CHƯƠNG TÁM

Khi Trung về đến trạm tiếp liên của Trung đoàn 803 thì trời cũng vừa chạng vạng tối. Đồng chí trưởng trạm chỉ định cho Trung nơi ngủ tạm đêm nay rồi ngày mai sẽ lên đường ra tân đáo tại một đơn vị của Trung đoàn đang tham chiến tại vùng Dak Doa, Kontum.
Đoạn đường từ đây đến đó cũng mất đến một ngày đường vì thế phải khởi hành thật sớm, băng con đường rừng tránh máy bay thám thính của địch quân từ phi trường của chúng tại Pleiku bay lên.
Trung gặp những khuôn mặt lạ tại trạm này, vì thế anh không có cơ hội để hỏi xem có ai biết về Huấn, người bạn cách đây gần ba năm ngồi trên cùng một chuyến đò của ông năm Dương, ngược giòng sông Hương qua điện Hòn Chén, lên lăng Minh Mạng.
Năm sau đó Huấn được bổ sung quân số cho Trung đoàn này vào cùng một ngày mà Trung và Luân đổi ra Vân Trình với Trung đoàn 95. Trung hy vọng anh Huấn vẫn còn sống sót sau những trận tác chiến quyết liệt tại vùng cao nguyên rừng sâu nước độc này.
Sau khi Trung đoàn 95 gần như bị xóa tên trong cuộc hành quân của Pháp tại vùng duyên hải Trị Thiên, tàn quân còn lại rút về mật khu A Sao, A lưới để kiểm điểm tình trạng quân số.
Khi nhận thấy môi trường hoạt động tại vùng Mỹ Chánh không thuận tiện cho Việt Minh vì các tổ chức hạ tầng cơ sở bị tiêu diệt và chính quyền địa phương đã được Tây và quốc gia thành lập, kiểm soát chặt chẽ, khó cviệc xâm nhập của Việt Minh, cấp chỉ huy quyết định phân tán đơn vị và bổ sung cho các đơn vị của hai Trung đoàn 108 và 803 đang đối đầu với Lực lượng đặc nhiệm lưu động 100 thiện chiến của quân đội Pháp trong vùng thung lũng cao nguyên từ Kontum đến Ba Mê Thuộc và xuống tận Tuy Hòa, thuộc vùng duyên hải trung phần.
Cuộc hành trình mất nhiều ngày trên con đường mòn chạy ngoằn ngoèo xuyên qua cánh rừng già trong dãy núi Trường Sơn, gian khổ và mệt nhọc vì khí hậu thay đổi quá nhanh trong cùng một ngày.
Ban ngày thì nóng nực, không khí ẩm ướt oi bức với nhiệt độ có thể lên đến 38, 39 độ lúc mặt trời đứng bóng rồi khi đêm về, cơn lạnh buốt cắt da thịt của núi rừng, cùng với muỗi mòng đầy rẫy làm cho nhiều cán binh đồng hành bị bệnh sốt rét phải bị bỏ lại phía sau.
Dù bận rộn với chuyến di hành ngày đi đêm nghỉ này, Trung vẫn tìm thì giờ để ghi lại vẻ đẹp đặc biệt của quê hương mà ít người được biết đến. Trung đã vẽ được nhiều bức tranh về cảnh đẹp hoàng hôn tím trên triền thung lũng đang đổi màu; những con chim lạ đậu trên cành cây, nhìn xuống đàn bướm rừng đầy màu sắc đang vờn bay trên vườn hoa dại; ngọn thác nước lóng lánh muôn màu tuôn trào từ đỉnh núi đá cao... Trung rất thích thú đã may mắn có cơ hội để thu nhận nét đặc thù của quê hương Mẹ trong những tác phẩm của mình.
Đồn Dak Doa nằm về phía đông nam cách tỉnh Kontum khoảng chừng 30 cây số là một vị trí chiến lược kiểm soát khu vực giữa Quốc lộ 19 và Kontum, do một đơn vị thuộc Lực lượng đặc nhiệm lưu động100 phòng thủ.
Cùng với Dak Tô, các đơn vị của chiến đoàn Pháp nằm về phía tây bắc tỉnh lỵ Kontum bị tấn công dữ dội bởi quân đội chính quy Việt Minh và có thể bị thất thủ trong thời gian gần đây.
Máy bay khu trục phóng pháo, từ các phi trường Nha Trang và Pleiku bay lên thả bom yểm trợ liên tục để mong kéo dài tình thế trước khi quân tiếp viện đến cứu.
Trong khi đó căn cứ An Khê, cách Pleiku 100 cây số về phía đông trên Quốc lộ 19 cũng đang bị áp lực nặng nề của Trung đoàn 803 Việt Minh.
Trung Úy Bác sĩ Maurice cùng với các Bác sĩ khác của bệnh viện Dã chiến tại An Khê đang lăng xăng bận rộn với các thương binh vừa được chở về từ chiến trường.
Tay đeo cặp găng tay đầy máu, đôi kính cận thị trụt xuống sống mũi cao, vầng trán rộng lấm tấm đầy mồ hôi vì cơn nóng oai bức của vùng cao nguyên chiếu vào căn lều vải rộng lớn được dựng lên làm thành bệnh viện tạm, Bác sĩ Maurice chăm chú gắp viên đạn ra khỏi vết thương của một lính Lê Dương đang bặm miệng cắn chặt hàm răng cố nhịn cơn đau của cơ thể.
Ông kẹp viên đạn giữa chiếc kẹp bằng sắt, liệng vào thùng rác cạnh dưới chân, rồi quay lại ra lệnh cho anh Hạ sĩ Y tá rửa sạch và băng bó vết thương lại. Sau đó Bác sĩ Maurice đến bên vòi nước, ông tháo bỏ đôi găng tay plastic, vất vào thùng rác, lấy xà phòng rửa sạch cổ tay và hai bàn tay còn dính máu.
Tiếng súng 105 ly từ đơn vị pháo binh bạn ngoài vòng rào căn cứ đang bắn yểm trợ cho lực lượng hành quân nổ rầm trời, làm rung chuyển cả mặt đất.
Trên trời tiếng máy bay thám sát bay lượn hướng dẫn phi pháo vào các địa điểm nghi ngờ có địch quân ẩn núp.
Ngày hôm sau Bộ Chỉ Huy của Lực lượng đặc nhiệm gửi công điện cho các đơn vị trên Quốc lộ 19 biết mưu đồ tấn công của Việt Minh vào những ngày sắp tới và yêu cầu tăng cường phòng thủ.
Các cấp chỉ huy cũng ra lệnh cho Chỉ Huy Trưởng căn cứ gửi những toán biệt kích đi lùng địch và thâu thập tin tức tình báo để báo động kịp thời về sự chuyển quân của Việt Minh trong vùng.
Về phần đơn vị Quân Y, họ được thông báo về sự tăng cường hoạt động của Việt Minh, đơn vị Dã chiến có thể bị thiệt hại nặng nên được lệnh sắp hạng nặng nhẹ các thương bệnh binh, để được di chuyển về điều trị tại Pleiku hoặc trên Bệnh Viện Hạm đang thả neo tại vịnh Nha Trang. Các Bác sĩ cũng được lệnh tháp tùng trở về những nơi này cùng với thương binh.
Từng chuyến máy bay trục thăng tải thương lên xuống bãi đáp cạnh hàng rào dây kẻm gai tại ngoài vòng đai căn cứ An Khê.
Bác sĩ Maurice được sắp xếp sẽ tháp tùng các bệnh nhân hậu giải phẫu cần được săn sóc và sẽ đáp một trong những chiếc trực thăng cuối cùng rời An Khê trước khi trời tối.
Ông thu dọn hành trang, bỏ vào chiếc ba lô, vác lên vai, đội chiếc nón sắt lên đầu rồi chạy ra chỗ chiếc trực thăng đậu, đang mở máy, cánh quạt quay tròn, sẵn sàng cất cánh.
Khi vị Bác sĩ đến gần đang cúi đầu chạy nhanh về khung cửa trực thăng, bỗng nghe tiếng “ đùng...đoành... đùng...đoành” vang dội khắp chung quanh.
Còi báo động vang lên inh ỏi, xen lẫn tiếng Tây la ó và tiếng súng pháo binh đang phản pháo vào vị trí đặt súng của Việt Minh nằm cạnh khu rừng ngoài căn cứ. Tất cả xảy ra rất nhanh, địch vẫn tiếp tục pháo, một quả đạn súng cối rơi cạnh chiếc trực thăng, mảnh đạn văng trúng cánh tay trái của Bác Sĩ Maurice. Ông nhào sấp xuống cạnh đôi càng máy bay, máu ướt đẫm cánh tay qua chiếc áo trận ngụy trang rằn ri.
Người Hạ Sĩ Y tá vội vàng nhảy ra khỏi trực thăng, dìu vị Bác sĩ dậy, xốc lên vai và đẩy ông ta vào sàn chiếc trực thăng, rồi anh nhảy lên theo vừa đúng lúc chiếc trực thăng cất cánh, bay lên cao, lượn vòng nghiêng thân hình máy bay, tránh đạn đại liên “ tạch..tạch” từ khu rừng đang bắn lên xối xả.
Hai Sĩ quan phi công trực thăng người Pháp thở ra nhẹ nhõm, quay nhìn dưới cánh bay, thấy những cụm khói trắng đang xa dần rồi khuất hẳn trong làn sương mù mỏng đang buông phủ trên bãi chiến trường.
Người y tá khám vết thương cho Bác sĩ Maurice, cũng may là mảnh đạn chỉ trúng vào bắp thịt, không gây thương tích nặng cho cánh tay. Anh ta mở túi cứu thương lấy dụng cụ ra để băng bó cho vị Bác sĩ này.
Bên ngoài chiếc máy bay, từng khóm mây xám bềnh bồng trôi trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ mang nhiều dấu vết của một chiến sử.
Trời bắt đầu tối trên khu rừng sâu bên cạnh những ngọn đồi chiến lược của Pháp. Căn cứ Dak Doa chìm đắm trong bức màn đen của vũ trụ muôn trùng, các lính Lê Dương đang thay đổi phiên gác đêm.
Bầu trời không mây nhiều sao, nhưng không đủ sáng để chỉ đường cho những bóng đen đang âm thầm nối vết chân của nhau, lầm lũi chạy xuyên qua lá cây rừng.
Vị trưởng toán chạy đầu dẫn đường cho đồng đội của mình theo mũi tên làm bằng ba thanh củi nhỏ cột lại với nhau, gắn trên những thân cây lớn cách nhau hai ba trăm thước. Mũi tên hướng về mục tiêu mà đơn vị sẽ tấn công vào thời điểm đã định trước.
Trung hờm sẳn khẩu súng tiểu liên, khom mình chạy nhanh theo đồng chí phía trước, ba quả lựu đạn lắc lư theo nhịp chân của anh. Họ giữ khoảng cách giữa hai người phỏng chừng một thước để khỏi bị lạc nhau trong đêm tối đen.
Vài con chim đi ăn đêm giật mình vỗ cánh bay lên cành cây cao tạo nên những tiếng kêu rào rạc. Những bóng đèn điện rọi ánh sáng vàng vọt xuống hàng rào dây kẽm gai chung quanh vòng đai căn cứ. Ngọn đèn pha trên trạm gác chính thỉnh thoảng chiếu tia sáng chói chan vào các vị trí nghi ngờ có địch quân.
Tiếng máy đèn xình xịt từ phía sau hầm chỉ huy hành quân của đại đội vang trong đêm vắng, xa đến tận khu rừng phía bắc, làm mốc cho những bóng đen tay cầm vũ khí đang tiến về vùng ánh sáng, trong đội hình hàng ngang.
Trung nằm vào vị trí sau một hòn đá cách vòng rào kẽm gai khoảng 300 thước, anh cùng hai đồng chí trong tổ sửa soạn khẩu súng cối, điều chỉnh chiều cao của súng, chiều bay xa trên đầu đạn, hướng súng về phía trung tâm hành quân của căn cứ địch quân và sẵn sàng chờ lệnh tấn công.
Bầu trời sâu thẳm với ngàn vì sao lóng lánh, nhũng cơn gió núi thổi rù rì bên rặng cây già phía ngoài ngọn đồi chiến lược, đang say ngủ trong đêm tối núi rừng cao nguyên.
Tên lính Lê Dương ngồi trên vọng gác bên cạnh khẩu đại liên 50 ly với dây đạn dài lòng thòng xuống đất, đang từ từ quay hướng ngọn đèn pha rọi chung quanh, về hướng khu rừng phía bắc.
Bỗng nhiên người anh ta bật ngửa về phía sau, cùng với một tiếng “cắt cụp” từ phía rừng, nằm gục xuống chết không kịp la, mặt đầy máu, viên đạn bắn sẻ xuyên qua đầu.
Tiếp theo đó là tiếng hô “xung phong...xung phong” vang dậy khắp núi rừng, xóa tan sự im lặng của đêm trường, hòa với tiếng súng cối, súng trường... súng tiểu liên... lựu đạn... đại liên.. nổ bùng từ hai lực lượng đang chống trả nhau kịch liệt.
Từng làn sóng người tay cầm súng bắn xối xả, đang tung mình về phía vòng rào kẽm gai, những tiếng hôâ “tiến lên...tiến lên” đôi khi bị tắc nghẽn khi cán binh Cọng sản bị chết vì trúng đạn. Các đồng chí chạy theo sau nhảy qua những xác chết nằm vắt ngang trên hàng rào kẽm gai, đã bị tiêu hủy bằng bộc phá và mìn của toán đặc công.
Trung và hai bạn đồng đội tiếp tục thả đạn vào ống súng cối, ba người cúi người bịt tai lại khi những tiếng “phụt...phụt” bắn ra từ miệng súng.
Bình chứa nhiên liệu cạnh chiếc máy đèn trúng đạn súng cối bốc lửa nổ bùng, đèn vòng rào và các ngọn đèn pha tắt ngúm vì máy đèn bị cháy tan. Đạn súng cối rơi vào khu phòng ngủ của lính Tây, vào trung tâm truyền tin, phá tan máy móc liên lạc.
Hầm chỉ huy cũng cùng chung một số phận, lửa từ bình nhiên liệu cháy lan vào hầm, gây nên cảnh hỗn loạn.
Lực lượng trú đóng anh dũng chiến đấu trong tuyệt vọng suốt đêm dưới sự yểm trợ pháo binh từ Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn đóng tại phía nam căn cứ.
Cọng sản tiếp tục thí quân, tung ra đợt tấn công này rồi đến đợt tấn công khác, cuối cùng tiến chiếm được các tuyến phòng thủ của Pháp và đến lúc đó phi pháo yểm trợ trở thành vô hiệu nghiệm vì hai bên đang đánh xáp lá cà, với lưỡi lê và mã tấu.
Trận chiến kéo dài suốt đêm cho đến sáng và khi tia sáng đầu tiên vừa le lói xuyên qua lá rừng, bãi chiến trường vẫn còn ngùn ngụt cháy, quân đội Cọng sản đã tràn ngập căn cứ Dak Doa.
Hình ảnh khủng khiếp của chiến tranh đang phơi bày trước mắt người kháng chiến quân vừa tròn 19 tuổi. Trung ngồi thờ thẫn bên xác chết của hai đồng chí trong tổ súng cối, cánh tay mặt tê hẳn lại đang rướm máu vì mảnh đạn.
Trước mặt Trung là những gì còn lại của một căn cứ chiến lược, tan hoang, điêu tàn và đầy rẫy xác quân nhân không toàn thây của hai lực lượng thù nghịch, nằm rải rác khắp nơi.
Căn cứ Dak Doa và một đại đội thuộc Chiến đoàn đặc nhiệm lưu động 100 của Pháp tại chiến trường ”Plateaux Montagnards” đã bị xóa tên trên bản đồ của cuộc chiến Việt Nam vào đầu năm 1954, trong khi chiến trường tại Điện Biên Phủ đã đi vào giai đoạn cuối cùng và đang sôi sục dữ dội.
Lực lượng tấn công Cọng sản sau khi chiếm được căn cứ, tiêu diệt toàn bộ quân phòng thủ tại Dak Doa, tịch thâu chiến lợi phẩm và di chuyển ra khỏi căn cứ này ngay tức khắc dưới tầm đạn pháo binh của Pháp đang bắn vào.
Việt Minh rút nhanh vào rừng để lại sau lưng xác chết không kịp chôn của cán binh Cọng sản, nằm vất vưởng trên dây kẽm gai, bên cạnh các công sự chiến đấu đang còn bốc khói đen.
Để tiêu diệt đại đội Pháp trú phòng căn cứ Dak Doa, đồng thời gây tiếng vang và tạo áp lực phe Đồng Minh tại bàn hội nghị Genève, Việt Minh đã điều nghiên kỹ lưỡng trận mạc, cũng như chấp nhận hy sinh và chịu tổn thất rất lớn về nhân mạng trong trận đánh này.
Chiến trường tại cao nguyên trung phần bắt đầu xoay chiều với sự chiến thắng liên tục của các đơn vị Cọng sản thuộc hai Trung đoàn 803 và 103. Lực lượng đặc nhiệm lưu động vang tiếng một thời, nay đang ở trong tình trạng thế thủ trước những cuộc tấn công liên miên của Việt Minh, dần dần rút về các tỉnh lỵ lớn như Kontum, Pleiku, Ba Mê Thuộc, Tuy Hòa...
Khu vực đường mòn kiểm soát những Quốc lộ chính nối liền các tỉnh lỵ nói trên đã hầu như lọt vào tay Cọng sản.
Bạch Lan chống đôi nạng gỗ, từ từ đi ra bong tàu, ngọn gió biển mát rượi thổi tung làn tóc đen bay phất phơ theo chiều gió. Trời chiều trên vịnh Nha Trang thật tuyệt vời. Từng con chim biển lượn là đà tìm mồi quanh gành đá dưới chân đồi dinh Bảo Đại bên cạnh Hải Học Viện.
Hai chiến hạm Hải Quân đang cặp bên cạnh nhau tại Cầu Đá, những chàng thủy thủ trong bộ áo quần trắng vẫy vẫy tay chào về phía Bệnh Viện Hạm. Bạch Lan đưa tay vẫy chào lại một cách thích thú.
Đối diện với Cầu Đá là đảo Hòn Lớn, với hàng dừa xanh chạy dọc theo bãi cát trắng, mây vờn trên đỉnh núi cao.
Từ xa về phía đông hòn đảo Pyramid với hình tam giác nhô lên trên con sóng bạc đầu, từng cánh buồm nâu của thuyền chài nhấp nhô trên biển.
Bãi biển Nha Trang thấp thoáng từ xa với những tà áo dài lả lướt bay bên cạnh những bộ quân phục của mọi quân binh chủng.
Đang say sưa thưởng thức cảnh đẹp trời non nước thiên nhiên, Bạch Lan chợt nghe tiếng động phía sau lưng, rồi tiếng nói của Quang:
-“ Lan đây rồi, anh vào phòng tìm mà không thấy em, nên đoán là em ra đây hóng mát. Trời chiều nay đẹp, biển lại êm, thật là một ngày lý tưởng phải không Bạch Lan?”
Nàng mỉm cười, dựa người vào lan can tàu, tay vịn vào vai Quang, gật đầu đồng ý:
-“ Anh nói thật đúng, trời hôm nay quá đẹp, em ước gì mình cứ sống mãi như thế này, này mây, này nước, nào chim biển, nào hàng dừa xanh, cứ như là trong giấc mơ.”
Quang nhìn cô gái đẹp, nàng thật dễ thương và rất có duyên khi nói chuyện. Quả thật Bạch Lan hoàn toàn quên hết dĩ vãng, kể từ hơn ba tháng nay, Lan là một cô gái mang một lý lịch mới được biên soạn bởi những người đến từ một quốc gia xa lạ. Họ đã chấp nhận đỡ đầu cho Bạch Lan và xem nàng như trường hợp một người rơi xuống giữa đại dương, được tàu đi biển cứu sống.
Do đó người bị nạn không tung tích được mang quốc tịch của quốc gia mà chiếc tàu đăng bộ. Bạch Lan từ nay đã chính thức là công dân của Pháp quốc và có tên Tây trên giấy tờ là Orchid Marseilles.
Với tổ chức của những người có lòng nhân từ trên tàu, qua các thư từ gửi về quê nhà của họ bên phía trời tây, kể cho thân nhân nghe về cô gái, có tên Orchid- Bạch Lan, được tàu cứu sống lại từ cõi chết, hàng chục lá thư với lời lẽ cảm động đã nhờ chuyển lại cho cô này.
Thậm chí có những cặp vợ chồng già yêu cầu cho họ được bảo trợ cho Orchid về Pháp, hoặc nhận nàng làm con nuôi.
Trong số những người này có cả bà góa phụ Brigitte De Bormand, mẹ của Bác sĩ Maurice, người mang chiến thương tại mặt trận chiến trường An Khê.
Bạch Lan đưa tay vén những sợi tóc bay vướng vào mặt của Quang, anh đang nói nhỏ bên tai nàng:
-“ Em có lạnh không? Anh vào trong lấy chiếc áo ấm cho em nghe, mặt trời bắt đầu lặn rồi, biển trời đổi màu đẹp quá.”
-“ Cám ơn anh Quang, nhờ anh lấy áo hộ em, sao mà anh lo lắng cho em dữ vậy?”
Quang khoát tay không trả lời mở cửa bước vào phòng, một lúc sau anh mang chiếc áo ấm và một cành hoa hồng ra, đưa cành hoa cho Bạch Lan, vừa choàng chiếc áo ấm qua vai nàng:
-“ Hồi nãy anh mang hoa tặng em nhưng không thấy em nên cắm tạm vào ly nước trong phòng, anh chúc em trẻ đẹp mãi như đóa hoa hồng này.”
Quang vừa nói vừa hôn nhẹ lên má của Bạch Lan, đang cảm động nhìn người con trai mà nàng cảm thấy như đã yêu.
Hình ảnh đã in vào trí nhớ của Bạch Lan, khuôn mặt người đàn ông Việt Nam khá bảnh trai với đôi kính cận thị mĩm cười mừng rỡ khi thấy nàng tĩnh dậy sau giấc ngủ dài,.
Hiện nay Quang là người thân độc nhất của Bạch Lan, là người săn sóc cho nàng từng ly từng tí, đã ở bên cạnh để làm dịu cơn đau của nàng.
Trong những đêm dài trống vắng tại căn phòng bệnh sơn màu trắng, Bạch Lan cố gắng tìm lại trong ký ức dĩ vãng của mình những gì có thể gợi lại trí nhớ, nhưng rồi đành lau đôi giòng nước mắt rưng rưng tuôn trào đẩm ướt chiếc gối có thêu cành hoa lan trắng.
Đôi khi con tàu lắc mạnh làm nàng tỉnh giấc dậy từ những giấc mộng huyền hoặc, mơ hồ với hình ảnh xa lạ không quen biết, thấp thoáng bóng người thả bước trên bãi biển nhiều gió lộng, bên tai nghe hồi còi tàu xe lửa văng vẳng đâu đây.
Mỗi lần như vậy, Lan đều kể cho Quang nghe rồi lắc đầu buồn bã khóc vì nàng không nhớ gì cả về những kỷ niệm này.
Đèn trên hai chiếc chiến hạm đậu tại Cầu Đá bật lên cùng một lượt với Bệnh Viện Hạm khi mặt trời vừa lặn sau dãy núi Đồng Xoài đang chuyển qua màu tím đậm.
Xa xa thành phố Nha Trang cũng đã lên đèn sáng rực cả một vùng trời. Trên không trung nhấp nháy bốn ngọn đèn xanh đỏ, hai chiếc máy bay thuộc Không quân Việt Nam đang bay qua, hướng về phi trường quân sự.
Bạch Lan và Quang chuẩn bị trở vào phòng thì bỗng họ nghe tiếng chân người đi tới.
Bác sĩ Maurice đưa cánh tay mặt lên chào, cánh tay trái vẫn còn băng bó vì vết thương hôm vừa rồi tại chiến trường An khê, trên tay cầm một gói quà, ông đến gần hai người và đưa quà cho Bạch Lan và nhờ Quang thông dịch lại lời giải thích của mình:
-“ Đây là hộp kẹo Chocolate của mẹ tôi gửi qua cho cô, 100% Chocolate Tây đó nghe và đây là cuốn tự điển Việt Pháp và sách học tiếng Pháp sơ cấp của tôi tặng cho cô Orchid, mong cô nhận những món quà này.”
Bạch Lan nhìn người Bác sĩ với ánh mắt dịu dàng và cảm động nói: “Merci beaucoup, docteur”, rồi cô cảm thấy tủi thân, nước mắt chảy dài xuống gò má.
Hai người đàn ông vội vàng lấy khăn tay đưa cho Bạch Lan, nàng gượng cười đưa tay cầm lấy cả hai chiếc khăn, quên mất là đang chống nạng, chới với muốn té làm cả hai người lại phải giúp cô lấy lại thăng bằng.
Bạch Lan ngượng ngùng xin lỗi, Quang và Maurice dìu cô gái vào phòng.
-“ Nghe nói Trung Tá Y sĩ Trưởng và Đại Tá Hạm Trưởng tàu đã chỉ định cô Catherine và ông Quang dạy tiếng Pháp và căn bản về nghề Y tá cho cô Bạch Lan phải không?”
-“ Dạ đúng vậy, thưa Bác sĩ, tôi vừa nhận được lệnh này trưa nay và mãi vui nên tôi cũng chưa thông báo cho cô Lan biết.”
Quang ngừng nói và rồi như chợt nhớ ra, anh đưa tay bắt bàn tay của Maurice và vui vẻ chúc mừng ông ta:
-“ À mà tôi cũng xin chúc mừng Đại Úy Bác sĩ, khi nào thì Bác sĩ mang cấp bậc mới vậy?”
Và không chờ Maurice trả lời, Quang xây qua nói bằng tiếng Việt với Bạch Lan:
-“ Bác sĩ Maurice được đề nghị lên lon Đại Úy rồi đó em à.”
Bạch Lan cũng rất vui bắt tay Maurice, ông này vừa cám ơn hai người bạn Việt Nam vừa nói:
-“ Vị Chỉ huy Phó của Lực lượng đặc nhiệm sẽ đến đây vào sáng mai để chủ tọa buổi lễ thăng cấp cũng như gắn huy chương cho những thương binh có công trạng đang điều trị tại Bệnh Viện Hạm và các Bác sĩ kể cả tôi. Hạm Trưởng mời tất cả nhân viên đến tham dự tại bong sau vào 9 giờ sáng mai. Nhờ ông Quang đưa cô Bạch Lan đến sớm nghe.”
Thế là suốt đêm đó Bạch Lan không ngủ được, nàng nằm phân vân nghĩ đến buổi lễ ngày mai, không biết chiếc áo đầm của cô Catherine cho, Lan mặc có đẹp không? Rồi lo sợ mình có đủ khả năng học nghề Y tá này không?
Chiếc kim đồng hồ chỉ hai giờ, rồi ba giờ và sau đó vì mệt mõi, nàng say ngủ lúc nào không hay.
Tiếng nhạc quân hành trỗi dậy vang lớn trong buổi sáng đẹp trời. Hàng quân đứng nghiêm chỉnh chào lá cờ Tam Tài màu xanh trắng đỏ được kéo lên từ từ trên ngọn kỳ đài, trong khi ban quân nhạc của Trung Tâm Huấn Luyện Hải quân Nha Trang đang trỗi bài Marseillaise, Quốc ca của Pháp.
Sau đó mọi người đứng yên lặng cúi đầu khi vị xướng ngôn viên tuyên bố dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ Tây đã bỏ mình vì Tổ quốc Pháp trong khi ban Quân nhạc bắt đầu hòa điệu chiêu hồn tử sĩ – “...Aux Morts” – réo rắt trầm buồn.
Quang đứng phía sau, vịn hai tay vào chiếc xe lăn của Bạch Lan, giữa những nhân viên tham dự lễ gắn cấp bậc, trên bong thượng của chiếc Bệnh Viện Hạm, trang hoàng lộng lẫy với rừng hoa giấy đủ màu, giăng từ cột cờ chính xuống lái và mũi tàu.
Hai người chăm chú nhìn về phía đội hình có Bác sĩ Maurice đang sắp hàng trong đó với những Y sĩ khác.
Mặt trời lên cao dần trên vùng biển xanh, rọi tia nắng ấm xuống hai Hộ tống hạm Hải quân Việt Nam đang đậu tại Cầu Đá. Tất cả Thủy thủ đoàn trong quân phục Tiểu lễ, tham dự ngày lễ lớn đang diễn ra trên Bệnh Viện Hạm bạn đang neo gần đó trong vịnh Nha Trang.
Bạch Lan nhìn thấy Bác Sĩ Maurice hiên ngang trong bộ chiến phục màu lục rằn ri, đầu đội chiếc mũ Beret màu đỏ của Binh chủng nhảy dù bên cạnh những Sĩ quan Quân Y Legionnaires, hãnh diện đưa tay lên chào vị Đại Tá đang gắn huy chương Anh dũng bội tinh -Croix de guerre- lên ngực áo bên trái.
Sau khi tất cả quân nhân khác trở về đội hình, ngoại trừ Trung Úy Bác sĩ Maurice đứng lại, vị Sĩ quan chủ tọa tiến tới trước vị Bác sĩ, đọc bản nghị định thăng cấp và gắn lon Đại Úy lên cổ áo của Maurice trong khi tiếng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt của người tham dự nghe vang dội trên vịnh Nha Trang.
Bạch Lan cũng vỗ tay khen ngợi, trong lòng cảm thấy rất hãnh diện đã có cơ hội chứng kiến một buổi lễ trang nghiêm và oai hùng với đầy đủ lễ nghi quân cách của quân đội Pháp.
Phần nghi thức vừa xong, bỗng mọi người nghe tiếng hoan hô “Vive la France, Vive la Legion” - Nước Pháp muôn năm, Lê Dương muôn năm-, từ những quân nhân Lê Dương vừa la vừa tung chiếc mũ beret đen lên trời. Mọi người hô to theo trong tiếng reo hò ầm ĩ.
Phần đông những Sĩ quan và lính Legionnaires là người ngoại quốc không có quốc tịch Pháp, tình nguyện phục vụ chiến đấu để lãnh tiền lương trong tổ chức quân sự Legion Etranger nổi tiếng này, họ là những lính đánh mướn trong quân đội Pháp.
Buổi lễ chấm dứt với một buổi tiệc trà thân mật và trong dịp này, Bạch Lan đã gặp và được giới thiệu với vị Y sĩ trưởng và Hạm Trưởng của Bệnh Viện Hạm.
Nàng là trung tâm của buổi tiệc đang diễn ra trên bong tàu dưới bầu trời trong vắt, gió thổi nhẹ của một ngày gần cuối năm 1953.
Trên không trung, một chiếc máy bay thuộc loại huấn luyện bay lượn ngang tàu, lắc đôi cánh bạc như chào mừng người con gái Việt Nam.
Nguyên và hai người bạn trai nhấn mạnh bàn đạp trên con đường từ bãi biển Thuận An về phía làng địa phương nằm cạnh bến đò.
Hoàng muốn ghé lại mua vài con ốc xa cừ làm kỷ niệm và Nông cũng muốn ghé lại quán nước để giải khát sau một ngày dài câu cá và dạo chơi trên bãi biển.
Ba người thanh niên dừng lại trước căn nhà tre bày bán các đồ vật kỷ niệm làm bằng hải sản địa phương, nằm dọc theo con đường đất với nhiều cửa hàng và quán ăn trước mặt đồn quân đội Pháp tại Thuận An.
Đây là một thành quách cao lớn xây bằng gạch đỏ, mà trước đây dưới triều nhà Nguyễn, được dùng làm nơi trấn thủ kiểm soát vùng biển đông từ đèo Hải Vân tại phía nam đến Cửa Việt ở phía bắc và khu vực sông ngòi tại phá Tam Giang, từ cửa Tư Hiền đến cực bắc quận Hương Điền.
Đồn Thuận An có hai cổng ra vào, một tại phía sau đồn hướng ra biển, nơi có cầu tàu cho các giang đỉnh cặp bến, cổng chính nằm đối diện với khu vực nhà dân làng địa phương, có cổng lính gác ngày đêm.
Tại bốn góc trên vách thành là các vọng gác có trang bị đại liên và đèn rọi chỉ được lính Tây lên ngồi canh gác ban đêm.
Đang ngồi uống nước trong tiệm bán đồ giải khát, Nguyên chợt thoáng nghe từ một bàn tại góc phòng, giọng nói của người xứ Quảng Bình, Quảng Trị.
Anh liếc nhìn về phía ba người đàn ông có vẻ lớn tuổi, châm đầu vào nhau, thì thầm như bàn định một việc gì quan trọng, một trong ba người thỉnh thoảng nhìn về phía ba thanh niên trẻ đang chăm chú lắng nghe.
Sau đó ba người mặc áo quần bà ba đen này đứng dậy chia tay, hai người đi ra cửa hông về phía sông, còn người lớn tuổi nhất đi ra phía chợ Thuận An.
Nguyên thì thầm với hai bạn khi ba người này đi ra khỏi quán giải khát:
-“ Nguyên đánh cá với Hoàng và Nông mấy người này là cán bộ Việt Minh đó, chắc đang tính làm chuyện chi đây.”
-“ Hoàng cũng tin như vậy, mình thấy họ có thái độ khả nghi quá, Nông có đồng ý không?”
-“ Đồng ý lắm, thôi mình ra bến đò kẻo trễ, phải lên Huế và về nhà trước khi trời tối kẻo bà già lo.”
Họ trả tiền những ly đá chanh rồi lên xe đạp ra bến, đáp chuyến đò đưa khách qua phá Tam Giang.
Gió chiều thổi mạnh trên sóng bập bồng, lườn chiếc thuyền chỉ cách mặt nước chừng một gang bàn tay, ba chàng trai trẻ ngồi yên không dám động đậy sợ nhúc nhích, nước có thể tràn vào chìm thuyền.
Từ xa hàng rớ cá nhô lên cao, giăng ngang qua giòng sông nhỏ bé, vài chiếc thuyền cá nhấp nhô theo nhịp sóng. Chân trời màu tím với tia sáng le lói cuối ngày đang mờ dần trên phá Tam Giang.
Bến đò Thuận An tấp nập với thuyền đánh cá ra vào, những thúng mây lớn chứa đầy cá đang còn tươi xanh: nào là cá sòng, cá nhám, cá nục, cá hồng..mực ống, mực nang..tôm bạc, tôm càng.., cua sông, ghẹ biển... còn sống, nhảy nhót bò quanh tứ tung.
Trên bến rộng, dân Huế đi xe xuống chơi và hóng mát, đứng nhìn thích thú, vài người mua cá, tôm, cua... tại chỗ trước khi những người bán cá chuyên chở hàng của họ trên các chiếc xe buýt đang chờ sẳn lên chợ Đông Ba.
Cuộc sống bình thản của người dân chài vẫn tiếp tục trong cuộc chiến đang dày xé quê hương. Ngày ngày họ chèo chiếc thuyền ra biển đánh cá, mồ hôi rịn đầy trên tấm thân màu nâu nhạt dưới cơn nắng chói của mặt trời miền nhiệt đới hay run rẫy với cơn gió lạnh với bộ áo quần đẩm ướt khi biển động, sóng nước phủ qua thuyền.
Đời người dân chài dính liền với sóng nước đại dương bởi một sợi dây vô hình bền chặt như những chàng thủy thủ lấy biển cả, phong sương làm nhà.
Tiếng chó sủa nghe dồn dập, tiếng chân người chạy trong khu vườn sau lưng các căn nhà tranh nằm dọc theo con đường làng dẫn đến thành Thuận An.
Mặt trời bình minh vẫn còn ở dưới chân biển tận phương xa, tia sáng đầu ngày lờ mờ trong sương sớm. Những quân lính Tây đang say ngủ trong căn phòng rộng, trên ghế bố, vũ khí cá nhân dựng trong các giá để súng ống đạn dược cuối góc nhà.
Ánh sáng vàng vọt của đèn phòng thủ mờ dần khi rạng đông bắt đầu. Những chú lính gác lơ đểnh đứng nhìn chung quanh, vài tên đưa tay lên che miệng ngáp dài vì buồn ngủ.
Các khẩu đại liên trên vọng gác cao tại góc bức thành được che đậy lại và lính gác leo xuống cầu thang đi làm vệ sinh cá nhân.
Dân làng bắt đầu di chuyển ra chợ, những người dân quê cần cù thường đi ngủ sớm và dậy từ ba bốn giờ sáng để chuẩn bị cho một ngày đi kiếm ăn.
Hai cô con gái dáng dấp cao ráo, trong chiếc quần đen với áo cánh bà ba khác màu, mặt mày sáng sủa xinh đẹp như người thành phố, đầu xõa tóc ngang bờ vai như những cô gái tân thời, thân hình nẩy nở, đôi thúng nhún nhẩy dưới bước chân đi ẻo lả.
Họ đang cãi nhau dữ dội không biết vì lý do gì. Khi đi đến ngang qua trước cổng chính của trại lính Pháp, hai cô này lại càng lớn tiếng hơn nữa, mặt mày giận dữ, một người liệng đôi thúng xuống đất, cầm chiếc đòn gánh như muốn đánh vào đầu cô thứ hai, đang chạy quanh như cầu cứu.
Thế rồi hai cô gái trẻ đẹp túm lấy đầu tóc dài của nhau, vật nhào lăn xuống đất, tay chân đấm đá lung tung, đất bụi bám đầy áo quần.
Trong khi chú lính gác da đen thích thú gọi bạn đồng đội ra chiêm ngưỡng hai cô gái Việt Nam, hình như cố ý, đang xé áo nhau, đưa thân hình khiêu gợi với đôi nhũ hoa trắng ngần căng tròn mũm mĩm, dân làng cũng đổ dồn đến xem đông đảo.
Những bóng người trong tay cầm vũ khí, lựu đạn lợi dụng cơ hội lính Tây lơ đểnh đứng xem gái đẹp đánh lộn nhau, len lỏi vào phía sau căn cứ, leo vào trong sân cờ, tung lựu đạn vào phòng của lính Tây đang còn ngủ say.
Tiếng nổ “đùng.. đoành, đùng..đoành” xen lẫn với tiếng “tạch..tạch..tạch” của tiểu liên súng trường, súng lục.. xóa tan sự yên lặng của buổi bình minh và mặt trời vẫn chưa mọc từ phía biển đông.
Máu nhuộm đỏ sàn nhà, xác lính Tây lăn lóc vắt ngang ghế bố, những thân hình trắng đen ngực đầy lông lá, nằm chết trong tư thế không chuẩn bị cạnh chiếc giá dựng vũ khí gãy đổ tan tành vì lựu đạn.
Đặc công Việt Minh chiếm được lợi thế lúc ban đầu nhờ yếu tố bất ngờ trước khi quân trú phòng với kinh nghiệm và đã được huấn luyện về chiến thuật chiến đấu trong trường hợp bị địch tấn công như thế này, có thì giờ tổ chức đội hình chống trả.
Những tên lính gác và đồng bọn khi nghe tiếng súng nổ trong trại, đang định phản ứng thì đã quá muộn, hai cô gái ngừng vật lộn nhau, lấy khẩu tiểu liên từ chiếc thúng mây, chỉa súng bóp cò “tạch..tạch..tạch” bắn xối xả về phía chúng nó.
Những thân hình cao lớn nhào xuống chết bên chiếc cổng chưa kịp khép lại, hai nữ đặc công chạy vào sân trại, núp sau vách tường tiếp tục nổ súng vào các binh lính Tây đang chạy ra từ căn nhà ra các công sự phòng thủ.
Một toán đặc công khác dùng súng chống chiến xa, bắn trực xạ vào các giang đỉnh đậu tại cầu tàu. Chiến đỉnh trúng đạn nổ tung, ngọn lửa bốc lên cao, khói đen mù mịt tỏa khắp trời.
Trên phá Tam Giang, ba chiếc khinh tốc đỉnh sắp về đến bến nghỉ ngơi sau hai ngày dài tuần tiểu phía bắc Thừa Lưu, khi được các giang đỉnh khác thay thế.
Vị Sĩ quan chỉ huy toán chiến đỉnh nhận được trên máy truyền tin về đồn Thuận An đang bị đặc công tấn công và xâm nhập, các giang đỉnh tại bến đã bị thiệt hại nặng, được chỉ thị tổ chức một toán thủy thủ trang bị vũ khí nhẹ đánh từ phía sau, chận đường rút lui của đặc công.
Số thủy thủ đoàn còn lại xử dụng hải pháo yểm trợ quân phòng thủ phía bên hông thành Thuận An.
Từ trên chiến đỉnh các lính thủy đã nhìn thấy cột khói bay lên từ phía cầu tàu, họ giảm máy xuống chạy thật chậm qua chiếc eo biển nhỏ trên đường vào cầu tàu, mọi người cầm sẵn sàng vũ khí, chuẩn bị nhảy lên bờ.
Chiến đỉnh cập vào chiếc cầu, bến tàu vắng bóng đặc công vì Việt Minh tưởng đã tiêu diệt tất cả giang đỉnh tại bến và quay vào tấn công lực lượng trú phòng.
Xác chết đầy máu của những thủy thủ Tây nằm lăn lóc bên chiếc cầu gỗ bắt từ ngoài sông nối vào con đường dốc lên thành Thuận An.
Tiếng súng nghe ròn rã từ phía trong đồn, toán quân cứu viện chạy nhanh về phía cổng sau, nép vào bức tường thành, tiến lên các tầng cấp bằng đá xông vào cổng, nổ súng xối xả về phía mấy tên đặc công núp sau tường nhà đang dùng tiểu liên bắn vào công sự phòng thủ của lính Tây.
Những thân hình của cảm tử quân trúng đạn văng lên cao, nhào xuống đất, chết không kịp la.
Trong khi đó toán đặc công khác gặp sự chống cự mạnh mẽ của lính Tây từ hầm chiến đấu kiên cố bố trí súng đại liên hai bên bộ chỉ huy hành quân của quân trú phòng, đồng thời với hải pháo thuộc giang đỉnh tại bến bắn yểm trợ từ phía cầu tàu.
Một tên đặc công Cọng sản từ sau giếng nước nằm giữa sân trại dùng súng phóng lựu bắn vào hầm công sự gây thiệt hại cho các lính Tây tại đây, rồi thân hình hắn cũng bị bắn nát bởi một tràng đạn tiểu liên, nhào xuống chiếc giếng nước vang dội tiếng la tắc nghẽn của kẻ xấu số.
Sau giây phút bất ngờ bị tấn công ban đầu, đơn vị Pháp củng cố lại tuyến phòng thủ, lợi dụng những chướng ngại vật quen thuộc của trại, bắn tỉa lần hồi các đặc công cảm tử không đường rút lui.
Hai người nữ cán binh cũng bị trúng đạn bắn từ khẩu đại liên trên nóc nhà, thân hình đầy máu nằm chết cạnh bên thành giếng nước.
Toán đặc công cảm tử còn lại bị vây hảm giữa sân cờ và lần lượt bị tử thương bởi lựu đạn và hỏa lực hùng hậu của quân trú phòng.
Mặt trời đã lên cao, ánh nắng vàng rọi xuống thành Thuận An đang bốc khói. Lính Tây thu dọn chiến trường, dùng vòi nước dập tắt các đám lửa cháy chung quanh sân trại, rải rác trong phòng ốc.
Xác chết của đặc công Việt cọng nằm lăn lóc la liệt khắp nơi, một số chết dưới đáy giếng.
Khi tình hình lắng dịu, lính Tây kiểm điểm quân số và chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn vì chiến thuật mỹ nhân kế này của Việt Minh.
Một bài học đắt giá không thể nào xóa mờ trong ký ức những quân nhân của thành Thuận An may mắn thoát chết và sống sót từ cuộc tấn công cảm tử của du kích đặc công thuộc đơn vị Việt Minh tại Huế, hoạt động trong vùng phá Tam Giang.
Ảnh hưởng của trận đột kích này cọng thêm với những thất bại khác của quân đội viễn chinh tại các chiến trường ngoài bắc và cao nguyên trung phần đã gây áp lực mạnh cho chính quyền tại Pháp quốc để đi đến một giải pháp thương thuyết chấm dứt chế độ thuộc địa tại Đông Dương, thay vì tiếp tục đổ máu quân nhân trên một dải đất cằn cỗi, tan nát trong một “trận chiến tranh không trận tuyến - guerre sans fronts-”.
Thành Thuận An với những bóng ma chập chờn khi đêm về vẫn là nơi trú đóng của Hải Quân và Thủy Quân lục chiến Pháp cho đến khi Hiệp định Genève ký kết.
Những dân làng tại đây thường nghe trong đêm tối, tiếng than khóc của hai cô gái và cô hồn yểu tử văng vẳng trong ngọn gió biển thổi qua nóc thành.
Chiếc giếng nước đã được lính Tây lấp lại làm nắm mồ chôn tập thể xác chiến binh Cọng sản. Những cơn mưa lớn vẫn tiếp tục rửa sạch dần các vết máu khô cằn trên sân gạch đơn vị.
Một chiếc am lớn được dựng lên bên góc bức thành trong trại để thờ cúng vong linh các người chết trong trận đột kích cảm tử này.
Căn nhà tranh trong vườn trồng đầy cây măng cụt và thanh trà của ông sáu Hùng đang say ngủ trong buổi trưa mùa xuân, gió mát thổi nhẹ qua cành lá sum sê của cây cổ thụ bên con đường đất từ chợ Tuần dẫn vào nhà.
Hai chiếc xe Jeep cảnh sát sơn hai màu trắng lục tắt máy đậu cạnh vệ đường, dưới lùm cây cách nhà ông sáu Hùng khoảng 500 thước.
Những người công an thuộc bộ chỉ huy cảnh sát Thừa Thiên, tay cầm vũ khí cá nhân, lom khom núp sau bụi cây, chạy dọc theo con đường về phía khu vườn của trạm tiếp liên kháng chiến.
Một người trong bọn dẫn tên đặc công mà chính quyền đã bắn trọng thương và bắt tại sân vận động trường Huế trước đây, đi theo toán người đang bao vây căn nhà.
Sau khi điều tra tên này, công an Huế đã biết được vị trí của đơn vị hậu cần của ông sáu Hùng tại khu vực chùa Thiên Mụ và quyết định bất ngờ tấn công, phá vỡ tổ chức này.
Sáu Hùng đang ngồi uống nước trà và đọc báo cáo về trận đột kích của toán đặc công thuộc thành bộ của ông tại Thuận An, bỗng nghe tiếng con chó nhà hàng xóm sủa liên tuc, ông biết có chuyện bất thường và người lạ đang đi hướng về phía nhà mình.
Với phản ứng nhanh nhẹn của một cán binh đã được huấn luyện thuần thục, ông lăn mình xuống đất về phía chiếc giường tre cạnh góc nhà, vói tay lấy khấu tiểu liên dưới gầm giường và hai gắp đạn dài, lắp một băng vào súng, lên đạn vào nòng, nhét băng đạn kia vào thắt lưng, bò về phía chiếc cửa sổ có song cửa bằng tre, nhón nhén nhìn ra phía khu vườn về hướng có tiếng chó tiếp tục sủa.
Thấp thoáng sau lùm cây sáu Hùng nhìn thấy những người mặc áo quần dân sự, hườm sẳn súng tiểu liên, súng lục núp sau hàng măng cụt, di chuyển từ thân cây này qua thân cây khác, tiến dần về phía căn nhà ông đang ẩn núp.
Nhận thấy số công an quá đông, nếu chống trả chỉ làm con cờ thí, vì thế sáu Hùng quyết định không nổ súng, ông bò ra phía cửa sau nhà bếp, len lỏi dưới gốc những cây môn Tàu cao tận đầu, trườn mình trong đất bùn về rặng sắn trồng kế hàng rào tre sau lưng nhà.
Sáu Hùng lặng lẽ dùng chiếc dao găm đào một lỗ sâu dưới hàng rào và nằm ngửa người cằn qua lỗ nhỏ này, những cành tre nhọn đâm vào cánh tay, rạch đứt da ngực gây nên vết thương rướm máu.
Ông cắn răng chịu đựng cơn đau, tiếp tục chun qua khỏi hàng rào tre, ra phía bên kia khu vườn nhà bên cạnh, rồi quay lại nhìn phía sau lưng. Khi không thấy có người đuổi theo, ông vươn mình chạy thật nhanh về phía bến đò.
Toán công an cẩn thận tiến từ từ vào sân trước nhà và hai bên cửa hông, họ ra hiệu cho nhau bằng cách đưa ngón tay lên, đếm một hai ba, rồi tung chân đạp mạnh vào cánh cửa, hai tay chỉa súng sẵn sàng nhả đạn vào địch thủ.
Họ thất vọng khi không thấy bóng dáng của tên cầm đầu đặc công và phá hoại Việt Minh nằm vùng.
Căn nhà trống vắng dưới tia nắng xuyên qua khung cửa sổ, toán công an lục soát khắp nơi trong căn nhà, tìm thấy đủ thứ tài liệu bỏ lại sau lưng ngoại trừ tên sáu Hùng, giờ đó đội chiếc nón lá rộng vành đang chống chiếc đò rời bến chợ Tuần chèo ngược giòng sông Hương về phía điện Hòn Chén.
Sáu Hùng buồn rầu nhìn bến đò thân yêu mà ông biết còn lâu lắm mới quay trở về đây. Xa xa về hướng chùa Thiên Mụ, từng tiếng chuông chiều nghe văng vẳng vọng lại như đưa tiển người kháng chiến quân trung kiên đã hy sinh cả một cuộc đời cho lý tưởng đã chọn.
Đôi khi trong một thoáng chạnh lòng, nhớ về bà mẹ già thân yêu trở thành góa phụ kể từ ngày chồng bà bị Tây bắn chết, hiện vẫn còn ở tại một làng nhỏ gần tỉnh Quảng Trị.
Sáu Hùng buồn rầu và cảm thấy có tội làm cho mẹ khổ đau vì ông đã bỏ nhà theo kháng chiến trong hơn mười mấy năm qua.
Sáu Hùng biết tương lai của ông tùy thuộc vào sự quyết định của chính trị viên đảng ủy, ông sẽ bị hạ tầng công tác vì đã không bảo tồn được đơn vị.
Những thất bại liên tiếp trong các công tác phá hoại gần đây tại vận động trường Huế, tại đồn Thuận An vì sự thiếu sót điều nghiên hoạt động tuần tiểu của giang đỉnh Hải Quân, trở về đến bến đúng vào thời điểm tấn công, tiếp viện và phản pháo kịp thời, giải cứu quân trú phòng, đưa đến hậu quả là hơn cả một tiểu đội đặc công cảm tử bị tiêu diệt hoàn toàn.
Rồi hôm nay, tất cả tài liệu bí mật của tổ chức hậu cần đều lọt vào tay công an, cảnh sát thành phố Huế.
Tên tuổi của cán binh nằm vùng đều bị tiết lộ và không sớm thì muộn, cơ quan chính quyền địa phương sẽ bắt nhốt hết tất cả những đồng chí này.
Sáu Hùng hình dung trước mắt, căn trại tù tối tăm nằm trong rừng sâu trên cao nguyên thượng du Bắc Việt, nơi giam giữ những cán bộ đảng viên bị thanh trừng với nhiều lý do khác nhau.
Ông phân vân suy nghĩ rồi đột nhiên một ý nghĩ chợt đến trong đầu, Sáu Hùng vói tay lấy khẩu tiểu liên, tung ra xa chìm xuống dưới mặt nước, roi dung hai tay coi mai toc gia, lot bo rau mep, bo vao chiec bao ny long, nhet duoi van thuyen, coi chiec ao dai den dang mac, khoac voi vao chiec ao nau song. Ong sau Hung nay da tro thanh mot vi thay chua, tin do Phat giao, dang di hanh huong. Ong thay chua nho lai buoi hop mat tai lang Tu Duc truoc day de hoach dinh ke hoach hoat dong cho cac don vi dac cong tai Hue, cu tuong rang se gat hai duoc nhieu thanh qua tot dep, dau ngo chi vi mot vai so suat, sai lam cua chi tiet nho ma tat ca co gang da tieu tan thanh may khoi. To chuc cua ong da tao duoc nhieu chien cong va duoc thanh uy dang tueyn duong truyoc day, nay da den hoi phai tinh chuyen di chuyen ra khoi vung hoat dong tai Thua Thien va rut ve acan cu dia an toan tai A Luoi. Ong thay chua lac dau nu co xua duoi nhung y nghi lo au trong dau, ong dung tay cheo, voc nuoc mat rua chiec dau troc, khuon mat chu dien, roi khua mạnh mái chèo quay thuyền xuôi giòng Hương trở về hướng cầu Bạch Hổ.
Tổ chức giao liên Việt Minh tại chợ Tuần từ nay sẽ không còn tiếp tục hoạt động và màn lưới công an cảnh sát bao trùm các tổ chức tương tự tại thành phố Huế.
Hồng và Nguyên đạp xe queọ về phía tay trái sau khi qua khỏi cầu Trường Tiền, đi ngang qua trường huấn luyện Sĩ quan tại Đập Đá về ngả Vĩ Dạ.
Trời đã về chiều, nắng hanh vàng bớt sáng chói trên hàng cau bên cồn Giã Viên. Buổi đi ăn chè hôm nay không vui như những lần đi chơi trước đây vì sau khi chia tay lần này, Hồng sẽ theo cha mẹ rời Huế vào Sài Gòn. Cha của Hồng đã nhận được lệnh thuyên chuyển về phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu của Quân đội vừa được cải tổ và bành trướng bởi chính phủ Quốc gia do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cầm đầu.
Lệnh động viên và những phong trào vận động cổ võ thanh niên tình nguyện tòng quân vào các Quân binh chũng Hải Lục Không Quân đã được phổ biến mạnh mẽ trong gần ba tháng nay. Các trại tuyển mộ nhập ngũ đầy rẫy khắp nơi với hành hàng lớp lớp thanh thiếu niên ghi tên gia nhập. Họ tin tưởng vào chế độ mới, tự do dân chủ dưới sự lãnh đạo của một người theo Tây học, đang lèo lái con thuyền Quốc gia Việt Nam ra khỏi nạn cọng sản và thực dân.
Họ đã nghe nhiều về huyền thoại và tiểu sử của vị cựu Thượng Thư Bộ Lại, truoc day da treo an tu quan de di khap the gioi van dong doc lap tu do dan chu cho nuoc Viet Nam. Kể từ ngày về nước, ông Ngô Đình Diệm đã chú tâm nhiều về tổ chức và củng cố cơ sở hạ tầng địa phương theo chiều hướng phân quyền, thi hành chỉ thị ban bố và thuộc sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ trung ương.
Quân đội dưới quyền của Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng được cấp tốc bành trướng với các khóa huấn luyện đào tạo Sĩ quan tại Nam Định, Bắc phần và Đập Đá, Trung phần tốt nghiệp về ngành Pháo Binh, Truyền Tin, Công Binh...
Trường đang chuẩn bị dời lên Đà Lạt với khóa 3 Sĩ quan và sẽ mang tên là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, với phương tiện huấn luyện tân tiến và chương trình đào tạo Sĩ quan hiện dịch cho một quân đội trẻ.
Hồng ngồi lặng yên trước chiếc bàn nhỏ, tay cầm chiếc muỗng lơ đảng khuấy ly chè hột sen. Nguyên cũng đang trầm ngâm không nói. Anh mải mê với những suy tư trong đầu, trong gần ba năm qua, lại một lần nữa Nguyên sắp mất thêm người bạn học. Đầu tiên là Trung rồi Huyền và nay đến phiên Hồng cũng sắp sửa rời thành phố Huế, Nguyên nghĩ trong tương lai có lẽ anh cũng đi khỏi xứ này luôn.
Cách đây gần hai tuần lễ vào buổi sáng, một Sĩ Quan thuộc Hải Quân đã đến trường thuyết trình về đời sống phiêu lưu mạo hiểm của những thủy thủ chọn biển cả làm nhà, để tuyển mộ học sinh cho Quân chủng áo trắng này. Nguyên có lấy mấy tài liệu đem về nhà nằm nghiền ngẫm đọc và kể từ hôm đó, giấc mộng trở thành một giáo sư dạy toán đã bị chi phối bởi tâm tình người hùng sẳn có trong con người của Nguyên.
Những viên nước đá đã tan đi trong ly chè đậu xanh, ngoài trời hoàng hôn bắt đầu phủ chiếc áo màu tím nhạt xuống Cồn Hến và Giã Viên, tia sáng cuối ngày không đủ soi bóng hàng dừa xanh bên giòng sông Vĩ Dạ.
Cơn gió đầu mùa chợt lướt nhẹ qua những liếp tranh trên mái nhà quán bán chè.