Dịch giả: THÁI THU LAN
LỜI NÓI ĐẦU
Nguyên tác tiếng Pháp: Le Passage)

 
passage.jpg
 
“Tôi sắp kể với các bạn một câu chuyện đẹp về Tình Yêu và Cái Chết”. Đó là những lời mở đầu “Truyện về Tristan và Iseult”, một trong những “tiểu thuyết điển nhã” [1] đầu tiên ở cuối thế kỷ XII; và Tình Yêu và Cõi Chết, chính là hai đề tài chủ yếu, đặt nền móng cho thể văn tiểu thuyết Châu Âu.
Những đề tài khác và những mối tương quan đối lập khác rồi sẽ còn được bổ xung thêm vào cái nền tảng cơ bản này qua các mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân, giữa tuổi trẻ và tuổi già, giữa tiền tài và quyền lực, giữa đam mê và lý trí…, để trở thành những động lực chủ yếu của sự phát triển tiểu thuyết ở phương Tây.
Người ta lại nhận thấy các sức mạnh hợp thành này của tâm hồn và cách xử xự của con người trong “Một thoáng qua đường” của Valéry Giscard d’Estaing, mới được bà Thái Thu Lan, Tiến sĩ Văn học của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh dịch sang tiếng Việt. Trong tác phẩm này, đó là sự đối lập và hấp dẫn lẫn nhau giữa người đi săn già và con hươu cái non, giữa truyền thống và hiện đại…
Giúp độc giả của mình thâm nhập vào một nền văn hóa khác cách xa nhiều ngàn cây số, như trong trường hợp với “Một thoáng qua đường”, đó chính là vai trò chủ yếu gần như là huyền diệu của dịch giả.
Đây là một cuộc đánh đố táo bạo: thực vậy, vì một phát hiện như thế có thể làm rung động người đọc Việt Nam hiện nay hay không? Nó có “ngoại lai” quá không? Có quá xa cách về thế giới quan và các giá trị truyền thống của người đọc, để mong có thể tạo được niềm hứng thú, lôi cuốn họ vào câu chuyện tình tuyệt vời này, diễn ra bên bờ sông Loire, trong lạc viên của nước Pháp?
Riêng tôi, tôi tin tưởng là có thể được: đúng thế, bởi lẽ những cách ứng xử, tình cảm và những quan hệ được tạo dựng trong “Một thoáng qua đường” đều thuộc các “chuẩn mức phổ biến” về văn hóa. Mà tất cả các nền văn hóa lớn, trong đó có nền văn hóa Việt Nam, phần lớn đều cùng dựa trên một sự phân tích như nhau về cách ứng xử của con người.
Tình yêu đam mê trong ý nghĩa tương phản với Tình yêu lý trí cuất hiện rõ nét trong tiểu thuyết, và cả trên báo chí, sân khấu và trong dân ca Việt Nam. “Tình yêu vĩnh viễn” thường đi đôi với “Tình yêu không hạnh phúc”…
Khuôn khổ Khổng giáo phải chống cự vất vả trước sức lan tràn của Chủ nghĩa cá nhân… Ghen tuông là một tình cảm phổ biến mà người ta thường đọc thấy trong các mục tin vặt đăng trên tất cả các nhật báo thế giới: “Nàng giết chàng vì tình”, “Anh chàng tạt axít cô nàng vì cô muốn bỏ anh ta”…
Được người dịch dẫn dắt, vậy là độc giả Việt nam sắp có thể bước vào một thế giới mới. Một điều thú vị khác là người đọc sẽ phát hiện được tác giả của “Một thoáng qua đường”, nhà chính trị có tên tuổi toàn cầu, đã từng là Tổng thống của một trong những cường quốc lớn nhất thế giới; có thể qua trung gian nhân vật, mà trở thành một luật sư công chứng tỉnh lẻ yêu điên cuồng một sinh viên trẻ.
Đó là sự huyền diệu của ánh văn, sự huyền diệu của bản dịch. Một lần nữa xin cám ơn bà Thái Thu Lan đã tạo thuận lợi cho những độc giả không nói tiếng Pháp có thể “qua đường” bước vào một thế giới vừa rất xa xôi, vừa rất gần gũi và rất thân quen.

Jean Charroing

Nguyên Tùy viên Văn hóa Tổng Lãnh sự Pháp
Tại thành phố Hồ Chí Minh.
(Thái Thu Lan dịch)