dữ dội, chỉ ăn được súp và trái cây, nằm bải hoải trên giường, cô Catherine cũng thế, hai người trở thành bệnh nhân được Bác sĩ Maurice chăm sóc lo lắng, tiếp tế bánh biscuit loại cứng và đem báo chí cho hai cô này đọc đỡ buồn.
Maurice có vẻ quyến luyến với Catherine nhưng lại tỏ ra có nhiều cảm tình với Bạch Lan, có lẽ là vì thương hại người thiếu nữ Việt Nam.
Đã nhiều lần Bạch Lan bắt gặp hai người cầm tay nhau, dìu nhau vào phòng ngủ của Bác sĩ Maurice, họ ở trong đó với nhau một thời gian lâu, rồi sau đó Cathy tỏ ra bối rối khi bắt gặp tia nhìn như thăm hỏi của Bạch Lan.
Nàng cười thông cảm và một ý nghĩ không đâu chợt thoáng đến làm Bạch Lan đỏ mặt thẹn thùng.
Thế rồi khi chiếc Bệnh Viện Hạm đi vào kinh đào Suez, không khí bắt đầu thay đổi, gió nóng từ sa mạc thổi qua bong tàu, những bệnh nhân và thủy thủ đoàn lên trên bong thượng để hóng mát và ngắm cảnh hai bên bờ. Lãnh thổ của xứ “một nghìn lẻ một đêm” trong câu chuyện huyền bí Ai Cập được truyền tụng trong nhân gian, trải dài trước mắt những khách trên bong.
Sau đó tàu rời kinh đào Suez tại Port Said, một cửa biển chiến lược nổi tiếng về vẻ đẹp thiên nhiên.
Biển Địa Trung Hải êm và xanh hơn những đại dương khác trên hải trình từ Việt Nam về Marseilles mà Bệnh Viện Hạm đã vượt qua.
Những con cá heo lướt mình trên sóng, lội nhanh trước mũi tàu, khi tung mình lên cao khỏi mặt nước như khoe thân hình thon đẹp, khi vùng vẫy đuổi theo tàu như muốn lội đua.
Tàu dự trù sau khi vượt qua đảo Malta sẽ ghé lại thành phố Naples, một nơi nghỉ mát phía tây nam nước Ý Đại Lợi để tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm trước khi tiếp tục đi nốt đoạn đường còn lại tương đối ngắn đến Marseilles.
Bạch Lan đứng nhìn bãi biển cát trắng với khách du lịch đang phơi mình trần dưới ánh nắng ấm của mặt trời chói chan. Họ tung tăng nhảy qua những đợt sóng bạc đầu đang cuộn vào bờ, dưới bầu trời trong vắt không một gợn mây.
Lại một lần nữa, một hình ảnh quen thuộc chợt thoáng qua trong tâm trí của nàng, hình dáng một người con gái trẻ tuổi trong bộ áo quần tắm màu tím nhạt, đang chạy theo hai chàng thanh niên mặt mày lạ hoắc trên một bãi biển cát trắng ngà, cũng nhiều sóng cuốn bạc đầu.
Bạch Lan ôm đầu, choáng váng muốn té, rồi cảm thấy như có hai cánh tay đang đở lưng nàng và tiếng Bác sĩ Maurice nghe thoang thoáng bên tai:
-“ Orchid có việc gì không? Có lẽ lại mơ thấy cơn mộng cũ phải không? Để Maurice dìu em vào phòng nghe”.
Bạch Lan gật đầu không trả lời, nàng dựa vào người của Maurice, chậm rãi lê bước vào phòng ngủ của mình.
Bác sĩ Maurice đặt Bạch Lan nằm trên giường, đi lại chiếc bàn rót một ly nước đem đến cho Lan, xong anh ấy kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, cầm tay Bạch Lan:
-“ Orchid có còn nhớ gì không, nói cho Maurice biết, họa may anh có thể định bệnh và giúp em tìm lại ký ức đã bị ảnh hưởng vì sự chấn động tinh thần.”
-“ Em sẽ cố gắng, cám ơn Bác sĩ, nhưng mỗi lần em ráng tìm hiểu thêm về giấc mộng, đầu em buốt lại như bị ai lấy kim châm đâm vào giây thần kinh.”
Bạch Lan vừa nhăn nhó trả lời vừa dùng bàn tay xoa hai bên màng tang của mình.
-“ Khi nào về đến Pháp, anh sẽ liên lạc với những vị Bác sĩ chuyên môn về tâm lý học để nhờ họ điều trị cho Orchid, riêng bây giờ Maurice muốn em nằm đây nghỉ một lát, Maurice phải đi chăm sóc bệnh nhân. Tàu cũng sắp sửa rời Naples rồi, không bao lâu nữa Orchid sẽ gặp mẹ ra đón chúng mình tại bến tàu Marseilles, anh chắc chắn rằng bà rất nóng lòng gặp Orchid lắm đó.”
Maurice cúi xuống hôn nhẹ lên vầng trán của Bạch Lan, trước khi đóng cửa phòng anh ta đưa ngón tay trỏ lên chỉ về phía Lan như bảo nàng phải nằm yên dưỡng sức.
Bạch Lan mỉm cười gật đầu như hiểu ý, rồi nằm ngửa người nhìn lên trần tàu, suy nghĩ bâng quơ, thở ra buồn bã.
Tiếng còi hụ dài báo hiệu tàu đang rời thành phố Naples của nước Ý Đại Lợi, mọi người hăm hở chuẩn bị giây phút vui mừng gặp lại người thân yêu sẽ đón chờ họ tại quê nhà.
Vài hôm sau vào một buổi sáng Catherine đến thay thế phiên trực cho Bạch Lan, mặt mày cô Y tá tươi rói như vừa có tin gì vui lắm. Quả thật như dự đoán của Bạch Lan, Catherine kéo tay nàng vào trong phòng tắm rồi ôm chầm lấy Lan, sung sướng loan tin:
-“ Orchid ơi, em là người đầu tiên Catherine báo cho biết là tối qua Bác sĩ Maurice đã ngỏ lời cầu hôn với chị, thật là hạnh phúc quá phải không em, Cathy đã yêu Maurice lâu lắm rồi kể từ ngày anh bị thương tại Pleiku được chở về tàu và Cathy săn sóc cho anh ấy cho đến khi Maurice bình phục như Orchid đã biết. Cathy chỉ mong chờ ngày hôm nay và đã chấp nhận lời làm vợ Maurice. Orchid có mừng cho Maurice và Catherine không?”
Bạch Lan không kịp phản ứng trước tin mừng đột ngột này, nàng chỉ ấp úng trả lời:
-“Có chứ, em rất mừng cho Bác sĩ Maurice và Catherine lắm chứ, nhưng mà khi nào hai người mới định làm lễ kết hôn?”
-“ Anh ấy bảo là phải chờ về thưa với mẹ anh rồi sẽ chọn ngày ra nhà thờ làm lễ cưới. Orchid nhớ phải làm phụ đâu cho chị nghe.”
-“ Thưa chị vâng, Bạch Lan thích lắm, như vậy là có chị bên cạnh thường trực rồi, em thích và cảm thấy yên bụng rồi.”
Hai người ôm nhau cười vui vẻ quên không để ý đến tiếng còi tàu vang lên “tù..tù..tù” báo hiệu cho mọi người trên tàu biết Bệnh Viện Hạm đã vào đến hải phận Pháp quốc.
Bạch Lan rời phòng Y tá trực, nàng quyết định không đi về phòng để nghỉ mệt sau một phiên trực đêm bận rộn. Bạch Lan lần theo thang lầu, người nghiêng theo nhịp lắc ngang quen thuộc của chiếc tàu, đi lên sân thượng để xem những gì xảy ra trên đó.
Cơn nắng chói chan làm nàng nhíu mắt lại, móc túi lấy chiếc gương mát đeo lên che nắng.
Một đoàn hải điểu bay lượn theo Bệnh Viện Hạm chờ thức ăn dư thừa được các đầu bếp thủy thủ đổ xuống biển. Từ phía xa chếch về bên hữu hạm, những dãy núi mập mờ hiện ra trong sương mù bốc lên cùng hơi nước biển.
Những người bệnh nhân đứng trên bong ngừng nói chuyện với vài thủy thủ Pháp, họ gật đầu chào Bạch Lan khi thấy nàng đi ngang qua, thậm chí có người gọi cả tên nàng làm Bạch Lan quá ngạc nhiên.
Cuộc sống trên tàu lâu ngày làm cho mọi người quen biết nhau, đôi khi thủy thủ đoàn đối xử với Bạch Lan như là người cùng chung chủng tôïc với họ chứ không kỳ thị vì nàng là người Việt Nam. Tất cả người bạn Pháp đều gọi Bạch Lan là Vietnamienne thay vì Annamite như những tên thực dân Pháp đã gọi người An nam trước đây.
Gió thổi mạnh suýt nữa làm bay chiếc nón màu trắng của cô Y tá trẻ đẹp, đang nhắm mắt hít vào mùi biển mặn mà định mệnh đã làm nàng yêu mến. Một cảm giác thích thú kỳ lạ của những người yêu biển cả làm nàng hít mạnh thêm. Hèn gì những người đã chọn đại dương làm nhà thường ví biển như là một người tình, nhớ biển như nhớ người con gái mình thương.
Riêng đối với Bạch Lan, khoảng thời gian trên con tàu này với Quang là một kỷ niệm êm đềm nhớ mãi trong ký ức của nàng. Bạch Lan biết rằng mình sẽ phải rời chiếc Bệnh Viện Hạm khi tàu ghé bến Marseilles và nàng bắt đầu cảm thấy buồn vì không còn có dịp đứng dựa lan can tàu vào những buổi bình minh, say sưa lặng ngắm mặt trời màu đỏ tươi trên đại dương, từ từ mọc lên từ chân trời trong những buổi sáng mờ sương.
Bạch Lan trở về phòng, vào phòng tắm vặn vòi nước, hòa cho đủ ấm rồi cổi dây thắt lưng của cái áo choàng, để chiếc áo rơi trên sàn phòng tắm, bước vào đứng trước vòi sen, ngửa mặt duới tia nước ấm, cảm thấy người mình tỉnh táo hẳn lên.
Khi hai tay nàng thoa tấm thân hình nẩy nở, Bạch Lan nhớ mường tượng trong đầu một hình ảnh không rõ rệt lắm, từ thuở nào xa xưa, thoáng đến rồi tan biến mất trong ký ức.
Sau khi tắm thỏa thích một hồi lâu, nàng mặc bộ đồ ngủ vào và leo lên giường cố dỗ mình vào giấc ngủ triền miên với giấc mộng đẹp.
Chiếc xe hơi chuyên chở gỗ ván quẹo vào con đường hẹp phía sau sông Hàng Bè. Anh tài xế liếc nhìn vào gương chiếu hậu để chắc chắn rằng xe có thể qua được khúc cua gần chín mươi độ.
Vì chiều cao của chiếc xe không thể chạy ngang dưới cầu Đông Ba quá thấp, anh phải vào con lộ này để chạy lên đường Gia Long, thường được người Huế gọi là đường “ngả giữa”.
Anh tài xế thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy bánh xe bên trái phía sau, chỉ phải leo lên lề đường một tí thôi. Anh nhấn chân ga để tăng tốc độ rồi quay nhìn về phía trước xe.
Bỗng nhiên anh hoảng hốt đạp thắng xe thật gấp, lấy tay lái về tay mặt để tránh con chó màu đen đang từ trước sân căn nhà bên trái, phóng chạy ngang qua đường đuổi theo một con mèo tam thể. Nhưng đã quá muộn, vì khoảng cách quá gần, chiếc xe chỉ tránh được con chó khỏi hai bánh xe trước, con chó Berger kêu ăng ẳng vài tiếng rồi tiếng kêu nhỏ dần và tắt ngúm. Thân hình nó bị hai bánh xe sau cán bẹp nhúm, máu từ miệng nó chảy ra trên con đường nhựa giữa một buổi chiều ngày thứ bảy.
Nguyên đang ngồi học luyện thi để chuẩn bị đại diện trường Quốc học trong giải trung học toàn quốc về môn anh văn. Nghe tiếng ồn ào trước cửa nhà, anh ngừng học, đi ra xem thử có chuyện gì đang xảy ra.
Trống ngực Nguyên chợt đập mạnh, áp huyết tăng lên cao, khi Nguyên thấy Đô, con chó lai Berger của Nguyên đang nằm trên vũng máu đào, hai mắt mở trừng như đang nhìn Nguyên cầu cứu. Bên cạnh là chú tài xế xe tải, mặt mày tái mét, bối rối trước đám đông người đang đứng lại xem tai nạn.
Nguyên chạy tới, quỳ xuống và ôm con Đô vào lòng bất kể máu me dính đầy vào cánh tay áo sơ mi trắng. Nguyên khóc ròng rã, rồi đột nhiên một cơn giận dữ chợt đến với Nguyên, anh không dằn lòng được nữa. Nguyên đặt con Đô nằm xuống đất rồi xông về phía chú tài xế, nắm lấy cổ áo và dang tay định đánh vào mặt chú này.
Mọi người vội nhảy vào can ngăn và nắm lấy tay Nguyên, thế rồi Nguyên chợt nghe tiếng khóc và tiếng khuyên can của Ngọc, cô láng giềng xinh đẹp vừa mới nghe tin dữ chạy đến.
Cơn giận của Nguyên giảm dần khi nghe chú tài xế giải thích và trình bày lý do tại sao. Chú ấy xin lỗi và rất hối tiếc là không tránh kịp vì con chó bất ngờ chạy ngang trước xe hơi, khoảng cách quá gần không cho chú có đủ thì giờ tránh kịp.
Nguyên thẫn thờ mang con Đô vào nhà, Ngọc buồn bã đi theo sau an ủi người bạn trai mà nàng vừa quen biết vào khoảng hơn sáu tháng nay khi cha mẹ mua căn nhà bên cạnh và dọn đến ở vào khoảng mười tháng trước đây.
Nguyên nhất định không cho mang con Đô đi chôn, anh đặt nó nằm trên chiếc mền cũ của anh, rồi cứ buồn rầu ngồi nhìn nó, nước mắt chảy dài xuống má. Đô là con chó riêng mà cha mẹ đã mua cho Nguyên sau khi anh Nghĩa, người anh cùng cha khác mẹ, đem con chó Berna vào Đà Nẳng với anh ấy.
Tội nghiệp cho Ngọc, ngồi bên cạnh người yêu suốt cả buổi chiều, khuyên răn Nguyên mãi, đến khi mẹ Nguyên từ chợ trở về, giải thích hơn thiệt, Nguyên mới chịu nghe lời. Mẹ Nguyên nhờ Nông và Hoàng cuốn xác con Đô vào chiếc mền, đem ra khu đất trống sau hồ sen đào lỗ chôn nó.
Sau khi hai người bạn trai mang xác con chó đi chôn, Nguyên xin phép mẹ và yêu cầu Ngọc ở lại chơi một lát rồi hãy về.
Nguyên đỡ lưng Ngọc leo chiếc cầu thang lên sân thượng mà cha đã thuê xây cất để gia đình lên ngủ vào những đêm mùa hè nóng nực.
Hai người ngồi xuống bên nhau trên chiếc ghế dài cạnh lan can lầu.
Hoàng hôn bắt đầu bao phủ màn trời màu xám với những tinh tú óng ánh trên không trung.
Nguyên định vói tay bật ngọn đèn điện nhưng Ngọc kéo tay lại không cho, nàng thích ngồi nhìn vũ trụ và ngắm cảnh trời mây trong bóng tối.
Nguyên nghiêng người qua rồi đánh bạo hôn nhẹ vào chiếc má dễ thương của người yêu. Ngọc không tránh né, có lẽ vì muốn chìu Nguyên khi anh đang buồn vì chuyện con chó thân yêu vừa chết.
Đây là lần đầu tiên Nguyên đường đột và đi xa hơn trong sự liên hệ tình cảm của hai người. Trước đây Nguyên chỉ nói anh yêu em và hỏi Ngọc có yêu Nguyên không? hay chỉ cầm tay nhau mà thôi, chứ chưa khi nào hôn người yêu lần nào cả.
Ngọc và Nguyên bắt đầu yêu nhau cũng hơn sáu tháng rồi. Ngọc là cô láng giềng xinh đẹp, dáng người thanh cảnh nhỏ nhắn với mái tóc dài óng mượt xõa ngang bờ vai. Nàng có đôi mắt huyền dịu hiền nhí nhảnh, đôi môi hồng nũng nịu ướt át, miệng cười rất tươi, khi nàng cười đưa chiếc răng khểnh ngây thơ duyên dáng.
Nguyên không nhớ rõ tiếng sét ái tình đã xãy đến với Nguyên hồi nào, chỉ biết lòng mình cảm thấy khát khao với một thứ tình cảm ấm cúng êm ái lạ lùng dâng lên, mỗi khi Nguyên đạp chiếc xe cuốc đi ngang qua nhà Ngọc và thấy nàng đang đứng trước cửa, hai tay khoanh trước ngực căng phồng dễ thương, dưới lớp áo cánh mỏng màu trắng và mỉm miệng cười chào Nguyên với đôi mắt thật tình tứ.
Sau nhiều tuần lễ mơ mộng và nhớ mong nhiều, một hôm Nguyên đánh bạo viết thư tỏ tình và trên đường đi học, dừng xe lại trao vội lá thư cho Ngọc rồi nhảy lên cái yên xe đạp, nhấn mạnh bàn xe, suýt chút nữa Nguyên tông nhào chú Sáu thợ mộc đang từ trong nhà chú bước ra.
Những ngày sau đó, Nguyên trằn trọc không ngủ được, chờ đợi mãi vẫn không thấy Ngọc trả lời. Nguyên thắc mắc rồi tự trách mình không biết dùng lời văn ướt át và thành thật hơn để nàng hiểu được tấm lòng yêu thương của mình đối với Ngọc.
Thế rồi một phép huyền diệu đến với Nguyên vào một buổi trưa hè ngày chúa nhật, khi Nguyên đang nằm thiu thiu thả hồn theo tiếng nhạc ngoại quốc yêu cầu từ chiếc radio nhỏ trên đầu giường, người em họ mang vào cho Nguyên một chiếc bì thư màu xanh với dòng chữ viết tay trên phong bì:
“T.g Anh Nguyên ” không có tên người gửi, nhưng Nguyên cũng đã đoán biết là của Ngọc. “T.g có nghĩa là thương gửi hay thân gửi nhỉ?”, nhưng mà gì đi nữa lá thư này đã làm Nguyên cảm thấy đời là một màu hồng vì tình yêu đã đến với Nguyên kể từ hôm đó.
Thế rồi những cánh thư với lời lẽ càng ngày càng thân mật và âu yếm hơn được xen kẽ bằng những lần hẹn hò gặp nhau lén lút và thẹn thùng. Tình yêu giữa Nguyên và Ngọc mỗi ngày thêm đậm đà, khắn khít và lãng mạng.
Vầng trăng tròn mười bốn lên cao dần từ hướng đông, về phía Thuận An, đôi tình nhân trẻ ngồi âu yếm cầm tay nhau không muốn rời. Trên không những con chim vạc đi ăn đêm buông tiếng kêu rời rạc và nhỏ dần khi bay xa.
“ Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa...”, giọng ca khàn khàn của anh đồng chí cán bộ hát theo tiếng đàn ngắt quảng từng nốt nhạc từ cây mandolin nghe không được tí nào cả. Nhưng nó cũng diễn tả được phần nào nỗi buồn khi nghe những giọt mưa đang rơi xào xạc trên cành lá trong khu vườn của căn nhà ngói lớn, được dùng làm trại tiếp liên tại phía nam thành phố Đồng Hới.
Mưa đã rơi xuống vùng duyên hải miền trung này hơn ba ngày rồi, làm gián đoạn cuộc hành trình xuôi về nam của nhóm cán bộ 54, gồm những thành viên đảng vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện chính trị tại trung tâm huấn luyện ở ngoài bắc.
Với những bí danh mới, những chính trị viên tương lai từ cấp Tiểu đoàn đến cấp Sư đoàn các đơn vị Việt Cọng không dùng tên thật để gọi nhau nữa.
Như thường lệ, người thanh niên họa sĩ chăm chú tập trung tư tưởng vào bức tranh đang vẽ dở dang, chiếc bút lông thành thạo dưới bàn tay điêu luyện của Trung đang họa những nét sơn màu trên tấm vải trắng.
Hình ảnh đoàn người đi giữa con đường khúc khuỷu của núi đồi dưới cơn mưa rào dần dần hiện lên như một phép lạ nhiệm mầu của cây bút lông.
Có tiếng chân bước đến gần, Trung vẫn không để ý và tiếp tục vẽ. Một mùi thơm trinh nguyên của người con gái, mùi hoa khế hay hoa bưởi chợt thoang thoảng bay vào khứu giác của người họa sĩ, Trung dừng tay vẽ, ngước nhìn về phía sau lưng.
-“ Chào đồng chí, xin lỗi đã làm gián đoạn nguồn cảm hứng của đồng chí, nhưng tôi không thể dằn lòng đến đây chiêm ngưởng tài vẽ tranh của đồng chí. Thú thật chưa khi nào tôi rung cảm nhiều trước một tấm tranh vẽ như khi nhìn bức họa này.”
Trung bàng hoàng trước một khuôn mặt trái soan, làn tóc mây óng ả cắt ngắn như con trai, đôi mắt hơi xếch cao trên gò má ửng hồng. Bên tai anh còn nghe văng vẳng giọng nói bắc kỳ trong vút dễ yêu, mùi thơm của chiếc hoa bưởi từ tay người nữ đồng chí làm không khí giữa hai người dịu hẳn đi.
-“Tôi tên là Thu, xin lỗi có phải anh là Trung không?”
Trung vẫn còn xúc động vì bất ngờ trước người con gái dáng người cứng cỏi, anh không biết phản ứng như thế nào, chỉ rất ngạc nhiên về câu hỏi thẳng thừng và gọi anh bằng tên thật thay vì bí danh.
>Người nữ cán bộ trông thấy Trung có vẻ bối rối, cô không chờ câu trả lời mà lại hỏi tiếp nữa:
-“ Anh Trung thuộc đơn vị nào nhỉ, có cho tôi biết được không?”
Trung thầm nghĩ:
-“Cô gái này thật không biết điều, trước mặt các đồng chí khác mà cứ hỏi những câu này sao được, không ai có quyền tiết lộ đơn vị sắp tân đáo của mình mà, sao cô ta không biết luật lệ gì hết trơn.”
Nhưng rồi anh không chỉ trích và nói ra điều này sợ người đẹp hiểu lầm, vì thế anh chỉ “ ừ.. ừ ” như đang suy nghĩ tìm câu trả lời.
Thu tấn công tiếp, vẫn với cái giọng nói đi ngay vào vấn đề:
-“ Ô kìa, anh này hay nhỉ, sao không trả lời gì cả, bộ anh không muốn nói chuyện với tôi hay sao?”
Vừa nói nàng ta vừa nguýt một cái thật dài, nguây nguẩy bỏ đi vào căn nhà trong.
Trung vội vàng cố lấy lại bình tĩnh, anh nói theo:
-“ Dạ phải, tôi là Trung và thuộc đơn vị Đồng Bò Nông Sơn, cô Thu đứng lại đi”.
Đang nhún nhẩy bước đi, Thu bỗng đứng khựng lại, chạy tới thản nhiên cầm cánh tay của Trung lay nhẹ và hỏi tới tấp:
-“ Anh Trung nói thật hay đùa đấy, trời ơi nếu thật đúng như vậy thì thật là hay quá sá, Thu thuộc về quân ủy Cẩm Thanh Hội An đây này, cùng một chỗ với anh Trung rồi.”
Nàng không cầm lòng được mừng rỡ tíu tít như con bé vừa được quà, tự nhiên Trưng cũng cảm thấy vui lây không hiểu có phải vì lý do cùng làm chung trong tỉnh Quảng Nam với cô gái này hay không.
Trung liếc nhìn khuôn mặt đàn bà trẻ con của cô đồng chí cán bộ. Tuổi Thu khoảng chừng mười chín, hai mươi gì đó, bằng tuổi của Trung nhưng trông lớn hơn trước tuổi mặc dù tính tình có vẻ chưa chững chạc lắm, giống như con gái một nhà giàu vậy, muốn gì được nấy.
Thu thấy chàng trai có thân hình ẻo lả nhưng có thiên tài đặc biệt cứ liếc nhìn lén mình hoài, nàng tấn công để cố chọc quê cho bỏ ghét:
-“ Làm gì mà cứ nhìn lén Thu dữ vậy, bộ chưa thấy nữ cán bộ lần nào hết hay sao, này Thu nói cho Trung biết nghe, Thu thấy anh dễ thương và vẽ đẹp nên Thu thích làm quen, chứ nhiều đồng chí khác la cà đến xin điểm hoài mà Thu vẫn tỉnh bơ à”.
Trung lúng túng đỏ mặt trước cách thay đổi xưng hô quá nhanh của Thu, tuy thế anh lại thích như vậy và đã cảm thấy có cảm tình với cô gái trực tính và duyên dáng này.
Rồi Trung nhìn quanh xem có ai để ý đến cuộc đối thoại này không. Anh yên lòng vì căn phòng bên trái hoàn toàn trống vắng, chỉ có Thu, giá vẽ và anh ta, những đồng chí khác có lẽ đang ra xem thời tiết và dạo chơi vì ngoài trời mưa đã ngừng rơi.
Trung kéo chiếc ghế mời Thu ngồi, anh để tấm cạt tông và chiếc bút vẽ xuống cái bàn bên cạnh, lau hai tay dính chút sơn màu vào mảnh vải thô, rồi đưa tay ra bắt bàn tay mềm nhỏ của cô nữ cán bộ:
-“ Hân hạnh được biết Thu và rất vui vì trong tương lai Trung được làm cùng một đơn vị, mặc dù không gần nhau lắm nhưng cũng ở trong vùng hoạt động.”
Thu ngồi xuống chiếc ghế gỗ, mỉm cười, lần này nàng không nói nhanh như trước mà rất từ tốn, chậm rãi:
-“ Chào anh Trung, Thu cũng thế, rất vui khi thấy anh có cùng một sở thích về hội họa. Anh Trung biết không cha Thu lúc còn sinh tiền, ông hay sưu tầm những bức tranh quý giá, ông thích nhất là tranh lập thể của Picasso và Van Gogh, cha thường chỉ cho Thu xem trong các tạp chí chụp lại những bức tranh của hai thiên tài hội họa này.”
-“ Thì ra vì vậy vừa mới gặp mà Thu làm như mình quen biết nhau lâu lắm rồi, làm tôi lúng túng và ngạc nhiên quá.”
-“ Thu xin lỗi đã có những lời nói và hành động sàm sỡ, tại vì tính tình của Thu như vậy từ hồi nhỏ, cứ bị mẹ mắng là như con trai, không giữ gìn ý tứ gì hết trơn. Nhưng cũng tại trời sinh anh à, khi nào Thu thích cái gì là không kiềm chế được lòng mình, cứ như là con nít đòi quà và ham búp bê vậy đó.”
Trung ngồi yên chăm chú nghe người con gái vừa mới gặp đang tâm sự với mình như là với một người bạn cố tri, có thể so sánh được với tình bạn giữa Trung và Huyền nữa. Vì thật ra có bao giờ Trung nói chuyện lâu với Huyền đâu, luôn luôn khi nào cũng có hình bóng của Nguyên đứng giữa hai người.
Huyền không chú ý đến Trung nhiều, ngoại trừ lần cuối cùng khi hai đứa dạo chơi trên con đường làng Vân Trình, bên cạnh dòng sông Ô Lâu với cành hoa lan Trung hái tặng Huyền.
Kỷ niệm đẹp này ghi nhớ mãi trong lòng người con trai thiếu thốn tình thương và rồi bất mãn trong chuyến viếng thăm Hà Nội khi Trung bắt gặp Huyền cười đùa nham nhở trên chiếc xe hơi cùng với tây đầm thực dân.
Những đêm dài nằm suy tư buồn cho cuộc đổi đời và người con gái thay lòng đổi dạ để rồi đi đến quyết định tiếp tục dấn thân trên con đường cách mạng, một cuộc chiến mà chỉ trong khoảng khắc anh sắp muốn từ bỏ hết để trở về với gia đình, bên cạnh hai người bạn học cũ Nguyên và Huyền của thuở thiếu thời đã đánh mất.
-“ Anh Trung làm gì mà đăm chiêu dữ thế? À mà khi nào thì anh lên đường? Thu thì phải ở lại thêm vài ngày nữa vì có nhiều công tác phải làm, rồi mới đáp chuyến xe lửa vào đến Bến Hải, sau đó Thu theo phương tiện riêng của nhân viên tiếp liên vào Hội An bằng đường thủy cho nó kín đáo hơn.”
Thu vừa nói cho Trung về một chuyến đi đã được sắp đặt cho mỗi cán bộ chính trị viên khi tái nhập vào miền nam do quốc gia kiểm soát.
-“ Tôi sẽ khởi hành khi thời tiết trở nên tốt hơn vì phải di hành bằng đường bộ, cứ như thế này thì tôi có thể đi vào ngày mai. Ngoài kia mưa cũng đã tạnh rồi, có lẽ tối nay tôi phải thu xếp hành trang đó cô Thu à.”
Trung xin lỗi cô bạn gái rồi dọn dẹp giá vẽ. “Hành trang” mà Trung vừa nhắc đến là vài chiếc áo quần đã cũ rích, một chiếc mền len và một cái áo ấm. Riêng những bức tranh vẽ là một gia tài kỷ vật mà anh đóng thành hai tập, một dành cho tranh lụa, một để cho tranh vẽ trên giấy, rồi cất trong chiếc va li bằng da bò mà anh đã để dành tiền mua tại một phố buôn bán tại Hà Nội trong chuyến nghỉ phép thăm viếng vừa qua.
Thu cũng phụ giúp cho bạn một tay, vừa ôm hai bức tranh vẽ vừa liếc nhìn Trung như thán phục:
-“Nếu anh Trung cứ tiếp tục vẽ như thế này thì một ngày nào đó em sẽ đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm tại Hà Nội để trưng bày các họa phẩm tuyệt tác của anh cho công chúng thưởng ngoạn.”
Trung khiêm nhượng trả lời:
-“ Chắc không đâu cô Thu ơi, ước mộng của tôi là chỉ ghi lại trên giấy, trên lụa nét đặc thù của quê hương, những cảnh đẹp của thiên nhiên trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tôi không có cao vọng và cũng không muốn phô trương tác phẩm của mình. Chỉ mong rằng một ngày nào đó khi cơ hội cho phép, tôi sẽ tặng những bức tranh này cho viện Bảo tàng nghệ thuật để cho du khách xem và rồi lưu lại cho hậu thế.”
Thu đứng im, tay ôm hai bức tranh vẽ của Trung trước ngực, cảm động lắng tai nghe lời tâm huyết của một chàng thanh niên Việt Nam yêu quê hương đất nước từ cả thể xác lẫn tâm hồn, nước mắt nàng rưng rưng như muốn chảy dài xuống đôi gò má đang ửng hồng.
Thu bỗng thấy một thứ tình cảm êm dịu dâng lên trong lòng người con gái mới lớn, hay tự phụ và nhiều ham muốn, mà đã muốn là phải chiếm cho bằng được. Nhưng lần này cô gái ấy lại cảm thấy yếu đuối và thua kém trước một nam đồng chí đã làm trái tim nàng rung động.
Tiếng sét ái tình thay vì xảy đến cho người con trai, thì ngược lại Thu là người đã nhận thức trước và bị xâm chiếm với tất cả lòng mình.
Cuộc chiến đấu gian truân đã un đúc ý chí cương quyết vững mạnh từ hơn ba năm nay, khi Thu ly khai gia đình đi theo tiếng gọi của núi sông, như hàng hàng lớp lớp thanh niên thiếu nữ cùng lứa tuổi, với lý tưởng diệt thù cứu nước đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho quê hương Việt Nam dấu yêu.
Tình cảm trai gái cá nhân bị đảng cấm đoán vì cho rằng đây là thứ tình cảm ủy mị làm suy yếu tinh thần chiến đấu của cán bộ.
Nhưng họ quên mất một điều mà không ai chối cải được vì tình yêu và hôn nhân không những chỉ là sự liên hệ và kết hợp giữa hai người trai gái yêu nhau mà còn là khởi đầu của sự nối tiếp của một gia đình, một dòng họ, một xã hội, một dân tộc...
Hai người tuổi trẻ này đã tìm đến bên nhau với một mối tình trai gái vừa chớm nở cho đôi tâm hồn cô đơn trong cuộc chiến mà họ đã dấn thân vì tin tưởng vào một huyền thoại mơ hồ.
Ngoài kia nắng vàng đã le lói xuyên qua rừng cây, chim chóc bắt đầu ríu rít rỉa cánh trên cành.
Tiếng nhạc trổi lên rộn ràng từ dàn Organ của thánh đường công giáo tại thành phố Brest khi cha cô dâu Catherine đưa con gái từ cổng chánh đi dọc theo hành lang, giữa hai hàng ghế đông quan khách đến tham dự lễ cưới, đang đứng im lặng hân hoan nhìn hai cha con cô dâu mới đi ngang qua.
Cô dâu Catherine rất xinh đẹp trong chiếc áo cưới màu trắng trải dài kéo lê lướt thước theo bước chân đi chầm chậm theo nhịp đàn, khuôn mặt của Catherine thấp thoáng sau tấm khăn voan cũng màu trắng.
Bác sĩ Maurice hiên ngang trong bộ quân phục Đại lễ của Lục Quân Pháp, mang găng tay trắng, thanh kiếm dài buông thả bên hông trái, đứng chờ cô dâu cạnh cha xứ và hướng mặt về phía hai cha con cô dâu Catherine đang tiến lên nơi hành lễ trước bàn thờ Chúa Jesus.
Bạch Lan đứng trong hàng ghế dành cho những người bạn của Maurice và Catherine, tươi tắn lộng lẫy trong chiếc áo đầm màu xanh đậm.
Khuôn mặt nàng xinh xắn mặn mà nổi bật giữa những người thanh niên da trắng trong bộ quân phục Sinh viên Hải Quân, thỉnh thoảng liếc nhìn cúi đầu kín đáo chào cô gái Việt Nam. Trong số những người này, Bạch Lan để ý thấy có một người tóc đen da vàng, có vẻ là người Á đông.
Anh Sinh viên lính thủy này cứ liếc Bạch Lan rồi nhìn đi nơi khác mỗi khi ánh mắt nàng vô tình nhìn về hướng anh ta, làm nàng cảm thấy không tự nhiên và thầm nghĩ:
-“ Anh chàng này thật là vô duyên, không biết những người chung quanh đang chú ý, cứ nhìn người ta hoài, không tế nhị tí nào cả.”
Tiếng nhạc chợt ngưng lại, Bạch Lan thấy thân phụ của Catherine bước lui về chỗ ngồi. Một giây phút im lặng trôi qua, mọi người được mời an tọa rồi tiếng nói cha xứ vang dội, bắt đầu cầu nguyện Chúa.
Buổi lễ cưới theo truyền thống và luật lệ công giáo được cử hành trong không khí trang nghiêm, dưới sự chứng kiến của thân nhân và bạn bè hai họ.
Giọt lệ rưng rưng trên khóe mắt của Bạch Lan, cảm động và vui mừng khi thấy hai người bạn thân đang trao nhau nụ hôn đầu và chính thức trở thành vợ chồng.ï
Sau đó mọi người đứng chờ tân lang và tân giai nhân trước cổng chính nhà thờ.
Một đội hình gồm mười hai Sĩ quan và Quân Y sĩ, trong quân phục Đại lễ, tay cầm những thanh kiếm tuốt trần, đưa lên cao, mũi kiếm châu lại với nhau làm thành một mái nhà che cho cô dâu và chú rễ, miệng tươi cười đang dìu nhau khom mình đi ngang dưới rừng gươm.
Quan khách tung những nắm gạo về phía hai vợ chồng mới cưới rồi vỗ tay chúc tụng náo nhiệt.
Bạch Lan tiếng đến hai người bạn trẻ, âu yếm hôn Maurice và Catherine, nói vài câu chúc mừng trước khi đôi tân hôn leo lên chiếc xe hơi đang chờ sẵn, lái về khách sạn nơi buổi lễ tiếp tân sẽ được tiến hành trong chốc lát.
Bạch Lan tần ngần nhìn theo chiếc xe mang hàng chữ “ Vừa mới cưới”, với những chiếc lon cột theo sau lái, kêu leng keng khi xe chạy.
Bà Brigitte De Bormand đến bên cạnh hồi nào mà Lan cũng không hay, bà âu yếm cầm cánh tay nàng, sung sướng nhìn theo chiếc xe hơi chở đôi vợ chồng dâu con mình, khuất sau khúc quẹo cuối đường:
-“ Orchid thấy hai vợ chồng Maurice có xứng đôi không? Tôi rất mừng cho hai vợ chồng nó. Cuối cùng Maurice đã tìm được một người vợ hiền hậu và xinh đẹp, ước gì cha của Maurice còn sống để chứng kiến giây phút hạnh phúc này.”
Bạch Lan quay nhìn bà Brigitte, vuốt nhẹ lưng bàn tay bà như muốn an ủi vỗ về:
-“ Cháu thấy Maurice và Catherine rất xứng đôi và cháu cũng rất mừng cho hai người, cháu chắc chắn họ sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi. À thưa bà hình như cũng đến lúc mình phải đến khách sạn rồi phải không ạ?”
-“ Suýt tí nữa thì lại quên mất, thật là tuổi già lẩm cẩm, cháu cùng đi xe với bác luôn thể.”
Người tài xế trong bộ đồng phục đen, lễ phép mở cửa xe cho hai người lên ngồi vào ghế sau, rồi theo đoàn xe quan khách từ từ lái về phía khách sạn.
Bạch Lan ngoái đầu lại về phía sân trước nhà thờ, tò mò tìm xem người thanh niên Á đông ở đâu.
Nàng thẹn thùng quay đi khi chạm phải ánh mắt của anh chàng Sinh viên Sĩ quan này, cũng đang nhìn về phía nàng, tay đưa lên chiếc vành nón gật nhẹ đầu như chào hỏi, miệng mỉm cười.
Bạch Lan bối rối liếc nhìn bà Brigitte xem bà có để ý gì không, nàng yên lòng khi thấy bà đang chăm chú nhìn về phía trước.
Lan đã đến đây được hơn ba tháng nay kể từ ngày Bệnh Viện Hạm được những chiếc tàu dòng phun nước chào đón và hộ tống vào hải cảng Marseilles.
Ngày hôm ấy, một ngày mà dân Marseillaises ghi nhớ mãi trong lòng, khi ra đứng đón những đứa con thân yêu trở về từ cuộc chiến Việt Nam.
Có người vui mừng ôm chầm những người thanh niên thân thể còn trọn vẹn, trong khi cặp vợ chồng già khác gạt lệ ôm vai đứa con trai cụt chân lê bước trên đôi nạng gỗ, trong khi ban nhạc đang trổi điệu quân hành.
Bà Brigitte De Bormand từ trong chiếc xe hơi bóng loáng bước ra đứng tại cầu tàu giữa đám người đang náo nức chờ con cái.
Khi thấy Maurice từ cầu thang đi xuống, bà vẫy tay gọi tên rối rít rồi chen người đi đến gần hơn. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau sung sướng, bà hôn đứa con trai tới tấp lên trán, lên má.
Sau khi giây phút vui mừng tương phùng hội ngộ đã qua, Maurice thân ái giới thiệu hai người bạn gái đang tần ngần đứng nhìn bên cạnh.
Bà Brigitte lại thêm một lần nữa, ôm hai cô gái hôn lấy hôn để làm họ cảm thấy yên lòng rất cảm kích về sự đón tiếp hai cô đến với gia đình của bà.
Nhà bà Brigitte tọa lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống một vịnh nhỏ bên cạnh thành phố Brest.
Hằng đêm ngọn đèn trên chiếc phao nổi đánh dấu chớp sáng, lắc lư theo gợn sóng nhẹ và tiếng leng keng ngắt quãng của chiếc phao nghe thật rõ trong đêm trường vắng lặng.
Buổi lễ tiếp tân rất vui nhộn và sang trọng được tổ chức chu đáo bởi ban quản trị khách sạn nổi tiếng tại Brest.
Dàn nhạc nhẹ giúp vui trong khi thực khách đang thưởng thức món ăn ngon tuyệt trần được nấu nướng bởi các đầu bếp trứ danh
Bạch Lan đứng bên cô Catherine để phụ giúp nàng với vai trò phụ dâu, nàng bận rộn chào hỏi những người quen biết cũ tại tàu Bệnh Viện.
Bỗng nhiên Bạch Lan ngạc nhiên nghe tiếng mẹ đẻ nói nhỏ bên tai:
-“ Xin chào cô Orchid.”
Bạch Lan quay người lại, anh chàng Sinh viên Sĩ quan trong bộ quân phục Hải Quân màu trắng, với mái tóc đen cắt ngắn theo kiểu nhà binh đang đứng bên cạnh nàng lúc nào không hay. Nàng ấp úng chào lại:
-“ Dạ Bạch Lan xin chào ông.”
Rồi nàng ngừng lại không nói tiếp, thì ra mình đã vô tình tự giới thiệu tên Việt Nam cho anh chàng khá bảnh trai này biết rồi.
-“ Rất hân hạnh được biết cô Bạch Lan, xin lỗi đã đường đột làm quen, nhưng khi nhìn thấy cô và nhất là sau khi biết cô là người đồng hương, tôi không thể nào cầm lòng và không làm liều để được dịp nói chuyện với cô.”
Bạch Lan nhủ thầm:
“Trời ơi ông này miệng mồm lắm đó, cái giọng Bắc kỳ tán nghe ngọt xớt, mình phải đề phòng mới được.”
-“ Dạ Bạch Lan xin cám ơn ông, được gặp người đồng hương trên đất Pháp là một điều đáng vui, phải không thưa ông...à...ông...?”
Bạch Lan nhìn chàng trai như chờ câu trả lời.
-“ Tôi là Bằng, Trần Minh Bằng, người quê ở tỉnh Nam Định ngoài Bắc, dạ có lẽ cô là người Trung phải không ạ, mà ở Huế cô ở vùng nào thế?”
Bạch Lan bối rối, đầu óc như muốn quay cuồng vì không tìm ra được câu trả lời, ký ức không giúp nàng nhớ gì cả. Bạch Lan hai tay ôm đầu, anh chàng tên Bằng ngạc nhiên nửa muốn lấy tay đỡ người cô gái, nửa ngập ngừng lo âu.
May là Catherine đứng bên cạnh đã biết Bạch Lan đang có triệu chứng của phản ứng thần kinh khi trí óc cố gắng tìm về dĩ vãng, cô ta ôm Bạch Lan, dìu nàng ngồi xuống chiếc ghế gần đó, rối âu yếm nói nhỏ đưa tâm tư nàng trở lại trạng thái bình thường.
Maurice bước đến bên cạnh, thân mật hỏi Bạch Lan:
-“ Orchid khỏe lại chưa, ngồi nghỉ một lát rồi anh sẽ giới thiệu em với mấy người bạn học cũ, họ muốn biết thêm về chuyện của Orchid lắm.”
-“ Thôi anh Maurice ạ, em chỉ muốn ngồi đây với bà cụ thôi, ngắm hai ông bà hạnh phúc là em vui rồi.”
Maurice mỉm cười rồi cầm tay vợ đi đến chào hỏi khách dự tiệc. Bạch Lan lấy khăn tay ra lau mồ hôi lấm tấm trên vầng trán.
Tiếng nhạc bỗng chuyển sang điệu luân vũ, mọi người nhường sàn nhảy cho đôi tân lang và tân giai nhân ra dìu nhau trong bản nhạc đầu tiên của đời sống vợ chồng.
Bạch Lan thờ thẫn cầm lá thư của Quang gửi từ trường Quân Y Sài gòn. Nàng đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, nhìn dòng chữ quen thuộc của người yêu xa cách ngàn trùng, Bạch Lan buồn vô hạn.
Trong thư Quang cho biết sau khi chôn mẹ xong, anh nhận được lá thư đến muộn của Lan gửi trước khi rời trên chuyến hải hành vượt đại dương.
Anh buồn vì Bạch Lan không ở lại Việt Nam, anh thương vì biết Bạch Lan sẽ cô đơn trên đất khách quê người và anh hãnh diện vì Bạch Lan biết lợi dụng cơ hội tại Pháp và cương quyết tạo dựng cho nàng một tương lai để về nước giúp các trẻ em cô nhi sau khi học thành tài.
Quang chấm dứt lá thư tâm sự với lời hứa sẽ yêu thương và chờ ngày Bạch Lan trở về quê Mẹ.
Quang còn cho Lan hay là anh đã được thâu nhận theo học ngành Quân Y theo ý muốn của mẹ anh lúc còn sinh tiền.
Mùa đông tại thành phố nhỏ bé tại ven biển thật buồn như lòng người con gái đang sống kiếp tha hương. Kỷ niệm dĩ vãng vẫn chưa trở lại trong tâm trí của một trong ba người bạn, mà định mệnh và một cuộc chiến sinh tồn trên dải đất khô cằn, đã đưa cô bạn gái về nơi phương trời xa lạ.
Huyền nay chỉ là tên của người bạn gái được Nguyên nhắc đến như là một nuối tiếc và hy vọng đang còn sống tại một vùng trời nào đó, soi sáng bởi ngọn hải đăng trên đỉnh núi cao hay trên bán đảo ngoài khơi.
Riêng đối với Trung, người bạn gái tên Huyền chỉ để lại trong anh một oán hận không giải thích được, vừa hờn dỗi vừa chê trách...vừa thương nhiều.
Ba người bạn sinh ra, quen biết nhau và cùng lớn lên theo với một cuộc chiến được các nhà lãnh đạo Quân sự gọi là chiến đấu đánh đuổi thực dân, cứu nước, giành lại độc lập, ấm no tự do cho dân tộc.
Định mệnh của mỗi người đã đẩy đưa họ đi theo ba cuộc sống và ba môi trường khác nhau nhưng cũng là kết quả của một lý do.
Ba người bạn Huyền, Trung và Nguyên đều là nạn nhân một cuộc kháng chiến của những thanh niên nhiều lý tưởng, đầy nhiệt huyết, đã bị tuyên truyền lợi dụng bởi các cấp lãnh tụ Việt Minh, với chiêu bài đánh đuổi thực dân, nhưng đằng sau lưng lại làm đầy tớ cho đảng Cọng sản quốc tế.
Trung vẫn chưa tỉnh cơn mộng đang theo đuổi, vẫn tin rằng đất nước cần những bàn tay đóng góp của những cán bộ đảng như anh ta.
Với lòng hăng say của tuổi trẻ, với lời hứa hẹn về một thiên đường tốt đẹp ở cỏi hư vô, những người Cọng sản đã thuyết phục được người con trai xứ Huế tiếp tục làm con cờ thí cho ván bài nhuộm đỏ hoàn cầu của đảng.
Bên cạnh Trung trong tương lai còn có người nữ cán bộ với mái tóc cao, đôi má ửng hồng, tính tình thẳng thắn.
Thu sẽ là người đồng chí sát cánh người yêu, trong một cuộc chiến tranh mới, chiến tranh ý thức hệ giữa người Việt Nam cùng chung dòng máu Lạc Hồng.
Riêng về phần Nguyên, cuộc đời đã thay đổi kể từ ngày anh tìm được một người tình muôn thuở. Kinh nghiệm bản thân và vừa là nhân chứng của cuộc chiến từ ngày còn bé, đã thấy tận mắt hình ảnh đau thương gây ra bởi những con người lợi dụng tinh thần yêu nước của những thanh thiếu nữ cùng lứa tuổi với Nguyên.
Nguyên đã chuẩn bị sẳn cho mình một lối đi sau khi tốt nghiệp bằng tú tài. Tự do thật sự và quyền căn bản con người là lý do mà anh phải hy sinh tranh đấu, bảo tồn cho cá nhân, gia đình và cho dân tộc Việt Nam.
Ngày nào đất nước thân yêu còn bóng dáng những thành phần độc tài đảng trị, quên gốc truyền bá chiêu bài của ngoại bang; vong bản nối đuôi Nga Tàu Cọng, ngày ấy đất nước vẫn còn cảnh máu đổ xương tan.
Chính trị gia thường lèo lái con thuyền quốc gia theo quyền lợi cá nhân và của đảng phái.
Những thanh niên như Nguyên chỉ biết tin tưởng vào lý tưởng tự do, công bằng, bác ái, hạnh phúc cho giống nòi.
Tại ngoài Bắc cuộc đấu tố hậu chiến thanh trừng các điền chủ đang diễn ra để cân bằng đời sống và làm cho người dân trở thành nghèo bằng nhau, đồng thời lén lút chôn dấu vũ khí, xâm nhập cán bộ trở vào Nam.
Ở Sài Gòn, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã thành công trong việc đóng cửa hai sòng bạc Kim Chung, Đại Thế giới và đã đánh đuổi Lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Đô thành.
Tư tưởng tự do dân chủ được phổ biến rộng rãi như là một lá bài chiêu dụ dân chúng miền Nam.
Sau cuộc Trưng cầu dân ý, đại đa số cử tri bỏ phiếu tín nhiệm Thủ Tướng họ Ngô và đồng ý truất phế Hoàng Đế Bảo Đại.
Kể từ nay ông phải sống kiếp lưu vong tại Pháp, không bao giờ được phép trở về quê cha đất tổ.
Nguyên dự trù sẽ tình nguyện nhập ngũ và thi vào trường Hải Quân Nha Trang để thỏa mộng giang hồ và dấn thân giúp nước Cọng hòa Việt Nam.
Nguyên dặn lòng sẽ không làm chính trị, chỉ mong muốn được trở thành một Sĩ quan thuần túy, một thủy thủ chọn đại dương làm nhà, một chiến sĩ can trường lấy Tổ quốc, Danh dự và Hải nghiệp làm lý tưởng và châm ngôn cho cuộc sống.
Ngọc đã trở thành một bạn đời chung thủy của Nguyên, nàng đã yêu Nguyên với tất cả tấm lòng của người con gái mới yêu lần đầu và cũng là lần cuối.
“Nắng núi rừng chói chan như lửa sáng, mưa cao nguyên tựa thác lũ tuôn trào”.
Trung lắng nghe tiếng ngâm nga của người yêu đang giặt chiếc áo cánh màu đen của anh bên bờ một con suối, tại một khu rừng già không tên thuộc tỉnh Quảng Nam. Thu có tài xuất khẩu thành thơ và theo nhận xét của một họa sĩ như Trung, lời lẽ có âm hưởng về vừa thi vừa họa.
Khi nàng làm thơ không những với thi hứng của thi sĩ mà cả với lòng yêu thích hội họa. Do đó khi Trung nhắm mắt nghe câu thơ, anh đã hình dung trong trí óc một bức tranh mà anh từng vẽ trên lụa.
Trung và Thu không những đã tìm đến và yêu nhau vì tình cảm mà còn vì yêu tài nghệ và có cùng chung lý tưởng, một sở thích về những gì đẹp của đất nước Việt Nam.
Trung ngước nhìn đám mây bay lờ lững trên bầu trời xanh, nhớ về vùng nắng ấm trên bãi biển cát trắng ngà bên hai người bạn cũ, một trai, một gái mến thương, rồi anh chợt cảm thấy nuối tiếc trong khoảng khắc.
Bạch Lan đã nạp đơn xin vào trường Đại học tại Paris. Bà Brigitte rất vừa lòng và khuyến khích đứa con gái nuôi chính thức của bà.
Catherine theo chồng qua Tunisie và tiếp tục phục vụ tại đơn vị Quân Y tại thủ đô nước này cùng với Đại Úy Bác sĩ Maurice.
Chiều nay trời tuyết xuống đầy trên con đường đồi chạy dọc theo con sông nhỏ đang đông đá. Mùa đông buốt giá ngoài trời cũng như trong lòng người con gái Việt Nam đang nhớ về người yêu tại quê nhà.
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...ạ ời...Tiếng nước tôi...
Ạ ơi... Ru con cho thét cho muồi.
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu.
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh...
Nguyên ngồi lặng yên trước chiếc máy radio, nghe hồn thổn thức với bài ru con, nhớ đến kỷ niệm thời ấu thơ, bên cạnh Huyền và Trung, lần đầu gặp gỡ tại chợ An Hòa, bên lồng chim bồ câu, với chiếc kẹo dừa chia làm ba...
Nguyên nhớ câu hò tiếng hát, nhớ bức tranh trên giấy, anh nhớ hết...
Ngoài hiên giọt mưa đông thánh thót rơi trên thềm nhà, trời Huế đã bắt đầu lạnh...
HẾT.
 

Xem Tiếp: ----