CHƯƠNG NĂM

 Ba người trai trẻ ở trần, mặc quần đùi đen, thân hình sạm nắng, đang dùng những cây sào dài chống một bè tre thật lớn, xuôi giòng sông Hàng Bè về phía Bao Vinh.
Nguyên đang thích thú lội từ sông trước mặt nhà qua phía bên kia bờ dưới cây sung già cao lớn. Cành cây sung nghiêng hẳn ra mặt sông rất thuận tiện cho những thể tháo gia như Nguyên leo ra và phóng mình xuống giòng nước màu lục đậm của sông Hàng Bè. Khi vừa đến bờ, Nguyên leo lên cành cây để nghỉ mệt trước khi tiếp tục vui tắm với những người thanh niên thiếu nữ khác tại đây.
Trời chiều mùa hè oi bức khó chịu, không một gợn mây, thỉnh thoảng một cơn gió đầu hè thổi nhẹ không đủ làm mát những người thanh niên đang tiếp tục chống bè tre trên sông. Nguyên nhìn về phía bên kia bờ, anh thấy một người con gái tay cầm chiếc khăn tắm đang đi xuống bến sông, cách nhà Nguyên khoảng ba bốn bến gì đó, cạnh một bè tre cột gần chân cầu Đông Ba. Anh lấy tay che mắt để khỏi bị chói nắng và nhìn cho rõ ràng, hình như là Hồng thì phải, đúng thật rồi, Nguyên tự nhủ thầm, cũng cái lối đi yểu điệu và nhún nhẩy đó với thân hình cân đối như mời mọc những chàng trai đa tình. Nguyên thấy Hồng lội ra bè tre, leo lên ngồi, vừa vuốt mái tóc dài đẩm ướt, vừa nhìn quanh quẩn như tìm kiếm người nào. Nguyên nhảy từ trên cành cây sung xuống nước và bơi nhanh về phía Hồng đang đùa giỡn trong giòng nước mát. Chỉ vài phút sau, Hồng đã nhận ra người thanh niên đang vùng vẫy lội về phía nàng và nàng kêu mừng rối rít:
- “ Nguyên bơi nhanh lại đây, biết ngay mà, biết là thế nào cũng gặp Nguyên chiều nay tại chỗ này.”
Hai người lội đến chiếc bè tre và Hồng chống tay lên vai Nguyên leo lên bè trước:
- “ Ai nói cho Hồng biết mà tài vậy?”
Nguyên vừa vuốt nước khỏi mặt mình vừa ngồi xuống cạnh Hồng, đôi chân trắng hồng của nàng thòng dưới nước, đá văng tung tóe và đang cười khúc khích, vừa vén tóc ra sau chiếc cổ cao vừa nhí nhảnh trong giọng Bắc kỳ dễ thương:
- “ Thì mấy đứa bạn cùng lớp chứ ai nữa, thằng Nông này, thằng Hoàng này, Hồng hỏi gì mà chúng nó không nói. Vì thế nên Hồng mới ra đây tắm để gặp anh đó.”
Hồng nhỏng nhẻo lấy tay đánh nhẹ vào vai Nguyên khi chấm dứt câu trả lời. Nguyên khựng lại một lúc vì cách xưng hô của Hồng, đây là lần đầu tiên sau gần hai năm cùng học chung một trường, Hồng dùng tiếng “anh” để gọi Nguyên thay vì gọi tên như những lần trước. Ánh mắt anh vô tình nhìn xuống thân hình của Hồng, nẩy nở tròn trịa dưới bộ đồ tắm nhiều màu. Hồng biết Nguyên đang nhìn mình, nàng quay lại miệng mĩm cười rồi hỏi nhỏ:
- “Anh làm gì mà nhìn em dữ vậy? Bộ em xấu lắm sao?”
Nguyên đỏ mặt vì bị người con gái bắt gặp mình đang nhìn trộm thân hình đẹp, anh ấp úng trả lời:
- “ À... à không, à.. đâu có, Hồng đâu có xấu..., Nguyên...”.
Anh ngượng quá không thể tiếp tục trả lời.
- “ Em không xấu sao mà anh đâu có thèm để ý gì đến em, suốt ngày cứ thấy đeo theo con Huyền mãi vậy?” Hồng hất mặt nàng lên, chìa môi ra như hờn dỗi.
Nguyên nghĩ thầm trong bụng: “Trời ơi thật là con gái quá nhiều chuyện, Nguyên theo ai thì mặc kệ Nguyên, mà theo thì theo, đâu có phải mình theo là thương đâu, người ta là bạn thôi mà.” Nhưng Nguyên không đính chính với cô gái nhiều chuyện này, anh vui vẻ cười rồi để Hồng ngồi trên bè, anh phóng mình xuống nước bơi ra xa. Hồng cũng đứng dậy nhảy theo xuống và hai người thanh thiếu nữ thích thú từ từ bơi cạnh nhau dọc theo bờ về phía cầu Thanh Long.
Trên bờ dưới tàng cây bò hòn, một người con gái Huế mân mê chiếc nón lá bài thơ, tần ngần nhìn xuống giòng sông, trầm ngâm buồn bã đứng ngắm thân hình người hai người bạn học đang tung tăng lội. Huyền cảm thấy một niềm cay đắng dâng lên khi đứng trước cảnh này, nhìn người bạn trai đã quen từ hơn sáu năm nay, người đã từng chia xẻ với nhau nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Huyền thường mơ mộng, rồi biết rằng tình yêu đã nảy nở và càng ngày càng thắm thía hơn giữa hai đứa. Đâu ngờ nay khi Huyền và Nguyên lớn lên, lại ít gặp nhau kể từ ngày cha mẹ Huyền dọn nhà qua ở trên con đường Gia Hội, cách đây hơn sáu tháng, vì lý do công việc của cha Huyền. Ông bắt đầu làm việc với bộ Công chánh Tây tại Huế và mua một căn nhà nhỏ nhìn ra bờ sông Hương, gần nhà thờ đường Trung Bộ. Riêng Huyền, nàng cũng đổi trường vì thi đậu vào trường Đồng Khánh và đã đi học tại đây trước khi niên khóa chấm dứt.
Hôm nay Huyền đi qua đây với dự định rủ Nguyên ngày mai đi lên lăng Tự Đức chơi với Huyền, vì đã lâu lắm hai đứa không đi chơi riêng với nhau và nhất là vì nàng thấy nhớ Nguyên kinh khủng. Khi đến nhà Nguyên, Huyền được biết Nguyên đang tắm sông, nàng đi ra đây và muốn làm Nguyên ngạc nhiên khi thấy nàng, nhưng nay thì lại chính Huyền ngạc nhiên và đau khổ khi nhìn thấy chàng trai của mình đang đùa giỡn với một người con gái khác, mà nhất là với con Hồng, thấy mà dễ ghét. Huyền cảm thấy hờn giỗi, nước mắt như muốn chảy ra, nhưng cố cầm lại và tức tối định quay đi. Nhưng rồi Huyền thay đổi ý kiến, vì tự ái người con gái bị xúc phạm, vì nàng muốn giành lại người con trai mà nàng đã thương nhiều, từ tay đứa con gái Bắc kỳ, lẳng lơ dễ ghét và trơ trẻn mất cảm tình kia. Ai dại gì mà chịu thua nó, Huyền thấy máu ghen tuông của mình dâng tràn lên dữ dội, mặt nàng nóng bừng không biết tại vì ghen hay là vì ý định sắp thi hành của nàng. Huyền ra đến bờ sông, đi xuống mấy tầng cấp bằng đá trước nhà tế sinh, lò thịt trâu bò heo, và cổi chiếc áo sơ mi đang mặc, vắt bên cành cây nhỏ, rồi với chiếc xu chiêng và quần tây dài, Huyền nhảy xuống nước lội ra ngay bè tre đang cột tại đây, leo lên, vất chiếc khăn tắm của Hồng xuống nước rồi hai tay chống nạnh, đôi lông mày đậm nét cong lên dữ dằn, đứng chờ Nguyên và Hồng đang bơi trở về đây.
Nguyên bối rối, mặt mày đỏ bừng khi nhận ra Huyền, thân hình ngâm đen đẹp nõn nà với đường cong của đồi núi nhọn đỉnh, không che dấu dưới làn vải mỏng màu trắng của chiếc xu chiêng nhỏ xinh xắn, hai ống quần dài màu xanh dính sát vào tấm thân cân đối, khỏe mạnh làm cho Huyền trông thật khêu gợi, hấp dẫn.
- “ Huyền... à... Huyền đến hồi nào vậy, đến đây làm chi vậy...có chuyện gì không?”
Nguyên vừa lấy tay chống vào bè tre, vừa nhún mình nhảy lên cạnh Huyền đang đứng nhìn lên phía cầu Đông Ba như không để ý đến Nguyên, vừa bối rối ngượng ngùng nói câu trước, câu sau không ăn khớp gì với nhau cả. Nguyên để mặc cho Hồng đang chới với bơi cạnh chiếc bè và rồi có vẻ giận hờn cả hai người, Hồng lội vô bến, quay lại nhìn về phía bè tre chìa môi ra, nguýt một cái, rồi nhún nhảy bỏ đi về phía nhà của mình.
Huyền vẫn còn giận Nguyên nhiều, nàng ngồi thả hai bàn chân trắng hồng xuống mặt sông, đá mạnh làm nước văng tung tóe lên cao, làn hơi nước dưới ánh nắng chiều thấp thoáng những màu sắc như của chiếc lẹm trời sau cơn mưa lớn.
- “ Huyền mạnh khỏe không? Hai bác thế nào? Hè này có định đi chơi đâu không?” Nguyên biết Huyền đang hờn dỗi nên cố gắng gợi chuyện để làm hòa.
- “ Huyền mạnh khỏe hay không thì cũng mặc kệ Huyền, mà Huyền có đau, có chết đi nữa thì đâu có mắc mớ gì đến anh... à mắc mớ gì đến Nguyên mà phải hỏi. Cứ làm như lo cho em... à cho Huyền lắm đó, sao không nói thật là Nguyên chỉ lo cho ai kia kìa... lo cho cô gái Bắc kỳ yểu điệu mà Nguyên mê lên mê xuống đó.” Huyền vừa dằn mạnh từng tiếng nói vừa háy vừa nguýt chàng trai tơ đang cúi mặt ngồi bên cạnh.
- “ Đâu có mê mệt gì đâu, Nguyên đang tắm thì Hồng...ứ...thì cô ấy đến tắm nên gặp nhau chứ có hò hẹn chi đâu.”
Nguyên vội vàng tìm lời đính chính và cũng không dám gọi Hồng bằng tên vì biết sẽ làm Huyền giận thêm. Đang ngồi, Huyền bỗng quay qua phía Nguyên, giọng nói khan lại như nghẹn ngào và hờn giỗi:
- “ Này, này thôi nghe, không có Hồng Hồng, Hoa Hoa gì nữa nghe, “em” khóc bây giờ.”
Vừa nói xong Huyền vùng vằng xô vào vai của Nguyên một cái thật mạnh. Nguyên giật mình trước thái độ của người bạn gái, rồi kêu “ ui chao,” và giã vờ té xuống nước, nín thở lặn ra xa, mở mắt dưới nước nhìn về chiếc bè tre thấp thoáng bóng người con gái đang ngồi. Huyền hoảng hốt đứng dậy, hai tay bụm lấy miệng khi thấy Nguyên lăn té xuống nước, rồi một lúc sau, vẫn không thấy Nguyên nổi lên khỏi mặt nước, nàng hoảng sợ và kêu gọi cuống quít:
- “ Nguyên ơi, anh Nguyên ơi... đâu rồi, trời ơi... Nguyên đâu rồi... Nguyên... Nguyên ơi!!! ”
Huyền vừa chạy lui, chạy tới nước mắt chảy dài xuống má, rồi nàng nhìn lên phía bờ như muốn cầu cứu. Nguyên thấp thoáng thấy hình dáng hoảng sợ của Huyền từ dưới nước, anh cảm thấy mình dọa cho Huyền sợ như thế là đủ rồi, cho bỏ tật ghen bóng ghen gió bậy bạ, Nguyên có thương ai đâu mà Huyền cứ nói là thương với mê hoài. Anh vươn mình lên khỏi mặt nước, hít vào một hơi dài không khí trong mát của một buổi nắng chiều êm đềm đẹp trời, rồi nhìn về phía Huyền, mỉm cười chọc quê người bạn gái của mình đang mừng rỡ khi thấy Nguyên còn sống:
- “ Huyền làm gì mà khóc vậy? Nguyên chỉ lặn xuống thăm ông Hà Bá một tí thôi mà.”
Huyền vùng vằng giọng nói âu yếm và có vẻ trách móc:
- “ Nguyên thật là dễ ghét, làm người ta sợ muốn chết, Huyền ghét anh lắm, không thèm chơi với anh nữa đâu.”
Huyền vừa quay người lại, giọng nói nũng nịu, vừa gạt những giọt nước mắt đang còn đọng trên đôi gò má đang ửng hồng, thẹn thùng vì bị chọc quê.
- “ Nguyên xin lỗi đã làm Huyền sợ, chỉ đùa cho vui thôi mà, ai ngờ lại làm Huyền lo sợ dữ vậy, thôi tha lỗi cho Nguyên nghe Huyền.”
Huyền quay lại, không trả lời, nhìn Nguyên với cặp mắt nũng nịu, trìu mến, miệng vẫn còn hơi mếu máo, gật đầu nhè nhẹ. Thế rồi đôi bạn làm hòa với nhau như những lần trước, nhưng tình cảm của người con gái Huế lần này đã phơi bày không dấu diếm như mọi lần.
Hai người bạn trẻ ngồi cạnh nhau một lúc, không nói gì cả, mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Những tia nắng cuối ngày đã bắt đầu bị che khuất sau mái nhà cao bên bờ sông. Nguyên lấy chiếc khăn tắm choàng qua vai của người bạn gái cho nàng khỏi lạnh. Huyền biết tình bạn giữa hai đứa nay đã xoay chiều theo với thời gian, không còn như sáu năm trước đây, khi còn chia nhau từng chiếc kẹo mè xững. Tâm tình của người con gái Huế vừa qua khỏi tuổi dậy thì mười sáu, đi từ mơ mộng vẩn vơ trong những đêm nằm trống vắng trong căn phòng tối, chuyển qua những nỗi niềm suy tư ngây thơ lãng mạn và những ước vọng tình cảm đẹp với người mình thương. Sự thay đổi quá nhanh, nhanh hơn tuổi đời, từ thể xác đến tâm hồn, từ một cô gái trước đây vui chơi bên người bạn trai một cách vô tư khi còn bé, lúc Huyền lấy những lá mít kết thành chiếc nón cho Nguyên đội làm chồng và Nguyên lấy hoa bưởi cài lên mái tóc bum bê của tân giai nhân có tên Huyền. Bên cạnh vườn sắn dưới bóng cây mít già sau trường tiểu học hôm đó, còn có Trung, chú phụ rể bất đắc dĩ, đang càu nhàu vì cậu này thích đóng vai người chồng của Huyền, cô dâu duyên dáng hơn là làm phụ rể cho Nguyên. Thắm thoát thời gian trôi qua cùng với cuộc chiến đã và đang tàn phá quê hương, Trung ra đi không một lời từ giã. Bức ảnh kỷ niệm buổi đi tắm biển Thuận An hai năm trước đây, được Huyền đóng khung treo trên tường trong phòng ngủ của nàng như là một kỷ vật quý giá của một người bạn trai đa dạng đa tài.
Nguyên cũng đang nghĩ về Trung, không biết giờ này người bạn cũ đang ở đâu và làm gì. Nguyên nhớ lại, ngày hôm ấy, cha mẹ của Trung đến nhà nói chuyện với Nguyên để tìm hiểu xem Trung có nói gì với Nguyên trước khi anh ra đi hay không. Cha của Trung cho biết cô Hương đau buồn không ăn, không ngủ đã hơn hai ngày nay, mặc dù ông ráng khuyên răn và hứa sẽ bỏ công việc làm để đi tìm con về, bà vẫn nằm dài trên giường không chịu ra ăn uống gì cả.
Nguyên thương thầy cô và thương Trung, cảm thấy bực mình và trách Trung không một lời từ giã bạn bè. Nhưng rồi suy nghĩ lại, Nguyên thấy Trung làm như thế cũng phải, vì với tình bạn thắm thiết giữa ba đứa, Huyền, Trung và Nguyên, làm sao Trung có thể quyết định dứt khoát nếu tìm gặp bạn trước khi ra đi. Nguyên thông cảm cho người bạn trai đã theo đuổi lý tưởng của anh ta, mặc dù Nguyên hoàn toàn không đồng ý với Trung về quyết định thoát ly gia đình và mang lại khổ đau cho cha mẹ củaTrung. Nguyên đã đổi trường gần hai năm nay sau khi những bắt bớ xảy ra tại đây, Nguyên nghi ngờ là Trung có liên hệ với việc này ngay khi nghe tin Trung bỏ đi. Anh nói cho cha Trung về việc công an cảnh sát đến trường và điều tra học sinh và đưa ra nghi vấn không biết có phải là vì lý do đó mà Trung ra đi không.
Hai người bạn trẻ lội vào bờ, Huyền lau khô người, mặc áo vào và sau đó về nhà Trung ở chơi cho đến tối mới lên xe đạp trở về nhà, sau khi hai đứa đồng ý sẽ đi thăm lăng Tự Đức vào tuần tới.
Nguyên và Huyền đạp hai chiếc xe cạnh nhau trên con đường đất dẫn vào lăng Tự Đức, hai bên đường là những cây hoa dại đủ màu trải theo sườn đồi như một tấm thảm thêu tay tuyệt đẹp. Từng đàn bướm muôn sắc bay vờn trên triền cỏ non xanh mướt. Bầu trời trong vắt của mùa hè với làn mây trắng mỏng lơ thơ đang lững lờ trôi về hướng núi rừng. Một vài cánh diều đang lơ đểnh lượn cánh trong bầu không khí trong lành buổi sáng.
Huyền dang cánh tay trái ra và cầm lấy bàn tay mặt của người bạn trai, bóp nhẹ như muốn diển tả một tâm tình. Cứ mỗi lần đi chơi riêng với nhau là Huyền thấy rất thích thú, nàng mong ước sẽ như thế này mãi mãi, bên cạnh người bạn trai đã được nàng thương mến với tất cả tấm lòng bồng bột đa cảm của người con gái Huế mới lớn và bắt đầu biết yêu.
Cổng chính của lăng Tự Đức đây rồi, phong rêu phủ đầy bức tường xây bằng gạch đỏ bao quanh chiếc lăng rộng lớn. Nguyên và Huyền đến gửi xe tại chiếc quán lá bên cạnh cổng chính, sau đó hai người nắm tay nhau theo những du khách khác đi vào thăm viếng và dạo chơi, ngắm cảnh mộ của vua Tự Đức. Đây là một trong những lăng tẩm lớn và là thắng cảnh với lối kiến trúc qui mô nhất trong số các lăng tẩm khác như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị... Lăng Tự Đức tọa lạc giữa một khu đất thật rộng với rừng cây tùng bao bọc chung quanh. Giữa khu đất lót bằng đá là ngôi mộ lớn mà chính điện nhìn xuống một căn nhà thủy tạ được xây trên hồ sen đầy cá vàng nhởn nhơ chờ mồi của du khách liệng xuống cho cá ăn.
Nguyên và Huyền theo chiếc cầu gỗ nhỏ, cạnh cây cổ thụ cành lá sum sê, đi ra nhà thủy tạ ngắm cá vàng và nhìn hoa sen đang nở đầy trên mặt hồ. Sàn nhà thủy tạ lót bằng gỗ cứng kêu kẽo kẹt dưới bước chân hai người. Sau khi ngồi nghỉ chân tại nhà thủy tạ được một lúc, Nguyên và Huyền trở ra rồi theo bậc thang đá dẫn lên khu đất trống trước chính điện, chung quanh sân là những cây bông sứ tỏa mùi hoa thơm ngát.
Hai người cầm tay nhau rảo bước về phía sau điện thờ nơi có những cây ăn trái như cam, quít, vú sửa, măng cụt... và một căn nhà nhỏ, hình như dành cho gia đình người giữ lăng này thì phải. Khi đến dưới một tàng cây đầy bóng mát, cành cây nghiêng xuống sát gần đầu người, có vẻ rất kín đáo, Huyền kéo tay Nguyên dừng lại, mắt nhìn âu yếm như chờ đợi, nàng nghiêng người, đứng thật sát vào thân hình người bạn trai, đang chăm chú nhìn về hướng căn nhà nhỏ. Huyền bực mình, vùng vằng định bỏ đi khi thấy Nguyên không chú ý đến mình. Nguyên kéo tay Huyền giữ lại, nhìn vào mặt Huyền và đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu đừng nói gì cả. Huyền ngạc nhiên chờ đợi, Nguyên ra dấu chỉ về phía căn nhà, rồi nói nhỏ:
- “ Ông thầy chùa, ông thầy chùa ở trong đó...”
Huyền bực mình cụt hứng dằn tay ra khỏi bàn tay của Nguyên:
- “ Ừ thì Nguyên thấy ông thầy chùa, ở chỗ lăng tẩm thờ phụng thì phải có thầy chùa chứ, làm chi mà có vẻ ngạc nhiên rối rít lên vậy.”
Huyền ngoai ngoai cái miệng xinh xắn, chiếc má lúm đồng tiền lên xuống thật dễ thương, nàng nguýt Nguyên một cái thật dài như tỏ cho Nguyên biết là nàng bất mãn thật sự.
- “ Không, không phải, Nguyên muốn nói là Nguyên thấy ông thầy chùa trước đây ở tại nhà bà mẹ lớn của Nguyên trên làng La Chữ, lúc đi tản cư với cha mẹ đó.”
Nguyên giải thích cho Huyền, đang trố mắt ngạc nhiên im lặng lắng tai nghe rồi nhìn về hướng bàn tay trỏ của Nguyên.
- “ Huyền còn nhớ câu chuyện mà Nguyên đã kể cho Huyền nghe về ông thầy chùa bí mật hồi hơn sáu năm trước, lúc Nguyên cùng với cha mẹ tản cư trốn Tây không?”
- “ Có phải cái ông mà Nguyên nói có giọng tụng kinh hay lắm phải không?”
- “ Đúng là ông này, cho đến bây giờ Nguyên vẫn còn nhớ những câu kinh ông ấy tụng với giọng lên xuống trầm bổng ngày đó nữa kìa.”
Nguyên đang nói, bỗng nhiên ngừng lại và nắm tay Huyền kéo ra núp sau thân cây măng cụt, kín đáo nhìn về phía căn nhà kia. Hai người nhìn thấy ông thầy chùa từ trong nhà đi ra với hai người đàn ông khác, vừa đi vừa chỉ chỏ bàn tán chuyện gì. Nguyên nhận thấy ông thầy chùa vẫn không thay đổi trong chiếc áo nâu sồng như ngày xưa, vẫn chiếc đầu cạo trọc lóc bóng loáng với chiếc mũi lớn và đôi lông mày chổi sể. Huyền đứng bên cạnh bạn, nàng cảm thấy tay Nguyên nắm chặt bàn tay mình, hơi ấm truyền qua từ thân thể người thương làm nàng tự động siết chặt bàn tay Nguyên làm cậu này liếc qua nhìn Huyền, rồi như mãi say sưa với câu chuyện ông thầy chùa và không để ý gì tới tâm tình của người bạn gái đang dựa sát vào mình, Nguyên nói tiếp:
- “ Mà Huyền biết không, cha nói ông này có thể là một cán bộ cao cấp nằm vùng hoạt động cho tụi Cộng sản đó. Cha nghe nói tụi nó giả vờ làm thầy chùa và sinh sống tại các ngôi chùa để che mắt chính quyền và lính Tây rồi lén lút hoạt động phá hoại và tuyên truyền cho đảng.”
Huyền gật đầu như nghe hiểu những gì Nguyên đang nói, nhưng thật sự nàng đâu có để tâm về câu chuyện thầy chùa thầy tụng này đâu. Huyền chỉ ước mong giây phút này kéo dài mãi mãi để nàng được gần Nguyên mà thôi.
Hai người đàn ông chia tay ông thầy chùa và đi ra phía sau lưng chánh điện, riêng ông thầy chùa thì vội vã đi ra phía cổng trước và khuất sau rặng cây thông già. Nguyên kéo tay Huyền để đi theo ông thầy chùa với ý định theo dõi ông này, nhưng Huyền giữ lại và lắc đầu như ngăn cản không cho Nguyên đi. Mặc dù hơi phật ý vì không được thỏa mãn tính tò mò cố hữu, Nguyên cũng chìu theo ý người bạn gái và sau đó hai đứa tiếp tục cùng chung vui với những cặp thanh niên thiếu nữ khác dạo chơi ngắm cảnh lăng tẩm, trong một ngày đẹp trời nhiều gió. Những chiếc áo dài tha thước màu tím, màu lục, màu đỏ...bên cạnh những cậu học sinh đơn giản trong chiếc quần xanh sơ mi trắng, tay trong tay, sánh bước thì thầm thỏ thẻ tâm tình. Họ muốn tìm quên chiến tranh và đời sống bấp bênh trong giây lát, để sống trong hiện tại tuyệt vời với tình bạn, tình yêu trai gái thơ ngây, đắm đuối, bồng bột, với tất cả tâm hồn yêu cuồng sống vội của một thế hệ thanh niên, thiếu nữ giữa thời buổi chiến tranh đã kéo quá dài trên dải đất thân yêu.
Trời mưa tầm tã hơn một tuần lễ rồi. Cả thành phố Huế đắm chìm trong màn lưới mù mịt, ướt át, mặt trời đi trốn làm cho bầu trời trở nên xám xịt từ ngày này qua ngày khác. Mưa rơi liên tục, bong bóng ngập đường đi. Người dân xứ Huế đã quen với cảnh mưa dầm dề tháng bảy và sẵn sàng đối phó với thiên tai lụt lội trong mùa này. Mỗi năm cứ đến tháng bảy âm lịch, nước nhảy lên bờ; giòng sông Hương nhỏ bé, không kham nỗi thể tích và lượng nước tuôn trào từ Bãng Lãng chảy về. Vì thế khi trời mưa nhiều trên dãy núi Trường Sơn, nước nguồn cuồn cuộn chảy qua Thiên Mụ, tràn ngập chợ Kim Long, qua cầu Bạch Hổ, ngập Phu Văn Lâu, Thượng Tứ. Nước sông Hương tiếp tục chảy về Thuận An ra biển, sau khi tuôn vào chợ Đông Ba, Đập Đá, Bao Vinh...vào các con đường chính và phụ cận trong thành phố Huế.
Năm nay các cụ nói thời tiết thay đổi nhiều, khí hậu oi bức trong mùa hè, nên tiên đoán Huế sẽ bị một trận lụt lớn và kéo dài lâu hơn mọi năm. Những năm con rồng, con rắn thường hay xảy ra tai ương bão lụt, giống như trận bão năm thìn, đã tàn khốc gây thiệt hại nhiều về nhân mạng và vật chất cho người dân Huế nghèo khổ. Căn nhà mới mua của gia đình Nguyên nằm trên con đường phía sau sông Hàng Bè; đây là một căn nhà gạch khá lớn mà cha mẹ Nguyên đã dọn về ở hơn một năm nay.
Nước lụt ngập bờ sông Hàng Bè sau khi trời mưa liên tục trong tuần lễ qua. Nước tràn vào nhà, mực nước dâng lên từ từ và trong mấy ngày đầu, hai cha con Nguyên phải chất giường lên cao để nằm ngủ. Sau đó, vì nước lên quá cao, cả nhà phải đóng cửa lại và mang mền gối, gạo nếp, cá hộp, nước mắm..., băng ngang qua con đường nước ngập lên đến tận ngực, trước nhà và lội qua trường trung học tọa lạc trên khu đất cao gần đó, để lánh nạn cùng với những gia đình láng giềng khác trong vùng.
Nguyên đã quen với lụt lội hàng năm, anh thường lội quanh các nhà láng giềng và giúp đỡ những người già cả ốm yếu, di chuyển trẻ con đến lánh nạn trường trung học cũng như đi mua thực phẩm giùm cho láng giềng. Sau gần ba ngày tị nạn tại đây, mưa bắt đầu rơi nhẹ hạt và sau đó, mặt trời le lói vào một buổi sáng ít mây, phản chiếu trên mặt nước đục ngầu đầy phù sa và rong rêu, lục bình... Nước lụt rút xuống từ từ đến đầu gối rồi đến mắt cá chân, để lại bùn lầy dày đặc trong nhà, trên mặt đường... Nguyên và các bạn trong xóm như Nông, Hoàng tháo cửa sổ ra chùi rửa, rồi giúp cha mẹ dội sạch bùn non trên nền nhà của họ, sau đó rủ nhau ra sông Hàng Bè xem người ta cất rớ bắt cá dọc theo bờ sông Hương, lên mãi tận Phu Vân Lâu. Trên những lưới cá lớn nhỏ, nào là cá gáy, cá hanh, tôm càng... thôi thì đủ thứ hải sản nhảy lung tung.
Chợ Đông Ba cũng đông người buôn bán và chùi dọn, những người chủ sạp, kể cả mẹ Nguyên đang kiểm soát hàng hóa bị hư hại vì nước lụt. Các cửa tiệm tạp hóa dọc theo đường Trần Hưng Đạo, đường Gia Long cũng bắt đầu mở cửa nhưng rất vắng khách hàng sau cơn lụt lớn trong năm “ năm ba” này. Sông Hương giống như rộng hơn thường lệ, với rong bèo, lục bình trôi nhanh theo giòng nước lũ đục ngầu, đang cuồn cuộn chảy ra biển Thuận An. Bên kia bờ sông gần Đập Đá là căn cứ Hải quân Pháp, các giang đỉnh di tản cơn lụt tại Bao Vinh đã trở về cột cạnh nhau bên cầu tàu. Trên bong, các lính thủy đang dội nước chùi rửa sàn chiến đỉnh. Những khẩu đại pháo được bọc kín bằng vải bố và kéo lên nằm trên khu đất cao, thay vì tại vị trí sẵn sàng tác xạ như thường lệ. Chiến tranh cũng tạm ngưng khi sông Hương nổi giận tuôn trào, nước tràn ngập ngay trên cả dải đất quê hương yêu dấu của mình.
Trong một đêm không trăng, vào lúc gần nửa đêm, khi người dân Huế đang say ngủ, họ bỗng giật mình thức dậy vì tiếng còi inh ỏi từ phía cầu Trường Tiền. Mọi người lo sợ, tưởng lại thêm một lần đảo chánh nữa, như của quân đội Nhật trước đây. Sau một hồi lâu, qua khung cửa sổ, họ thấy lửa cháy sáng rực cả bầu trời, vợ chồng, con cái bèn đánh bạo mở cửa trước, ra đường xem thử chuyện gì đang xẩy ra. Về phía cầu Gia Hội, cầu Trường Tiền, khói bốc lên cao trong ánh sáng bập bồng, ngùn ngụt trong ngọn lửa. Người dân bàn tán xôn xao và biết là chợ Đông Ba đang cháy, nhưng không biết có phải là do Cộng sản phá hoại hay là do tai nạn.
Cha mẹ và Nguyên ra đường, đứng trước nhà cạnh bên cây đèn đường leo lét, nhìn về hướng cầu Đông Ba. Lửa vẫn tiếp tục cháy dữ dội, thỉnh thoảng ba người nghe một tiếng nổ bùng và rồi thấy ngọn lửa phọt mạnh lên trên trời cao. Tiếng còi xe chửa lửa nghe thật rõ trong đêm vắng hòa lẫn với tiếng súng trường, súng tiểu liên như là Tây đang đánh nhau với Việt Minh. Mẹ lo lắng về cửa hàng buôn bán của mẹ tại chợ Đông Ba. Mặc dù mẹ đã mang nhiều hàng về nhà mỗi đêm, nhưng vẫn còn để lại một ít tại sạp hàng, do đó sự thiệt hại cũng không thế nào tránh khỏi, vốn liếng cũng bị thâm lỗ vì cơn hỏa tai này. Nguyên an ủi mẹ trong khi cha ôm đôi vai đang rung nhẹ của mẹ và vỗ về trấn an, khuyên nhủ.
Sau một đêm dài không ngủ chờ sáng, cha mẹ và Nguyên chờ cho hết giờ Thiết quân luật, vội vàng đi ra chợ Đông Ba để xem xét tình hình. Trên đường, mặc dù đang còn tờ mờ sương, ba người đã thấy từng đoàn người, mặt mày lo âu, đang im lặng bước nhanh về một hướng. Một rừng người âm thầm chịu đựng đang đi với tâm trạng giống nhau của những con người sống trong thời loạn lạc mà định mệnh đã an bài cho họ, không than van, không hờn trách thân phận, chỉ biết cam sống qua thời gian. Cuộc đời của người dân Việt Nam nói chung và thanh niên thiếu nữ nói riêng sinh ra trong chiến tranh, lớn lên cùng cuộc chiến, tranh sống qua ngày, không tương lai và sự nghiệp.
Trước mặt mọi người chợ Đông Ba là một cảnh tượng điêu tàn trên một đống gỗ đá nám đen, vẫn còn âm ỉ cháy. Chiến tranh đã vào đến thành phố, cùng với những cuộc đụng độ ở ngoại ô giữa các đơn vị thuộc cấp Sư đoàn của Việt Minh và Tây trong thời gian gần đây, báo động cho người dân Huế biết cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt.
Hôm nay trời Huế bắt đầu trở lạnh, chim én không còn bay lượn nhiều trên bầu trời nhiều mây nhiều gió. Mùa thu đã đến từ hơn một tháng nay, học trò đã bắt đầu học niên khóa mới. Trên đường ngập tràn những tà áo bay bên cạnh những chàng trai quần xanh áo trắng. Xe đạp, người đi bộ tấp nập qua những cây cầu nổi tiếng bắt ngang sông Hương như cầu Trường Tiền, cầu Gia Hội, Bến Ngự, An Cựu... Những thanh niên, thiếu nữ miền sông Hương núi Ngự mộng mơ cũng đã nhận thức được vai trò của họ trong tương lai, họ chăm chú học hành vì biết mình là những mầm non của dân tộc, là cột trụ của một căn nhà đã và đang tiếp tục đổ nát vì tai họa chiến tranh gây ra bởi ngoại bang và giải phóng. Chỉ có thế hệ trẻ với nhiệt huyết và nhiều lòng hăng hái, hy sinh hiếu học mới hy vọng cứu vãn được dãi đất cằn cổi nằm cạnh dãy Trường Sơn, bên cạnh bờ biển Thái Bình Dương này.
Nguyên và mẹ trở về nhà khi mặt trời vừa khuất bóng sau bức tường của nội thành. Sau giờ học, Nguyên ra giúp mẹ dọn dẹp cửa hàng mới tại chợ Đông Ba vừa được chính quyền xây cất lại.
Vừa mở cửa vào nhà, hai mẹ con thấy tại phòng khách, cha Nguyên đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông trung niên mà Nguyên nhận ra là cháu họ của cha, kêu cha bằng chú. Anh này ở dưới làng nội, làng Thanh Thủy Thượng mà Nguyên đã gặp nhiều lần khi cha Nguyên dẫn Nguyên về làng cúng giỗ trước đây. Trong thời gian sau này, vì tình hình an ninh không khả quan lắm, Việt Minh quấy phá hàng ngày, giết dân lành vô tội bị chúng kết án là Việt gian địa chủ, khi đêm về, nên cha Nguyên không về làng nữa.
Anh Điền, tên người cháu họ, đứng dậy và lễ phép chào mẹ:
- “ Kính chào thím, thím mới về, thưa thím có mạnh khỏe không? Buôn bán được không vậy thím?”
- “ Cám ơn anh Điền, nhờ trời tôi cũng bình thường, buôn bán ế ẩm lắm, trước đây nhờ nhà quê lên mua sắm, nay đường đi lại khó khăn nên họ ít lên tỉnh như trước nữa.”
- “ Dạ thím nói rất đúng, ngay chính gia đình cháu cũng gặp khó khăn trong việc cày cấy, ráng lắm mới đủ sống qua ngày và nuôi mấy đứa nhỏ. Vợ cháu kính gửi lời thăm chú thím.”
Anh Điền ngừng lại và quay nhìn Nguyên đang tần ngần đứng bên mẹ:
- “ Chào chú Nguyên, chà bửa nay trông lớn và đẹp trai quá, lâu nay không thấy Nguyên về làng chơi, chị nhắc đến chú hoài, nói là chú giỏi lắm, giỏi đủ thứ và chị có gởi lên cho chú nửa chục hột vịt lộn vừa ra ràng mà chú thường thích ăn.”
Nguyên đỏ mặt trước lời khen tặng của người anh họ, ấp úng trả lời cám ơn. Trong đầu Nguyên, đang hiện ra hình ảnh của chị Điền, một người đàn bà nhỏ nhắn, da dẻ hồng hào, khuôn mặt trái soan với đôi môi hồng xinh xắn của người con gái miền quê. Chị Điền nổi tiếng là hoa khôi của làng Thanh Thủy Thượng, sắc đẹp dịu dàng của chị đã làm nhiều chàng trai làng theo đuổi nhưng anh Điền đã chiếm được tình thương của chị và cưới về làm vợ khi chị vừa lên mười sáu tuổi. Hai người có ba người con, Châm con gái đầu lòng bằng tuổi Nguyên, Quá là đứa trai lớn nhỏ hơn Nguyên gần hai tuổi, và Nghiệp, một trai út đang còn nhỏ.
Tối hôm đó, cả nhà quây quần chung quanh anh Điền để nghe anh kể chuyện thời sự. Nguyên cùng Châm và Quá say sưa nghe anh Điền, một thành viên Quốc dân đảng nói về tiểu sử của người đảng trưởng, Nguyễn Thái Học, một nhân tài mà anh kính nể, đã xả thân vì đại cuộc. Anh Điền còn cho biết hiện nay, Việt Minh đang cùng các cường quốc khác như Pháp, Hoa Kỳ và Trung Cộng... đang nhóm họp tại Genève để bàn cãi về một hiệp định đình chiến cho Việt Nam. Trong khi trận chiến Điện Biên Phủ đang đến hồi quyết liệt giữa Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp, các mặt trận khác trên cao nguyên Trung phần, Việt Minh cũng tăng cường tấn công dữ dội để gây áp lực tại bàn hội nghị ở thủ đô nước Thụy Sĩ. Riêng tại Huế, các hoạt động khủng bố, giết chóc và quân sự cũng tăng cường bởi những du kích và quân đội chính quy Cộng sản chung quanh ngoại ô thành phố. Đường xe lửa Huế- Đà Nẳng bị giật mìn và các đồn lính Tây tại đèo Hải Vân bị tấn công liên miên. Trên“Huyết Lộ Ô Lâu”, dọc theo quốc lộ Một chạy từ Huế đến Quảng Trị, cạnh những đụn cát cao của làng Lại Hà, Phú An, Vân Trình, Đồng Quế bên giòng sông Ô Lâu, các đơn vị của Trung đoàn 95 Việt Minh gây thiệt hại nặng nề cho các đoàn công voa cũng như những chuyến xe lửa chở quân lính Tây và quân dụng. Tại làng La Chữ, nơi mà khoảng tám năm trước đây Nguyên và cha mẹ đi tản cư, nay đã trở thành hậu phương của kháng chiến với cơ sở làm lựu đạn cho quân lính Việt Minh, cũng là bãi chiến trường hàng ngày giữa du kích Cộng sản và lính Lê Dương.
Hôm nay anh Điền đưa hai đứa con lớn lên Huế và xin chú họ của anh cho phép con mình tạm trú ăn học tại đây vì ở dưới làng Thanh Thủy, Việt Minh đang để ý đến gia đình của anh và trong tương lai có lẽ anh Điền cũng phải rời bỏ nơi sinh trưởng và di chuyển lên An Cựu lánh nạn. Nguyên rất vui khi được biết sắp có bạn, bà con cùng tuổi ở trong nhà học chung với mình. Riêng Châm và Quá thì có vẻ buồn vì đây là lần đầu tiên đi học trường trung học tại tỉnh và xa nhà, xa cánh đồng ruộng, mảnh vườn yêu dấu dưới làng, nhất là phải xa hai con nghé vừa mới sinh cách đây không lâu.
Anh Điền cũng còn cho biết về một nhân tài đang được nhắc nhở đến rất nhiều trong các buổi họp của Quốc dân đảng mà anh đã tham dự vào thời gian gần đây. Một nhân sĩ người Huế, xuất thân từ gia đình Công giáo nổi tiếng tại địa phương, từng làm quan lớn triều Nguyễn. Đó là ông Ngô Đình Diệm, con của cụ Ngô Đình Khả và là em ruột của linh mục Ngô Đình Thục.
Nhân sĩ Ngô Đình Diệm nổi tiếng nhờ đức tính cương trực và tinh thần bất khuất của ông.
- “ Có phải là ông này đã trao ấn từ quan trước đây không?”
Cha Nguyên vừa nhấp trà vừa hỏi anh Điền.
- “ Dạ thưa chú, đúng là ông Diệm đó ạ, không những thế mà khi Nhật đảo chánh chiến thắng Pháp, họ muốn mời ông Diệm ra giữ chức Thủ Tướng trong chính phủ bù nhìn do Nhật thành lập, ông ta đã khẳng khái từ chối không chịu tham gia với ngoại bang.”
Anh Điền rành rõi xác nhận và có vẽ rất thán phục ông Ngô Đình Diệm, anh nói tiếp:
- “ Còn hơn thế nữa, vài tháng sau khi từ chối hợp tác với Nhật Bản Phát Xít, khi Hồ Chí Minh ra lệnh bắt ông Diệm và mang ông này ra gặp Hồ tại Bắc bộ, Hồ Chí Minh ngỏ lời mời ông Diệm làm việc với chính phủ Cách mạng, ông Ngô Đình Diệm một lần nữa đã khôn khéo không nhận lời, lấy cớ vì du kích Việt Minh trước đây đã giết người anh cả của mình là ông Ngô Đình Khôi.”
Anh Điền ngừng lại, xoa đầu Nguyên, đang theo dõi câu chuyện về một nhân vật anh hùng mà trong đầu anh hình dung là rất cao lớn, hiên ngang, dũng mãnh như một vị nguyên soái trong truyện Tàu mà anh thường đọc. Có lẽ đoán được ý nghĩ của người em họ tuổi chỉ bằng con mình, anh Điền tiếp lời:
- “ Ai cũng tự hỏi khi nghe về nhân vật đã có những hành động cương trực này và tưởng là ông rất cao lớn như là một đại hán, mọi người đã lầm khi biết rằng, ông Ngô Đình Diệm là một người rất thấp, hơi mập nhưng là một người thông minh tột đỉnh. Tôi tin rằng với khả năng lãnh đạo, con người đạo đức như vầy, không bao lâu ông sẽ là người giúp đất nước chúng ta rất nhiều.”
- “ Ông Diệm bây giờ đang ở đâu và có gia đình không vậy cháu?” Mẹ Nguyên muốn biết thêm về con người đặc biệt xuất chúng này.
Anh Điền nhận tách trà từ tay mẹ Nguyên đang ngồi đối diện, cám ơn người thím rồi từ tốn nhấp một ngụm nhỏ, lễ phép trả lời:
- “ Dạ thưa thím ông Diệm không lấy vợ. Sau khi ông từ chối lời yêu cầu hợp tác với Hồ Chí Minh, ông bị Việt Minh theo dõi vì vậy ông quyết định vào Sài Gòn sống với anh của ông là linh mục Ngô Đình Thục. Rồi vào năm 1950, ông Ngô Đình Diệm rời Việt Nam đi Hoa Kỳ để vận động nước này giúp giải quyết vấn đề Việt Nam.”
- “ Nguyên nghe mấy thầy giáo nói ông Diệm đã về nước lại rồi phải không anh?” Nguyên cũng tò mò về vị nhân sĩ người Huế này.
Cha Nguyên biết rõ nguồn tin này từ hơn mấy tháng qua khi cha vào đánh me với Đức Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại trong Đại nội nên ông trả lời thay cho người cháu họ đang gật đầu như xác nhận:
- “ Hôm trước tôi nghe Đức Từ nói là Hoàng Đế Bảo Đại đã mời ông Diệm về nhận chức Thủ Tướng thay thế ông Nguyễn Văn Tâm, đương kim Thủ Tướng, có người con trai là tướng Nguyễn Văn Hinh, đang làm Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội và Hoàng Đế dự trù sẽ đi Pháp để theo dõi hội nghị Genève trong vài tháng tới đây. Hoàng Đế Bảo Đại sẽ giao hết tất cả mọi việc cho ông Ngô Đình Diệm điều hành khi ngài ở tại Pháp.”
- “ Dạ thưa chú nói rất đúng, người Mỹ đã vận động và gây áp lực để đưa ông Diệm về nước thành lập chính phủ chống cộng tại Việt Nam, vì Hoa Kỳ sợ Cộng sản Nga Tàu sẽ lợi dụng cơ hội Hồ Chí Minh giành độc lập và nắm chính quyền từ tay tụi Tây, sau đó sẽ bành trướng xuống chiếm vùng Đông Dương, Việt Miên Lào, rồi mấy nước láng giềng như Thái Lan, Ấn Độ, Phi Luật Tân...cũng vào tay Cộng sản luôn theo chiến lược dây chuyền “Domino” của Cộng sản Quốc Tế.”
Nguyên vừa lắng tai nghe vừa thán phục sự hiểu biết của anh Điền, Nguyên đâu ngờ con người bề ngoài có vẻ như là một nông dân hiền hòa, bình thường mà bên trong lại chứa đựng một kiến thức rộng lớn, vượt bực hơn những người khác. Thế mới biết những nhân vật làm Cách mạng là những người mang trong họ một khả năng đặc biệt, một sự hiểu biết bao quát và nhất là phải nắm vững thời cuộc chung quanh mình.
- “ Ông ấy được sự ủng hộ của các nhân vật quan trọng trong chính quyền và Quốc hội Mỹ như các Thượng Nghị Sĩ John F Kennedy, Mike Mansfield và đặc biệt là người công giáo Việt Nam được vị Hồng Y Giáo Chủ Spellman nhiều thế lực và có tiếng tại Mỹ bảo trợ và giúp đở hết mình.”
- “ Chú còn nghe là ông Diệm đã được Mỹ hứa giúp phương tiện để tản cư những người công giáo thuộc các giáo xứ Bùi Chu, Phát Diệm ngoài Bắc vào Nam lánh nạn Cộng sản và tìm tự do tại đây phải không cháu?” Cha Nguyên vừa hít một hơi thuốc lá cẩm lệ vừa hỏi anh Điền.
- “ Dạ thưa chú, cháu cũng nghe các đồng chí niên trưởng trong tổ chức nói với nhau về chuyện này. Các niên trưởng nói là ông Ngô Đình Diệm không những chỉ can thiệp cho giáo dân thuộc hai giáo xứ này ra đi mà hình như cho rất nhiều dân Bắc kỳ, những người nào muốn tìm về vùng ánh sáng miền Nam, không muốn sống chung với Cộng sản, đều được cứu xét, giúp đỡ rồi khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết, họ sẽ được di chuyển vào miền Nam sống đời sống mới trong tự do. Cháu nghe đâu số người di cư tỵ nạn phỏng đoán sẽ lên đến hơn nửa triệu người lận.”
Nguyên chợt nghĩ đến Hồng, cô bạn học, người con gái Bắc kỳ có thân hình nẩy nở, tính tình dễ thương, đã theo cha mẹ vào Nam cách đây hơn hai năm để lánh nạn Việt Minh đang chiếm từng mảnh đất của tổ tiên mình.
Trời đã về khuya, mọi người chia tay đi ngủ, từ xa tiếng súng pháo binh vọng về trong đêm vắng.