CHƯƠNG HAI

Đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945, tiếng súng nổ ròn rã từ phía bên kia cầu Trường Tiền và dưới đồn Mang Cá phá tan sự yên lặng trong đêm tối oi bức của ngày cuối xuân đầu hè tại Huế.
Mọi người đều thức giấc, hoảng sợ và phân vân vì không biết có chuyện gì đang xẩy ra. Họ vội đưa thân nhân xuống những chiếc hầm nổi đã được làm sẵn trong nhà, dưới những chiếc phản hay giường gỗ sau khi hồi cư về lại Huế hơn một năm trước đây.
Cha Nguyên đưa vợ con xuống nằm dưới chiếc hầm rồi ông đánh bạo bò lên cửa trước, nhìn xuyên qua bóng tối ra đường bờ sông Hàng Bè. Ông thấy qua khung cửa, những chiếc xe mười bánh quân đội rọi đèn pha sáng rực cả con đường dọc theo sông Đông Ba, chạy về hướng cầu Thanh Long và có lẽ đang chuyên chở lính về đồn Mang Cá.
Dưới ánh đèn của những chiếc xe nối đuôi nhau, cha Nguyên nhìn thấy không phải giống như những chiếc xe GMC của tụi Tây thường lái hàng ngày, mà là những xe nhỏ, kiểu khác hơn và trước mỗi xe có cắm cờ màu trắng với hình mặt trời mọc.
Ông thắc mắc, không tin những gì ông đang nhìn thấy, nhưng sau khi nghe tiếng người ngoại quốc nói xí xô văng vẳng qua máy truyền tin, ông biết mình đoán không lầm.
Trong vài năm vừa qua, tin tức đã truyền miệng tại Huế và cho biết rằng Nhật Bản, tự xưng là Đại Á quốc, phối hợp đứng chung với Đức quốc và nước Ý Đại Lợi đang đánh chiếm các quốc gia tại Âu Châu. Nhật tấn công và đã làm bá chủ Trung Hoa, Miến Điện tại Đông Nam Á.
Vào 12 giờ đêm ngày 22 tháng 9 năm 1940, Nhật Bản đã chuyển quân từ hướng biên giới Trung Hoa qua ngả tỉnh Lạng Sơn, tiến đánh các căn cứ của thực dân Pháp ngoài Bắc kỳ, trên một trận tuyến dài hơn 40 cây số dọc theo biên giới Việt Hoa.
Hai ngày sau, Không quân Nhật đã thả bom xuống hải cảng Hải Phòng. Sau đó vào chiều ngày 24 tháng 9, Hải quân Nhật đổ bộ lên thành phố Hải Phòng để tiến quân về Hà Nội. Chỉ trong vòng hai ngày mà đoàn quân viễn chinh thiện chiến của Thiên Hoàng đã tiêu diệt hơn 800 lính Tây để áp lực Thống tướng Pétain, chỉ huy quân đội Pháp, phải ký thỏa ước đồng ý cho Nhật Bản được đóng quân tại các vùng đã chiếm được.
Nhật Bản đồng ý và Đại tướng Nishihara, vị tướng lảnh cầm đầu phái đoàn thương nghị với Pháp, đã viết trong văn thư ký kết là “sự tấn công của Nhật là một lầm lẫn tai hại.”
Chiến trường Đông Dương thật sự bùng nổ dữ dội kể từ đó và toàn thể lảnh thổ Việt Miên Lào chìm đắm trong ngọn lửa chiến tranh chung với thế giới, giữa Lực lượng Đồng Minh và khối Trục tam quốc Đức Nhật Ý.
Sau gần ba năm hòa hoãn chiến, đêm nay quân Nhật bất ngờ tấn công trên khắp lảnh thổ Việt Nam và trong cuộc đảo chánh Tây tại Huế, Nhật đánh bại quân đội Pháp đồn trú rải rác tại đây và họ đã chiến thắng không đầy một đêm.
Lính Pháp đầu hàng khi bị tấn công bất thình lình bởi đoàn quân thiện chiến và đông đảo của Thiên Hoàng. Một số nhiều lính Lê Dương bị giết chết sau khi chống trả mãnh liệt tại đồn Mang Cá, một số bị bắt làm tù binh và bị lính Nhật hành hạ nhục nhã trước dân địa phương để lấy lòng dân đang căm thù thực dân Tây tại Huế.
Sau một đêm sống trong bàng hoàng và lo sợ, người dân Huế thức dậy với tiếng ồn ào của xe mười bánh quân đội và tiếng kêu gọi tuyên truyền trên loa phóng thanh của một số người Việt địa phương đã lợi dụng thời cơ để hợp tác với quân Nhật Bản. Họ nói lính Nhật đã đến giúp dân ta đánh tan quân đội thực dân và giải phóng Việt Nam khỏi sự thống trị của Tây phương.
Vị tướng lảnh chỉ huy quân lực Thiên Hoàng tại Huế yêu cầu dân chúng an lòng và cứ sinh hoạt như thường lệ, chợ Đông Ba sẽ tiếp tục buôn bán và học trò vẫn đi đến trường học. Ông tướng này thông báo cho dân biết là trên toàn lảnh thổ Việt Nam, quân đội Thiên Hoàng đã nắm phần chủ động, riêng tại Huế, quân đội thực dân đã bị đánh tan bởi lực lượng oai hùng của ông ta. Ngoài ra một chính phủ lâm thời Việt Nam dưới sự bảo trợ của Nhật Bản sẽ được thành lập để điều hành quốc gia và quản trị công việc hành chánh tại địa phương.
Quả thật sau đó vào ngày 11 tháng 9 năm 1945, Hoàng Đế Bảo Đại tuyên bố độc lập, nước Việt Nam không còn thống thuộc thực dân Pháp và một chính phủ mới vừa được thành lập dưới sự bảo hộ của Đại Á quốc.
Cha Nguyên có vẻ nghi ngờ thiện chí và những lời hứa của người Nhật ngoại lai, nên ông khuyên mẹ nên chờ cho tình hình sáng tỏ hơn, rồi hãy tiếp tục ra buôn bán tại cửa hàng áo quần cũ của mẹ tại chợ Đông Ba.
Chiều hôm đó, sau khi nói chuyện với cha Huyền, người hàng xóm mà ông đã quen hơn một năm ở phía sau căn nhà thuê, cha dẫn Nguyên và Huyền đi về bến đò Cồn ăn kỵ tại nhà bà con trong phủ Thoại Thái. Khi đi ngang qua cầu Đông Ba về phía đường Ngự Viên, cả ba người thấy tại dốc cầu, hai tên lính Tây, một đen một trắng, máu đang chảy rịn ra hai bên khóe miệng, tay bị trói giật về phía sau, quỳ gối trước một đống phân trâu. Mỗi tên lính đeo trước ngực áo, một tấm bảng có hàng chữ “đả đảo thực dân Pháp”. Đứng bên cạnh là hai tên lính Nhật tay cầm khẩu súng trường có gắn lưởi lê, đôi mắt một mí ti hí, khuôn mặt dữ dằn trong bộ quân phục ka ki vàng nhạt bạc màu, dưới chiếc nón sắt nặng trĩu so với kích thước của thân hình lùn tịt của những tên lính này.
Cha Nguyên cầm tay hai đứa bé đi nhanh qua chiếc cầu gỗ, đang kêu kẻo kẹt dưới bước chân ngập ngừng của hai tí nhóc, ánh mắt sợ sệt nhìn qua kẻ hở của những tấm ván cầu bắt đầu mục nát, xuống dòng nước trong vắt màu lục đậm nhiều cỏ rong của sông Đông Ba.
Nguyên và Huyền đã trở thành đôi bạn thân thiết và quyến luyến với nhau hơn kể từ khi cha mẹ Nguyên dọn về căn nhà thuê tọa lạc cạnh bờ sông Đông Ba, gần “lò sát sinh trâu bò heo”, nằm bên trái trường tiểu học Thanh Long. Trung cũng đi học tại trường này và cô Đốc Hương đã trở thành cô hiệu trưởng của ba đứa nhỏ.
Ba người bạn nhỏ tuổi thường đi chơi với nhau, mặc dù Huyền không thích tính tình của Trung lắm. Cậu này lớn nhất trong ba đứa nhưng sở thích cũng khác hơn nhiều. Trung thường rất là ủy mị, hay nóng giận và dễ chảy nước mắt khi bị bạn bè chọc quê, nhưng cậu ta lại rất thích nghe những chuyện giết chóc, đặc biệt mỗi lần như thế, Huyền và Nguyên lại thấy cặp mắt long lanh của Trung, như đang chăm chú hòa mình vào câu chuyện dễ sợ này, môi cậu ta mím lại như muốn cắn xé một cái gì.
Ngoài việc thích nghe kể chuyện chiến tranh rùng rợn, Trung thích đọc sách và rất có tài về hội họa, vẽ chân dung là một sở trường của Trung. Mặc dù chỉ mới mười một tuổi nhưng Trung đã tỏ ra rất chững chạc trong những vần đề liên quan đến người lớn, cậu ta rất ghét Tây Lê Dương, có lẽ vì kinh nghiệm lúc đi tản cư và đã chứng kiến những hành động dã man của tụi lính đánh mướn này. Trung thường không giữ gìn ý tứ khi nói đến giấc mơ của cậu ta, trong tương lai cậu sẽ trở thành một lãnh tụ kháng chiến quân nếu Tây còn bén mảng trở lại đất nước này.
Cha Trung thường hay nạt nộ và la rầy Trung về ý tưởng đó, nhất là ông sợ người khác nghe và có thể hiểu lầm, rất nguy hiểm cho gia đình ông. Tuy nhiên trong thâm tâm, ông biết Trung không nói đùa về ước mơ của cậu.
Trong thời buổi đất nước loạn lạc, tranh tối tranh sáng, nhiều thanh thiếu nữ vừa chập chững vào đời, bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền rỉ tai của cán bộ Cách mạng, đang hòa nhập đầy rẫy vào sinh hoạt của học sinh để chiêu hồi và tuyển mộ cho kháng chiến, dưới chiêu bài cứu nước đánh đuổi thực dân và quân ngoại xâm. Nguyên cũng có một người anh cùng cha khác mẹ đã bỏ học đi theo kháng chiến cách đây hơn ba năm và bây giờ không biết ở đâu và còn sống hay đã chết rồi.
Tối nay trời mưa rả rích, báo hiệu mùa thu đã sang, ngày tựu trường sắp đến, Nguyên sẽ lên học lớp nhất cùng với Huyền và Trung.
Ở Huế mùa này trời bắt đầu mưa nhiều nhất là vào những buổi chiều tối. “Mưa thối đất” như mẹ thường nói, mẹ không thích mưa, vì mẹ phải thức dậy từ sáng sớm mang mấy bao áo quần cũ ra bán ngoài chợ Đông Ba. Trời mưa làm ướt hết hàng hóa và bùn lầy làm dơ bẩn tất cả vải vóc, ngoài ra lại ít khách đi chợ mua sắm.
Cả nhà đang ăn cơm tối dưới ánh đèn dầu hỏa, cơm rau muống chấm mắm nêm và thịt heo nạt kho tàu do tài nấu nướng ngon hết sẩy của mẹ. Bỗng Nguyên nghe tiếng gỏ cửa và cha đứng dậy ra xem ai đến chơi trong đêm tối mưa gió như thế này. Có tiếng mở cửa rồi Nguyên nghe giọng nói trầm ấm của cậu Tuấn, em trai cùng mẹ khác cha của mẹ Nguyên:
- “ Kính chào anh, thưa anh có mạnh khỏe không ạ?”
- “Chào cậu Tuấn, cũng bình thường thôi, hôm nay cậu đi đâu mà lại ghé qua đây?”
Nguyên nghe người cậu của mình đến, bèn bỏ ăn chạy ra, nhảy lên vai người cậu mà Nguyên rất quý mến:
- “Cậu Tuấn tối nay ở lại đây chơi với Nguyên nghe.” Nguyên vừa ôm cậu vừa năn nỉ. Nguyên thích cậu ở lại để kể cho Nguyên nghe về những câu chuyện của kháng chiến.
- “Không được đâu con à, tối nay cậu ghé thăm cha mẹ Nguyên rồi cậu phải đi liền. Lần này không biết bao lâu mới gặp lại gia đình nữa đây.”
Cậu vừa hôn trên vầng trán của đứa cháu thân yêu vừa nói, có vẻ hơi buồn.
Mẹ vừa bước từ nhà sau ra, chợt nghe người em trai nói như vậy, bà ngạc nhiên và không được vui:
- “Cậu Tuấn nói chi, đi đâu mà nói là lâu lắm mới gặp lại, đã nói cho ôn mệ biết chưa?”
- “ Dạ thưa chị em có thưa với cậu mạ rồi, em biết mọi người sẽ buồn nhưng xin chị thương mà thông cảm, em đã suy nghĩ nhiều lắm và đi đến quyết định này đó thưa chị”.
Mẹ không nói thêm gì cả, mắt bà rơm rớm nước mắt như không muốn nghe lời phân trần của cậu em khác cha nhưng được bà thương rất nhiều vì tính tình cương nghị và đứng đắn.
- “ Cậu dự trù khi nào thì lên đường?”
Cha vừa ngồi xuống chiếc sập gụ vừa ra dấu cho cậu Tuấn ngồi xuống chiếc ghế đối diện.
- “ Dạ thưa anh, em sẽ cùng với các đồng chí khác lên đường trước khi trời sáng. Chúng em dự trù phải có mặt tại An Hòa lúc 10 giờ sáng mai để được di chuyển ra căn cứ huấn luyện.”
Cha không hỏi thêm chi tiết vì ông biết Tuấn sẽ không muốn tiết lộ. Ông ngồi trầm ngâm, chậm rãi vấn điếu thuốc lá cẩm lệ, đưa lên môi thấm nước miếng chung quanh tấm giấy bổi, rồi ve tròn lại trước khi lấy chiếc hộp quẹt, châm lửa vào điếu thuốc. Sau đó ông vói tay lấy bình trà Tam Hỷ, rót vào hai cái tách nhỏ xíu, đưa cho Tuấn một tách trà. Ông hít một hơi thuốc thật dài, đóm lửa trên điếu thuốc sáng lên rồi dịu xuống khi theo nhịp hít thở của ông.
Tuấn nhấp một ngụm trà, vị trà Tam Hỷ ngọt đắng thật dịu, cậu nhìn về phía Nguyên đang bất mãn, thập thò đứng tựa cửa hông:
- “ Nguyên vào mời mẹ ra cho cậu nói chuyện đi con.”
Trong khi Nguyên vùng vằng đi xuống phía nhà bếp, Tuấn đứng dậy, hai tay lễ phép chấp lại trước ngực:
- “ Thưa anh, hôm nay ngoài việc đến đây từ giã anh chị để em đi, em còn mạn phép xin anh chị suy nghĩ và nếu có thể được cho cháu Nguyên đi theo em và Cách mạng để đào tạo cho cháu sau này... và...”
- “ Cậu Tuấn nói gì? Không được đâu, không được đâu!!!...” Cha đang ngồi bỗng đứng dậy, thái độ không bằng lòng, phản ứng của ông làm cho Tuấn giật mình, mặc dù Tuấn cũng đã dự đoán trước, vì Tuấn biết anh chị chỉ có Nguyên là con trai độc nhất mà thôi, tuy vậy cậu cũng đánh bạo xin anh rể và chị để xem như thế nào.
Trong thâm tâm của Tuấn, cậu biết Nguyên là tương lai của đất nước, một tài năng đang tiềm tàng trong thân thể của đứa cháu khôi ngô, thông minh và đầy lòng yêu nước. Do đó cậu muốn đem cháu theo bên cạnh mình để hướng dẫn và nun đúc đứa cháu thân yêu trở thành một thành viên kháng chiến xuất sắc, cùng sát cánh với những thanh niên yêu nước khác, đánh đuổi thực dân Pháp và cứu quê hương ra khỏi sự thống trị của ngoại bang.
Trước đây khi Nhật chưa đảo chánh, cậu Tuấn đã nhiều lần lén lút tổ chức các học trò đang theo học tại trường tiểu học Thanh Long, thành một đội thiếu niên yêu nước, chống Tây thực dân. Vào mỗi cuối tuần, cậu Tuấn tập họp các cô, các cậu nhỏ lại trong lớp học, kể chuyện cho lũ nhóc nghe về những huyền thoại và thành tích của sáng lập viên Cách mạng như các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh... Cậu Tuấn còn tập cho đoàn viên sắp hàng đi vòng quanh sân trường, hát những bài ca của kháng chiến, dạy cho Nguyên và những bạn học khác như Trung, Nông, Hoàng, Phượng, Lan và Huyền lấy đất sét và mảnh chai, đinh nhọn làm thành những quả lựu đạn. Rồi trong đêm tối, leo lên hàng cây bòn hòn trên con đường nằm dọc theo sông Hàng Bè, gần nhà máy đèn bỏ trống của Tây tại chân cầu Thanh Long. Nguyên và lũ nhóc chờ đoàn “công voa” của Lê Dương chạy ngang qua, các cô cậu nhắm hướng rồi liệng những quả “lựu đạn đất sét” vào trong xe mười bánh của địch quân, rồi vội vàng leo xuống chạy nhanh vào trốn sau khu vườn của nhà máy đèn, trong bóng tối của đêm hè nóng nực.
Mặc dầu hành động phá hoại trên không gây thiệt hại gì cho lính Lê Dương và có lẽ chúng cũng không thèm để ý nữa, vì cho rằng đây là trò chơi đánh giặc của lũ nhóc trong lúc rảnh rỗi, đối với đoàn thiếu niên của cậu Tuấn, đây là một khích lệ thích thú vì đã có công tấn công xe Tây thực dân.
Sau đêm Nhật đảo chánh, đoàn không còn tiếp tục họp nữa và tan rả lần lần vì cậu Tuấn quá bận rộn với những việc làm bí mật của cậu và thường hay đi vắng không về nhà điều đặn như trước nữa.
Nguyên hay hỏi bà ngoại về cậu Tuấn và mỗi lần như thế, Nguyên thấy mặt mày ngoại đổi khác, có vẻ rất buồn rầu. Đã nhiều lần Nguyên thoáng nghe ngoại than phiền với mẹ về cậu Tuấn, ngoại sợ cậu sẽ bỏ nhà đi theo Việt Minh và ngoại sẽ không bao giờ gặp lại cậu nữa.
Trời vẫn tiếp tục mưa lớn, tiếng mưa rơi ngoài hiên nghe thật rõ trong căn phòng khách nhỏ. Cha đã chuẩn bị cho mình một điếu thuốc lá cẩm lệ khác và rót thêm nước sôi vào bình trà Tam Hỷ. Cậu Tuấn ngồi lặng yên trong ánh sáng chập chờn của ngọn đèn sáp trên chiếc bàn gỗ trong góc phòng. Cậu biết người anh rễ vẫn còn bực mình về việc cậu xin cho Nguyên đi theo kháng chiến.
Có tiếng chân người từ phía nhà bếp đi lên, cha Nguyên nhìn cậu Tuấn và để tay lên môi như ra hiệu cho cậu Tuấn đừng nhắc nhở gì đến việc này với vợ con của ông. Tuấn gật đầu như đã nhận hiểu và quay về phía hai mẹ con Nguyên đang vừa lên đến. Cậu đứng dậy và chờ người chị:
- “ Chị lại cho Tuấn gì nữa đây?”
- “ À, chỉ một vài cái áo sơ mi đang còn mới và một chiếc áo len chị đan cho cậu để mặc cho ấm và bốn trái cam sành thôi.”
Mẹ vừa nói vừa đưa cho cậu em một chiếc bao nhỏ trong đó đựng những áo quần mẹ tặng cho Tuấn với tất cả tình thương dành cho em mình.
- “ Cháu cũng có quà cho cậu nữa à?”
Tuấn ngồi chòm hỏm trước mặt Nguyên, vừa ôm cháu vào lòng vừa hỏi.
- “ Dạ cháu không có chi nhiều, chỉ có cái này Nguyên tặng cậu làm kỷ niệm.”
Tuấn cảm động nhận cây sáo tre và khung ảnh chụp hình cậu Tuấn và Nguyên đang đứng cạnh bờ hồ sen phía sau trường Tiểu học. Thế rồi Nguyên khóc òa lên trên vai người cậu lý tưởng của đời mình. Nguyên phân vân và muốn đi theo cậu, nhưng lại quá thương cha mẹ, cậu chưa hiểu nhiều về lý do và động lực nào đã thúc đẩy cậu Tuấn, một thanh niên vừa hơn hai mươi tuổi, nhiều tương lai, lại tình nguyện xung phong đi xa nhà, làm chuyện nguy hiểm như thế. Nguyên thương cậu nhưng cũng giận cậu đã bỏ Nguyên và ngoại để đi xa. Bỗng nhiên Nguyên thấy ghét Việt Minh vì đã giành mất người cậu thân mến của đời mình, cậu cảm thấy nước mắt chảy dài xuống má rồi khóc tức tưởi chạy vào phòng mình đóng cửa lại.
Tuấn cầm chiếc sáo tre, đi theo đến cửa phòng, đưa tay lên ngần ngừ định gỏ cửa nhưng suy nghĩ lại rồi dừng tay không gỏ nữa. Cậu đứng yên trước cửa phòng, đầu cúi xuống, nghẹn ngào rồi quay lại, đi ra phòng khách, đến bên cạnh chị, hai tay ôm đôi vai đang run nhẹ vì nức nở. Cậu Tuấn gục đầu vào vai người chị kính mến, bờ vai mẹ Nguyên thấm ướt từ từ.
Cha Nguyên vẫn không có phản ứng gì trước cảnh hai chị em đang xúc cảm vì sắp chia tay nhau. Ông cầm điếu thuốc lá đưa lên môi và nhớ đến đứa con trai đầu lòng của ông cũng đã bỏ gia đình đi theo kháng chiến cách đây hơn hai năm và đến nay biệt tăm biệt tích, không ai biết con ông đang làm gì và ở đâu cả. Cũng vì thế, khi ông nghe cậu Tuấn xin cho Nguyên đi theo cậu, phản ứng của ông rất là dữ dội, vì trong thâm tâm, ông rất oán ghét những người đã lợi dụng lòng hăng say của tuổi trẻ để dụ dỗ thanh thiếu niên nam nữ, bỏ nhà đi theo chiêu bài kháng chiến của họ.
Với những kinh nghiệm sống trên hơn bốn mươi năm, sinh ra và lớn lên trong hai trận thế chiến, ông thừa hiểu đâu là chính, đâu là tà. Những người quốc gia yêu nước chân chính là những người không tham vọng chính trị, không đưa những mầm non tương lai của đất nước vào con đường thù hận, sắt máu, làm bình phong đỡ đạn cho những lãnh tụ Cách mạng, xây đắp mộng ảo trên xương máu của đồng bào. Mọi phương tiện đều tốt cho đảng và cho lý tưởng cuồng tín của những người núp sau chiêu bài kháng chiến chống thực dân.
Những thanh thiếu niên thất học vì đất nước đâu có lúc nào được yên bình, quê hương đã và đang bị tàn phá vì bom đạn khắp nơi, thanh niên gục ngã trên mảnh đất cằn cỗi thiếu hoa màu. Đồng ruộng, cây trái được tưới bằng máu thay vì nước mưa ấm mát của miền nhiệt đới bên bờ Thái Bình Dương. Ông cảm thấy uất ức và thương hại cậu Tuấn cũng như con trai của mình. Hai đứa nó quá ngây thơ và vô tội, đã tin tưởng vào một nhóm người muốn đuổi ngoại bang ra khỏi quê hương, trong khi đó lại bắt tay với những thực dân mới đang chuẩn bị và rình rập, chờ thời cơ thuận tiện để chinh phục đất nước thân yêu khô cằn này.
Tuấn từ giã anh chị và nhờ chị nói với Nguyên là cậu Tuấn sẽ giữ mãi kỷ vật của Nguyên, rồi Tuấn mở cửa và choàng lên người chiếc áo mưa lá, co ro đi nhanh dưới cơn mưa đang rơi xuống nặng hạt trên con đường Hàng Bè trống vắng. Mẹ lau vội nước mắt, nhìn theo người em trai lần cuối cho đến khi hình bóng của cậu Tuấn khuất dần vào bóng đêm.
Vào cuối tháng 8 năm 1945, cả nước xôn xao và náo nức về tin Việt Minh, nay đã thuộc đảng Cọng Sản Đông Dương đã họp tại Tân Trảo, thuộc khu đồi núi tỉnh Tuyên Quang vào ngày 13 tháng 8, tuyên bố tổng khởi nghĩa và sẽ thành lập chính phủ Dân chủ Cọng hòa Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, với những thành viên nồng cốt của đảng nắm giữ tất cả các ghế trong Quốc hội Quốc Gia cũng mới ra đời.
Nhật Bản đã thua trận và Đồng Minh đã chỉ định Trung Hoa gửi quân đội vượt biên giới Việt Hoa đi bằng đường bộ suốt ròng rã hơn ba tháng trời, tiến vào lãnh thổ Việt Nam để giải giới quân Nhật.
Việt Minh đã lợi dụng thời gian chuyển tiếp ba tháng này để tiếp thu tất cả vũ khí tân tiến còn tốt từ tay quân bại trận Nhật Bản và di chuyển vào các căn cứ bí mật tận trong rừng sâu chôn dấu để dùng sau này, trước khi quân đội Tàu đến nơi.
Quân Tàu Ô vào nước Việt Nam, đói khát, thiếu tổ chức và lại còn bán cho Việt Minh tất cả những vũ khí mới tinh của nuớc cờ hoa, Mỹ quốc, trước đây dùng để trang bị cho họ chống Nhật Bản tại lục địa Trung Hoa. Với vũ khí và phương tiện này, không bao lâu, thành viên nòng cốt của đảng Cộng Sản Đông Dương đã có đủ tư thế cho phép Việt Minh đại diện Việt Nam thỏa thuận với Tàu để cho hai Sư đoàn thực dân Tây trở lại Việt Nam, trong một thỏa hiệp tay ba Việt, Tây và Tàu.
Chính phủ Dân Chủ Cọng Hòa Việt Nam phải mất gần 10 tháng để thành lập các cơ cấu hành chánh điều hành Quốc gia. Cũng trong thời gian này, với sự giúp đỡ của huấn luyện viên Nhật và Tàu, Việt Minh đã huấn luyện các thanh niên nhẹ dạ nghe lời và theo họ, xữ dụng thuần thục không những các vũ khí chiếm được của Nhật, mà kể cả vũ khí Mỹ mua lại từ quân đội Tàu.
Những người Quốc gia chân chính đã thấy bộ mặt thật của Việt Minh. Họ nhất quyết không muốn thực dân Pháp trở lại quê hương mình và nhất là không muốn nước Việt Nam nằm dưới ách thống trị của Cộng sản. Vì thế họ chống đối mãnh liệt nhưng rồi vì cô thế những người Quốc gia này bị Việt Minh khủng bố và thủ tiêu trong đêm tối khắp vùng đất Mẹ Việt Nam.