CHƯƠNG BỐN

Trung ngồi trước tập giấy, đang chăm chú vẽ. Cây bút chì đen thoăn thoắt dưới bàn tay điêu luyện của nhà họa sĩ trẻ tuổi, chỉ trong chốt lát, Trung đã vẽ xong bức hình của Huyền đang đứng trên bãi biển Thuận An nhiều nắng, làn tóc lả lơi buông thả bay trong gió. Trung thích thú chiêm ngưỡng người đẹp trong tranh mà quên cả giờ đi học. Cha Trung cũng đang sửa soạn đi làm, ông thấy Trung đang còn ngồi thờ thẫn sau vườn, bèn gọi vói ra:
- “ Này ông họa sĩ ơi, đã đến giờ đi học, mau vào thay áo quần kẻo trễ giờ nghe con.”
- “ Dạ con vào liền thưa ba, con không ăn sáng nên cũng kịp giờ học chứ không trễ đâu.”
Trung nói cho cha yên lòng, mặc dù anh đã dự định chương trình sẽ phải thi hành hôm nay, sau khi cha đi làm. Mẹ Trung đã đi dạy học từ sáng sớm. Ông Phương không trả lời, ông đang tìm chiếc cặp da đen để đựng hồ sơ mà ông mang về nhà. Trung vừa đi vào nhà:
- “ Ba đang tìm gì vậy thưa ba?”
- “ À con có thấy chiếc cập da của ba ở đâu không? Lâu lắm rồi ba không dùng, không biết mẹ con dọn dẹp và cất ở đâu.”
- “ Dạ con biết chỗ, để con đi lấy cho ba.”
Trung có vẻ lúng túng và vội vã đi vào phòng ngủ của cậu ta, một lúc sau, trở ra với chiếc cập da, đang được mở sẵn sàng và đưa cho ông Phương.
Vừa dẫn chiếc xe đạp ra cổng, ông vừa dục Trung nhanh lên để đi học cho đúng giờ. Trung trở vào phòng mình, miệng càu nhàu khi nhìn thấy giấy tờ ngổn ngang trên sàn nhà. Trung sợ cha bắt gặp và biết về những truyền đơn và tài liệu mà cậu ta đã dấu kín trong chiếc cập da đen.
Trung nhớ lại hơn hai năm trước đây khi cậu Tuấn của Nguyên trở về thăm mẹ và dẫn cô em gái đi theo kháng chiến, cậu đã hẹn gặp Trung trong một phòng học tại trường Thanh Long và nói chuyện với Trung về kháng chiến. Cậu Tuấn nói Cách mạng đang cần những thanh niên có nhiều tài năng và lòng yêu nước như Trung để giúp đở kháng chiến thành công trong việc đuổi quân thực dân ra khỏi đất nước thân yêu của chúng ta. Cậu Tuấn còn nói, trong thời gian trước đây khi huấn luyện cho Trung và bạn bè về những hoạt động phá hoại Tây bằng lựu đạn đất sét..., cậu nhận thấy Trung là một trong những thành viên hăng say nhất, hơn cả Nguyên nữa. Ngoài ra với sự khéo tay, thích học hỏi và tìm tòi, Trung là tương lai của Cách mạng.
Trước khi chia tay, cậu Tuấn còn dặn Trung không được nói cho Nguyên biết về việc này, sợ Trung thưa lại cho người lớn biết và sẽ làm bại lộ kế hoạch, không tốt cho Cách mạng. Cậu cho Trung biết trong tương lai sẽ có nhân viên nằm vùng tại đây tiếp xúc và bàn định chương trình hoạt động với Trung.
Suốt trong thời gian qua, vì sự kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của công an Pháp, đội Thiếu niên tiền phong của Trung không hoạt động gì nhiều, chỉ làm truyền đơn và rỉ tai thâu nhận thêm thành viên vào tổ chức. Gần đây khi quân giải phóng tăng cường hoạt động quân sự chung quanh ngoại ô thành phố Huế, đặc công lén lút xâm nhập và lẫn lộn trong dân chúng, gây nhiều thiệt hại cho chính quyền địa phương. Công an hoang mang chuyển hướng vào việc chống đặc công nhiều hơn.
Lợi dụng thời cơ thuận tiện này, tổ chức dưới quyền điều khiển của Trung đã tung nhiều truyền đơn chống thực dân và tuyên dương công trạng Lực lượng kháng chiến, đồng thời phổ biến lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, thúc dục toàn dân tổng khởi nghĩa và thông báo cho mọi người biết là quân đội Cách mạng của nhân dân đã gặt hái nhiều thành công kể từ ngày chủ tịch Hồ Chí Minh vào Hà nội trong trung tuần tháng 8 năm 1946. Chợ Đông Ba và các trường học là những địa điểm thích hợp cho công tác này vì nhiều người sẽ đọc truyền đơn của Cách mạng.
Cách đây sáu tháng khi hai thành viên của Trung vì sơ suất, bị cảnh sát bắt tại trường Bình Minh, Trung mất ăn mất ngủ nhiều ngày, cậu ta sợ hai đồng chí này sẽ khai hoạt động của tổ chức và cậu cũng bị bắt luôn, nhưng mãi cho đến tuần vừa qua, Trung không nghe thêm tin tức gì cả, chỉ biết là hai người này đang bị giam tại nhà lao Thừa Phủ bên kia cầu Trường Tiền. Thế rồi, trong đầu tuần này, công an đã bắt đầu trở lại trường và bắt thêm hai thành viên nữa, do đó Trung thấy đã đến lúc cậu ta phải đi trốn vào mật khu trước khi bị công an bắt.
Trung lấy hồ sơ của đoàn Thiếu niên tiền phong ra xem tên và địa chỉ của liên lạc viên địa phương, bản đồ đường đi... Sau đó anh đem tất cả truyền đơn còn lại và những giấy tờ liên hệ đến đoàn thiếu nhi ra sau vườn. Trung quẹt diêm đốt cháy và thiêu hủy các tài liệu rồi trở vào nhà viết một lá thư để lại cho cha mẹ trước khi lấy chiếc xách tay, bỏ vào áo quần cần thiết, xong rồi đập vỡ chiếc bình đựng tiền để dành của cậu từ mấy lâu nay, lấy tiền ra và bỏ vào túi.
Trung lấy lá thư vừa viết xong cho cha mẹ và bức hình của Huyền, để ngay ngắn trên chiếc bàn tại phòng khách. Cậu ta nhìn quanh nhà, kiểm soát một lần cuối xem có quên làm việc gì không rồi đóng cửa nhà lại. Trung nhìn qua nhà hàng xóm xem có ai để ý không, trước khi lên chiếc xe đạp đã để sẵn bên cạnh hàng rào, từ giã căn nhà mà Trung đã sinh sống và lớn lên trong nhiều năm qua mà không biết khi nào mới quay trở lại.
Trên bầu trời xanh dương, từng sợi tơ trời lơ lửng trong gió ban mai như những màn nhện bị đứt lìa, vài con chim én bay đuổi theo một con diều với tiếng kêu thanh thảnh rời rạt. Từng đám mây trắng chầm chậm trôi về hướng chùa Thiên Mụ, đồi Vọng Cảnh, lăng Minh Mạng... trong nắng ấm tháng tư.
Trung đang cắm cúi đạp chiếc xe đạp qua khỏi Kim Long và đi lên ngả chợ Tuần, phía tây của chùa Thiên Mụ. Hai bên đường, từng cây phượng vĩ vẫn chưa nở hoa, nghiêng mình trên giòng Hương, nước sông trong vắt đang lững lờ trôi chậm rãi như cuộc sống bình thản bên ngoài của người dân xứ Huế, ngược lại bên trong chan chứa những tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết, tình cảm bồng bột, lãng mạn nồng nàn, mơ mộng ngây thơ, những con người đa dạng như phong thổ của Thần kinh muôn thuở.
Trung đã gần đến địa điểm ghi trên bản đồ, một căn nhà nằm trên con đường đất, giữa mảnh vườn trồng cây ăn trái. Những cây thanh trà với cành cây cong vòng dưới sức nặng của những trái thanh trà nổi tiếng của Kim Long, chợ Tuần và từng cây măng cụt nặng trĩu trái màu tím đang lòng thòng giữa chùm vòm lá xanh tươi, che bóng mát cho căn nhà tranh vắng vẻ. Trung dựng chiếc xe đạp bên cạnh cây măng cụt, đeo chiếc xách tay lên vai, rồi rụt rè đi qua chiếc sân đất dẫn đến trước cổng nhà. Nghe tiếng động, một người đàn ông đang tưới vườn rau sau nhà, dừng tay lại và bước ra gặp Trung:
- “ Xin lỗi cậu muốn tìm ai?”
Người đàn ông tuổi cở trung niên, mặt mày hơi sạm nắng, đôi lông mày đậm nét, môi mỏng dưới bộ râu mép mọc lơ thơ, vừa chùi tay vào chiếc áo bà ba đen vừa hỏi Trung.
- “ Dạ thưa chú, cháu muốn tìm bà Tâm, “bốn chín”, không biết bà có nhà không ạ?”
Trung ngập ngừng nói mật hiệu rồi ngừng lại như chờ đợi.
- “ Có, bà Tâm “năm mốt” đang ở trong nhà, xin lỗi cậu là ai?”
Người đàn ông có vẻ hơi ngạc nhiên trả lời và đưa tay ra hiệu cho Trung đi vào nhà.
- “ Dạ tên cháu là Trung, thuộc đoàn “bốn chín”, cháu cần bà Tâm giúp đở để rời khỏi vùng này và đưa vào địa điểm mới. Hoạt động của đoàn bị bại lộ và nhiều thành viên đã bị tụi công an ngụy bắt giữ, cháu biết rồi đây thế nào cũng đến phiên cháu luôn, nên cháu quyết định ly khai với gia đình và gia nhập vào trung ương tổ để tiếp tục chiến đấu cho Cách mạng.”
Trung ngừng nói rồi lấy trong chiếc xách tay ra một tờ giấy giới thiệu của tổ chức và đưa cho ông này.
- “ Đây là giấy của Đoàn trưởng đoàn Thanh niên tiền phong thành phố Huế cấp cho cháu, Đoàn trưởng đoàn Thiếu niên tiền phong “bốn chín”.
Người đàn ông chăm chú đọc tờ giấy giới thiệu rồi tiến tới bắt tay Trung:
- “ Chào đồng chí Trung, tôi là Hùng, bí danh sáu Hùng, biệt hiệu là “bà Tâm”, vui mừng gặp đồng chí và được biết đồng chí đã ly khai với gia đình để gia nhập vào Lực lượng kháng chiến để đánh đổ thực dân và tụi bù nhìn, kẻ thù của đảng và dân tộc.” Ông kéo chiếc ghế gỗ và nói Trung ngồi xuống.
Trung nhìn quanh căn nhà, tranh tối tranh sáng, với hai chiếc ghế gỗ đặt cạnh một chiếc bàn trải khăn vải trắng ca rô đỏ. Trên bàn để một bộ khay trà, bên cạnh là một dĩa măng cụt; cuối phòng một chiếc giường tre kê trong góc nhà, cạnh chiếc cửa sổ có chấn song bằng tre, nhìn ra phía sau khu vườn, đồ đạc trong nhà rất đơn giản và Trung không thấy bóng dáng đàn bà.
- “ Đây là trạm tiếp liên của kháng chiến,” ông sáu Hùng rót nước trà ra một cái tách, đưa cho Trung rồi nói tiếp: “ nơi này được dùng để đón tiếp những thành viên vừa mới gia nhập Lực lượng chính quy như đồng chí, trong khi chờ được hướng dẫn đến địa điểm mới, nằm sâu trong rừng.”
Ông sáu Hùng ngừng lại, nhấp một ngụm trà rồi vói tay lấy một bản đồ nhỏ trải ra bàn và chỉ cho Trung một vòng tròn ghi bằng bút chì đỏ:
- “ Đây là vị trí của trung tâm huấn luyện cán bộ mới, chỉ cách đây vào khoảng năm giờ đi đường, phía tây nam của Bãng Lãng, cuối nguồn sông Hương, gần lăng Minh Mạng.”
- “ Dạ thưa chú Sáu, cháu có được phép đem theo chiếc xe đạp của cháu theo không?” Trung ngập ngừng hỏi người cán bộ.
- “ Được chứ, đây là phương tiện chính và cần thiết dùng để di chuyển và chuyên chở dụng cụ khi di động qua đường mòn trong rừng núi Trường Sơn mà đồng chí sẽ dùng trong tương lai.”
Hai người chợt nghe có tiếng chân người và tiếng chó sủa từ nhà bên cạnh, ông sáu Hùng ngừng nói và đứng dậy đi ra ngoài sân như đã biết có người đang đi vào. Trung cũng theo ra trước cổng nhà.
Trung thấy hai thanh niên còn trẻ, chỉ hơn Trung khoảng một hai tuổi, chừng 17 hay 18, nhưng có thân hình cao lớn và thân thể rắn chắc, khuôn mặt sạm nắng, trong hai bộ áo quần vải đen, cổ choàng khăn ca rô màu đỏ. Họ dựng hai chiếc xe đạp cũ kỹ cạch cây thanh trà rồi đến nói chuyện với ông sáu Hùng, chỉ về hướng Trung, đang đứng tần ngần tại cửa:
- “ Đồng chí Trung lại đây để tôi giới thiệu với hai người bạn mới.”
Trung đến gần bắt tay hai thanh niên trong khi ông sáu Hùng giới thiệu ba người với nhau:
- “ Đây là đồng chí Luân và đồng chí Huấn, đồng chí Trung vừa mới gia nhập Lực lượng và sẽ tháp tùng hai đồng chí vào cục “H” chiều hôm nay,” ông dẫn ba thành viên kháng chiến trẻ tuổi vào nhà rồi nói tiếp:
- “Nhân tiện đây tôi cũng nhắc nhở các đồng chí là kể từ nay, phải cẩn thận hơn khi di chuyển trên sông Hương đặc biệt là đoạn sông từ cầu Bạch Hổ đến điện Hòn Chén vì Hải quân Tây đã tăng cường thêm nhiều chiến đỉnh tuần tiểu trong vài ngày vừa qua.”
Ông ngừng lại như chờ ba thanh niên có hỏi gì không, rồi tiếp tục:
- “ Ba đồng chí sẽ khởi hành trong khoảng nửa giờ, chú năm Dương sẽ dùng chiếc thuyền của chú để đưa các đồng chí lên nguồn. Chúc các đồng chí may mắn và hoan hô Cách mạng thành công, chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm.”
Sau khi chuẩn bị hành trang, hai thanh niên tên Luân và Huấn cùng Trung từ giã ông sáu Hùng và lên ba chiếc xe đạp đi ra bến đò cách đó khoảng một cây số để gặp đồng chí năm Dương, đang chờ đợi bên cạnh chiếc đò nhỏ tại thượng giòng sông Hương. Chiếc thuyền với ba chiếc xe đạp dựng hai bên mạn thuyền để giữ thăng bằng, ba thanh niên ngồi ở giữa thuyền, từ từ được ông năm Dương chèo ra khỏi bến đò.
Đồng chí năm Dương là một người trung niên xấp xỉ bốn mươi tuổi, trông vẫn còn rất khỏe mạnh. Ông ít nói, chỉ nhếch mép cười khi ba người thanh niên đến gặp và lễ phép chào ông. Cũng như những cán bộ khác, năm Dương chỉ là bí danh của ông mà thôi, ba người không biết tên thật ông là gì.
Ông năm Dương chèo thuyền dọc theo bờ sông hướng về phía điện Hòn Chén. Hai bên bờ sông, Trung thấy những hàng tre rủ lá soi cành trên giòng nước trong vắt đang chảy lững lờ của sông Hương. Từ phía tay trái, trên bờ cỏ dựng cao với nhiều cây phượng nhỏ, những cây thông già cành lá xanh tươi, đứng thẳng trên đồi Vọng Cảnh thơ mộng và nổi tiếng của Cố đô, nơi hò hẹn của thanh niên thiếu nữ đa tình vào cuối tuần hay sau những giờ học. Giòng sông Hương cuộn vòng như ôm lấy ngọn đồi tại chỗ này, chuyển về hướng tây nam với lòng sông trở nên sâu dần cho đến điện Hòn Chén thì sâu hẳn xuống đến cả trăm thước như những người dân địa phương thường nói. Vì lòng sông sâu nên người ta nói có những con chình lớn hơn bắp đùi sinh sống dưới đó vì họ thường thấy những con này nổi lên trên mặt nước, lội quanh gành đá gần điện thờ. Dân địa phương tin rằng những con chình này là lính hầu của “ Bà Chúa Liễu Hạnh ” vì vậy dân chài lưới tại đây không dám bắt cá chình vì họ sợ bị “ Bà Chúa ” phạt.
Khi thuyền vừa qua khỏi đồi Vọng Cảnh, ba người thanh niên rất ngạc nhiên nhìn thấy từ phía trước, thuyền bè lớn nhỏ tấp nập trên sông Hương. Tiếng kèn trống nghe rõ dần khi thuyền của ông năm Dương tiến đến gần:
- “ Hôm nay người ta đi cúng “ Bà Chúa ” tại điện Hòn Chén, họ “lên đồng” và làm lễ suốt ba ngày rồi “thả đèn phóng sanh” trên sông vui lắm.”
Ông năm Dương giải thích cho ba người trẻ đang chăm chú nghe.
- “ Cũng vì thế nên tôi đã đề nghị với anh sáu Hùng đưa ba đồng chí đi lên căn cứ hôm nay, vì tôi biết tụi Tây đã biệt phái nhiều giang đĩnh tuần tiểu tại vùng sông này, chút nữa các đồng chí sẽ thấy tàu tụi nó khi mình gần đến điện Hòn Chén.”
Ông năm Dương vừa thành thạo nhấn mạnh mái chèo vừa nói tiếp:
- “ Các đồng chí cứ vững tâm đừng lo gì cả, cứ làm như lời tôi nói là qua khỏi trạm kiểm soát của tụi Tây. Mình sẽ xen lẫn vào với những thuyền đò đi lễ là tụi nó sẽ không khám xét gì đâu.”
Ông năm Dương dừng lại rồi lấy ra ba chiếc nón lá và đưa cho ba người đồng chí:
- “ Các đồng chí đội chiếc nón lá này đi để che không cho tụi Tây thấy mặt. Tụi nó thấy thanh niên khả nghi là tụi nó chận lại hỏi giấy tờ liền.”
Trung và hai thanh niên lấy nón đội lên đầu rồi hồi hộp ngồi yên chờ đợi. Chỉ trong chốc lát, thuyền của ông năm Dương đã xen kẽ vào với những thuyền bè đi lễ, đang chen chúc rộn rịp với tiếng chuông mõ, kèn trống tưng bừng. Trên những chiếc thuyền kết hoa lộng lẫy, nhiều người đồng bóng đang say sưa múa nhảy, trong y phục đầy màu sắc rất rườm rà.
Trên những chiếc đò cho khách mướn rất là đặc biệt của xứ Huế, những khách đi cúng “ Bà Chúa Liễu Hạnh ” đang ăn uống và vẫy tay chào ông năm Dương khi thuyền của ông đi ngang qua. Đây là những chiếc đò thường thấy đậu tại sông Hàng Bè hay dưới chân cầu Gia Hội, dành cho khách du lịch thuê mướn để ra tắm tại giữa sông Hương gần Đập Đá, giống như chiếc đò mà cha mẹ Trung thường thuê vào mùa hè và nói người chủ đò chèo ra neo trước mặt chợ Đông Ba để ngủ cho mát. Trung còn nhớ những chiếc thuyền nhỏ với ngọn đèn dầu leo lét, và các cô gái trẻ tuổi xinh đẹp. nụ cười rất có duyên, bán nào là bún bò, cháo hến, nem chua, chả khối, chè hột sen bọc thịt quay hay nhỡn lồng... thường được cha gọi và cặp lại bên cạnh chiếc đò, để ăn khuya trong những lần đi chơi trên sông Hương.
Đang thả hồn với những kỷ niệm dĩ vãng, Trung giật mình trở về với thực tại bởi bàn tay của đồng chí Luân đang lay nhẹ trên vai mình:
- “ Đồng chí Trung, làm gì mà thẫn thờ vậy? Nhìn tụi lính thủy Tây đằng kia kìa.”
Trung ngước nhìn về phía ngón tay trỏ của đồng chí Luân; từ phía thượng giòng, hai chiếc giang đỉnh, trang bị súng đại liên đang xình xịt chạy về hướng đoàn thuyền bè đi lễ. Trên tàu lố nhố những thủy thủ Tây chỉ tay và có lẽ đang bàn tán về những chiếc thuyền của người Huế này. Ba thanh niên cố làm ra vẻ tự nhiên và ngồi ngay ngắn giữa thuyền, mặt che khuất sau những chiếc nón lá. Tụi Tây không nghi ngờ gì cả, chúng vẫn tiếp tục lộ trình và giảm bớt tốc độ tàu lại vì sợ chạy nhanh, sóng lớn chìm thuyền bè của người dân.
Khi tàu chạy ngang qua, Trung liếc nhìn thấy trên boong tàu. Những lính thủy mặt mày non choẹt, trong bộ quân phục màu xanh dương, vài thằng lớn tuổi ở trần, lông ngực cả chùm, gớm ghiếc, đang chỉ chỏ bàn tán với tên Tây đen cũng ở trần, thân thể đen như cục than, miệng cười toe toét đưa hai hàm răng trắng bệt, nham nhở vẫy tay về phía mấy cô gái Huế đang ngồi trên mạn thuyền.
Bốn người thở ra nhẹ nhõm:
- “ Thế là qua khỏi nguy hiểm rồi, có lẽ đây là đơn vị tuần tiểu cuối cùng của tụi Tây, chúng nó thường đi từng cặp như vậy.”
Ông năm Dương ngừng lại rồi nhờ Trung lấy bình nước rót cho ông một ly nước chè xanh và nói ba người cứ tự nhiên uống với ông. Vị chè xanh hơi chát làm thỏa mãn cơn khát nước của ba người, họ ngồi trầm ngâm thưởng thức hương vị nước chè Huế và ngắm điện Hòn Chén nằm về phía bên tay phải. Điện trông thật trang nghiêm và huyền bí, tọa lạc trên một bán đảo như một ngọn đồi, bao bọc bởi cây cối xanh tươi, nối vào đất liền, nhìn xuống giòng sông Hương. Từ phía sông nhìn vào là những bậc thang bằng đá cẩm thạch xây dần lên cao đến chánh điện. Phía bên mặt là chỗ dành cho thuyền bè đậu, cũng có những tầng cấp bằng đá chạy vòng theo sau điện để cho người đi cúng bái đi lên. Nước sông Hương phản chiếu hình thể tựa như cái chén úp ngược của bán đảo, nước sông màu lục đậm, gợn sóng lăn tăn dưới làn gió mát của buổi chiều sắp tắt nắng.
Ông Dương đẩy mạnh tay chèo dần dần vượt qua khỏi đoàn thuyền đò đi lễ đang lần lượt ghé lại, cặp bến bên mặt điện thờ và cột vào nhau, sữa soạn lên chánh điện để bắt đầu ba ngày lên đồng và rước “ Bà Chúa ” về. Từ đây cho đến Bãng Lãng giòng sông Hương chảy nhanh và nhỏ hơn, hai bên bờ nhà cửa thưa thớt. Trên sông thỉnh thoảng Trung thấy một vài chiếc thuyền chài thả lưới dọc hai bên bờ, những vợ chồng ngư phủ lơ đễnh dừng tay nhìn chiếc thuyền của ông năm Dương chèo ngang qua. Cuộc sống của họ thật là bình dị, đơn giản nhưng tiềm tàng một sức chịu đựng mạnh mẽ, bền bỉ trong cuộc chiến đã và đang kéo dài trên quê hương, như giòng sông Hương, ngàn đời vẫn lững lờ trôi trong vùng đất nắng ấm của dân Huế.
Thuyền tiếp tục đi ngược giòng khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì đến một bến đò bên tay mặt, ông năm Dương từ từ lái thuyền vào bến và gác mái chèo lên, đi ra phía trước mũi thuyền rồi nhảy xuống đất. Ông cột chiếc thuyền vào thân cây bên đường rồi quay lại phía ba người đồng chí trẻ tuổi đang sửa soạn hành lý và lần lượt vác xe đạp lên vai:
- “ Nhiệm vụ của tôi đến đây là xong, các đồng chí cứ tiếp tục theo con đường đất này, đi thẳng vào sâu trong rừng, khoảng hai cây số sẽ đến lăng Minh Mạng và từ đó sẽ có người hướng dẫn vào cục “H”. Đoạn đường này là vùng an toàn được kháng chiến kiểm soát, lính Tây không dám vào đây vì chúng không biết địa thế vùng này, cũng như khó cho Tây di chuyển từng đoàn quân lớn. Dân địa phương rất có cảm tình với Cách mạng nên đã che chở và giúp đở những hoạt động của mình.”
Ông ngừng lại, đưa tay ra bắt tay ba người thanh niên và chúc họ may mắn trong nhiệm vụ mới. Trung và hai đồng chí này đứng tần ngần một lúc, nhìn theo ông năm Dương đẩy thuyền ra khỏi bến, chèo ngược trở về phía hạ giòng sông Hương. Sau đó ba người leo lên xe và nhấn mạnh bàn đạp khởi hành đến địa điểm mới để bắt đầu một cuộc hành trình vô định mà họ đã chọn cho cuộc đời mình.
Ông năm Dương ngoái cổ nhìn lại, ba thanh niên trẻ đã đạp xe khuất sau lùm cây cạnh bến đò. Trời bắt đầu đi vào hoàng hôn, mặt trời chỉ còn chiếu tia sáng yếu ớt trên ngọn cây tùng cao trên ngọn đồi bên tay trái. Ông nghĩ đến ba hành khách trẻ mà ông vừa đưa họ đi vào một định mệnh mới, ông chợt nhớ đến đứa con trai của ông, cũng bằng lứa tuổi của những thanh niên này khi bị Tây hành hạ và bắn chết tại làng Thanh Thủy Hạ, trong một cuộc hành quân lùng Việt Minh, khi con ông vừa mừng sinh nhật thứ mười sáu. Ông chảy nước mắt khi nhớ đến đứa con gái yêu mười lăm tuổi của ông cũng bị Tây Lê Dương hảm hiếp trong ngày đau buồn đó. Những hình ảnh khủng khiếp, thê thảm lần lượt hiện về trong ý nghĩ của người kép hát nổi tiếng ngày nào.
Đoàn hát Kim sanh tối nay sẽ trình diển tại đình làng với cặp đào kép có giọng hát và lối trình diễn rất hay vừa từ Huế xuống. Cặp đào kép này không những đóng tuồng với nhau rất xứng đôi mà rất là tình tứ vì đó là cặp vợ chồng anh năm Hải, anh sinh ra và lớn lên tại đây. Trước đây anh đi học tại trường làng, chơi đá banh nổi tiếng với tài chạy nhanh và có đôi chân thiện nghệ làm bàn tung lưới và đã giúp đội bóng tròn làng Thanh Thủy Hạ giữ chức vô địch trong nhiều mùa tranh giải do huyện Hương Thủy tổ chức.
Ngoài tài thể thao, anh còn được trời cho có giọng hát mạnh và rất cao nên anh thích hát Kim sanh và được nhiều cô gái trong làng để ý. Nào là con Lượm, con Quít, con Lan... mấy cô này mê anh lắm, cứ mỗi lần nghe anh cất tiếng ca và đá chân làm điệu bộ như Lữ Bố trong tuồng Lữ Bố Hí Điêu Thuyền là mấy nàng ta ngồi nhìn say đắm như lạc vào mê hồn trận.
Tuy được những cô gái bạn từ nhỏ này thương và chiêm ngưỡng, anh năm Hải vẫn không để ý vì anh đã mơ mộng đến một người đẹp có thân hình thon nhỏ, mềm mại, lả lướt như cây liễu đầu làng, đẹp vô cùng nhất là khi nàng mặc những y phục lộng lẫy khi đóng tuồng trong những vai Điêu Thuyền, Đắc Kỷ... tình tứ nâng ly rượu mời Lữ Bố hay lẳng lơ quyến rũ Trụ Vương. Cô đào của đoàn hát thành phố Huế đã làm cho anh năm Hải mơ mộng nhiều sau đêm trình diễn lớn tại sân đình làng trên chiếc rạp hát được đặc biệt dựng lên cho đêm ca diễn vở tuồng Tam Anh Chiến Lữ Bố, trong ngày Tết âm lịch. Sau đó đã nhiều lần, anh năm Hải đi xe đạp lên tận hội Quảng Tri, rạp hát Kim sanh bên bờ sông Hàng Bè, gần cầu Gia Hội mãi tận trên Huế để xem cô Cương trình diễn.
Đoàn thường hát ban đêm, chỉ có thêm hai xuất hát ban ngày vào ba giờ chiều thứ bảy và chúa nhật mà thôi. Đường đi xa lắm vì thế đôi lúc anh phải ở lại Huế, khi tan hát cũng gần mười giờ đêm và vì không có nhà bà con tại đây, nên anh mang theo một chiếc chiếu và một cái mền mỏng, trải nằm ngay tại tầng cấp phía sau rạp hát ngủ qua đêm, hy vọng được gặp cô Cương để tỏ lòng chiêm ngưỡng và làm quen. Định mệnh xui khiến anh được ông bầu gặp vào một đêm ngày thứ bảy và sau đó được ông này cho vào đoàn hát đóng các vai phụ trong những vỡ tuồng Tàu. Nhờ khá bảnh trai và giọng hát hay, anh chiếm được sự chú ý của cô Cương và chỉ trong hơn một năm sau, anh dành dụm được một số tiền, xin cưới người đẹp.
Hai người hát chung với nhau tại hội Quảng Tri, thỉnh thoảng về các làng quận kế cận thành phố Huế trình diễn trong những ngày hội, ngày lễ lớn. Năm đầu sinh một bé trai và chỉ hơn một năm sau hai vợ chồng lại có thêm một bé gái nữa. Ông bà già của anh Hải thay nhau qua đời khi thằng Trực, con trai hai vợ chồng anh Hải vừa tròn bốn tuổi và để lại cho anh Hải, đứa con trai độc nhất căn nhà và thửa ruộng nhỏ tại làng Thanh Thủy Hạ.
Vừa đúng lúc đó chiến tranh và thời thế khó khăn làm cho việc làm ăn của đoàn hát Kim sanh thất bại, người dân thiếu thốn, không đủ tiền mua gạo nuôi bao tử hàng ngày chứ đừng nói là dư dả để đi xem hát. Vì thế sau khi đoàn Kim sanh giải tán, hai vợ chồng từ giã bạn đào kép và đưa hai đứa con mình trở về quê sinh sống.
Thằng Trực và con Sương lớn dần theo thời gian và trong tình thương của hai vợ chồng ông, trong khi đó cô Cương ngày nào, nay đã trở thành một người đàn bà cần cù với việc nội trợ, tuy nhiên giòng máu nghệ sĩ vẫn còn lưu chuyển và sống mãi trong cô. Thỉnh thoảng nghe vợ ngâm nga, ca hát, anh Hải biết vợ mình còn thích nghiệp cầm ca, vì thế mỗi lần có dịp là hai người tình nguyện trình diễn giúp vui dân làng.
Vào một buổi sáng đẹp trời, khoảng gần một năm sau ngày Pháp bắt tay với Việt Minh và Trung Hoa để rồi đem quân trở lại Việt Nam, chúng nó gửi một tiểu đoàn lính Lê Dương đi hành quân tại núi Voi, phía tây bắc của làng Thanh Thủy Thượng, bị Việt Minh phục kích, gây thiệt hại nặng cho tụi nó. Trong ba ngày liên tiếp tụi Tây cho máy bay thả bom sâu trong núi, vào những nơi mà chúng nghi ngờ là căn cứ của quân kháng chiến, thế rồi tụi Tây đổ quân phía nam từ sân bay Phú Bài, phía bắc từ Huế xuống làm thành hai mũi dùi càn quét khu vực nằm trong quận Hương Thủy, kể cả hai làng Thanh Thủy Thượng và Thanh Thủy Hạ để bắt thanh niên thiếu nữ trong vùng.
Hai vợ chồng anh Hải hôm đó chạy trốn kịp trong khu rừng lau cạnh làng, riêng hai đứa con ông đang làm việc ngoài đồng khi Tây tới, chạy không kịp nên thằng con trai bị bắt và tra khảo, đánh đập bởi mấy thằng Việt gian rồi bị tụi Tây bắn chết trước khi rút quân ra khỏi làng. Về phần đứa con gái, bị Tây đen thay nhau hảm hiếp và sau đó bỏ nằm lăn lóc bên bờ ruộng bên cạnh xác chết của người anh đã liều mình cứu em gái. Cho đến khi trời tối, Tây Lê Dương rút đi, hai vợ chồng anh Hải quay trở về tìm kiếm và mang con Sương và xác thằng Trực về căn nhà còn cháy âm ỉ trong cơn gió thổi nhè nhẹ của một đêm hè không trăng.
Tiếng nổ tí tách của những thanh tre làm sườn của căn nhà thân yêu đang cháy dần trong ngọn lửa bị át mất bởi tiếng khóc não lòng của hai vợ chồng người kép hát đáng thương, ôm đứa con gái đang thoi thóp thở bên cạnh thi hài của thằng Trực được phủ bằng chiếc mền độc nhất của gia đình. Những người láng giềng cũng cùng chung cảnh ngộ, người thì mất con, người thì vợ bị hảm hiếp, nhà bị đốt cháy, trâu bò heo, gà vịt... bị Tây cướp dẫn đi.
Ba ngày sau khi chôn cất đứa con trai và chữa bệnh cho cô con gái, hai người theo đám người tị nạn quyết định rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, mang theo những gì còn lại, lên Huế để xa lánh nạn chiến tranh đang lan tràn tại quê nhà. Họ sợ sẽ lâm vào cảnh bom nổ đạn bay và bỏ thây trong những trận đụng độ của Tây thực dân và Cách mạng giải phóng.
Riêng anh Hải với lòng căm thù Tây tột độ, anh đã có dự định tham gia vào kháng chiến sau khi ở Huế một thời gian và trong bốn năm sau đó, anh năm Hải đã bí mật chính thức hoạt động tích cực với kháng chiến và phối hợp với đơn vị địa phương do ông trưởng tổ, sáu Hùng biệt danh “Bà Tâm”, điều khiển và chỉ huy.
Sau đó vợ anh từ giã chồng, mang theo đứa con gái để đi theo một đoàn ca Huế, vừa mới được thành lập để lên Đà Lạt giúp vui thường trực cho Hoàng đế Bảo Đại. Ông cũng mới vừa được Pháp quốc mời về nước giữ chức vụ Quốc Trưởng nước Việt Nam đã được Pháp công nhận là một Quốc gia độc lập vào ngày 1 tháng Giêng năm 1950. Quốc Trưởng Bảo Đại đã quyết định lên sinh sống trong dinh thự của ông tại xứ hoa đào Đà Lạt thơ mộng vào khoảng đầu mùa hè năm 1950.
Anh năm Hải không đi theo vợ con vì anh đã hy sinh, hăng say trong hoạt động kháng chiến và thấy có bổn phận phải giúp Cách mạng đánh đuổi kẻ thù của dân tộc nói chung và của chính anh nói riêng...
Chiếc thuyền vẫn tiếp tục xuôi theo hạ giòng sông Hương đi về hướng chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén đã hiện ra trước mặt. Tiếng kèn trống bắt đầu nghe rộn rã từ phía xa, đèn đuốc trên điện và dưới ghe thuyền thắp sáng rực cả một khúc sông. Sau một hồi suy nghĩ về những chiếc giang đỉnh của Tây đang tuần tiểu trên sông Hương, anh quyết định ghé thuyền lại và đậu cách những ghe đò kia một khoảng ngắn, cạnh một cây nhỡn cao bên bờ hòn bán đảo nổi tiếng của xứ Huế. Anh trải chiếc chiếu ra giữa thuyền rồi thiu thiu dỗ mình vào giấc ngủ, sau một ngày chèo đò mệt nhọc.
Ba cậu thanh niên cắm cúi trên chiếc xe đạp, băng qua những rặng thông già và cây rừng rậm rạp, nhiều cây sim mọc hai bên đường nặng trĩu trái sim tím, xen lẫn giữa một rừng hoa dại đủ màu sắc. Những đàn bươm bướm trắng nhởn nhơ bay vờn trên hoa lá trang điểm cho cảnh đẹp của núi rừng. Những cây tùng cao vút, che bóng mát cho con đường đất dẫn đến lăng Minh Mạng, thấp thoáng thấy từ đằng xa.
Lăng Minh Mạng tọa lạc trên một khu đất thật rộng lớn. Lăng được xây theo lối kiến trúc cổ kính như một cung điện trong nội thành Huế, bao bọc bởi một rừng cây thông chạy quanh từ trước vòng ra phía sau chánh điện. Trước mặt chính điện mồ vua Minh Mạng là một dãy tầng cấp xây bằng đá, dẫn xuống hai sân rộng lát gạch ca rô màu trắng đục. Một chiếc cầu đá bắt qua chiếc hồ sen, nối liền sân chính và cổng trước, hai bên hồ là những cây hoa sứ với đầy hoa trắng thơm lừng. Một con đường đất chạy quanh làm thành một vòng tròn dẫn đến hai chiếc cầu gạch nằm hai bên lăng, cũng bắt ngang qua hồ sen đưa vào khu chánh điện.
Trung và hai đồng chí vừa đến trước cổng của lăng Minh Mạng. Luân là người lớn tuổi nhất trong nhóm, dừng xe lại, lấy trong túi vải ra một tấm bản đồ, anh ta nhìn quanh, định vị trí rồi nói với hai bạn đồng hành:
- “ Mình chỉ còn cách cục “H” khoảng hơn một cây số nữa thôi, căn cứ nằm về hướng chính tây, sau lưng của lăng Minh Mạng. Tôi đề nghị chúng ta nghỉ tại đây chốc lát, rồi tiếp tục, tôi tin tưởng là chúng mình sẽ đến địa điểm trước khi trời tối.”
Luân ngừng lại, lấy bình nước ra, uống một ngụm lớn rồi đưa cho hai người bạn đồng hành, chuyền tay nhau giải khát. Trung dựng chiếc xe đạp rồi ngồi nhìn quanh, anh lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên cây tùng cao lớn mọc bên cạnh vách tường đầy rêu phong che phủ. Chiến tranh làm cho người ta quên lãng các vua chúa triều Nguyễn đã nằm xuống, những lăng tẩm đã bị bỏ phế, không người chăm sóc, tu bổ. Thành vách tróc sơn, mái nhà ngói trụt, cây cỏ mọc đầy sân, ngổn ngang đá vụn bể nát hai bên hồ, còn chăng là những cây hoa sứ trời nuôi, bông sứ màu trắng trinh nguyên, thơm phức nở đầy qua năm tháng theo thời gian như không nuối tiếc thuở vàng son ngày nào.
Ngồi nghỉ chân một lúc, ba người lại leo lên xe đạp theo con đường đất, đi vòng quanh bờ hồ sen ra phía sau lăng, tiếp tục theo con đường núi chạy ngoằn ngèo dẫn về căn cứ địa phương bí mật của Việt Minh. Trung ngoái cổ nhìn lại về hướng lăng Minh Mạng một lần cuối. Anh biết kể từ giờ phút này, anh đã để lại sau lưng những kỷ niệm thuở ấu thơ, những gì quý giá nhất trong đời son trẻ để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà anh đã chọn cho đời mình. Trung chợt nghĩ đến hai người bạn học thân thiết mà anh không một lời từ giã trước khi lên đường, anh nghĩ đến bức tranh vẽ hình của Huyền tắm biển Thuận An mà anh đã nhờ cha đưa lại cho Huyền trong bức thư từ giã chứa đựng những lời tạ lỗi của anh đối với cha mẹ, nhất là với mẹ, người từ mẫu đã thương yêu trìu mến anh như một quý vật.
Trung cảm thấy một thoáng chạnh lòng và dừng chân đạp, để cho xe thụt lùi về phía sau hai người bạn mới, lấy tay lau vội những giọt nước mắt đang chảy dài xuống má. Trung lắc đầu thật mạnh và cố quên đi những ý nghĩ yếu đuối trong đầu, anh ngẩng mặt lên nhìn bầu trời đã bắt đầu chạng vạng tối, hít vào một hơi thật dài, rồi cong mình trên chiếc xe, nhấn mạnh đôi bàn chân, đạp nhanh để bắt kịp hai người đồng chí.
Trên không những con chim vạc với tiếng kêu rời rạc, cũng đang bay theo đội hình tam giác về hướng núi rừng trùng điệp của dãy Trường Sơn.

*

Ông năm Dương giật mình tỉnh dậy, dụi mắt nhìn quanh. Trời đã lờ mờ sáng, sương mù phủ kín những tàng cây tùng dọc hai bên bờ. Trên mặt sông Hương làn hơi nước lững lờ bay nhẹ là đà theo cơn gió sớm ban mai. Về phía điện Hòn Chén, các thuyền bè neo, cột cạnh bên nhau và khách đi lễ vẫn còn say ngủ sau một đêm thức khuya cúng bái và lên đồng. Họ sẽ tiếp tục buổi lễ khi mặt trời đứng bóng.
Ông năm Dương cảm thấy hơi lạnh, ông kéo cổ áo lên cao, lấy chiếc gàu nhỏ múc nước sông lên súc miệng và rửa mặt. Ông kéo sợi dây dừa nhỏ đang cột lòng thòng dưới nước bên cạnh chỗ ngồi của ông.
Một bao ny lông cột kỹ lưỡng hiện lên từ từ trong giòng nước xanh dưới sức kéo. Ông năm Dương cẩn thận vói tay lấy chiếc bao đẩm nước rồi mở ra để kiểm soát. Bên trong là hai quả lựu đạn và một khẩu súng lục ngắn nòng và vài băng đạn, ông cầm khẩu súng lên và lắp một băng đạn vào súng.
Sau đó ông cột bao ny lông lại và thòng dây thả bao xuống nước sông. Đây là phương pháp che dấu vũ khí hiệu nghiệm của những thành viên kháng chiến có kinh nghiệm như ông năm Dương khi di chuyển trên sông rạch và phòng ngừa trường hợp không may bị giang đỉnh Tây chận lại khám xét. Trong những lúc nguy hiểm này, ông có hai giải pháp, một là chống cự và chỉ cần kéo bao ny lông lên lấy vũ khí, hai là lấy dao chặt đứt sợi dây dừa để bao ny lông chìm xuống lòng sông và phi tan vũ khí. Trong suốt thời gian hoạt động vừa qua, chưa có khi nào ông năm Dương bị Tây chận lại khám xét cũng như gặp khó khăn, nhờ sự khôn khéo và kinh nghiệm của ông.
Mặt trời đã bắt đầu rọi tia sáng trên bầy trời xanh thẩm và sương mù cũng đã tan dần. Ông năm Dương ăn vội nắm xôi nguội chấm muối mè, rồi mở giây lên đường trở về Kim Long.
Khi thuyền ông vừa qua khỏi điện Hòn Chén khoảng hai ba cây số, ông thấy từ đằng xa hai phóng giang đĩnh treo cờ tam tài xanh trắng đỏ đang xả hết máy chạy về phía thuyền của ông.
Ông ta giật mình vì đây là lần đầu tiên những tàu tuần tiểu lại lên đến khu vực này quá sớm như vậy, bình thường chúng nó khởi hành từ căn cứ tại Đập Đá rất trễ. Ông vội vàng chèo thật nhanh mong rằng có thể lái chiếc thuyền vào sát cạnh bờ và núp dưới những tàng cây lớn để tụi lính thủy không thấy.
Đang nhấn mạnh mái chèo, ông nghe tiếng loa phóng thanh với giọng Việt học lóm và tiếng Tây gọi lớn:
- “ Dừng lại, dừng lại, “Arrêtez – vous ou Je tirais”, dừng lại không tau bắn”.
Ông giả vờ như không nghe và vẫn tiếp tục tay chèo rồi bỗng nhiên từng loại súng bắn từ hai giang đỉnh Tây “ tạch..tạch..tạch ” vang lên xóa tan bầu không khí buổi sáng mai, làm cho những con chim quạ hoảng hốt tung cánh bay lên từ những cành cây hai bên bờ.
Ông năm Dương bàng hoàng trong chốc lát, phân vân và rồi ông nhớ đến hình ảnh thảm thiết của xác thằng Trực, con trai ông, cuộn trong chiếc mền nâu nằm trước sân căn nhà thân yêu đang cháy bùng, đến thân hình đầy máu của con Sương, đứa con gái vừa tròn mười lăm tuổi, bị Tây hảm hiếp một cách tàn nhẫn. Tất cả quá khứ đau thương chợt đến với ông giữa tiếng máy tàu, tiếng súng tiểu liên nổ ròn rã, đạn bay trúng mặt sông chung quanh thuyền làm nước văng tung tóe lên chiếc nón, ướt đẫm áo quần của người kháng chiến quân, đang cúi sát người dưới mạn thuyền để tránh đạn.
Thế rồi đột nhiên một ý nghĩ liều lĩnh chợt đến làm ông nhếch mép cười và ông năm Dương quay thuyền lại, hướng về những giang đĩnh đang vừa bắn vừa phăng phăng tiến tới. Ông dừng mái chèo và kéo nhanh sợi dây dừa, lấy bao ny lông, tháo dây cột, lấy hai quả lựu đạn để dưới chân, ngay trước mặt, dưới tấm vải lót chân, nhét khẩu súng lục vào thắt lưng dưới chiếc áo bà ba đen rồi chèo từ từ chiếc thuyền ra ngay giữa sông.
Hai chiếc giang đĩnh giảm bớt máy lại và ngưng bắn, từ từ cặp vào thuyền ông năm Dương, đang giả vờ sữa soạn dụng cụ. Trên tàu một tên lính thủy đang hườm sẳn súng đại liên, hai tên khác cầm tiểu liên đứng trên bong, cạnh mạn tàu, lơ đểnh như coi thường việc lùng xét mà chúng tưởng như những lần khác. Một tên lính Tây ra hiệu cho ông tung giây lên tàu, rồi nói chập chững tiếng Việt xen với tiếng Tây:
- “ Dong tay lên...Dong tay lên, “ Haut les mains...Haut les mains” Mau lên...Mau lên, “ Vite...Vite.”
Ông năm Dương giả vờ như không nghe rõ, ông lấy tay chỉ vào tai mình và lắc đầu, rồi cầm lấy sợi dây và tung lên cho thằng Tây đứng trước mũi tàu. Tên này vừa chụp sợi dây vừa cúi xuống cột vào chiếc “bít” tàu. Từ trong hầm máy ông thấy thằng Tây đen đang dụi mắt như vừa ngủ dậy đang leo lên cầu thang và lên tiếng hỏi những tên cầm tiểu liên. Hai tên lính thủy này quay lại như để trả lời.
Lợi dụng cơ hội tụi lính Tây không chú ý, ông cúi xuống nhặt quả lựu đạn, rút chốt tung về phía hầm máy tàu, chỗ thằng Tây đen vừa lên, quả lựu đạn lăn theo cầu thang xuống hầm máy tàu. Ông nhanh nhẹn tháo chốt quả lựu đạn thứ hai tung mạnh lên vào đài chỉ huy, ông rút khẩu súng lục từ thắt lưng, bắn xối xả về phía hai tên lính thủy cầm tiểu liên. Những tên này trúng đạn nhào ngay xuống nước sông Hương.
Hai tiếng nổ liên tục nối tiếp nhau làm rung chuyển cả núi rừng rồi một rừng lửa cháy bùng dữ dội, chiếc giang đỉnh đang nổ lớn trong ngọn lửa từ hầm máy bốc lên. Từng tiếng la lối, tiếng la hoảng của những tên lính bị phỏng cháy, đang vội vàng nhảy xuống giòng sông Hương để trầm mình.
Chiếc giang đỉnh thứ hai chĩa súng về phía tàu ông Dương, nhưng không dám bắn vì sợ trúng đồng bọn đang cố gắng chạy thoát ngọn lửa đang cháy bùng và vì tàu sắp nổ.
Ông năm Dương thay băng đạn cuối cùng và bắn vài phát đạn về phía kẻ thù đã giết con trai mình và phá tan nát gia đình ông, rồi ông quay khẩu súng chĩa vào màng tang mình và bóp cò trước khi một tiếng nổ bùng dữ dội làm giang đỉnh tan tành tung lên không trung, cùng với chiếc thuyền và thân thể của người kép hát một thời.
Ngọn khói đen từ giang đỉnh của Tây bay lên cao trên tàng cây phượng vĩ, rặng thông già hai bên bờ sông Hương, về phía đồi Vọng Cảnh.
Một phần của chiếc nón lá còn lại của người cha vừa trả thù xong cho con mình, trôi bập bồng giữa những mảng gỗ ván cháy sạm đen, trên giòng nước đang lững lờ phản chiếu phong cảnh núi đồi của miền sông Hương núi Ngự, xứ ngàn năm văn vật, đã nổi tiếng một thời là chốn mộng mơ thanh bình.
Chiến tranh, hận thù, giết chóc nay chỉ là những chuyện xảy ra thường xuyên, hằng ngày trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Những người nằm xuống vì lý tưởng mà họ đã chọn hay là những người dân vô tội chết oan, kể cả những quân nhân thi hành nhiệm vụ, đã bỏ xác nơi chiến trường, đều là nạn nhân chiến tranh, là hậu quả gây ra bởi những kẻ cầm đầu, thực dân đi chiếm thuộc địa hay những lãnh tụ vì tham quyền cố vị lợi dụng danh nghĩa giải phóng dân tộc.
Ông năm Dương là một trong những nạn nhân này, hồn ông bay lên cao, vượt qua núi Ngự Bình trở về làng Thanh Thủy Hạ, nơi có giòng sông nhỏ uốn khúc chảy mãi lên đến An Cựu, qua ruộng đồng phì nhiêu, được bao bọc bởi rặng tre già ngày nào của cặp đào kép trẻ đẹp gánh hát Kim Sanh.