Chuyện xảy ra từ bốn trăm chín mươi hai năm trước dương lịch, bấy giờ thuộc gần cuối thời Xuân Thu, Châu Kính Vương năm thứ hai mươi tám, ở thành Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Bấy giờ, Tô Châu là Đô ấp (thủ đô của Ngô quốc). Sáng tinh sương, hoa tuyết bay bay... Cô Tô đài chìm trong làn tuyết trắng, hùng vĩ, trang nghiêm, không một chút bụi trần. Chuông sáng vang rền, một đội kỵ mã gồm mười hai người ngựa đạp gió tuyết buổi tinh sương, xông vào qung trường phía trước mặt Cô Tô đài. Dấu chân ngựa dẫm trên mặt tuyết phát ra âm thanh rào rạo. Một ngày của Ngô quốc bắt đầu theo tiếng tù và. Phía Tây Cô Tô đài, giáp một vùng đất trống, có chuồng ngựa của Ngô vương. Trong thành Cô Tô, Ngô vương Phù Sai có bốn chuồng ngựa, chuồng ngựa này nhỏ nhất trong bốn. Trong chuồng chỉ nuôi có bốn con ngựa cái đúng huyết thống nhưng không thuần. Nhưng chuồng ngựa nhỏ ấy rất nổi danh, bởi vì người săn sóc ngựa là vua của một nước: Việt vương Câu Tiễn, một tù nhân được nuôi ở kinh thành kể từ nhà Ngô bắt đầu lập quốc đến giờ. Tiếng chuông, tiếng tù và làm cho tên tù nhân giữ ngựa ở trong nhà đá choàng tỉnh. Tên tù vươn tay ra khỏi mền bông, rút người, sau đó mới chui đầu ra gọi vợ. Một bên nửa giường trống không. Quân phu nhân của Việt quốc đã dậy trước rồi. - Thiếu Bá. - Việt vương Câu Tiễn lại quay sang gọi bồi thần Phạm Lãi. Một thanh niên rắn chắc choàng áo da dê ngắn, trang trọng bước vào trước giường hành lễ với vị quân vương vong quốc. - Thiếu Bá. Trời xuống tuyết rồi, phải không? Hỏi không chờ đáp, Câu Tiễn nói luôn: - Ta đoán không sai, xem khí trời chiều qua thì chắc chắn hôm nay có tuyết! - Bẩm phải, Quân vương! Từ sau nửa đêm, trời đã đổ tuyết lớn. Bấy giờ quân phu nhân vẫn còn thức đi xem ngựa. Câu Tiễn ngồi dậy, mặc choàng liền áo da dê ngắn: - Bây giờ, nàng đang làm gì? - Thưa, quân phu nhân đang nướng bánh, hạ thần chải ngựa. - Kìa, hôm nay phải chải ngựa à? Sao lại có việc đó? - Thưa, nghe nói hôm nay là ngày giỗ của Tần Bá, Ngô vương có thể đi tế tổ tông. Tuy không chắc Ngô vương sẽ dùng ngựa ở chuồng này song chúng ta không thể không chuẩn bị! - Ngày giỗ của Tần Bá, tầm bậy...! (Tần Bá là con trai lớn của Châu Thái vương, anh cả của Châu Văn vương. Tổ tiên của vương tộc Ngô quốc vốn là người thuộc vùng Trung Nguyên, chạy sang đất khách. Sau khi thành công, họ mạo nhận một người có lịch sử huy hoàng làm tổ tông nên mặc dầu bị cầm tù, mỗi lần nghe nhắc đến tổ tiên của nhà Ngô, Câu Tiễn đều cười nhạt). Phạm Lãi khom mình, nhỏ giọng: - Quân vương! Ngày này năm trước, Ngô vương muốn đại vương tham gia tế lễ. Câu Tiễn nghiến răng rồi bỗng vung tay, nói giọng hậm hực: - Sẽ có một hôm, trẫm sẽ quật ngã xã tắc nhà Ngô. - Quân vương... Phạm Lãi dùng ngữ điệu ra ý ngầm và khẩn cầu nhà vua bình tĩnh lại. Ba năm qua, mỗi lần Việt vương tỏ ý phẫn nộ, Phạm Lãi trẻ trung đều dùng cách hòa hoãn ấy để khuyên ngăn. Và mỗi lần như thế, Việt vương đều nghĩ lại thân phận mình, bước xuống giường, đi vào chuồng ngựa súc miệng. Phạm Lãi tiếp tục dùng bàn chải chải lông ngựa. Lại còn thoa lên mình ngựa một lớp dầu mỏng để cho lông mát và mướt. Đó là cách nuôi ngựa của nhà Ngô học từ người nước Tấn ở phương Bắc. Quân phu nhân đã nướng xong hai mươi cái bánh, đưa đến trước mặt chồng. Bà giữ riêng cho mình vài chiếc, phần chồng ăn dư thì bà đem trao cho Phạm Lãi. - Quân phu nhân! Phạm Lãi đặt bàn chải xuống, cẩn thận hành lễ. Chàng nhận bánh, đưa cao ngang trán rồi để xuống, đợi sau khi Việt vương phu nhân đi khuất, chàng mới giở bánh ra ăn. Tuyết vẫn rơi, nhưng đống tuyết ngùn ngụt trên bệ đá Cô Tô đài đã được quét đi sạch nhẵn. Từ chuồng ngựa nhìn sang có thể bắt gặp ba bốn mươi người đang làm việc. Quân phu nhân của Việt quốc mạnh khỏe, chất phác dường như là một đóa hoa nở trên băng tuyết. Cho dầu bốn bên buốt giá, phu nhân vẫn bình thản, dường như sống để tạo nên ảcm giác vui tươi cho người khác và người thân. Bây giờ, bà nhỏ nhẹ ăn bánh, đối với bữa ăn sáng đạm bạc như thế, bà vẫn tỏ ra khá thích thú. Phạm Lãi nhìn phu nhân, bỗng nhiên nẩy sinh huyền tưởng, ngừng tay chải ngựa. Chàng nhớ lại lúc đến nước Việt lần đầu tiên, quân phu nhân trong ngày hôn lễ thật tươi tắn, rực rỡ. Bây giờ, gần ba năm sống trong cuộc sống bị cầm tù, bà thay đổi nhiều. Bà vẫn giữ được nét đẹp song cảm giác về sự nõn nà của một thiếu phụ thì không còn nữa. Ba năm tù đày khiến bà rất thâm trầm và cũng rất chí thành. Tiếng roi ngựa vụt ngăn dòng tư tưởng của Phạm Lãi, chàng vội vàng tiếp tục chải ngựa. Việt vương bước tới, trong tay cũng cầm bàn chải. Phạm Lãi có ý ngăn, tâu: - Quân vương, một mình hạ thần có thể chải xong. - Thiếu Bá! Chúng ta cứ làm chung. (Câu Tiễn đáp giọng ôn hòa và có phần xúc động nói tiếp). Ba năm qua, trẫm đã làm mệt khanh lắm rồi. Theo lẽ, trẫm không nên chọn khanh theo làm bồi thần chịu khổ. Nhưng nếu không có khanh thì trẫm đã chết! - Hạ thần là nô lệ của quân vương. Phục vụ đại vương và quân phu nhân là bổn phận của hạ thần. - Đừng nói thế. Câu Tiễn vừa chải ngựa vừa tiếp: - Trong cơn hoạn nạn mới thấy lòng người, chúng ta là anh em chung chia hoạn nạn. Thiếu Bá! Khanh thật khó kiếm trong tất cả người Việt, sau này, nếu có một ngày trẫm trở về nước, trẫm sẽ chia cho khanh phân nửa giang sơn. Thiếu Bá!... (Nhà vua long lanh nước mắt). Ba năm rồi, nếu không có khanh, vợ chồng trẫm đã chết đi mấy kiếp. - Đại vương, xin hãy xem Phạm Lãi như nô thần. Thực tế thì nô thần đã là con dân nước Việt. Tuy nô thần sinh ở nước Sở nhưng tổ tiên đời trước thì ở Gia Lãm đó! Ba năm qua, Phạm Lãi đã mấy phen giải thích vấn đề quốc tịch của chàng nhưng Việt vương vẫn thích nhắc đến, có lẽ nhà vua không một chút ái ngại về chuyện Phạm Lãi không phải là người Việt. Song cứ mỗi lần nghe nhắc, Phạm Lãi có cảm giác bị đặt ra vòng xa lạ. Bởi người nước khác thì không thể làm bồi thần cho nhà vua trong khi Phạm Lãi là người thân nhất của Việt vương. Vì vậy, chàng luôn cố chứng minh chàng thuộc gốc nước Việt. Câu Tiễn chải mạnh mấy cái, cười hiền hòa: - Khanh đã nói rồi. Văn Chủng cũng đã nói rồi... Đúng vậy, bất luận thế nào, bây giờ hai khanh cũng là người Việt, chịu khổ cái khổ của người Việt! Lúc vua tôi nói chuyện, có hai người thư thả đạp tuyết đi đến chuồng ngựa. Quân phu nhân thấy trước, từ một bên nhà đá làm dấu ra hiệu với chồng. Câu Tiễn ngưng nói, lặng lẽ chải ngựa. Hai người vừa đến là thị vệ trên Cô Tô đài. Họ đến truyền lệnh cho hai vợ chồng Việt vương phải theo tế lễ tổ tông nhà Ngô. Việc ấy thật tàn khốc! Dự lễ tổ của người ngoài, lại phải cúi lạy tổ tiên của người ngoài mới khó khăn làm sao! Nhưng, một người đã làm thân tù tội thì làm sao có thể từ chối. Vì vậy, Câu Tiễn đã phải trang nghiêm và cung kính vâng lệnh. - Xin nhị vị đến ngoài Tượng đường chờ đợi. Quân vương ắt đã xuất phát rồi. Câu Tiễn gật đầu, đợi hai tên thị vệ đi khuất mới cắn răng hỏi Phạm Lãi: - Đến bao giờ mới hết nhục đây? - Xin đại vương nhẫn nhịn! Biết nỗi khổ của nhà vua, Phạm Lãi ém tiếng nói nhỏ: - Theo tin từ phủ Thái tể thì ngày vẫy vùng của chúng ta sắp đến. Đại vương, đặc biệt hôm nay lại thấy có nhiều thuận lợi... Theo hạ thần thấy thì trước khi phóng thích đại vương, Ngô vương có thể thử lòng bằng đôi phen làm nhục. - Trẫm biết, trẫm đã chịu đựng ba năm, sẽ không xốc nổi tạo cớ cho họ gièm pha đâu! Câu Tiễn quay sang bảo phu nhân: - Lấy áo cho ta! Quân phu nhân đã chuẩn bị xong, giũ áo trường bào bằng vải gai, lặng lẽ choàng cho chồng. Phạm Lãi đem lại đôi hia, định thay cho nhà vua. Nhưng Câu Tiễn ngăn lại, chí thành nói: - Khanh tốt quá, để tự trẫm mang lấy! Chẳng bao lâu quân vương và quân phu nhân của nước Việt đi trên đất tuyết đến ngoài Xá tượng đường chờ. Phạm Lãi nhìn theo bóng cả hai, có cảm giác mất mát miên man. Chàng trầm ngâm, vì chính mình suy ngẫm... biết bao vấn đề xoay chuyển ý niệm của chàng. - Cả hai vì quốc gia, kỳ vọng ở tương lai nên ngậm đắng nuốt cay nhịn nhục. Còn ta, tại sao phải thế này? Ta người nước Sở chứ có phải là con dân nước Việt đâu! Từ dòng suy ngẫm đó, Phạm Lãi nhớ đến chuyện hồi năm năm trước. Trước đây năm năm, Phạm Lãi cùng bạn là Văn Chủng từ Sở đặt chân vào đất Việt giúp Việt vương tấn công Ngô để giảm bớt áp lực của nước Ngô đối với nước Sở. Văn Chủng phụng mạng Sở vưng mà hành sự. Còn chàng, do Văn Chủng tuyển chọn theo tiếp giúp. Bấy giờ, chàng là một thiếu niên, tự nhận gốc gác ở Gia Lãm là vì chàng có tài về mặt quân sự. Văn Chủng đã nhìn thấy và kỳ vọng chàng sẽ làm nên đại tướng. Lúc ở Sở, chàng không có mấy cơ hội phát triển tài năng. Nhưng lúc sang Việt, chẳng bao lâu, chàng được Việt vương tín nhiệm. Chẳng bao lâu, chàng được cất lên hàng quan trọng trong binh đội nước Việt tuy chàng không nghĩ đến chuyện sẽ ở lâu trên đất nước người. Về sau, sự tình lại phát triển ngoài ý liệu của chàng. Sau Ngũ Tử Tư đem binh đội công Sở điều động sang phía Đông làm cho Việt quốc đại bại. Câu Tiễn bị vây ở Hội Kê sn (nhiều người đọc là “Cối Kê”) phải lập minh thề đầu hàng và trở thành tù nhân của Ngô cung. Phần chàng, hy vọng trở về nước bị cắt đứt, rốt cuộc lại trở thành bồi thần cho một vị vua nước khác! Phạm Lãi tự hỏi: - Thế này thì có giá trị gì không? - Nước Việt sau trận chiến đã bị tàn phá hết, từ rày về sau biết có còn lực lượng đối phó với Ngô để làm giảm áp lực cho nước Sở không? Nếu không được thế thì sự khổ sở chàng riêng mang có ý nghĩa gì? Bất luận thế nào, việc đến như ngày nay thì chàng có muốn dừng lại cũng không được. Năm năm qua, Phạm Lãi đã cùng Việt vương lập mối hữu nghị quân thần. Sau khi sang Ngô, nằm trong chuồng ngựa, bề ngoài là danh phận chúa tôi nhưng thực tế, cả hai như huynh đệ. Trong hiểm nguy, đối với vì vua như bạn, hơn nữa, như anh em ruột thịt thì chung chia hoạn nạn không có gì đáng nói. Nhưng rồi, chàng tự hỏi: - Không lẽ cả đời ta lại để chôn vùi nơi đất khách sao? Phạm Lãi nghĩ ngợi, vung nắm tay đập mạnh vào cột nhà. Chuồng ngựa rung chuyển, một con ngựa ở gần chàng ngẩng đầu lên, cất tiếng hí dài. Phạm Lãi quay lại, vỗ đầu ngựa vài cái. Bấy giờ, chàng chợt bắt gặp một con ngựa đạp tuyết đi lần tới. Liền đó, chàng nhìn được rõ hơn người cưỡi ngựa: tướng quốc của nhà Ngô, Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư là người Sở nhưng vì thù cha mà làm phản và xa rời Tổ quốc. Không phải chỉ bấy nhiêu, Ngũ Tử Tư còn mượn binh nhà Ngô công phá kinh thành nước Sở, quật mồ Sở vương đời trước, dùng roi đánh thây đúng lời thề nguyện trả thù. Ngũ Tử Tư bất trung với nước nhưng được dân chúng Sở tha thứ. Bởi vì tài trí và nghị lực của Ngũ Tử Tư hơn hẳn người đời, bị dồn đến mức phải lìa bỏ và phản lại quê hương chứ không phải tự lòng muốn thế. Huống chi chạy sang Ngô quốc, Ngũ Tử Tư đã trở thành người nước Ngô rồi. Ngũ Tử Tư giúp cho đời vua Ngô trước nước giàu binh mạnh, mở mang bờ cõi, tranh bá ở Trung Nguyên. Còn thêm điều trọng yếu này: Vua Ngô qua đời, chính Ngũ Tử Tư ủng hộ Phù Sai lên ngôi trị vì Ngô quốc. Ba mươi năm qua, Ngũ Tử Tư trở thành trọng thần của nhà Ngô, một nguyên lão trọng thần khai sáng cơ nghiệp. Tuy chỉ mới năm mươi tuổi, tóc Ngũ Tử Tư trắng xóa, chứng minh cả đời ưu tư, lao khổ, cũng chứng minh công lao vô hạn đối với nhà Ngô. Ba mươi năm qua, Ngũ Tử Tư đã thuần thành người dân nước Ngô. Duy có đôi khi ở vào những tiếng cuối câu, người nghe có thể nhận ra Ngũ Tử Tư là người nước Sở. Phạm Lãi thù hận người đồng bào này, đồng thời cũng rất kính phục. Mỗi lần nhìn thấy Tử Tư, Phạm Lãi có cảm giác không lạnh mà run... Tia mắt sáng quắc của Ngũ Tử Tư bắn ra dường như soi thủng tâm can người bị nhìn, khiến cho bao nhiêu quỷ kế, âm mưu không nơi giấu đút. Mà Phạm Lãi thì đang hoạch định kế sách ở Ngô cung... Chớp mắt, Ngũ Tử Tư đã gò cương trước chuồng ngựa. Phạm Lãi thận trọng bước ra hành lễ: - Kính chào Tướng gia! Liếc qua nhà đá, Ngũ Tử Tư hỏi cách hiểm hóc: - Vua của ngươi đâu? - Thưa, tệ quân đã đến Tượng đường tham gia lễ tế Tần Bá. - Hừ! Ngũ Tử Tư cười nhạt nói thêm - Tần Bá là tổ tiên của nhà Ngô đấy! - Tệ quân là nô thần của Ngô vương, lẽ ra phải tham gia cúng tế. Phạm Lãi cẩn thận giữ phận tù tội, không dám trả miếng sự nhạo báng của Ngũ Tử Tư. Tử Tư bỗng hỏi: - Thế còn ngươi? Thân, tâm Phạm Lãi chấn động. Mấy tiếng ngắn ngủi ấy chứa đựng nội dung quá phức tạp khiến chàng cúi gầm, không dám trả lời liền.. Tử Tư nhìn dán vào Phạm Lãi, hỏi dồn: - Ngươi nghĩ sao? Người nước Sở tại sao đi làm bồi thần cho vua Việt? - Bẩm Tướng gia!... (Phạm Lãi bỗng lấy lại bình tĩnh, thư thả đáp) Phạm Lãi này đã là người Việt như tướng gia đã trở thành người Ngô. Ngũ Tử Tư nhếch cười, trở nhẹ mình. - Ngươi không thể đem so với ta được. Việc của ta, thiên hạ đều biết. Chớ như ngươi, tài cán như vậy, tự mình không phát triển được ở quốc gia sao mà đi làm bồi thần cho nước người? Ngũ Tử Tư dừng lại một thoáng, nghiêm giọng hơn: - Phạm Thiếu Bá! Tử Tư chỉ gọi danh tự của Phạm Lãi rồi không nói gì thêm. Phạm Lãi khiếp hãi song vẫn cố giữ bình tĩnh: - Tướng gia!... Tệ tướng cảm thấy thích hợp ở nước Việt... Tử Tư vốn muốn nói điều gì nhưng sau lúc ngừng lại làm cho người đổi ý. Nghe Phạm Lãi đáp, Tử Tư thở dài, dường như nói với chính mình: - Ôi, nước Sở thật bất hạnh! Những nhân tài đội trời đạp đất đều từ của nước Sở ra thi thố ở nước người. Nếu biết giữ lại, trao cho địa vị thích hợp thì từ ta đến ngươi, trải hai thời đại, nước Sở đã độc bá Trung Nguyên rồi. Tề Hoàn Công chỉ truyền một đời rồi dứt, chớ nếu như sau ta có ngươi thì ít nhất Sở quốc cũng truyền được hai đời. Tử Tư nói với chính mình nhưng Phạm Lãi run sợ tận đáy lòng... Tướng quốc Ngũ Tử Tư danh rền thiên hạ lại đem Phạm Lãi đặt ngồi chung chiếu trong khi chàng chỉ là một bồi thần chưa mãn hạn tù đày! Chàng từng hy vọng được trở thành nhân vật thuộc hàng đệ nhất như Ngũ Tử Tư, đồng thời tự tin lắm! Nhưng đó chỉ là ý muốn, không ngờ tướng quốc của nhà Ngô lại coi trọng chàng như vậy. Chàng vừa mừng vừa sợ, run rẩy đáp: - Tệ tướng không dám nhận đem so sánh với Tướng gia! Tướng gia là người cả thiên hạ khâm phục và chiêm ngưỡng. - Đó chỉ là vấn đề cơ duyên và thời gian thôi. Tử Tư thở dài nói tiếp: - Thiếu Bá, ta để ý đến ngươi gần ba năm rồi. Ta vốn định giữ ngươi ở bên mình ta nhưng ta cũng biết là không thể được. - Tướng gia! Dưới bóng của Ngô vương, tệ tướng... Tử Tư khoát tay ngăn liền: - Đừng nói những lời thừa đó! Ta đã từng thổi tiêu xin ăn ở thành Cô Tô. Ta biết cách dụng tâm cầu sự bảo mạng. Phạm Lãi lại rung động. Mấy tiếng “dụng tâm cầu an bảo mạng” như ngọn giáo đâm vào ngực chàng. Chàng thầm nghĩ: Thế thì ba năm nhục nhằn của ta đến hôm nay là phủi sạch chăng? Ngũ Tử Tư cao giọng: - Nếu không có mưu đồ thì cần gì cầu an bảo mạng như vậy? - Bẩm Tướng gia, tệ quân thành thật cảm đội ân tha giết của Ngô vương nên có lời nguyền suốt đời đáp ân chớ không phải cầu an bảo mạng. Ngồi trên lưng ngựa, Ngũ Tử Tư bỗng bật cười khan sau đó mới nói, giọng sắc lẻm: - Ta chủ trương xử tử Câu Tiễn! Phạm Lãi đã biết chuyện ấy từ lâu, song không ngờ Ngũ Tử Tư lại đi nói thẳng với mình, khiến chàng không biết đáp sao cho phải. - Còn ngươi... (Tử Tư chỉ thẳng Phạm Lãi). Nếu không có ngươi, Câu Tiễn sống một mình thật không có gì đáng ngại. Nhưng ta lại không đành giết ngươi. Trời xanh đào tạo được một nhân tài thật không phải dễ. Ôi!... Ngũ Tử Tư lại trở mình lần nữa, dường như cảm thấy mình nói quá nhiều với bồi thần của nước ngoài. Phần Phạm Lãi thì cảm thấy tình thế mỗi lúc một thêm nghiêm trọng. Không đoán được dụng ý của Ngũ Tử Tư nhưng đến lúc nguy hiểm, chàng có ý thức phản kháng: - Tướng gia! Tệ thần không có cách nào hiểu rõ lời nói của Tướng gia. May thay, lúc ấy, tiếng chuông trên đài Cô Tô vang rền. Đưa mắt nhìn xa bắt gặp từ trên đài cao, thị vệ và nội cung sắp thành hàng đi lần xuống, chứng minh Ngô vương sắp khởi hành đi cúng tế. Ngũ Tử Tư liếc mắt về Cô Tô đài, đoạn quay nhìn Phạm Lãi, trang nghiêm nói: - Bây giờ ngươi chưa hiểu được, nhưng ta muốn nói cho ngươi biết... (Tử Tư vung nhẹ roi ngựa). Sau khi ngươi về, phải cẩn thận việc binh nhung. Ta mà còn sống ngày nào thì ngươi không thể lơi lỏng, thiếu chuẩn bị ngày ấy.. Phạm Lãi ngạc nhiên quá đỗi. “Sau khi ngưi về”, mấy tiếng bất ngờ được thốt ra làm cho Phạm Lãi thầm nghĩ: “Có tin phóng thích rồi chăng?”. Nghĩ là nghĩ vậy song chàng không dám hỏi thêm. - Ta phải đi rồi, tuy tổ tiên ta không phải là Ngô Tần Bá nhưng nước Ngô này là quốc gia của ta, của con cháu ta. Ngũ Tử Tư lẩm bẩm rồi thúc ngựa trở lại Cô Tô đài. Phạm Lãi hậm hực nhìn theo bóng người cao lớn của Ngũ Tử Tư, nhìn xuống dấu chân ngựa in trên mặt tuyết, nghĩ ngợi miên man. Ngũ Tử Tư đã tiết lộ tin tức: chàng và Việt vương có thể trở về Việt quốc. Nhưng cũng từ miệng Ngũ Tử Tư thì vị tướng quốc ấy không mảy may tin chúa tôi chàng. Bây giờ, bất cứ một chút biến đổi nào đều có thể đem chôn Việt vương, khiến chàng đâm lo đến phát run. Phạm Lãi còn nghĩ đến lời Ngũ Tử Tư nói về nhân tài nước Sở. Ngoài Ngũ Tử Tư và chàng chia ở hai nước Ngô - Việt, bên Việt còn có Văn Chủng, bên Ngô có thái tể Bá Hi cũng là người Sở... ở mỗi nước Ngô - Việt đều có một vị vua nhưng triều chính thuộc về người Sở cả! Nhân tài nước Sở không được nước Sở tin dùng là nghĩa làm sao? Lại có tiếng chuông, tiếp theo là tiếng phèng la. Ngô vương Phù Sai đã rời Cô Tô đài hùng vĩ, đến tế tổ tiên. Phạm Lãi nhìn đội ngũ đi xa trên tuyết liền lấy bút sắt khắc lên ống trúc. Đó là một trong những việc làm hàng ngày của chàng, chàng viết nhật ký suốt thời gian bị cầm tù. Phạm Lãi chỉ ghi tóm tắt sự việc chứ không thể ghi chép bất cứ ý tưởng hay lời bàn luận nào, e lỡ ra bị phát giác có thể sinh phiền. Chàng cẩn thận từng li từng tí để sống qua ngày. Vợ chồng Việt vương sống đến ngày nay cũng là nhờ cẩn thận. Tiếng chiêng xa dần, loãng tan trong hoa tuyết. Bốn bên vắng lặng, Phạm Lãi cho thêm than vào lò, nấu nước, chuẩn bị cho vợ chồng quân vương về dùng. Nhưng Phạm Lãi chờ đến xế chiều, Ngô vương đã trở về Cô Tô đài mà vẫn chưa thấy bóng vợ chồng Việt vương. Ba năm qua chưa từng có chuyện như vậy. Nhớ lại lời Ngũ Tử Tư, chàng linh tính có chuyện chẳng lành. Quét mắt khắp chuồng ngựa, mắt chàng dừng lại nơi đôi móng ngựa. Ba năm rồi chàng không cầm đến võ khí, vì tù nhân không được phép dùng võ khí. Hàng ngày, chàng dùng một đoạn gậy ngắn giả làm kiếm để múa máy. Ngoài ra, chàng còn lựa một cặp móng ngựa hình nửa vành trăng và đã có lần dùng nó đánh chết một con sói hung hãn xông vào. Giờ, chàng nhìn móng ngựa, có ý muốn giấu nó đem theo làm võ khí lúc đi trốn. Phạm Lãi không nghĩ vợ chồng Việt vương sẽ chết và nếu xảy ra trường hợp ấy, chàng sẽ đào thoát cách nào? Bây giờ chàng có ý nghĩ trốn đi song không chuẩn bị liền. Chàng linh cảm có hiểm nguy song không tin lòng Ngô vương vốn từ thiện lại có thể chặt đầu Việt vương ngày tế Tổ. Nếu có lòng muốn giết thì Ngô vương đã xuống tay lâu rồi. Phạm Lãi nhìn dán vào Cô Tô đài bên kia đường lớn vắng vẻ. Nhân ngày tế lễ, binh sĩ được nghỉ ngơi, không phải xuất động đi đâu. Vào ngày đổ tuyết trời tối rất mau, chẳng bao lâu trời đã ngả hoàng hôn. Phạm Lãi nhìn xuống quảng trường phía dưới Cô Tô đài, hai mươi chiến xa tổ chức thành đội ngũ lù lù lăn bánh trên tuyết hướng về Bắc. Tiếp theo, một đội bộ binh ở phía chính điện Cô Tô đài xuất hiện, chạy vòng quảng trường rồi đi ngang hướng Bắc. Lòng bàn tay toát mồ hôi, Phạm Lãi nhìn sắc trời dần tối lẩm bẩm: - Xem ra thì lành ít dữ nhiều rồi! Một đàn quạ bay lướt tầng không trên chuồng ngựa, buông tiếng kêu chiều thê thiết!... Trên Cô Tô đài, đèn đã thắp sáng. Phạm Lãi cũng đốt đèn, vội vã đi cho ngựa ăn, quan sát kỹ bốn con ngựa, dự định chọn con tốt nhất. Có thể, ngay đêm nay, chàng cưỡi ngựa chạy trốn. Lúc chàng trở lại với ý nghĩ đào thoát thì vợ chồng Việt vương quay về. Dưới ánh đèn gió lay lắt, chàng bắt gặp trên mặt Việt vương nét nặng nề đáng sợ. Phạm Lãi run rẩy, quỳ trước Câu Tiễn gọi: - Đại vương! - Thiếu Bá! (Câu Tiễn đỡ tay Phạm Lãi nhận thấy tay chàng run run thì nhếch cười buồn) Khanh cho rằng vợ chồng trẫm gặp điều bất trắc? Phạm Lãi nghẹn ngào: - Đại vương! Nô thần treo gan cả ngày nay, trọn một ngày! - Thiếu Bá, việc hôm nay thật lấy làm kỳ. Ngô vương muốn lưu trẫm ở mãi trong lăng miếu, vợ chồng ta buộc phải ở lại đến bây giờ. Phạm Lãi sáng mắt: - Quân vương! Có thể Ngô vương muốn phóng thích Quân vương trở về nước! - Sao? (Câu Tiễn chụp tay Phạm Lãi, lắc mạnh) Khanh bảo sao? Trở về nước à? Khanh nói... Mấy tiếng “trở về” kích thích làm Câu Tiễn có thái độ thất thường, Phạm Lãi bình tĩnh nhắc nhở: - Xin Quân vương điềm tĩnh hơn một chút. Câu Tiễn thở phào, lỏng tay. Quân phu nhân chen vào: - Có một tế sư bên cạnh vợ chồng ta. Ta và Câu Tiễn quỳ suốt hai giờ! - Ơ, Quân phu nhân, thế thì chúng ta sắp được về nước rồi. Vị tế sư ấy, theo chỗ thần biết là người rất tốt đối với thái tể Bá Hi. Muốn phóng thích Quân vương, Ngô vương cần bói toán, cầu xin ý kiến quỷ thần! Câu Tiễn tròn xoe mắt, Phạm Lãi thuật lại những lời của Ngũ Tử Tư đến nói trước chuồng ngựa. Khả năng trở về nước nhiều hơn song Câu Tiễn chợt thấy buồn. Nhà vua nhìn vợ, đoạn quay nhìn Phạm Lãi rồi bỗng nhiên sa nước mắt. Quân phu nhân bước đến bên chồng, ôn tồn gọi: - Câu Tiễn! - Ba năm rồi!... Nước mắt nhà vua chảy dài. - Câu Tiễn, điềm tĩnh hơn! - Ơ... ờ... (Câu Tiễn cầm siết tay vợ) A Tu! Ta nhớ lúc mới đến nơi này có một người... đánh khanh... làm nhục khanh... - Câu Tiễn! Quân phu nhân cắn môi. Chuyện ngày qua làm cho bà đau khổ song vẫn phải nhận chịu. Một tù nhân bị làm nhục, bị đánh đập không phải là chuyện thường sao? Câu Tiễn nghiến răng: - Đó là một tên hạ tiện, một tên vệ sĩ trong cung mà dám đánh nàng... Đáng hận, đáng hận lắm! - Nhưng Thiếu Bá cũng đã giết chết người ấy rồi, chúng ta đừng nói đến chuyện ấy nữa. Chuyện xảy ra lúc cả ba mới là tù nhân cung Ngô, một tên vệ sĩ nhìn thấy Việt quốc quân phu nhân thì động tà tâm. Lẽ tự nhiên bà không thuận lòng nên bị hắn đánh đập nặng. Sau đó, hắn còn vu oan chuyện này chuyện kia để trách phạt. Phạm Lãi ghi mối hận ấy, mười ngày sau chàng dùng hai tay bóp cổ tên ấy chết trong đêm. - A tu!... Câu Tiễn lắc đầu, thở dài. Đêm xuống trầm trầm. Cái tin có thể được trả tự do làm cho c ba chạnh nhớ đến các chuyện thương tâm ngày cũ, lòng trầm nặng. Bây giờ, một đội chiến xa có nhiệm vụ canh đêm đang đi lần về hướng chuồng ngựa. Câu Tiễn nghe động, thoắt thở dài thất vọng: - Ngô quốc tổ chức nghiêm mật quá! - Thưa, đó là Ngũ Tử Tư! (Phạm Lãi nghiêm giọng nói luôn) Ngũ Tử Tư là một nhân kiệt! - Đợi khi lão ấy bị lật... Đợi khi lão ấy chết rồi. Chúng ta mới có hy vọng. Lão... sắp đến sáu mươi rồi phải không? - Bẩm, chỉ cần được trở về, chúng ta sẽ có cách làm cho lão chết sớm! - Thiếu Bá! Hai mắt Câu Tiễn sáng lên dường như được câu nói kia ban cho hy vọng. Đêm vào khuya, trên Cô Tô đài vẫn còn vẳng đưa tiếng nhạc. Tuỳ ngọn giớ đưa, người ở trong chuồng ngựa có thể nghe được rõ ràng. Quân phu nhân nói: - Phù Sai dần dần tham hưởng lạc rồi. - Có Ngũ Tử Tư thì Người cũng nên hưởng lạc! - Ngũ Tử Tư!... Quân phu nhân thốt lên ba tiếng ấy với đầy rẫy kính phục và lo sợ, cũng lại đầy oán ghét và hận thù. Phạm Lãi nghĩ đến những lời Tướng quốc đã nói ban sáng, cũng bất giác kêu lên: - Ngũ Tử Tư!... Qua hai ngày tuyết giá, một sáng mùa xuân, cây cỏ Giang Nam xanh biếc. Trên sông Tiền Đường, mười hai chiếc thuyền gióng trống vang vang từ từ lướt đến bờ phía Nam. Một thuyền lầu của Thái sư đi trước nhất, các tay chèo dần dần tăng tốc độ. Nhưng khách quý trên thuyền ấy lại có phần hoang mang, mong sao nhìn được bến bờ. Đồng thời, với lòng thẹn thùng đến kinh khiếp, Người mong cho thuyền đi chậm lại để kéo dài thời gian Người gặp lại giang sơn cố quốc. Người ấy là vua nước Việt. Ngày sau của hôm dự lễ cúng tế Tần Bá, Việt vương được Ngô vương ban lệnh phóng thích, song còn ở lại Cô Tô thêm nửa tháng mới được đưa về đất nước mình. Bây giờ, cố quốc đã nhìn thấy rồi nhưng Việt vương ngồi ẩn trong thuyền cúi gầm, không dám nhìn cố quốc. Bỗng nhiên tiếng trống vang dậy, một trong mười hai chiến thuyền phía sau bỗng lướt nhanh tới trước. Vương Tôn Lạc, quan đại phu của nước Ngô đứng trên đầu thuyền nói lớn: - Việt vương tôn trọng! Thuyền đã đến giữa dòng, ta phải về phục lệnh. Phạm Lãi gọi tỉnh vợ chồng Việt vương: - Quân vương! Quân phu nhân! Cả hai đứng lên, bước ra khoang thuyền. Nhìn thấy cả hai, Vưng Tôn Lạc nói lại lần nữa: - Việt vương tôn trọng, ta trở về phục lệnh. Câu Tiễn thành thật hướng về vị đại phu đưa tiễn vợ chồng mình, đáp: - Đa tạ Đại phu tương tống. Kính nhờ Đại phu chuyển đến Đại vương... Câu Tiễn này còn sống ngày nào nhất định sẽ báo đáp ân Đại vương ngày đó. Sau ba hồi trống giục, mười hai chiến thuyền của Ngô quốc từ giữa dòng Tiền Đường quay trở về Ngô. Từ đó, Việt vương nhìn thấy dạng khói và cây cỏ ở bờ phía Nam, tim đập rộn rã, nhà vua nắm chặt tay: - Trời! Trời ơi, ta về đến Tổ quốc rồi! Nước mắt của quân phu nhân cũng lã chã rơi. Câu Tiễn nhìn bờ Giang Nam lẩm bẩm: - Trời xanh che chở cho giang sơn không phải âu lo... Phạm Lãi cũng từ khoang thuyền bước ra nhìn bờ phía Nam. Tuy đó không phải tổ quốc của chàng, song đó là vùng đất cũ. - Thiếu Bá! (Việt vương đặt một tay trên vai Phạm Lãi, trầm giọng nói tiếp) Ta thật không còn mặt mũi nào nhìn thấy nhân dân. - Đại vương sẽ được toàn dân nước Việt tôn sùng. - Chúng ta có thủy có chung, Thiếu Bá hãy giúp ta! Tay Việt vương đè nặng thêm, Phạm Lãi xúc động ứa nước mắt mỉm cười ra ý bảo Việt vương không nên nói chuyện ngày sau ở trên thuyền, bởi vì trên thuyền hãy còn có người Ngô. Vì thế, cả ba đều trầm mặc, lặng lẽ nhìn bờ phương Nam... Từ bờ phía Nam, tám chiếc thuyền nhỏ lướt ra nghênh đón vị vua nước Việt, thuyền đưa Việt vương từ từ cập bến giữa tiếng của người người đứng chật ven sông hò reo vang dậy: - Đại vương về nước, đại vương trở về rồi! Quan đại phu nhận lãnh nhiệm vụ giữ nước là Văn Chủng xuất lãnh quan viên nước Việt bày thành hàng ở ven bờ. Đợi khi thuyền cập bờ, thả ván dài xong, các quan đều quỳ xuống, đồng thanh thốt tiếng nghẹn ngào: - Đại vương! Đại vương! Câu Tiễn bước lên bờ, đỡ Văn Chủng đứng lên trước, nghẹn ngào nói: - Những tưởng trẫm không về được. Tiếng reo hò của nhân dân nước Việt càng thêm vang động. Câu Tiễn cầm tay Văn Chủng, quay sang Bắc, lửa cừu hận như từ trong lồng ngực cháy lên. Nhưng nhà vua cắn môi, nuốt lửa giận, trở giọng lạ lùng: - Sẽ có một hôm, ta báo đáp ân đức của Ngô vương! Văn Chủng nhận từ tay tùy tùng một hồ rượu, rót dâng lên: - Kính mừng đại vương! Câu Tiễn nhận rượu, chưa uống, Văn Chủng đã rót chung thứ hai kính dâng quân phu nhân. Câu Tiễn bỗng sụp quỳ trên đất, rưới rượu đều ra, quân phu nhân cũng làm như vậy, Phạm Lãi đứng phía sau lên tiếng giải thích: - Quân vương và phu nhân tế cáo hậu thổ... Lúc Việt vương đứng lên, đại phu Văn Chủng lại đưa vị quan Ngô trấn đóng trên nước Việt đến ra mắt Việt vương, đồng thời nói: - Nước ta an toàn đều trông nhờ Tiêu tướng quân đây! Câu Tiễn vội vã vòng tay chào... hiểu rõ dụng ý của Văn Chủng. Trên bờ sông có người Ngô giám thị, không tiện nói nhiều. Thế nên, qua loa với tướng nước Ngô vài câu, Việt vương quay sang bo Văn Chủng: - Trẫm muốn về Gia Lãm. - Thưa, xa giá đã chuẩn bị xong. Văn Chủng vẫy tay, một hồi trống giục, kế thấy một cỗ xe lướt tới. Từ trên nhảy xuống một vị tướng trẻ được Việt vương sấn tới cầm tay: - Ô, Gia Kê Dĩnh! Vợ chồng Việt vương lên xe, Gia Kê Dĩnh tạm thời đóng vai đánh xe chạy như bay dưới đại kỳ dẫn lộ. Văn Chủng bước tới cầm tay người bạn thiết, cảm khái nói: - Suốt ba năm, Thiếu Bá khổ sở lắm rồi! - Tất cả chúng ta đều khổ. - Bỏ chuyện cũ đi, hãy còn ngày dài chờ đợi. - Bây giờ đừng nói chuyện tương lai với tôi được chăng? Anh trông tôi đây, đã ba năm làm tên giữ ngựa. - Thế thì đối với việc nuôi ngựa, Thiếu Bá tâm đắc lắm. Chúng ta hiện rất cần một người nuôi ngựa! Văn Chủng vừa nói vừa kéo Phạm Lãi về một cỗ xe. Nhưng sau khi lên xe, chuyện cởi mở tâm tình nhẹ nhàng như vừa rồi không còn nữa. Văn Chủng tựa ngả vào vai bạn, nói giọng trầm buồn: - Thiếu Bá! Suốt ba năm rồi, trọng trách đối với nước Việt gần như làm còng lưng tôi. Nay quân vương về, tôi mới có thể thở phào một hơi nhẹ nhõm. - Chưa thể như vậy được... - Ba năm ở chung với quân vương, thế chắc Thiếu Bá đã hiểu nhà vua nhiều lắm? - Có thể nói vậy. Câu Tiễn là một nhân vật hơn đời, có sức nhẫn nhục khôn cùng, ngày sau có thể trả thù được. Nói đến đây, Phạm Lãi bỗng trở nên nghiêm nét mặt nhìn thẳng vào Văn Chủng: - Tử Hội! (tên tục vủa Văn Chủng) có lúc tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta chịu khổ? Chúng ta không gốc rễ gì với nước Việt cả. Chúng ta từ nước Sở sang... - Không - Văn Chủng cũng nghiêm trang - Tôi đã thành người Việt! Phạm Lãi không sao thoát khỏi ngạc nhiên kêu lên: - Tử Hội! Anh và tôi đều từ nước Sở sang đấy! - Phải. Tôi nhận lệnh của Sở vưng để sang nước Việt, có nhiệm vụ giúp nước Việt đánh Ngô để làm giảm áp lực của Ngô đối với người Sở chúng ta. Thiếu Bá! Nhưng ba năm rồi tôi đã mọc rễ ở Việt quốc. Việt vương đã tin dùng tôi, trăm họ nước Việt nhìn Tử Hội này như anh em thì sao tôi lại không đi nốt con đường? Phạm Lãi trầm ngâm, khá lâu không nói gì. - Thiếu Bá, anh đã lạnh lòng đối với nước Việt rồi chăng? - Không... Ba năm qua, Câu Tiễn đối với tôi như thể anh em, về mặt tình cảm, tôi vẫn cảm thấy thâm sâu với Việt hơn cả Sở! - Thiếu Bá, thế thì không phải nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa. Nước Việt và nước Sở trước kia vốn là một gốc, giờ chúng ta an cư ở đây thì cứ việc sinh sống ở đây. Anh và tôi, chúng ta có thể giúp cho nước Việt đủ sức xưng bá. Xe lắc lư, hai người nước Sở trên xe tâm sự nặng nề. Cả hai không có cách nào quên tình đối với nơi chôn rau cắt rốn nhưng mảnh đất Việt cũng hấp dẫn họ rồi. Mảnh đất Đông Hải đã thấm ướt mồ hôi của họ khiến cho lòng họ đầy mâu thuẫn, bị dày vò. Huống chi, ở nước Việt, họ là những nhân vật thuộc hàng tối cao, nhận lãnh trách nhiệm càng cao đến làm mờ đi ý thức quốc gia, dân tộc. Sau khi trầm ngâm khá lâu, Văn Chủng hỏi nhỏ: - Thiếu Bá, quân vương tính toán thế nào đối với tương lai? - Lúc qua sông Tiền Đường, Ngài từng bày tỏ với tôi sẽ tập trung lực lượng, chờ đợi thời cơ, nhất định phi rửa cho sạch mối nhục Hội Kê. - Ô, trăm họ nước Việt cũng đều có lòng muốn rửa nhục. Ba năm qua họ tỏ ra rất tích cực. Vì chuyện phải cung ứng cho người Ngô, họ đều thắt lưng buộc bụng sống qua ngày mặc dầu liên tiếp ba năm họ được mùa, tình trạng khả quan lắm! - Lúc ở Ngô, tôi nghe một người khen anh. Văn Chủng cả cười: - Nhất định người ấy là Ngũ Tử Tư, anh hùng biết anh hùng. - Đúng. Người ấy là cột chống trời của nước Ngô đấy. Phạm Lãi thở dài tiếp: - Chỉ cần người ấy còn sống thì Ngô quốc không thể bị quật ngã được. - Tôi biết chúng ta phải quật ngã người ấy trước. Xe lắc lư, cả hai nhìn về Hội Kê sơn, nhớ đến mối hận bại binh năm nào.