Khi nhận định giá trị thật sự của một con vật hay một đồ vật vô tri người ta thường căn cứ trên những lợi ích mà con vật hay món đồ vật đó mang đến cho con người. Người ta đánh giá trước khi mua về để dùng và sự đánh giá thường hay căn cứ theo lời quảng cáo của nhà sản xuất ra các món đồ vật hay của nhà nuôi thú để bán. Sự đánh giá về đồ vật hay con vật cũng được thực hiện theo những lời đồn đãi của quần chúng hoặc theo sự giới thiệu của người đã có kinh nghiệm xài qua hay đã từng là sở hữu chủ các vật đó. Món đồ vật hay con vật sau khi mua về tạo được lợi ích thì sẽ được người mua nâng niu châm sóc cẩn thận để có thể xử dụng lâu dài và khi món đồ vật đã xài lâu năm bị hao mòn hay đã trở thành lạc hậu thì người chủ phải quyết định bỏ đi nhưng lòng vẫn luyến tiếc không nở dứt bỏ và có thể là món đồ vật nầy sẽ được lưu giữ lại để trở thành một món đồ cổ đầy kỷ niệm được giữ lại cho hậu sinh trong gia tộc chiêm ngưỡng. Đánh giá về một con người là một tiến trình phức tạp, tế nhị và khúc mắc. Tại sao? Bởi vì con người cũng là một con vật, nhưng là một con vật có một khối óc biết suy nghĩ và một con tim đầy ấp tình cảm. Vì có con tim đầy tình cảm cho nên rất khó cho một con người nầy phê phán, đánh giá khách quan một con người khác bởi vì tình cảm con người bị quá nhiều yếu tố ngoại lai ảnh hưởng hoặc chi phối cho nên dễ rơi xuống gần với loài động vật tuy rằng có bộ óc nhưng chỉ biết hành động theo phản xạ chứ không biết suy nghĩ chính chắn khách quan hoặc bị cản trở không cho phép suy nghĩ theo đúng với lý trí của mình. Đánh giá một con người lịch sử lại càng khó hơn bởi vì con người lịch sử thông thường đã thuộc về quá khứ lâu đời, là một thành viên trong một bối cảnh lịch sử nào đó đã qua đi và từ xưa đến nay hầu hết các bối cảnh lịch sử thực tế đều do guồng máy thống trị đất nước mặc tình thao túng muốn thêu dệt, bẻ méo cách nào cũng được qua các văn kiện, tài liệu, sách vỡ, phương tiện truyền thông, chiến dịch đồn miệng truyền tai núp, lợi dụng lòng mê tín dị đoan của người dân chất phát ít học để thần thánh hóa một triều đại hay để quảng cáo cho một lãnh tụ, tất cả đều núp dưới mỹ từ lịch sử hoặc dã sử. Đầu óc địa phương, bè phái, mặc cảm tự tôn cũng là những yếu tố khiến cho việc đánh giá một con người lịch sử mất đi tính cách công tâm và khách quan. Dĩ nhiên là khi đánh giá một nhân vật lịch sử thì không thể nào tách nhân vật nầy ra khỏi bối cảnh lịch sử cụ thể thực sự vào thời đó - một bối cảnh lịch sử thực sự chứ không phải một bối cảnh bịa đặt- với những mối dây liên hệ trói buộc phức tạp trên mọi lãnh vực xã hội, văn hóa, gia đình, môi trường hoạt động và đường lối phát triển đất nước so với xu hướng phát triển chung của thế giới đang được bành trướng khắp nơi vào thời điểm đó. Từ xưa đến nay, dư luận đánh giá một nhân vật lịch sử thường có mục đích để tôn vinh hoặc để kết tội nhân vật lịch sử đó. Khi đánh giá tôn vinh thì tốt khoe xấu che, cái tốt của nhân vật được đề cập tới nhiều hơn và thường thì lại bày đặt thêm thắt, đánh bóng, thổi phòng để biến nhân vật nầy thành một ông thánh sống vô nhiễm mọi tội lỗi, thành một nhà hiền triết khôn ngoan sáng suốt đứng trên hết mọi người. Khi đánh giá kết tội thì xấu bêu tốt lờ mà mục tiêu của việc đánh giá bêu xấu là để che tội cho một kẻ khác, biến kẻ bị bêu xấu thành một con vật hy sinh tế thần. Nhiều khi người bị bêu xấu vô tội, cái tội của họ là do kẻ có tội thật sự vì muốn che dấu khuất lấp tội lỗi xấu xa của mình cho nên đã đổ hết tội lỗi lên đầu người khác. Nhiều khi người bị bêu xấu không có tội tình gì nhưng vì hoàn cảnh phải ở về cùng một phía của những kẻ bị xem là có tội cho nên phải chịu họa lây mặc dù kẻ đứng ra kết tội dư sức biết rõ người đó bị kết tội một cách bất công thay vì được nghiêm xét một cách vô tư và đáng được vinh danh. Lại cũng có những cung cách đánh giá tùy thời, gió chiều nào theo chiều đó. Kiểu đánh giá tiền hậu bất nhứt như thế sẽ khiến cho mọi người mất tin tưởng và dù sau nầy việc đánh giá có đúng sự thật một trăm phần trăm đi chăng nữa thì cũng chỉ giống như nước đổ đầu vịt bởi vì một lần bất tín thì vạn sự bất tin. Đối với những nhân vật lịch sử có thành tích lẫy lừng vang dội, thành tích tốt cũng như thành tích xấu, thì sự đánh giá có thể là dễ dàng nhưng cũng chưa chắc là khách quan vô tư đầy đủ nhưng không phải vì có nhiều đánh giá tiếp theo sau đó có cùng một quan điểm mà vội cho là đã nhất trí. Có những nhân vật lịch sử xuất hiện trong một bối cảnh phức tạp biến động, dẫy đầy thử thách và mâu thuẫn, xô đẩy nhân vật nầy vào con đường bế tắc không biết phải hành động thế nào cho phù hợp với lý trí đưa đến tình trạng thực hành những điều trái với lương tâm của mình. Đối với những nhân vật lịch sử nầy từ trước đến nay người ta thường chỉ đánh giá một chiều theo những chứng cớ che lắp, đầy dẫy hậu ý bất công và đây cũng là trường hợp của một số đông nếu không nói là hầu hết những nhân vật của miền Nam Việt Nam có tên trong lịch sử kể từ thời hoàng đế Gia Long đến nay mà trong số những nhân vật nầy, hoàng đế Gia Long và ông Phan Thanh Giản là những trường hợp điển hình hơn hết. Việc đánh giá và phê phán ông Phan Thanh Giản không phải chỉ xảy ra sau cái chết tự xử của ông vào năm 1867 mà nó đã xảy ra ngay trong lúc ông còn sinh tiền, đặc biệt là vào lúc thế lực thực dân thuộc địa từ phương Tây bắt đầu dòm ngó vào vùng đất hình cong chữ S của nước Đại Nam.