Chương 2
Dẫn nhập

NHỮNG NGUYÊN DO CHỦ YẾU TRONG CUỘC CHIẾN XÂM LĂNG CỦA NGƯỜI PHÁP VÀ SỰ THẤT BẠI CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN TRONG VIỆC CHỐNG NGOẠI XÂM ĐỂ GIỮ NƯỚC
Từ thế kỷ thứ XIX, một nước ĐẠI VƯƠNG QUỐC VIỆT NAM được hình thành khi triều đại họ Nguyễn được khai sáng, và hoàng đế Gia Long đã đặt nền móng để tạo dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia tiên tiến. Tất cả các cơ cấu trong guồng máy cai trị của hoàng đế đều được cải tổ và đã hoạt động tích cực để phát triển theo đà tiến bộ của nền văn minh và kỳ thuật thế giới. Luật lệ được đổi mới để thay thế cho các luật lệ già nua lỗi thời từ niên hiệu Hồng Đức dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông trong thế kỷ thứ XV. (Có dư luận cho rằng bộ luật Gia Long chỉ bắt chước theo bộ luật của nhà Thanh ở Trung Quốc thua xa bộ luật Hồng Đức. Nếu xét cho cùng, nền cổ luật từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và Hậu Lê, tất cả đều bắt chước theo các luật lệ của Trung Quốc. Có một điều ngạc nhiên là, khi sơ khởi thiết lập guồng máy hành chánh cai trị, Charner đã không dám đem áp dụng ngay luật lệ của nước Pháp tại các vùng đất của Đại Nam mà Pháp vừa mới chiếm được nhưng lại phải lục lạo tìm kiếm cho bằng được bộ luật Gia Long để phiên dịch ra tiếng Pháp và phổ biến ngay cho các chức quyền hành chánh của họ áp dụng kèm theo chỉ thị phải theo luật lệ và phong tục của người Đại Nam trong việc cai trị làng nước).
Những công trình như cầu cống, đường xá, sông ngòi, kênh rạch, đê đập, kho lẫm, bến cảng, thành trì, tất cả đều được thực hiện một cách quy mô liên tục, đạt được thành quả rất tốt và có giá trị lâu bền. Các định chế về tổ chức quân đội, giáo dục, tài chánh cũng được đổi mới. Chính người Pháp phải công nhận rằng nước Việt Nam dưới thời Gia Long đã tiến xa hơn nước Nhật Bản đến 60 năm và trở thành một trong những cường quốc quân sự trong vùng bán đảo Đông Dương. Chỉ người ngoại quốc Âu châu nào có năng lực mới được hoàng đế Gia Long tuyển chọn để phục vụ như những kẻ đi làm thuê trong các công trình canh tân xứ sở Việt Nam.
Năm 1817, khi tàu buôn đầu tiên của Pháp đến xin giao thương, hoàng đế Gia Long đã chấp thuận nhưng vẫn dành chủ quyền cho nước Việt Nam trong việc ấn định thể thức giao thương và quyền lựa chọn các mặt hàng hóa xuất nhập.
Chính sách đế quốc thuộc địa của người Anh ép đặt vào Singapore năm 1819 khiến cho hoàng đế Gia Long nghi ngờ và mất tin tưởng vào thiện ý của người ngoại quốc gốc Âu Châu, vì thế trước khi qua đời, năm 1820, hoàng đế Gia Long đã trối lại cho hoàng đế Minh Mạng nên đối xử tốt đẹp với người Âu Châu, đặc biệt là đối với người Pháp nhưng tuyệt đối không để họ tạo ảnh hưởng để xen lấn vào nội tình của nước Việt Nam. Đối với Minh Mạng thì lời trối của Gia Long còn chưa đủ bởi vì dưới triều đại Minh Mạng, chính sách bất hợp tác với ngoại bang Âu Châu được áp dụng một cách cứng rắn, triệt đễ và quay về với truyền thống vọng Trung Quốc của nước Việt Nam từ ngàn xưa. Thiệu Trị nối nghiệp, tiếp tục theo đường hướng cai trị của vua cha rồi nay đến Tự Đức cũng thế. Kế đến chiến tranh giữa người Anh và người Miến Điện xảy ra vào năm 1826 càng khiến cho những con cháu nối nghiệp của Gia Long thêm lo âu nghi ngại và họ càng hướng về mẫu mực văn hóa, đạo đức của Trung Quốc dùng làm kim chỉ Nam để giữ và xây dựng đất nước Đại Nam. Họ là những nhà cai trị giỏi nhưng Minh Mạng nổi bật, chỉ kém thua vua cha Gia Long mà thôi.
Quyền lực chính trị tập trung vào tay của hoàng đế ; không có một quyền lực trung gian; quan lại triều đình chỉ là công cụ thi hành quyền lực của hoàng đế. Tất cả người dân trong nước đều được coi như là bình đẳng, là tôi thần của vua, được thưởng hay chịu phạt ngang nhau theo một chế độ luật pháp duy nhất. Không có một ngạch quan quân sự riêng mà cũng không có sự phân cách giữa quyền lực quân sự và quyền lực hành chánh: quan đứng đầu cai trị một vùng lãnh thổ cũng là tư lệnh quân sự cao cấp tại vùng đó nhưng không phải vì thế mà được hưởng cấp bổng gắp đôi.
Quan lại được tuyển chọn trong các tầng lớp dân chúng lương thiện, không phân biệt nghèo giàu, qua các khoá thi định kỳ được tổ chức tại các tỉnh thành quan trọng và chỉ có một số ít thí sinh thật xuất sắc mới được chấm đỗ và ban cho ngạch trật quan lại tương ứng với thứ bật đỗ cao thấp của họ. Người ngoại quốc nào sau khi được tiếp xúc với các hàng quan lại Việt Nam đều đồng ý rằng họ là những người tài trí hiểu biết, có giáo dục, có kỹ luật và đức hạnh. Trước khi người Pháp xâm lăng, Việt Nam được xem như là một quốc gia có giáo giục qua các dụ chỉ giáo huấn của nhà vua ban ra. Nho học và đạo đức thánh hiền được phổ biến rộng rãi trong dân chúng bởi các cơ quan giáo dục của triều đình hoặc từ các quan chức đã về hưu mở trường dạy học. Nền giáo dục đó đã tạo ra một mối liên hệ đồng nhất gắn bó trong nếp nghĩ suy và hành động của tuyệt đại đa số tầng lớp người dân trong nước. Tầng lớp Nho sĩ, những người dân có học cao - những người "quân tử" - là tầng lớp chỉ đạo và vua, vì là con của Trời, thay Trời hành đạo để tạo phúc lợi cho nhân gian cho nên vua được xem như là người quân tử tối cao với quyền hành tuyệt đối vô giới hạn và không thể bị lầm lẫn. Người dân trong nước được xem như là con cái của vua. Là phận con cái cho nên mọi người dân trong nước đều phải lấy chữ trung hiếu làm đầu. Nếu vua lầm lẫn, ăn ở mất nhân đức thì chỉ có Trời biết để trừng phạt vua bằng các hình phạt tai ương, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, giặc giã đổ xuống trên đầu trên cổ "con cái" của vua. Nếu tai ương kéo dài khiến đa số dân chúng bị khổ đau triền miên thì vua đương nhiệm bị xem như là hôn quân, bạo chúa không đạo đức, sẽ dẫn đến các phong trào nổi dậy và bạo loạn trong nước.
Trong việc cai trị, các vua nhà Nguyễn lựa chọn những quan đại thần để làm cố vấn chính trị và an ninh trong một cơ quan gọi là viện Cơ Mật cùng với các cơ quan hành pháp và tư pháp trung ương, tất cả gộp lại để tạo thành một cơ quan quyền lực trung ương tối cao, tức triều đình Huế. Tất cả những chính sách và đường lối trong việc cai trị đều được vua hỏi ý kiến của triều đình nhưng quyền quyết định cuối cùng luôn luôn là của nhà vua.
Ở bậc thang cuối cùng của hình thức tổ chức quyền lực nước Đại Nam có một đơn vị hành chánh gọi là làng. Mặc dù ở vào một vị thế thấp nhất nhưng làng lại là một thế giới riêng biệt: phép vua thua lệ làng; mỗi làng có những tục lệ, phong tục, tập quán riêng biệt. Người dân ít khi chịu rời khỏi làng mình đang sinh sống để đi nơi khác bất kể làng của họ bé nhỏ hay rộng lớn.
Những nề nếp sinh hoạt trong làng như việc phân chia ruộng công, thực hiện các công trình nông nghiệp, tổ chức hành chánh, giải quyết các vụ tranh tụng nhỏ trong những mối liên hệ ràng buộc của những hộ khẩu trong làng, việc phòng giữ cảnh vệ làng xóm chống trộm cướp, tất cả những định chế đó đều được tổ chức một cách biệt lập không có sự can dự của những kẻ ngoại lai không có hộ khẩu trong làng. Dân làng chọn lựa những người có uy tín và nhũng người "sống lâu lên lão làng" để lập thành những ngôi thứ cho những người đứng đầu nắm quyền cai quản xóm làng. Nhân vật nắm giữ việc điều hành guồng máy hành chánh tự trị trong làng là lý trưởng do hội đồng đó chỉ định và tất cả những người nầy lập thành một tập thể hành chánh quản trị của làng. Nhà vua và các quan triều chỉ công nhận tập thể này như là những người đại diện tuyệt đối cho toàn thể cá nhân sống trong làng. Có thể nói rằng uy quyền của nhà vua và triều đình không thể lọt qua khỏi cổng làng bởi vì chính cái xã hội thu nhỏ nầy được hưởng một chính sách tự trị khá rộng rãi để tự mình tổ chức các cách thức giữ gìn an ninh và xây dựng làng mạc của mình với điều kiện là phải nộp thuế cho ngân khố của triều đình: triều đình ấn định mức thuế cho từng làng và mức thuế nầy sẽ do hội đồng quản trị của làng phân định cho mỗi người dân trong làng đóng nộp.
Mặc dù hoàng đế làm chủ đất nước nhưng trên thực tế ruộng vườn trong làng mặc nhiên xem như là được hoàng đế cấp phát cho người dân trong làng làm chủ vĩnh viễn, chính người dân trong làng mới chính là sở hữu chủ đích thực được hoàng đế và triều đình công nhận nếu chịu nộp thuế và thi hành những nghĩa vụ do triều đình yêu cầu. Luật Gia Long ghi: <<Các gia đình của mỗi châu, huyện chia nhau ruộng đất, lập sổ thuế và tất cả cùng nhau cai quản việc công sở tại>> (Nguyễn Văn Huyền, La Civilisation Annamite, [Văn Minh Việt Nam]; bản dịch; trang 564; Hà Nội; 1996). Có thể nói rằng làng là biểu hiện của một hình thức dân chủ sơ khởi của tổ chức hành chánh công quyền trong suốt tiến trình lịch sử xây dựng nước Việt Nam. Tính cách tự trị của ngôi làng đã làm nẩy nở một tình trạng tâm lý đặc biệt là người dân trong làng cảm thấy rằng quyền tự do cá nhân của mình hầu như tách rời khỏi quyền lực của các tổ chức cai trị thuộc chính quyền trung ương. Người dân Việt Nam ngày xưa thường rất hãnh diện và cảm thấy danh dự vì mình xuất phát từ một làng quê ở một tỉnh nhỏ bởi vì dưới mắt của mọi người khác họ không bị khinh thị là kẻ trôi sông lạc chợ, người tứ xứ. Làng không phải chỉ gồm có những người hiện cư trú ở đó mà bao gồm cả những người có gốc tích từ làng mà ra và vẫn được xem là dân làng mặc dù chỉ trở về làng một vài lần trong đời. Dân làng có thể sinh sống ở một vùng khác nhưng bao giờ ngôi làng cũ vẫn là "quê mẹ" của họ và vẫn tiếp tục nộp thuế thân ở làng, đóng góp vật chất hoặc tinh thần cho làng mặc dù họ không được hưởng những lợi lộc vật chất, con cái họ sinh ở nơi khác nhưng họ lại muốn đăng ký tên của đứa con ở làng cũ. Nhiều trường hợp người của một làng cũ cố gắng thu xếp một góc nhỏ ở làng để cất lên một gian nhà lá đơn sơ dùng làm nơi kê bàn thờ tổ tiên.
Có những làng đầu tiên được lập nên bởi một gia đình, người trong gia đình, cùng với sự trợ lực của một số người lao động đi theo, cật lực phá rừng, khai khẩn đất hoang và mở rộng đất đai rồi nếp sống tập thể lần lần được tổ chức theo hình thức những làng mạc khác. Khi số dân tăng, tập thể mới nầy có thể xin chính quyền trung ương cho phép lập thành một làng mới gọi là xin tách rời con dấu biệt triện. Có khi một người hoặc một nhóm người đứng ra xin được quyền làm chủ các đất đai bị bỏ hoang để lập thành một làng mới nhƯng phải cam kết đóng thuế ruộng đất cho chính quyền trung ương sau khi khai khẩn đất hoang đã được tiến hành mọt thời gian nhất định. Triều đình nhà Nguyễn khuyến khích những vụ khẩn hoang kiểu nầy để mở rộng phạm vi cày cấy cho đất nước. Người dân hoàn toàn tự do lựa chọn khai khẩn bất, lạp thành làng mạc bất cứ vùng đất hoang nào mà họ cho là tốt và sau đó chỉ cần báo trình với quan để trở thành sở hữu chủ.